Đức Thánh Cha Phanxicô: Xóa mù chữ có vai trò cơ bản và trung tâm trong sự phát triển của mỗi người
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: XÓA MÙ CHỮ CÓ VAI TRÒ CƠ BẢN VÀ TRUNG TÂM TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA MỖI NGƯỜI
Hồng Thuỷ - Vatican News
Vatican News (09.09.2023) – Trong Sứ điệp gửi đến các tham dự viên Hội nghị Thế giới được tổ chức tại trụ sở UNESCO ở Paris, nhân Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ năm 2023, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “Giáo dục xóa nạn mù chữ có vai trò cơ bản và trung tâm trong sự phát triển của mỗi người, trong sự hòa nhập hài hòa của họ với cộng đồng và trong sự tham gia tích cực và hiệu quả của họ vào sự tiến bộ của xã hội.”
Năm 1965, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc, gọi tắt là UNESCO, đã chọn ngày 8/9 hàng năm là Quốc tế xóa nạn mù chữ, nhằm nâng cao tầm quan trong của việc biết đọc, biết viết đối với sự phát triển và hòa nhập của con người vào xã hội.
Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ năm nay có chủ đề: “Thúc đẩy xóa nạn mù chữ cho một thế giới đang chuyển đổi: Xây dựng nền tảng cho các xã hội hòa bình và bền vững.”
Đề cao vai trò của giáo dục xóa nạn mù chữ, Đức Thánh Cha cảm ơn những người đã dấn thân trong các sáng kiến ở các cấp độ địa phương, miền và quốc gia để xóa nạn mù chữ; đồng thời lưu ý rằng số người thiếu các kỹ năng đọc viết cơ bản vẫn ở mức đáng báo động và điều này là trở ngại cho sự phát triển toàn diện của họ.
Giúp thăng tiến hòa bình
Đức Thánh Cha suy tư về ba thách đố. Thách đố đầu tiên là biết chữ để thúc đẩy hòa bình. Ngài nói: “Trong một thế giới bị xâu xé bởi những xung đột và căng thẳng, điều cần thiết là không trở nên quen thuộc với ngôn ngữ chiến tranh và bất hòa... Nếu chúng ta có thể làm tổn thương ai đó, người thân hoặc bạn bè bằng những lời lẽ gay gắt và cử chỉ hận thù, chúng ta cũng có thể chọn không làm như vậy.” Và Đức Thánh Cha nhắc rằng “hòa bình chính là điều mà chính UNESCO có trách nhiệm thúc đẩy trong tâm trí và trái tim người dân thông qua giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thông.”
Hiểu biết về kỹ thuật số
Thách đố thứ hai là hiểu biết về kỹ thuật số. Trong khi cuộc cách mạng kỹ thuật số và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo giúp con người tiếp cận thông tin nhanh chóng và kết nối với nhau, theo Đức Thánh Cha, hàng triệu người bị đẩy ra ngoài lề vì họ không được tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền thông. Ngài cũng lưu ý về sự nguy hiểm của việc “giao quyền ra quyết định về giá trị sự sống con người cho logic tính toán của các thiết bị điện tử.”
Do đó, ngài khẳng định: “Để ngăn chặn việc công nghệ bị quản lý sai, vượt khỏi tầm kiểm soát hoặc thậm chí trở nên có hại cho con người, các chính sách và luật pháp nhằm thúc đẩy việc tiếp thu các kỹ năng về kỹ thuật số sẽ cần phải chú ý đến việc suy tư đạo đức rộng hơn về việc sử dụng các thuật toán, bằng cách hướng dẫn sử dụng các công nghệ mới hướng tới mục đích có trách nhiệm và con người.”
Cổ võ hệ sinh thái toàn diện
Cuối cùng là thách đố biết chữ để cổ võ hệ sinh thái toàn diện. Đức Thánh Cha nói: “Vì sự tàn phá thiên nhiên có liên quan chặt chẽ với ‘văn hóa vứt bỏ’, đặc trưng của phần lớn cuộc sống đương đại, do đó cần thúc đẩy sự kiên nhẫn và kiên trì trong việc áp dụng các cách tiếp cận cuộc sống cách điều độ và gắn kết hơn”. Ngài cũng nhắc rằng ngoài việc có tác động trực tiếp đến việc chăm sóc tha nhân và thụ tạo, chúng còn có thể truyền cảm hứng về lâu dài cho một chính sách và nền kinh tế thực sự bền vững nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của tất cả các dân tộc trên trái đất, đặc biệt là những người bị thiệt thòi nhất và những người chịu ảnh hưởng nhất. (CSR_3449_2023)
Nguồn: vaticannews.va/vi
bài liên quan mới nhất
- Ngày 1 tháng chín: Ngày tôn vinh quyết định tạo dựng của Thiên Chúa
-
Sinh vật và vấn đề đạo đức môi sinh | Đạo Đức Môi Sinh | Tuần lễ Giáo lý 2024 -
Môi trường nước | Đạo Đức Môi Sinh | Tuần lễ Giáo lý 2024 -
Lời Kinh Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo -
Hành Tinh Xanh - Tương Lai Sáng | Chung Tay Bảo Vệ Môi Trường -
5 điều cần để chăm sóc Ngôi Nhà Chung -
Đạo đức môi sinh: Tham luận của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm -
Điện Hạt Nhân và Tôn Giáo tại Nhật -
Hiệp hành chăm sóc môi sinh -
Chăm sóc môi sinh theo giáo lý nhà Phật
bài liên quan đọc nhiều
- 7 món ăn lành mạnh mà Chúa Giêsu đã dùng
-
Mẹ Thiên Nhiên -
Suy tư về phát biểu của cô bé 12 tuổi tại hội nghị về môi trường: MÔI TRƯỜNG và NGÔI LỜI -
Khủng hoảng môi trường: triệu chứng - nguyên nhân - chữa trị -
Tương quan giữa con người với môi trường -
Nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống -
Gia đình bảo vệ Môi trường -
Đạo đức môi sinh: Tham luận của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm -
Đào tạo Chủng sinh châu Á: Hội thảo về Biến đổi Khí hậu -
Đào tạo Chủng sinh châu Á: Hội thảo về Biến đổi Khí hậu - Văn bản Cam kết