Gặp gỡ Chúa để biến đổi cuộc sống
Nguyên văn bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu, ngày lễ Hiển linh, tại quảng trường thánh Phêrô, sáng thứ hai 6/1/2020.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta cử hành trọng thể lễ Hiển linh trong sự liên tưởng đến các Đạo sĩ từ Phương Đông theo ánh sao đến Bêlem, để viếng thăm Đấng cứu thế mới sinh. Cuối cùng trình thuật Tin mừng nói rằng các Đạo sĩ “được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (c 12). Họ trở về bằng một con đường khác.
Những bậc thông thái này đến từ những vùng xa xôi, sau một chuyến đi dài, họ đã tìm thấy Đấng mà họ muốn biết, một quãng đường dài như thế, chắc chắn cũng có những lúc khó khăn và thăng trầm. Và cuối cùng họ cũng đạt được mục đích của mình, họ đã phủ phục trước Hài nhi, thờ lạy Người, dâng cho Người những món quà quý giá của họ. Sau đó, họ mau mắn lên đường, không chậm trễ để trở về quê hương của mình. Nhưng qua cuộc gặp gỡ với Hài nhi đó họ đã thay đổi.
Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không những không kiềm hãm được các Đạo sĩ mà còn truyền cho họ một động lực để trở về xứ sở của mình, kể lại những gì họ đã thấy và niềm vui mà họ đã cảm nghiệm được. Trong đó có sự biểu lộ về đường lối của Thiên Chúa, về cách tự biểu lộ mình trong lịch sử. Kinh nghiệm về Thiên Chúa không khóa chặt chúng ta được, nhưng giải phóng chúng ta; không giam cầm chúng ta, nhưng giúp chúng ta lại lên đường, đưa chúng ta trở lại với những nơi chốn thường ngày của cuộc sống. Những nơi từng là và sẽ là chính nó, nhưng chúng ta, sau cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu, chúng ta không còn như trước nữa. Cuộc gặp gỡ đó thay đổi và biến đổi chúng ta. Thánh sử Luca nhấn mạnh rằng, các Đạo sĩ đã trở về “bằng một con đường khác” (c 12). Họ được hướng dẫn bởi những lời căn dặn của thiên thần để đổi sang đường khác, để không chạm trán với Hêrôđê và những mưu đồ quyền lực của ông ta.
Mỗi kinh nghiệm gặp Chúa Giêsu bắt đầu dẫn chúng ta đến những con đường khác nhau, bởi vì từ nơi Người phát sinh sức mạnh tuyệt vời, chữa lành tâm hồn và tách biệt chúng ta khỏi sự dữ.
Có một sự năng động khéo léo giữa tính liên tục và mới mẻ: họ trở về “quê hương của mình”, nhưng “bằng một con đường khác”. Điều này muốn nói rằng chúng ta phải thay đổi, biến đổi cách sống của mình ngay cả trong môi trường xung quanh, thay đổi các tiêu chuẩn phán đoán về thực tại đang bao quanh chúng ta. Đây là sự khác biệt giữa Thiên Chúa thật và các ngẫu tượng, như tiền bạc, quyền lực, thành công…; giữa Thiên Chúa và những người hứa hẹn trao cho chúng ta những ngẫu tượng này, chẳng hạn như thầy phù thủy, pháp sư, bói bài. Sự khác biệt đó là các ngẫu tượng trói buộc chúng ta với nó, khiến chúng ta phụ thuộc vào nó và chúng chiếm hữu chúng ta. Còn Thiên Chúa thật không kiềm giữ chúng ta cũng không để chúng ta kiềm giữ Ngài: Ngài mở ra cho chúng ta con đường mới mẻ và tự do, bởi vì Ngài là Cha, Đấng hằng ở với chúng ta để làm cho chúng ta thăng tiến. Nếu anh chị em gặp Chúa Giêsu, nếu anh chị em có cuộc gặp gỡ thiêng liêng với Chúa thì hãy nhớ : anh chị em phải trở lại với chốn xưa, nhưng bằng một con đường khác, bằng một phong cách khác. Và điều đó xảy ra là do Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, biến đổi tâm hồn chúng ta.
Chúng ta cùng cầu xin Đức Trinh Nữ rất thánh để chúng ta có thể trở thành những nhân chứng của Chúa Kitô ở nơi chúng ta sống bằng một cuộc sống mới, được biến đổi từ tình yêu của Ngài.
Sau Kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến,
Tôi đặc biệt hướng lòng đến anh chị em Giáo hội Đông phương, Công giáo và Chính thống, rất nhiều người trong số họ cử hành lễ Giáng sinh vào ngày mai. Tôi cầu chúc ánh sáng và bình an của Chúa Kitô Cứu thế cho họ và cho các cộng đoàn của họ. Chúng ta cùng vỗ tràng pháo tay mừng anh chị em Chính thống và Công giáo của Giáo hội Đông phương nhé.
Trong ngày lễ Hiển linh chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Trẻ em Truyền giáo. Đó là ngày lễ của các nhà truyền giáo trẻ em và thiếu niên, những người đang sống lời mời gọi nên thánh bằng cách giúp đỡ những người túng thiếu đồng trang lứa, qua lời cầu nguyện và những cử chỉ chia sẻ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các em.
Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, người Rôma và khách hành hương. Đặc biệt tôi mến chào những người đến từ Nam Hàn và các sinh viên của học viện thánh Phanxicô “Siena College” ở New York; cũng như nhóm truyền giáo Biassono và tín hữu vùng Ferrara.
Một lời chào đặc biệt dành cho những người cống hiến sinh lực cho cuộc rước kiệu giàu truyền thống lịch sử, lấy cảm hứng từ truyền thống lễ Hiển linh và năm nay dành cho địa hạt Allumiere và thung lũng Mignone.
Chúc anh chị em một ngày lễ tốt đẹp. Đừng quên cầu nguyện cho tôi.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ từ vatican.va
Nguồn: gpquinhon.org
bài liên quan mới nhất
- Những người thợ thầm lặng bên “nôi hèn”
-
Chuẩn bị hang đá tâm hồn để đón chờ Chúa Giáng sinh -
Cầu nguyện như thánh Augustinô -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba Năm Sự Vui - Chúa Giêsu Kitô giáng sinh -
Thực hành Mùa Vọng -
Tại sao ngày Chúa Giêsu ra đời được gọi là Christmas? -
Ngôn sứ Isaia - Ngôn sứ của Mùa Vọng -
Bài giảng Mùa Vọng, mở lòng ngạc nhiên thán phục trước sự mới mẻ của Thiên Chúa -
Hành hương thời Cựu ước - Phần 2: Về miền đất hứa -
Mùa Vọng và Lời Hứa với Nhà Đavít
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19