Cuộc Hải Hành của Cha Francisco de Pina đến Đàng Trong (1608)
Tác giả: Đình Nam
Ngày: 1 Tháng 8, 2020
WHĐ (21.8.2020) – Khoảng hơn hai năm về trước 2018, trong buổi tường trình trong Hội Câu Lạc Bộ Văn Học (CLBVH) ở thành phố Oklahoma City, tôi đã trình bày một bài thuyết trình về sự thành hình của chữ Quốc Ngữ. Sau khi trình bày xong, tôi một nhận thấy rằng sự hiểu biết của tôi về các thừa sai đang hoạt động ở Đàng Trong[1] còn rất nhiều thiếu sót. Cho đến bây giờ tôi đã hiểu biết rằng lúc ban đầu, các nhà truyền giáo muốn phát triển chữ Quốc Ngữ (QN) không phải để cho quần chúng người Việt mà là cho chính họ vì học và viết tiếng Nôm quá khó khăn. Vì thế, đó mới chính là động cơ thúc đẩy họ đã chế tạo ra chữ QN, nhưng tôi vẫn thắc mắc không rõ ràng cho lắm cách thức mà họ đã thực hiện. Hiện giờ tôi chỉ biết bốn vị tiền phong trong công cuộc tìm hiểu chữ QN. Đó là Cha Francisco de Pina (1586-1625); sau đó là Cha Gaspar d’Amaral (1594-1646)[2], Cha Antonio Barbosa (1594-1647)[3] và cuối cùng là Cha Alexandre de Rhodes (1593-1660).[4] Kể từ năm 1617 cho đến năm 1636, họ đã lần lượt vào Đàng Trong, ra Đàng Ngoài để giảng đạo. Bắt đầu là Cha Pina, vị giáo sĩ đầu tiên có thể tự học, nói chuyện một cách lưu loát tiếng Việt và cũng là thầy dạy chữ tiền Quốc Ngữ cho Cha Rhodes. Tôi cũng biết rằng ngoài tiếng mẹ đẻ của họ, các tu sĩ Dòng Chúa Giêsu[5] rất am tường tiếng La Tinh và biết ít nhiều về tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái. Theo suy nghĩ của tôi, sự hiểu biết về những thứ tiếng này, nhất là tiếng Hy Lạp và La Tinh là nòng cốt trong việc phiên mã (transcription) từ âm điệu tiếng Việt ra chữ QN mà họ đã theo đuổi và cuối cùng đã thành công vào năm 1651. Nhưng chỉ biết vài ngôn ngữ đó cũng chưa đủ để họ tiến hành vì họ sẽ cần nhiều hơn thế nữa, nhất là khi lịch sử chữ QN đã cho chúng ta biết rằng chỉ trong một thời gian rất ngắn từ năm 1618 cho đến 1623, nhà ngôn ngữ học tiên phong Cha Pina đã tìm ra căn bản của thanh vị (tone) của tiếng Việt và hoàn thành một quyển ngữ vựng tiếng Bồ và tiếng Việt. Đó là không kể đến cuốn giáo lý viết bằng chữ Nôm mà ngài đã soạn ra dựa theo cuốn giáo lý mà Hồng Y Bellarmine đã viết vào năm 1614[6]. Theo tôi nghĩ, dĩ nhiên là Cha Pina không thể nào một mình soạn ra quyển giáo lý này mà cần sự trợ giúp của nhiều học giả Việt Nam thời ấy và luôn cả Cha Francesco Buzomi (1576-1639)[7] người đã giúp ngài định nghĩa và dịch ra những từ ngữ trừu tượng trong thánh kinh ra tiếng Việt. Muốn thực hiện những chương trình qui mô này, lúc suy gẫm về chữ QN, Cha Pina suy nghĩ cách thức chuyển âm ngữ hầu như một mình. Ngoài các tiếng Âu Châu ra, ngài còn còn cần hiểu biết thêm về các ngôn ngữ Á Châu khác nữa. Khi đến Goa, Cha Pina, theo tôi nghĩ, đã có cơ hội học hỏi cả tiếng Nhật và có thể, cả tiếng Konkani nữa. Hơn thế nữa, ngài cần nhiều sự giúp đỡ của các nhà ngôn ngữ tiên phong lưu trú tại các quốc gia khác. Khi ngài bước chân đến Đà Nẵng lần đầu tiên, ngài chỉ là một giáo sĩ trẻ, mới ra trường từ Macao, tuổi đời còn non nớt, kinh nghiệm chưa đủ. Vì thế, chúng ta phải tự hỏi khi tạm trú tại Goa (2-3 năm) và ở Macao (5-6 năm), Cha Pina đã nhìn thấy và học hỏi thêm những gì? Muốn biết câu trả lời, chúng ta chỉ có thể quay về quá khứ đề tìm hiểu thêm về cuộc đời của ngài trong những năm gia nhập Dòng Chúa Giêsu cho đến lúc tàu cặp bến ở Macao (1605-1616) và khi bước chân lên lãnh thổ Đà Nẵng (1617).
Khi tưởng tượng đến Cha Pina, trí óc tôi nhìn thấy một vị giáo sĩ trung niên đang ngồi dưới ánh đèn cầy mờ ảo, tay cầm một cây viết lông gà, nguệch ngoạc viết xuống những dòng chữ xa lạ. Ông ngồi đấy hàng giờ sau khi cầu nguyện và ăn xong bữa cơm chiều. Thỉnh thoảng, ông dừng bút, suy nghĩ, đắn đo… Đó là những hình ảnh tràn ngập trong tâm khảm tôi đầy sự yêu mến và kính phục đến với vị tu sĩ này. Hơn 400 năm trước, khi bước lên chiếc tàu gỗ khổng lồ rời bến Lisbon, nước Bồ Đào Nha, ông đã biết mình có thể sẽ không còn cơ hội về thăm quê hương và gia đình được nữa. Nhưng ông vẫn tiếp tục bước lên bậc thang và cuối cùng được mang sang một thế giới xa lạ để phục vụ một lý tưởng cao cả mà thượng đế đã trao cho. Gần đây nhờ vào sự kiên trì trong hơn 10 năm mà ông Roland Jacques bỏ ra trong cuộc đời ông để nghiên cứu về Cha Pina, cuối cùng những thành tích về sự phát triển mới mẻ của chữ Quốc Ngữ lúc mới khai phong, vừa được khám phá. Tuy vậy, chúng ta vẫn không am tường thời niên thiếu, sự học vấn và cuộc hải hành của ông qua Goa. Mục đích của bài tường trình này là làm sáng tỏ phần nào cuộc đời ngắn ngủi của ngài để bổ túc thêm chi tiết mà ông Roland Jacques đã dành cho người Việt Nam chúng ta.
Hình 1 - Lãnh Thổ Đàng Trong (Xanh Dương) và Đàng Ngoài (Màu Cam) do Cha Alexandre de Rhodes hoàn thành vào Giữa Thế Kỷ 17
Thân Thế của Cha Francisco de Pina
Cha Pina sinh ra vào năm 1586 vào lúc đế quốc Bồ Đào Nha đang trên con đường suy đồi. Khoảng tám năm trước đó,vị vua Bồ trẻ Sebestian I đã ra một quyết định một cách sai lầm mang quân tham gia vào cuộc nội chiến ở Marocco và khiến ông bị thiệt mạng cùng vô số binh sĩ. Vì vua Sebestian I không có người nối vị, vua Tây Ban Nha Philip II, chú của cố vua Sebestian I, nhân dịp này sáp nhập nước Bồ vào với Tây Ban Nha cho đến năm 1640. Dưới sự cai trị của vua Tây Ban Nha, đế quốc Bồ bắt đầu suy yếu từ đó. Bắt đầu thế kỷ 17, không may cho họ, trên thế giới có nhiều chuyển biến, những quốc gia theo đạo Tin Lành như nước Hòa Lan hay Anh Quốc bắt đầu cạnh tranh với người Bồ trong việc buôn bán gia vị trên thế giới. Không những thế, họ còn dùng tàu bè tối tân thời bấy giờ để cướp của và đánh đắm những con thuyền buôn của người Bồ. Đồng thời các quốc gia thiếu thân thiện này cũng phong tỏa các thành phố quan trọng trong thềm thương mại như Lisbon hay Goa. Sống và lớn lên trong bối cảnh này, là một cậu bé ngây thơ, Cha Pina không hề biết thế giới bên ngoài đang xảy ra chiến tranh khốc liệt như thế nào cho đến khi anh ta gia nhập vào hàng ngũ nhà Dòng Chúa Giêsu.
Cha Pina được chào đời ở thành phố Guarda (Hãy xem bản đồ nước Bồ, Hình 2), một thành phố nằm về phía đông bắc, trên địa phận núi non (cao độ 3.465 ft) gần biên giới giữa nước Bồ và nước Tây Ban Nha - cao nhất so với các thành phố khác ở nước Bồ. Thành phố này được sáng lập năm 1197 để chống lại sự xâm lấn của người Hồi Giáo.[8] Nói một cách tổng quát, người dân Guarda rất ngoan đạo thời đó. Dân số ở đây thưa thớt. Không bao gồm các vùng ngoại ô, trong thành phố Guarda, dân số chỉ có khoảng 2.300 người (thống kê năm 1755)[9]. Cho đến nay, không ai rõ gia thế của ông, nhưng dòng họ Pina ở Guarda rất nổi tiếng trong thành phố này, nhất là ông Rui de Pina (1440-1522). Vào năm 1497, vua Manuel I phong chức Rui de Pina làm Biên Sử Quan và hưởng lộc vua khi về hưu ở Guarda. Trước đó, nhà vua bổ nhiệm ngài làm chức Thư Ký (Secretary)[10] trong phái đoàn được gửi qua Barcelona điều đình với chính quyền Tây Ban Nha. Kết quả là hiệp ước Tordesillas đã ra đời vào năm 1494.[11] Có lẽ lúc đế quốc Bồ thịnh vượng, dòng dõi họ Pina cũng được cơm no, áo ấm. Suốt mấy đời, họ chăm chỉ tu bổ các nhà thờ lớn ở Guarda.
Hình 2 -Bản Đồ Nước Bồ Đào Nha
Hiện tại, vì Cha Pina mất quá sớm và chưa có tài liệu nào cho thấy cha mẹ của ngài là ai. Dựa theo những tài liệu lưu lại từ nhà Dòng Chúa Giêsu, Cha Pina, khi bắt đầu trưởng thành và được 18 tuổi (1605), đã nộp đơn xin gia nhập vào nhà Dòng Chúa Giêsu và đã được chấp thuận. Có lẽ lúc đang học đại học ở trường Coimbra, ngài đã bắt đầu ngưỡng mộ nhà Dòng Chúa Giêsu và đã quyết định gia nhập vào đó. Vào năm đó, ngài từ giã gia đình và nội trú trong trường đại học College de Jesus tại Coimbra[12] (Hãy xem Hình 3).
Hai Năm Ròng Rã Tập Sự trong Viện Sơ Tu[13] (Navitiate)
Ngày 28 tháng Giêng năm 1605[14] là ngày nhập đạo đầu tiên vào nhà Dòng Chúa Giêsu của chàng trai Pina. Sau khi hoàn tất thủ tục giấy tờ nhập môn, anh Pina được giới thiệu với mọi người trong trường đạo Sơ Tu. Cha Bề Trên (Superior) cũng giới thiệu với anh một sư huynh đỡ đầu để giúp đỡ anh trong thời gian đầu còn bỡ ngỡ. Vị sư huynh này lúc nào cũng theo anh để nhắc nhở luật lệ trong học viện này. Anh ấy cũng được cho biết những luật lệ nghiêm khắc của nhà Dòng, ví dụ như tất cả học viên đều phải yên lặng suốt trong những buổi học, buổi ăn sáng, trưa và chiều. Chỉ trong giờ sinh hoạt là họ cho phép các anh trò chuyện với nhau mà thôi. Hàng ngày anh Pina phải thức giấc vào đúng 4 giờ sáng và lên giường ngủ vào lúc 9 giờ khuya. Mỗi ngày, các tập sự viên phải cầu nguyện hay dự thánh lễ (mass). Các anh cũng tham gia vào công việc lau chùi, giúp lặt vặt trong nhà bếp hay tỉa cây chung quanh trường. Ngoài ra, trong năm anh phải đi hành hương, sống một cuộc đời tha phương bằng cách đi xin ăn ngoài phố trong vài tuần liên tiếp. Tháp tùng Cha Bề Trên, anh Pina cũng tham dự vào phái đoàn thăm viếng nhà thương địa phương, nhà giam hay những người nghèo khổ với mục đích xoa dịu nỗi đau buồn trong lòng họ. Cũng có lúc, theo sự hướng dẫn của cha Bề Trên và bài tập tâm linh truyền lại của Thánh Loyola, tổ phụ của nhà Dòng Chúa Giêsu, các học viên phải vùi mình trong phòng 30 ngày ngồi tĩnh tâm với mục đích chính là tìm tự hiểu lấy chính mình và sự liên quan giữa con người và Thiên Chúa.
Hình 3 -Đại Học Giêsu ở Coimbra vào năm 1732[15] -Biblioteca Nacional de Portugal
Năm Thứ Ba Trong Nội Trú
Trong thời gian thực tập và nội trú ở trường, để giúp các tập sự viên không bị gia đình quấy nhiễu, nhà Dòng Chúa Giêsu khích lệ các học viên không liên lạc với gia đình mà không có sự cho phép của Cha Trưởng Giám của Sơ Tu.[16] Vì thế, nhà Dòng khuyến khích học viên quên cả gia đình và chỉ nhớ họ qua tiềm thức.[17] Đây là một trong những điều than phiền của cha mẹ các tập sự viên với nhà Dòng Chúa Giêsu vào thời ấy.
Trong thời gian hai năm thử nghiệm, các chi phí kể cả học phí và nhu cầu hàng ngày đều được nhà Dòng cung cấp miễn phí. Trong năm đầu, anh Pina và các bạn phải ôn lại văn phạm tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp. Vào giờ giải trí, các tập sự viên đều cố gắng đàm thoại với nhau bằng tiếng La Tinh.[18] Đây là điều đã được nhắc nhở trong nội qui của nhà Dòng Chúa Giêsu[19]: “Đặc biệt là các sinh viên đang theo đuổi nhân văn học (humanities), họ phải nói tiếng La-Tinh thường xuyên…” Vì thế, ngoài tiếng mẹ đẻ và tiếng Hy Lạp của họ, không một ai ngạc nhiên khi các thừa sai đến Đàng Trong đều thông suốt tiếng La Tinh. Sự hiểu biết về tiếng La Tinh rất quan trọng vì khi lên những lớp cao hơn như triết học (philosophy) hay thần học (theology), các giảng sư đều dạy bài vở bằng tiếng nói này. Ngoài hai tiếng La Tinh và Hy Lạp (lẫn tiếng Do Thái), Pina còn phải học thêm lịch sử (history) và thơ văn (poetry) trước khi được cho phép rời chương trình thử nghiệm trong Sơ Tu.
Sau hai năm đầu nội trú, dựa vào chương trình nhà Dòng, đáng lẽ ra anh Pina đã thông thạo La Tinh diễn theo lối cổ điển của tác giả Cicero, nhưng vì một lý do nào đó, Pina vẫn chưa hội đủ điều kiện này vì bằng cớ cho thấy rằng trong năm học thứ ba (1607), Pina phải tiếp tục nội trú ở trường đại học Giêsu để học xong lớp Biện Luận (Rhetoric).[20] Có lẽ là một người sống miền rừng núi ở Guarda và cũng là một người chất phác, Pina không quen sử dụng lối viết văn vẻ hùng hồn, bóng bẩy như kinh điển của Cicero hay các tác giả khác mà các sinh viên như anh phải theo đuổi trong lúc trình bày bài tập của mình. Vì thế, anh bị bắt buộc phải học thêm lớp Biện Luận để trau dồi tiếng La Tinh của mình và tập trình bày đọc diễn văn một cách uyển chuyển theo lề lối.
Cuối năm thứ hai trong Sơ Tu, anh Pina được chính thức chấp nhận vào nhà Dòng Chúa Giêsu với tính cách là một thành viên thực thụ (approved scholastic). Có lẽ anh đã vui mừng khôn tả vì anh biết tâm nguyện của anh đã hoàn thành. Nhưng điều mà anh mong muốn nhất là được chấp thuận đến Nhật Bản để truyền bá Thiên Chúa Giáo. Cách đó không lâu, với những lời chân thành từ đáy lòng, anh đã nộp đơn xin tình nguyện và đang chờ đợi câu trả lời của Cha Claudio Acquaviva, Bề Trên Tổng Quyền (Superior General) của nhà Dòng Chúa Giêsu. Vào năm 1607, hoàn tất chương trình hai năm Sơ Tu, dưới sự hướng dẫn của Cha Bề Trên, anh đã lập lại những lời như sau:[21]
“I, Francisco de Pina, promise to Almighty God, in the presence of his Virgin Mother and the whole heavenly court, and to you, Reverend Father Claudio Acquaviva, Superior General of the Society of Jesus and the one holding the place of God, and to your successors, perpetual poverty, chastity, and obedience; and, in conformity with it, special care for the instruction of children, according to the manner indicated in the apostolic letters and Constitutions of the aforementioned Society.
Coimbra, in such a place, day, month, 1607”
Tạm dịch là:
“Tôi, Francisco de Pina, xin hứa với Thiên Chúa Toàn Năng, dưới sự chứng kiến của Đức Mẹ Đồng Trinh và toàn thể thiên tòa, và với ngài, Cha Claudio Acquiviva, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chúa Giêsu và là người giữ vị trí của Thiên Chúa và cho những người kế vị của ngài, sự nghèo khó, tịnh khiết và tuân phục vĩnh viễn; và, phù hợp với nhà dòng, chăm sóc đặc biệt cho việc dạy dỗ trẻ em, theo cách thức được chỉ định trong các lá thư tông đồ và nội qui của nhà dòng nói ở trên.
Coimbra,, ngày ___, tháng___, năm 1607”
Sau khi Pina lập thệ ba lời nguyền, đó là luôn luôn giữ gìn con người đồng trinh, lúc nào cũng có cuộc sống trong tình trạng nghèo nàn và mãi mãi vâng lời nhà Dòng Chúa Giêsu. Từ đây, anh trở thành một tu huynh (brother) trong nhà Dòng. Điều quan trọng hơn nữa là anh đã nhận thấy một tương lai tươi sáng đang đón chờ anh. Sau khi tuyên thệ, Cha Bề Trên đã cho anh biết, dựa theo khả năng của anh hiện tại anh sẽ được chấp nhận vào chương trình Scholastic.
Nhưng trước khi tiếp tục chương trình học của một scholastic, anh phải dành một vài năm đi dạy một lớp La Tinh hay Hy Lạp ở cấp bậc tiểu học. Cha Bề Trên cũng cho anh biết rằng nếu anh lựa chọn con dường tình nguyện qua các nước Á Châu để giảng đạo, điều kiện này sẽ được miễn hạn cho anh.
Trong chương trình Scholastic, việc học của Pina sẽ chia làm hai giai đoạn. Trước hết anh phải học xong lớp triết lý (3 năm) - Lớp này bao gồm Lý Luận Học (Logic), lớp Triết Lý Thiên Nhiên (Natural Philosophy), lớp Đạo Đức (Ethics) và lớp Siêu Hình Học (Metaphysics). Những lớp triết lý này đều dựa theo sách vở của Aristotle. Trong lớp Triết Lý Thiên Nhiên, học sinh sẽ học cả thiên văn và toán học. Sau giai đoạn này, anh sẽ được bổ nhiệm đi dạy triết lý trong một vài năm và sau đó, sẽ ghi danh vào học lớp thần học. Đây là giai đoạn khó nhất trong lãnh vực tu hành và học vấn của anh. Trong những năm cuối cùng, các sinh viên sẽ trãi qua chương trình Thần Học rất khó khăn bao gồm Thần Học Luân Lý (Moral Theology) và Thần Học Suy Lý (Speculative Theology)[22]. Học xong lớp này, anh có thể giảng đạo và nghe xưng tội của các Kitô hữu. Trong khoảng cuối năm thứ ba của lớp thần học, một vị Giám Mục (bishop) dưới quyền Đức Giáo Hoàng sẽ ban cho Pina chức Linh Mục (Priest) trong nghi lễ Phong Chức (Ordination) của anh. Nhưng điều này không có nghĩa rằng anh đã xong việc học vì anh sẽ phải học xong năm thứ tư của lớp thần học.
Học xong năm cuối của thần học, Pina phải trải qua một năm cuối cùng của thử thách. Giống như hai năm ròng rã ở Sơ Tu, anh phải tu thân bằng cách ngồi tĩnh tâm theo lối dạy dỗ của Thánh Layola, đi thăm bệnh nhân trong nhà thương, dạy dỗ trẻ em hay người già nua và kể cả, đi lang thang khất thực - Anh sẽ phải thực hiện được mỗi hoạt động này cho mỗi tháng, kéo dài cho đến hết một năm. Thời gian tu luyện này được gọi là tertianship. Sau đó anh sẽ tuyên thệ với ba lời thề (giống như những năm trước khi còn ở trong Sơ Tu) và thực thụ trở thành một Trợ Giáo Tâm Linh (Spiritual Coadjutor)[23] trong nhà Dòng Chúa Giêsu.
Cũng có thể con đường học vấn đến đây là chấm dứt cho anh, nếu số điểm thi trong hai lớp cuối cùng anh kém hơn mức “mediocre”. Nhưng nếu trình độ học của anh vượt trội hơn đó, anh sẽ được tuyển chọn, gia nhập vào chương trình Profession[24]. Đây là một lý tưởng cao nhất mà một tu sĩ nhà Dòng thường mơ ước để trở thành một Bề Trên (Superior), Giám Tỉnh (Provincial), Khâm Sai (Visitor) hay Bề Trên Tổng Quyền (Superior General). Trong chương trình Profession, trước khi chính thức trở thành một professed, điều kiện tiên quyết là anh phải vượt qua chương trình giáo sĩ với ba lời thề. Sau đó, anh sẽ phải tuyên thệ một lần nữa với 4 lời thề mà trong lời thề cuối cùng, anh sẽ tuyệt đối, luôn luôn trung thành với Đức Giáo Hoàng. Trong trường hợp của Cha Pina, dựa theo lịch sử, chúng ta đã thấy khi ngài ra trường, ngài chỉ trở thành một giáo sĩ bé nhỏ với ba lời thề mà thôi. Vì thế, sau nhiều năm phục vụ cho Dòng Chúa Giêsu, chức vụ cao nhất mà anh có thể được giao phó sẽ chỉ có thể lên đến chức vụ Giám Học của Sơ Tu (Novice Master) hay cao hơn nữa là Viện Trưởng (Rector) của một trường đại học[25]. Đến đầu năm 1616, Pina cùng bốn người bạn được báo tin sửa soạn về Malacca để nhận lãnh chứng chỉ Linh Mục[26], nhưng mãi đến năm sau, đó là tháng 10, 1617, Pina được chính thức được gọi là “Cha Pina” hay Linh Mục Pina[27] - Hãy xem Hình 4.
Nên chú ý rằng ngoài con đường tu hành để trở thành một Giáo Sĩ trong Hình 4 còn cho thấy con đường lựa chọn khác của một trong nhà Dòng Chúa Giêsu, đó là giáo chức phụ tá gọi là Temporal Coadjutor. Dĩ nhiên, Pina không theo con đường tu hành này. Riêng Temporal Coadjutors là những người theo đạo và tình nguyện tuân theo nội qui của Dòng Chúa Giêsu, nhưng vì họ thiếu học thức không thể theo được con đường học vấn để trở thành một vị Giáo Sĩ. Vì thế, suốt đời họ chỉ có thể là những tu huynh (Lay Brothers) trong nhà dòng. Họ theo đạo và sẽ trở thành những tu sĩ trông lo việc trần tục trong nhà Dòng như là quản lý, khuân vác, quản gia, nhà bếp, làm vườn, v.v… Thí dụ điển hình là các tu sĩ Anh Paul Saito (1576-1633), Joseph Tsuchimochi (1568-?) và Diogo Dias (1578-?) tháp tùng theo phái đoàn dẫn đầu bởi Cha Diogo Carvalho (1578-1624)[28] và Cha Francesco Buzomi (1576-1639)[29] đáp xuống cửa Hàn, Đà Nẵng năm 1615. Trong phái đoàn này, chỉ là những phụ tá temporal coadjutors. họ không có quyền giảng đạo hay giải tội mà chỉ vâng lời chỉ dạy và sai bảo của các cha bề trên trong những công việc nặng nhọc hằng ngày. Nhưng họ có thể ghi danh và theo đuổi việc học như những tu sĩ khác. Họ cũng có thể xin phép tách rời dòng Giêsu bất cứ lúc nào mà không phải chịu đựng thêm một nghĩa vụ hay hình phạt nào.
Hiện tại, dĩ nhiên là Pina nhận lời một cách vui vẻ vì anh vừa mới xong ba năm thử thách trong Sơ Tu và tuyên thệ xong là sẽ vâng lời nhà Dòng một cách tuyệt đối. Mặc dầu chương trình học còn rất dài, hiện tại, anh chỉ hoàn tất khoảng 1/3 đoạn đường. Con đường tiếp theo sẽ là triết lý học (Philosophy) cho ba năm sau. Đó là không kể bốn năm ròng rã theo thần học (Theology) tiếp sau đó. Theo anh, đó là việc của tương lai anh không dám nghĩ đến. Hiện tại, anh đang say sưa thêm một tin vui khác, đó là, Cha Bề Trên Tổng Quyền Acquaviva đã chấp thuận cho anh tiến hành cuộc hành trình qua Goa, Ấn Độ.
Trong thực tế, hành trình học vấn và tu hành của anh không hoàn toàn giống như những sự gỉải thích của Cha Bề Trên. Vì sẽ được qua Goa học hành và sau đó tạm dừng ở Macao, trước khi đến Nhật Bản hành đạo, nhà Dòng Chúa Giêsu đã miễn cho anh nhiều năm phải dạy học trong cấp bậc tiểu và trung học, có lẽ vì cuộc hành trình vượt biển đến Goa quá khó khăn và nguy hiểm - Khoảng hơn nửa số tu nhân gửi đi qua Á Châu đều bị mất mạng trên biển cả.[30] Ngay cả năm thử thách cuối cùng tertianship có thể cũng được bãi bỏ cho anh.
Hình 4 – Chương Trình Học và Hành Trình Tu Hành của Cha Pina (1605-1617)
Cuộc Hải Hành Vượt Trùng Dương Qua Goa, Ấn Độ
Quần Áo, Thức Ăn và Nước Uống Mang Theo
Khoảng giữa tháng ba, năm 1608, trong tay cầm giấy thông hành đến Goa, được lệnh chỉ thị của Cha Bề Trên rằng anh không được trình diện quá trễ - Nếu trễ, họ sẽ thay thế anh với một sinh viên khác, anh Pina đón xe ngựa chạy về hướng trường đại học Santo Antão, thuộc thành phố Lisbon, nơi tụ họp của các tu sĩ Dòng Chúa Giêsu trước khi lên tàu đi Ấn Độ[31]. Không hiểu lúc ấy, trước khi rời xa Coimbra, anh có được phép về thăm gia đình ở Guarda hay không. Nhưng nếu anh theo đường lối của Thánh Francisco Xavier vào năm 1541 thì anh sẽ không ghé thăm họ[32] - Điều này rất có thể đã xảy ra vì trong nội qui nhà Dòng Chúa Giêsu khích lệ sinh viên nội trú cắt đứt liên lạc với gia đình.
Sau khi trình diện xong, anh mới biết được rằng phái đoàn Dòng Chúa Giêsu gồm có tám người (Hãy xem Hình 5).[33]
Hình 5 -Danh Sách 8 Tu Sĩ Người Bồ Đáp Cùng Chuyến Tàu Đi Goa Năm 1608
Người đứng đầu là Cha Bề Trên Nicolas Vieira và Cha Francisco Rodrigues. Ngoại trừ hai người này, kể luôn cả anh, tất cả những người khác đều là tu sĩ tập sự như là Manoel Borges (1584-1633),[34]Manoel Lopes (1583-1627),[35] Avares Semedo (1585-1658),[36] Bernado Luis và Francisco Ferraz. Trong sáu người trai trẻ, cả ba anh Borges, Lopes và Semedo đều lớn hơn Pina một vài tuổi, ghi danh vào chương trình Sơ Tu sớm hơn anh và vì thế, người nào cũng học xong lớp triết lý trước khi rời Coimbra hay Évora, nơi họ đã gia nhập vào Dòng Chúa Giêsu. Hiện nay, họ chỉ còn thiếu lớp cuối cùng Thần Học mà thôi. Thí dụ như, chỉ so sánh với Borges thì Pina còn kém xa trong việc học vì Borges đã có kinh nghiệm dạy học La Tinh 5 năm trời ở Braga. Trong nhóm thanh niên khởi hành qua Goa kỳ này, Borges là người thâm niên nhất.
Biết rõ chuyến hành trình nhiều gian nan và nguy hiểm, Cha Bề Trên Vieira chắc chắn đã trao nhiệm vụ cho mọi người. Cha Rodrigues có lẽ được giao cho nhiệm vụ trừ bị thay thế cho Cha Vieira, nếu chuyện không may xảy ra cho ngài. Kế đó, người thâm niên nhất phải là Borges; sau đó đến Lopes. Riêng Pina, Luis và Ferraz là ba sinh viên trẻ trung và thiếu kinh nghiệm nhất (Cũng có thể Luis và Ferraz là hai tu huynh, nhưng hiện nay chúng ta không tìm ra một tài liệu nào về hai anh này).
Rất có thể Pina đã được giao cho nhiệm vụ nấu cơm cho mọi người trong nhóm tu sĩ Giêsu - Trên tàu họ chỉ ăn một bữa vào khoảng 12 giờ trưa. Ngoại trừ các tu sĩ, mỗi hành khách phải lo cho việc ăn uống hàng ngày cho chính mình. Vì thế, khi họ bị bệnh và có thể không đi lại được, họ có thể bị mất mạng. Trong những trường hợp khẩn cấp này, các tu sĩ Dòng Chúa Giêsu thường qua lại, đút thức ăn hay thuốc cho những bệnh nhân này. Cũng có thể Pina được giao cho trọng trách này. Ngoài ra, anh có thể được giao cho nhiệm vụ đến với người bệnh và khuyến khích họ xưng tội, nhất khi họ có rủi ro gì trước khi qua đời. Đây là một điều rất quan trọng cho những giáo hữu đang có mặt trên tàu. Vì chỉ là một sinh viên trẻ mới trải qua thử thách của nhà Dòng Chúa Giêsu sau lớp sơ tu, anh không thể giảng đạo hay nghe lời xưng tội của giáo dân trên tàu được. Nhiệm vụ này chỉ có thể giao cho những giáo sĩ trong phái đoàn đã được chứng nhận bởi một giám mục mà thôi.
Nghiên cứu kỹ danh sách trên, chúng ta cũng nhận thấy rằng cả tên của hai nhân vật “Emmanuel Borges” với dấu thập và “Emmanuel Lopes” được thêm chữ P(adre) ở đầu. Điều này chứng tỏ họ đã được ban cho chức Linh Mục và chính thức được phép giảng đạo lẫn giải tội. Riêng Cha Borges, vì gia nhập Sơ Tu sớm hơn (1601), trước khi lên đường đến Goa, có lẽ anh đã học xong lớp triết lý và một hay hai năm của Thần Học. Trước năm 1608, tuy anh được phong chức Linh Mục hơi sớm, nhưng đó là điều có thể đã xảy ra vì trước khi lên đường, anh đang học lớp Thần Học. Còn Cha Lopes thì sao? Lý do nào mà anh có thể được thăng chức nhanh chóng như thế? Anh này trước khi lên đường qua Goa chỉ học xong lớp triết học thôi. Vì thế, anh sẽ cần phải học thêm 4 năm nữa cho lớp thần học cơ mà. Bình thường nhà Dòng Chúa Giêsu rất theo đúng nguyên tắc trong nội qui. Họ sẽ không nâng đỡ bất cứ tu sĩ nào chưa hội đủ điều kiện học vấn. Nếu có, khi nào họ đã được thăng chức cho anh và ở đâu vì lúc này, anh không hội đủ điều kiện được phong chức thành Linh Mục? Điều bí ẩn này sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu và một câu giải đáp. Cũng có thể, khi đáp tàu về Goa, nhờ công lao tận tụy trên tàu chăm sóc cho bệnh nhân nên vị Giám Mục ở Goa thay mặt tòa thánh Vatican và phong chức Linh Mục cho anh. Chúng ta nên nhớ rằng tài liệu trích ra trong Hình 5 được phát hành trong năm 1725 - hơn 100 năm sau chuyến tàu định mạng này. Cho nên sự kiện trên sẽ cần nghiệm chứng lại.
Tương tự như Cha Dominique Jeunehomme[37] sửa soạn lên đường đến Goa vào năm 1629 đã mang theo, trước khi khởi hành, Pina đã sửa soạn kỹ lưỡng cho đồ dùng cá nhân của mình. Trên tàu, cũng như các tu sĩ khác, anh được phép mang theo một cái rương nhỏ chứa đựng hai loại quần áo mỏng và dầy sửa soạn cho những vùng biển nóng bức gần xích đạo hay nơi có nhiều giông tố như Mũi Hảo Vọng. Ngoài ra, anh cũng mang theo một ít thức ăn, thuốc thang thường dùng, chăn chiếu, sách vở và một cái bàn thờ nhỏ.[38] Không may mắn như anh, có một số hành khác trên tàu, ngoài manh áo mặc trên người, họ không mang theo một tấm vải nào khác. Đây là là một thiếu sót và lỗi lầm rất lớn vì khi con tàu Vencimento chìm đắm dưới những cơn mưa nóng bỏng trong vùng Xích Đạo hay ngược lại, cái rét mướt căm căm do sóng to, gió lớn gần Mũi Hảo Vọng, họ mới nhận thức rằng mình đã thiếu chu đáo trước khi lên đường. Vì thế, có thể họ phải trả với một giá rất đắt vì sự lơ là này.
Vài ngày trước khi khởi hành, các tu sĩ nhà Dòng Chúa Giêsu bắt đầu mướn xe và chở đồ dùng và thức ăn lên tàu ngay thương cảng Lisbon. Khi dừng ngựa ở bến tàu, không khó khăn gì cho lắm, họ đã tìm đựợc con thuyền buôn khổng lồ có tên là Nossa Senhora Vencimento da Monté da Carmo. Đã nhận lãnh phụ trách là một quản lý viên (procurator), Cha Bề Trên Vieira dĩ nhiên là có nhiều kinh nghiệm qua lại từ Lisbon đến Goa. Ngài biết đi bằng thuyền buồm sẽ tốn ít nhất 6 tháng mới đến nơi, nếu thời tiết thuận lợi và không gặp phải hải tặc. Việc trước tiên bây giờ là lo dự trữ thức ăn cho 8 người họ tiêu thụ trong vòng khoảng 6 tháng này. Ngài cũng hy vọng, nếu có việc gì trắc trở, con thuyền sẽ có thể tạm dừng chân ở hòn đảo Mozambique nằm ở phía đông lục địa Phi Châu để tiếp ứng thêm thức ăn và nước uống - Hãy xem Hình 9. Tuy hiện nay không một tài liệu nào còn lại cho thấy họ khuân lên tàu những thứ gì, nhưng sau đây là một danh sách thức ăn mà các nhà tu Giêsu được phép tải lên tàu vào năm 1576 kê khai cho mỗi đầu người (Hãy xem Bảng 1):
Thứ Tự |
Thực Phẩm |
Số Lượng Thực Phẩm/Mỗi Tu Sĩ cho Cuộc Hành Trình[39] |
Số Dự Trữ cho 8 Tu Sĩ[40] |
Mức Phân Phối cho Mỗi Thường Dân Trên Tàu Mỗi Ngày[41] |
Ghi Chú |
1 |
Rượu Vang |
75 lít |
Hơn 1 thùng |
1 Lít |
Tất cả thức ăn, nước uống được cung cấp cho cuộc hành trình trong vòng 6 tháng |
2 |
Nước |
4 thùng |
32 Thùng |
2.7 lít |
570 lít/thùng trung bình (pipa) |
3 |
Bánh Biscuit |
4 Thùng |
32 Thùng |
Gần 1 kg |
|
4 |
Thịt Heo Tẩm Muối |
1 Con |
8 Con |
- |
|
5 |
Thịt Bò Xăn Muối |
30 Kg |
240 Kg |
250 g thịt |
|
6 |
Gà Sống |
100 Con |
800 Con |
- |
|
7 |
Sườn Heo |
50 Miếng |
400 Miếng |
- |
|
8 |
Dồi Heo |
60 Cái |
480 Cái |
- |
|
9 |
Cá Khô Các Loại |
150 Con |
1,200 Con |
5 Con |
|
10 |
Bí Ngô |
15 Trái |
120 Trái |
|
|
11 |
Gạo |
10 Bao |
80 Bao |
|
|
12 |
Mì |
1 Thùng |
8 Thùng |
|
|
13 |
Hành Củ |
3 Bao |
24 Bao |
|
|
14 |
Gia Vị |
1 lb/mỗi thứ |
8 Lbs/mỗi thứ |
|
|
15 |
Olive Oil |
- |
- |
0.4 lít cho 6 tháng |
|
16 |
Dấm |
- |
- |
0.8 lít cho mỗi tuần |
|
17 |
Đường |
- |
- |
325 g cho 6 tháng |
|
18 |
Mật Ong |
- |
- |
325 g cho 6 tháng |
|
Bảng 1 -Số Lượng Thức Ăn Hàng Ngày của Các Tu Sĩ Giêsu so với Hành Khách Trên Tàu (1576)
Khi so sánh số lượng thực phẩm mang theo từ các tu sĩ nhà Dòng Chúa Giêsu và của hành khách trên tàu (Cột thứ ba so với cột thứ năm), chúng ta có thể nhận định rằng ở trên tàu, về phương diện ăn uống, các tu sĩ đã được ưu đãi hơn rất nhiều. Tuy số lượng rượu dùng hàng ngày của họ ít ỏi hơn, nhưng họ có nhiều loại thịt để ăn như thịt bò, thịt heo và thịt gà. Riêng về thịt gà, họ được phép mang theo 100 con gà sống cho mỗi người. Nếu tính luôn cả số gà cho 8 người thì số gà này lên đến 800 con; thật sự tôi không hiểu làm cách nào mà họ có thể mang theo nhiều gà như thế. Có thể người Bồ mang theo nô lệ để chăm sóc cho gia súc mang theo. Nếu mang theo gà lớn, ăn sẵn, thì họ không thể nào tiêu thụ chúng trong vòng một thời gian ngắn được. Còn nếu họ mang theo gà con thì chỉ trong vòng ba bốn tháng sau, gà lớn lên đủ để ăn. Đây cũng là một điều rất phiền phức vì phải có đủ thực phẩm lẫn nước uống cho chúng. Đó là không kể mùi vị hôi thối xông ra từ phân gà nữa. Chúng ta không thể tưởng tượng rằng trong cuộc hành trình này, lúc đương đầu với sống chết, họ còn có đủ thì giờ chăm lo cho đám gà mang theo. Đó là không nói đến số gà chết vì nóng dưới gầm tàu khi thuyền của họ tiến gần đến đường xích đạo, dọc theo bờ biển Guinea. Nơi đó, vì không có gió, độ ẩm lại cao; nhiệt độ lại tăng cao lên đến 100 °F hằng ngày. Có lẽ số gà bị tiêu vong thật là vô số. Thật sự số gà sống được mang lên tàu mà các tu sĩ Giêsu nuôi dưỡng là một số nhỏ. Nếu bao gồm luôn cả những hành khách giàu có, số gà có thể lên tới hơn 10.000 con[42]. Đó là không kể số gia súc bao gồm luôn cả bò, heo, cừu, vịt và thỏ nuôi trên tàu.[43]
Con Tàu Buôn Nossa Senhora Vencimento da Monté da Carmo
Lúc các tu sĩ, kể cả Pina, đang sửa soạn chất thực phẩm lên tàu. Chung quanh họ, khoảng 900[44] hành khách khác cũng sửa soạn như thế. Trong số đó có một hành khách tên là Jean Mocquet (1575-1617), một nhà thám hiểm người Pháp đang trên hành trình đến Goa. Mục đích của ông ta là đi du ngoạn thế giới để mang về cho vua Pháp Henry IV (1553-1610) những vật lạ từ các nước khác. Vào năm 1608, khi khởi hành đến Lisbon với mục đích qua Goa, Ấn Độ, đây là chuyến hành trình thứ tư của ông ta trong năm chuyến du lịch khắp thế giới. Dĩ nhiên là mặc dù đáp tàu cùng một chuyến, nhưng các tu sĩ Dòng Chúa Giêsu không hề quen biết ông Mocquet. Nhưng sau chuyến du lịch nhiều mạo hiểm và nguy hiểm vượt trùng dương băng qua Phi Châu và cuối cùng đến Goa, sau khi về Pháp, ông đã viết trong sách của ông ấn hành năm 1616. Nhờ đó mà chúng ta mới biết nỗi khổ cực của những hành khách cũng như các tu sĩ trẻ tuổi trong lòng đầy nhiệt huyết như Pina. Có lẽ chuyến đi này là một thử thách mà cũng là kinh nghiệm đời rất đáng giá vì sau chuyến hành trình này, họ sẽ trở thành những con người từng trải và có một cái nhìn về cuộc sống khác hẳn với những người khác.
Chiếc thuyền buồm Vencimento là một trong số những con tàu buôn to lớn nhất thế giới vào thời ấy với trọng lượng khoảng 2.000 tấn.[45] Nếu đem so sánh giữa nó và chiếc tàu Madre de Deus mà người Anh đánh cướp được từ người Bồ năm 1592, chiếc Vencimento có phần lớn hơn (2.000 tấn so với 1.600 tấn). Vì thế, nó có thể dài hơn 165 ft (50m) và rộng hơn 47 ft (14.5m).[46] Số lượng hàng hóa chứa trên tàu lên tới 120.000 cubic feet.[47]Nó được chỉ định là tàu chỉ huy dưới quyền Hạm Trưởng Bá Tước Feira, người đã được bổ nhiệm đến Goa làm chức Thống Đốc. Nhiệm kỳ của ông sẽ là ba năm. Dựa theo hành trình, nếu mọi việc đều ổn thoả đoàn tàu buôn của ông sẽ đáp bến thuộc địa Goa trong vòng tháng 9 hay tháng 10 năm 1608. Ông Jean Mocquet được mời theo làm tùy tùng viên của Bá Tước Feira. Hạm đội này gồm có 5 chiếc tàu buôn to (carrack) được hộ tống bởi 7 chiến thuyền (galleon) trang bị đầy đủ bằng súng đại bác thời ấy và 2 chiếc thuyền chuyên chở thực phẩm (urcas)[48]. Trong thời gian này trong lịch sử, nước Bồ Đào Nha đang bị Tây Ban Nha cai trị và vì thế, đang lâm vào chiến tranh với nước Hòa Lan và Anh Quốc. Các tàu chiến của hai nước này thường phục kích hải thuyền của nước Bồ tại các hải đảo như Azores, São Tóme, São Helena,[49] hay Mozambique, những nơi có thể cung cấp nước ngọt và thức ăn cho hạm đội thủy quân Bồ. Vì thế, nếu thời tiết thuận lợi và không gặp trở ngại trên hành trình, họ sẽ cố gắng không dừng lại nơi nào.
Sau đây là bảng tóm tắt cuộc hành trình của tàu Vencimento (và một số thuyền khác) đến Goa và Macao (Hãy xem Bảng 2):
Ngày |
Địa Điểm |
Biến Cố |
28 tháng 3, 1608[50] |
Lisbon |
Hạm đội gồm có 5 tàu buôn lớn, 7 chiến thuyền và 2 thuyền cung cấp. Tám tu sĩ nhà Dòng Chúa Giêsu trên chiếc Vencimento. Hạm đội chỉ huy bởi Bá Tước Feira. |
9 tháng 5, 1608[51] |
Xích Đạo |
Bá Tước Feira bị sốt; sau 6 ngày qua đời. Xác ngài được thuyền cung cấp David mang về Lisbon. |
29 tháng 9, 1608[52] |
Đảo Mozambique |
Vencimento cùng ba chiến thuyền dừng chân ở Mozambique trong 5 tháng. |
20 tháng 3, 1609[53] |
Đảo Mozambique |
Vencimento cùng ba chiến thuyền rời Mozambique. |
26 tháng 5, 1609[54] |
Goa |
Vencimento cập bến Goa, Ấn Độ. |
Khoảng tháng 5, 1611 hay 1612[55] |
Macao |
Sau 3 năm học xong lớp triết lý, Pina đón thuyền đi Macao. Khoảng 2 tháng sau, anh cập bến Macao. |
Bảng 2 -Tóm Tắt Chuyến Hải Hành của Cha Pina
Vào ngày 29 tháng 3 năm 1608, sau khi Bá Tước Feira ra lệnh khởi hành (Hãy xem Hình 6).
Hình 6 -Tàu Buôn Bồ Đào Nha từ năm 1520 (trích từ Bảo tàng Nghệ thuật Cổ đại Quốc gia Bồ Đào Nha ở Lisbon)
Trên tàu chỉ huy Vencimento, tiếng súng vang rền nổ ra hiệu rời bến. Hạm đội bao gồm 14 chiếc thuyền, lần lượt ra khơi nhắm về cửa biển Targus. Hàng năm, các tàu buôn nước Bồ thường xuất hành khoảng thời gian này để qua Ấn Độ để mua các gia vị. Kể từ khi đánh chiếm được thành phố Goa và tách rời nó khỏi Ấn Độ từ năm 1510, Bồ Đào Nha chiếm độc quyền trong việc buôn bán và phân phối gia vị ở Âu Châu. Nước Bồ trở nên hùng mạnh hơn. Một mặt khác, dưới sự bảo trợ của Đức Giáo Hoàng và vua Bồ, các tu sĩ Dòng Chúa Giêsu được phép lên đường qua Ấn Độ sang Nhật Bản, Trung Quốc để truyền bá Thiên Chúa Giáo.
Có lẽ giống như trong chuyến hành trình của Cha Matteo Ricci (1552-1610) vào năm 1578,[56] là những nhân vật được trọng vọng trong xã hội, tám vị nhà Dòng Chúa Giêsu có thể được trao cho hai phòng ngủ rất nhỏ bé - mỗi phòng chỉ khoảng 8 ft x 10ft[57] và trong đó có kê 4 cái giường nhỏ[58] cho bốn vị tu sĩ, nhưng có cửa sổ hướng ra mặt biển ở phía sau thuyền. Đây là một vinh dự cho các ngài vì họ được đối xử như những vị sĩ quan quan trọng trong bộ chỉ huy của hạm trưởng. Nhưng ông Mocquet không được nhiều trọng vọng như thế. Là một thường dân, giường của ông là một tấm nệm rơm mà ông mang theo được đặt trên boong tàu.[59] Đêm về, chiếc màn của ông là bầu trời bao la đầy trăng sao sáng tỏ. Không những vậy, mỗi ngày ông phải chìa tay xin khẩu phần thức ăn như bao nhiêu hành khách khác mà thuyền trưởng đã phân phát. Tối ngủ, nằm trên boong tàu, ông cũng như nhiều người khác phải chịu cảnh mưa đổ xuống bất chợt khi con thuyền dọc theo bờ biển phía tây Phi Châu. Khác hẳn với ông Mocquet, các tu sĩ được quyền mang theo thức ăn, rượu vang và nước uống riêng lên tàu. Nhưng đây cũng là một gánh nặng vì phòng ốc quá chật chội, các ngài phải chứa chất nào chai, thùng lẫn bao khắp phòng và ngập lên như núi. Nhiều quá đến nỗi các ngài phải len lỏi bước đến chiếc giường cỏn con chỉ vừa vặn cho một thân người nằm. Về đêm, duỗi chân có phần rất khó khăn vì chiếc giường con quá ngắn. Người nào có chân dài sẽ đụng cả lên đầu người nằm kế bên. Không những vậy, đêm xuống chuột chạy nhảy tứ tung tìm thức ăn trong phòng; nó leo cả lên người đang nằm trên giường mà không một chút mấy sợ hãi.[60]
Có lẽ trong ngày đầu mọi người đề hăng hái chen lấn nhau trên boong tàu để ngắm vẻ đẹp thiên nhiên, bao la và hùng vĩ của biển cả. Đối với nhiều người như Pina, là dân sống miền núi non, có lẽ anh chưa bao giờ được đi biển cả. Chẳng bao lâu, gió căng buồm, thổi mạnh, con thuyền vượt sóng biển lướt lên trước. Ra khơi khung thuyền bắt đầu chòng chành, thuyền lắc lẻo theo sóng làm mọi người cảm thấy không đứng vững. Mặt mày choáng váng. Bụng bắt đầu muốn ói mửa. Một số người may mắn đứng vịn thành tàu, nghiêng người hướng ra biển. Sau khi mửa xong, tuy bụng đã cạn, nhưng đầu óc vẫn còn quay cuồng. Tội nghiệp thay cho những người đứng hay ngồi giữa lòng tàu, họ không thể kiềm chế được bao tử và bắt đầu ói mửa toé lên quần áo của người bên cạnh. Cảnh hổn độn, kêu la và chửi bởi ngập trời không thể diễn tả được.[61]
Đoàn tàu buồm hùng vĩ nối đuôi nhau về hướng Nam, Tây-Nam nơi mà họ sẽ đi qua quần đảo Madeira trước tiên (Hãy theo dõi hành trình của hạm đội trong Hình 7).
Hình 7 - Hành Trình Cha Pina Từ Lisbon, Bồ Đào Nha Đến Goa, Ấn Độ (1608-1609) Theo Đường Vòng Trong – Vẽ Bởi Tác Giả
Sau 4-5 ngày, nhìn xa xa cảnh hùng vĩ của nước và núi non, mọi người biết mình đã đến gần quần đảo này. Từ đây, theo làn gió thổi mạnh, những con thuyền lần lượt vượt trùng dương bỏ lại xa nhau hơn. Theo tục lệ hải hành vào thời ấy, khi qua khỏi quần đảo Madeira, hạm đội không cần cấu kết thành một đội hình mà có thể tiến hành một cách riêng rẽ. Trên tàu, nhìn qua hông tàu, ông Mocquet nhận ra chiến thuyền Bom Jesus đang rẽ sóng thật nhanh, vượt qua chiếc Vencimento và mất hút ở cuối chân trời. Thương thay, mấy tháng sau, khi gặp lại nhau thì nó chỉ còn lại cái vỏ cháy nám, trôi nổi vô định trên vùng biển Mozambique.[62]
Dựa theo tiến trình gần 100 năm nay, người Bồ có thể tự tin đã quen thuộc với con đường biển đi qua Goa để mua gia vị. Nói chung, khi rời hải cảng Lisbon, đoàn thuyền buôn và chiến thuyền hộ tống sẽ theo dòng nước ngầm Canary chảy xuống phía nam. Dòng nước này sẽ di chuyển bên cạnh ba quần đảo: Madeira, Canaries và Cape Verde. Dựa theo chiều gió thổi, buồm sẽ căng ra. Thuận theo dòng nước biển Canary, thuyền theo gió đẩy thẳng họ xuống phía nam dọc theo bờ biển Phi Châu, gần Vịnh Guinea. Tuy nhiên, khi đến Cape Verde, dòng nước ngầm Canary sẽ chia ra làm hai ngả; một nửa sẽ đi về hướng tây và sát nhập với dòng nước ngầm Bắc Xích Đạo (North Equatorial Current) - Dòng nước này đi về phía tây, tây-bắc theo chiều kim đồng hồ. Trong khi đó, một nửa kia được đổi tên là dòng nước ngầm Guinea tiếp tục chảy dọc theo bờ biển các nước như Senegal, Gambia, Sierra Leon, v.v... chảy thẳng xuống Vịnh Guinea. Điều đáng lo ngại là sau khi qua khỏi Cape Verde, khí hậu cũng bắt đầu thay đổi hẳn. Nhiệt độ cũng như độ ẩm thấp bắt đầu gia tăng.
Khi họ vượt qua khỏi Cape Verde, còn cuộc hành trình kế tiếp, vị thuyền trưởng không còn tự tin tài năng của mình cho lắm. Kế tiếp là khu vực biển ảm đạm (doldrum) nằm giữa hai đường vĩ tuyến số 5 bắc-nam bao gồm cả đường xích đạo. Trong khu vực này thường thường không có gió hay rất ít gió. Những tàu buôn to lớn như Vencimento gặp rất nhiều khó khăn để vượt qua khỏi khu vực này. Kinh nghiệm hàng hải cho thấy con tàu đã tiến vào khu vực biển này rồi thường lẩn quẩn trong đó rất lâu, đến 2 tháng trời mới có thể lèo lái ra khỏi. Điều đáng ngại nhất là ở đây khí hậu cũng bắt đầu thay đổi; không khí trở nên nóng bức và ẩm thấp. Hầu như cách mỗi giờ đều có mưa to, gió lớn; trời đất mù mịt trong bóng đêm. Thêm vào nữa, cuộc sống chen chúc trên tàu thiếu vệ sinh nên gây ra bệnh tật khắp nơi[63]. Nhận định rằng tình trạng của hành khách trên tàu đang trong hoàn cảnh hiểm nghèo, Bá Tước Feira phải đưa ra một quyết định một cách nhanh chóng. Hiện tại, ông có ba sự lựa chọn: thứ nhất, quay đầu thuyền trở về Lisbon; hay, thứ hai, sau khi vượt qua đường quỹ đạo, cố gắng đưa con thuyền ra khỏi vùng biển chết này bằng cách cố gắng lái nó về hướng nam, tây nam. Dựa theo dòng nước ngầm có tên là dòng nước ngầm Nam Xích Đạo (South Equatorial Current) đang chảy ngược chiều kim đồng hồ dọc theo bờ biển Brazil, họ sẽ bắt theo dòng nước ngầm này và theo chiều gió đưa con tàu về phương nam. Sau khi gần đến cửa biển Rio da Plata, con tàu sẽ quay về hướng đông nhắm thẳng về Mũi Hảo Vọng. Đối với người Bồ, con đường thủy này rất phổ thông vào thời ấy và được gọi là Đường Vòng Ngoài (Volta do Mar). Đây là con đường nhanh nhất để cặp bến Mozambique cho đúng kỳ hạn trong khoảng đầu tháng 8. Nếu được như vậy, Vencimento sẽ còn đủ thời gian và thuận chiều gió Nồm thổi qua biển Ẩn Độ từ hướng tây nam để đi về Goa. Nếu không, họ phải cập bến ở Mozambique và phải chờ đợi ở đó đến mùa xuân sang năm mới có thể khởi hành đến Goa, Ấn Độ. Sự lựa chọn thứ ba là dùng con đường mà nhà thám hiểm Bartholomeu Dias (1450-1500) đã khám phá ra con đường biển từ Lisbon xuống Mũi Hảo Vọng để bắt qua Ấn Độ Dương. Con đường thủy này được gọi là Đường Vòng Trong (Rota do Mar). Sự khác biệt giữa Vota do Mar và Rota do Mar là con tàu, khi đến gần đường Xích Đạo, sẽ xuôi thuận theo dòng nước ngầm Xích Đạo Ngược (Equatorial Countercurrent) cùng với dòng nước Guinea hiện diện trong Vịnh Guinea đẩy nó chạy thẳng về hướng đông, ven sát theo bờ biển[64]. Sau đó, để ra khỏi vùng ảm đạm và vịnh Guinea một cách nhanh chóng, con tàu sẽ nương theo bờ biển, đi về hướng nam, ra khỏi vùng biển không gió. Bắt đầu khoảng vĩ tuyến 5, phía nam, cơn gió sẽ khơi dậy. Mặc dù đi ngược dòng với gió và dòng nước ngầm Benguela – Nó là một dòng nước đẩy mạnh từ phía nam lên bắc dọc theo bờ biển phía tây Phi Châu - con tàu giờ đây có thể thoát ra khỏi khỏi vùng ảm đạm. Nhưng sự nguy hiển gần kề sắp đến nữa là khi thuyền đi ngang qua Mũi Hảo Vọng, tất cả mọi người phải đương đầu với sóng to, gió lớn có thể đập tan con tàu của họ ra nhiều mảnh vụn.
Vào ngày 9 tháng 5, tương đối một cách nhanh chóng, cuối cùng Vencimento cũng tiến đến đường xích đạo. Nhưng điều tất cả mọi người không thể ngờ được là sau 6 ngày nóng sốt, Bá Tước Feira đã qua đời. Đồng thời, trên boong tàu vô số người ngã gục vì bệnh hoạn - Theo lời Ông Mocquet kể lại, cứ mỗi lần có người mất, thủy thủ phải tẩm liệm và bỏ 3 hay 4 xác người xuống lòng đáy biển.[65] Riêng về Bá Tước Feira, chính Ông Mocquet tẩm liệm và chuyển xác ngài qua con tàu cung cấp David[66] để được chở về Lisbon. Nếu tính theo tỉ lệ tử vong này, giả sử trên tàu, mỗi ngày họ tổ chức hai lần thủy táng, con số tử vong trong vòng hai tuần sau khi tiến đến đường xích đạo có thể lên đến 80-110 người[67]. Tuy nhiên, đây chỉ là con số người đã mất. Con số người bị bệnh nói chung sẽ cao hơn rất nhiều. Có thể con số người bệnh này, theo tôi nghĩ, lên đến phân nửa số người trên tàu chỉ trong vòng hai tuần lễ vào đầu tháng 5.
Đứng trước hoàn cảnh khó xử, có lẽ vì số người bệnh và chết quá cao, vị hạm đội trưởng mới được bổ nhiệm Christovão de Noronha,[68] thay thế cho Bá Tước Feira đã quyết định tiếp tục cuộc hải trình theo sát bờ biển phía Tây Phi Châu.[69] Đã quyết định như thế, ông đã phủ quyết lời khuyên can của một số sĩ quan trong bộ chỉ huy của ông. Họ muốn quay mũi thuyền mà trở về Lisbon. Trong sách, ông Mocquet cũng chống đối quyết định này mà ông cho là sai lầm này.
Trong thế kỷ 17, kỹ thuật hải hành còn rất kém. Tuy có thể dùng Sextant để đo vĩ độ[70], họ vẫn chưa phát minh ra một dụng cụ để tính kinh độ[71]. Vì không rõ kinh độ, thuyền trưởng sẽ không thể biết được vị trí con tàu của mình ở đâu. Trong hành trình, họ cũng rất lo ngại hải tặc đang hoành hành từ các quốc gia như Pháp, Anh và Hòa Lan đang rình rập đón chờ họ ở một hòn đảo nào đó. Thêm vào nữa, vì kỹ thuật tiên đoán thời tiết kém cỏi, khi hạm đội dự trù ngày tháng khởi hành, họ chắc chắn đã không dự trù cho thời tiết dọc theo bờ biển Phi Châu, nhất là ở vùng Sierra Leone. Họ đã không biết rằng khoảng đầu tháng 5,[72] sau khi tiến vào khu vực ảm đạm, thời tiết bắt đầu thay đổi và xấu đi. Cơn gió thổi căng phồng các buồm bỗng dưng biến mất. Mấy chiếc buồm rũ xuống như ngọn lá tàn. Thay thế vào đó là cảnh nóng bức ray rứt, khó chịu vô biên[73]. Mồ hôi họ bắt đầu đổ ra từng giọt. Nhiệt độ ngoài khơi tuy không cao cho lắm, khoảng 85-88 độ F, nhưng ánh nắng chói chang của mặt trời lúc nào cũng ập trên đầu họ. Cộng vào đó, độ ẩm bắt đầu gia tăng lên hơn 70%.[74] Thêm vào nữa, thời tiết thường thay đổi bất chợt. Cách mỗi giờ trong ngày, trên đầu mây đen cùng nhau kéo đến bao phủ khắp khung trời. Cơn gió biển bất chợt lùa vào khoang thuyền khiến hành khách cảm thấy dễ chịu. Nhưng không bao lâu, trận mưa nóng, bẩn thỉu ào ạt rơi lên đầu tóc và quần áo của hành trách đứng trên boong tàu. Trên trời, sấm sét xoé nhòa màn trời đen với nhiều tiếng nổ vang rền. Nhìn cảnh tượng vang rền, sáng rực cả bầu trời, cho đến bây giờ họ bắt đầu run sợ trước sức mạnh của thiên nhiên và lo sợ cho tính mạng của mình. Mặc dù gió tiếp tục rít lên từng hồi, nhưng những cơn mưa xối xả này quá ngắn, không đủ làm căng buồm được. Trên boong tàu Vencimento, mấy trăm người đứng đó chịu trận vì không nơi trú ẩn.
Tuy tiến vào Vịnh Guinea thì dễ nhưng còn đi ra khỏi thật là khó khăn vì phía nam của vịnh là dòng nước chảy ngược Benguela từ phía nam đẩy thẳng lên phía bắc, dọc theo bờ biển phía tây Phi Châu. Vận tốc con tàu sẽ rất chậm hướng về Mũi Hảo Vọng vì phải chống chọi với cơn gió ngược thổi lên từ hướng đông-nam và cả dòng nước ngầm Benguela. Còn một điều tai hại hơn nữa là, nếu một khi đã chọn lựa con đường này, một điều chắc chắn là chiếc Vencimento sẽ không thể đến đúng hẹn với các thuyền buôn khác mà phải trễ hơn. Theo lời ông Mocquet kể lại, Vencimento cập bến Mozambique vào ngày 29 tháng 9.[75] Khi đã trễ như thế, chiếc tàu buôn sẽ ngừng chân tại Mozambique vài tháng, thay vì khoảng hai tuần mà thôi, và phải chờ gió Nồm thổi lên từ hướng tây-nam về hướng Ấn Độ - Thường thường cơn gió mùa này bắt đầu thổi vào tháng 4 hay tháng 5 mỗi năm.
Tuy nhiên, trong hạm đội khởi hành năm 1608 có hai chiếc tàu mà tôi biết chắc chắn đã theo hành trình dọc theo bờ biển Brazil vì khác hẳn với Vencimento, chúng cặp bến rất đúng ngày giờ tại Mozambique hay Goa. Tôi muốn nói đến hai chiếc Bom Jesus và Oliveira. Vì cập bến Mozambique đúng ngày giờ trong tháng 8, chiếc Bom Jesus lọt vào ổ phục kích của tàu chiến Hòa Lan. Tương tự như thế, chiếc tàu buôn Oliveira, khi đến gần Goa bị chặn đường bởi ba chiếc tàu chiến Hòa Lan. Biết mình khó lòng chống cự, thuyền trưởng của Oliveira ra lệnh đốt tàu để nó khỏi lọt vào tay người Hòa Lan. May mắn thay, các thuyền buôn như Vencimento, Bartholomeu, Antonio và Jeronimo vì theo một hành trình khác dọc theo bờ biển phía tây Phi Châu nên đã lẫn tránh được cuộc phục kích đẫm máu này. Đến mãi cuối tháng 9, những thuyền buôn này lần lượt đáp bến Mozambique mà không phải chạm trán thủy quân phục kích của quân thù nghịch - Lúc này, người Hòa Lan đã dời hạm đội của mình đến Goa. Nếu các con thuyền này theo đúng lịch trình thì giờ đây lịch sử Việt Nam cũng có thể không biết Francisco de Pina là ai nữa.
Theo ông Mocquet, mùi hôi thối là do những cơn mưa nóng gây ra. Có lẽ cát bụi từ Sa Mạc Sahara bị bốc lên khí quyển, trộn trong không khí, rồi rơi xuống thành mưa bùn. Hòa trộn trong cát bụi có cả trứng côn trùng. Khi cơn mưa bẩn thỉu tắt hẳn, thật tội nghiệp cho những hành khách đứng trên boong tàu. Lúc đầu, họ cũng chịu khó thay quần áo. Nhưng khi quần áo không còn đủ dùng, như ông Mocquet đã trình bày, họ chỉ có thể đứng đó hứng nước mưa bẩn thỉu rơi trên người. Thêm vào nữa, mùi nồng nặc cũng do sự thiếu vệ sinh ngay từ chiếc tàu mà ra. Ngày xưa, người Bồ sống không được vệ sinh cho lắm. Giáo Sư C.R. Boxer (1904-2000) cho biết họ không dùng nhà vệ sinh trên tàu, mà dùng bô vệ sinh người Bồ mang theo bên người. Thêm vào nữa, thức ăn họ mang theo bắt đầu bị mốc hay lên men. Đến nỗi nước đựng trong thùng cũng lên mùi ẩm thấp. Trước khi uống, họ phải lấy khăn bịt mũi vào để khỏi ngửi mùi mốc bốc lên. Thịt heo muối cũng phải vứt đi xuống biển vì không thể ăn được nữa. Ghê gớm hơn nữa là trong nước mưa chứa đựng trứng của các con côn trùng. Sau cơn mưa, trứng nở ra thành những con ấu trùng, cựa quậy tứ tung ngay trên quần áo, thức ăn phơi trên thành tàu hay những vũng nước nhỏ đọng lại trên boong tàu.[76]
Sáu tháng sau, khi đáp bến ở Mozambique, vị Linh Mục Phanxicô phục vụ trên Vencimento nói cho ông Mocquet biết rằng từ lúc rời Lisbon hiện tại tổng số người tử vong trên tàu lên đến 735. Theo lời vị Giáo Sĩ này, hiện nay mỗi ngày có cả 10-15 người bị thiệt mạng.[77]Nếu con số này chính xác, Vencimento đã mất rất nhiều hành khách do bệnh hoạn mà ra. Hiện giờ số người còn sống trên tàu chỉ còn lại 165 người.[78] Nhưng chúng ta biết người sống sót trên Vencimento có ông Mocquet, 4 tu sĩ trẻ nhà Dòng Chúa Giêsu, bộ chỉ huy hạm đội, một số hành khách, thủy thủ và binh lính trên tàu. Nếu chúng ta dùng con số tử vong của ông Mocquet đã nêu lên trước đây, đó là 3 hay 4 người chết mỗi ngày trong vùng ảm đạm, khi con tàu đến được Mozambique, tổng cộng con số tử vong có thể lên đến 720[79] người. So sánh giữa hai con số này (735 so với 720), lời nói của vị Giáo Sĩ rất đáng tin cậy. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, số tử vong không phải ngừng lại sau khi họ dừng chân trên đảo Mozambique, mặc dù con số này sẽ giảm thiểu dần dần theo thời gian 5 tháng họ sống trên hòn đảo thiếu thốn này. Vì thế, con số người còn sống sót trên Vencimento đáng lẽ ra phải ít hơn 165 người. Nhưng dựa theo ông Francois Pyrard, một nhà thám hiểm khác từ Pháp, bắt đầu có mặt ở Goa vào năm 1608, số người còn lại trên mỗi chiếc thuyền buôn cặp bến ở Goa, Ấn Độ trong năm 1609 chỉ có khoảng 300 người[80] mà thôi. Điều là cho thấy những hành khách từ các tàu bị đánh đắm hay mắc cạn đều được bổ xung lên các các tàu buôn còn lại.[81]
Lúc này, có lẽ cũng vào cùng thời gian Bá Tước Feira qua đời, hai Giáo Sĩ thâm niên nhà Dòng Chúa Giêsu bị bệnh dịch mà mất. Riêng về Cha Vieira, trong cuốn sách Momenta Missionum Societatis[82] đã viết một câu ngắn gọn về ngài:
“Vieira, P. Nicolaus from death on the trip from kingdom to India; [1608], the Japan Mission work.”
Tạm dịch:
“Vieira P. Nicolaus đã mất trong chuyến hành trình đến Ấn Độ [1608], sứ mệnh khai đạo ở Nhật Bản.”
Còn số phận của Cha Rodrigues thì tôi không rõ cho lắm. Hiện giờ, tuy cố gắng, tôi vẫn chưa tìm được chút tài liệu về ngài. Tôi nghĩ ông ấy đã mất trong mùa dịch trên.
Tương tự như thế, tôi đã không tìm thấy một tài liệu nào về hai người bạn đồng hành của Pina, đó là hai anh Bernado Luis và Francisco Ferraz. Có lẽ họ cũng mất rồi chăng? May mắn thay. Bốn người thanh niên khác trong Dòng Chúa Giêsu vẫn còn sống sót, đó là các Giáo Sĩ Borges, Giáo Sĩ Lopes, Semedo và Pina. Cha Borges sau này về Macao trở thành Viện Trưởng (Rector) của trường đại học Saint Paul. Sau đó anh được chuyển qua Nhật Bản hành đạo, nhưng bị bắt và xử tử bằng cách chổng ngược đầu xuống hố phân.[83] Vài ngày sau, anh tử đạo năm 1633[84]. Sau khi học xong thần học, Cha Lopes cũng phục vụ tại Macao và cuối cùng giữ chức vụ Giám Học của Sơ Tu và cũng là Giáo Sư Thần Học ở Macao. Anh mất năm 1627[85]. Còn Semedo, sau khi học xong, được chuyển qua Trung Quốc tham gia nhóm truyền đạo nơi ấy với chức vụ cao nhất là Phó Giám Tỉnh (Vice Provincial). Anh mất năm 1658.[86] Kể từ năm 1614, tình hình truyền đạo ở Nhật Bản đang rối ren nên Pina không được bổ nhiệm về đó. Vào năm 1617, anh được chuyển về Đàng Trong, phục vụ dưới quyền Cha Buzomi và do tai nạn, anh mất cuối năm 1625.
Trong tình trạng kiệt quệ về sức khoẻ lẫn tinh thần, lại mất đi hai vị Giáo Sĩ Hướng Dẫn, tôi biết chắc rằng cuộc sống gò bó, bệnh tật và chết chóc trên tàu không dễ chịu cho lắm đối với bốn vị Giáo Sĩ trẻ tuổi của chúng ta. Lịch sử nhà Dòng Chúa Giêsu cũng cho biết trong lúc này, bỗng nhiên họ được quen biết với hai người sĩ quan thuộc dòng quí phái tên là Bernardo Pereira (1588-1624) và Rui d’Ameida.[87] Pereira ngỏ ý tham gia vào Dòng Chúa Giêsu, còn Ameida muốn trở thành một tu sĩ dòng Augustinô. Sau khi học xong ở Goa và trở thành Giáo Sĩ, vào năm 1624, Cha Pereira cùng Cha Francisco Machado (1588-1624) cố gắng xâm nhập vào Ethiopia giảng đạo, nhưng cả hai bị bắt và tử đạo.
Phần còn lại của chuyến hải hành tốt nhất là nên được kể lại từ chính ông Mocquet, người từng trải trên con tàu Vencimento. Sau đây là những mẫu chuyện được kể lại trong sách của ông:[88]
“… because fever with great kidney pain took me so that the badly lasted almost the whole trip. After that, that was not all, because I still had this incovenient and dangerous lovende disease that the Portuguese otherwise call beriberi, and the Dutch scurvy, which turned my blood black and putrid: my knees were so narrowed, that I could not extend my hips; my black thighs and legs are blackened and gangrened, and I was forced to cut myself every day to bring out this bad black rotten blood. I also cut my gums which were livid and overcoming my teeth, going every day on the edge of the ship from outside, holding on to the ropes with a small mirror in hand to see where I had to cut off: then when I had pulled that dead flesh and made a lot of black blood, washing my mouth and teeth of my urine, rubbing them hard: but that being done, the next day there was everything sometimes as much and more. And (the) misfortune was that I could not eat, desiring more to swallow than to chew, for the great pains we receive from this unfortunate evil. I have found no better remedy than to use strong syrup of gilliflower, and astringent gargles with good red wine. Strength of our people died every day, and could we not see anything other than throwing bodies into the sea, three and four at a time, and most of them still dead without help, behind some chest, the eyes and plants of the feet eaten by rats. Others were found dead in their beds, after being bled, and moving their arms, the vein reopened and their blood coming to flow they fell in reverie of hot fever, thus dying without any help. It was only cries of great thirst and alteration. Because very often after having received their provision, which could be pint of water, putting it near them to drink when thirsty, their companions around them, and others even further away, came to steal this little water of these poor sick people asleep or turned to the other side. And even being under the deck in a dark place, they hit each other and beat each other without seeing each other; when they realized someone was about to sleal their water. Deprived of water, and for lack of a small drop, they died miserably without anyone wanting to rescue them from a little, not the father to the son, nor the brother to the brother, so much the desire to live by drinking near or each in his own. I was very often thus disappointed and frustrated with myself, but I comforted myself seeing so many others like me in the same situation: It was also the cause of not to dare to sleep too much, and put my water in place that one could not take it easily without me to realizing it.”
Tạm dịch ra là:
“Bởi vì sốt với cơn đau thận dữ dội đã khiến tôi yếu lả kéo dài gần hầu như trong toàn bộ chuyến đi. Sau đó, không chỉ thế thôi, bởi vì tôi vẫn mắc phải căn bệnh Lovende phiền phức và nguy hiểm này mà người Bồ Đào Nha thường gọi là Beriberi, và bệnh Ghẻ Lở (scurvy) Hòa Lan, khiến máu tôi trở nên đen và thối rữa: đầu gối của tôi bị xếp vào, đến nỗi tôi không thể kéo dài chân tay ra được; Đùi và chân của tôi bị nám đen và sần sùi, và tôi buộc phải tự cắt mình mỗi ngày để đưa ra vết máu thối đen bẩn thỉu ra. Tôi cũng cắt lợi phồng hết lên trên răng của mình, đi hàng ngày trên mép tàu từ bên ngoài, giữ chặt dây thừng với một chiếc gương nhỏ trong tay để xem chỗ nào tôi phải cắt bỏ: sau đó khi tôi đã kéo thịt chết đó và cắt ra rất nhiều máu đen, rửa miệng và răng bằng nước tiểu của tôi, chà xát mạnh: nhưng điều đó đã được thực hiện, ngày hôm sau còn làm nhiều hơn thế nữa. Và (điều) bất hạnh là tôi không thể ăn, chỉ tập trung vào nuốt xuống cho thật nhanh, không cần phải nhai, vì mỗi lần như thế rất là đau. Đó là những nỗi đau lớn mà mình phải chịu đựng từ điều bất tiện đáng tiếc này. Tôi đã tìm thấy không có biện pháp khắc phục tốt hơn là sử dụng xi-rô mạnh của hoa gilly, và thuốc súc miệng với rượu vang đỏ tươi. Nhiều người trong số chúng tôi đã chết mỗi ngày, và chúng tôi không thể làm gì khác ngoài việc ném xác họ xuống biển, ba và bốn người một lúc, và hầu hết trong số họ đã chết mà không có sự giúp đỡ, đằng sau ngực, mắt và lòng bàn chân của ho đã bị chuột gặm nhấm. Còn những người khác đã chết ngay trên giường của họ, sau khi bị lấy máu độc ra. Khi họ di chuyển cánh tay của họ, vết thương lại bong ra khiến máu chảy ra nữa. Họ còn rơi vào tình trạng nóng sốt nữa. Do đó họ chết trong thầm lặng mà không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào của ai. Nếu có chỉ là tiếng rên rỉ của sự khát khao và để ý. Bởi vì rất thường sau khi nhận được phần thức ăn của họ, có thể là nửa lít nước, đặt nó gần họ để uống khi khát, những người bạn đồng hành xung quanh họ, và những người khác thậm chí xa hơn, đã đến để ăn cắp ít nước khi những người bệnh khốn khổ này đang ngủ hoặc quay sang phía khác. Và ngay cả khi ở dưới lòng tàu trong một nơi tối tăm, họ đánh nhau và đánh nhau mà không thấy nhau, khi một người nào đó ăn cắp nước của họ. Vì thường xuyên bị thiếu nước, và ngay cả một giọt nhỏ, họ đã chết một cách thảm hại mà không ai muốn giải cứu họ một chút nào hết, không phải cha cho con trai, cũng không phải anh trai với em trai, rất nhiều mong muốn được sống bằng cách uống lén hoặc uống một mình. Tôi thường xuyên thất vọng với quy tắc của mình, nhưng tôi tự an ủi mình với rất nhiều người khác như tôi: Đó cũng là nguyên nhân khiến tôi không dám ngủ quá nhiều, và đặt nước vào vị trí mà người ta không thể dễ dàng lấy mà tôi không biết.
Các Căn bệnh Trên Tàu Vencimento
Phân tích từ những lời trình bày của ông Mocquet, chúng ta có thể nhận thấy rằng trên chiếc tàu Vencimento, bệnh dịch lan tràn thường xảy ra rất nhanh chóng trong một khung cảnh chật hẹp, thiếu vệ sinh như trên chiếc Vencimento. Có lẽ lúc ấy, cả thức ăn và nước uống đều bị ô nhiễm bởi vi trùng. Theo lời kể lại từ ông Mocquet, các hành khách từ lúc bị nhiễm trùng và thiệt mạng rất nhanh, trong khoảng một tuần lễ như Bá Tước Feira. Vì ông Mocquet không cho thêm chi tiết những triệu chứng khác từ bệnh của ông, ngoài triệu chứng nóng sốt, chúng ta chỉ có thể tiên đoán là ông bị bệnh Thương Hàn (typhoid) hay Kiết Lỵ (Dysentery). Đây là hai bệnh dịch rất phổ thông trên những con tàu chứa nhiều người mà vệ sinh không được giữ gìn. Khi bệnh nhân lên cơn sốt, họ có thể rơi vào tình trạng mê man. Vì đầu óc không tỉnh táo, nếu không bị ngăn cản, họ có thể tự quăng mình vào biển cả bất cứ lúc nào.
Ông Mocquet còn nhắc đến bệnh thiếu sinh tố B1 (thiamine) gọi là Beriberi. Dựa theo lời kể của ông, hạ bộ của ông như chân, hay bắp đùi bị teo lại. Đầu gối của ông đều rất mệt mỏi, rã rời và không theo sự điều khiển của ông nữa. Đi đứng trở nên rất khó khăn cho ông. Đây là triệu chứng của bệnh Beriberi Khô ảnh hưởng đến thần kinh của bệnh nhân. Còn nếu bệnh nhân nào bị Beriberi Ướt, chân tay họ có thể bị sưng phù gây ra khó khăn trong việc đi lại. Có vẻ như ông Mocquet không bị sưng chân. Điều này có thể nói lên rằng ông không bị Beriberi Ướt.
Ông Mocquet cũng kể lại rằng hàng ngày ông cố gắng vịn thành tàu, dùng dao với một cái gương nhỏ ra thành tàu, kéo chân lợi và cắt bớt những chỗ nám đen gây ra bởi bệnh Scurvy. Cắt xong, ông súc miệng bằng nước tiểu. Ông cũng nhắc đến phương pháp chống lại bệnh sưng nám của lợi là dùng nước xi-rô, trộn với rượu đỏ -Có lẽ ông không biết rằng rượu đỏ có tác dụng sát trùng. Ông còn cho biết cắt bớt lợi để tiết máu khiến cho sự ăn uống của ông rất khó khăn. Tuy vậy, cũng như tất cả những người đương thời, ông không biết là mình bị thiếu sinh tố C. Vào thế kỷ 17, không ai biết là Scurvy là từ đâu ra; ngay cả những nhà bác sĩ nổi tiếng thời ấy. Họ thường cho là chứng bệnh này là do bởi sự lười biếng của thủy thủ, hay do sự ô nhiễm của không khí trên tàu.
Riêng hai bệnh Beriberi và scurvy mà ông Mocquet đã trải qua cho biết kiến thức y khoa của ông vào thời ấy cũng rất phong phú cho một thường dân. Những lời diễn tả của ông rất phản ảnh về triệu chứng cùng kết quả do những bệnh này gây ra. Rất tiếc là vào thời phong kiến ấy, kiến thức về y khoa và vệ sinh còn quá thấp kém. Những phương pháp y khoa được áp dụng như trích máu hay cắt da thịt hay lợi màu đen đều không thực dụng mà còn gây ra chết người vì bệnh nhân bị mất máu quá nhiều. Một điều hiểu biết thú vị thêm là hàng ngày việc cắt mạch máu, trích máu và cầm máu là do thợ cắt tóc (barber) đảm nhận. Trên tàu vị này không phải là bác sĩ mà cũng không phải là bác sĩ giải phẫu. Nhiệm vụ của ông ta là cắt tóc và kiêm luôn cả việc trích máu cho bệnh nhân. Trên tàu, có nhiều người vì mất máu quá nhiều, nằm một góc tàu và lả ra cho đến hơi thở cuối cùng.
Trong thế kỷ 17, để chữa các bệnh tật, các đại học y khoa còn tin tưởng vào học thuyết Galenism do Galen of Pergamon (129AD-210AD) sáng lập ra, dựa vào lý thuyết về 4 trạng yếu, đó là máu, đờm, nước mật vàng và nước mật đen cộng với 4 thành phần thiên nhiên như không khí, nước, đất và lửa[89] để ảnh hưởng đến 4 tính cách của con người gồm có: tính lãnh đạm, tính buồn rầu, tính cay đắng hay tính lạc quan. Trong những tính chất của con người này, tính chất lạc quan là điều các y sĩ muốn bệnh nhân mình đạt được. Muốn đạt được kết quả mong muốn, theo các bác sĩ vào thời ấy, con người phải quân bình 4 trạng yếu trong người. Một khi, một hay nhiều trạng yếu mất quân bình sẽ gây ra bệnh hoạn. Vì trong lúc bị bệnh, nước mật vàng hay đen và cả nước đờm là những trạng yếu được thải ra ngoài, chúng sẽ được xem là nguyên nhân của bệnh tật. Các y sĩ vào thời đó cũng tin rằng lúc bị bệnh, máu của bệnh nhân chứa toàn chất độc. Để điều chỉnh, khôi phục và quân bình 4 trạng yếu này, y sĩ chỉ còn cách lấy ra bớt máu độc trong người bệnh nhân. Lý thuyết này được dựa vào sự quan sát từ kinh nguyệt của người đàn bà trong tháng.[90] Trong đầu thế kỷ 17, trích máu không chỉ là phương pháp duy nhất để chữa bệnh. Các y sĩ còn dùng ống giác đặt vào lưng hay cho bệnh nhân uống bột nghiền ra từ đá benzoar để chống lại bệnh sốt nặng[91]. Khi tất cả các phương pháp trên thất bại, cách duy nhất để trừ khử máu độc không lên đến óc là xuất huyết thẳng ra từ đầu. Rất tiếc đây cũng là phương pháp nhanh nhất cho bệnh nhân mau chóng qua đời.
Cuộc Hành Trình Vượt Qua Mũi Hảo Vọng và Eo Biển Mozambique
Con thuyền Vencimento cuối cùng cũng đến Mũi Hảo Vọng (Hãy xem Hình 8). Khi đi ngang qua vùng biển này, ông Mocquet có cảm tưởng như chiếc tàu buồm khổng lồ này nhỏ bé quá. Sóng gió nổi lên, vật vã chiếc thuyền con như một đồ chơi vậy. Sóng biển ào ạt đổ lên buồng tàu cao nhất trên con tàu. Ngồi trên thuyền chống lại cơn mỏi mệt; tay bám víu vào góc bàn, thanh giường hay cột buồm, cộng với nỗi đau đớn trong miệng và khắp cơ thể, bây giờ họ mới cảm thấy gần thượng đế hơn bao giờ hết. Không cần sự khuyến khích của các tu sĩ nhà Dòng Chúa Giêsu, họ bắt đầu lẩm nhẩm cầu nguyện cho tai qua, nạn khỏi. Cho đến bây giờ, họ mới khám phá ra ý nghĩa của câu tục ngữ của người Bồ: “Khi nào bạn muốn học cách cầu nguyện, bạn hãy cùng thuyền ra khơi.” Đối với các tu sĩ như Pina, nhờ có lòng tin tưởng về thượng đế, trong những lúc này, họ luôn khuyến khích giáo dân trên tàu xưng tội vì chỉ trong tích tắc, tất cả có thể chìm dưới lòng đáy biển bất cứ lúc nào.
Ngồi trên tàu họ quên cả thời gian và không gian cho đến khi gió lặng, sóng yên. Qua một thời gian dài mà họ cảm tưởng như vô tận, nhìn vào thềm lục địa, các thủy thủ nhận định ra những con chim to bằng con ngỗng; màu trắng; nhưng chỉ riêng hai cánh chúng là màu đen trong khi mỏ và chân lại màu vàng.[92] Khi nhìn thấy chúng, họ đều thở dài, nhẹ nhõm vì họ đã nhận thức rằng họ qua khỏi nguy hiểm trên chặng đường này. Họ nhận thức rằng mình đã đến Mũi Agulhas, một nơi sóng lặng, gió đừng. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều biết rằng nguy hiểm vẫn còn đang rập rình trước mặt. Tiếp tục tiến bước vào ngưỡng cửa của eo biển Mozambique, tập đoàn chỉ huy trên Vencimento cảm thấy hồi hộp vì họ biết họ phải tranh đấu kịch liệt với dòng nước ngầm Agulhas chảy mạnh dưới lòng biển. Trong eo biển Mozambique, nó có khuynh hướng chảy về hướng nam, tây nam dọc theo bờ biển South Africa và khi chảy đến Mũi Agulhas, nó đẩy con thuyền ngược về hướng đông để trở thành dòng Agulhas Chảy Ngược (Agulhas Return Current). Vì thế, thuyền trưởng phải khéo léo sát nhập vào dòng nước chảy ngược này và cố gắng lèo lái con thuyền vào giữa ngưỡng cửa của eo biển. Rất tiếc việc hải hành lúc bấy giờ rất khó khăn. Họ không thể tính ra được tọa độ của chiếc thuyền buồm vì thiếu dụng cụ tiên đoán về kinh độ - Thật ra họ muốn giữ vị trị con tàu chính giữa bờ biển Đông Phi Châu và đảo Madagascar. Tiến bước về hướng bắc, đầu tiên họ vào vùng Natal (bây giờ là South Africa) u ám; trời mù mịt như “ban đêm”.[93] Tiếp theo đó, càng đến gần đảo Mozambique, họ lại càng phải cẩn thận hơn vì ngay giữa eo biển có vài cụm san hô như Baixos da Judia (Jewish Shoals)[94] hay João da Nova[95] nhấp nhô trên mặt nước, có thể gây ra cảnh mắc cạn bất cứ lúc nào. Vì thế, khi vào đến vùng biển từ khoảng cách Sofala (nay gần Beira) đến Mozambique, họ phải hết sức cẩn thận và cố tình tránh xa những cồn cát này (Hãy xem Hình 9).
Hinh 8 -Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) và Mũi Agulhas
Cuối cùng vào ngày 29 tháng 9 năm 1608[96], con thuyền Vencimento cũng đã cập bến Mozambique một cách an toàn. Đến được nơi đây đánh dấu cả 6 tháng trời, họ đã long đong trên biển cả. Trước khi đi, trên boong đầy ngập, nhưng bây giờ số người rất thưa thớt vì không kể một số người đã chết, những người bệnh rất đông và được đưa xuống hầm tàu dưới nghỉ ngơi. Nhìn quanh quẩn, cùng một thời gian, thật là may mắn, một vài chiến thuyền chiến như Bartholomeu, Antonio, và Jeronimo cũng đáp bến an toàn.
Hình 9 -Eo Biển Mozambique
Đáp tàu xuống đảo Mozambique,[97] Pina có lẽ chứng kiến một cảnh điêu tàn hãi hùng. Nhà cửa trên đảo, kể cả thuyền bè đánh cá và chủng viện nhà Dòng Đa Minh phần nhiều bị cháy ra tro; những cây dừa trồng dọc trên đảo cũng bị đốn sạch. Không ai hỏi ai, mọi người đều biết thủy quân Hòa Lan đã dừng bước ở nơi này[98]. Lúc này, các vị tu sĩ trẻ nhà Dòng Chúa Giêsu mới nhận thức ra cảnh tàn phá của chiến tranh. Nhìn ra biển ở hướng bắc là thành trì kiên cố São Sebastião tuy còn đứng vững nhưng cũng loang lổ đạn pháo kích từ 1250 viên đại bác[99] bắn vào thành từ hai phía. Điều mà Pina và tất cả những người trên tàu Vencimento nghe kể lại là trước đây hơn hai tháng, hạm đội Hòa Lan đã tấn công thành Sebastião -Năm ngoái 1607, họ cũng muốn chiếm thành nhưng không thành công. Tuy thất bại trong cả hai lần tấn công, nhưng người Hòa Lan đã gây ra thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng trên đảo khiến thức ăn và nước uống trở nên khan hiếm vô cùng. Lúc bình thường, các tàu buôn Bồ, trên con đường đến Goa, thường ghé qua Mozambique để được cung ứng thêm nước và thực phẩm. Nhưng trong năm nay, tai ách đã đổ xuống như thế mà không những chỉ có tàu Vencimento cần thêm đồ dùng mà còn cả ba chiếc chiến thuyền Bartholomeu, Antonio và Jeronimo cần thêm cung cấp trước khi lên đường qua Ấn Độ. May thay cả bốn chiếc tàu này đều cặp bến Mozambique hầu như cùng một lúc. Nhưng trong sách, ông Mocquet đã viết: “Khi chúng tôi đến Mozambique, chúng tôi rất ngạc nhiên không tìm được gì để ăn cả.”[100]
Có lẽ không riêng gì Pina mà còn ba vị tu sĩ khác của Dòng Chúa Giêsu, đây là một cú sốc rất mạnh vào tâm khảm của họ. Trước đây cuộc sống của họ ở quê nhà, tuy kham khổ về mặt tinh thần trong Sơ Tu - Có lẽ lúc ấy họ rất nhớ nhà - nhưng nhìn cảnh chết chóc và tàn phá của chiến tranh lần đầu tiên trong cuộc đời có thể gây ra một cảm xúc khó tả. Hiện nay, ai nấy, nếu không bị bệnh Scurvy thì cũng bị bệnh Beriberi; cả con người mệt lả; chân đi gắng gượng. Nhưng là những tu sĩ đại diện cho Dòng Chúa Giêsu, Pina và đồng nghiệp phải cố gắng chăm sóc cho các giáo dân được tạm trú vào những căn lều lụp xụp xây dựng sơ sài ngoài thành, trong thành São Sebastião hay trên chiến thuyền Jeronimo. Sự thật hiện giờ không ai hiểu biết gì thêm về cuộc sống của 4 vị tu sĩ Dòng Chúa Giêsu ra sao khi định cư vào thành Sebastião vì, ngoài việc trú ngụ trong thành, họ không còn nơi nào để che mưa tránh nắng nữa. Ngoài cửa thành, nhà cửa phần lớn đều bị thiệt hại. Nếu không có chiến tranh xảy ra, chắc chắn rằng họ sẽ tạm dừng chân ở chủng viện của dòng Đa Minh trên đảo. Nhưng so với hoàn cảnh của ông Mocquet, cuộc sống của các vị tu sĩ vẫn tốt hơn vì lúc này ông Mocquet đang lang thang trên đường phố để kiếm từng con cá khô, một hớp nước đục từ dân địa phương để sống lây lất qua ngày. Trong thành Sebastião, hành khách của bốn chiếc thuyền buôn đang cố gắng chờ thời gian qua nhanh cho tới mùa gió Nồm thổi từ hướng tây-nam về hướng Ấn Độ mỗi năm vào đầu tháng tư hay tháng 5.
Thấm thoát mà họ đã chờ được 5 tháng trời ở Mozambique, vào ngày 20 tháng 3 năm 1609, hạm đội bây giờ chỉ còn chiếc thuyền buôn Vencimento và 3 chiếc tàu chiến lên đường tiến về hướng bắc. Trong thời điểm này, ngoài ra họ cũng chỉ biết số phận của hai chiếc Bom Jesus và Consolação[101] bị đốt cháy trong cuộc tấn công của người Hòa Lan mùa hè năm ngoái. Đó là không tính chiếc thuyền cung cấp David phải mang xác Bá Tước Feira trở về Lisbon trong khoảng tháng 6 vừa qua. Còn số phận các con tàu khác ra sao, họ hoàn toàn không biết rõ. Trong nhóm tu sĩ Dòng Chúa Giêsu vẫn sống sót gồm có những tu sĩ trẻ kể cả Pina, nhưng bây giờ con số của họ tăng lên làm sáu; họ có thêm hai người bạn đồng hành mới, hai anh Pereira và Ameida.
Đoàn thuyền buồm nhỏ nhoi, buồn thảm thẳng tiến về hướng bắc dọc theo bờ biển Đông Phi Châu. Họ vượt qua vùng biển ảm đạm của đường xích đạo. Họ tiếp tục nhắm về hướng hòn đảo Socotra nằm trong cửa biển của Biển Đỏ (Red Sea) vào ngày 7 tháng 5 và dựa vào sức mạnh vào theo cơn gió Nồm thổi qua Ấn Độ Dương, họ cập bến hải cảng Goa trong ngày 26 tháng 5 năm 1609.[102]
Cuối Cùng Pina và Các Tu Sĩ Cũng Xuống Tàu ở Goa[103]
May mắn thay, họ đã nhập cảng Goa một cách bình yên (Hãy xem Hình 10).
Hình 10 - Thành Phố Goa vào năm 1596 (Jan Huyghen van Linschoten)
Goa là một thủ đô chính thức của Đế Quốc Bồ ở Á Châu nằm sát biển Ả Rập về hướng tây. Vào thời ấy, nó thật là mỹ lệ, thường được gọi là “Hạt trân châu của Á Đông” và hay được so sánh với Lisbon. Goa được chia làm hai miền: Goa Cũ và Goa Mới – Goa Mới còn được gọi là Salcete. Vào năm 1510, Afonso Alburquerque mang quân chiếm đóng Goa, đuổi dân quân người Hồi Giáo ra khỏi Ấn Độ. Từ đó, người Bồ chiếm độc quyền thị trường mua bán gia vị. Ở nơi đây, tất cả tàu buôn gia vị đều tụ tập nơi đây trước khi trở về Lisbon. Hàng năm vào cuối tháng ba hay đầu tháng tư, vua Bồ đều mang tiền đến Goa mua gia vị và bán ra lại thị trường Âu Châu.
Ngoài khơi, không có một dấu hiệu nào là có sự tập kích của hải quân Hòa Lan. Tuy nhập cảng vào ngày 26 tháng 5, họ phải chờ đến sáng hôm sau mới thật sự rời khỏi tàu. Có lẽ đây là tập quán ở Goa vì nhà cầm quyền sẽ cần một thời gian để loan báo cho dân chúng về chuyến hải hành bình an của hạm đội trong năm nay. Có lẽ đến bây giờ, dân tình cũng có cảm thấy điềm không lành về hạm đội năm nay; đáng lẽ ra họ phải đáp bến vào tháng 9 hay tháng 10 năm ngoái. Nhưng trong năm nay mãi cuối tháng 5 mới thấy sự hiện diện của họ. Cũng như những năm trước, dân chúng trong thành phố ùa về bến tàu. Bình thường họ mong chờ để nhận diện được gương mặt của vị thống đốc mới trong nhiệm kỳ ba năm sắp đến. Ngay bây giờ, không biết họ đã nghe tin ông đã từ trần trong chuyến đi vừa qua chưa. Trên những dòng sông Goa, thuyền bè tứ phương đổ về hướng các con thuyền buôn đang từ từ đuổi sóng tiến đến bến đáp mà nơi dinh thự của ngài Thống Đốc đang ngự trị. Họ nổi trống kèn rền rĩ khắp nơi. Đến gần những con tàu buôn này, họ còn chuyền lên thức ăn, thức uống và trái cây cho những người trên tàu. Có lẽ giờ này, nhìn vẻ mặt của những người trên tàu rất tiều tụy và thương tâm lắm. Sau hơn một năm, có lẽ gương mặt của họ ốm và xạm đen đi nhiều. Khi tàu đáp bến, nhà thám hiểm Pyrard, người đã nhập cảnh ở Goa trong tháng 6 năm ngoái, cho biết rằng mỗi chiếc tàu chỉ loe ngoe có khoảng 300 người bước xuống. Có lẽ trông bộ dạng của họ, là một nhà thám hiểm đầy kinh nghiệm ông không khỏi bùi ngùi.
Sau khi lên bờ, bốn vị tu sĩ Dòng Chúa Giêsu được chuyển qua một chiếc xe ngựa không mui. Lúc này, họ đã thay đổi y phục màu đen với chiếc nón vải cùng màu trên đầu. Ngồi trên chiếc xe đàng trước có ba đứa trẻ, tay cầm kèn thổi léo lách thánh ca như, thay mặt họ, vừa loan báo vừa chào mừng mọi người ở Goa. Càng đến gần trường đại học St. Paul nổi tiếng vào thời ấy, hàng ngàn thường dân, học sinh và sinh viên chen lấn với dân tình xếp hàng hai bên lề đường vỗ tay đáp lễ.
Trong thế kỷ 16, trường đại học St Paul ở Goa rất nổi tiếng; nó tương đương với tất cả trường đạo ở Coimbra và cả Âu Châu. Vào năm 1568, St. Paul có hơn 3.000 sinh viên và học sinh[104]; trong số này có sinh viên địa phương và nhiều quốc gia Phi Châu và Á Châu đến học hỏi như Ấn Độ, Sri Lanka, Iran, Nhật Bản, Trung Hoa, Pegu,[105] Malacca, v.v… Nhưng tại đây, vào năm 1596, con số giáo sư chỉ có vỏn vẹn 20 giáo sĩ cộng với 47 tu sĩ thực tập và 16 người tu huynh.[106] Chương trình học gồm có các lớp văn phạm, sử ký, thơ văn, biện luận, triết lý và thần học. Ngôi trường này được bắt đầu từ năm 1542, khi Thánh Francisco Xavier qua giảng đạo tại Goa. Sau khi cập bến tại Goa, ngài đã dừng chân tại đây và nhận lại nó từ các tu sĩ dòng Phanxicô khi họ chuyển giao nó lại cho Dòng Chúa Giêsu. Đến năm 1560, trường đại học này được xây mới lại từ đầu. Nhưng vài năm sau, vì chung quanh tường có dấu hiệu rạn nứt, nhà Dòng cho xây một dãy cầu vòm chặn đứng sự nứt mẻ của cửa trường (Hãy xem Hình 11)[107].
Hình 11 -Trường Đại Học St. Paul Cũ Trước 1610 ở Goa (Họa Sĩ John Jonhson (1769-1846) -British Library
Vào năm 1570, bệnh dịch lan tràn mọi nơi khiến cho hơn 58 người trong nhà Dòng đang cư ngụ tại St. Paul ngã bệnh.[108] Vì thế, vào năm 1578, Dòng Chúa Giêsu mới mua một miếng đất trên một ngọn đồi có tên là Holy Mount nằm phía tây bắc của Goa, đối diện với chủng viện của dòng Augustô. Từ đó, Dòng Chúa Giêsu xây thêm một trường học mới và đặt tên là St. Paul Mới (São Paulo Novo). Vào năm 1610, trường St. Paul Mới được chính thức bắt đầu khai trương, trong khi trường St. Paul Cũ dần dần bị bỏ phế. Khi Pina vừa mới đến Goa vào cuối tháng 5 năm 1609, anh rất có khả năng đã đến trụ ngụ ở Chủng Viện và bắt đầu ghi danh vào học lớp triết lý học ở St. Paul Cũ. Nhưng sang năm sau, anh được chuyển qua trường St. Paul Mới. Nếu theo đúng chương trình, anh sẽ hoàn tất lớp triết học trong vòng 3 năm ở Goa. Sau đó, anh sẽ theo đuổi 4 năm thần học ở trường St. Paul tại Macao.
Nhưng khi mới đến Goa không bao lâu, cũng có thể anh cũng được gửi đến trường đại học Rochol ở thành phố Rachol trong tỉnh Salcete (Hãy xem Hình 10) cho một thời gian ngắn để học tiếng Konkani vì nơi đây có mở lớp dạy ngôn ngữ này cho các tu sĩ với mục đích dạy giáo lý cho dân bản xứ mà không cần thông dịch viên. Nếu thế, cũng giống như Cha Alexandre de Rhodes (1593-1660),[109] Pina đã có nhiều khả năng học lớp đàm thoại tiếng Konkani ở Rachol. Ngôi trường này hầu như được khánh thành trong khoảng thời gian với St. Paul Mới vào ngày 31 tháng 10 năm 1609[110]. Nhưng đặc biệt ở Rachol có hai vị tu sĩ đương thời rất nổi tiếng về ngôn ngữ Ấn Độ, đó là Cha Thomas Stephens (1547-1619)[111] và Cha Étienne de la Croix (1579-1643)[112]. Đối với các tu sĩ nhà Dòng Chúa Giêsu, việc học tiếng Konkani là một điều rất cần thiết trong một thời gian ngắn. Sau những giờ học triết lý là những giờ ngoại khóa, khoảng tháng 12 năm 1609, có thể Pina phải theo một nhóm tu sĩ Giêsu cùng với dân bản xứ đi tìm kiếm trẻ con bản xứ mồ côi[113]với mục đích là cải đạo chúng từ Ấn Độ Giáo ra Thiên Chúa Giáo. Không những thế, vài tháng sau khi đến Goa, Pina, vào ngày 25 tháng Giêng năm 1610, anh phải tham dự buổi lễ Cải Đạo (Feast of Conversion)[114] rất long trọng hàng năm tại trường St. Paul mà nhà thám hiểm Pyrard cho biết trong mùa lễ năm ngoái, có hơn 1.500 người Ấn Độ ngoại đạo đã được rửa tội tập thể[115]. Sau đó, có thể anh sẽ được chỉ định làm thầy dạy dỗ (tutor) cho một số trẻ con người Ấn Độ. Vì thế, anh phải học tiếng Konkani nhanh chóng nhất trong một thời gian ngắn, vì theo lời dạy dỗ của Thánh Ignatius Loyola (1491-1556) vẫn còn văng vẳng bên tai, các tu sĩ phải học tiếng nói địa phương để có khả năng giảng đạo cho họ. Dựa theo Cha Alexandre de Rhodes, tiếng Konkani rất dễ học. Khi đáp thuyền đến Goa năm 1619, trong vòng 3 tháng, ngài đã học ngôn ngữ này, có thể đàm thoại và dạy giáo lý cho trẻ con Ấn Độ ở Goa.[116]
Nếu đúng như những dữ kiện xảy ra ở trên, anh Pina đã có cơ hội tiếp xúc nhiều với người Ấn Độ, sống tại Goa khi anh tham gia vào tổ tìm kiếm trẻ mồ côi, dạy dỗ tiếng Bồ hay La Tinh cho chúng hay học tiếng địa phương từ chúng. Hơn nữa, anh cũng đã nghe và thấy những công trình chuyển ngữ từ các nhà ngôn ngữ nổi tiếng thời ấy qua những cuộc đàm thoại hay đọc qua sách vở ngữ vựng hay văn phạm mà họ đã soạn ra trong thư viện của trường đại học St. Paul. Tuy anh cũng không ngờ rằng sau này, khi bước chân vào Đàng Trong, anh sẽ cần đến những sự học hỏi quí báu này.
Khi tạm trú ở Goa, Pina cũng có thể ghi danh học lớp ngoại ngữ Nhật Bản. Khi anh ở Macao, vào năm 1614, anh cũng có nhiều cơ hội đàm thoại trong tiếng Nhật vì lúc ấy, những cơ sở truyền giáo ở Nagasaki, Nhật Bản đều bị đóng cửa và di chuyển về Macao. Trong những năm sau đó, dân tị nạn Nhật định cư tại Macao rất đông đảo. Lúc ấy, ngoài Macao, ở Á Châu, có hàng chục ngàn người thương mại Nhật không thể về nước vì bị cấm đoán. Vì thế, họ phải sống tha phương đến các thành phố Á Châu khác như Manila ở Phi Luật Tân, ở Ayutthaya, Siêm La hay Hội An ở Đàng Trong.
Lên Đường Về Macao
Nếu Pina, ngoài việc học triết lý còn phải tham gia các hoạt động ngoại khóa thật bận rộn cho anh. Đó là không kể thì giờ tham dự thánh lễ, bí tích, xưng tội, cầu nguyện hay các buổi lễ cho các vị thánh trong đạo. Ngoài ra, trong những giờ thực tập các sinh viên kể cả Pina phải đến thăm tù nhân hay người bệnh đang được chữa trị trong nhà thương. Trong lớp học triết học ở St. Paul, Goa, anh đã làm quen với bốn người bạn mới, đó là các Anh Antonio de Sousa (1589-1633), Estévão Coelho (1583-?) and Manoel Coelho (1586-?) và Antonio Freire (1587-?). Những tu sĩ này vừa đáp bến tàu ở Goa không lâu trong vòng tháng 10 hay tháng 11, 1609[117] vừa qua. Trong cuộc hành trình này, Cha Francisco Buzomi là vị giáo sĩ Bề Trên của họ. Tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng Pina đã có dịp gặp mặt Cha Buzomi lần đầu tiên trong khoảng thời gian này. Khi nhóm tu sĩ này nhập học vào St. Paul cuối tháng 10,[118] họ sẽ học chung lớp với Pina. Dựa theo chương trình, khi học xong 3 năm trong lớp triết lý, họ và Pina cùng đáp tàu qua Macao vào mùa hè năm 1612.[119] Sau một tháng, con tàu của họ sẽ ghé qua Malacca để trao đổi hàng hóa trước khi lên đường về Macao. Từ Malacca, các anh sẽ tốn thêm khoảng một tháng nữa mới cập bến ở Macao. Trong cuộc hành trình này, các anh sẽ đi ngang qua Côn Đảo và hải phận của Đàng Trong (Cochinchina)[120] trước khi cập bến Macao, nơi mà các anh phải ghi danh học lớp thần học kéo dài đến 4 năm nữa - Vị thầy giáo của họ cũng có thể là Cha Buzomi vì lúc này, Cha Buzomi đang dạy lớp thần học ở đó. Cuối cùng, trong năm thứ tư của thần học (1616), họ cùng nhau đón thuyền trở về Malacca[121], nơi mà họ chính thức được Giám Mục Gonçalo da Silva, đại diện cho Đức Giáo Hoàng, phong chức Giáo Sĩ cho các anh. Sau năm đó, họ được gọi với một chức vị là “Cha” hay “Linh Mục” bổ sung với cái tên của họ. Riêng phần Cha Pina, trong thời gian dài học thần học ở Macao, anh cũng sẽ quen biết Cha Christoforo Borri (1583-1632).[122] Sau này trong năm 1618, họ sẽ gặp lại nhau ở thành phố Hội An, rồi cùng nhau với Cha Buzomi dọn về Nước Mặn, Qui Nhơn. Trên bán đảo Macao, Pina có thể cũng sẽ gặp mặt Cha João Rodrigues Tçuzzu (1561-1633), vị giáo sĩ người Bồ nổi tiếng ở Nhật Bản đã viết quyển sách nổi tiếng về Văn Phạm tiếng Nhật ở đầu thế kỷ 17.
Vào tháng Giêng năm 1617, Cha Pina được bổ nhiệm vào Đàng Trong để giúp đỡ Cha Buzomi. Đồng hành với ngài gồm có hai vị giáo sĩ người Nhật, Cha Iyo Tokuun Sixto (1570-1633) and Cha Constantino Dourado (1566-1620)[123]. Đến tháng ba năm ấy, người bạn học cũ của ngài lúc cư ngự tại Goa Cha Antonio de Sousa (1588-1633)[124] cũng sẽ cập bến ở Đàng Trong. Từ khi mới đến Đàng Trong khoảng một năm nay, Cha Pina cư ngụ tại Hội An để trốn tránh sự đàn áp tôn giáo của chính quyền Đàng Trong. Trong lúc cư ngụ ở đây, ngài giảng đạo cho khoảng 300 người Nhật tị nạn[125].
Kết Luận
Tuy mới hơn 20 tuổi, sau chuyến tàu định mạng đến Goa, tôi nghĩ Pina đã khôn lớn rất nhiều. Anh đã hấp thụ được nhiều bài học đáng giá từ những sự thử thách mà Thượng Đế đã an bài cho anh. Trên thể xác, đôi lúc anh phải gánh chịu cảnh mưa rào, nóng ran; quần áo nhơ bẩn dính đầy côn trùng. Trên tàu, anh phải hít thở mùi hôi tanh ô uế, nồng nặc chung quanh anh. Anh phải chịu đựng cuộc sống tù túng trong một căn phòng rất nhỏ bé chất đầy thức ăn khô mà anh phải chia sẻ với ba vị tu sĩ khác. Không lâu, sau khi vào vùng nóng bức của xích đạo, anh phải chịu đựng cái nóng bứt rứt khó tả. Tuy anh không bị bệnh nan y, anh đã thấy số mệnh con người thật mỏng manh. Anh đã nhìn thấy cuộc sống khốn khổ của con người và cái chết cô độc của nhiều hành khách trên tàu. Khi nghĩ đến, tôi biết anh đã cầu xin phước lành từ Đức Chúa Trời cho những người còn lại, cho những người vừa mất và cho cả chính anh.
Khi bước chân đến Goa, anh đã cảm thấy Thượng Đế không bạc đãi anh và cho phép anh được chiêm ngưỡng một thế giới mỹ lệ. Tại đây, anh đã cám ơn Chúa cho anh mở rộng tầm mắt và gặp gỡ các dân tộc không đồng màu da như người Nhật, Ấn Độ, người Hoa, người Ả Rập, v.v… Đồng thời, cuộc sống huy hoàng ở Goa tạo cơ hội gặp mặt nhiều nhân vật ngôn ngữ nổi tiếng đương thời như Cha Thomas Stephens, Giáo Sĩ người Anh, và Cha Etienne de la Croix, Giáo Sĩ người Pháp. Nhờ kỹ thuật tinh tiến vào thời đó, chính mắt anh đã thấy nhà Dòng đã phát hành bài vở bằng cách dùng máy in bắt đầu từ năm 1556. Mặc dù sống ở đây chỉ có khoảng 2-3 năm, tôi biết chắc rằng anh đã lắng nghe những câu chuyện từ các giáo sĩ khác hay có dịp đàm thoại với nhau về những công trình La Tinh hoá tiếng Konkani trong công cuộc truyền đạo. Mặc dù lúc ấy, theo tôi nghĩ anh đã không nghĩ nhiều về việc thực hành cho chính anh cho đến khi anh đáp tàu xuống cửa sông Hàn, Đà Nẵng. Khi đang theo đuổi lớp thần học ở Macao, tôi nghĩ anh cũng có cơ hội đàm thoại với Cha João Rodrigues Tçuzu (1561-1633) về tiếng Nhật và cách La Tinh hóa nó.
Vào năm 1618, khi đến Nước Mặn, anh đã có nhiều thì giờ nghiền ngẫm sự liên quan giữa tiếng Việt với tiếng La Tinh, Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Nhưng khi liên tưởng tới giọng nói của hai dân tộc Việt và Ấn Độ, tôi cho rằng sự suy nghĩ của anh lập tức nghiêng hẳn về Konkani vì âm điệu tiếng Việt trong nhiều trường hợp rất giống lối phát âm của tiếng Ấn Độ.[126] Vì thế, hiện nay tôi muốn đưa ra giả thuyết rằng khi tạm dừng chân ở Nước Mặn, Cha Pina đã dựa vào nhiều vào lối phát âm của Konkani trong việc La tinh hóa tiếng Việt[127]. Nhưng rất tiếc, vì anh mất quá sớm (1625), những tiến triển và thành công của anh ít người biết đến. Nhưng tôi nghĩ tuy anh mất đi, nhưng anh không hề hối tiếc vì anh đã biết rằng những công trình mà anh gầy dựng đã được nối tiếp bởi là ba vị giáo sĩ thừa kế của anh, đó là các giáo sĩ Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rhodes; họ đã nối gót theo anh đi nốt con đường con đường còn lại trong công cuộc đào tạo chữ Quốc Ngữ.
Download file gốc PDF của tác giả tại đây
Tài Liệu Tham Khảo
1. Jason Michael Wilber, "Transcription and Translation of a Yearly Letter from 1619 Found in the Japonica Sinica 71 from the Archivum Romanum Societatis Iesu" (2014). All Theses and Dissertations. 4350. https://scholarsarchive.byu.edu/etd/4350.
2. Roland Jacques, Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics, Orchid Press, Bangkok 2002.
3. Antonio de Oliveira Freire, Descripçam Corografica do Reyno de Portugal, Lisbon, Na Officina Bernardo Anton de Oliver, 1755.
4. Rui de Pina https://en.wikipedia.org/wiki/Rui_de_Pina
5. Diogo Barbosa Machado, Bibliotheca Lusitana, Tomo II, Lisbon 1759.
6. Count Paul Ron Hoensbroech, Fourteen Years a Jesuit, translated by Alice Zimmer, Tập II, Cassell and Co., Limited 1911.
7. John W. O’malley, S.J., How We Were: Life in a Novitiate, 1946-1948.
8. Lobo, Rui, “The College of Jesus and College of Arts during Francisco Suárez’s time”, Conimbricenses.org Encyclopedia, Mário Santiago de Carvalho, Simone Guidi (eds.), doi = “10.5281/zenodo.3521057”, URL = http://www.conimbricenses.org/encyclopedia/
9. John W. Padberg, S.J., General Editor, The Constitutions of the Society of Jesus and Their Complementary Norms: A Complete English Translation of the Official Latin Texts, Saint Lous, 1996.
10. Paul F. Grendler, The Culture of the Jesuit Teacher 1548–1773, Brill journal of Jesuit studies 3 (2016).
11. Liam Matthew Brockey, The Visitor, The Belknap Press of Harvard University Press, 2014.
12. Rev. Thomas Hughes, Loyola and the Educational System of the Jesuits, 1912.
13. Ernest Truman, Leander, Or, Secrets of the Priesthood, Claxton, Remsen, and Haffelfinger, 1869.
14. Wiktor Gramatowski, Guide to Understanding the Documents, ARSI, 1992.
15. Claudia Von Collani, The True Mother of China Mission -Kilian Stumpf’s “Succincta Chronologica Relatio”, in Rooted in Hope, In der Hoffnung verwurzelt, Vol. 1, Momenta Serica Monograph Series LXVIII/1, Routledge 2017.
16. Josef Franz Schutte, S.J., Momenta Missionum Societatis IESU, Momenta Historica Japaniae I, 1549-1654, Vol. 134.
17. Đoạn phim ngắn trích từ phim “Silence” https://www.youtube.com/watch?v=wf0-wv2awkY.
18. Brockey, Liam, Largos caminhos e vastos mares Jesuit Missionaries and the journey to China in the sixteenth and seventeenth centuries, Bulletin of Portuguese - Japanese Studies, núm. 1, december, 2000, pp. 45 – 72, Universidade Nova de Lisboa, Portugal
19. A. Lynn Martin, Jesuits and Their Families -The Experience in Sixteenth Century France, Sixteenth Century Journal, Tập 13, Số 1, doi:10.2307/2539914.
20. Charles E. O’neill, Diccionario Histórico de la Compania de Jesus, Universidad Pontificia Comillas, MADRID.
21. Antonio Franco, Synopsis Annalium in Societatis Jesu in Lusitania, Anno 1540-1725, Tomo IV.
22. Jesuits Going East http://www.icm.gov.mo/rc/viewer/20021/1053 trích từ 26 tháng 6, 2020
23. Filipe Castro, Nuno Fonseca, Audrey Wells, Outfitting the Peper Wreck, Historical Archaeology, 2010, 44(2):14–34s, 2008.
24. Janet P. Boileau, Cultinary History of the Portuguese Eurasians: The Origins of Luso-Asian Cuisine in the Sixteenth and Seventeenth Centuries, PHD Thesis, 2010.
25. Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830.
26. Madre de Deus https://en.wikipedia.org/wiki/Madre_de_Deus
27. Lució de Sousa, The Portuguese Slave Trade in Early Modern Japan: Merchants, Jesuits and Japanese, Chinese, and Korean Slaves, Brill, 2018.
28. Maria Herminia Maldonado, Relação das náos e armadas da India com os successos dellas que se puderam saber, para noticia e instrucção dos curiozos, e amantes da historia de India, East India, 1985.
29. R. Po Chia, A Jesuit in the Forbidden City: Matteo Ricci (1552-1610), Oxford, University Press, 2010.
30. Arturo Giraldez, The Age of Trade: The Vanila of Galleons and the Dawn of the Global Economy, Rowman and Littlefield, 2015.
31. Michela Fontana, Matteo Ricci, The Jesuit in the Ming Court, Rowman and Littlefield, 2011.
32. Xavier Mariona Martins, Portuguese Shipping and Ship Building in Goa (1510-1780), PHD Thesis, 1994.
33. Albert Gray, The Voyage of François Pyrard de Laval, Vol. II, Part I.
34. Charles E. O’Neill & Joaquín Domínguez, Dictionario Histórico de la Compañía de Jesus, Institutum Historicum/Univesidad Pontificia, 2001.
35. Amir Arsalan Afkhami, Humorism, Encyclopædia Iranica, Tập XII, 2004, trang 566-570, http://www.iranicaonline.org/articles/humoralism-1
36. M.G. Da Costa, translated by Donald M. Lockhart, The Itinerário of Jerónimo Lobo, The Hakluyt Society, London, 1984.
37. The Itinerário of Jerónimo Lobo”, dịch ra bởi Donald M. Lockhart, the hakluyt Society, London, 1984.
38. José Nicolau da Fonseca, An Historical and Archeological Sketch of the City of Goa, Bombay: Thackers and Co., Limited, 1878.
39. Alexandre de Rhodes, Voyage et Missions du Père Alexandre de Rhodes, Paris, 1854.
40. Peter C. Phan, Mission and Catechesis, Orbis Books, New York, 1998
41. J. Gerson da Cunha, Materials for the History of Oriental Studies Amongst the Portuguese, Proceeding Volume 4, Part 1878, 1880.
42. Brijbraj Singh, The First Englishman in India: Thomas Stephens (1547-1619), Journal of South Asian Literature,30(1/2), pages 146-161. Retrieved on June 22, 2020 from www.jstor.org/stable/40873582.
43. Ignacio da Costa Quintella, Annaes da Marinha Portugueza, Tomo II, Lisboa, Natipografia da Mesma Academia, 1840.
44. Maria Cristina Trindade Guerreiro Osswald, Jesuit Art in Goa Between 1542 and 1655: From Modo Nostro to Mod Goano, PHD Thesis, 2003.
45. Li Tana, Nguyễn Cochinchina, Cornell University, 1998.
46. Macao and the Jesuits http://ch.catholic.or.kr/pundang/4/cb/macao_and_the_jesuits.pdf
47. Christopher Borri, An Account of Cochin-China, một phần của “A Collection of Voyages and Travels“, Volume II, Third Edition, 1744.
48. El Jesuita Alessandro de Rhodesen Cochinchina y Tonkin (1591- 1660) http://www.icm.gov.mo/rc/viewer/30038/2049 trích ra ngày 2 tháng 7 năm 2020.
49. Ribeiro, Madalena, The Japanese Diaspora in the Seventeenth Century. According to Jesuit Sources Bulletin of Portuguese - Japanese Studies, núm. 3, december, 2001, pp. 53 – 83, Universidade Nova de Lisboa, Portugal.
50. Learning Konkani: https://www.youtube.com/watch?v=D-_hEKv8CFc hay https://www.youtube.com/watch?v=D-_hEKv8CFc&t=94s
51. Andrew Gaudio, A Translation of the Linguae Annamiticae seu Tunchinensis brevis declaratio: The First Grammar of Quốc Ngữ, Journal of Vietnamese Studies, Vol. 14, Issue 3.
52. Otto Zwartjes, Portuguese Missionary Grammars in Asia, Africa and Brazil, 1550–1800, John Benjamins Publishing Company, 2011.
[1] Hãy xem Hình 1. Vào đầu thế kỷ 17, lãnh thổ Đàng Trong bao gồm từ Quảng Bình đến Phú Yên. Nước Đại Việt thời cuối nhà Lê bao gồm hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài ngăn cách bởi sông Gianh. Chúa Nguyễn cai trị Đàng Trong. Trong lúc đó, Chúa Trịnh cai quản Đàng Ngoài -Lãnh thổ Đàng Ngoài đi từ Bố Chính chạy ra Bắc Phần. Tuy Vua nhà Lê vẫn đóng đô ở Kẻ Chợ (Hà Nội), nhưng tất cả quyền hành đều nằm trong tay Chúa Trịnh. Vào năm 1627, nội chiến giữ hai miền bắt đầu bùng nổ và kéo dài hơn 45 năm sau. Ở Đàng Trong, các Chúa Nguyễn khuyến khích giao thương với Macao, Nhật Bản và Trung Quốc với mục đích khuếch trương nền kinh tế và gầy dựng một quân đội vững mạnh. Đồng thời, các Chúa Nguyễn, dựa vào kỹ thuật đúc súng đại bác bằng đồng của người Bồ và kỹ thuật rèn kiếm của người Nhật, xây dựng một lãnh thổ trù phú để chống lại sự xâm lấn của Đàng Ngoài. Thêm vào nữa, các Chúa Nguyễn dùng quân đội hùng mạnh này dần dần tiêu diệt nước Chăm Pà ở phía nam và bành trướng lãnh thổ phía nam thuộc về nước Cao Miên vào thời ấy.
[2] Cha Gaspar d’Amaral nhập Dòng Chúa Giêsu năm 1608. Vào năm 1623, ngài đón tàu sang Goa, Ấn Độ và từ đó, đến Macao. Vào năm 1629, ngài được bổ nhiệm đến Đàng Ngoài. Trong vòng 7 năm, ngài rửa tội cho hơn 40.000 giáo dân. Vào năm 1646, sau một buổi họp quan trọng ở Macao bàn luận về cách thức rửa tội cho các Kitô hữu ở Việt Nam, ngài và một số tu sĩ nhà Dòng trở về Đàng Ngoài. Nhưng buồn thay, con thuyền mà ngài đang đi bị bão đánh chìm gần đảo Hải Nam. Trước khi mất, ngài trao cho Cha Alexandre de Rhodes quyển ngữ vựng Việt-Bồ mà ngài đang soạn thảo hằng ngày. Nhưng rất tiếc, nó đã thất truyền.
[3] Cha Antonio Barbosa nhập Dòng Chúa Giêsu vào năm 1623 và đến Đàng Ngoài vào năm 1636. Mắc bệnh trầm trọng ngài phải trở về Macao vào năm 1642 và mất tại Goa sau đó. Trước khi mất, ngài trao cho Cha Rhodes quyển ngữ vựng Bồ-Việt mà ngài đang soạn thảo. Nhưng rất tiếc, nó đã thất truyền.
[4] Cha Alexandre de Rhodes nhập Dòng Chúa Giêsu vào năm 1612. Vào năm 1618, ngài chính thức trở thành Giáo Sĩ Dòng Chúa Giêsu. Vào năm 1619, ngài đáp tàu từ Lisbon đến Goa, Ấn Độ và cư ngụ nơi đây khoảng ba năm rưỡi. Nơi đây, ngài quen biết với Cha Etienne de la Croix, một giáo sĩ Dòng Chúa Giêsu và cũng là ngôn ngữ gia người Pháp lúc đó đang giữ chức Viện Trưởng đại học Rochol tại Salcete. Được Cha de la Croix khuyến khích, Cha Rhodes ghi danh học tiếng Canarese (Konkani). Sau khi học xong, trong vòng ba tháng, Cha Rhodes có thể nghe lời xưng tội và giảng đạo cho dân địa phương người Ấn Độ. Sinh sống tạm thời ở Goa, ngài đã thăm người nghèo khổ, những tù nhân bị giam và tham gia vào việc tìm kiếm trẻ con mồ côi Ấn Độ với mục đích cải đạo chúng thành tín đồ của Thiên Chúa Giáo (Hãy xem Peter C. Phan, Mission and Catechesis Alexandre de Rhodes Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam, Orbis Books, 1998, trang 43). Vào năm 1622, ngài đón thuyền về Macao, nhưng một năm sau mới cập bến. Vào cuối năm 1624, cùng với 6 tu sĩ khác (Gabriel de Matos, Antonio Fontes, Gaspar Luis, Gerolamo Maiorica, Manoel Gonzales và Michael Maki), ngài đáp thuyền về Đà Nẵng và tham gia đoàn thể Dòng Chúa Giêsu mà Cha Francesco Buzomi hướng dẫn. Trong năm đầu, Cha Rhodes được bổ nhiệm vào học lớp tiếng Việt ở Thanh Chiêm do Cha Francisco de Pina phụ trách. Đến năm 1626, vì Chúa Nguyễn bắt đầu cấm đạo, ngài được gọi trở lại Macao. Vào năm 1627, ngài được bổ nhiệm ra Đàng Ngoài. Trong vòng ba năm, ngài rửa tội cho hơn 5.600 tín đồ tại đây. Vào năm 1630, ngài bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài, ngài trở về Macao và được bổ nhiệm làm Giáo Sư Thần Học. Đồng thời, trong thời gian 10 năm tại Macao, ngài nghiên cứu và tổng hợp các tập vở ngữ vựng do các Cha Gaspar d’ Amaral và Cha Antonio Barbosa viết tay từ trước thành một cuốn tự điển toàn diện lấy tên là “Tự Điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum)” và sáng tác 31 trang ngữ pháp với tựa đề “Giải Thích Ngắn Gọn về Ngôn ngữ An Nam hoặc Bắc Phần (Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio)”. Ngoài ra, Cha Rhodes còn sáng tác quyển Giáo Lý “Phép Giảng Tám Ngày (Cathechismus Pro Ijs, Qui Volunt Suscipere Baptismum)” và nhiều tác phẩm khác.
Vào năm 1640, Cha Rhodes được bổ nhiệm trở lại Đàng Trong với chức vụ là Cha Bề Trên. Sau nhiều năm truyền đạo hợp thức và cuối cùng bị trục xuất khỏi Đàng Trong, ngài rời Đàng Trong vĩnh viễn vào năm 1645. Ngài mất ở Iran vào năm 1660.
[5] Ở Việt Nam, để tránh gọi tên Chúa Giêsu, nhà Dòng Chúa Giêsu còn được gọi tắt là nhà Dòng Tên.
[6] Jason Michael Wilber, "Transcription and Translation of a Yearly Letter from 1619 Found in the Japonica Sinica 71 from the Archivum Romanum Societatis Iesu" (2014). All Theses and Dissertations. 4350. https://scholarsarchive.byu.edu/etd/4350, trang 72-73.
[7] Cha Francesco Buzomi nhập Dòng Chúa Giêsu vào năm 1592. Vào ngày 23 tháng 3 năm 1609, ngài lãnh đạo một phái đoàn gồm 24 tu sĩ đáp tàu từ Lisbon đến Goa, Ấn Độ. Chiếc tàu buôn Nossa Sentra da Piedade cập bến vào tháng 11 năm 1609. Vào năm 1610, ngài đón thuyền về Macao. Tại đây, ngài là giáo sư dạy thần học trong 5 năm trước khi đáp thuyền, cùng với Cha Diogo Carvalho (1578-1624), vào Đàng Trong năm 1615. Vào năm 1618, dưới sự giúp đỡ của Trấn Thủ Quan Trần Đức Hòa, ngài hướng dẫn Cha Francisco de Pina và Cha Chritoforo Borri về cư ngụ tại thành phố Nước Mặn, Qui Nhơn. Ngài trú ngụ nơi đây để giảng đạo cho đến năm 1638 khi ngài trở về Macao và năm sau mất ở đó. Sau hơn 20 năm ở Đàng Trong, Cha Buzomi đã rửa tội cho khoảng 12.000 giáo dân.
[8] Guarda có nghĩa là người bảo vệ.
[9] Antonio de Oliveira Freire, Descripçam Corografica do Reyno de Portugal, Lisbon, Na Officina Bernardo Anton de Oliver, 1755, trang 69. Hiện nay, dân số ở Guarda có hơn 25,300 người (2011).
[10] Chức vụ Secretary đại diện cho vua có rất nhiều quyền hạn. Chính Ruy de Pina đã viết ra hiệp ước Tordesillas ở Guarda ấn định ranh giới phân chia thế giới thành hai khu vực ảnh hưởng Kitô Giáo giữa hai đế quốc Bồ và Tây Ban Nha và đồng thời, xác nhận đồng bá chủ trên thế giới (Hãy xem https://pt.m.wikipedia.org/wiki/Guarda retrieved on 4/28/2020).
[11] https://en.wikipedia.org/wiki/Rui_de_Pina retrieved on 5/02/2020.
[12] Diogo Barbosa Machado, Bibliotheca Lusitana, Tomo II, Lisbon 1759, trang 221.
[13] Sơ Tu còn được gọi là Nhà Tập.
[14] Ibid
[15] Lobo, Rui, “The College of Jesus and College of Arts during Francisco Suárez’s time”, Conimbricenses.org Encyclopedia, Mário Santiago de Carvalho, Simone Guidi (eds.), doi = “10.5281/zenodo.3521057”, URL = http://www.conimbricenses.org/encyclopedia/ retrieved on 5/10/2020.
[16] John W. Padberg, S.J., General Editor, The Constitutions of the Society of Jesus and Their Complementary Norms: A Complete English Translation of the Official Latin Texts, Saint Lous, 1996, Chương IV, Đoạn 60, trang 36.
[17] Ibid, Chương IV, Đoạn 61, trang 36.
[18] John W. O’malley, S.J., How We Were: Life in a Novitiate, 1946-1948, trang 15.
[19] John W. Padberg, S.J., General Editor, The Constitutions of the Society of Jesus and Their Complementary Norms: A Complete English Translation of the Official Latin Texts, Saint Louis, 1996, Chương IV, Đoạn 381, trang 163.
[20]Paul F. Grendler, The Culture of the Jesuit Teacher 1548–1773, Brill journal of jesuit studies 3 (2016) 17-41, trang 23, tác giả đã viết: “After the novitiate, if the young Jesuit was not well-prepared in Latin and Greek, he spent a year or two studying the humanities and/or rhetoric, based on the classics, before going on to philosophical studies.”
[21] John W. Padburg, S.J. General Editor, The Constitution of the Society of Jesus and their Complementary Norms: A Complete English Translation of the Official Texts, Saint Louis, 1996, Chương V, Đoạn 535, trang 207.
[22] Liam Matthew Brockey, The Visitor, The Belknap Press of Harvard University Press, 2014, trang 45-46.
[23] Ernest Truman, Leander, Or, Secrets of the Priesthood, Claxton, Remsen, and Haffelfinger, 1869, trang 37. Vào thời ấy, Spiritual Coadjutors nôm na được gọi là “những người giúp đỡ (helpers)” của các vị giáo sĩ có 4 lời thề nguyện Professed. Vì thế, Spiritual Coadjutors cũng là những giáo sĩ, nhưng chỉ tuyên thệ với ba lời thề (Hãy xem Wiktor Gramatowski, Guide to Understanding the Documents, ARSI, 1992, trang 8).
[24] Rev. Thomas Hughes, Loyola and the Educational System of the Jesuits, 1912, trang 157.
[25] Ernest Truman, Leander, Or, Secrets of the Priesthood, Claxton, Remsen, and Haffelfinger, 1869, trang 37.
[26] Josef Franz Schutte, S.J., Momenta Missionum Societatis IESU, Momenta Historica Japaniae I, 1549-1654, Vol. 134, trang 638.
[27] Ibid, trang 691.
[28] Cùng đi với Cha Francesco Buzomi, Cha Diogo Carvalho dẫn đầu một phái đoàn nhà Dòng Chúa Giêsu đến Đàng Trong vào tháng Giêng năm 1615. Cha Carvalho chỉ ở Hội An giảng đạo cho người Nhật trong vòng một năm, rồi trở về Nhật. Nhưng cuối cùng ngài bị quân Nhật đuổi bắt và tử đạo vào năm 1624.
[29] Cha Francesco Buzomi là Giáo Sư dạy Thần Học. Ngài đáp tàu buôn Piedade cập bến Goa vào tháng 11, năm 1609. Khi ở Goa, có thể ngài và Cha Pina gặp mặt nhau lần đầu tiên trong thời gian này. Chỉ tạm cư ngụ ở Goa trong vài tháng, ngài đáp thuyền về Macao. Ngài được xem như vị Giáo Sĩ đầu tiên chính thức giảng đạo và lập cơ sở Dòng Chúa Giêsu ở Đàng Trong. Sau hơn 20 năm truyền đạo, vào năm 1638, ngài trở về Macao và sang năm, mất ở đó.
[30] Brockey, Liam, Largos caminhos e vastos mares Jesuit Missionaries and the journey to China in the sixteenth and seventeenth centuries, Bulletin of Portuguese - Japanese Studies, núm. 1, december, 2000, pp. 45 – 72, Universidade Nova de Lisboa, Portugal, trang 45. Kể từ năm 1581-1712, thống kê Dòng Chúa Giêsu cho biết có 127 tu sĩ bị thiệt mạng trong số 249 người được bổ nhiệm sang Trung Quốc.
[31] Brockey, Liam Largos caminhos e vastos mares Jesuit Missionaries and the journey to China in the sixteenth and seventeenth centuries Bulletin of Portuguese - Japanese Studies, núm. 1, december, 2000, pp. 45 - 72 Universidade Nova de Lisboa, Portugal, trang 48.
[32] A. Lynn Martin, Jesuits and Their Families -The Experience in Sixteenth Century France, Sixteenth Century Journal, Tập 13, Số 1, doi:10.2307/2539914, trang 3-24. Trước khi rời Lisbon vào năm 1541, Cha Xavier đã không ghé thăm gia đình.
[33] Antonio Franco, Synopsis Annalium in Societatis Jesu in Lusitania, Anno 1540-1725, Tomo IV, danh sách tám người hải hành qua Goa được liệt kê trong Phần Catalogus với tiểu đề “Anno 1608”. Danh Sách của tám tu sĩ này được liệt kê trong Hình 5.
[34] Manoel Borges gia nhập vào Sơ Tu ở Évora năm 1601. Tuy anh chưa học xong lớp Thần Học, anh đã được thụ phong Linh Mục trước năm 1608. Anh đi cùng chuyến tàu với Francisco de Pina vào năm 1608, nhưng hơn một năm sau mới cập bến Goa (1609). Sau khi về Macao, anh tiếp tục học xong lớp Thần Học ở Macao vào năm 1612. (Hãy xem Charles E. O’neill, Diccionario Histórico de la Compania de Jesus, Universidad Pontificia Comillas, MADRID trang 1055)
[35] Manoel Lopes gia nhập vào Sơ Tu của nhà Dòng Chúa Giêsu ở Coimbra vào năm 1604. Ở Goa, Ấn Độ, anh chưa học xong Thần Học và phải chờ đến khi về Macao mới hoàn tất lớp học này (Hãy xem Josef Franz Schutte, S.J., Momenta Missionum Societatis IESU, Momenta Historica Japaniae I, 1549-1654, Vol. 134, trang 1218).
[36] Álvaro Semedo gia nhập vào Sơ Tu của nhà Dòng Chúa Giêsu năm 1602 và trở thành Giáo sĩ ở Goa vào năm 1611 sau khi học xong Thần Học ở đó (Hãy xem Josef Franz Schutte, S.J., Momenta Missionum Societatis IESU, Momenta Historica Japaniae I, 1549-1654, Vol. 134, trang 1293).
[37] Hãy xem Anthony Disney, Jesuits Going East, The Experiences of Fathers Dominique le Jeunehomme, Agostino Tudeschini and Tranquillo Grassetti En Route to the China Mission in the Early Seventeenth Century, http://www.icm.gov.mo/rc/viewer/20021/1053 trích từ ngày 26 tháng 6, 2020).
[38] Ibid. Những đồ dùng cá nhân của Cha Jeunehomme trong hành trình đến Goa vào năm 1629.
[39] Filipe Castro, Nuno Fonseca, Audrey Wells, Outfitting the Peper Wreck, Historical Archaeology, 2010, 44(2):14–34s, 2008, trang 20.
[40] Số lương thực mỗi ngày của các tu sĩ nhân lên cho 8 người.
[41] Filipe Castro, Nuno Fonseca, Audrey Wells, Outfitting the Peper Wreck, Historical Archaeology, 2010, 44(2):14–34s, 2008, trang 21.
[42] Janet P. Boileau, Cultinary History of the Portuguese Eurasians: The Origins of Luso-Asian Cuisine in the Sixteenth and Seventeenth Centuries, PHD Thesis, 2010, trang 107.
[43] Filipe Castro, Nuno Fonseca, Audrey Wells, Outfitting the Peper Wreck, Historical Archaeology, 2010, 44(2):14–34s, 2008, trang 24.
[44]Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 177.
[45] Ibid, trang 184.
[46] https://en.wikipedia.org/wiki/Madre_de_Deus trích vào ngày 29 tháng 5 năm 2020.
[47] Lució de Sousa, The Portuguese Slave Trade in Early Modern Japan: Merchants, Jesuits and Japanese, Chinese, and Korean Slaves, Brill, 2018, trang 277.
[48] 14 con thuyền gồm có: (5) tàu buôn: Nossa Senhora da Vencimento da Monte da Carmo (thuyền chỉ huy bởi Bá Tước Feira), Nossa Senhora da Ajuda, Nossa Senhora da Oliveira, Nossa Senhora da Salvação, Nossa Senhora da Palma; (7) chiến thuyền: São Conceição, São Bartholomeu, Bom Jesus, São João Evangelista, São Antonio, S. Jeronimo and Espirito Sancto (2) thuyền cung cấp: São Macos và David.
[49] Đảo São Helena là nơi Đế Quốc Anh giam cầm của Hoàng Đế Pháp Napoleon vào năm 1815.
[50] Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 178.
[51] Ibid, trang 181 cho biết sau khi Vencimento qua đường xích đạo, Bá Tước Feira ngả bệnh sốt và qua đời 6 ngày sau. Một tài liệu khác (hãy xem Maria Herminia Maldonado, Relação das náos e armadas da India com os successos dellas que se puderam saber, para noticia e instrucção dos curiozos, e amantes da historia de India, East India, 1985, trang 117) cho biết Bá Tước Feira mất trong ngày 15 tháng 5 năm 1608. Vì thế, Vencimento qua đường xích đạo vào ngày 9 tháng 5.
[52] Ibid, trang 187.
[53] Ibid, trang 230.
[54] Ibid, trang 233.
[55] Mùa gió Nồm bắt đầu ớ Ấn Độ bắt đầu thổi vào tháng 5 hàng năm. Pina phải ở Goa học xong lớp triết lý. Thường thường lớp này kéo dài đến 3 năm. Nếu Pina rời Goa vào năm 1611 thì hơi sớm.
[56] Hãy xem R. Po Chia, A Jesuit in the Forbidden City: Matteo Ricci (1552-1610), Oxford, University Press, 2010, trang 29.
[57] Arturo Giraldez, The Age of Trade: The Vanila of Galleons and the Dawn of the Global Economy, Rowman and Littlefield, 2015, trang 134.
[58] Michela Fontana, Matteo Ricci, The Jesuit in the Ming Court, Rowman and Littlefield, 2011, trang 20.
[59] Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 178.
[60] Dựa theo lối kể lại của Cha Bernado Regio trên con đường đến Goa và cuối cùng đáp tàu đến Tonkin vào năm 1631 (Hãy xem Xavier Mariona Martins, Portuguese Shipping and Ship Building in Goa (1510-1780), PHD Thesis, 1994, Chapter 8, trang 86 )
[61] Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 178.
[62] Ibid, trang 186.
[63] Nên nhớ rằng mỗi năm, những con tàu buôn này qua lại Đại Tây Dương và Phi Châu để đến Ấn Độ. Mỗi năm như thế đều xảy ra bệnh dịch, nhưng khi trở về Lisbon, vì chính quyền không biết rằng những con thuyền này chứa đựng đầy vi trùng của những bệnh dịch trong khoang thuyền, họ không bao giờ tẩy sạch và khử trùng chúng cả. Vì thế, trong chuyến tàu năm sau chứa đầy hành khách, khi con thuyền đến vùng nóng, ẩm ướt như New Guinea, bệnh dịch sẽ bắt đầu lan tràn trở lại.
[64] Hiện nay là bờ biển của hai nước Cameroon va Republic of the Congo.
[65] Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 180. Ông Mocquet không viết rõ là trong ngày, họ liệm xác bao nhiêu lần.
[66] David là một trong hai chiếc tàu cung cấp trong hạm đội gồm có 5 chiếc tàu buôn, 7 chiếc chiến thuyền và hai thuyền cung cấp.
[67] Con số người thiệt mạng trong vòng hai tuần khoảng: 4 người/lần x 14 ngày x 2 lần/ngày = 112
[68] Christovão de Noronha là Chỉ Huy Trưởng của các tàu chiến như São Bartholomeu, Bom Jesus, São João Evangelista, São Antonio, S. Jeronimo và Espirito Sancto. Lúc ra đi từ Lisbon, ông chỉ huy chiến thuyền Antonio.
[69] Trong sách tường trình chuyến hải hành này, ông Mocquet không hề nhắc đến địa danh nào dọc theo bờ biển của Brazil, nhất là cồn cát Abrolhos, cách bờ biển của thành phố Caravelas, Brazil khoảng 35 miles. Nếu theo hành trình này, Vencimento phải né tránh nó bằng mọi cách vì dựa theo lịch sử hải hành, đã có nhiều tàu bị mắc cạn nơi đây. Khi kể lại chuyến hải hành của ông, Mocquet chỉ cho biết những địa danh dọc theo bờ biển của Phi Châu mà thôi. Ngoài ra, ông cho biết rằng Vencimento cập bến Mozambique trễ hơn một tháng. Trong sách, ông còn diễn tả cảnh sóng to, gió lớn khi Vencimento đi vòng ngang qua Mũi Hảo Vọng từ bắc xuống nam (Hãy xem Hình 7). Vì thế, tôi nghĩ Vencimento đã theo con Đường Vòng Trong (Rota do Mar).
[70] Khi đã đo được vĩ độ cũng có nghĩa là họ chỉ biết vị trí của con tàu hiện ở nam hay bắc so với đường xích đạo mà thôi.
[71] Nếu biết thêm kinh độ, họ sẽ biết con tàu đang ở phía đông hay tây so sánh với Greenwich, England.
[72] Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 181. Ông Mocquet cho biết Hạm Trưởng Feira sốt nặng và mất sau 6 ngày tàu đến đường Xích Đạo. Một tài liệu khác đã cho biết Bá Tước Feira mất ngày 15 tháng 5 năm 1608 (Hay xem Maria Herminia Maldonado, Relação das náos e armadas da India com os successos dellas que se puderam saber, para noticia e instrucção dos curiozos, e amantes da historia de India, East India, 1985, trang 117). Dựa theo hai tài liệu trên, chúng ta tính ra rằng là tàu buôn Vencimento bắt đầu vượt qua đường xích đạo vào ngày 6 tháng 5 năm 1608.
[73] Có lẽ giống như thời tiết của tiểu bang Florida vào mùa hè.
[74] Nhiệt độ thật sự trong tháng 5, 2020 ở Freetown, một thành phố lớn của Sierra Leon, nhiệt độ cao hàng ngày lên đến 88 độ F, nhưng độ ẩm lên đến 73% (Được trích từ website https://www.weather-atlas.com/en/sierra-leone/freetown-weather-may#temperature trong ngày 2 tháng 6, năm 2020).
[75] Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 187.
[76] Ibid, trang 178.
[77] Ibid, trang 188.
[78] Số hành khách đáp tàu ở Lisbon (900) trừ đi số tử vong đếm trong ngày đến Mozambique (735) =165
[79] 6 tháng x 30 ngày/tháng x 4 tử vong mỗi ngày =720 tử vong.
[80] Albert Gray, The Voyage of François Pyrard de Laval, Vol. II, Part I, trang 272.
[81] Trong trường hợp chiếc tàu Bom Jesus, thủy quân Hòa Lan sau khi cướp được nó vào năm 1608, chỉ bắt bộ chỉ huy, nhưng thả hết các hành khách trên đảo St. George nằm bên cạnh đảo Mozambique.
[82] Josef Franz Schutte, S.J., Momenta Missionum Societatis IESU, Momenta Historica Japaniae I, 1549-1654, Vol. 134, trang 1323.
[83] Hãy xem đoạn phim ngắn https://www.youtube.com/watch?v=wf0-wv2awkY trong phim “Silence” trích từ Mạng ngày 11 thang 8, 2020, diễn tả cảnh tử đạo của những Kitô hữu giống như trường hợp của Cha Borges ở Nhật Bản. Trong phim có chiếu cảnh một vài Kitô hữu bị treo chổng ngược; đầu bị dí chặt dưới hố sâu chứa đầy phân và nước tiểu. Mùi hôi thối và hơi độc cũng đủ cho họ bị ngạt thở và mất sau một thời gian ngắn.
[84] Charles E. O’Neill & Joaquín Domínguez, Dictionario Histórico de la Compañía de Jesus, Institutum Historicum/Univesidad Pontificia, 2001, trang 1055.
[85] Ibid, trang 1218.
[86] Josef Franz Schutte, S.J., Momenta Missionum Societatis IESU, Momenta Historica Japaniae I, 1549-1654, Vol. 134, trang 1293.
[87] Charles E. O’Neille & Joaquín M. Domínguez, Dictionario Histórico de la Compañia de Jesús, Institutum Historicum, Roma/Universidad Pontificia Comillus, 2001, trang 6363.
[88] Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 179-181.
[89] Tương tự như ngũ hành của người Á Đông: kim, mộc, thủy, hỏa và thổ.
[90] Amir Arsalan Afkhami, Humorism, Encyclopædia Iranica, Tập XII, 2004, trang 566-570, http://www.iranicaonline.org/articles/humoralism-1 trích ngày 7 tháng 6 năm 2020.
[91] M.G. Da Costa, translated by Donald M. Lockhart, The Itinerário of Jerónimo Lobo, The Hakluyt Society, London, 1984, trang 4.
[92] Ibid trang 21. Thủy thủ Bồ gọi giống chim này là “manga de veludo” (velvet sleeves).
[93] Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 185.
[94] Ibid
[95] M.G. Da Costa, translated by Donald M. Lockhart, The Itinerário of Jerónimo Lobo, The Hakluyt Society, London, 1984, trang 25.
[96] Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 187.
[97] Đảo Mozambique là một hòn đảo rất nhỏ nằm sát bờ biển tỉnh Nampura, nằm phía đông bắc nước Mozambique. Với chiều dài chỉ khoảng 3 km (gần 2 miles) và chiều rộng chỉ khoảng 500 m (0,3 mile), trong thế kỷ 16 và 17, nó đã giữ một vị trí rất quan trọng về hàng hải đối với đế quốc Bồ. Nơi đây, các thuyền buôn người Bồ thường ghé ngang để mua thêm thức ăn và nước uống trong cuộc hành trình đi Goa, Ấn Độ. Nhìn ngang về phía đông của đảo Mozambique là đảo Madagascar.
[98] Trong năm 1607, Chỉ huy Trưởng người Hòa Lan Paulus van Caerden, trước khi lui quân, đã ra lệnh đốt hết tất cả hạ tầng cơ sở trên đảo. Hãy xem George McCall Theal, History an Ethnogrphy of Africa South of the Zambesi, Vol. I, 1505 to 1795, London 1907, trang 415 & 416.
[99] Ibid, trang 419.
[100] Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 188.
[101] Tên nguyên thủy của chiếc tàu buôn này là Nossa Senhora de Consolação thuộc hạm đội rời Lisbon vào năm 1607. Vì đến Mozambique trễ nên nó phải dừng chân nơi đây và chờ đến mùa gíó Nồm thổi lên mới có thể xuất hành đi Ấn Độ. Rất tiếc, vào ngày 26 tháng 8, 1608, thủy quân Hòa Lan khám phá ra chiếc thuyền đang bỏ neo gần đảo Mozambique nên đến bắn phá. Quân tự vệ Bồ buộc lòng phải đốt cháy và đánh chìm nó.
[102] Jean Mocquet, Voyages en Afrique, Asie, Indes Orientales et Occidentales, Faits Par Jean Mocquet, Paris, 1830, trang 233. Nhưng trong số bốn chiếc tàu đi từ Mozambique, Bartholomeu không hiểu sao đáp bến ở Cochin, cách Goa khoảng 500 miles về hướng nam. Có lẽ nó bị gió cuốn hay trôi dạt theo dòng nước ngầm (Xem Ignacio da Costa Quintella, Annaes da Marinha Portugueza, Tomo II, Lisboa, Na Typografla da Mosma, Academia, 1840, trang 146.)
[103] Những cảnh tượng đón tiếp nồng nhiệt của thổ dân Ấn Độ và sinh viên trường St. Paul đối với hạm đội mới cặp bến được trích ra từ sách “The Itinerário of Jerónimo Lobo”, dịch ra bởi Donald M. Lockhart, the hakluyt Society, London, 1984, trang 44. Tôi tin rằng khi đáp xuống bến tàu tại Goa vào tháng 5 năm 1609, các tu sĩ Dòng Chúa Giêsu cũng được dân chúng đón tiếp nồng hậu như thế.
[104] José Nicolau da Fonseca, An Historical and Archeological Sketch of the City of Goa, Bombay: Thackers and Co., Limited, 1878, trang 263.
[105] Pegu không còn là một quốc gia nữa. Hiện giờ, bị sát nhập vào nước Miến Điện.
[106] Bài Tường Trình Hàng Năm ngày 16 tháng 12 năm 1596, từ Cha Francisco Cabral, Giám Tỉnh của Goa, trích từ Josepth Wicki, Romanta Historica Societatis Iesu, Vol. 133, Documenta Indica 18 (1595-1597), Rome, 1988, trang 651.
[107] Nếu quan sát kỹ hình vẽ của trường St Paul cũ trong Hình 7 sẽ nhìn thấy vòm cầu này.
[108] José Nicolau da Fonseca, An Historical and Archeological Sketch of the City of Goa, Bombay: Thackers and Co., Limited, 1878, trang 263-264. Bệnh dịch này lan tràn cho đến năm 1596 vẫn chưa chấm dứt. Trong bài tường trình hàng năm ấy của Cha Francisco Cabral, Giám Tỉnh của Goa cho thấy có thêm 3 tu sĩ mắc bệnh mà mất.
[109] Vào năm 1620, khi đến Salcete, chính Cha Alexandre de Rhodes cũng dừng chân ở thành phố Rachol và học một lớp Canarese (Konkani). Lúc ấy, ngài mới gặp và làm bạn với Cha Étienne de la Croix (Hãy xem Peter C. Phan, Mission and Catechesis, Orbis Books, New York, 1998, trang 42). Cả hai đều là hai Giáo Sĩ người Pháp duy nhất ở Goa. Khi Cha Croix mất năm 1643, Cha Rhodes đã viết một bài phúng điếu cho ông ấy.
[110] J. Gerson da Cunha, Materials for the History of Oriental Studies Amongst the Portuguese, Proceeding Volume 4, Part 1878, 1880, trang 187.
[111] Cha Thomas Stephens là một người Anh theo Dòng Chúa Giêsu. Ngài đến Goa năm 1579 và mất ở đó năm 1619. Trong nhiều năm, ngài giữ chức Viện Trưởng của trường đại học Rachol, thành phố Rachol thuộc tỉnh Salcete. Ngài được xem là Cha Đẻ của La Tinh hóa tiếng Konkani ở Goa. Trong lúc tìm hiểu nhiều ngôn ngữ Ấn Độ ở Goa, ngài là người đầu tiên nhận xét rằng ngôn ngữ Ấn Độ có nhiều tương đồng với tiếng Hy Lạp và La Tinh (Hãy xem Brijbraj Singh, The First Englishman in India: Thomas Stephens (1547-1619), Journal of South Asian Literature,30(1/2), pages 146-161. Retrieved on June 22, 2020 from www.jstor.org/stable/40873582).
[112] Cha Étienne de la Croix là một tu sĩ người Pháp. Ngài gia nhập Dòng Chúa Giêsu năm 1599 và đến Goa năm 1602. Ngài từng dạy triết học và thần học ở đại học Rochol, Salsete. Ngài cũng từng giữ chức vụ Viện Trưởng sau khi Cha Stephens về hưu. Ngài quen biết Cha Alexandre de Rhodes khi Cha Rhodes đáp tàu xuống Goa năm 1620. Chính ngài là người giúp đỡ nhà thám hiểm Pyrard rất nhiều khi ông bị nhốt tù ở Goa. Ngài mất năm 1643 ở Goa.
[113] Vào thời ấy, theo luật Bồ Đào Nha được chấp hành vào năm 1559, một đứa trẻ Ấn Độ mà mất cha thôi cũng được xem như là mồ côi và phải bị đổi đạo ra đạo Kitô. Sau đó, nó sẽ được dạy dỗ bởi một tu sĩ từ trường đại học St. Paul hay Reig Margos. Vào năm 1619, khi Cha Aexandre de Rhodes dừng chân tại Goa, ngài cũng kể chuyện đi tìm kiếm trẻ con mồ côi trong sách của ông (Hãy xem Peter C. Phan, Mission and Catechesis, Orbis Books, New York, 1998, trang 43).
[114] Ngày lễ Cải Đạo ở Goa lúc nào cũng xảy ra vào ngày 25 tháng Giêng mỗi năm.
[115] Albert Gray, The Voyage of François Pyrard de Laval, Vol. II, Part I, trang 60.
[116] Alexandre de Rhodes, Voyage et Missions du Père Alexandre de Rhodes, Paris, 1854, trang 29.
[117] Ignacio da Costa Quintella, Annaes da Marinha Portugueza, Tomo II, Lisboa, Natipografia da Mesma Aademia, 1840, trang 147.
[118] Maria Cristina Trindade Guerreiro Osswald, Jesuit Art in Goa Between 1542 and 1655: From Modo Nostro to Mod Goano, PHD Thesis, 2003, trang 286. Hàng năm, ngày tựu trường ở trường đại học St. Paul lúc nào cũng bắt đầu vào ngày lễ thánh Ursula và lễ “Mười Một Ngàn Người Trinh Tiết” (Eleven Thousand Virgins), đó là ngày 21 tháng 10.
[119] Nhưng hiện tại có nhiều tài liệu cho rằng Pina và nhóm bạn rời Goa vào năm 1611. Nếu như thế, họ vẫn chưa học hết chương trình của lớp triết học. Vì thế, hiện giờ tôi vẫn chưa rõ cho lắm khi nào Cha Pina rời Goa về Macao, trong mùa hè năm 1611 hay năm 1612.
[120] Trong thế kỷ 17, từ “Cochinchina” được các nước tây phương dùng để gọi “Đàng Trong”. Vào năm 1515, ông Tome Pires (1465-1540) bắt đầu dùng từ ngữ này trong sách ông sáng tác bao gồm hai từ “Cauchy” và “Chyna”. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng “Cauchy” là lối phiên âm trại đi của hai âm tiết “Giao” và “Chỉ” trong cái tên “Giao Chỉ” từ các thủy thủ người Mã Lai vào thời ấy. Theo thời gian, “Cauchy” trở thành “Cochin”. Nhưng rất tiếc, trong thế kỷ 16, người Bồ đã dùng từ Cochin để đặt tên cho thành phố Cochin ở Ấn Độ. Vì thế, họ phải đệm thêm từ “Chyna” hay “China” vào với “Cochin” để phân biệt Cochin và Đàng Trong (Hãy xem Li Tana, Nguyễn Cochinchina, Cornell University, 1998, trang 13-14).
[121] Josef Franz Schutte, S.J., Momenta Missionum Societatis IESU, Momenta Historica Japaniae I, 1549-1654, Vol. 134, trang 638.
[122] Cha Christoforo Borri cập bến Macao vào cuối năm 1615. Trong hai năm 1616-1618, trước khi vào Đàng Trong, Cha Borri là Giáo Sư dạy toán học tại trường đại học St. Paul ở Macao (Hãy xem Yves Camus, Macao and the Jesuits: A Reading through the Prism of History, Macao Ricci Institute, trích ra từ http://ch.catholic.or.kr/pundang/4/cb/macao_and_the_jesuits.pdf vào ngày 13 tháng 7 năm 2020). Lúc ấy, Pina cũng đang học thần học vào năm thứ tư tại đây. Trong sách Cha Borri truyền lại, ngài cũng nhắc đến Pina một cách đằm thắm, khi hai người gặp lại nhau ở Hội An vào năm 1618 “we had been companions, and great friends, in the college of Macao.” (Hãy xem Christopher Borri, An Account of Cochin-China, một phần của “A Collection of Voyages and Travels“, Volume II, Third Edition, 1744. Trong trang 723).
[123] Sixto and Dourado là hai giáo sĩ người Nhật, học cùng lớp thần học và xuất gia cùng với Cha Pina năm 1616 tại Malacca. Hãy xem Jauan Ruiz-De-Medina, El Jesuita Alessandro De Rhodesen Cochinchina Y Tonkin (1591-1660), http://www.icm.gov.mo/rc/viewer/30038/2049 trích ra ngày 2 tháng 7 năm 2020.
[124] Ibid, Cha Antonio de Sousa là người Covilha, gần Guarda. Ngài và Cha Pina học chung hai lớp triết lý và thần học ở Goa và Macao. Vào năm 1633, Cha Sousa được gửi đến Nhật và tử đạo ở đó.
[125] Ribeiro, Madalena, The Japanese Diaspora in the Seventeenth Century. According to Jesuit Sources Bulletin of Portuguese - Japanese Studies, núm. 3, december, 2001, pp. 53 – 83, Universidade Nova de Lisboa, Lisboa, Portugal, trang 71.
[126] Hãy xem video sau đây https://www.youtube.com/watch?v=D-_hEKv8CFc hay https://www.youtube.com/watch?v=D-_hEKv8CFc&t=94s để so sánh cách phát âm của tiếng Konkani và tiếng Việt của chúng ta.
[127] Dựa vào những thành quả của Cha Alexandre de Rhodes đã viết trong quyển ngữ pháp tiếng Việt Brevis Declaratio-Cha Rhodes là một trong hai học trò chính thức của Cha Pina trước khi ngài mất, tôi cho rằng chính ngài cũng áp dụng phương pháp phát âm của Konkani vào tiếng Việt, thí dụ như trong hai từ “cách” và “mạnh” và cách phát âm của chúng trong tiếng Việt (Hãy xem Andrew Gaudio, A Translation of the Linguae Annamiticae seu Tunchinensis brevis declaratio: The First Grammar of Quốc Ngữ, Journal of Vietnamese Studies, Vol. 14, Issue 3, pps.79-114, trong trang 86). Cha Rhodes giải nghĩa về hai từ này và nhấn mạnh rằng hai từ “cách”và “mạnh” có thể phát âm giống như /kæcʰ-cʰǝ/ và /mænh-hǝ/ nhưng bỏ đi âm /cʰǝ và /hǝ/ đàng sau đi, thành ra /kæ cʰ/ và /mænh/ . Trong pháp ngữ Konkani, việc ghép âm /ǝ/ vào vần cuối của một phụ âm đứng cuối là cách phát âm thuần túy của Konkani mà Cha Rhodes học được ở Salcete, Goa. Tương tự như vậy, cũng trong Brevis Declaratio, trang 105, Cha Rhodes công bố rằng không có động từ phủ định (negative verbs) trong tiếng Việt. Thật ra các tiếng như Bồ, Pháp hay Ý và kể cả tiếng Việt đều không dùng “negative verbs”. Không hiểu sao lúc viết văn phạm tiếng Việt, ngài lại nghĩ và nhắc đến động từ phủ định trong tiếng Konkani để so sánh với ngữ pháp của tiếng Việt. Vì thế, chúng ta có thể khẳng định rằng khi ông viết quyển văn phạm Brevis Declaratio, ông đã liên quan hai thứ tiếng nói này với nhau. Hiện nay, tôi đặt giả thuyết rằng chính Cha Pina đã tìm thấy sự liên quan này trước và sau đó truyền lại cho Cha Rhodes. Trong sách với tựa đề “Portuguese Missionary Grammars in Asia, Africa and Brazil, 1550–1800”, trang 294, Otto Zwartjes cũng nhận thấy rằng Cha Rhodes đã học một văn phạm ngoại quốc như Nhật Bản hay Ấn Độ, so sánh với văn phạm Việt và nhắc nhở rằng tiếng Việt không dùng động từ phủ định.
bài liên quan mới nhất
- Sứ vụ của Sơ Luke Boiarsk: xây dựng cộng đồng, biến đổi cuộc sống tha nhân
-
Sơ Pia và sứ vụ mang lại ánh sáng cho trẻ em khiếm thị ở Rwanda -
Nữ tu Công giáo Nigeria được trao giải thưởng Opus trị giá 1,2 triệu đô la -
Bà Nancy và ông Patrick, triệu phú Canada bỏ tất cả để trở thành thừa sai tại đền thánh Mễ Du -
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm -
Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu -
Chứng tá truyền giáo của cha Ignazio Lastrico ở Brazil: Điều quan trọng là luôn hiện diện và ở mọi nơi -
Những nữ thừa sai ở bang Meghalaya, Ấn Độ -
Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, vị giám mục phá tan băng giá -
Khi đức tin là sự lan toả nhen lại tâm hồn chán nản
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)
-
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong thánh -
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức cha Pierre Lambert De La Motte người môn đệ yêu mến “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Cỗ tràng hạt quý chôn theo Công nương Diana -
Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại -
400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam