“Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”: Ký ức, Văn hóa và Bí tích
“HÃY LÀM VIỆC NÀY MÀ TƯỞNG NHỚ ĐẾN THẦY”: KÝ ỨC, VĂN HÓA VÀ BÍ TÍCH
Tổng Giám mục Charles J. Chaput, OFM Cap.
WHĐ (17.09.2023) - Ghi chú của biên tập viên: Bài thuyết trình chính sau đây được Đức Tổng Giám mục Charles J. Chaput trình bày tại Hội nghị chuyên đề về Thánh Thể tại Nhà thờ Chính tòa Saint Thomas More ở Arlington, VA, Hoa Kỳ vào ngày 22 tháng 10 năm 2022.
Chủ đề của chúng ta hôm nay là Bí tích Thánh Thể và những lời của Chúa Giêsu trong Lc 22: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Vì vậy, tôi muốn tập trung bài chia sẻ của mình vào ba điều đơn giản: tầm quan trọng của ký ức; nơi ghi nhớ trong nền văn hóa Mỹ; và vai trò của Thánh Thể trong việc nhắc nhớ Thiên Chúa là ai, chúng ta là ai, và tại sao chúng ta ở đây.
Ký ức
Ký ức là một điều kỳ lạ. Hầu hết các loài động vật đều ghi nhớ và tìm cách tránh nguy hiểm. Nhưng trí nhớ của con người là duy nhất và nhạy bén. Đó là một trong những món quà xác định tư cách thụ tạo của chúng ta. Chúng ta là loài duy nhất chôn cất người chết và đánh dấu mộ của họ. Và chúng ta làm điều đó vì sự tôn kính đối với vai trò của họ trong thế giới mà chúng ta chung sống và để giữ cho những người đã khuất sống mãi trong ký ức của chúng ta.
Khi chúng ta quên đi quá khứ, chúng ta đánh cắp một thứ quý giá từ chính nhân tính của chúng ta vì quá khứ đã tạo nên và hình thành hiện tại. Dân tộc chúng ta - nói chung - là thành quả của những người đi trước chúng ta. Chúng ta thêm vào câu chuyện của nhân loại bằng cuộc đời của chính mình, nhưng chúng ta không bao giờ bắt đầu từ một trang giấy trắng. Bản thân Kinh Thánh chỉ đơn giản là ký ức được ghi lại về công trình của Thiên Chúa theo dòng thời gian, được thực hiện qua Dân được chọn của Ngài. Khi Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samari trong Gioan 4 rằng “ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái”, Người đang gói gọn trong vài từ một vở kịch thần linh, được truyền qua nhiều thế hệ của dân Chúa.
Thiên Chúa đã chọn dân Do Thái làm ánh sáng muôn dân. Ngài giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Ngài tách họ ra khỏi dân tộc khác. Ngài hứa cho họ một vùng đất giàu có của riêng họ với những điều tốt đẹp. Và giao ước của Ngài với người Do Thái là không thể thay đổi. Nó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Là Kitô hữu, chúng ta được ghép vào một câu chuyện xảy ra trước khi Con Thiên Chúa ra đời hàng trăm năm và chuẩn bị cho con đường của Người. Đó là lý do tại sao các sách Cựu Ước không hề “cũ” đối với chúng ta chút nào. Chúng luôn xanh tươi và mới mẻ trong những bài học được ghi nhớ mà chúng dành cho chúng ta ở đây và lúc này.
Một trong những bài học đó là thế này. Cũng giống như con người chúng ta có một món quà kỳ diệu là ghi nhớ, chúng ta cũng có một tài năng ngang bằng và đối lập là quên. Chúng ta có thể là homo sapiens, con người khôn ngoan. Chúng ta có thể tưởng tượng mình là homo deus, con người thần thiêng. Nhưng thực ra, chúng ta là homo oblitus, con người hay quên. Các bằng chứng thật hiển nhiên. Và cũng thật nguy hiểm, bởi vì khi quên đi quá khứ, sớm muộn gì chúng ta cũng quên mất chúng ta thực sự là ai:
Một trong những đoạn yêu thích của tôi trong toàn bộ Kinh Thánh là phần chuyển tiếp từ chương cuối cùng của Sách Yôsua qua chương thứ hai của Sách Thủ lãnh. Sự sắp xếp này mang tính hướng dẫn. Sau cái chết của Môsê, Thiên Chúa chỉ định Yôsua lãnh đạo dân tộc của ông băng qua sông Jordan và vào Đất Hứa. Và Thiên Chúa đảm bảo cho dân sự thịnh vượng và thành công trong trận chiến - miễn là họ tuân giữ Luật mà Ngài đã ban cho Môsê. Yôsua trung thành và lãnh đạo dân chúng trải qua cuộc chiến chinh phục khốc liệt. Cuối cùng, về cuối đời, sau khi đánh bại tất cả kẻ thù của dân tộc mình, Yôsua tập hợp các chi tộc Israel lại với nhau. Ông khuyến khích họ chọn vị thần mà họ sẽ phục vụ: Thiên Chúa của Abraham, Isaac, và Môsê hoặc các vị thần ngoại lai mà tổ tiên họ và những kẻ thù đã bị khuất phục từng tôn thờ. Và mọi người đáp lại:
“Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác! Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai Cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi”.
Nhưng Yôsua có một trí nhớ rất nhạy bén. Và vì vậy ông cảnh cáo rằng, “Anh em hãy cam đoan với chính mình là anh em đã chọn Đức Chúa để phụng thờ”. Và dân chúng trả lời, “Xin cam đoan!” (Gs 24, 16-17. 22)
Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Ngay khi Yôsua và thế hệ của ông qua đời, người Do Thái bắt đầu lãng quên. Hầu như ngay lập tức họ rơi vào tình trạng thờ ơ và thờ ngẫu tượng. Và kết quả, như Sách Thủ lãnh cho chúng ta biết, thật tồi tệ:
“Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với Israel và đã trao họ vào tay quân cướp cho chúng tha hồ bóc lột; Người đã trao họ vào tay kẻ thù chung quanh, nên họ không thể đương đầu nổi với kẻ thù. Cứ mỗi lần họ xuất trận là tay Đức Chúa giáng hoạ trên họ, như Đức Chúa đã phán và thề với họ...” (Tl 2, 14).
Có hai sự thật quan trọng được rút ra từ câu chuyện này. Sự thật đầu tiên đó là: Sự bất trung của Israel xuyên suốt Kinh Thánh của người Do Thái - mà chúng ta gọi là Cựu Ước - là thâm căn cố đế và lặp đi lặp lại không ngừng. Nhưng sự thật thứ hai là: Lòng trung thành của Thiên Chúa với giao ước của Ngài cũng là cố hữu. Và nó bền bỉ. Thiên Chúa không bao giờ quên. Ngài vẫn trung thành với dân Ngài, bất chấp sự yếu đuối và tội lỗi của họ. Ngay cả những hình phạt của Thiên Chúa cũng có ý định để dẫn Israel trở lại vòng tay của Ngài. Người Do Thái vừa mới ra khỏi Ai Cập thì sự sa ngã của họ bắt đầu. Trong khi Môsê đang nhận các Điều Răn từ Thiên Chúa trên núi Sinai, thì ở bên dưới người Do Thái đang bận rộn đúc và thờ một con bò vàng. Họ trải qua 40 năm tiếp theo lang thang trong sa mạc như một hình phạt của mình.
Tuy nhiên, chính sự tồn tại của một bản ghi chép trong Kinh Thánh về sự bội giáo, đau khổ, sám hối, và hoán cải, chứng tỏ rằng tâm hồn con người có một khao khát khôn nguôi qua thời gian và văn hóa về một điều gì đó hơn thế giới này. Chúng ta khao khát được hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta và là Đấng yêu thương chúng ta bất kể tội lỗi của chúng ta. Cuốn nhật ký Kinh Thánh phức tạp này về trải nghiệm của con người là kho tàng quý giá của người Do Thái làm chứng cho thế giới. Như Chúa Giêsu đã nói một cách đơn giản và chân thực: Ơn cứu độ đến từ dân Do Thái.
Ký ức quan trọng. Người Do Thái tồn tại bởi vì họ nhớ họ là ai. Nhưng quan trọng hơn, họ nhớ Thiên Chúa là ai và Thiên Chúa đã làm gì cho họ. Những tín hữu Do Thái đóng góp những điều tốt đẹp cho thế giới xung quanh họ - nhưng họ cũng bảo vệ và trân trọng những điều khiến họ trở nên khác biệt và định hình họ. Là Kitô hữu, chúng ta cần phải suy nghĩ và sống giống như vậy. Chúng ta cần nhớ công trình cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện, và tiếp tục thực hiện cho chúng ta, trong Chúa Giêsu Kitô.
Giờ đây, tin xấu là chúng ta đang sống trong một đất nước mà, theo bản năng, không thích quá khứ. Chúng ta là một novus ordo seclorum, một “trật tự mới của các thời đại”. Đối với tinh thần Mỹ - như Henry Ford đã nói một câu nổi tiếng - lịch sử là một mớ hỗn độn. Chúng ta tận hưởng nỗi nhớ cứ như đi chơi Disneyland trong tâm tưởng, nhưng quá khứ thực sự có những góc cạnh sắc nét và những ngăn tủ tối tăm. Quá khứ thực sự đi kèm với nghĩa vụ. Nhớ quá nhiều và quá rõ ràng có thể là một nhược điểm. Đó là một cối xay xoay quanh những điều phù phiếm của chúng ta trong hiện tại và những tham vọng của chúng ta trong tương lai. Đây là điều làm cho việc quên đi cội rễ Kinh Thánh của chúng ta với tư cách là một quốc gia không chỉ khả thi mà còn thuận tiện. Và cuộc sống của người Mỹ càng trở nên thế tục mạnh mẽ, chúng ta càng làm trầm trọng thêm hai vấn đề chính làm cho chúng ta suy yếu và rạn nứt với tư cách là một dân tộc.
Đây là vấn đề thứ nhất: Chúng ta ngày càng mất khả năng suy nghĩ một cách rõ ràng. Lý luận đòi hỏi thời gian. Nó đòi hỏi sự tôn trọng đối với các bài học lịch sử, đối với phả hệ của các ý tưởng, và việc kiểm tra, so sánh các lập luận trên nền các chân lý đã học. Nhưng nước Mỹ mà chúng ta có ngày nay là một nền văn hóa được xây dựng dựa trên tiếp thị - và tiếp thị hoạt động theo cách hoàn toàn ngược lại.
Tiếp thị thu hút sự thèm muốn ngay lập tức của chúng ta, ở đây và lúc này. Nó ghì chúng ta trong hiện tại. Nó tuỳ thuộc vào việc kìm nén suy nghĩ phê bình của chúng ta và bất kỳ ký ức nào có thể nuôi dưỡng nó, bởi vì những người suy nghĩ rõ ràng và ghi nhớ cẩn thận có thể không mua sản phẩm hoặc tin vào lời rao hàng. Điều đó giải thích tại sao hoạt động tiếp thị gắn chặt với những hình ảnh thay đổi nhanh chóng. Hình ảnh hoạt động bên dưới hệ thống radar của tư duy phản biện của chúng ta. Đó là lý do tại sao các quảng cáo thuốc lá, trong rất nhiều năm, đã bao bọc thói quen hút thuốc bằng hình ảnh những người trẻ bóng bẩy và cường tráng, thay vì các khối u phổi giai đoạn bốn.
Một trẻ em Mỹ trung bình xem hơn nửa triệu quảng cáo truyền hình trong độ tuổi từ 3 đến 18. Đó là tới 9.000 giờ quảng cáo, chưa kể tiếng ồn tinh thần của internet, radio, và tạp chí. Khối lượng đó giống như giáo dục đại học về lòng tham, sự chỉ quan tâm đến bản thân và những kỳ vọng không thể đạt được để rồi kết thúc trong âu lo và oán giận. Nhân danh sự phục vụ người tiêu dùng, chúng ta làm cho những người nghiện mua sắm phải thường xuyên kiếm tìm hàng hóa và dịch vụ mới. Hiện nay chúng ta có hàng triệu người đang sống một cuộc sống bất an và bất mãn một cách giả tạo - và nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc vào việc cứ giữ họ sống như thế.
Điều này khoét rỗng đời sống nội tâm của các cá nhân, hôn nhân, gia đình và các tổ chức công cộng. Chúng ta không cho phép mình suy nghĩ về logic của bộ máy kinh tế cho thấu đáo, bởi vì chúng ta không muốn đối phó với những gánh nặng trong việc đổi mới lối sống của mình.
Đây là vấn đề thứ hai, và nó bắt nguồn từ vấn đề thứ nhất: Chúng ta ngày càng mất khả năng tưởng tượng và hy vọng. Người Mỹ, ít nhất là cho đến rất gần đây, chưa bao giờ là một dân tộc nặng ý thức hệ. Chúng ta thực tế và linh hoạt. Chúng ta là những người chế tạo công cụ. Chúng ta tin tưởng vào kết quả. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta xây dựng bộ máy kinh tế mạnh nhất thế giới; hoặc chúng ta vượt trội về khoa học và công nghệ; hoặc những nguyên tắc này đạt được ảnh hưởng vượt trội như vậy trong nền văn hóa của chúng ta.
Nhưng công nghệ luôn mang theo nó một “sự trả thù của những hậu quả không thể lường trước”. Và một trong những hậu quả không lường trước được của khoa học là chúng ta trở thành đối tượng và nạn nhân của nó. Matthew Crawford, một tác giả và nhà phê bình văn hóa, đã lưu ý cách đây vài năm rằng ngành công nghiệp cờ bạc - trong số nhiều nhà cung cấp sản phẩm khác - sử dụng khoa học hành vi một cách rất có chủ ý để tạo ra “sự nghiện ngập có chủ ý”. Máy đánh bạc điện tử được chế tạo đặc biệt để củng cố thói quen gây nghiện nơi người đánh bạc. Nói cách khác, cái giá phải trả cho thiên tài khoa học của chúng ta là sự suy giảm nhận thức của chúng ta về linh hồn, sự gia tăng quan điểm duy vật về thế giới và sự xói mòn ý thức của chúng ta rằng, theo một cách nào đó, nhân loại là duy nhất. Hy vọng và trí tưởng tượng phát triển từ niềm tin của chúng ta vào sự vĩ đại của sự sáng tạo và mục đích cao cả hơn cho cuộc sống chúng ta. Nếu tất cả hiện hữu của chúng ta là bản sao bằng giấy than (carbon) thông minh - thì hy vọng và tưởng tượng chỉ là những điều kỳ quặc của giống loài. Và bất cứ cuộc nói chuyện nào về sự thánh thiêng của con người cũng vậy.
Việc quảng cáo càng lạm dụng ngôn ngữ của những thèm khát nơi chúng ta để bán sản phẩm tiêu dùng, để tâng bốc những điều phù phiếm, để kích thích khẩu vị, và làm lu mờ trách nhiệm của chúng ta đối với những người đau khổ và túng nghèo... thì ước mơ và lý tưởng của chúng ta càng trở nên hỗn độn. Chúng ta lẫn lộn đến mức không còn nhận ra thế nào là tình yêu đích thực, việc lương thiện, sự tự do, tình bằng hữu, lòng trắc ẩn, gia đình, cộng đồng, lòng yêu nước - và chính mục đích đời sống.
Chúng ta càng cố gắng nhiều hơn nữa để lấp đầy khoảng trống trong cuộc sống của mình bằng sự bừa bộn vật chất - những thứ vốn chẳng bao giờ thực sự có thể chữa lành sự trống rỗng đó. Càng có nhiều, chúng ta càng sợ mất đi những gì mình có. Và điều này dẫn chúng ta ngày càng lún sâu hơn vào sự phù phiếm, bất kể chúng ta sở hữu bao nhiêu hoặc cố gắng đánh lạc hướng bản thân một cách điên cuồng đến mức nào.
Bí tích
Điều này dẫn chúng ta đến điểm cuối cùng của những nhận xét này: vai trò của Thánh Thể trong việc nhắc nhớ chúng ta chúng ta là ai và tại sao chúng ta ở đây.
Tôi bắt đầu nhận xét của mình hôm nay bằng một câu chuyện từ Cựu Ước vì nó dọn đường cho Tân Ước. Thiên Chúa chọn dân tộc Do Thái làm “ánh sáng cho muôn dân”; một ánh sáng mà Ngài đã thanh lọc, hoàn thiện và nhập thể nơi Ngôi vị, Con của Ngài, Đức Giêsu Kitô. Chính Đức Giêsu Kitô ấy đang sống động giữa chúng ta hiện nay trong mọi cử hành Thánh lễ, trong các nhà tạm, và các nhà chầu Thánh Thể của chúng ta. Nhiều người Công giáo không còn thực sự tin điều đó nữa; không thực sự tin trong tâm khảm của họ. Họ là những người tốt lành. Họ đến tham dự Thánh lễ. Họ yêu mến Giáo hội. Họ xếp hàng và rước lễ. Nhưng họ không thực sự hiểu những gì họ đang làm, bởi vì rất nhiều người trong chúng ta sống phần lớn cuộc đời mình trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh, trong sự mơ màng của những chia trí, lo lắng, tiếng ồn và thuốc gây mê. Điều siêu nhiên và kỳ diệu dường như xa vời và không thực tế; đó là những lời đạo đức không có sức hút trong tâm hồn và hành động của mọi người.
Có một loại thuốc giải độc cho cơn ngủ kịch phát đó. Và nó bắt đầu bằng cách đơn giản là đọc - từ câu đầu tiên trong Tin Mừng Matthêu đến câu cuối cùng trong sách Khải Huyền - cuốn sách mà tất cả chúng ta đều nói là mình tin: Tân Ước. Không thể đọc Lời Chúa trong tĩnh lặng mà lại không gặp sự hiện diện của Chúa. Con người là những thụ tạo chết đói nếu không có cái đẹp và ý nghĩa. Chúng ta trở nên sống động khi gặp ai đó hoặc điều gì đó mà mình yêu thích. Và chính xác là “điều gì đó” đã xảy ra ở Giuđê và Galilê 2.000 năm trước; một điều gì đó đã biến đổi hoàn toàn cuộc sống hoài nghi và đảo lộn thế giới.
Chẳng ai có thể đọc các thư của Thánh Phaolô mà lại không say sưa trong niềm đam mê mãnh liệt của ngài đối với Tin Mừng. Thánh nhân hết sức nhiệt tâm với con người của Đức Giêsu Kitô. Và Phaolô không bao giờ dao động, bất chấp sự phản bội, đánh đập, thử thách, tù đày - và cuối cùng là tử đạo. Phaolô là một người Pharisêu có học thức, một công dân Rôma, một người hết sức đúng mực. Ngài chưa bao giờ là người thích tưởng tượng hoặc hoang đường lập dị, và ngài đã bách hại những Kitô hữu tiên khởi chính vì lý do đó. Chẳng một người nào như thế có thể làm được những điều mà cuối cùng Phaolô đã hoàn thành trừ khi người ấy thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô phục sinh trên đường đến Đamát. Khoảnh khắc đó đã bẻ cong vòng cung của lịch sử loài người.
Vẻ long trọng mà Phaolô đưa ra qua những lời của ngài về việc cử hành Thánh Thể xứng hợp trong thư 1 Côrintô 11, 27 cho thấy rõ ràng rằng bánh và rượu trong bí tích chính là Mình và Máu Chúa Giêsu. Đối với Phaolô và tín hữu Giáo hội sơ khai, Chúa Giêsu không phải là một ký ức chết. Chúa Giêsu là một sự hiện diện sống động một cách thể lý giữa họ trong các cử hành Thánh Thể. Và kể từ đó, đức tin nền tảng này đã trở thành động lực của bản sắc, sự tồn tại và sứ mạng của Kitô hữu.
Tất nhiên, trong một thế giới của sự kiêu hãnh duy khoa học, sự hoài nghi về những điều như vậy khoác lên mình bộ áo của sự khôn ngoan. Nhưng chúng ta hãy nghĩ về điều đó một chút.
Chúng ta gọi Thánh Thể là một Bí tích, và gốc của từ “bí tích” là từ tiếng Latinh, sacer, có nghĩa là thánh thiêng hoặc thánh hóa. Sacer chỉ đơn giản là bản dịch tiếng Latinh của từ tiếng Hy Lạp musterion, có nghĩa là mầu nhiệm. Mầu nhiệm là một điều gì đó khó hoặc không thể hiểu hay giải thích được... nhưng vẫn có thật. Tình yêu và lòng trung thành không phải lúc nào cũng hợp lý, nhưng chúng luôn có thật một cách mãnh liệt. Chẳng có khoa học nào có thể giảm chúng thành các kích thích hóa học có thể dự đoán được. Khoa học là một môn học về những dữ liệu có thể quan sát được, có thể lặp lại. Và tất cả các nguyên tắc và dữ liệu như vậy đều có giới hạn của chúng. Như C.S. Lewis đã từng nói, con người chúng ta sống trong vỏ bọc của các giác quan - những gì chúng ta có thể nhìn, nghe, chạm, ngửi và nếm. Các giác quan của chúng ta là những món quà mạnh mẽ, nhưng về bản chất, chúng không thể cảm nhận được những gì nằm bên ngoài ranh giới vỏ bọc của chúng.
Do đó, những gì vô hình và không thể giải thích được có thể trở nên chân thực một cách sống động. Tất cả chúng ta theo bản năng đều biết điều này. Chúng ta cảm nhận được điều đó khi tưởng tượng, mơ ước và yêu thương. Trí tưởng tượng mang tính bí tích là một phản ứng thực tế và nhân văn sâu sắc đối với điều kỳ diệu xung quanh chúng ta. Mọi cuộc gặp gỡ cá nhân, có ý thức với điều thánh thiêng đều nâng chúng ta lên, ra khỏi chính mình, đi vào vẻ đẹp siêu việt của sự sáng tạo của Thiên Chúa. Và đó là lý do tại sao nền văn hóa duy vật, một nền văn hóa dựa trên sự giao dịch không ngừng, lại hoạt động rất chăm chỉ để bóp nghẹt chúng ta bằng những chia trí và tiếng ồn, đồng thời kéo chúng ta trở lại thế giới nằm ngang của những chân trời thấp kém, tham lam, và lo lắng.
Công đồng Vatican II và các hướng dẫn tiếp theo của Công đồng đã mô tả Thánh Thể là nguồn mạch, là chóp đỉnh, và là “trung tâm đích thực của toàn bộ đời sống Kitô hữu” (EM, 1). Thánh Thể đồng thời là một hy tế, một lễ tưởng niệm, và một bữa tiệc thiêng liêng, trong đó chính Chúa Kitô, cùng với Giáo hội của Người, “kéo dài một cách không đổ máu hy lễ hiến dâng trên thập giá” (EM, 3).
Điều đó có nghĩa đơn giản là thế này: Thánh Thể không chỉ là một phép ẩn dụ, một sự kiện thuần túy tâm linh, hay một biểu tượng. Đó là Mình và Máu sống động của Chúa Giêsu Kitô, được sinh ra bởi bánh và rượu nhờ thừa tác vụ của linh mục. Nếu nó chỉ là một biểu tượng, thì như tác giả Công giáo lừng danh, Flannery O'Connor, đã từng nói, “thì kệ nó đi.” Nhưng đó không phải là những gì bà ấy tin, và đó không phải là Thánh Thể. Thánh Thể là Thiên Chúa nhập thể, hiện diện hữu hình giữa những người thờ phượng, theo Luca 22, 19-20, Matthêu 18, 20 và Gioan 6, 48-58. Và đây là lý do tại sao, trong suốt lịch sử Kitô giáo, bắt đầu từ Thánh Phaolô, Giáo hội đã dành cho phụng vụ Thánh Thể một sự tôn kính sâu sắc như vậy.
Đó cũng là lý do tại sao việc lãnh nhận Thánh Thể một cách không xứng đáng, như một thói quen thiếu suy nghĩ, lại gây phản tác dụng và cuối cùng là giết chết linh hồn. Lạm dụng điều thánh thiêng là một hình thức khinh thường chính Thiên Chúa. Và sớm hay muộn, điều đó sẽ kết thúc tồi tệ cho kẻ lạm dụng.
Như tôi đã nói trước đó: Chúng ta ở vào thời điểm mà nhiều người Công giáo, ngay cả nhiều người thường xuyên tham dự Thánh Lễ Chúa nhật, không còn tin vào Sự Hy tế Thực Sự hay Sự Hiện Diện Thực Sự. Chúng ta đã quên chúng ta là ai với tư cách là một tín hữu. Đây vừa là nguyên nhân vừa là triệu chứng của tinh thần Công giáo thờ ơ ngày nay, trong nền văn hóa của quốc gia chúng ta và trong chính Giáo hội. Nhưng điều đó có thể thay đổi, và nó cần phải thay đổi, bắt đầu từ mỗi chúng ta ở đây.
Phép Rửa mang lại cho chúng ta căn tính và sứ mạng của mình. Thánh Thể nuôi sống và nâng đỡ cả hai bằng chính con người Chúa Giêsu, hữu hình và sống động. Nguồn gốc của từ “Thánh Thể” trong tiếng Hy Lạp eukharistia, có nghĩa là “tạ ơn”. Thánh Thể về cơ bản là hiện thân bằng xương bằng thịt của tình yêu Thiên Chúa dành cho dân của Ngài và lòng biết ơn của con người chúng ta đối với hồng ân cứu chuộc. Một cuộc sống biết ơn trong một thế giới tham lam và ích kỷ là một hành động cách mạng; một cuộc nổi dậy chống lại sự tồi tàn và những cơn đói không được thỏa mãn của một thế giới duy vật. Như thánh Augustinô đã nói cách nay 16 thế kỷ, tâm hồn chúng ta khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa, và Con Thiên Chúa gõ cửa tâm hồn chúng ta vào mỗi Thánh Lễ Chúa nhật, trong mỗi lần Rước Lễ.
Sự tuân theo việc ăn năn, xưng tội và hoán cải; sự hy sinh tự hiến trong sự kết hợp của chúng ta với sự tự hiến của chính Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha; tuân giữ việc cá nhân chầu Thánh Thể trong thinh lặng; rước lễ cách ý thức với tinh thần khiêm tốn thực sự và thờ phượng mật thiết - những điều này, theo thời gian, chữa lành con tim khắc khoải và thay đổi trục quay của thế giới.
Như từ xa xưa Yôsua đã nói với các chi tộc Israel, hôm nay chúng ta cần chọn là sẽ phụng sự Thiên Chúa nào. Và nếu chúng ta nhớ Thiên Chúa của chúng ta là ai, Ngài đã và đang làm gì cho chúng ta; nếu chúng ta nhớ chúng ta là ai với tư cách là một dân tin vào Chúa và lựa chọn đúng đắn; thì chúng ta, những người chúng ta yêu thương, và thế giới rộng lớn hơn mà chúng ta được kêu gọi để thánh hóa, sẽ trở nên tốt hơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: catholicworldreport.com (22.10.2022)
bài liên quan mới nhất
- Ngày 12 tháng 01: Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
-
Ngày 06 tháng 01: Lễ Trọng Chúa Hiển Linh -
Ngày 01 tháng 01: Lễ Trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa -
Ngày 29 tháng 12: Lễ Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse -
Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh -
Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024