Cùng một đội, chung một nhà

Cùng một đội, chung một nhà

WGPSG -- Trên sân cỏ, ai là người có quyền la mắng các cầu thủ nhiều nhất? 

Xin thưa, đó chính là thủ môn! Lạ nhỉ! Nhưng thực tế là vậy, thủ môn có quyền và thường hành quyền đó qua việc phàn nàn, trách cứ các đồng đội của mình khi họ lơi lỏng để cho đối phương gây sức ép lên khung thành đội nhà! (Lạ hơn là khi bị trách cứ, các đồng đội của anh chàng thủ môn thường không phản ứng cáu gắt lại!) 

Lạ hơn nữa, sau những lần la lối, trách cứ lẫn nhau, các cầu thủ cùng một đội không vì thế mà loại trừ nhau, tẩy chay nhau, ngược lại cả đội bóng lại tiếp tục gắn bó với nhau thi đấu quyết liệt và hăng hái hơn! Họ vẫn không ngừng chuyền bóng cho nhau, tiếp tục phối hợp với nhau để tạo nên những pha bóng hay, hấp dẫn, đẹp mắt và hiệu quả, mong “đốt cháy” lưới đối phương. Bởi lẽ, họ cùng một đội! Họ cùng một mục tiêu: chiến thắng! 

Bất đồng ý kiến hoặc quan điểm là điều không thể tránh khỏi trong những mối tương quan người với người. Sự bất đồng không đáng chúng ta quan tâm nhiều cho bằng điều diễn ra sau sự bất đồng đó: xem nhau như xa lạ, hay gắn bó keo sơn hơn để cùng đạt đến đích chung? 

Nhìn vào Thánh Phêrô và Thánh Phaolô chúng ta thấy có rất nhiều điểm khác biệt (về xuất thân, về học vấn, về chuyên môn, về môi trường hoạt động…). Đặc biệt là những dị biệt về quan điểm cũng như ứng xử làm nảy sinh bất đồng: đã có lần Thánh Phaolô đã lớn tiếng trách Thánh Phêrô là giả hình, chỉ vì lần đó Phêrô đang ngồi đồng bàn với những Kitô hữu gốc dân ngoại (những người chưa cắt bì), thì có những Kitô hữu gốc Do Thái tiến đến, Phêrô vội vã lui về sau nhà, lánh mặt! Phaolô không đồng tình với cách hành xử đó! 

Có bất đồng, nhưng không có chia rẽ, không phân biệt đối xử, không “mạnh ai nấy đi, việc ai nấy làm” hay “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”, Phêrô và Phaolô vẫn đồng hành trong lý tưởng xây dựng Nước Trời và loan báo Tin Mừng của Thầy Giêsu. 

Bởi đâu? Chính vì họ có cùng chung “huyết thống”, họ thuộc cùng một gia tộc, chung một gia đình. Họ đều nhận thức rằng: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”. Một khi dòng Bửu Huyết của Thầy Giêsu tuôn chảy trong cơ thể họ, nuôi dưỡng tất cả họ bằng một sức sống Thần Linh duy nhất, thì họ trở nên anh chị em một nhà, một gia đình! 

Họ có cùng chung một mục đích, một lý tưởng để tiến tới, nên cho dù công việc của họ có khác biệt nhau, hoặc đôi khi xảy ra một số bất đồng thì họ vẫn gắn kết với nhau để Gia đình được bình an, bền vững, hạnh phúc! 

Phêrô là nội tướng của gia đình: ông lo xây đắp nền móng kiên cố; Phaolô là tướng ngoài biên ải: lo mở mang bờ cõi! Họ bổ túc cho nhau, cùng nhau tiến tới một đích chung: “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời!” (Kinh Lạy Cha) 

Mùa bóng Euro 2012, với bao trận cầu kinh điển cũng biết bao bàn thắng đẹp, sắp kết thúc! Những vẻ đẹp đó có được là do các cầu thủ trong một đội bóng biết và sống như đồng đội! 

Những Kitô hữu càng hân hoan hơn khi là và sống như anh chị em của nhau trong đại Gia đình Giáo hội, nhất định họ luôn mong muốn và chung tay góp sức làm cho Gia đình ngày thêm vững mạnh và tiến tới không ngừng để đến được nơi mà Thầy Giêsu đã nói: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em!”

Top