Điểm lại các sự kiện trong tháng 01 năm 2018

Điểm lại các sự kiện trong tháng 01 năm 2018

WGPSG -- Sau những ngày mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, phụng vụ bắt đầu vào mùa Thường Niên từ tuần thứ hai của tháng 1. Màu xanh lá cây của phát triển và hy vọng tràn ngập trong các Thánh lễ.

Trong tháng này, Hội Thánh toàn cầu hướng về chuyến tông du lịch sử một tuần tại hai quốc gia Nam Mỹ Chilê và Pêru của Đức Thánh Cha Phanxicô, từ thứ Hai 15.01 đến Chúa nhật 21.01.2018.

Một phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh đã tới thăm Hà Nội, Huế và Sài Gòn nhân chuyến viếng thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 16 đến 20.01.2018. Phái đoàn do Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa Thánh, làm trưởng đoàn. Hai thành viên còn lại là Đức Ông Phanxicô Cao Minh Dung, Tham Tán Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Ông Yovko Genov Pishtiyski, Tham Tán Xử Lý Thường Vụ Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore.

Giáo hội toàn cầu    

1/ Bài giảng của ĐTC trong Thánh lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa tại Vương cung Thánh đường Vatican thứ Hai 01.01. (Xem bài)

2/ Năm mới bắt đầu nhân danh Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa là tước hiệu quan trọng nhất của Đức Mẹ.  Danh xưng Mẹ Thiên Chúa nhắc chúng ta nhớ điều này: Thiên Chúa gần gũi với nhân loại, như đứa con ở sát bên mẹ khi người mẹ cưu mang nó trong lòng. (Xem bài)

3/ Sau sự kiện bất ổn tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào ngày 31.12 vừa qua, Đức hồng y Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng giám mục Kinshasa, đã ra tuyên bố ngày thứ Ba, 02.01, lên án chính quyền nước này đàn áp các Kitô hữu. (Xem bài)

4/ Hôm thứ Ba 02.01, một ứng dụng có tên Clerus App dành cho điện thoại thông minh và máy tính bảng do Bộ Giáo sĩ  và Quốc vụ viện Truyền thông của Toà Thánh phối hợp thực hiện, đã ra mắt để giúp các linh mục và phó tế soạn bài giảng. VaticanNews cho biết, hằng tuần Clerus Appsẽ “đưa ra những gợi ý cho những ai muốn đào sâu và suy niệm Lời Chúa của phụng vụ Chúa nhật”. Cụ thể, vào mỗi thứ Năm, Bộ Giáo sĩ sẽ giới thiệu một bài giảng của cha Marko Rupnik, một linh mục Dòng Tên người Slovania, dùng làm chất liệu để suy gẫm. (Xem bài)

5/ Cử chỉ sám hối “xưng thú tội lỗi trong lời nói, việc làm và những điều thiếu sót” trước mặt Thiên Chúa và các anh chị em khác giúp chúng ta chuẩn bị xứng đáng cho việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Chỉ ai biết thừa nhận các sai lầm và xin lỗi, mới nhận được sư cảm thông và tha thứ của những người khác. ĐTC đã nói như trên trong buổi gặp gỡ chung 8.000 tín hữu và du khách hành hương sáng thứ Tư 03.01 trong đại thính đường Phaolô VI. (Xem bài)

6/ Sứ điệp của ĐTC cho “Ngày thế giới Di dân và Tị nạn” lần thứ 104, sẽ được tổ chức vào ngày 14.01 với chủ đề “Đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và người tị nạn”.  (Xem bài)

7/ Amazon đã biến thành một vùng đất phi luật pháp, nơi không có Nhà nước pháp quyền, phó mặc cho sự ngạo mạn của những kẻ có tiền và có quyền, là nơi mà quyền lực chính trị, pháp luật và việc thi hành pháp luật như những bóng ma. Đó là lời tố cáo của ĐHY Brazil Claudio Hummes – chủ tịch REPAM (Mạng lưới Giáo hội Toàn Amazon) – và Đức cha Erwin Krautler – chủ tịch REPAM của Brazil, với tiêu đề “Có quá nhiều bạo lực ở Amazon, nhưng Sự sống –quà tặng của Thiên Chúa–, còn mạnh hơn!”. (Xem bài)

8/ Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa mời gọi mọi Kitô hữu nhớ tới bí tích Rửa Tội của chính mình, qua đó chúng ta đã trở thành các thụ tạo mới, được mặc lấy Chúa Kitô và tháp nhập vào trong tương quan của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha. Cần nhớ ngày rửa tội, bởi vì đó là ngày lễ, là ngày khởi đầu sự thánh hoá chúng ta, là ngày Thiên Chúa Cha đã ban cho chúng ta Thần Khí, là Đấng thúc đẩy chúng ta tiến bước, là ngày của ơn tha thứ lớn lao. ĐTC đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. (Xem bài)

9/ Không đầy hai tuần trước khi ĐTC đến thăm Chilê, hơn 2.500 sinh viên ở Chilê đã tham gia sứ vụ phục vụ các cộng đoàn Công giáo ở nông thôn. Các bạn trẻ thuộc 40 trường, sẽ toả ra đến với 90 cộng đoàn trên khắp đất nước Chilê để sống và chia sẻ đức tin trong 10 ngày với hơn một triệu gia đình, linh hoạt các hoạt động gia đình và giới trẻ, ngoài ra còn xây dựng các nhà nguyện. (Xem bài)

10/ ĐTC phê bình nước giàu mạnh áp đặt các "nhân quyền mới” như "quyền phá thai”, hôn nhân tính, v.v. cho các nước nghèo là một hình thức mới "thực dân ý thức hệ”. Đó là một trong những vấn đề được ĐTC đề cập đến trong diễn văn dài khi tiếp ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới, vào lúc 10 giờ 30, sáng ngày 08.01. (Xem bài)

11/ Trong sứ điệp Video gửi dân chúng tại Chile và Peru, công bố hôm 09.01, ĐTC nói: "Tôi đến với anh chị em như sứ giả của niềm vui Tin Mừng, để chia sẻ với tất cả mọi người 'hòa bình của Chúa' và "củng cố anh chị em trong cùng một niềm hy vọng”. Hòa bình và hy vọng được chia sẻ giữa tất cả mọi người”. (Xem bài)

12/ Toà Thánh đã công bố lịch cử hành phụng vụ của ĐTC trong tháng Giêng và tháng Hai 2018, gồm cả phụng vụ mùa Chay. (Xem bài)

13/ Kết thúc một năm hoạt động của Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện (chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01.01.2017), Đức hồng y Peter Turkson đã đánh giá những công việc của Bộ trong năm qua và phác thảo một kế hoạch hành động trong tương lai. (Xem bài)

14/ Sau khi cải tổ ngành truyền thông, các trang mạng xã hội của Vatican: gồm Facebook, Twitter, YouTube và Instagram, đã đạt được tổng cộng hơn 4 triệu người. (Xem bài)

15/ Hôm  09.01, Hội đồng Giám mục Áo đã công bố kết quả thống kê chính thức về Giáo hội tại Áo trong năm 2017. Theo kết quả này, số tín hữu Công giáo Áo trong năm 2017 không có nhiều thay đổi. (Xem bài)

16/ Trong Thánh lễ sau Kinh Vinh Danh, một thánh thi rất cổ xưa diễn tả lòng biết ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa, là lời cầu nguyện thu thập tất cả mọi ý chỉ của tín hữu đuợc nói lên trong thinh lặng. ĐTC đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ Tư 10.01 trong đại thính đường Phaolô VI. (Xem bài)

17/ Chuyến tông du sắp tới của ĐTC đến Chilê và Pêru, Đại hội Thế giới các Gia đình, Tông huấn Niềm vui Tình yêu (Amoris Laetitia), Thượng Hội đồng Giám mục về người trẻ, và cải tổ Giáo triều Rôma, là những chủ đề được Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà thánh, trao đổi với Vatican News. (Xem bài)

18/ Hôm 12.01 đã xảy ra 5 vụ phá hoại thánh đường ở Chile trong vòng 24 tiếng đồng hồ, 3 ngày trước khi ĐTC đến thăm nước này. (Xem bài)

19/ Để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng Mười tới đây tại Roma với chủ đề “Người trẻ, Đức tin, và sự Phân định Ơn gọi”, sau bản câu hỏi gửi đến người trẻ trên toàn thế giới – đăng tải trên mạng internet, Thượng Hội đồng Giám mục sẽ vẫn tiếp tục hiện diện trong thế giới kỹ thuật số. Cụ thể, Giáo hội sẽ tận dụng các mạng xã hội (Facebook, Instagram và Twitter) để lắng nghe người trẻ - là thành phần chủ yếu của các mạng xã hội. (Xem bài)

20/ Chuyến viếng thăm Trung Quốc từ ngày 7 đến 16 tháng Giêng 2018 của một phái đoàn thuộc tổ chức đại kết “Hội đồng Thế giới các Giáo hội” (WCC - World Council of Churches), theo mục sư Olav Fykse Tveit, TTK Hội đồng, là một chuyến viếng thăm “lịch sử”. Trước đây mục sư Tveit đã đến TQ hồi tháng 11 năm 2016 để tham dự nhiều cuộc gặp gỡ. (Xem bài)

21/ Thứ Hai 15.01, trên chuyến bay sang Chilê để khởi đầu cuộc tông du một tuần tại hai quốc gia Nam Mỹ Chilê và Pêru, ĐTC đã gửi đến các phóng viên cùng đi bản sao bức ảnh một bé trai cõng trên lưng một bé trai khác. Bức ảnh do nhà nhiếp ảnh Mỹ Joe O’Donnell chụp mấy ngày sau cuộc tấn công hạt nhân của Hoa Kỳ tại Nagasaki, Nhật Bản, năm 1945. (Xem bài)

22/ Ngày đầu tiên sau khi đến Chilê, thứ Ba 16.01, lúc 8g20 sáng (giờ địa phương), ĐTC đã đến Dinh Tổng thống La Moneda, chào thăm và gặp giới chức chính quyền Chilê và ngoại giao đoàn. Sau đó, ngài hội kiến với Bà Michelle Bachelet, Tổng thống Chilê. (Xem bài)

23/ Theo chương trình tông du của ĐTC tại Chilê, chiều thứ Ba 16.01, ngài sẽ đến thăm trại giam phạm nhân nữ San Joaquin ở Santiago. Để chuẩn bị đón ĐTC, các phạm nhân đã dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng trại giam vì họ tin rằng chuyến viếng thăm này là do Chúa quan phòng. (Xem bài)

24/ Trong Thánh lễ đầu tiên của cuộc viếng thăm tại Chile, diễn ra lúc 10g30 sáng 16.01 tại công viên O'Higgins, với sự hiện diện của nửa triệu tín hữu. ĐTC mong các tín hữu trở thành những người xây dựng hòa bình và công lý trong cuộc sống thường nhật. (Xem bài)

25/ Trong khuôn khổ chuyến tông du lần thứ 22 tại Chilê, vào chiều thứ Ba 16.01, lúc 18g15, ĐTC đã gặp gỡ các giám mục Chilê tại Phòng thánh của Nhà thờ chính toà Santiago. (Xem bài)

26/ Trưa 18.01 (11g30, giờ địa phương), theo chương trình ngày cuối chuyến tông du lần thứ 22 viếng thăm Chilê, ĐTC đã cử hành Thánh lễ tại Lobito Campus, Iquique. Iquique là một thành phố phía bắc Chilê, cách thủ đô Santiago khoảng 1.800km về phía Bắc. (Xem bài)

27/ Ngày đầu tiên sau khi đến Pêru, thứ Sáu 19.01, lúc 16g45, ĐTC đã gặp giới chức chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Sân dinh Gobierno, thủ đô Lima, Pêru. (Xem bài)

28/ Sáng 20.01, ĐTC đã đáp máy bay từ thủ đô Lima lên Trujillo, thủ phủ vùng La Libertad, miền duyên hải phía bắc Pêru. Trujillo cách Lima 480 km về phía bắc. (Xem bài)

29/ Sáng Chúa nhật 21.01, ĐTC đã đến Đền Thánh Chúa làm phép lạ ở thủ đô Lima để nguyện kinh giờ nhỏ với khoảng 500 nữ tu chiêm niệm thuộc các đan viện ở Peru vào lúc 9g15. (Xem bài)

30/ Bước sang ngày cuối cùng, 21-01, trong chuyến tông du Chilê và Pêru, vào buổi sáng, lúc 10g30, ĐTC đã gặp gỡ các giám mục Pêru tại Tòa Tổng giám mục Lima. (Xem bài)

31/ Chủ đề cho tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2018 được rút ra từ bài thánh ca "Tay hữu Chúa", viết cho hội nghị các Giáo hội vùng Caribê vào tháng 8.1981, và đã trở thành bài hát của phong trào đại kết. "Lạy Chúa, tay hữu ngài, đã biểu dương sức mạnh" (Xh 15,6). (Xem bài)

32/ ĐTC mới công du hai nước Chile và Peru về, vì thế trong buổi tiếp kiến chung hơn 15.000 tín hữu và du khách hành hương sáng thứ Tư 24.01, ngài đã chia sẻ với mọi người những gì ngài đã sống khi viếng thăm hai quốc gia này. (Xem bài)

33/ Lúc 5g30 chiều ngày 25.01, ĐTC đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. (Xem bài)

34/ Thứ Sáu 26.01, ĐTC đã tiếp kiến Đức hồng y Angelo Amato, SDB, Bộ trưởng Bộ Tuyên thánh. Trong buổi tiếp, ĐTC đã cho phép Bộ Tuyên thánh ban hành 4 Sắc lệnh liên quan đến việc công nhận các phép lạ của 1 vị Chân phước, 3 vị Tôi tớ Chúa, 2 Sắc lệnh nhìn nhận sự tử đạo của 19 vị Tôi tớ Chúa, và 2 Sắc lệnh công nhận các nhân đức anh hùng của 2 vị Tôi tớ Chúa. (Xem bài)

35/ Cùng ngày thứ Sáu 26.01, tại Hội trường Clêmentê trong Dinh Tông Toà, các thành viên của Bộ Giáo lý Đức tin đã được ĐTC tiếp kiến khi họ kết thúc Khoá họp toàn thể. ĐTC đã cảm ơn họ về “công việc phục vụ tế nhị” đối với Giáo hội, và nhấn mạnh đến “mối liên kết đặc thù” giữa Bộ và “người kế vị Thánh Phêrô, là người được mời gọi củng cố anh em mình trong đức Tin, và củng cố sự hiệp nhất của Giáo hội”. (Xem bài)

36/ Trong chuyến viếng thăm lịch sử đến nhà thờ Thánh Sophia của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina tại Roma, vào sáng Chúa nhật 28.01, ĐTC nói ngài luôn ở bên và cầu nguyện cho Ukraina, đồng thời khuyến khích họ đừng mất hy vọng. (Xem bài)

37/  Lúc 12 giờ trưa Chúa nhật 28.01, ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, ngài quảng diễn bài Tin Mừng Chúa nhật cho thấy Chúa Giêsu là Đấng có thẩm quyền trong cả lời nói lẫn việc làm. (Xem bài)

38/ Sáng 29.01, nhân dịp khai mạc Năm tư pháp mới của Giáo hội, ĐTC đã tiếp kiến các thẩm phán, luật sư của toà Thượng Thẩm Rota ở Roma. Trong dịp này, ĐTC nhắc lại tầm quan trọng của việc chuẩn bị hôn nhân và nhấn mạnh đến vai trò trọng yếu của lương tâm. (Xem bài)

39/ Ngày 29-01, ĐTC đã ban hành Tông hiến Veritatis Gaudium (Niềm vui Chân lý) về đào tạo đại học của Giáo hội Công giáo. Tông hiến này đưa ra những quy chuẩn mới đối với các Học viện đến nay vẫn tuân theo các quy định của Tông hiến Sapientia Christiana, được Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 15 tháng Tư 1979. (Xem bài)

Giáo hội Việt Nam

1/ “Đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập” là chủ đề sứ điệp ‘Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn’ lần thứ 104 của ĐTC. ĐGM Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã nhắc đến chủ đề này nhiều lần trong buổi Hội ngộ Đức tin của cộng đoàn quốc tế (International Gathering Of Faith), được cử hành lúc 16g00 thứ Bảy 13.01 tại Trung tâm Mục vụ Sài Gòn. (Xem bài)

2/ Thứ Ba 16.01, phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh đã tới Hà Nội trong chương trình gặp gỡ và làm việc với nhà nước Việt Nam. Phái đoàn do Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa Thánh làm trưởng đoàn. Hai thành viên còn lại là Đức Ông Phanxicô Cao Minh Dung, Tham Tán Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Ông Yovko Genov Pishtiyski, Tham Tán Xử Lý Thường Vụ Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore. (Xem bài)

4/ Ngày 17.01, phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh đã tới thăm Tòa Giám mục Phát Diệm nhân chuyến viếng thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 16 đến 20.01. (Xem bài)

5/ Phái đoàn Bộ Ngoại giao Toà Thánh đã tới sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 09g45 thứ Bảy 20.01 để thăm VP HĐGMVN và nơi làm việc của vị Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam. Sau đó, phái đoàn đã đến dâng Thánh lễ tại VCTĐSG trước khi rời Sài Gòn vào tối cùng ngày. (Xem bài)

6/ Trong Tuần lễ Giáo Hội cầu nguyện cho “Sự Hiệp Nhất” từ 18.01 đến 25.01, Tổng Giáo phận Sài Gòn dành riêng một ngày thứ Tư 24.01 tổ chức Buổi gặp gỡ Suy Tôn Lời Chúa với chủ đề: “Lạy Chúa, tay hữu Ngài là biểu dương sức mạnh” (Xh 15,6) với các Giáo Hội Kitô giáo tại hội trường PX Nguyễn Văn Thuận trong Trung tâm Mục vụ từ 15g00 đến 17g15. (Xem bài)

Tâm tình cuối tháng

ĐTC phát biểu trên chuyến bay sang Chilê với những người tham dự – trong đó có nhiều người đoạt Giải Nobel Hoà bình – rằng “các mối quan hệ quốc tế không thể bị đóng khung trong sức mạnh quân sự, sự hăm doạ lẫn nhau, và sự phô trương các kho dự trữ vũ khí…”. Và ngài khẳng định: “Vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhất là vũ khí hạt nhân, chỉ đem lại một cảm giác an toàn giả tạo. Chúng không thể tạo lập được nền tảng cho sự chung sống hoà bình giữa các thành viên của gia đình nhân loại”.

Nói chuyện với các giới chức chính trị và dân sự Peru, ĐTC đã đánh giá cao gia tài môi sinh, văn hoá và tinh thần của đất nước này, và ngài đã nêu bật hai thực tại đe dọa nó nhất: đó là sự tồi tệ môi sinh xã hội và nạn gian tham hối lộ... Nó nguy hiểm hơn là bệnh cúm! Nó trộn lẫn và làm hư hỏng con tim. Gian tham hối lộ làm hư hỏng trái tim. ĐTC đã nhấn mạnh rằng không có ai được miễn trừ khỏi trách nhiệm của mình trước hai vết thương này, và việc dấn thân chống lại chúng liên quan tới tất cả mọi người. 

Mong ước xây dựng hòa bình của ĐTC cùng với suy tư theo chủ đề cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2018: "Lạy Chúa, tay hữu ngài, đã biểu dương sức mạnh" (Xh 15,6) về những thách đố đương đại một lần nữa đe dọa nô lệ và đe dọa phẩm giá con người đã được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, là những ý cầu nguyện cần thiết trong tháng này.

Xin Ngôi Ba Thiên Chúa phù trợ cho nhân loại chúng con biết nhận ra Chân Lý, hầu có thể tránh được những đau thương của chiến tranh, và sống đúng nhân phẩm của con người như Thiên Chúa đã tạo dựng. Amen.

Top