Đón nhận hay loại bỏ!

Đón nhận hay loại bỏ!

WGPSG -- “Đón nhận hay loại bỏ! mãi mãi là vấn nạn không dễ tìm lời giải đáp để đi đến quyết định đối với phụ huynh, khi biết đứa con mình sắp sinh ra bị khuyết tật”.

Từ thao thức trên, Chương trình Chuyên đề Giáo dục thuộc Ban Mục vụ Gia đình TGP TP.HCM (CTCĐGD) đã tổ chức Chuyên đề 246 với chủ đề: “Hiểu và đồng hành cùng phụ huynh có thai nhi khuyết tật” vào lúc 14g30 thứ Bảy, 09.11.2016 tại hội trường Phanxicô Nguyễn Văn Thuận thuộc TTMV TGP TP.HCM.

Hiện diện trong buổi nói chuyện, có linh mục Luy Nguyễn Anh Tuấn (Lm Luy), Trưởng ban MVGĐ TGP TP.HCM; nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, đặc trách CTCĐGD; nữ tu tiến sĩ Tâm lý Têrêsa Trì Thị Minh Thúy, MTG Thủ Thiêm; tiến sĩ Bác sĩ Tô Mai Xuân Hồng, giảng viên bộ môn sản Đại học Y Dược cùng các nhân chứng và trên 300 khán thính giả.

Có gia đình như thế.

Cả khán phòng như lắng đọng khi BTC giới thiệu gia đình anh Gioan Bosco Nguyễn Hoàng Thương, thành viên của CTCĐGD (anh chị Hạnh-Thương) đã trải qua kinh nghiệm nghiệt ngã này, để quyết định “đón nhận” thai nhi, khi đã biết đứa con mình sinh ra bị “khuyết tật”. Chị Têrêsa Đặng Thị Mỹ Hạnh bộc bạch: “Khi biết được sự thật đau lòng trên, em quá đau khổ, rơi vào hụt hẫng, khủng hoảng và thất vọng! Nhưng nhờ sự an ủi, động viên của anh Hạnh, hai vợ chồng đã cầu nguyện nhiều ngày và chấp nhận thập giá Chúa trao ban với niềm tin ‘Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được, (Lc 1,37). Đến nay, dù cháu còn yếu ớt và tiếp tục được phẫu thuật, nhưng vợ chồng em cảm nhận được sự bình an, hạnh phúc vì vẫn nhìn được mặt con để ôm ấp, vỗ về”.

Chứng nhân: Tàn nhưng không phế.

Thật thú vị khi người dẫn chương trình (MC) lại ngồi trên xe lăn, do người chồng khá điển trai đẩy, đó là chị Liêu Thị Ngọc Hiếu và anh Nguyễn Thanh Hà. Qua video clip được trình chiếu, mọi người ngộ ra chị chính là nhân chứng sống động về nỗ lực vươn lên của một cô gái đang độ trăng tròn, nhưng sau ca phẫu thuật để lấy khối u cột sống, chị đã bị liệt hai chân! Cánh cửa tương lai như đóng sập lại để giam chị trong địa ngục trần gian với nỗi thất vọng, buồn chán, mặc cảm, tự ti... về sự tàn phế của mình, dẫu gia đình luôn an ủi và động viên chị.

Nhưng với ý chí và nghị lực, chị đã nỗ lực học tập và hòa nhập xã hội, cùng với sự nâng đỡ của gia đình, đặc biệt là tình yêu chân thành của anh Nguyễn Thanh Hà dành cho chị, hiện nay chị là điều phối viên sống độc lập của Chương trình Khuyết tật và Phát triển (DRD Vietnam). Chị bộc bạch: “Nhờ sự đỡ nâng của gia đình và tình yêu của chồng, đã luôn đồng hành, nâng đỡ và giúp chị giải quyết mọi bất tiện trong gia đình và cuộc sống, để ngày nay, chị đã có một mái ấm gia đình thật hạnh phúc với một cháu gái xinh xắn”.

Chưa dừng lại ở đây, một lần nữa khán thính giả lại xúc động khi nghe cháu Giuse Mạc Đặng Mừng, 28 tuổi, bị hội chứng Down chậm rãi nói từng câu: “Con cảm ơn ba mẹ đã sinh con ra, nuôi con, cho con được học hành”. Với đoạn video clip ngắn ngủi, mọi người đã cảm nhận được sự sẵn sàng “đón nhận” thánh ý Chúa của vợ chồng ông Phanxicô Phaolô Mạc Văn Mỹ, và dành hết tình thương cho người con trai duy nhất của mình bị hội chứng Down.

Bà Maria Đặng Thị An cho biết: “Con cảm ơn Chúa đã ban cho con người chồng tuyệt vời. Ông đã dành hết tình thương của người cha cho người con, chấp nhận nghịch cảnh, nỗi tủi nhục cũng như sự thờ ơ của người thân và xã hội để tạo điều kiện cho cháu được phát triển”.

Ông Mỹ cho biết thêm: “Vì thương con, tôi đã nghiên cứu tài liệu về hội chứng Down để giúp cháu có thể phát triển được. Từ đó, tôi đã dành hết thời gian chở cháu đi học, rồi cùng học, cùng chơi với cháu, để hướng dẫn lại cháu những điều giáo viên hướng dẫn trên lớp. Vợ chồng tôi đã dành hết tiền bạc để mua đàn, sắm vi tính, dụng cụ thể thao cho cháu học tập. Nhờ đó, ngày nay cháu biết đánh đàn, có bằng vi tính đồ họa và đạt nhiều huy chương về thể thao”.

Đâu là giải pháp?

Qua những chứng nhân trên, Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn nhắn nhủ: “Gia đình là nơi chữa lành những cảm xúc đã bị tổn thương. Vì thế, các bậc phụ huynh hãy tin tưởng vào Đấng Phục Sinh mà cảm tạ và “đón nhận” sự sống Chúa trao cho mình, để đồng hành, đi sâu, đi sát và tạo điều kiện cho những đứa trẻ trở thành người tốt, hầu mang lại hạnh phúc cho mình, cho con cái và niềm vui đến với mọi người”.

Nhằm giúp các bậc phụ huynh ổn định tâm lý để có định hướng đón nhận những thai nhi bị khuyết tật, nữ tu tiến sĩ Tâm lý Têrêsa Trì Thị Minh Thúy đã chia sẻ với khán thính giả về phương pháp hỗ trợ tâm lý cho phụ huynh có thai nhi bị khuyết tật. Nữ tu trình bày: “Khi biết tin con mình sắp sinh ra bị khuyết tật, người mẹ cần siêng năng cầu nguyện và phó thác nơi Thiên Chúa, gặp gỡ những nhà tâm lý học để được hướng dẫn vượt qua cơn shock với bao nỗi lo âu, sợ hãi, tức giận, mặc cảm tội lỗi... để có khả năng vượt qua. Bên cạnh đó, sự đỡ nâng của gia đình, người thân về mặt tâm lý, cũng tác động rất lớn giúp phụ huynh thích nghi với thực tế và đón nhận hoàn cảnh. Từ đó, cuộc sống sẽ ổn định và thấy đời vẫn đáng yêu”.

Về mặt khoa học, tiến sĩ Bác sĩ Tô Mai Xuân Hồng giới thiệu cho phụ huynh những phát triển của y khoa, sẽ giúp phụ huynh phát hiện sớm tình trạng khuyết tật của thai nhi, và một số trường hợp có thể can thiệp trực tiếp, hầu chữa dị tật cho thai nhi ngay khi còn trong bụng mẹ.

Chương trình khép lại lúc 17g15. Thay mặt Ban tổ chức, thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh ngỏ lời cảm ơn quý diễn giả, các nhân chứng đã dành thời gian quý báu đến để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình cho mọi người.

Vâng, ĐGH Phanxicô đã nói: “Gia đình chính là bệnh viện gần nhất chữa lành những vết thương”. Vì thế, trong niềm phó thác vào sự an bài của Thiên Chúa, cùng với nỗ lực của bản thân và sự cộng tác của gia đình, xã hội, khoa học... chúng ta có thể vượt qua những nghịch cảnh để “đón nhận” chứ không “loại bỏ” sự sống Thiên Chúa đã trao ban cho mình.

Top