Giã từ đêm đen

Giã từ đêm đen

Phụng vụ Đêm Giáng sinh nhấn mạnh tới chủ đề “ánh sáng”. Các Bài đọc và Lời nguyện đều nhắc tới ý niệm này. Trong truyền thống từ xa xưa của Giáo Hội, lễ Giáng Sinh thường được cử hành vào nửa đêm. Ngày nay, vì lý do mục vụ, các linh mục thường cử hành lễ sớm hơn, nhưng không vì thế mà ý nghĩa của lễ nửa đêm thay đổi. Lễ Giáng sinh vừa nhằm tôn vinh Đức Giêsu là ánh sáng thế gian, vừa mời gọi mọi người hãy giã từ đêm đen để vươn tới ánh sáng.

“Dân tộc bước đi trong đêm tối, đã nhìn thấy một vầng sáng huy hoàng. Đám người sống trong bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1). Ngôn sứ Isaia dường như được xem thấy tận mắt một khung cảnh rực rỡ. Giữa đêm tối, bừng lên một ánh sáng lớn. Đêm tối từ nay chấm dứt, nhường chỗ cho ánh sáng chiếu soi. Đêm tối tượng trưng cho sự chết, ánh sáng là biểu tượng của sự sống. Từ nay, quyền lực của sự chết bị đẩy lùi, nhường chỗ cho vinh quang của sự sống. Phụng vụ Kitô giáo đã nhận thấy trong cách diễn tả của ngôn sứ Isaia hình ảnh của Đức Kitô. Người là “Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Đây không phải là ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy hằng ngày trong thế giới tự nhiên, nhưng là ánh sáng của Chân lý và của sự thánh thiện. Qua nhiều thế hệ, nhân loại bước đi trong tăm tối dưới quyền lực của sự chết. Nay đã đến lúc giã từ đêm đen, vì ánh sáng huy hoàng từ nơi Thiên Chúa đã chiếu tỏa. Những ai đón nhận ánh sáng, sẽ không còn đau khổ và không phải chết. Ánh sáng này làm cho con người trở thành con Thiên Chúa. Cũng nhằm tôn vinh Đức Giêsu là Ánh sáng trần gian và là Mặt Trời Công Chính, mà ngày lễ sinh nhật của Người đã được cử hành vào ngày 25-12 dương lịch hằng năm, là ngày người La Mã cổ xưa thờ kính thần Mặt Trời. Thần Mặt Trời không còn tồn tại nữa, vì chính Đức Giêsu soi sáng thế gian. Những ai đón nhận và thực thi giáo huấn của Người, được ánh sáng muôn thuở chiếu soi và được nên thánh. Họ vẫn sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Họ sống giữa những gian nan thử thách, nhưng nhờ sức mạnh của Chúa, họ trở nên kiên cường vững chắc trước phong ba bão táp của cuộc đời. Thánh Phaolô đã quảng diễn như sau: “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái. Trong Thánh Tử ta được ơn cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi” (Cl 1, 13-14). “Quyền lực tối tăm” ở đây chính là ma quỷ và sự dữ. Nhờ ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu rọi, con người không còn bị giam cầm trong ngục tối của quyền lực sự dữ, nhưng được giải thoát và được tự do. Nhờ ơn Cứu độ được thực hiện nơi Chúa Giêsu, nhân loại được giải thoát khỏi án phạt nguyên tổ và trở thành con cái Chúa. Bí tích Thánh tẩy còn làm cho chúng ta trở nên những người đồng thừa tự với Chúa Giêsu, được tham dự vào hạnh phúc đời này và đời sau, như Chúa đã hứa cho những ai thành tâm yêu mến và tuân giữ lời Ngài.

Khi nói đến đêm đen, chúng ta liên tưởng đến những hành động ám muội và bất lương. Chúa Giêsu là ánh sáng đẩy lùi đêm đen tội lỗi. Những ai muốn trở thành môn đệ của Người, phải bước ra ánh sáng, để hành động của họ trung thực và ngay chính. Thánh Gioan nói với chúng ta: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng” (1 Ga, 1,9-11). Theo thánh Gioan, sống thánh thiện là sống trong ánh sáng; hành vi tội lỗi là sống trong đêm đen. Sự thánh thiện được chứng minh cụ thể bằng tình thương yêu đồng loại. Sự thù ghét chính là tối tăm làm cho con người lạc đường.

Khi cử hành thánh lễ Giáng sinh vào lúc nửa đêm, Giáo Hội cũng tuyên xưng Chúa Giêsu là trung gian của lịch sử. Bởi lẽ, đêm là thời khắc chuyển giao giữa một ngày cũ và một ngày mới. Người đến trần gian để khai mở một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hòa bình và ơn cứu độ. Thời của án phạt đã chấm dứt, nhường chỗ cho thời của ân sủng. Từ nay, con người có thể thân thưa với Chúa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Họ cũng có thể tâm sự với Ngài những nỗi niềm nhân thế, để cầu xin Ngài đỡ nâng phù trì trong cuộc lữ hành trần gian. Nếu thời xa xưa trong Cựu ước, khi muốn tận diệt dòng giống nhân loại đã nhuốm màu tội lỗi và bất trung, Thiên Chúa đã dùng đến trận đại hồng thủy, thì ngày nay, để cứu vớt nhân loại tội lỗi, Thiên Chúa sai chính Con Một của Ngài, dấn thân vào lòng nhân thế, để sẻ chia thân phận con người, đồng cam cộng khổ và cứu vớt họ. Đây chính là bằng chứng hùng hồn và mạnh mẽ nhất của tình thương Thiên Chúa đối với nhân loại. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một mình, để tất cả những ai tin vào Người, sẽ không bị hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

“Ai theo Tôi, sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Đó là lời hứa của Chúa đối với những ai chấp nhận giã từ đêm đen, vươn tới ánh sáng huy hoàng. Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta nếu chúng ta can đảm buông mình vào cánh tay yêu thương của Người. Khi tuyên xưng Đức Giêsu là Ánh Sáng trần gian, mỗi người tín hữu được mời gọi đón nhận ánh sáng từ nơi Chúa, để rồi đến lượt mình, tỏa sáng giữa trần gian. Đừng phàn nàn trách móc đêm đen tăm tối, nhưng hãy cùng nhau thắp lên một ngọn nến, dù nhỏ nhoi khiêm tốn, nhưng phần nào chiếu sáng khoảng không bên cạnh chúng ta. Ánh sáng ấy, dù rất nhỏ, nhưng có khả năng xua tan đêm tối và sưởi ấm lòng người.

Lễ Chúa Hiển Linh, 2018

Top