Còn lắm điều hay!

Còn lắm điều hay!

Anapanasati, quán niệm hơi thở, hay “An-ban thủ ý”, còn được gọi là “nhập tức xuất tức niệm” là một kỹ thuật thiền tập căn bản có bí quyết ở chỗ theo dõi luồng hơi thở vào và hơi thở ra.

Trong bài về tập thở bụng có hai câu: “Tập trung theo dõi/Luồng ra luồng vào” chính là nói đến điểm này.

Chỉ cần thế thôi mà thực hiện cho đúng (không dễ chút nào!) cũng đủ làm cho ta vui, khỏe, hay nói cách khác là “thân tâm thường an lạc” như cách người ta hay chúc nhau bây giờ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao chọn hơi thở để quán sát? Chọn hơi thở để quan sát thì có gì là hay?

Có đó.

Trước hết, hơi thở nó nằm chình ình ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình nên rất dễ quan sát!

Lúc nào ta cũng phải thở, ở đâu ta cũng phải thở nên có thể quan sát liên tục.

Quan sát hơi thở còn có cái lợi nữa là không ai trông thấy, chỉ riêng ta biết với ta thôi. Hơi thở rất nhạy với cảm xúc.

Trước một cảnh đẹp, ta “nín thở”.
Lúc lo âu, ta hổn hển.
Lúc sảng khoái, ta lâng lâng.
Lúc sợ hãi, ta cà giựt.
Muôn hình vạn trạng.

Nhờ đó mà ta biết được cái Tâm ta.

Thở lại gắn liền với hoạt động cơ bắp, khi mệt, ta mệt “bở hơi tai”, mệt đứt hơi, mệt hết hơi!

Do vậy mà ta quan sát được cái thân ta. Nói khác đi, hơi thở chính là một sợi dây nối kết giữa ThânTâm.

Muốn kiểm soát Thân Tâm thì phải dùng đến “sợi dây” này vậy.

Hiện tượng hô hấp thực ra không xảy ra ở phổi mà ở trong từng tế bào.

Ở các sinh vật đơn bào, trao đổi khí trực tiếp qua màng tế bào, một cách đơn giản.

Con người phải thở qua phổi nhưng vẫn trao đổi khí trực tiếp ở từng tế bào nhờ hệ thống mao mạch.

Hô hấp diễn ra trong từng tế bào, tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động và tồn tại. Trong đó hoạt động cơ bắp đã chiếm hết gần một nửa.

Riêng não bộ, với trọng lượng rất nhỏ, chỉ khoảng 2% thể trọng nhưng đã tiêu dùng đến 30% khối lượng Oxy đưa vào cơ thể.

Giận dữ, lo âu, sợ hãi tiêu tốn rất nhiều năng lượng, nên ta dễ cảm thấy kiệt sức, rã rời là vậy!

Ngủ là cách giảm tiêu hao năng lượng, nhưng vẫn còn co cơ, vẫn còn chiêm bao.

Một đêm ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc.

Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, còn hơn cả giấc ngủ.

Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy nhẹ nhàng sảng khoái.

Phổi như một cái máy bơm, “phình xẹp” để đưa khí vào ra là nhờ có áp suất thay đổi.

Khi áp suất âm trong phổi thì khí bên ngoài tự động lùa vào, tuôn vào, lấp đầy phổi và các phế nang, cho đến một lúc lượng khí bên trong đầy dần lên thì chuyển sang áp suất dương, phổi sẽ đẩy khí ra. Lúc áp suất cân bằng nhau, hay nói cách khác, áp suất bằng không (0) thì khí bên trong cơ thể và bên ngoài vũ trụ chan hòa thành một.

Ở đây ta chỉ đề cập góc độ sinh lý học, bởi còn nhiều điều không sao nói hết trong lãnh vực tuệ giác, tâm linh.

Thả lỏng toàn thân, làm cho toàn thân không còn căng cứng nữa và hoạt động vỏ não cũng đã trở nên tĩnh lặng rồi, thì tiêu hao năng lượng giảm đi một cách đáng kể, do đó không đòi hỏi nhiều dưỡng chất cung cấp bởi thức ăn.

Ăn ít đi mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ khổ.

Tóm lại, “còn lắm điều hay” là vậy!

Top