Đứng trên tiền bạc

Đứng trên tiền bạc

WGPSG -- Một cuộc sống đầy đủ không thể không có tiền, nhưng nhiều tiền chưa hẳn đã có hạnh phúc.

Đọc bản tin của tác giả Văn Định trên Báo Tuổi trẻ ngày 05 tháng 9 năm 2012: Một học sinh bị lũ cuốn trôi trên đường đi khai trường, tim tôi đau nhói khi thấy nguyên nhân dẫn đến việc nước lũ cuốn trôi em Vũ là do Công ty cổ phần xây dựng Hồng Sơn thầu gói cầu Phụ Lão chậm tiến độ. Bên cạnh đó, nhà thầu này làm cầu phụ để cho người dân đi lại không đảm bảo an toàn.

Phải chăng vì ham lợi mà nhà thầu thi công chậm, làm cầu phụ cẩu thả... dẫn đến cái chết thương tâm cho học sinh Nguyễn Hữu Vũ, 11 tuổi (xóm Tân Hòa, xã Thạch Tân) trên đường đến trường dự lễ khai giảng năm học mới?

Trong kinh tế học có khái niệm “điểm lợi nhuận tối đa”, theo đó người ta tính toán mức sản lượng tối ưu để đạt lợi nhuận cao nhất. Đó cũng là lý do con người dồn hết tâm sức vào việc kiếm tiền với mọi thủ đoạn, mưu mô... bất chấp mọi hậu quả, lãng quên trách nhiệm, ngay cả việc bỏ ngoài tai sự nhắc nhở của lương tâm!

Qua sự việc này, liệu lương tâm của những người chịu trách nhiệm có bị cắn rứt không? Tiền bạc liệu có thể làm sống lại một mạng người đã chết? Pháp luật sẽ xử lý đúng người, đúng tội hay không? Phải chăng đồng tiền đã bóp nghẹt lương tâm của con người? Đúng như lời một tác giả đã viết trên báo Tuổi Trẻ Cười như sau:

“Ông Tiền, ông Phật, ông Tiên,
Ba ông đứng lại, ông Tiền cao hơn.
Tiền nhiều: mặc kệ…vẫn hơn,
Dẫu cho nhân sự ngả nghiêng tứ bề.
Tiền nhiều chẳng ngán chẳng lo,
Phất tay một cái nhằm nhò gì ông”.

Các nhà khoa học trường Đại học Califonia (Mỹ) đã tiến hành khảo sát với 80 sinh viên để tìm câu trả lời “Đồng tiền có mua được hạnh phúc?” đã đi đến kết luận: Tiền không có vai trò giúp họ cảm thấy sống vui vẻ, hạnh phúc bằng các mối quan hệ xã hội. Chính sự tôn trọng, thân thiết từ các mối quan hệ như người yêu, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đem lại cho họ niềm vui và hạnh phúc to lớn hơn cả sự giàu có. Đó cũng là chân lý ngàn đời vẫn luôn chiếu sáng trước mắt mọi người; sự giàu sang không đương nhiên mang lại hạnh phúc cho con người.

Có thể nhờ đồng tiền, con người được thỏa mãn với những nhu cầu vật chất... Nhưng chắc chắn, thỏa mãn vẫn chưa hẳn là hạnh phúc. Thỏa mãn đó rồi lại ham muốn đó, thỏa mãn đó rồi lại thất vọng đó. Càng có nhiều tiền thì càng hưởng thụ nhiều, càng hưởng thụ nhiều thì càng ham muốn thêm mà thôi. Sống như thế là làm nô lệ cho của cải vật chất, tôn thờ nó như chủ nhân độc ác, hành hạ đời ta như ngạn ngữ Tây phương có câu: “Của cải là đầy tớ tốt nhưng là ông chủ xấu”.

Thật vậy, tiền bạc có một sức cuốn hút rất mạnh mẽ, khiến những ai để nỗi đam mê tiền bạc chi phối, thì không thể cưỡng lại cơn cám dỗ đầy ma lực của nó. Bởi tiền bạc có mặt tiêu cực mà cũng có mặt tích cực, nên ta có thể bị nó khống chế để trở thành đầy tớ cho nó; nhưng ta cũng có thể điều khiển để sử dụng nó với những mục đích tốt đẹp cho bản thân, gia đình, Giáo hội và xã hội.

Vậy, nếu không muốn vấp ngã trước đồng tiền thì mỗi cá nhân phải cố gắng phấn đấu, tu dưỡng đạo đức, sống liêm chính, chí công vô tư. Hãy làm chủ đồng tiền, đừng để nó làm chủ mình. Ta có thể lấy câu danh ngôn sau đây làm kim chỉ nam cho việc sử dụng đồng tiền: “Tiền bạc là phương tiện của những người thông minh, là mục đích của những kẻ ngu ngốc” (A. Đơcuốcxen).

Hơn nữa, phương châm của Kitô hữu chúng ta là: “Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian”. Chúng ta hãy xác định lại cuộc sống của mình trong tương quan với của cải trần thế. Không thể sống mà không màng đến của cải, không thể sống mà không có phương tiện để sống. Nhưng phải sống làm sao để của cải trở nên đầy tớ tốt phục vụ cho cuộc sống của ta.

Đó cũng là lẽ khôn ngoan của Tin Mừng: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,36). Chúa không cấm chúng ta hưởng dùng những ơn lành Chúa ban, kể cả những ơn lành vật chất, nhưng Người chỉ muốn nhắc chúng ta cuộc sống này là đời sống tạm, chúng ta còn một cuộc sống thật: Đời sống của Nước Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã phán: “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn mọi điều khác sẽ được thêm cho” (Lc 12,31).

Câu chuyện trên đây cũng là lời nhắc nhở cho chúng ta trong cuộc sống ơn gọi của Kitô hữu, hãy biết đặt đồng tiền đúng vị trí của nó, như lời khuyên của Tôi Tớ Chúa - Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: “Đồng tiền chôn vùi con xuống nếu con đội nó lên đầu, đồng tiền làm bệ dưới chân con nếu con đứng trên nó”.

Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi nô lệ của tiền bạc, của danh vọng chức quyền trần tục, để con được tự do bay lên cùng Chúa, là nguồn hạnh phúc chân thật và trường cửu của đời con. Amen.

Top