Giáo hội Côte d'Ivoire và tình hình nội chiến tại đây

Giáo hội Côte d'Ivoire và tình hình nội chiến tại đây

Trong các tháng qua cuộc cách mạng dân chủ tại các quốc gia Bắc Phi và trong thế giới Ảrập cũng như nạn động đất sóng thần và ô nhiễm phóng xã nguyên tử tại Nhật Bản đã khiến cho thế giới lãng quên tình hình nội chiến tại Côte d'Ivoire. Kể từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái Côte d'Ivoire lâm cảnh nội chiến vì tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo vẫn cho rằng mình thắng cử, trong khi cộng đồng quốc tế thừa nhận ông Alassane Ouattara là tổng thống tân cử, vì được nhiều phiếu hơn. Các cuộc giao tranh giữa hai lực lượng đối nghịch đã khiến cho hơn 500 người chết, và 400.000 người phải di cư lánh nạn chiến tranh, trong số này có hơn 110.000 người chạy sang nước Liberia láng giềng.

Cộng hòa Côte d'Ivoire rộng hơn 322.000 cây số vuông, có 21,5 triệu dân. Giữa các năm 1900-1911 người dân nước này đã là nạn nhân của một cuộc diệt chủng do thực dân Pháp chủ mưu, bằng cách áp đặt chế độ nô lệ. Các ngược đãi của thực dân Pháp đã khiến cho từ 1,5 triệu dân chỉ còn lại có 160.000 người. Cũng giống như nhiều vùng đất thuộc địa khác của Pháp năm 1960 Côte d'Ivoire được độc lập. Tổng thống lập quốc là ông Félix Houphpouet Boigny đã cầm quyền cho tới năm 1993. Các vị kế nhiệm là Henri Konan Bédé, Robert Guei và Laurent Gbagbo. Giữa các năm 2002-2004 đã xảy ra nội chiến sau cuộc nổi loạn tại miền bắc do ông Guillaume Soro lãnh đạo. Ông Soro tố cáo tổng thống Gabagbo là độc tài. Để giải quyết các tranh chấp, Liên Hiệp Quốc đã gửi 10.000 lính bảo hòa tới Côte d'Ivoire. Thỏa hiệp hòa bìinh đã được hai bên ký kết hồi tháng 3 năm 2007.

Côte d'Ivoire có tới 60 chủng tộc khác nhau, trong đó 42,1% là người Akan, 17,6% là người Voltaici, 16,5% là người Mandé miền bắc; 12,7% là người Kru, 10% là người Mandé miền nam. Nguời gốc ngoại quốc chiếm 25% tổng số dân. Trên bình diện tôn giáo 45,4% tổng số dân theo Kitô giáo, đa số là công giáo, 38,6%, theo Hồi giáo và 11% theo đạo thờ vật linh.

Trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 30-3 vừa qua Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tha thiết kêu gọi chấm dứt xung đột và đối thoại xây dựng giữa các phe lâm chiến tại Côte d'Ivoire để tái lập hòa bình tại nước này.

Ngỏ lời bằng tiếng Pháp trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói: ”Từ lâu tôi thường nghĩ đến nhân dân nước Côte d'Ivoire, đang bị chấn thương vì cuộc nội chiến đau thương và vì những căng thẳng trầm trọng về xã hội và chính trị. Trong khi tôi bày tỏ sự gần gũi với tất cả những người đã mất người thân yêu và đang đau khổ vì bạo lực, tôi khẩn thiết gióng lên lời kêu gọi hãy khởi sự tiến trình đối thoại xây dựng vì công ích càng sớm càng tốt. Sự đối nghịch bi thảm càng làm cho việc tái lập sự tôn trọng và sống chung hòa bình trở nên cấp thiết hơn. Không thể từ bỏ một nỗ lực nào trong chiều hướng này.

”Với những tâm tình ấy, tôi quyết định gửi Đức Hồng Y Peter Kodwo Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đến Côte d'Ivoire, để ngài biểu lộ tình liên đới của tôi và của Giáo Hội hoàn vũ đối với các nạn nhân cuộc xung đột và khích lệ hòa giải và hòa bình”.

Hôm 29-3 vừa qua, khoảng 30 ngàn người đã chạy vào khu vực nhà thờ Công Giáo ở Duekoué ở miền tây Côte d'Ivoire để tránh các cuộc giao tranh giữa quân đội hai phe. Có nhiều người bị thương trong số những người tị nạn. Cùng ngày 29-3, Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc tố giác các cuộc xung đột đang gia tăng tại miền tây, miền trung và đông Côte d'Ivoire,
càng gia tăng tình trạng đau thương của dân chúng.

Ngày mùng 5-3 giới lãnh đạo Kitô và hồi giáo Côte d'Ivoire đã mạnh mẽ lên án bạo lực tàn phá hai đền thờ hồi giáo và kêu gọi đừng biến các xung khắc chính trị thành một cuộc khủng hoảng tôn giáo. Các vị cũng mạnh mẽ kết án các vụ tấn kích và xúc phạm tới các nơi thờ tự, vì chúng ta là các địa điểm thánh thiếng và là nơi tiếp đón các người tị nạn chiến tranh.

Đức Tổng Giám Mục Ambrose Madtha, Sứ Thần Tòa Thánh tại Côte d'Ivoire cho biết các linh mục đang bị chiếu cố bởi các nhóm võ trang và ngày 29-3 cha Richard Kissi, Giám đốc Caritas Côte d'Ivoire đã bị một nhòm võ trang bắt cóc. Đức Sứ Thần cũng cho biết các chủng sinh tại đại chủng viện Abidjan đã phải di tản, vì đại chủng viện bị chiếm đóng. Một linh mục bị bắt cóc trong lúc giám sát của di tản là cha Kissi và một vị khác bị đả thương sau khi làm việc ởđài phát thanh trở về.

Dân chúng các thuộc các khu phố Abobo và Adjamé tại Abidajan cũng đã di tản lánh nạn vì các cuộc giao tranh đã lan tới đây. Khu phố Abobo đã trở thành tổng hành dinh của các lực lượng phò tổng thống tân cử Ouattara. Đức Cha Jean-Pierre Kutwa, Tổng Giám Mục Abidjan đã kêu gọi Liên Hiệp Âu châu hủy bỏ lệnh cấm vận thuốc men đối với Côte d'Ivoire, vì nó gây thiệt hại cho dân chúng. Ngày 28-2 vừa qua Liên Hiệp Âu châu đã ra lệnh cấm vận thuốc men để gây áp lực bắt buộc tổng thống Gbagbo phải từ chức. Đức Cha Gaspard Bedy Gneba, Giám Muc giáo phận Man, cách AbidJan 586 cây số, cho biết trong các ngày 3-8 tháng giêng năm nay đã xảy ra các vụ xung đột giữa các chủng tộc tại Duékué, gây ra làn sóng di cư trong và ngoài nước.

Các tin tức mới nhất cho biết các nhóm võ trang phò tổng thống tân cử Ouattara đã chiếm thủ đô Yamoussoukro. Họ đã vào Abidjan là thủ đô thương mại nước Côte d'Ivoire, chiếm các cứ điểm trọng yếu và đang bao vây dinh tổng thống Laurent Gbagbo. Các lực lượng bảo hòa tìm cách giữ khoảng cách giữa hai phe để tránh các cuộc tàn sát đẫm máu có thể xảy ra.

Dù cuộc khủng hoảng có kết thúc ra sao đi nữa, tình hình Côte d'Ivoire vẫn có nguy cơ căng thẳng vì lý do chủng tộc và tôn giáo, bởi vì miền bắc có đa số dân theo Hồi giáo, trong khi miền nam có đa số dân theo Kitô giáo. Ngoài ra trên trên tổng số gần 22 triệu dân chỉ có 5,5 có quyền bỏ phiếu. Cho tới nay Côte d'Ivoire đã là một phép lạ kinh tế của Phi châu. Tuy không có nhiều quặng mỏ, nhưng Côte d'Ivoire là quốc gia sản xuất nhiều cà phê và ca cao đứng hàng đầu trên thế giới.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Théodore Adrien Sarr, Tổng Giám mục Dakar, và là đệ nhất Phó chủ tịch của tổ chức SECAM, tức Các Hội Đồng Giám Mục Phi châu và Madagascar. Trong các ngày từ 17 đến 19 tháng 2 vừa qua Đức Hồng Y đã hướng dẫn một phái đoàn các vị lãnh đạo tôn giáo viếng thăm Côte d'Ivoire để tỏ tình liên đới với Giáo Hội địa phương đang phải sống trong tình trạng nội chiến. Nhân dịp này phái đoàn cũng đã gặp tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo cũng như tổng thống tân cử Alessane Ouattara.

H: Thưa Đức Hồng Y, chuyến viếng thăm Côte d'Ivoire của phái đoàn các vị lãnh đạo tôn giáo do Đức Hồng Y hướng dẫn, đã nhắm các mục đích nào?

Đ: Mục đích chuyến viếng thăm là để tỏ tình liên đới của chúng tôi đối với nhân dân Côte d'Ivoire cũng như đối với Giáo Hội tại đây. Vì thế chúng tôi đã muốn gặp gỡ các Giám Mục Côte d'Ivoiore để nói với các vị rằng trong cuộc khủng hoảng chính trị xã hội này, chúng tôi tất cả đã phát động phong trào liên đới với dân nước Côte d'Ivoire trong các Giáo Hội đia phương của chúng tôi, qua lời cầu nguyện cũng như việc theo dõi các biến cố để lượng định xem hàng lãnh đạo tôn giáo Phi châu chúng tôi có thể làm gì để giúp đỡ nhân dân và Giáo Hội Côte d'Ivoire. Vì thế chúng tôi đã gặp gỡ các phe khác nhau liên lụy tới cuộc khủng hoàng này, hai tổng thống mãn nhiệm và tân cử được quốc tế thừa nhận.

H: Đức Hồng Y và phái đoàn các vị lãnh đạo tôn giáo đã chuyển sứ điệp nào tới tổng thống Laurent Gbagbo và tổng thống Alassane Ouattara?

Đ: Đó là hai bên phải biết chấp nhận các kết qủa của các cuộc bỏ phiếu, chấp nhận sự thật của cuộc bầu cử. Các cuộc bầu cử đã xong rồi, và tiến trình kiểm phiếu tại các đơn vị đầu phiếu đã được chấp thuận. Vì thế, tôi nghĩ rằng sự thật của các thùng phiếu đã có, chỉ cần phải thừa nhận nó thôi. Chúng tôi đã nhấn mạnh trên điểm này, và tôi nghĩ rằng hai bên đều biết sự thật ở đâu và chúng tôi hy vọng sứ mệnh của Liên Hiệp Phi châu có thể thay đổi được điều gì đó. Dầu sao đi nữa, nếu vấn đề còn tồn tại, thì chúng tôi sẽ xem xét việc gửi một phái đoàn các vị lãnh đạo tôn giáo khác đến Côte d'Ivoire để góp phần giúp vượt thắng cuộc khủng hoảng hiện nay.

H: Thưa Đức Hồng Y, trong chuyến viếng thăm Côte d'Ivoire của bốn vị nguyên thủ quốc gia thuộc Liên Hiệp Phi châu, đại diện của Nam Phi đã đề nghị việc chia sẻ quyền bính hay tổ chức các cuộc bầu cử mới. Đây có phải là giải pháp giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hay không?

Đ: Tôi không thấy cần phải tổ chức các cuộc bầu cử mới. Tôi không chắc là chúng ích lợi. Tôi đã nói rằng sự thật của các lá phiếu là ở đâu đó, và cần phải nhận ra nó qua một tổ chức trung lập giúp kiểm kê lại số phiếu của cả hai bên, xem sự thật của các lá phiếu. Vì tôi tin chắc là có sự thật ấy.

H: Từ khi cuộc khủng hoảng chính trị bắt đầu tại Côte d'Ivoire cho tới nay, có người đã nói rằng cũng xảy ra chia rẽ bên trong Hội Đồng Giám Mục nước này. Đức Hồng Y có nhận thấy điều đó không?

Đ: Nói là có các chia rẽ có lẽ hơi mạnh qúa. Tôi tin là có các ý kiến khác nhau. và nó cũng là điều tự nhiên thôi. Tôi nghĩ rằng trong một tình hình như thế, có vài vị nghe bên này hay bên kia, và có lẽ các vị nghĩ rằng họ có lý. Nghĩa là có các ý kiến khác nhau, nhưng điều này đã không ngăn cản các Giám Mục Côte d'Ivoire gặp nhau và công bố các tài liệu chung. Nhưng chúng tôi cũng khuyên các vị đứng bên trên các phe phái, để tránh không bị gắn cho nhãn hiệu là phò bên này hay bên kia. Tuy nhiên, đứng bên ngoài mà nói thì bao giờ cũng dễ. Nhưng tôi nghĩ vai trò của những người ở bên trong cũng như ở bên ngoài cuộc khủng hoảng là phải duyệt xét tình hình một cách khách quan, hay ít nhất là giúp mọi người xem xét tình hình một cách khách quan.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top