Đức cha Giuse Vũ Duy Thống: “Tông đồ là kẻ lên đường”

Đức cha Giuse Vũ Duy Thống: “Tông đồ là kẻ lên đường”

Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, tân giám mục giáo phận Phan Thiết: “Người tông đồ lên đường bằng tinh thần nhạy cảm của Tin Mừng, được thể hiện qua lối sống gắn bó với sứ vụ”

Trả lời phỏng vấn của website Hội đồng Giám mục Việt Nam

WHĐ (25.08.2009) – Như tin đã đưa, ngày 25-07-2009, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, giám mục phụ tá Tổng giáo phận TP.HCM được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục chính tòa giáo phận Phan Thiết.

Chương trình nhận tòa Phan Thiết đã được ấn định vào ngày 3-09-2009.

Trong những ngày cuối cùng Đức cha Giuse còn lưu lại Tổng giáo phận, phóng viên WHĐ đã đến gặp Đức cha, chứng kiến cuộc chia tay xúc động của các thành phần Dân Chúa TGP với vị giám mục phụ tá của Đức Hồng y.

Tuy bận rộn nhưng Đức cha đã dành cho WHĐ thời giờ quý báu trả lời phỏng vấn, chia sẻ với độc giả của WHĐ những tâm tình trước lúc lên đường nhận nhiệm vụ mới.

BBT WHĐ chân thành cảm ơn Đức cha và xin giới thiệu cùng quý độc giả toàn văn bài phỏng vấn Đức cha Giuse Vũ Duy Thống (Gm.VDT), tân giám mục Phan Thiết.

* * *

PV: Chỉ còn vài hôm nữa Đức cha sẽ ra Phan Thiết nhận nhiệm vụ mới. Vào lúc này, sắp chia tay mảnh đất Sài Gòn đầy kỷ niệm của hơn 30 năm gắn bó, Đức cha có những cảm nghĩ gì về đất và người Sài Gòn?

Gm.VDT: Ba xôi nhồi một chõ thì được, chứ hơn ba mươi năm gắn bó với đất và người Sài Gòn, làm sao “nhồi” được trong một câu trả lời phỏng vấn!

Nói vậy, cũng xin được tóm tắt cảm nghĩ về Sài Gòn trong một chữ “duyên”.

Quả vậy, từ ngày 25-07-2009, với sắc lệnh của Tòa Thánh bổ nhiệm tôi về Phan Thiết, tôi đã là người Phan Thiết. Nhưng đối với Sài Gòn, đất và người Sài Gòn đã là mối duyên trong đời tôi. Duyên gặp gỡ. Gặp biết bao con người chân tình, nhiệt tình, hết tình của miền đất thủ phủ phương Nam này.

Tôi đã sống trong bầu khí thân thương của mối duyên gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, giáo dân khắp 15 hạt của Tổng giáo phận TP.HCM, đặc biệt của Đức Hồng y Gioan Baotixita và Đức cha Phêrô. Rồi đây, những bóng dáng thân quen đó vẫn in dấu trong tim, thúc giục tôi lên đường. Bởi tông đồ là kẻ lên đường mà! Lên đường với hành trang của ơn Chúa và bao mối duyên được anh chị em Sài Gòn trao tặng.

Sài Gòn đã tặng tôi một hành trang dày đến hơn 30 năm. Tôi tạ ơn về những hành trang đã nhận, và luôn ý thức con đường của người tông đồ luôn ở phía trước. Giáo phận Phan Thiết chính là con đường phía trước. Tôi đang bước vào đường này và biết sẽ đón những duyên mới. Duyên của gặp gỡ tương đồng. Duyên được tiếp xúc và đón nhận những nét khác biệt.

Dù tương đồng hay khác biệt, cũng đều là duyên, là hồng ân của Chúa.

PV: Nhận sứ vụ mới tại giáo phận Phan Thiết, một giáo phận “duyên hải”, miền đất gắn với biển cả, Đức cha nghĩ gì về chuyến “ra khơi”?

Gm.VDT: Giáo phận Phan Thiết là giáo phận nằm gọn trong tỉnh Bình Thuận, miền đất duyên hải, kề cận biển cả, vì thế câu hỏi WHĐ có dùng chữ “ra khơi” như một hàm ngụ về đặc điểm địa dư của giáo phận. Ở Sài Gòn, không nói “đi Phan Thiết” nhưng nói “ra Phan Thiết”. Quả thật, đối với tôi đây là một chuyến ra. Hơn nữa, không chỉ ra đến Phan Thiết mà còn “ra khơi”.

Bởi trong sứ mệnh truyền giáo mênh mông của Giáo Hội, mỗi một nỗ lực dấn thân mới của cá nhân hay tập thể đều là một chuyến ra khơi, đi biển.

Trong lịch sử 34 năm của mình, dưới sự dẫn dắt của hai Đức Giám mục khả kính: Đức cha Nicôla (1975-2005) và Đức cha Phaolô (2005-2009), giáo phận Phan Thiết đã từng thực hiện những chuyến ra khơi rất thành công. Lần này, tôi mời gọi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa trong giáo phận cùng chung sức chung lòng ra khơi. Ra khơi với niềm xác tín, dù biển hồ cuộc đời luôn ẩn chứa đâu đó những bất ngờ và bất trắc, nhưng vẫn có đó sự hiện diện của Đấng còn gần gũi với ta hơn là ta gần gũi với Người. Nhờ có sự hiện diện của Đấng yêu thương, chúng ta vững tin ra khơi thả lưới tình thương.

PV: Đức cha đã nói “Tông đồ là kẻ lên đường” trong câu trả lời đầu tiên của bài phỏng vấn này và cũng đã từng viết trong bộ sách Hạt nắng vô tư.

Nay, xin được cùng Đức cha đọc lại một đoạn trong tác phẩm vừa nêu:

“Lên đường nếu hiểu là một chuyển dịch từ địa điểm này đến địa điểm khác như đổi chỗ làm việc, thay nơi phục vụ… tưởng cũng gợi lên khá nhiều phức tạp. Nếu ngày xưa Amos bị Thiên Chúa bắt lấy để sai đến vùng đất lạ, và các Tông đồ đã chẳng chọn địa chỉ cho mình, thì người Tông đồ hôm nay chắc không thể làm khác đi. Họ thuộc về Chúa nên sẵn sàng để được sai đi.

Lý tưởng sáng đẹp là thế, nhưng hiện thực vẫn còn tăm tối. Đã có những hành trang nặng hơn tiếng gọi ra đi, đã thấy những phản ứng xa lạ với lời hứa tuân phục, và cũng có những dấu hiệu của sự đối phó thậm chí tới mức ồn ào. Tin Mừng hôm nay như một lời cật vấn: Tông đồ - kẻ lên đường, chứ có đâu Tông đồ - kẻ xuống đường?

Nhưng nếu Tông đồ có sẵn sàng lên đường trong chuyển đổi thì đó là vì họ sẵn sàng lên đường ngay trong nhận thức của mình. Nói khác đi, lên đường chính là một tinh thần nhạy cảm của Tin Mừng được thể hiện qua lối sống gắn bó với sứ vụ.

Nhạy cảm với những thao thức của thời đại để tìm đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn, nới rộng kiến thức, mong diễn đạt Tin Mừng sát với ngôn ngữ hiện tại.

Nhạy cảm với nhu cầu tha nhân bằng muôn ngàn cách thể hiện lòng nhân ái vốn là điểm sáng của giới luật yêu thương, đồng thời là dấu hiệu dễ nhận ra nhất của Tin Mừng cứu độ.

Nhạy cảm với Giáo Hội để tìm hiệp nhất.

Nhạy cảm với đồng nghiệp để tìm tình huynh đệ nâng đỡ cộng tác.

Và nhất là nhạy cảm với Chúa để tìm thuộc về Ngài mỗi ngày một hơn. Hôm nay tôi có lên đường bằng cách sống tinh thần nhạy cảm đó không?

Và dọc dài sứ vụ, tư thế lên đường sẽ âm thầm làm nên hình ảnh chứng nhân, dù vẫn còn đó lời gọi phải xóa mình để bắt đầu lại mỗi ngày. Lên đường như thế là một nét đẹp của sứ vụ, và ngược lại, từ chối lên đường, nếu có, phải chăng là một bi kịch của ơn gọi?”. (Trích Tông đồ, kẻ lên đường trong quyển Với cả tâm tình, tr. 120-121, bộ sách Hạt nắng vô tư, NXB Tôn giáo, 2007).

Có nhiều độc giả tâm đắc với đoạn trích vừa nêu, đồng cảm với những suy nghĩ đầy tâm huyết của tác giả về cuộc lên đường của người tông đồ và công việc tông đồ. Xin Đức cha chia sẻ những cảm nghĩ trước cuộc lên đường của Đức cha.

Gm.VDT: Tôi đang suy ngẫm điều đã viết: “Hôm nay tôi có lên đường bằng cách sống tinh thần nhạy cảm đó không?” và cũng đang sống tâm tình cảm tạ với giáo phận Phan Thiết, nơi tôi được sai đến, cũng là nơi đã diễn đạt sống động “lòng nhân ái vốn là điểm sáng của giới luật yêu thương, đồng thời là dấu hiệu dễ nhận ra nhất của Tin Mừng cứu độ” mà tôi đã từng diễn tả trong đoạn trích dẫn trên.

PV: Trò chuyện với Đức cha, có cảm tưởng Phan Thiết không chỉ là “hạt nắng” mà là cả một “biển nắng” trong đón nhận của Đức cha.

Gm.VDT (khẽ cười, không đáp).

PV: Vậy, xin chờ được đọc Biển nắng tức Hạt nắng vô tư, bộ II, sẽ được Đức cha viết tại giáo phận Phan Thiết (?) và xin cảm ơn Đức cha đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top