Giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh của bắp
Bắp được xem là một loại ngũ cốc vàng vì không những nó đáp ứng cho nhu cầu thực phẩm chính của con người từ thuở sơ khai, mà còn là một nguồn dinh dưỡng tiềm năng góp phần ngăn ngừa những triệu chứng bệnh lý của động mạch vành dẫn tới nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch não.
Bắp có tên khoa học là Zea Mays L, thuộc họ Hoà bản Graminae. Hạt bắp đã từng là thức ăn chính của nhiều dân tộc. Tổ tiên chúng ta cũng đã tôn xưng bắp như những hạt ngọc quý giá nên đặt tên là Thiềm Thục Ngọc. Râu bắp là một vị thuốc quen thuộc trong dân gian nhằm làm tăng sự bài tiết mật và làm tăng lượng nước tiểu trong các chứng bệnh viêm túi mật, tắt túi mật hoặc phù thủng trong những bệnh về tim thận.
Mặc dù y học cổ có ghi bắp có vị ngọt, tính ấm, ích khí, điều hoà ngủ tạng, tuy nhiên hạt bắp hiếm khi được dùng như một vị thuốc. Hơn nữa từ khi nguồn thực phẩm từ lúa gạo đã dồi dào việc sử dụng bắp làm thức ăn hàng ngày cũng rất hạn hữu. Tiếc thay, khi những hoạt cảnh" giã gạo đêm trăng" với những âm thanh khua vang của "chày ba" "chày tư" tối vui rộn rã đã trở thành chuyện cổ tích, khi công nghệ xay xát và chà bóng gạo phát triển, hạt gạo càng "bắt mắt" thì cũng là chính là lúc khẩu phần ăn của con người đã thiếu đi nhiều chất dinh dưỡng quý giá vốn có sẵn trong phần vỏ ngoài của hạt gạo. Đó là những chất xơ, những sinh tố nhóm B và một số những khoáng chất quan trọng khác. Do đó việc bổ sung bằng bắp tươi, bắp nguyên hạt vào khẩu phần ăn hàng ngày là điều đáng lưu ý.
Bắp giúp điều chỉnh lượng mỡ trong máu, ngăn ngừa bệnh tim mạch. Trong quá trình tìm hiểu tập quán sinh hoạt và điều kiện sức khoẻ của những người Mỹ nguyên thuỷ và những cư dân đầu tiên sống ở Châu Mỹ. Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã khám phá ra rằng những người Indian này đã không hề bị bệnh cao huyết áp, cũng không có ai bị xơ vữa động mạch do thức ăn chính của họ thời bây giờ là bắp.
Kết luận này hoàn toàn phù hợp với những nghiên cứu gần đây khi cho thấy chính các loại ngủ cốc giàu chất xơ như bắp, lúa mạch đen, gạo lứt đã cải thiện tình trạng mỡ trong máu, làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tai biến mạch não. Khi đề cập đến chất xơ các nhà khoa học còn lưu ý rằng chỉ những chất xơ từ ngũ cốc “đen” tức ngũ cốc còn nguyên màu, nguyên vỏ mới mang lại hiệu quả làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Chất xơ từ trái cây và rau quả không mang lại hiệu quả này. Các chuyên viên này cho biết ở những người trung niên nếu việc ăn các loại ngũ cốc nầy kéo dài trên 9 năm sẽ có thể giảm được 21% nguy cơ bệnh tim mạch.
Bắp kích thích tiêu hoá và giúp tăng cường chuyển hoá cơ bản. Thành phần của bắp nguyên hạt bao gồm nhiều sinh tố tự nhiên nhóm B như B1, B2, B6, Niacin và một số khoáng chất cần thiết khác cho cơ thể. Đặc biệt một số vi chất đã có tỉ lệ vượt trội hơn ở bắp khi so sánh với gạo lứt. Bắp nằm trong số những nguồn Carbohydrat được khuyên dùng cho những bệnh nhân tiểu đường. Chỉ số đường huyết thấp và tỉ lệ chất xơ cao của bắp giúp tăng cường cảm giác no đồng thời làm chậm hấp thu và chuyển hoá đường.
Ngoài ra những sinh tố nhóm B có liên quan đến nhiều chức năng khác nhau của cơ thể kể cả sự tăng trưởng, sự chuyển hoá năng lượng, bảo dưỡng hệ thần kinh và điều hoà hoạt động của các cơ quan. Theo Đông Y, bắp có vị ngọt, tính ấm nên có tác dụng kiện Tỳ dưỡng Vị. Bắp khô rang vàng nấu cháo là một phương thuốc rất hữu hiệu cho nhiều trường hợp Tỳ Vị suy kiệt, hư hàn, không thiết ăn uống hoặc ăn thức gì vào cũng ói ra. (Lưu ý: Bắp rang tính nóng nên người tạng nhiệt hoặc đang có chứng viêm nhiễm không nên dùng) Những người viêm loét dạ dày, tá tràng, những bệnh nhân rối loạn tiêu hoá sẽ dễ dàng biết được giá trị kiện Tỳ dưỡng Vị của bắp khi thử ăn luân phiên và tự so sánh những bữa ăn bằng cơm trắng với những bữa ăn bằng bắp. Ngoài cơm hoặc bắp, người bệnh vẫn có thể ăn kèm một ít thức ăn vẫn ăn hàng ngày như thịt cá, rau đậu. Điều nhận thấy là sau những bữa ăn với bắp cơ thể sẽ dễ chịu hơn, thoải mái hơn vì dạ dày làm việc khoẻ, thức ăn được hấp thụ nhanh. So sánh với cùng một lượng cơm như thế nhưng cơ thể sẽ cảm thấy nặng nề hơn, đầy hơi hoặc khó chịu hơn.
Những bệnh nhân này có thể tự chữa khỏi bệnh dễ dàng trong vòng vài tuần nếu biết thư giãn hợp lý, điều tiết ăn uống và dùng bắp hoặc gạo lứt làm thức ăn chính thay gạo trắng. Bắp tăng cường hoạt động của ruột già. Một trong những dân tộc nổi tiếng về sống lâu và hiếm khi bệnh tật được thế giới biết đến là những người thuộc bộ lạc Hunza sống ở phía bắc Ấn Độ và Pakistan. Đa số dân ở đây sống đến 115 tuổi hay hơn nữa. Ông Rod. Mc. Garison, một Bác sĩ người Anh đã từng làm việc nhiều năm với ngườI Hunza đã viết: "Tôi đã không hề thấy một trường hợp viêm ruột thừa, viêm đại tràng hay ung thư nào". Chế độ ăn của người Hunza cũng là chế độ ăn có nhiều chất xơ. Thức ăn hằng ngày chủ yếu là ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi, rau và sữa dê. Từ lâu người ta ý thức được tầm quan trọng của những chất xơ không hoà tan có trong thực phẩm như rau trái, ngũ cốc và xem đó chính là những yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa những bệnh tật của ruột già kể cả ung thư và táo bón.
Bắp có tỉ lệ chất xơ cao hơn nhiều so với gạo trắng, mì, sữa… Chất xơ không bị tiêu hoá, không bị hấp thu sẽ góp phần tạo ra chất bã, thành phần chủ yếu của phân. Khi chất xơ bã đạt tới một định lượng nhất định sẽ kích thích thành ruột sinh ra nhu động ruột. Ngoài việc thúc đẩy nhanh sự lưu thông trong ruột già làm giảm thời gian tiếp xúc của các chất gây ung thư với niêm mạc ruột, chất xơ còn có khả năng tập hợp và kết dính những chất độc hại nầy để bài tiết theo phân ra ngoài. Do đó chất xơ đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ niêm mạc ruột phòng chống ung thư. Mặt khác chất xơ trong bắp cũng như trong thức ăn nói chung còn có thể kích thích các tế bào nhầy của ruột già và tạo điều kiện cho việc lên men và sinh sản một số vi khuẩn hữu ích trong khoang ruột làm cho khoang ruột ẩm, trơn, việc di chuyển phân được dễ dàng. Theo các báo cáo y học, ở những người ăn nhiều chất xơ thời gian từ khi thức ăn vào đến khi phân thải ra khoảng 14 giờ, trong khi nếu chỉ là thức ăn tinh tế thời gian để thải phân phải đến 20 giờ.
Một người ăn thức ăn nhiều chất xơ mỗi ngày thải ra khoảng 460gr phân trong khi nếu là thức ăn tinh tế chỉ thải ra độ 115gr phân. Do vị trí quan trọng của chất xơ trong việc biến dưỡng của cơ thể, đặc biệt là các chất xơ rong ngũ cốc, các chuyên gia dinh dưỡng đang lưu tâm đến bắp như một liệu pháp bổ sung khi mà hạt gạo ngày nay không đáp ứng được nhu cầu này. Vậy bao nhiêu chất xơ là đủ? Tính chung cả vừa ngũ cốc lẫn rau quả, các nhà khoa học cho rằng nhu cầu của một người trung bình cần khoảng 25gr chất xơ mỗi ngày. Tính ra, trong điều kiện sẵn có của thổ sản nước ta, một trái bắp và một trái chuối là đã đủ cho lượng chất xơ khuyến cáo.
Chế biến và sử dụng bắp
Công nghệ chế biến hiện nay tách ly bắp làm 4 thành phần: tinh bột, mầm bắp, chất xơ và chất đạm. Sau khi được tách ly, chất xơ và chất đạm sẽ được chế biến làm thức ăn chăn nuôi gia súc, mầm bắp được tinh lọc làm dầu bắp. Chỉ có tinh bột được sử dụng đa dạng trong chế biến thực phẩm hoặc làm bánh kẹo. Như vậy có thể thấy rằng những loại "bột bắp" làm từ tinh bột tinh chế sẽ không còn giá trị bổ dưỡng bao nhiêu vì không bao gồm thành phần chất xơ và chất đạm cũng như một số sinh tố và khoáng chất vốn dĩ có nhiều trong phần vỏ ngoài của hạt bắp và mầm bắp.
Nhiều công nhân và bà con lao động có thói quen điểm tâm đơn giản bằng một gói xôi bắp. Loại xôi bắp này đã qua một lần xay xát, tuy phần vỏ có bị hao hụt nhưng vẫn giữ được một phần giá trị bổ dưỡng và tốt hơn so với tinh bột bắp ở trên. Tốt nhất vẫn là bắp nguyên hạt. Bắp tươi luộc chín, nướng hoặc bắp khô nguyên hạt xay nấu cháo.. Những bà nội trợ ở vùng có sẵn bắp tươi có thể chế biến bắp tươi thành nhiều món ăn rất phong phú. Chọn bắp tươi vừa già tới hoặc còn hơi non, dùng dao bào xát mỏng hạt bắp để nấu chè hoặc cháo. Bắp tươi bào mỏng nấu canh với rau bồ ngót và thịt nạc băm cũng là món ăn ngon bổ.
Giáo sư Tề Quốc Lục là một người Mỹ gốc Hoa đã từng làm việc cho Tổ chức Y tế Thế giới. Ông đã đi nhiều nơi trên thế giới diễn giảng về dinh dưỡng và sức khoẻ. Ông đã không ngừng ca ngợi 5 loại ngũ cốc vàng, đứng đầu là bắp. Ông nói: "Ở Mỹ tôi đã kiên trì 6 năm húp cháo bắp hàng ngày. Năm nay tôi đã ngoài 70 tuổi, thể lực sung mãn, tinh thần dồi dào, giọng nói vang vang đầy khí thế. Hơn nữa mặt không có nếp nhăn. Nguyên nhân nào vậy? Do húp cháo bắp đấy. Tin hay không tuỳ bạn. Bạn cứ việc uống sữa bò, tôi cứ việc húp cháo bắp, xem ai sống lâu hơn."
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha: Bệnh viện phải đặt con người ở trung tâm và thúc đẩy nghiên cứu khoa học
-
Để giúp người trẻ đối diện với khủng hoảng của sự tuyệt vọng -
Thủy trị liệu -
Khoa học chứng minh rằng đến thăm bảo tàng và phòng triển lãm có thể giúp con người tăng tuổi thọ -
Giấc ngủ bình an -
Chữa trị những trẻ chậm nói -
Giới y tế Công giáo TGP Sài Gòn: Thực thi bác ái -
Caritas TGP Sài Gòn: Khám chữa bệnh cho học sinh nghèo -
Giới thiệu phương pháp Billings với Linh mục đoàn Tổng Giáo phận TP.HCM -
Nhóm Tông đồ Mục vụ Sức khỏe Việt Nam: Mừng bổn mạng
bài liên quan đọc nhiều
- Giấc ngủ bình an
-
Chữa trị những trẻ chậm nói -
Đã có một nơi cai nghiện như thế -
Tản mạn vui về hút thuốc lá -
Thủy trị liệu -
Nhóm Tông đồ Mục vụ Sức khỏe Việt Nam: Mừng bổn mạng -
Khoa học chứng minh rằng đến thăm bảo tàng và phòng triển lãm có thể giúp con người tăng tuổi thọ -
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu -
Ngẫm nghĩ nhân Ngày thế giới phòng chống tự tử (10/9) -
Người dân thiếu nước sạch trầm trọng