Cổ tích giữa đời thường
Giữa một xã hội cạn tình người, vẫn có những tấm lòng trẻ thơ đáng quí
Mậu sinh ra đã phải chịu thiệt thòi với đôi chân bại liệt, phải đi lại bằng… hai tay. Nhưng Mậu may mắn gặp được người bạn như Chôm –cậu bé có khuôn mặt sáng láng, thông minh, suốt 5 năm qua cần mẫn cõng Mậu tới trường.
Chúng tôi tìm về bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An vào một ngày tháng tám. Trong căn nhà nhỏ bên dòng Nậm Nơn, cậu bé Lô Lương Chôm (SN 1998) say sưa chuẩn bị sách vở cho năm học mới. Dù đang trong kỳ nghỉ hè, nhưng ngày nào Lô Lương Chôm cũng sang nhà người bạn thiệt thòi Lương Văn Mậu chơi, giúp đỡ Mậu mỗi khi có việc phải đi ra ngoài. 5 năm qua, hình ảnh đôi bạn gắn bó với nhau trên mỗi ngả đường đã quá quen thuộc với người dân nơi đây.
Lương Văn Mậu sinh ra vốn không được may mắn như những đứa trẻ khác. Đôi chân em bị bại liệt từ bé. Em lại mồ côi bố mẹ từ bé, nên sống với ông bà ngoại. Bằng nghị lực và sự khổ công, Mậu đã luyện được cách di chuyển bằng tay, nhưng việc đi lại cũng gặp không ít phiền toái và đau đớn. Nhìn các bạn cùng tuổi hàng ngày cắp sách tới trường, Mậu cũng nằng nặc đòi ông bà cho đi học. Thương cháu, ông bà cũng cố gắng cho Mậu đến trường, nhưng ông bà già yếu, không thể đưa Mậu đi. Và Chôm đã gánh lấy “trách nhiệm” đó.
Tình bạn thắm thiết
Hoàn cảnh của Chôm cũng rất đáng thương. Bố Chôm bỏ mẹ con Chôm đi từ lúc Chôm còn bé tí. Mẹ Chôm lại đau yếu suốt. Cuộc sống của 2 mẹ con chỉ biết trông chờ vào quán hàng tạp hóa nhỏ xíu nơi bản cao heo hút này. Sau này, hai mẹ con chuyển về sống nhờ trong căn nhà nhỏ của ông bà nội. Đường đến trường của Chôm phải đi qua nhà Mậu.
Mỗi lần thấy Mậu chống hai tay khó nhọc bước đi, đôi chân teo tóp chổng ngược lên trời, chiếc cặp sách mang sau lưng bị dồn xuống cổ, Chôm lại chạy đến đề nghị được cõng bạn đến trường. Chôm quàng hai chiếc cặp ra trước ngực, ngồi xuống cho Mậu bám vào vai rồi cả hai đến trường. Cứ thế, ngày nắng cũng như ngày mưa, Chôm cần mẫn đón và đưa Mậu đi học.
Con đường đến trường của đôi bạn này phải vượt qua không ít khó khăn. Đoạn đường đến trường dài đến gần 1km, lại lổn nhổn những đất đá; ngày nắng còn đỡ, chứ đến ngày mưa, đi một mình thôi cũng khó khăn rồi. Thế mà… trên lưng Chôm, Mậu chưa từng phải nghỉ học buổi nào. Những hôm tan học, vừa mệt vừa đói, Mậu ái ngại không muốn để Chôm cõng mà đòi tự mình chống tay về nhà, nhưng Chôm nhất định không chịu.
Cõng Mậu về đến nhà thì khuôn mặt Chôm cũng đỏ ửng, đầm đìa mồ hôi. Ông Lô Văn Tao – ông nội của Chôm – kể: “Nhiều hôm anh chị họ của Chôm có việc phải đi qua trường, nên cho Chôm đi nhờ xe. Đi qua nhà Mậu, Chôm bắt anh chị dừng lại để chở Mậu cùng đi. Có lần chị họ của Chôm đùa: ‘Chỉ chở Chôm thôi, không chở Mậu đâu!’, thì Chôm nhất định đòi xuống đi bộ để cõng Mậu đến trường”.
Như chuyện cổ tích – 5 năm cõng bạn đi học
Tôi hỏi: Trông em thế này, sao có thể cõng Mậu suốt 5 năm trời được? Chôm cười, lộ hàm răng bị gãy mất 2 chiếc: “Mậu gầy nên nhẹ lắm, em có thể cõng bạn ấy đi được”. Nói về bản thân mình, Chôm ngượng, chiếc sẹo nhỏ trên trán đỏ ửng lên. Đó là dấu tích của một lần em bị ngã, khi cõng Mậu đến trường. Chôm còn nhớ, hôm đó đang cõng Mậu đi qua chiếc cầu treo, thì một chiếc xe máy phóng đến. Xe chạy nhanh, đâm nhào vào hai cậu bé đang đi trên cầu. Bị húc đau, Chôm ngã xuống, nhưng vẫn cố gắng không để Mậu bị đau. Đến khi đứng dậy được thì thấy trong miệng mình có vị mặn chát, máu trên trán chảy xuống tận cằm. Lúc đó, Chôm mới biết mình bị gãy mất 2 chiếc răng và bị rách trán. Nhưng Chôm mừng vì Mậu vẫn an toàn.
Cậu bé Chôm không chỉ nhiệt thành giúp đỡ bạn, mà còn rất chăm học. Hàng ngày, sau giờ tới lớp, Chôm lại sang nhà học bài cùng Mậu. Suốt 5 năm tiểu học, năm nào, đôi bạn ấy cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Năm học mới này, cả Chôm và Mậu đều lên lớp 6. Hành trình đến trường của hai cậu bé sẽ khó khăn hơn nhiều, khi trường THCS Lượng Minh lại nằm cheo leo ở lưng chừng đồi. Muốn lên đến trường, học sinh phải vượt qua một dãy bậc đá khá dài, đi một mình cũng phải vất vả lắm mới lên được, huống hồ trên lưng Chôm còn có Mậu. Vừa rồi, một nhà hảo tâm đã gửi tặng Mậu một chiếc xe lăn để tiện đi lại, nhưng ở địa hình miền núi này, chiếc xe lăn hiếm khi phát huy tác dụng.
Chôm không ngại, tấm lưng bé nhỏ của Chôm vẫn sẵn sàng song hành cùng Mậu đến trường. Nhìn cái dốc cao ngất, Chôm quả quyết: “Cháu sẽ cố gắng để Mậu không phải nghỉ buổi học nào. Nếu hôm nào mệt quá không cõng được Mậu, cháu sẽ nhờ các bạn khác giúp một tay”.
Nói về tình bạn đẹp và hành trình 5 năm cõng bạn đến trường của Lô Lương Chôm, thầy Lô Văn Hải – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lượng Minh – cảm kích: “Hành động của Chôm rất đáng được biểu dương! Tình bạn của Chôm và Mậu đã được nhà trường tuyên dương và lấy làm tấm gương cho các bạn khác trong trường”.
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19