“Dom Helder Câmara – quà tặng tình yêu”: chứng từ của cha Antoine Guérin

“Dom Helder Câmara – quà tặng tình yêu”: chứng từ của cha Antoine Guérin

“Dom Helder Câmara – quà tặng tình yêu”: chứng từ của cha Antoine Guérin

WHĐ (29.05.2009) – Năm 2009 đánh dấu 100 năm ngày sinh và 10 năm ngày qua đời của Đức Tổng giám mục Dom Helder Câmara, Tổng giáo phận Olinda và Recife, Braxin. Nhiều cuộc gặp gỡ, hội nghị, thánh lễ… đã được tổ chức để tôn vinh Đức TGM Câmara, “người hăng hái bảo vệ những kẻ không có quyền”. Bài viết “Dom Helder Câmara: quà tặng tình yêu” sau đây của cha Antoine Guérin trên website HĐGM Pháp nhân dịp lễ Chúa Thánh Thần phác họa lại chân dung của con người được thúc đẩy bởi chính Thánh Thần – Suối nguồn Tình yêu để hiến đời mình cho những người anh em cùng khốn.

Cha Antoine Guérin là linh mục Fidei Donum thuộc Hội Prado (Lyon, Pháp), đã cộng tác với Đức Tổng giám mục Dom Helder Câmara. Từ năm 2000 tới 2004, cha là thư ký quốc gia (Pháp) của tổ chức Cefal, nay là “Cực châu Mỹ Latinh” trong Ủy ban quốc gia “Sứ vụ Phổ quát của Giáo hội”. Cha vẫn sống trong vùng Đông Bắc của Braxin.

Phải nói về con người này ở thì hiện tại. Ngày nay Dom Helder vẫn tiếp tục hiện diện và hoạt động bởi tất cả những gì đã gieo và đã trồng, và cũng bởi những gì đã viết và được tuần tự xuất bản.

Chuyên gia về lòng nhân ái này là một công dân của thế giới. Ngài có cái nhìn vượt quá chân trời Giáo hội: “Hai ngàn năm sau khi Đức Kitô ra đời, hơn hai phần ba nhân loại còn sống trong những điều kiện vô nhân của cùng khốn và đói khát. Hơn hai phần ba con cái Chúa phải sống như những con vật.”

Nhà thần bí đầy nhiệt huyết này, thi sĩ giàu cảm xúc và đầy óc khôi hài này là một mục tử tiếp nhận các tình cảm của Đức Kitô, Đấng Chăn chiên lành, biết các con chiên của mình, bày tỏ một lòng cảm thông tuyệt mức, cho phép ngài cảm nhận được những gì những kẻ bị loại khỏi thế giới này cảm nhận.

Nhiều lần tôi được chứng kiến ngài diễn lại cuộc đối thoại của Maria và José, cặp vợ chồng đã chạy trốn cái đói và nỗi cùng khốn của thôn quê để kéo về thành phố: “Maria, rồi em sẽ thấy: anh sẽ có việc làm; chúng ta sẽ có một căn nhà nhỏ xinh xắn; con cái chúng ta cuối cùng sẽ được đi học và ăn uống đàng hoàng; khi bệnh tật, chúng ta sẽ được chữa trị tại một trong các bệnh viện! Maria, rồi em sẽ thấy, chúng ta sẽ hạnh phúc ở đây!” José và Maria cuối cùng cũng tới được thành phố để chen chúc nhau ở một trong vô số khu ổ chuột của Recife!

Dom Helder là một ngôn sứ cho thời đại chúng ta. Ngài gây hào hứng cho các người trẻ và những ai muốn xây dựng một thế giới khác. Như mọi ngôn sứ, ngài không thuộc về mình. Ngài hiến đời mình cho người nghèo và bênh vực họ với bất cứ giá nào!

Chúng ta đã được biết về những khổ đau ngài đã trải qua từ phía các quân nhân, những người chẳng hề muốn có thay đổi trong xã hội, từ nhiều đồng liêu giám mục và hồng y và từ Giáo triều Roma. Nhà đại truyền thông này bị cấm lên tiếng. Nhật báo và tạp chí tại Braxin không được nhắc đến tên ngài.

Chúng ta có thể ngợi ca sự táo bạo có tính ngôn sứ của ngài. Khi cùng với Bruno, linh mục đã cùng đi với tôi tới Recife, chúng tôi xin phép ngài được tới sống và lao động tại một khu nghèo khổ để hiểu rõ hơn những người dân chúng tôi muốn hiến cuộc đời mình để phục vụ, ngài trả lời không do dự: “Tôi hoàn toàn ủng hộ các cha!” Điều này xảy ra ngay dưới thời kỳ độc tài quân phiệt! Ngài biết cách kết hợp dịu dàng với cứng rắn, sự mạnh mẽ của ngôn sứ và lòng thắm thiết của người anh em.

Trong khi chúng tôi sửa soạn dâng Thánh lễ, ngài gặp một linh mục có thái độ chống đối ngài kịch liệt. Dom Helder giang hai tay và ôm lấy linh mục này một cách thắm thiết và nói: “Người anh em của tôi!” Táo bạo và khiêm tốn, bởi vì ngài ý thức rõ về những giới hạn con người của mình. Trong diễn văn vào ngày tới Olinda và Recife với cương vị Tổng giám mục, ngài nói là ngài “xem mình là người anh em yếu đuối và tội lỗi của mọi người thuộc mọi chủng tộc và ở mọi ngõ ngách của thế giới.” Khi có người hỏi rằng ngài có kiêu hãnh hay không khi được hàng ngàn người tung hô, ngài trả lời: “Khi tôi nghe thấy tiếng vỗ tay, tôi thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, con chỉ là con lừa Chúa đang cỡi. Họ vỗ tay hoan hô Chúa đó!”

Như mọi ngôn sứ, Dom Helder là một con người tự do. Khi bạn của ngài là Tổng thống Juscelino Kubitschek, yêu cầu ngài làm thị trưởng của thủ đô mới, Brasilia, ngài trả lời ngay: “Thưa Tổng thống, hôm nay tôi ở đây, trước mặt ngài đây, trao đổi các quan điểm một cách hoàn toàn tự do và không có cam kết gì hết. Cái ngày mà tôi gắn mình với nhóm lãnh đạo của ngài, vì những ràng buộc của việc thực thi chính trị, tôi sẽ bị trói buộc, chấp nhận tất cả những gì ngài yêu cầu tôi, và không còn dành cho ngài sự hợp tác độc đáo và độc lập của Giáo hội.” Ngôn sứ không thể là người của một thể chế. Người phải độc lập để duy trì sự cố kết của mình.

Ngôn sứ vén màn của những lớp vỏ bề ngoài để cho thấy cái ở phía sau, tích cực hay tiêu cực. Với người gái điếm đã từng thưa với ngài rằng vào những ngày lễ kính Đức Mẹ Đồng trinh Maria, cô không bắt người nghèo phải trả tiền, ngài nói: “Hãy cầu nguyện cho tôi!” Vào cuối một bữa ăn nọ, bà chủ nhà đưa cho ngài một phong bì dày cộm và nói: “Cha cứ sử dụng theo ý cha.” Ngài trả lời bà: “Vậy, bà cho phép tôi lấy một phần để cho bà bếp của bà để bà ấy mua thuốc cho đứa con đang đau ốm của bà ấy. Một phần khác để giúp người tài xế của bà mua dụng cụ trường học cho con gái của anh ta. Cuối cùng số tiền này sẽ rất có ích cho người bồi phòng của bà để sửa lại căn nhà đang sụp đổ!”

“Nếu tôi mơ ước một mình, thì chỉ là ước mơ. Nhưng nếu chúng ta cùng nhau mơ ước, thì thực tế sẽ bắt đầu.” Dom Helder thích nhắc đi nhắc lại điều đó. Như mọi ngôn sứ, ngài là một kẻ mơ mộng. Nhưng là một kẻ mơ mộng đang hành động và tập họp mọi người như ngài đã làm một cách tuyệt vời tại Công đồng; tại đây, ngài là một trong những nghị phụ có ảnh hưởng nhất… dù không hề lên tiếng phát biểu trong các cuộc họp.

Con người mơ mộng này đã ký một thỏa ước với Roger Garaudy, khi ấy là một trong những người lãnh đạo đảng Cộng sản Pháp: “Tôi sẽ làm tất cả để Giáo hội chấp nhận chủ nghĩa xã hội và ông [cũng làm như vậy] để người cộng sản loại bỏ mối quan hệ giữa tôn giáo và sự tha hóa.”

Vào năm 1973, trong tập tài liệu “Tôi đã nghe thấy tiếng gào thét của dân tôi”, được xuất bản vào giữa thời kỳ độc tài, Dom Helder với nhiều giám mục và Bề trên các dòng tu bắt đầu thực hiện thỏa ước: “Giai cấp thống trị không có con đường nào khác để giải phóng mình, nếu không phải là con đường dài và khó khăn, đã bắt đầu, của việc ủng hộ quyền sở hữu xã hội của các phương tiện sản xuất.”

Từ tài liệu dữ dội này, tôi dựng một cuốn phim với kỹ thuật nghe nhìn cho thấy các cảnh trái nghịch nhau giữa người giàu và người nghèo và kêu gọi xây dựng một xã hội mới. Dom Helder đã khóc trong khi trình chiếu các cảnh này. Đó là những giọt nước mắt của vị ngôn sứ mở ra cho thấy những gì ở phía sau những thực tại khắc nghiệt của cuộc sống và những khó khăn trong việc thực hiện giấc mơ của ngài.

Mỗi khi một biến cố trầm trọng xảy ra, như việc tra tấn hay các vụ mất tích, Dom Helder triệu tập chúng tôi để nghe trình bày các dự án hành động. Ngôn sứ không hành động một mình. Trong khi ngài không còn làm Tổng giám mục Olinda và Recife, khi Bruno Bibollet và các thành viên của Mục vụ các nhà tù bị bắt làm con tin và có thể bị các tù nhân hay cảnh sát ám sát, Dom Helder ở đó, trong tòa giám mục của người kế vị mình, cùng với chúng tôi tìm một giải pháp.

Sứ mạng ngôn sứ của ngài không giới hạn vào xã hội. Ngài thực hiện sứ mạng này cả trong Giáo hội nữa. Khi thành lập “Các cuộc gặp gỡ huynh đệ”, ngài thúc đẩy người nghèo cùng nhau ngồi lại để lắng nghe Lời Chúa và tìm cách giúp nhau cải thiện điều kiện sống của mình. Khi mục tử nói trên đài phát thanh, nhiều người lắng nghe những lời chất chứa hy vọng đẩy người ta đến hành động. Khi thành lập Ủy ban “Công lý và Hòa bình”, ngài thúc đẩy Giáo hội phục vụ các quyền của con người, bảo vệ các tù nhân chính trị cũng như những người nông dân không có đất và đủ loại người bị gạt sang bên lề.

Trong cuốn sách sắp được tái bản tại Pháp, Dom Helder viết: “Toàn thể Giáo hội được kêu gọi để làm ngôn sứ, nghĩa là loan báo lời của Chúa, và cũng để là tiếng nói của những người không có tiếng nói, để làm một cách chính xác điều Đức Kitô, khi đọc Isaia, đã tuyên bố đó chính là sứ mạng của Ngài: ‘Thần Khí của Chúa ở trên tôi. Người đã phái tôi đi để rao giảng tin mừng cho người nghèo, để mở mắt, để giải thoát…’ Đó luôn là sứ vụ của Giáo hội”.

Tại Pháp cũng như tại châu Mỹ Latinh và trên toàn thế giới, các người trẻ, người đứng tuổi tin rằng một thế giới khác là điều có thể. Họ ôm ấp trong tim sự tươi mát và không tưởng của Tin Mừng. Những thiểu số con cháu Abraham, như Dom Helder gọi họ, đem lại cho thế giới một linh hồn.

Antoine Guérin

 

Một lời cầu nguyện của Đức TGM Dom Helder Câmara:

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.

Xin đừng mỉm cười mà nói rằng

Chúa đã ở bên chúng con rồi.

Có cả triệu người chưa biết Chúa.

Nhưng biết Chúa thì được cái gì?

Chúa đến để làm gì

nếu đời sống con cái của Chúa

cứ tiếp tục y như cũ?

Xin hoán cải chúng con.

Xin lay chuyển chúng con.

Ước gì sứ điệp của Chúa

trở nên máu thịt của chúng con,

trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.

Ước gì sứ điệp đó

lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,

và đòi buộc chúng con,

làm chúng con không yên.

Bởi lẽ chỉ như thế,

sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con

bình an sâu xa,

thứ bình an khác hẳn,

đó là Bình An của Chúa.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top