Cử hành đức tin
Cách nói “Cử hành đức tin” có vẻ như ít được sử dụng đối với các tín hữu Việt Nam, bởi lẽ khi nói đến “cử hành” là chúng ta nghĩ ngay đến những nghi thức thờ phượng được hướng dẫn bằng những quy tắc “chữ đỏ”. Trong thực tế, tuyên xưng đức tin và cử hành đức tin là hai khía cạnh không thể tách rời để người tín hữu có thể sống đức tin một cách trọn vẹn. “Lex orandi, lex credendi”, luật cầu nguyện cũng là luật tin, người ta cầu nguyện như thế nào thì người ta tin như vậy. Nói cách khác, chính trong khi cầu nguyện mà người ta thể hiện đức tin của mình. Như vậy, cử hành đức tin chính là tuyên xưng đức tin trong và qua các nghi thức phụng vụ. Danh từ “phụng vụ” bao gồm tất cả các nghi thức nhằm tôn vinh cảm tạ Chúa và cầu xin Ngài ban những ơn lành. Nghi thức phụng vụ mang ý nghĩa đặc biệt nhất là Hy tế Thánh Thể và Phụng vụ các Giờ kinh.
– Một phụng vụ đặt nền tảng trên đức tin
Nhờ bí tích Thanh tẩy, người tín hữu được sáp nhập vào dân tư tế của Chúa. Khi hiện diện trong các nghi thức phụng vụ, họ không chỉ là những người tham dự một cách thụ động, nhưng họ đều là những người cử hành phụng vụ (célébrant), dưới quyền chủ tọa (président) của một tư tế thừa tác, tức là giám mục hay linh mục. Tham dự nghi thức phụng vụ là một hành vi tuyên xưng đức tin. “Việc tham dự của giáo dân vào việc cử hành Thánh Thể và những nghi lễ khác của Giáo hội không thể chỉ là một sự hiện diện đơn thuần hay thụ động, nhưng nó phải được coi là một sự luyện tập thật sự của đức tin và của phẩm cách của phép Rửa” (Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 37).
Chính vì được đức tin thúc đẩy mà người tín hữu đến nhà thờ tham dự phụng vụ. Họ đến với Chúa vì họ cảm thấy có nhu cầu gặp gỡ Chúa, để tâm sự và lắng nghe Lời của Ngài. Một người năng đến nhà thờ cầu nguyện, cho thấy đó là một người có đức tin vững vàng. Người tín hữu đi lễ không giống như đi xem hát hay đi hội họp, vì thế mà cần cẩn thận trong y phục, xứng đáng trong tư thế, nhất là cần chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Lời Chúa. Một khi phụng vụ được đặt nền tảng trên đức tin, việc tham dự của chúng ta sẽ trở nên tích cực, và các nghi thức phụng vụ sẽ biến đổi con người chúng ta.
Đức tin nói với chúng ta rằng, Đức Giêsu hiện diện và quy tụ các tín hữu trong nghi thức phụng vụ, nhất là phụng vụ Thánh Thể, như Người đã hứa: “Ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thày, thì có Thày ở đó, giữa họ” (Mt 18,20). Trong cuộc gặp gỡ thiêng liêng này, chúng ta được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, nhờ đó, chúng ta có thể sống tình hiệp thông với Chúa và với nhau. Chính trong phụng vụ mà Đức tin được tuyên xưng và diễn tả một cách rất sinh động và mang lại nhiều hiệu quả nơi các tín hữu. Trong các thánh lễ Chúa nhật và lễ trọng, kinh Tin Kính được long trọng tuyên xưng, nhằm khẳng định sự đón nhận các chân lý mạc khải của Chúa, đồng thời diễn tả lý tưởng của người tín hữu, tôn nhận Chúa là đích điểm của cuộc đời.
Được xây nền trên đức tin, phụng vụ phải được cử hành trong sự tuân phục kỷ luật của Giáo hội. “Mầu nhiệm Thánh Thể quá cao trọng đến nỗi không ai được cảm thấy tự do hành động cách tùy tiện và xem nhẹ tính thiêng thánh và chiều kích phổ quả quát của nó” (Sđd, số 11). Những “sáng kiến” tùy tiện sẽ làm tổn thương sự duy nhất của phụng vụ và tình hiệp thông của Giáo hội. Gần đây, xuất hiện đây đó một số bài hát được đưa vào phụng vụ, với những nội dung trống rỗng về giáo lý, chỉ thiên về tình cảm và pha trộn với nhạc đời. Những bài hát này có thể nghe vui tai, nhưng không giúp cộng đoàn cầu nguyện, thậm chí còn biến lễ nghi phụng vụ thành một thứ hội diễn lạc đề. Những thử nghiệm trong phụng vụ phải được thực hiện với sự thận trọng và có sự đồng ý của người có trách nhiệm.
– Một phụng vụ diễn tả vẻ đẹp của đức tin
Vẻ đẹp của phụng vụ không hệ tại ở trang phục, mà ở cách cử hành phụng vụ. Một phụng vụ cử hành cách tùy tiện, rời rạc lộn xộn sẽ tạo một cảm giác chán nản nơi người tham dự, nhất là không giúp họ đạt tới tâm tình cầu nguyện. Thánh lễ được cử hành phải đem lại một không gian vui tươi, vì đây là cuộc gặp gỡ của các con cái trong gia đình Thiên Chúa, cũng là gia đình Giáo hội. Cách trang trí thánh đường, những bài thánh ca, những lời cầu nguyện, nhất là bài chia sẻ Lời Chúa, nếu được chuẩn bị chu đáo và kết hợp hài hòa, sẽ làm nên một vẻ đẹp linh thiêng của phụng vụ. Vẻ đẹp của phụng vụ cũng chính là một lời tuyên xưng đức tin, đồng thời diễn tả vẻ đẹp của Giáo hội, bởi lẽ Giáo hội là Dân Thiên Chúa, một dân lữ hành đang tiến về Giêrusalem trên trời để tham dự phụng vụ thiên quốc. Khi tuyên xưng bài ca “Thánh, Thánh, Thánh…” trong phụng vụ, chúng ta hợp lời với cả triều thần thiên quốc tôn vinh và ca ngợi Chúa, trong mầu nhiệm “các thánh cùng thông công”. Qua những nghi thức sinh động và sốt sắng, Dân Thiên Chúa được nếm trước hạnh phúc của phụng vụ trên trời ngay trong cuộc sống hiện tại. Đó cũng là niềm hy vọng của đời sống Kitô hữu, được diễn tả trong phụng vụ mà chúng ta tham dự hằng ngày.
– Một phụng vụ tạo hướng đi cho đức ái
Trong cử hành phụng vụ, chúng ta diễn tả một hình ảnh rất đẹp về Giáo hội. Nơi đây mọi người đều bình đẳng, không có sự phân biệt đẳng cấp hay giàu nghèo. Truyền thống Giáo hội khuyên chúng ta nên cử hành thánh lễ vào lúc sáng sớm, khi một ngày mới vừa khởi đầu. Người tín hữu tham dự thánh lễ được đón nhận ơn Chúa, như nghị lực cần thiết cho một ngày sống của họ. Như thế, ơn Chúa như một dòng chảy từ bàn thờ đến với mỗi gia đình, mỗi nẻo đường trần gian, làm cho cuộc sống thêm nhân ái và tốt đẹp hơn. Người tín hữu khởi đầu một ngày mới bằng Hy tế tạ ơn của Đức Giêsu, để những thời khắc khác trong ngày, họ dâng lên Chúa cuộc đời mình, với bao mồ hôi lao nhọc và những thử thách gian truân của cuộc sống, biến đổi cuộc đời mình thành của lễ kết hợp với hy tế của Đức Giêsu. Chính nhờ khơi nguồn từ hy tế thập giá mà người tín hữu được mời gọi sống tâm tình yêu thương của Đức Giêsu đối với anh chị em mình.
Trong Cựu Ước, nhiều lần Thiên Chúa lên án những hình thức phụng vụ thuần túy bề ngoài, không còn diễn tả đức tin và lòng yêu mến, thậm chí còm dùng các nghi lễ như một tấm bình phong che cho tội ác. Hãy nghe ngôn sứ Isaia hạch tội những người giả hình:
“Thôi, đừng đem những lễ vật vô ich đến nữa
Ta ghê tởm khói hương;
Ta không chịu nổi ngày đầu tháng
Ngày sa-bát, ngày đại hội
Không chịu nổi những người cứ phạm tội ác, rồi lại cứ lễ lạt linh đình…
Khi các ngươi giang tay cầu nguyện,
Ta bịt mắt không nhìn;
Các ngươi có đọc kinh cho nhiều,
Ta cũng chẳng thèm nghe,
Vì tay các ngươi đầy những máu… (Is 1,13-15).
Đức Giêsu cũng đã gay gắt phê phán lòng đạo đức giả của một số người biệt phái và luật sĩ. Người đã xua đuổi người buôn bán, lật đổ bàn ghế của những người đổi tiền trong Đền thờ Giêsusalem, vì nơi thánh đã bị biến thành nơi buôn bán trục lợi (x Ga 2,13,17). Người cũng đã nhắc lại lời ngôn sứ Isaia: “Dân này kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mt 15,8-9).
“Cử hành đức tin” một cách có ý nghĩa, đó là một trong những thực hành cụ thể được Hội đồng Giám mục Việt Nam đề nghị trong năm Đức tin này. Canh tân phụng vụ, đó cũng là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Năm Đức tin sẽ là một cơ hội thuận lợi để tăng cường việc cử hành đức tin trong phụng vụ, nhất là trong phép Thánh Thể, vốn là chóp đỉnh mà hoạt động của Giáo hội hướng tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào sức mạnh của Giáo hội” (Tự sắc Porta Fidei, số 9).
Xin Chúa cho mỗi chúng ta tìm thấy niềm vui khi đến với các cử hành phụng vụ, để nhờ đó, đức tin của chúng ta thêm trưởng thành và vững vàng hơn. Amen.
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ
-
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa -
Cử hành Thánh Thể: Bài 44 - Mời gọi rước lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 43 - Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa -
Bài giảng Đức Thánh Cha - Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời -
Thờ phượng Cha trong Thần khí và sự thật -
Thờ phượng Cha trong Thần Khí và Sự Thật -
Tại sao rung chuông khi cử hành Thánh Thể?
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024