ĐTC quảng diễn về việc cầu nguyện với các thánh vịnh
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 20 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ Tư, 22-6-2011 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Biển Đức 16 bắt đầu loạt bài về việc cầu nguyện với các thánh vịnh.
Tóm lược ý chính
Trong bài giáo lý sau phần tôn vinh Lời Chúa, ĐTC cho biết lần này cũng như những lần tới ngài nói về sách Thánh Vịnh là sách kinh tuyệt hảo. 150 thánh vịnh diễn tả kinh nghiệm phức tạp của con người, với tất cả những tình cảm đủ loại: vui mừng và đau khổ, hạnh phúc và thái độ tin tưởng phó thác, sợ hãi trước cô đơn và cái chết, sự sung mãn của cuộc sống và ước muốn Thiên Chúa, tâm tình bất xứng. ĐTC cho biết qua nhiều loại văn thể, thái độ của người cầu nguyện ở giữa sự cầu khẩn, khi gặp lo âu và buồn thảm, và sự chúc tụng ngợi khen khi nhớ đến hồng ân đã nhận lãnh, và khi chiêm ngắm lòng từ bi của Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ. Được ban cho Israel rồi cho Giáo Hội như Lời Chúa, các Thánh Vịnh cử hành ân phúc của Chúa, Đấng cúi mình xuống trên sự dòn mòng yếu đuối của chúng ta. Mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô soi sáng cho các thánh vịnh bằng một ánh sáng mới. Trong Chúa Giêsu Đấng đã cầu nguyện với các thánh vịnh trong cuộc đời trần thế, các thánh vịnh được được sự viên mãn chung kết và ý nghĩa trọn vẹn. Các thánh vịnh ấy biểu lộ cho chúng ta khuôn mặt của Chúa Cha. Như thế, kinh nguyện của Thánh Vịnh mở rộng chân trời của chúng ta về những thực tại bất ngờ, và như những con cái của Thiên Chúa, chúng ta cầu xin Chúa Cha trong Chúa Kitô và cùng với Chúa Kitô”!
Quảng diễn
Những ý tưởng nòng cốt trên đây mà ĐTC trình bày trong phần tóm tắt khi chào thăm các tín hữu hành hương, được ngài quảng diễn sâu rộng hơn trước đó qua bài giáo lý chính bằng tiếng Ý:
”Bộ thánh vịnh như một tập ”công thức” kinh nguyện, một bộ sưu tập 150 thánh vịnh mà truyền thống Kinh Thánh trao ban cho các tín hữu để kinh nguyện đó trở thành của họ, thành kinh nguyện của chúng ta, cách thức chúng ta thân thưa với Thiên Chúa và quan hệ với Chúa. Trong sách đó, chúng ta thấy có diễn tả toàn thể kinh nghiệm con người, với những sắc thái khác nhau, và toàn bộ những tâm tình đi kèm cuộc sống con người. Trong các thánh vịnh, có trộn lẫn và diễn tả vui mừng và đau khổ, ước muốn Thiên Chúa và ý thức sự bất xứng của mình, hạnh phúc và cảm giác bị bỏ rơi, tín thác nơi Thiên Chúa và tình trạng cô đơn đau thương, cuộc sống sung mãn và cảm tưởng sợ chết. Toàn thể thực tại của tín hữu hiện diện trong các kinh nguyện ấy, kinh nguyện mà dân Israel rồi đến Giáo Hội coi như một phương thế tốt nhất để quan hệ với Thiên Chúa duy nhất và là lời đáp lại một cách thích hợp đối với việc Chúa tự mạc khải trong lịch sử. Trong các kinh nguyện này, các thánh vịnh là những biểu hiện của tâm hồn và của đức tin, trong đó tất cả đều có thể tự nhận ra chính mình và qua đó, có thông truyền kinh nghiệm đặc biệt gần gũi Thiên Chúa mà mỗi người được mời gọi thực hiện. Toàn thể cuộc sống phức tạp của con người được tập trung trong những hình thức văn thể khác nhau của các thánh vịnh: như thánh ca, ai ca và những lời cầu khẩn cá nhận và tập thể, những bài ca tạ ơn, những thánh vịnh thống hối, thánh vịnh thuộc thể khôn ngoan và những loại khác có thể tìm thấy trong các tập thơ ấy.
ĐTC cũng nhận xét rằng mặc dù có những lối diễn tả đa diện như thế, chúng ta có thể nhận thấy có hai lãnh vực tổng hợp kinh nguyện của thánh vịnh: trước hết là những lời khẩn nguyện, gắn liền với sự than vãn, tiếp đến là sự chúc tụng ngợi khen, hai chiều kích này liên hệ với nhau và hầu như không thể tách rời nhau. Vì lời cầu khẩn được linh hoạt nhờ xác tín Thiên Chúa sẽ đáp lại, và điều này dẫn tới sự chúc tụng và cảm tạ. Sự chúc tụng và cảm tạ nảy sinh từ kinh nghiệm về ơn cứu độ đã nhận lãnh, tức là giả thiết là có nhu cầu cần được cứu giúp và sự khẩn nguyện biểu lộ nhu cầu ấy.
ĐTC nói tiếp: ”Trong khi cầu khẩn, người cầu nguyện ta thán và mô tả tình trạng lo âu, nguy hiểm, tuyệt vọng, hoặc như trong các thánh vịnh thống hối, người cầu nguyện xưng thú tội lỗi của mình, và xin tha thứ. Người cầu nguyện trình bày với Chúa tình trạng cần thiết của mình trong niềm tín thác sẽ được Chúa lắng nghe, và việc cầu khẩn ấy cũng bao hàm sự nhìn nhận Thiên Chúa là từ nhân, là Đấng muốn điều thiện và yêu thương sự sống (Xc Tv 11,26), sẵn sàng giúp đỡ, cứu vớt và tha thứ. Chẳng hạn, tác giả thánh vịnh thứ 31 cầu nguyện: ”Lạy Chúa, con chạy đến nương náu nơi Chúa, con sẽ không bao giờ bị thất vọng (..). Xin giải thoát con khỏi lưới chúng giăng cho con, vì Chúa là Đấng bảo vệ con” (vv. 2.5). Vì thế, cả trong khi than vãn, ta cũng thấy biểu lộ lời chúc tụng, báo trước niềm hy vọng sự can thiệp của Chúa và điều đó càng tỏ rõ hơn khi ơn cứu độ của Chúa trở thành thực tại. Cũng vậy, trong các thánh vịnh cảm tạ và ngợi khen, khi nhắc đến những hồng ân đã lãnh nhận hoặc chiêm ngắm lượng từ bi cao cả của Thiên Chúa, người ta cũng nhìn nhận sự bé nhỏ của mình và nhu cầu cần được cứu thoát, vốn là nền tảng của việc cầu khẩn. Qua đó, ta xưng thú với Chúa thân phận thụ tạo của mình, bị sự chết vây bủa, hoặc mang một ước muốn quyết liệt về sự sống.
Do đó tác giả thánh vịnh thứ 86 thốt lên: ”Lạy Chúa, là Chúa của con, con hết lòng chúc tụng Chúa, và tôn vinh danh Chúa muôn đời, vì lòng từ bi Chúa thật là lớn lao đối với con: Chúa đã giải thoát sinh mạng con khỏi vực thẳm âm ty” (v.v.12-13). Như thế, trong kinh nguyện của các thánh vịnh, sự cầu khẩn và ngợi khen xen lẫn nhau, và họp thành một bài ca duy nhất ca ngợi ân phúc đời đời của Chúa, Đấng cúi mình xuống trên sự yếu đuối của chúng ta”.
Chào thăm
Trong phần chào thăm các phái đoàn hành hương, ĐTC cũng nhắn nhủ các tín hữu với những lời khuyên cụ thể đi từ bài giáo lý của ngài. Với các tín hữu nói tiếng pháp ngài đặc biệt chào thăm các linh mục tuyên úy quân đội do Đức Cha Luc Ravel, GM giáo hạt quân đội Pháp hướng dẫn và nói: ”Trong sứ vụ của anh em, nhiều khi khó khăn, tôi mời gọi anh em hãy trung thành với phụng vụ các giờ kinh và cử hành các bí tích. Ước gì anh em có thể tìm được trong các thánh vịnh sức mạnh khôn cùng cho sứ vụ và đời sống Kitô của anh em”.
Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC chào thăm các tham dự viên Hội nghị của Hiệp Hội Âu Châu về ngành Sinh lý học thần kinh, các nhà giáo dục Công Giáo đến từ Canada và Hoa Kỳ đang nhóm họp tại Roma, các viên chức thuộc Hiệp Hội Quốc tế các chuyên gia và công nhân không gian. Ngài cũng nhắc đến các chủng sinh Hoa Kỳ đang tham dự một chương trình học hỏi tại Roma.
Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC cầu mong rằng sách Thánh Vịnh giúp đỡ chúng ta ca ngợi Thiên Chúa trong những hoàn cảnh của cuộc sống và cầu khẩn Chúa với tất cả lòng tín thác. Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta với Lời của Ngài và đặc biệt là sự hiện diện của Chúa Con trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và cử hành lễ Mình Thánh Chúa vào ngày 23-6, như một ngày vui mừng chúc tụng Thiên Chúa và cầu khẩn phép lành của Chúa.
Với các tín hữu Ba Lan, ĐTC cũng nhắc nhở rằng thứ năm hôm nay là đại lễ Mình Thánh Chúa. Trong các thánh lễ chúng ta đặc biệt sống mầu nhiệm bánh và rượu biến thành Mình và Máu Chúa Kitô, và đón nhận Mình Máu Chúa trong sự hiệp lễ. Trong các thánh lễ và các cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa, chúng ta thờ lạy sự hiện diện thực sự qua bí tích của Chúa giữa chúng ta. Ước gì đại lễ này làm bừng lên nơi chúng ta sự tôn kính và yêu mến đối với Phép Thánh Thể, là nguồn mạch vô tận các ơn thánh của Chúa.
Sau cùng bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt chào thăm các tín hữu thuộc giáo phận Melfi Rapolla Venosa do Đức Cha Gianfranco Todisco GM giáo phận hướng dẫn. Ngài nói: ”Tôi nhắn nhủ anh chị em hãy kín múc nơi Thánh Thể sức mạnh để làm chứng cho Tin Mừng bác ái, noi gương vị đồng hương của anh chị em là thánh Giustino de Jacobis.. Tôi chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Hỡi những người trẻ quí mến, ước gì tấm gương và lời chuyển cầu của thánh Louis Gonzaga mà chúng ta đã kính nhớ hôm 21-6 vừa qua, khích lệ các con đề cao giá trị của nhân đức khiết tịnh theo tinh thần phúc âm; anh chị em bệnh nhân thân mến, xin thánh Louis Gonzaga giúp đỡ anh chị đương đầu với những đau khổ nhờ tìm được an ủi nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh; và anh chị em tân hôn quí mến, xin thánh nhân hướng dẫn anh chị em đến một tình yêu thương sâu xa hơn đối với Thiên Chúa và giữa anh chị em với nhau”.
ĐTC cho biết lúc 7 giờ chiều tối thứ năm hôm nay, như mọi năm ngài sẽ cử hành thánh lễ kính Mình Thánh Chúa tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano. Sau đó sẽ có cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa qua đường Merulana đến Đền thờ Đức Bà Cả. Ngài nói: ”Tôi mời gọi các tín hữu ở Roma và các tín hữu hành hương tham dự cử chỉ đức tin sâu xa này đối với Thánh Thể, vốn là kho tàng quí giá nhất của Giáo Hội và nhân loại”.
Cuối buổi tiếp kiến lúc gần 12 giờ trưa, ĐTC đã cùng mọi người hiện diện hát kinh Lạy Cha và ngài ban phép lành Tòa Thánh cho họ.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô