Điểm lại các sự kiện trong tháng 7 năm 2016
WGPSG -- Tháng Bảy là một tháng có nhiều cơn bão và lụt lội ở nhiều nơi. Sau mỗi cơn mưa dầy, vài thành phố bị ngập nặng gây nhiều thiệt hại cho dân chúng.
Việc linh mục 86 tuổi, Jacques Hamel, hiền hòa thánh thiện, bị khủng bố sát hại trong khi ngài đang dâng Thánh lễ là sự kiện tàn ác đã gây sốc cho Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trong các ngày cuối tháng từ 27 đến 31, thế giới hướng lòng về chuyến tông du của ĐTC đến Ba Lan, chủ tọa Ngày Giới trẻ Thế giới tại Krakow. Phong cách thân thương của ngài đã thu phục lòng giới trẻ.
Ngày 13 tháng Bảy, ĐTC đã bổ nhiệm các thành viên cho Quốc vụ viện Truyền thông. Trong số các thành viên mới, có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho.
Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phát hành bản dịch chính thức “Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu - Amoris Laetitia”.
Giáo hội toàn cầu
1/ Elie Wiesel là người Mỹ gốc Do Thái sinh tại Romania, vừa qua đời hôm thứ Bảy, 02 tháng Bảy 2016 tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, ở tuổi 87. “Nhà văn Elie Wiesel, người sống sót từ trại tập trung của Đức Quốc xã, đã nói rằng nhiệm vụ hàng đầu ngày nay của chúng ta là phải “lưu truyền ký ức”. Cần “ghi nhớ”, cần giữ một chút khoảng cách với hiện tại để lắng nghe tiếng nói của tổ tiên chúng ta”. (Xem bài)
2/ Ngày 04 tháng Tám sắp tới, ĐTC sẽ viếng thăm Assisi thuộc vùng Umbria, Italia. Cuộc viếng thăm của ĐTC đến Portiuncula diễn ra nhân kỷ niệm tám trăm năm “ơn đại xá Portiuncula” được Đức giáo hoàng Honorius III ban theo lời thỉnh cầu của thánh Phanxicô (năm 1216). Do ơn Chúa quan phòng, kỷ niệm này lại trùng với Năm Thánh Lòng Thương xót. (Xem bài)
3/ Sau gần 8 tháng xét xử, phiên toà được gọi là Vatileaks 2 đã kết thúc với các bản án dành cho 2 trong số 5 bị cáo, Đức ông Lucio Angel Vallejo Balda bị kết án 18 tháng tù giam với tội danh “tiết lộ các tài liệu mật liên quan đến lợi ích căn bản của Tòa Thánh”. Bà Francesca Immacolata Chaouqui – giáo dân người Italia, nhận bản án 10 tháng tù vì đã cộng tác với bị cáo Vallejo Balda, và được hưởng án treo trong thời gian 5 năm. (Xem bài)
4/ Một vị chức trách tại Điện Lambeth, hôm thứ Tư 06.07 đã cho biết: Người đứng đầu Giáo hội Anh giáo, Tổng giám mục Justin Welby, sẽ nhận một gia đình tị nạn Syria vào tháng tới. (Xem bài)
5/ Tháng Ramadan của người Hồi giáo năm nay bắt đầu từ ngày 06 tháng Sáu và kết thúc vào ngày 06 tháng Bảy. Các linh mục, các học giả, trẻ em, sinh viên của các trường Hồi giáo, phụ nữ và người trẻ, người Hồi giáo, Kitô giáo, Ấn giáo và người Sikh, tất cả đều có mặt và tham gia một sự kiện do Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn tổ chức tại Lahore để cổ vũ sự hoà hợp tôn giáo nhân dịp kết thúc tháng chay Ramadan của Hồi giáo. (Xem bài)
6/ Tại cuộc họp báo sau phiên toà ra phán quyết ngày 07.07 của Toà án Vatican đối với vụ án được gọi là Vatileaks 2, cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã nhắc lại diễn tiến vụ án này. Ngài minh định việc cáo buộc 5 người về tội tiết lộ thông tin mật dựa trên “một đạo luật được ban hành gần đây (năm 2013) nhằm chống lại việc thất thoát tài liệu. “Để nhận biết và đánh giá những khía cạnh khác nhau của trường hợp này, cần phải nói đến vai trò và trách nhiệm đích thực hay không của các nhà báo trong vụ việc, mặc dù rõ ràng sẽ có tranh luận về sự tôn trọng quyền tự do báo chí”. (Xem bài)
7/ Tiếp tục thực hiện cải tổ tại Giáo triều Roma, hôm thứ Bảy 09.07, ĐTC đã ban hành một Tự sắc (ký ngày thứ Hai 04.07) quy định rõ mối quan hệ giữa APSA (Văn phòng Quản trị Tài sản Tông Toà) và Quốc vụ viện Kinh tế. (Xem bài)
8/ Cùng ngày thứ Bảy 09 tháng Bảy, tại Karachi (thủ đô Pakistan), đã diễn ra lễ an táng ông Abdul Sattar Edhi, người được dân chúng tôn kính như một vị “thánh sống” và được mệnh danh “Mẹ Têrêsa của Pakistan”. Hơn một vạn người đã tham dự lễ tang cấp quốc gia dành cho nhà hoạt động nhân đạo nổi tiếng này. Tại tang lễ, cha Saleh Diego, Tổng đại diện TGP Karachi, đã đặt vòng hoa đại diện Giáo hội Công giáo kính viếng ông Abdul Sattar Edhi. Cha cũng cho biết Tổng giáo phận đã tổ chức những buổi canh thức cầu nguyện cho ông tại khắp các nhà thờ. (Xem bài)
9/ ĐTC đã chấp thuận cha Federico Lombardi, sau 10 năm đảm nhận chức vụ Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, được từ nhiệm cương vị này. Chuyến công cán cuối cùng của cha trước khi rời khỏi chức vụ Giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh là tháp tùng ĐTC trong chuyến tông du Ba Lan, chủ tọa Ngày Giới trẻ Thế giới tại Krakow, từ 27 đến 31 tháng Bảy. (Xem bài)
10/ Sau khi chấp thuận cha Federico Lombardi được từ nhiệm chức vụ Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, ĐTC đã bổ nhiệm hai giáo dân vào vị trí đứng đầu cơ quan này: ông Greg Burke (Hoa Kỳ) làm Giám đốc, và bà Paloma Garcia Ovejero (Tây Ban Nha) làm Phó giám đốc. (Xem bài)
11/ Sau khi Đức hồng y Robert Sarah đưa ra đề nghị: Trong mùa Vọng, Thánh lễ được cử hành “hướng về phía Đông” (nghĩa là: quay lưng lại cộng đoàn), Toà Thánh đã đưa ra minh xác: “không có hướng dẫn mới nào” dành cho việc cử hành mùa Vọng cả, đồng thời nhắc lại những quy tắc chung của Sách lễ Roma. (Xem bài)
12/ Ngày 12.07, bày tỏ sự ủng hộ Dự luật Bảo vệ Tu chính án thứ nhất, Đức TGM Salvatore J. Cordileone (Tổng giáo phận San Francisco), Chủ tịch Tiểu ban Cổ vũ và Bảo vệ Hôn nhân trực thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, và Đức TGM William E. Lori (Tổng giáo phận Baltimore), Chủ tịch Uỷ ban đặc biệt về Tự do Tôn giáo, đã ra tuyên bố Giáo hội sẽ tiếp tục bênh vực mọi người được thực hành niềm tin tôn giáo và những xác tín về luân lý của mình trong đời sống công cộng mà không chút sợ hãi, đồng thời làm chứng cho sự thật. (Xem bài)
13/ Hôm thứ Ba, 12.07, Hội Thừa sai nước ngoài Paris (MEP) đã họp Đại hội và bầu cha Gilles Reithinger, 44 tuổi, người Alsace, làm Bề trên tổng quyền của Hội. (Xem bài)
14/ Ngày 13 tháng Bảy, ĐTC đã bổ nhiệm các thành viên cho Quốc vụ viện Truyền thông – đã được ngài thành lập ngày 27.06.2015. Trong số các thành viên mới, có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho. (Xem bài)
15/ Tông huấn là một bài huấn dụ đặc biệt của ĐTC nhằm truyền đạt nhận định của ngài về một vấn đề nào đó. ĐTC thường dùng Tông huấn để công bố những kết luận ngài có được sau khi xem xét những khuyến cáo của một Thượng Hội đồng Giám mục. Amoris Laetitia là kết quả của những suy tư trong cầu nguyện của ĐTC về những cuộc thảo luận và những kết quả của hai Thượng Hội đồng Giám mục tổ chức tại Roma: một Thượng Hội đồng Ngoại thường năm 2014, và một Thượng Hội đồng Thường lệ năm 2015, cả hai đều có chủ đề về hôn nhân và gia đình. (Xem bài)
16/ ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm nói về Quốc vụ viện Truyền Thông: Quốc vụ viện có nhiệm vụ tái cấu trúc, tái tổ chức và liên kết tất cả những cơ quan Toà Thánh có liên hệ với lĩnh vực truyền thông, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu truyền giáo. (Xem bài)
17/ Đức Giám mục Santos đặc biệt kêu gọi người lao động Philippines ở Trung Quốc hãy “tránh tham gia các cuộc tranh luận về phán quyết này vì sự an toàn của mình”. Ngài khuyên họ “tiếp tục làm việc với ý thức trách nhiệm, tỏ ra tôn trọng và bình tĩnh”. Đức cha cũng dặn dò đừng lập nhóm và đừng nói về phán quyết này trên các mạng xã hội. (Xem bài)
18/ Nhà chức trách Ba Lan đã bảo đảm các tham dự viên Ngày Giới trẻ Thế giới tại Krakow sẽ được an toàn trong thời gian diễn ra Đại hội tại đây, đồng thời nhấn mạnh không có thêm mối đe dọa nào sau cuộc khủng bố tại Nice (Pháp) và một hệ thống kiểm soát rất quan trọng đã được thiết lập. (Xem bài)
19/ Các ban nhạc Công giáo nổi tiếng của Phong trào “Tuổi trẻ Giêsu” tại Ấn Độ và Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) sẽ có vinh dự trình diễn trong Ngày Giới trẻ Thế giới (GTTG) tại Ba Lan, trước sự hiện diện của ĐTC. (Xem bài)
20/ Hôm thứ Sáu 15.07, Hội đồng Giám mục Pháp cũng như nhiều giám mục đã bày tỏ nỗi cảm thông của các ngài sau vụ khủng bố tại Nice khiến ít nhất 84 người đã thiệt mạng. Đức cha Dubost bày tỏ: “Sẽ không thể có khủng bố nếu chúng ta hiểu biết nhau, nếu chúng ta bước ra khỏi môi trường của chúng ta. Tôi tin rằng chủ nghĩa tự do tuyệt đối khiến cho mỗi người ở lì trong môi trường của mình. Vào những giờ phút ấy, chúng ta cần phải tự hỏi rằng ‘tình huynh đệ có nghĩa gì?’...” (Xem bài)
21/ Án phong chân phước cho Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô I (Albino Luciani) đã được mở lại với vị cáo thỉnh viên mới là Đức hồng y Beniamino Stella. Trong Thánh lễ cử hành vào ngày thứ Bảy 16.07 vừa qua tại giáo xứ gốc của Đức cố giáo hoàng là Lentiai (thuộc vùng Veneto, đông bắc Italia), Đức hồng y Stella nói: “Vẫn còn một chặng đường dài phải vượt qua, nhưng nếu Chúa muốn, chúng tôi hy vọng sẽ có được sự công nhận này cho một vị giáo hoàng rất được yêu quý ở đây”. (Xem bài)
22/ Trong số các đoàn đã ghi danh tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới tại Ba Lan, có đoàn Irak với những người trẻ sẽ chia sẻ chứng từ về niềm vui sống đức tin. “Tôi muốn mọi người được thấy chứng từ về đức tin, đức tin trong thống khổ, đức tin của đoàn người trẻ chúng tôi”, cha Rayan Atto đã nói như trên với hãng tin CNA của Công giáo Hoa Kỳ hôm 19 tháng Bảy. (Xem bài)
23/ Hôm thứ Năm 21.07, Tổng thư ký Liên hiệp các Quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), ông Ernesto Samper, loan báo rằng chính quyền Venezuela đã chấp nhận có một đại diện Tòa Thánh trong tổ chức quốc tế làm trung gian cho một cuộc đối thoại với phe đối lập theo yêu cầu của tổ chức này. Tuy nhiên, Tòa Khâm sứ tại Caracas cũng như Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh chưa nhận được một yêu cầu chính thức nào về việc làm trung gian cho cuộc giải quyết khủng hoảng tại Venezuela. (Xem bài)
24/ “Tìm Dung Nhan Thiên Chúa” là tựa đề Tông hiến của ĐTC nói về đời sống của các nữ tu chiêm niệm được công bố ngày 22.7. (Xem bài)
25/ "Đứng trước những hành động kinh khủng, nhiều khi sự im lặng diễn tả hùng hồn hơn là lời nói", ĐHY Parolin đã phát biểu như thế về chuyến đi của ĐTC viếng thăm trại tập trung Auschwitz vào ngày 22.7. (Xem bài)
26/ “Diễn đàn Czestochowa của người trẻ” do cộng đoàn Emmanuel tổ chức trong khuôn khổ Ngày Giới trẻ Thế giới tại Krakow, Ba Lan, đã dành ra buổi chiều cho các “cuộc giao lưu”, cho các hội thảo chuyên đề theo nhiều chủ đề. Một trong các hội thảo chuyên đề này đề cập đến cách thức nói về Chúa Giêsu với người Hồi giáo. Cuộc trao đổi về chủ đề này do một linh mục người Ghinê vốn là con của một imam điều hành. (Xem bài)
27/ ĐTC đã quyết định không dùng bài diễn văn chính thức dự kiến sẽ đọc trước các giám mục Ba Lan trong ngày đầu tiên chuyến tông du của ngài đến Ba Lan, thay vào đó là cuộc gặp gỡ riêng với các ngài, trong đó giáo hoàng và các giám mục sẽ có thể lắng nghe và trò chuyện với nhau hoàn toàn tự do. (Xem bài)
28/ Chiều 26.07, Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 đã chính thức khai mạc với Thánh lễ đồng tế do Đức hồng y Stanislaw Dziwisz, TGM Krakow, chủ tế. (Xem bài)
29/ Có mặt tại Krakow để tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới, Đức giám mục Georges Pontier, TGM Marseille và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp bày tỏ “sự sửng sốt không thể tưởng tượng nổi” của ngài sau vụ linh mục Jacques Hamel bị sát hại, gần Rouen: “Những kẻ gây nên vụ sát hại này chẳng còn chút giá trị gì, dù họ là ai”. (Xem bài)
30/ Đây là chương trình chi tiết của chuyến tông du Ba Lan của ĐTC từ ngày 27 đến 31.07 do Văn phòng Báo chí Toà Thánh ban hành. (Xem bài)
31/ Trong khuôn khổ chuyến tông du Ba Lan, chủ tọa Ngày Giới trẻ Thế giới, ĐTC dâng Thánh lễ mừng 1050 năm Kitô giáo tại Ba Lan. Thánh lễ được cử hành gần Đền thánh Czestochowa, lúc 10g30 sáng thứ Năm 28.07. Đồng tế với ĐTC có toàn thể Hội đồng Giám mục và đông đảo linh mục Ba Lan. Ngoài ra còn có sự hiện diện của Tổng thống và các quan chức cao cấp trong chính phủ Ba Lan. Khoảng 200.000 bạn trẻ đã tham dự Thánh lễ này. (Xem bài)
32/ Thứ Sáu 29.07, Ngày Giới trẻ Thế giới 2016 tại Ba Lan bước sang ngày thứ ba - Bước theo Chúa Giêsu trên Đường Thánh Giá. Một lần nữa chúng ta nhận thấy mình cần phải noi gương Người qua việc thực thi mười bốn mối thương người. (Xem bài)
33/ Bước sang ngày thứ tư của Ngày Giới trẻ Thế giới 2016, ĐTC mời gọi các bạn trẻ hướng về lòng thương xót và viết tiếp Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa. (Xem bài)
34/ Thánh đường Hồi giáo Villeneuve-d’Ascq thuộc vùng Nord-Pas-de-Calais ở miền Bắc nước Pháp đã dành ngày thứ Sáu 29 tháng Bảy để cầu nguyện cho cha P. Jacques Hamel. (Xem bài)
35/ Chúa nhật 31.07 là ngày cuối cùng của những Ngày Giới trẻ Thế giới 2016. Trong Thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới 2016, ĐTC mời gọi các bạn trẻ: “Chúa đã kêu gọi các con đích danh từng người… Chúa muốn các con đến đây và chính Chúa đã đến đây… và Chúa muốn đến nhà các con và ở lại”. Chúng ta có thể nói rằng Ngày Giới trẻ Thế giới bắt đầu hôm nay và tiếp tục vào ngày mai, tại nhà các con, vì đó chính là nơi Chúa Giêsu muốn gặp các con kể từ hôm nay. (Xem bài)
36/ Ngày Giới trẻ Thế giới lần tới sẽ tổ chức tại Panama vào năm 2019: ĐTC đã loan báo như trên, khi kết thúc Thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới Krakow tại Campus Misericordiae. (Xem bài)
Giáo hội Việt Nam
1/ Bản Tổng kết Khoá Thường huấn các nhà đào tạo ứng sinh linh mục tại Việt Nam (3-16.7.2016). Các thuyết trình viên đã giúp các tham dự viên nhận định về hiện trạng Phúc Âm hoá tại Việt Nam, quy chiếu về ánh sáng của Tin Mừng và lịch sử Giáo Hội, để có thể đề ra những định hướng thích hợp cho việc đào tạo linh mục trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. (Xem bài)
2/ Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Trưởng ban Giáo lý Tổng Giáo phận Sài Gòn - đã khai mạc Tuần lễ Giáo lý 2016 với chủ đề: "Giáo lý viên Phục vụ Xã hội" tại hội trường GB Phạm Minh Mẫn, thuộc Trung tâm Mục vụ Sài Gòn lúc 18g30 thứ Hai 18.07. (Xem bài)
3/ "Bất cứ khi nào bạn mưu cầu ảnh hưởng đến suy nghĩ/hành vi, hay tạo sự phát triển cho người khác, là bạn đang đảm nhận vai trò lãnh đạo”. Lãnh đạo không phải là một công việc, mà là một ơn gọi. Lãnh đạo là ơn gọi dấn thân vào công việc của Chúa mà GLV phải làm cả một đời. (Xem bài)
4/ Bài thuyết trình "Phân tích xã hội trong Giáo hội" của cha Micae gồm ba phần: Phân tích tổng thể, Công cụ để phân tích và Phân tích xã hội trong Giáo hội. (Xem bài)
5/ Chủ đề: "Gìn giữ và bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta": Ô nhiễm rác rưởi và văn hóa thải bỏ do con người tạo ra đang làm cho ngôi nhà chung bị ô nhiễm trầm trọng: ô nhiễm đất, ô nhiễm biển... (Xem bài)
6/ Trong Thánh lễ kết thúc Tuần lễ Giáo lý 2016 vào lúc 17g30 ngày 23.7, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã chủ sự nghi thức tuyên hứa cho 76 GLV tốt nghiệp chương trình đào tạo căn bản. (Xem bài)
7/ Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến quý Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ cùng quý Anh Chị Em: bản dịch chính thức “Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu - Amoris Laetitia” do VPHĐGMVN thực hiện, đã được phát hành. (Xem bài)
Tâm tình cuối tháng
Trong Tông hiến “Tìm Dung Nhan Thiên Chúa”, ĐTC đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các nữ tu chiêm niệm và nhấn mạnh rằng "Giáo Hội đang cần các chị để đưa Tin Mừng cho con người ngày nay. Đây không phải là một sứ mạng dễ dàng trong một thế giới tuân hành những tiêu chuẩn quyền bính, kinh tế và tiêu thụ". Thách đố mà ĐTC đề ra cho các nữ tu chiêm niệm là: Hãy trở thành những đèn pha, những ngọn đuốc sáng hướng dẫn và đồng hành với nhân loại; Hãy là những người chỉ cho thế giới thấy Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống.
Lời kêu gọi của ĐTC không chỉ dành riêng cho các nữ tu mà cho tất cả các Kitô hữu. Như lời ngài đã kết luận ngày cuối cùng của những Ngày Giới trẻ Thế giới 2016: “Tin tưởng vào lời chuyển cầu của Mẹ Maria, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ hành trình của người trẻ trong Giáo hội và trên thế giới, và làm cho các con trở nên môn đệ và chứng nhân của lòng Chúa thương xót.”
Nguyện xin Chúa Thánh Linh phù trợ chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19