Được sai đi

Được sai đi

WGPSG -- Loan báo Tin Mừng là công việc của người môn đệ Chúa, là ơn gọi Chúa ban cho mỗi chúng ta. Xã hội đương thời đang sống trong khủng hoảng “người nhiều, việc ít”. Nhưng Chúa Giêsu lại gợi lên một thực trạng ngược lại “việc nhiều nhưng thiếu người”, “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

Lời Chúa trong phụng vụ Chúa nhật XV thường niên mời gọi ta ý thức lại ơn gọi của kẻ được sai đi để trao bình an giữa những nghịch cảnh đời người.

12 Tông đồ được sai đi theo bài sai của chính Chúa Giêsu. Bài sai này xuất phát từ sự quan tâm thao thức trước tình trạng thiếu hụt thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo của Chúa. Việc sai đi từng hai người một nói lên tính cộng đoàn, nghĩa là các môn đệ của Chúa cần cộng tác và liên đới với nhau trong sứ vụ.

Các ông không làm việc riêng lẻ mà làm việc theo nhóm với tinh thần trách nhiệm. Cùng chung vui-chia cực-sẻ với nhau, và cùng theo một đường hướng nhất định. Sau này, thời công vụ tông đồ cũng thực hiện y như thế: Phêrô và Gioan (Cv 3,1; 4,13), Phaolô và Baraba (Cv 13,2), Giuđa và Sila (Cv 15,22b).

Hành trang, lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng… là những nhu cầu dự phòng của cá nhân dễ làm cho người môn đệ phân tâm. Đơn giản Chúa không cần mấy thứ đó. Hành trang cần mang chính là sự tín thác và tinh thần siêu thoát để dễ trao ban cho người khác.

Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông: "Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ" (Mc 6, 8-11).

Các tông đồ được sai đi không phải để làm công việc tiếp thị Tin Mừng nhưng là đem Tin Mừng tiếp cận với con người, ngay cả trong những nghịch cảnh đời tông đồ: được và không được đón nhận. Nghịch cảnh ấy không nhận chìm căn tính tông đồ nhưng giúp họ có sức mạnh trung thành với sứ mạng và can đảm khôn ngoan hiền hòa như chiên giữa bầy sói.

Chúa muốn Lời và sức mạnh của Ngài là hành trang thiết yếu trong những chuyến đi của các môn đệ. Họ cất bước ra đi trong sự nghèo nàn để không cậy dựa vào bất cứ điều gì ngoài sự tin tưởng, phó thác. Ngay cả những nhu yếu phẩm hằng ngày như cơm ăn, áo mặc thì cũng chỉ nhận lãnh như những quà tặng của những người họ ghé thăm.

Nhưng con người thường tự trang bị cho mình đủ các thứ: tham vọng, kiêu căng và bao nhiêu ảo vọng không phải thuộc về Chúa. “Con người cũ” vẫn còn hiện diện trong mỗi chúng ta. Người môn đệ phải từ bỏ tất cả những gì có thể ngăn cản lời Chúa. Làm việc tông đồ, càng bỏ mình, càng tin phục vào Chúa thì mới đạt hiệu quả.

Khi sai các tông đồ đi, Chúa Giêsu cũng chia sẻ với họ một phần quyền năng của Ngài, quyền trên sự dữ. Các ông ra đi là đi vào cuộc chiến chống ma quỷ. Xua tan đi ma quỷ đang chiếm hữu các tâm hồn, giải thoát con người khỏi ách nô lệ của thần dữ và những bệnh tật tâm hồn, thể xác.

Lên đường đến với muôn dân, người môn đệ được mời gọi trao truyền bình an cho người khác. Bình an đó là bình an cứu độ, bình an nội tâm, bình an siêu nhiên. Bình an có thể hiểu là của những người mang dấu tích cuộc khổ nạn của Đức Kitô như trong thư Galata của Thánh Phaolô.

Chúa vẫn sai chúng ta, những người tông đồ của Thánh Tâm Chúa từ bỏ tất cả để ra đi. Từ ngày chúng ta chịu phép Thêm Sức là chúng ta đã lãnh bài sai ra đi, và ngày chúng ta tuyên hứa là một lần tái nhận. Ra đi ngày nay là biến cuộc sống hằng ngày thành một tuyên xưng đức tin sống động và rõ rệt. Hành trang của chúng ta không có gì khác ngoài niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự yêu thương của Thánh Tâm Chúa.

Công Đồng Vatican II, trong sắc lệnh về truyền giáo (Ad gentes) đã nêu rõ: “Giáo Hội nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, cũng tiến bước trên con đường mà Chúa Giêsu đã đi, là nghèo khó, vâng phục, phục vụ và tự hiến thân cho đến chết”. Ngày nay, liệu chúng ta có dám từ bỏ tất cả để ra đi loan báo Tin Mừng chỉ với niềm tin tuyệt đối vào Đấng đã sai chúng ta đi không?


 

Top