Có một vị Mục Tử như thế!
Giáo hội đang sống tuần cầu nguyện cho các ơn gọi, trong đó mỗi Kitô hữu, theo bậc sống của mình, được mời gọi bước theo chân Chúa Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng đã đến để cho chiên được sống và sống dồi dào, qua sự quên mình phục vụ và yêu thương cho đến độ hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Đức cha Eugène – Marie – Joseph Allys (Lý) (1852-1936) là một mục tử như thế khi đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu, dâng hiến cuộc đời mình qua bậc sống giáo sĩ, để trở nên người môn đệ truyền giáo – phục vụ, cho đến độ hiến dâng mạng sống mình vì đoàn chiên, bất chấp mọi gian truân thử thách, và qua đó đã họa lại một cách tuyệt vời hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, Mục Tử Nhân Lành.
Chúng ta cũng có thể nói như thế về Đức cha Allys mà không một chút do dự hay bối rối nào ! Ngài là một nhà truyền giáo có tính thời sự rất tuyệt vời, một chứng nhân can trường cho Tin Mừng và là vị tông đồ không biên giới theo gương Chúa Kitô. Nếu Đức Phanxicô luôn nhắc nhở về một Giáo hội đi ra, chấp nhận mang thương tích, để gần gũi, trắc ẩn, quên mình phục vụ và dâng hiến, thì Đức cha Allys đã là người môn đệ – truyền giáo – phục vụ như thế, với 61 năm « cắm lều » trên đất nước Việt Nam, 23 năm làm Giám mục giáo phận Huế (1908-1931), đã góp phần làm phát triển Giáo hội Việt Nam nói chung và giáo phận Huế nói riêng. Ngài là người đã từng sống điều mà Giáo hội được mời gọi hôm nay : « Hãy nới rộng lều ngươi đang ở, căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ » (Is 54, 2), một Giáo hội đi ra đến các vùng ngoại vi hiện sinh và địa lý, một Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo. Nhưng trước hết, ngài là một con người sống các nhân đức đối thần cách mạnh mẽ.
Một vị tông đồ đầy lòng tin và sống nhờ Thánh Thể Chúa Giêsu
Trong bài giáo lý hôm 18/1/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý : « Để đánh giá « tính mục vụ » của mình, chúng ta cần đối diện với mẫu gương Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. …Sự thân mật với Người… là « linh hồn của mọi hoạt động tông đồ » ». Và đó cũng là điều chúng ta nhận thấy nổi bật nơi Đức Cha Allys : một con người có đời sống cầu nguyện sâu xa, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, nguồn sức mạnh cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Để từ đó, ngài mang « trái tim mục tử » như Chúa Giêsu, đón nhận « đau khổ » và « chấp nhận mạo hiểm » cuộc đời mình. « Từ nay, cuộc sống của con tóm lại trong cầu nguyện và tôn thờ Thánh Thể », ngài sẽ nói như thế trong lá thư gởi cho Đức Hồng y Pietro Fumasoni Biondi. Và đến cuối đời, khi nghỉ hưu với đôi mắt đã mù, ngài nói : « Về phần con, trong khi chờ đợi Thiên Chúa nhân từ gọi con, con chỉ còn hai việc để làm : chịu thương khó và cầu nguyện » (Thư ngày 9/8/1931). Điều đó cho thấy sức mạnh truyền giáo của ngài được kín múc từ Thánh Thể và đời sống cầu nguyện như thế nào, một điều xây dựng đức tin, đức cậy và đức mến nơi ngài.
Đọc các thư và báo cáo mục vụ của ngài cho thấy điều đó rõ hơn. Đối với Đức Cha, người loan báo Tin Mừng phải có « một lòng tin không hề lay chuyển và hướng về phía trước » (Thư 20/11/1924), xác tín rằng « Quis ut Deus ! » (Ai bằng Thiên Chúa !) khi phải đối diện với những bách hại, gian truân. Việc kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể mang lại cho ngài một sức mạnh thần linh giúp vượt qua những thử thách và khó khăn, như ngài tuyên bố : « Dù bất cứ giá nào, con sẽ đi cho đến cùng » (Thư ngày 21/6/1925). Ngài cho biết « sẽ rất vui mừng khi được làm việc cho đến giờ chết để phát triển các công trình của Giáo phận » (Thư ngày 1/5/1931), và đồng thời tuyên bố : « Không lùi bước trước sự mệt mỏi cũng như những khó khăn không thể tách rời với bất kỳ sự hoán cải nào », vì « những nỗ lực và hy sinh này đã không vô ích » (Thư 30/12/1925). Và nhất là trong những thời điểm khó khăn nhất, lòng cậy trông và phó thác cho Thiên Chúa không hề suy giảm nơi ngài, nhưng càng được gia tăng, như ngài nhấn mạnh rằng « không được phép nghi ngờ » tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa trong các hoạt động truyền giáo của mình : « Liệu Chúa Quan Phòng nhân lành sẽ không còn can thiệp cho chúng con và sẽ không chăm sóc Giáo phận Huế vốn chỉ trông cậy vào Ngài ? Xem ra không được phép nghi ngờ, nhất là sau những gì Ngài đã làm cho chúng con trong những năm qua » (Thư ngày 30/12/1925). Niềm tín thác vào Thiên Chúa Quan Phòng như thế là một nét đặc biệt nổi bật nơi con người của ngài, được lặp đi lặp lại nơi các lá thư của ngài, và vốn khơi dậy nơi ngài một sức mạnh « can đảm sáng tạo » vượt qua mọi khó khăn, « biến một thách đố thành một cơ hội bằng cách luôn tin tưởng vào Chúa Quan Phòng » (Tông thư Paris corde, số 5). Xác tín và cậy trông như thế trước « đủ loại khó khăn » mà ngài cũng nhìn thấy hình bóng thập giá và sự phục sinh ở đó, để tiếp tục « đi ra », với tư cách người môn đệ – truyền giáo, để dâng hiến trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, và để « luôn luôn chiến đấu, không bao giờ được yên thân, đó là khó khăn và đôi khi kinh hoàng ; cần phải than phiền không ? Chắc chắn là không, vì ơn cứu độ là ở nơi thánh giá (in cruce salus) cho bản thân và cho tha nhân » và để « một chút điều thiện hảo luôn luôn được thực hiện » (Thư 30/12/1925).
Một vị tông đồ « đi ra »
Từ khi lên ngôi giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không ngừng kêu gọi các Kitô hữu trở thành môn đệ – truyền giáo, kêu gọi một Giáo hội « đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Kitô », đem Tin Mừng đến với « vùng ngoại vi của cuộc sống », « dừng lại bên cạnh người đã ngã dọc đường », « dù phải bị bầm dập, mang thương tích và vấy bẩn » (x. EG, 48-49). Giáo hội đi ra này có nguồn gốc nơi một Thiên Chúa đi ra, hạ mình đi xuống nơi vị Mục Tử Nhân Lành. Đức cha Allys trước đó đã sống điều này ở mức cao nhất khi lên đường, vào ngày 16/12/1875, lúc là linh mục mới 23 tuổi, đến « cắm lều », sống và loan báo Tin Mừng trên đất nước Việt Nam. Đúng như Cha J.B. Etcharren, một « đàn em » của ngài, tâm sự về « ơn gọi truyền giáo » này : « Những gì ưu tiên, đó là một ơn gọi nảy sinh trong tâm hồn của một người trẻ và làm cho đạt kết quả, làm cho thực hiện. Tại sao ? Bởi vì chiều kích ra đi đến với một dân tộc, đến với một Giáo hội ở nơi khác này, là điều thiết yếu đối với đức tin Kitô giáo, không chỉ theo quan điểm cá nhân, nhưng đối với chính Giáo hội. » Đức cha Allys đã trải qua 61 năm truyền giáo, sống chết trên vùng đất này mà không một lần quay trở lại quê hương của mình. Ngài « nới rộng lều mình đang ở » và điều này làm cho ơn gọi truyền giáo của ngài ngày càng trở nên phong phú.
Quả thế, nếu như Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi « cần phải chuyển đổi ‘từ một nền mục vụ thuần túy bảo tồn sang một nền mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo’ » (EG, 15), thì Đức Cha Tổ Phụ của Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và Dòng Thánh Tâm Huế cũng đã từng lưu ý như thế đối với các linh mục trong giáo phận của mình. Trong báo cáo mục vụ từ Tháng 5/1927 đến tháng 5/1928, Đức Cha nói : « Ước mong các thành viên của hàng giáo sĩ cũng thừa nhận và, nhất là, lưu ý đến hai điều thường được lặp đi lặp lại với họ, đó là : 1. Không được quá quan tâm nhiều đến việc thánh hóa các tín hữu, bằng sự gia tăng ngày càng nhiều các cuộc xưng tội và rước lễ, đến nỗi chúng ta không còn có thời gian làm việc để hoán cải lương dân ; 2. Không được phép nản lòng, nhất là không được từ bỏ công việc của các dự tòng bởi vì các tân tòng không phải là những gì chúng ta muốn họ trở thành, thậm chí cũng không phải vì, trong số những người mà ta rất vất vả tìm kiếm, dạy dỗ và đào tạo, đã có ít nhiều cuộc rời bỏ hàng ngũ. » Dù sao, Đức Cha cũng lưu ý : « Chúng ta hãy đề phòng đừng quên rằng những Kitô hữu xấu có cơ hội được cứu thoát hơn gấp ngàn lần so với những lương dân tốt nhất mà dai dẳng trong việc tôn thờ ngẫu tượng cho đến chết ». Đó là lý do tại sao vào thời ngài lãnh đạo giáo phận Huế, có rất nhiều cuộc trở lại, và Giáo phận Huế phát triển về mọi mặt, từ cơ sở vật chất, trường học, bệnh viện, trạm xá…, đến lòng nhiệt thành tông đồ loan báo Tin Mừng. Một điều mà ngài cũng ghi nhận trong báo cáo mục vụ này : « Con không biết điều gì xảy ra trong các giáo phận khác ; nhưng không thể phủ nhận được rằng trong giáo phận Huế, tâm trạng của dân chúng đã thay đổi rõ rệt về Tôn giáo, không chỉ nơi những người nghèo và bị áp bức cần được giúp đỡ và che chở, nhưng cả trong tầng lớp khá giả, thậm chí trong số các sinh viên mà, bất chấp sự chỉ dẫn thường là thù nghịch nơi các trường công lập, đã không khỏi suy nghĩ và nhận ra đâu là điều tốt đẹp và hợp lý của đạo của « Chúa Trời » ». Và ngài ra đi vì « vinh quang của Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn » (Thư 15/11/1929). Kết thúc các lá thư của mình, ngài cũng thường viết tắt bốn chữ A.M.D.G (Cho vinh danh Chúa hơn), lấy lại châm ngôn của Dòng Tên. Việc lập hai dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và Dòng Tiểu Đệ Giáo Giảng viên Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng có hai mục đích rõ ràng : « Loan báo Tin Mừng cho người ngoại đạo và thánh hóa Kitô hữu » (Thư ngày 21/11/1923). Và dĩ nhiên, việc ra đi loan báo Tin Mừng là để trở thành người phục vụ như Chúa Giêsu, « Thầy ở giữa anh em như một người phục vụ » (Lc 22, 27).
Một vị tông đồ khiêm tốn và hăng say phục vụ
Quả thế, Đức cha Allys đã hoàn toàn trở thành một người môn đệ-truyền giáo-phục vụ. Đó cũng chính là điều mà ngài muốn thể hiện qua khẩu hiệu Giám mục của mình : « Tôi yêu thương mọi người » (« Diligo omnes »). Chính Thánh Bộ Truyền bá Đức tin, dịp mừng kỷ niệm Ngân khánh Giám mục của ngài, nhận định trong lá thư ngày 29/4/1933 như sau : « Thực sự không người nào mà không biết Đức Cha đã miệt mài trong công việc tông đồ với lòng hăng say và nhiệt thành thế nào…. Thực sự Đức Cha đã tỏ ra mình là người mục tử nhân lành, trở nên mọi sự cho mọi người, và trong thực tế, Đức Cha đã luôn thực hiện những gì thánh Phaolô Tông đồ đã nói về mình : « Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của , và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em » (2Cr 12,15) ». Đây cũng là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở người Kitô hữu về một Giáo hội phục vụ, mang « mùi chiên » : « Cộng đồng loan báo Tin Mừng, qua các việc làm và cử chỉ của mình, đặt mình vào cuộc sống thường ngày của người khác…và đảm nhận cuộc sống con người, chạm đến thân xác đau khổ của Chúa Kitô nơi dân chúng. Các nhà loan báo Tin Mừng do đó có «mùi chiên» » (EG, 24). Đức Cha Allys đã thể hiện hình ảnh « mục tử mang mùi chiên » này khi không còn bận tâm bởi sự sống còn và hình ảnh của mình, nhưng hoàn toàn dâng hiến cho công cuộc loan báo Tin Mừng và phục vụ Chúa Kitô nơi tha nhân, đến độ « dù bất cứ giá nào, con sẽ đi cho đến cùng ». Đối diện với những khó khăn và thử thách mà như ngài thổ lộ : « Con đã ở trong giáo phận Bắc Đàng Trong được 48 năm rồi, con đã chứng kiến những thử thách đôi khi rất khủng khiếp về mọi mặt. Trong những thời kỳ buồn bã khiến cho khóc lóc, chỉ còn lại ký ức đau đớn », và có lúc ngài xin Chúa « tha cho những thử thách » này (Thư 21/11/1923), tuy nhiên, ngài tự trấn an : « Có sứ mạng truyền giáo nào mà không có khó khăn, rắc rối và thất vọng đau buồn như những đau khổ về thể lý hay tinh thần mà Vùng đại diện của Huế phải chịu ». Và trong một lá thư khác (ngày 15/11/1929), ngài nói lên niềm tin vào Chúa Quan Phòng trước những gian khổ này : « Chao ôi ! Các công việc của Thiên Chúa cần gặp phải những trở ngại để dẫn đến những kết quả bổ ích ». Mặc dù làm được rất nhiều sự, nhưng ngài vẫn khiêm tốn nói : « Nỗi buồn lớn nhất của chúng con là không thể làm được gì nhiều cho vinh quang của Thiên Chúa » (Thư ngày 21/11/1923).
Để hiểu rõ hơn người môn đệ – truyền giáo – phục vụ này nơi Đức Cha, chúng ta có thể tìm hiểu các công việc truyền giáo phục vụ và đồng thời con người truyền giáo phục vụ của ngài.
Các công việc truyền giáo phục vụ của Đức Cha thật là nhiều, với tư cách là Giám mục giáo phận Huế và đồng thời là đấng sáng lập hai Hội Dòng giáo phận là Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Phú Xuân, Huế, và Dòng Tiểu Đệ Giáo Giảng viên Thánh Tâm Chúa Giêsu : xây dựng cơ sở vật chất về mặt xã hội như mở trường học (trung học, tiểu học, các trường sư phạm), bệnh viện, trạm xá…. ; về mặt Giáo hội, xây nhà thờ, các chủng viện (tiểu chủng viện và đại chủng viện), các lớp học giáo lý và cầu nguyện, mời các Dòng tu đến…tất cả đó với ưu tư giáo dục nhân bản và đức tin cho con người và với mục đích nâng cao nhận thức và đào tạo nhân sự cho giáo phận bao gồm hàng giáo sĩ bản địa, các thầy giảng, các giáo viên, để phục vụ công cuộc giáo dục nhân bản và đức tin cho các Kitô hữu, các tân tòng, dự tòng, sinh viên, học sinh, giới trẻ, người sắc tộc…. Và nói chung là góp phần vào việc « loan báo Tin Mừng cho người ngoại đạo và thánh hóa các Kitô hữu ». Về mặt này, các báo cáo mục vụ của Đức Cha cho thấy mối ưu tư thường xuyên làm sao có đủ nhân sự có năng lực và nguồn lực kinh tế hỗ trợ tích cực vào đó, mà chưa kể đến các khoản bác ái xã hội vốn cũng cần có chút điều kiện kinh tế để chia sẻ với người nghèo, nhất là trong hoàn cảnh bão lụt, dịch bệnh…. Bên cạnh các ân nhân quảng đại (Kitô hữu cũng như Phật tử), Đức Cha đã nhận được sự trợ giúp rất hữu hiệu từ Hội Truyền bá Đức tin do Thánh Bộ Truyền bá Đức tin giới thiệu. Đức Cha cho biết trong thư ngày 21/11/1923 rằng « những nguyên nhân ngăn cản giáo phận Bắc Đàng Trong thực sự phát triển là do thiếu nhân sự và nguồn lực. Nhưng từ hai nguyên nhân này, nguyên nhân gây hại nhiều hơn cho công việc của chúng con và khiến nỗ lực và ước muốn của chúng con trở nên vô ích hơn, chắc chắn đó là do thiếu nguồn lực. Ngày mà nguyên nhân này biến mất, chúng con sẽ nhanh chóng có một đội ngũ nhân sự có học thức và tận tụy, đội ngũ sẽ giúp chúng con rất nhiều để nhân rộng công việc của chúng con và làm cho chúng sinh nhiều hoa trái cứu độ.»
Về con người truyền giáo – phục vụ của ngài, chúng ta có thể nhận ra nhân cách phong phú qua các lá thư và báo cáo mục vụ của ngài mà chúng ta đã nhận thấy trên đây : một con đầy lòng tin, cậy, mến, một con người nhiệt thành vì Tin Mừng, một con người khiêm tốn phục vụ, một con người quảng đại dâng hiến, quên mình, không còn sống cho chính mình nữa, mà chỉ quan tâm đến tha nhân… Cách cụ thể, chúng ta hãy nghe nhận định của Đức cha Henri Lécroart, Kinh lý Đông Dương, đi kinh lý Vùng đại diện Tông Tòa Bắc Đàng Trong (giáo phận Huế ngày nay) từ ngày 7-25/3/1923 : « Đức cha Allys có một lòng nhiệt thành hăng hái và, do sự nhã nhặn tử tế của mình, đã được công nhận, không chút ồn ào, cả trong chính quyền bảo hộ lẫn trong triều đình của vua và các quan lại An Nam…Ngài có được tất cả sự cảm tình ở bên ngoài. Ở bên trong, một nhóm nhỏ các nhà thừa sai thấy Đức Giám mục thiếu quyết đoán, thiếu kín đáo, nói về mọi việc với tất cả mọi người, ngoại trừ với người có liên quan. Người ta nói ngài quá ít cương quyết đối với hàng giáo sĩ bản địa….Nhưng sự bất ổn này là việc làm của một nhóm nhỏ. Người ta cũng chê trách Đức cha Allys vì sống bám theo ngài Nguyễn Hữu Bài, Viện trưởng Hội đồng Cơ Mật, và là Thượng Thư Bộ Lại, […]. Đức Cha dường như, cách có lý, bị ám ảnh bởi ý tưởng về sự nghèo nàn to lớn và về sự túng thiếu vật chất của mình. Có nhiều lý do cho sự ám ảnh này : […]. » Và trong phần kết luận bản tường trình cuộc kinh lý, Đức cha Lécroart nhận định : « Sự phát triển thiêng liêng của Vùng Đại diện Huế là do tinh thần cởi mở và sáng kiến của Đức cha Allys, do nền giáo dục giáo sĩ tốt cho hàng giáo sĩ bản địa, do tình bác ái rất thân tình kết hợp hai hàng giáo sĩ và cuối cùng do sự sắp xếp của Vùng Đại diện nhỏ cho phép đặt một linh mục hầu như trong mỗi họ đạo rất lớn ». Cũng không quên lời nhận xét đầy khích lệ của Đức Cha kinh lý khi nói về chứng tá yêu thương giữa những người loan báo Tin Mừng dưới thời cai quản của Đức Cha Allys : « Con chưa gặp trong bất kỳ Vùng đại diện nào được con viếng thăm cho đến nay, một tình tương thân tương ái tương tự như tình thân ái tồn tại giữa các nhà thừa sai với nhau và giữa các nhà thừa sai với các linh mục bản địa ». Lời nhận xét này càng đúng với Đức cha Allys khi ngài tiết lộ trong lá thư ngày 28/10/1928 : « Nhờ những mối tương quan thường xuyên mà con mạnh dạn có được với hàng giáo sĩ của Giáo phận, nhất là với các linh mục bản xứ vốn đông gấp ba lần các linh mục châu Âu… ».
Bên cạnh những nhận định của Đức cha Lécroart, chúng ta có thể nhận ra nhiều nhân đức tốt lành của Đức cha Allys : khiêm tốn (« nỗi buồn lớn nhất của chúng con là chúng con không thể làm được gì nhiều cho vinh quang của Thiên Chúa », Thư 21/11/1923 ; « con sẵn lòng trước để sữa chữa tất cả những gì trái phép mà con đã làm », thư ngày 28/10/1928), tinh thần làm việc chung, sự từ bỏ, gần gũi, kiên trì, óc thực tế (« ân sủng của Thiên Chúa cần thiết hơn tiền bạc vô cùng ; nhưng, với quá trình hoạt động của con người, không có tiền, người ta không làm được gì nhiều… », thư 30/4/1926), lòng biết ơn, lòng nhân ái, lòng thương xót, trắc ẩn, và đặc biệt là sự can đảm không lùi bước trước khó khăn.
Sự can đảm sáng tạo và tính hiện thực Kitô giáo
Quả thế, người ta có thể nhận thấy một sự can đảm phi thường nơi ngài khi phải đối diện với không chỉ « một giáo phận nghèo của cải nhất trần gian », mà còn những cuộc bách hại và chống đối từ bên ngoài và những khó khăn đủ loại mà có lúc ngài xin Chúa « tha » cho. Thế nhưng, ngài không bao giờ bỏ cuộc và kêu ca, thất vọng hay phản kháng ; trái lại, ngài đón nhận trong tinh thần đức tin và với lòng can đảm sáng tạo, để từng bước kiên trì vượt qua.
Quả thật, như Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý khi nói về gương thánh Giuse, và chúng ta có thể áp dụng cho Đức cha Allys mà không sợ sai lầm : « Ở đây, chúng ta gặp thấy tính hiện thực Kitô giáo, trong đó không phủ nhận bất cứ gì hiện hữu. Thực tại – trong tính phức tạp kỳ lạ và bất khả chế giảm của nó – là cái chứa đựng ý nghĩa hiện sinh, với tất cả ánh sáng và bóng tối trong đó ». Thánh Giuse « nhìn thẳng thực tế và đương đầu với nó, nhận trách nhiệm của mình đối với nó », và qua đó, « có thể biến một thách đố thành một cơ hội bằng cách luôn tin tưởng vào Chúa Quan Phòng », bởi vì « Thiên Chúa luôn tìm ra cách để cứu chúng ta, miễn là chúng ta thể hiện cùng sự can đảm có sức sáng tạo như người thợ mộc ở Nadarét » (x. Patris corde, số 4 và 5). Tính hiện thực Kitô giáo này trước tiên nói với chúng ta về ân sủng quan phòng của Thiên Chúa trong mọi biến cố xảy đến cho con người, chứ không phải hành động của con người. Và trong hành động của con người, cử chỉ đầu tiên của hành động này là « đón nhận », rồi sau đó mới « can đảm sáng tạo ». Như Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nhấn mạnh : « Mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa tất phải dựa trên hiện thực, nghĩa là dựa trên điều thực sự xảy đến với chúng ta, chờ đợi sự đón nhận của chúng ta, chứ không thể dựa trên các ý tưởng mà chúng ta tự nghĩ ra hoặc dựa trên tri thức suy lý của chúng ta », bởi vì « đối với đức tin Kitô giáo, con người không thể đạt tới ý nghĩa làm người theo nghĩa sâu xa nhất bằng những gì mình làm được, nhưng là bằng những gì mình lãnh nhận được » (Bênêđíctô XVI, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay (bản dịch Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam), nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 285.287). Chính vì thế, trước bao thách thức và khó khăn, trước những « thập giá » trong đời mục vụ, Đức cha Allys không bi quan, không chủ bại, không cay đắng, nhưng luôn tự nhắc nhở mình về sự quan phòng của Thiên Chúa rằng « không được phép nghi ngờ…những gì Ngài đã làm cho chúng con trong những năm qua » (Thư ngày 30/12/1925). Và chính ở đây nữa, chúng ta hiểu được tại sao sau biết bao nhiêu công trình to lớn ngài đã làm được, ngài vẫn khiêm tốn nhìn nhận sự yếu kém của sức riêng con người : « Nỗi buồn lớn nhất của chúng con là không thể làm được gì nhiều cho vinh quang của Thiên Chúa ».
Tuy nhiên, mặt khác, Đức cha Allys đã thể hiện rõ « sự can đảm có tính sáng tạo » và ý thức, trong đức tin, về « tính hiện thực Kitô giáo » này khi ngài cương quyết « dù bất cứ giá nào, con sẽ đi cho đến cùng », « sẽ rất vui mừng khi được làm việc cho đến giờ chết để phát triển các công trình của Giáo phận » và « không lùi bước trước sự mệt mỏi cũng như những khó khăn … ». Một điều mà chính Đức cha Henri Lécroart đã ghi nhận trong báo cáo kinh lý của mình : « Người ta sống ngày qua ngày và người ta đã vượt qua. Đó là từ tóm tắt toàn bộ hoàn cảnh ». Lời khẳng định « đã vượt qua » này rõ ràng cho thấy cuộc sống được đón nhận và sự can đảm sáng tạo trong hoạt động mục vụ của Đức cha Allys. Và cụ thể hơn, chúng ta càng cảm nhận được điều đó khi lướt qua sự dấn thân cho người nghèo của ngài và những thành tựu mà ngài đã mang lại cho giáo phận.
Một vị tông đồ nghèo cho người nghèo
Quả thế, Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên nhắc nhở con cái của Giáo hội : « một Giáo hội nghèo cho người nghèo ». Đức Cha Allys đã sống tinh thần này cách nổi bật trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho đất nước Việt Nam khi « tiêu phí tiền của, tiêu phí cả sức lực và con người của tôi vì linh hồn của anh em » (2Cr 12,15). Khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở người tông đồ phải mang « trái tim mục tử » như Chúa Giêsu, đón nhận « đau khổ » và « chấp nhận mạo hiểm » cuộc đời mình, thì việc đón nhận đau khổ này không chỉ hiểu về những đau khổ phải chịu của người tông đồ, nhưng còn phải biết đón nhận những đau khổ của tha nhân, đặc biệt là những người nghèo khổ, dễ bị tổn thương, những người bị gạt ra bên lề xã hội. Điều này, với tư cách là linh mục thừa sai, bề trên Đại Chủng viện Thợ Đúc, cha sở giáo xứ Phủ Cam và Giám mục giáo phận Huế, Đức Cha đã sống hết mình cho « giáo phận nghèo của cải nhất trần gian », nhất là quan tâm đến hoàn cảnh những người cùng khốn cả lương lẫn giáo vào những dịp hạn hán, bão lụt. Thậm chí, ngài như phải « đấu tranh » để có được nguồn lực kinh tế vốn là « nguyên nhân gây hại nhiều hơn » cho việc loan báo Tin Mừng, nhằm giúp phát triển cơ sở và đào tạo nhân sự cho công cuộc loan báo Tin Mừng.
Sau chuyến kinh lý với ghi nhận « tình trạng nghèo khổ » và những khó khăn của Đức cha Allys và giáo phận Huế, Đức cha Lécroart đã khẳng định điều rất tuyệt vời này : « Những phúc lành hiển nhiên của Thiên Chúa bao bọc sự nghèo khó tông đồ này và đã ban cho Vùng đại diện này một động lực vốn thúc đẩy nó đi đầu đối với những cải cách hữu ích… ». Lời khẳng định đó cho thấy sự khó nghèo tông đồ của Đức cha Allys, nơi chính bản thân ngài, đang cai quản một « giáo phận nghèo của cải trần gian nhất trong tất cả các miền truyền giáo được giao phó cho Hội Thừa sai Hải ngoại Paris » (thư ngày 17/10/1929), và nỗ lực của ngài trong việc nâng đỡ yêu thương và đấu tranh cho người nghèo là thế nào, bao gồm việc thiết lập « các trại nghèo đói » để phân phối gạo cho những người nghèo khổ do bão lụt.
Chẳng hạn, trả lời cho một số nhà truyền giáo cho rằng « người truyền giáo không có trách nhiệm cho các dự tòng tiền bạc, nhưng chính các dự tòng có nhiệm vụ nuôi dưỡng những người dạy dỗ và đào tạo họ về đời sống Kitô hữu », Đức cha Allys biện hộ : « Chà, nếu có thể được như thế, thì thật là an ủi cho các nhà truyền giáo và họ có thể ra sức làm cho lương dân trở lại cách dễ dàng hơn, vui vẻ hơn và hiệu quả hơn biết bao, giả sử rằng những người giàu đồng ý trở thành Kitô hữu ! Nhưng lúc đó điều gì sẽ xảy ra đối với « Pauperes evangelizantur » (« người nghèo được loan báo Tin Mừng ») trong Tin Mừng. Vì thế, chúng ta hãy tiếp tục quan tâm đến những người bất hạnh, những người không được thừa hưởng của cải của thế gian này, mà không coi thường những người giàu khi họ chân thành xin theo Chúa Giêsu Kitô, vác thập giá của Ngài, và chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa nhân lành ban cho chúng ta tiền bạc để nuôi dưỡng các bậc dự tòng của chúng ta và để xây dựng những ngôi nhà nguyện phủ rơm, những nhà nguyện này, khi các tân tòng càng ngày càng trở thành Kitô hữu hơn và đông đảo hơn, sẽ biến thành những ngôi nhà thờ được lợp ngói và được trang trí bằng một mặt tiền xinh đẹp, nơi sẽ được treo một cái chuông nhỏ đẹp đẽ đến từ Pháp. Fiat !!! » (thư 30/4/1926). Trong một lá thư khác đề ngày 21/6/1925, Đức Cha cho biết : « Nếu Giáo phận lâm vào cảnh nợ nần, thì ít ra nó có thể làm chứng rằng đó là do sự cần thiết và với mục đích duy nhất là giúp đỡ những người bất hạnh và mang lại phần rỗi cho các linh hồn ». Trả lời cho Đức Hồng y Willem Marinus Van Rossum, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền bá Đức tin vào thời đó, khi Đức Hồng y viết thư lưu ý với Đức cha Allys rằng : « Vâng, các cha nghèo nhưng hãy nhớ rằng Chúa đã sai các Tông đồ của Người ra đi không bao bị và không giày dép » (sine pera et calceamentis) », Đức Cha trả lời : « Nếu hôm nay, bất chấp tuổi tác của con – vừa mới 78 tuổi – bệnh tật của con và nhất là đôi mắt của con, một mắt thì không còn thấy gì nữa và mắt kia không còn thấy đủ để đọc lại những gì con viết, con đã gặp khó khăn khi viết lá thư này, thì đó không phải là vì mỗi người chúng con có túi tiền dồi dào và đôi giày tốt, nhưng để đạt được cho công việc của chúng con, cách riêng cho các linh mục và trường học của chúng con, những gì còn thiếu đối với họ để ngày càng phát triển và thịnh vượng », và đồng thời nói thêm : « Điều mà con không dám phàn nàn vì con không thiếu những bù đắp » (thư ngày 17/10/1929). Một sự nhiệt thành tông đồ phục vụ như thế đã có được những hoa trái đầy khích lệ cho dù phải gặp « những khó khăn đủ loại », ngay cả việc bách hại.
Hoa trái của công cuộc loan báo Tin Mừng
Trong Báo cáo mục vụ tháng 5/1927 đến tháng 5/1928, Đức Cha cho biết: « Sau những cuộc thảm sát làm đẫm máu giáo phận Huế trong những năm 1883 và 1885, tổng số Kitô hữu của chúng ta chỉ còn 1800. Vài năm sau những biến cố khủng khiếp này, không thể chăm lo cho công việc của các dự tòng. Nhưng từ năm 1890, phong trào trở lại đạo tiếp tục ít nhiều mạnh mẽ hơn, và chưa dừng lại cho đến hôm nay. Nhờ sự liên tục này, số lượng Kitô hữu của chúng ta đã tăng lên dần dần và cuối cùng đạt tới con số gần 72000 người. Tính toàn bộ, con số này sẽ cao hơn nhiều, thậm chí nó sẽ vượt quá 80000 người. » Trước đó, trong Báo cáo mục vụ năm 1923-1924, Đức Cha đã ghi nhận : « Sau những cuộc thảm sát khủng khiếp diễn ra ở An Nam, trong những năm 1885 và 1886, người ta có lẽ tin, và nhiều người đã tin, rằng thế là xong công trình các dự tòng. Tuy nhiên, chưa đầy ba hay bốn năm sau, các cuộc trở lại đã được báo cáo nhiều hơn bao giờ hết. » Cũng trong báo cáo này, Đức Cha cho biết « 27 hoàng tử và công chúa, cộng với ba con dâu của vua Minh Mạng, đã được rửa tội tại nhà thờ Phủ Cam ».
Đức cha Henry Lécroart, Kinh lý Tòa Thánh, đã ghi nhận như sau : « Trong số các Vùng đại diện ở Đông Dương, Vùng đại diện Huế dường như đứng ở vị trí đầu tiên về những gì liên quan đến việc trở lại của lương dân…Mỗi năm, trung bình có khoảng từ 1000 đến 1500 cuộc trở lại đạo Công giáo. Vào năm 1899, có 20.000 dự tòng…Vua An Nam, một trong những vị tiền nhiệm của vua hiện nay, đã phàn nàn gay gắt về biến động này và lúc đó đã có một áp lực kép từ các quan lại An Nam và các công sứ Pháp để làm cho những người trở lại phải bỏ đạo…15000 dự tòng, dưới áp lực kép này và trước những thủ tục bất công mà họ là nạn nhân, đã không may chối bỏ đức tin của mình. Kể từ thời điểm đó, không có biến động chung nào về các cuộc trở lại và chúng ta chỉ đạt mức trung bình đẹp đẽ của các cuộc trở lại được nêu trên đây. (1500 đến 2000 mỗi năm) ».
Đó là về các cuộc trở lại, riêng về việc loan báo Tin Mừng góp phần thánh hóa đời sống Kitô hữu cũng rất khích lệ. Nhiều lần, Đức cha Allys cho thấy « bất chấp những khốn khổ này và nhiều khốn khổ khác…, các công việc của giáo phận đã tiếp tục phát triển và sản sinh những hoa trái của ơn cứu độ. Các tòa giải tội đã được lui tới nhiều và các cuộc rước lễ thường xuyên đã tăng lên rất rõ rệt. Số lượng các dự tòng được rửa tội cao hơn số lượng năm ngoái và, điều đáng an ủi hơn bất cứ điều gì khác là ngày tựu trường của hai chủng viện (tiểu chủng viện và đại chủng viện) đã rất động ; điều này hứa hẹn trong những năm tiếp theo, một số lượng lớn hơn các cuộc phong chức và, chính vì thế, các linh mục mà giáo phận đã rất cần đến » (Thư ngày 15/11/1929). Cũng thế, trong Báo cáo mục vụ năm 1923-1924, Đức Cha đã ghi nhận : « Bên cạnh nhiều khó khăn mà chúng con gặp phải…, chúng con cũng tìm thấy được nhiều an ủi, trong đó đáng kể nhất là lòng sùng đạo của các Kitô hữu vốn càng ngày càng có nhiều người đến gần Bí tích Sám Hối và Thánh Thể hơn, và hoàn cảnh tốt đẹp nơi có các công trình chính yếu của sứ mạng truyền giáo ».
Tất cả những hoa trái đó là do « hàng giáo sĩ của giáo phận đã can đảm ra sức thánh hóa các tín hữu và hoán cải lương dân » (Báo cáo mục vụ năm 1924-1925). Tuy nhiên, « vinh quang của Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn cũng phải đặc biệt tri ân đối với tất cả những gì các cộng đoàn tu trì đã làm tùy theo điều kiện mà Chúa Quan Phòng đã kêu gọi họ, dù họ chuyên về đời sống chiêm niệm (các tu sĩ dòng Xitô Đức Bà An Nam, các tu sĩ dòng Cát Minh), về giảng thuyết (các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế) hay về giáo dục » (Thư ngày 15/11/1929). Hay như một trong một thư khác, ngày 21/11/1926, Đức Cha cho biết ngài « hoàn toàn hài lòng » về hai cộng đoàn Dòng Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông (Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ngày nay) và Dòng Tiểu Đệ Giáo Giảng viên Thánh Tâm Chúa Giêsu, « cả về quan đểm đời sống tu trì và học hành ».
Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Phú Xuân, Huế, và Dòng Thánh Tâm, Huế
Một trong những bận tâm lớn trong công cuộc loan báo Tin Mừng của Đức cha Allys là thành lập hai cộng đoàn, và sau này được nâng lên thành Dòng tu giáo phận, là Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Phú Xuân, Huế và Dòng Tiểu Đệ Giáo Giảng viên Thánh Tâm Chúa Giêsu. Lý do của việc thành lập này được Đức Cha cho biết trong thư ngày 21/11/1923 như sau : « Như Đức Hồng y sẽ nhận thấy khi lướt qua bản tường trình về tình trạng của giáo phận, chúng con sở hữu một số trường ở các giáo xứ. Nhưng con phải thừa nhận rằng các trường này vẫn còn chưa tốt lắm, nhất là do sự bất lực của những người điều hành chúng. Chính để ngăn ngừa sự xấu xa phát xuất từ sự vô hiệu quá rõ rệt của đội ngũ giáo viên này, mà con đã thành lập một trường sư phạm dành cho các nữ sinh mà tất cả họ đều dự định theo đuổi đời sống tu trì, và con bận tâm đến việc thành lập một trường sư phạm cho các nam sinh mà cả họ nữa cũng đều dự định trở thành tu sĩ. […]Nhờ ơn Chúa, nếu hai cuộc thành lập này thành công, thì trong tương lai gần, chúng con sẽ có một đội ngũ giáo viên vốn sẽ tốt hơn nhiều về mọi mặt, sẽ bao gồm các nam tu và nữ tu, những người, được tránh khỏi mọi ưu tư gia đình và vật chất, sẽ chỉ cống hiến hết mình cho công việc sẽ được dành cho họ, vì tình yêu Thiên Chúa và các linh hồn.» Đối với ngài, việc thành lập này là « cần thiết cho sự phát triển của giáo phận » (thư ngày 21/11/1926). Cũng chính lá thư ngày 21/11/1926 này cho biết : « Hiện tại, con hoàn toàn hài lòng về hai cộng đoàn này cả về quan điểm đời sống tu trì và học hành, và con hy vọng rằng giáo phận Huế đã thu được lợi ích to lớn từ hai cộng đoàn này ». Và mục đích thành lập hai Hội Dòng này là « để có nhân sự đầy đủ » (thư ngày 17/10/1929), « có mục đích cung cấp các thầy giảng, các thầy cô giáo cho tất cả các lớp học nam sinh và nữ sinh trong cac giáo xứ » (thư ngày 30/12/1925). Trong báo cáo về chuyến kinh lý của mình vào tháng 3/1923, Đức cha Henri Lécroart đã ghi nhận việc thành lập này như sau : « Bất chấp tình trạng nghèo khổ thực sự này và những mối đe dọa trong tương lai, Đức cha Allys đã thành lập cộng đoàn Dòng chị em Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông với 7 nhà, sinh sống từ nguồn lực riêng của họ, và đề nghị thành lập một Dòng Tu sĩ Giáo Giảng viên Thánh Tâm Chúa Giêsu ». Cũng theo báo cáo này, ban đầu, Dòng Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông được thành lập, « sống thành cộng đoàn không có lời khấn. Đó là một sự thích nghi với hoàn cảnh hiện tại theo quy chế của Dòng Mến Thánh Giá. Mục đích của họ là lao động chân tay để sống, dạy trẻ trong các lớp ở giáo xứ, rửa tội cho các trẻ em lương dân sắp chết ». Thư ngày 21/11/1926 cho biết thêm : « Dòng chị em Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông, trong đó có nhiều người đã khấn hằng năm, được huấn luyện bởi hai nữ tu của Dòng Thánh Phaolô thành Chartres. Việc đào tạo tôn giáo của họ đã được giao phó cho Bề trên của Đại Chủng viện Huế. Về các Tiểu Đệ Thánh Tâm Chúa Giêsu tương lai, việc huấn luyện và đào tạo họ đã được giao phó – dưới sự giám sát đặc biệt của con – cho hai linh mục bản địa mà con hoàn toàn biết rõ lòng đạo đức và kiến thức của họ ». Đặc biệt, Đức Cha cho thấy việc thành lập hai Hội Dòng này không chỉ là sáng kiến riêng của ngài, mà còn là một « kế hoạch » tập thể, trong cuộc họp gồm 10 đồng nghiệp, « đã được nhất trí thông qua » (thư ngày 4/9/1923), và hai Dòng « được sự đồng cảm của toàn giáo phận, hàng giáo sĩ và các Kitô hữu ».
Sau đây là diễn tiến theo thời gian việc thành lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm :
+ Đức cha Henri Lécroart báo cáo về chuyến kinh lý ngày 7-25/3/1923
« Đức cha Allys đã thành lập cộng đoàn Dòng chị em Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông với 7 nhà, sinh sống từ nguồn lực riêng của họ… ».
« Cho đến nay, các em thiếu nhi của các giáo xứ được đào tạo cho đến Rước lễ bao đồng bởi các cộng đoàn nhỏ gồm 4 nữ tu thuộc Dòng chị em Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông. Trong 4 nữ tu này, 2 người dạy lớp, hai người khác làm việc để nuôi sống cộng đoàn nhỏ… ».
Dòng chị em Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông « được Đức cha Allys thành lập và sống thành cộng đoàn không có lời khấn. Đó là một sự thích nghi với hoàn cảnh hiện tại theo quy chế của Dòng Mến Thánh Giá. Mục đích của họ là lao động chân tay để sống, dạy trẻ trong các lớp ở giáo xứ, rửa tội cho các trẻ em lương dân sắp chết. Hội Dòng này có 7 cơ sở, mà một trong số đó là cô nhi viện Phước Môn đã gây ra những phê bình chính đáng… ».
« Ở Phú Xuân (Huế), ngay bên cạnh Đại Chủng viện, có một trường sư phạm cho các nữ tu bản địa với lời khấn đơn, đang chuẩn bị, dưới sự hướng dẫn của các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, để sống đời tu trì của tập viện và dạy các trường nữ sinh bằng những giáo trình thích hợp… ».
+ Thư ngày 4/9/1923
« Con vừa viết thư cho Rôma để xin chính thức hóa cộng đoàn Phú Xuân mà các nữ tu ở đó mang tên Dòng chị em Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông …».
« Tại cuộc họp của các đồng nghiệp – tất cả là 10 người – diễn ra vào ngày 17 tháng Bảy vừa qua, các kế hoạch của con về hai cộng đoàn nói trên đã được nhất trí thông qua liên quan đến các nữ tu, và cũng nhất trí liên quan đến các Tu huynh…Do sự hầu như nhất trí này, bất chấp tuổi tác cao và sức khỏe suy yếu của con, con không nghĩ rằng mình thiếu khôn ngoan khi thực hiện các cuộc thành lập mà con vừa nói đến, càng hơn thế nữa vì cả hai đều là A.M.D.G (để vinh danh Thiên Chúa hơn) ».
+ Thư ngày 21/11/1923
« Như Đức Hồng y sẽ nhận thấy khi lướt qua bản tường trình về tình trạng của giáo phận, chúng con sở hữu một số trường ở các giáo xứ. Nhưng con phải thừa nhận rằng các trường này vẫn còn chưa tốt lắm, nhất là do sự bất lực của những người điều hành chúng. Chính để ngăn ngừa sự xấu xa phát xuất từ sự vô hiệu quá rõ rệt của đội ngũ giáo viên này, mà con đã thành lập một trường sư phạm dành cho các nữ sinh mà tất cả họ đều dự định theo đuổi đời sống tu trì, và con bận tâm đến việc thành lập một trường sư phạm cho các nam sinh mà cả họ nữa cũng đều dự định trở thành tu sĩ ».
« Từ gần hai năm nay, hai nữ tu của dòng Thánh Phaolô thành Chartres đã hướng dẫn các nữ sinh của trường sư phạm. Chính Bề trên Đại Chủng viện Huế phụ trách việc đào tạo tôn giáo cho họ. »
« Nhờ ơn Chúa, nếu hai cuộc thành lập này thành công, thì trong tương lai gần, chúng con sẽ có một đội ngũ giáo viên vốn sẽ tốt hơn nhiều về mọi mặt, sẽ bao gồm các tu huynh và nữ tu, những người, được tránh khỏi mọi ưu tư gia đình và vật chất, sẽ chỉ cống hiến hết mình cho công việc sẽ được dành cho họ, vì tình yêu Thiên Chúa và các linh hồn. »
+ Thư ngày 20/11/1924
« Trường sư phạm của các nữ tu bản địa, Dòng chị em Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông, hoàn toàn làm hài lòng hai nữ tu Dòng Thánh Phaolô, những người cống hiến hết mình cho việc dạy dỗ các nữ giáo viên tương lai của chúng con …».
+ Thư ngày 21/6/1925
« Con xin gởi cho ngài tấm hình của Dòng chị em Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông, những người này cũng thế nhằm trở thành thầy giảng và cô giáo… »
+ Thư ngày 30/12/1925
« Hai cộng đoàn khác có mục đích cung cấp các thầy giảng, các thầy giáo và cô giáo cho tất cả các lớp học nam sinh và nữ sinh trong các giáo xứ. Trong số 24 nữ tu Dòng Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông tham dự kỳ thi chứng chỉ tiểu học bản xứ, 22 người đã đậu, tất cả họ sẽ đậu nếu họ được thông báo trong thời gian thích hợp… »
+ Thư ngày 21/11/1926
« Nhờ Chúa Quan Phòng nhân lành, Đấng đã ban cho con những ân nhân quảng đại, nên các trường sư phạm của các Tiểu Đệ và Nữ Tu có mục đích trở thành thầy giảng và thầy cô giáo trong các giáo xứ của giáo phận cuối cùng đã được thành lập thực sự.
Dòng chị em Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông, trong đó có nhiều người đã khấn hằng năm, được huấn luyện bởi hai nữ tu của Dòng Thánh Phaolô thành Chartres. Việc đào tạo tôn giáo của họ đã được giao phó cho Bề trên của Đại Chủng viện Huế.
Hiện tại, con hoàn toàn hài lòng về hai cộng đoàn này cả về quan điểm đời sống tu trì và học hành và con hy vọng rằng giáo phận Huế đã thu được lợi ích to lớn từ hai cộng đoàn này.
Trong khi chờ đợi, có một điều con không thể thôi lo lắng : đó là tương lai cua các Nữ tu và Tiểu Đệ này liên quan đến đời sống vật chất, vì đối với thu nhập ít ỏi và những gánh nặng trong cuộc sống của họ, xem ra việc giáo phận trợ giúp họ là điều bất khả. Cho đến nay, con đã có thể, và bao lâu con còn sống, con sẽ có thể dễ dàng đảm bảo cho cuộc sống của họ hơn nữa vì con đã thành công trong việc bảo đảm cho họ quyền sở hữu một số lượng ruộng lúa tốt nhất định… »
+ Báo cáo mục vụ tháng 5/1927 – tháng 5/1928
« Cầu mong Chúa cũng giúp chúng ta có thể gia tăng số lượng trường tiểu học của chúng ta, – hiện vẫn chỉ có bốn trường -, ….Đối với các trường nữ sinh cũng sẽ được thành kập trong thời gian sớm nhất, chúng sẽ được giao cho các Nữ tu Dòng Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông ở Phú Xuân, cũng gần Huế… ».
+ Thư ngày 28/10/1928
« Hai cộng đoàn mới của con là Tiểu Đệ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Dòng chị em Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông, nơi ươm mầm tương lai của các thầy giáo, cô giáo và thầy giảng, đã phát triển đáng kể về tri thức và nhân đức. Năm nay nhiều Tiểu Đệ và một số Nữ tu đã đạt đươc chứng chỉ nghiên cứu Pháp – An Nam, cho phép họ quyền giảng dạy….Ba cộng đoàn này còn lâu mới được phong phú, nhưng cho đến hôm nay, Chúa Quan Phòng nhân lành đã cung cấp cho họ những gì cần thiết ».
+ Thư ngày 17/10/1929
« Để có trong tay một nhân sự đủ khả năng và dần dần đầy đủ, con đã thành lập hai Hội Dòng, một Dòng gồm các nam sinh dưới danh xưng Tiểu Đệ Thánh Tâm Chúa Giêsu, và Dòng còn lại là nữ sinh Dòng chị em Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông. Hai cộng đoàn này, với hai phần ba đời sống vật chất được bảo đảm, ngày nay có 40 thành viên của cộng đoàn Tiểu Đệ, và hơn 50 thành viên của cộng đoàn Con Đức Bà. Từ khi chúng tồn tại, cộng đoàn Con Đức Bà khoảng 7 năm, cộng đoàn kia 6 năm, hai công việc chính của họ hệ tại đào tạo bản thân trong đời sống tu trì và thủ đắc kiến thức cần thiết để điều hành trường học. Một số Thầy và Nữ tu đã khấn tạm và trong cộng đoàn này và cộng đoàn kia, do đã đạt được chứng chỉ Pháp – An Nam, nên một số trường có thể được thành lập hợp pháp, nếu không thiếu tiền ».
+ Thư ngày 15/11/1929
« Đúng là không bao lâu nữa, Dòng Tiểu Đệ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Dòng chị em Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông sẽ có thể cạnh tranh và mở các trường học mà để điều hành chúng, các Nữ tu này và nhất là các Tiểu Đệ đó đã được lập thành thành các Dòng tu… ».
+ Thư ngày 1/5/1931
« Vì tuổi đã cao của con (79 tuổi kể từ ngày 12 tháng Hai vừa qua), cũng do sự suy yếu thể lý của con ngày càng trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt khi con bị mù hoàn toàn ; trong lương tâm, con phải thừa nhận rằng bây giờ con không thể điều hành giáo phận. Do đó, con xin ngài chấp nhận đơn từ nhiệm Đại diện Tông Tòa của con… »
+ Thư ngày 9/8/1931
« Vài ngày sau khi nhận được lá thư rất vinh dự ngày 10 tháng Sáu vừa qua của ngài, lá thư cho con biết rằng Đức Thánh Cha đã chấp thuận đơn xin nghỉ hưu của con, Đức cha Chabanon đã nhấn chức vụ Đại diện Tông Tòa và tức khắc đảm nhận toàn bộ trách nhiệm giáo phận Huế ».
Thay lời kết
« Các thánh tử vì đạo cho chúng ta thấy rằng mọi Kitô hữu đều được mời gọi làm chứng cho cuộc sống, ngay cả khi họ không đi đến chỗ đổ máu, bằng cách biến mình thành quà tặng cho Thiên Chúa và anh chị em của mình, theo gương Chúa Giêsu. » Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như thế trong bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ hôm 19/4/2023. Và Đức cha Allys là một trong những người môn đệ – truyền giáo – phục vụ xứng đáng với lời khẳng định đó nhất, khi biến cuộc đời mình thành « hạt lúa mì » gieo vào lòng đất Việt Nam, mục nát đi, để trở nên « quà tặng cho Thiên Chúa và anh chị em của mình theo gương Chúa Giêsu ».
Và ngày hôm nay, « Giáo hội Việt Nam đã có thể thực hiện những tiến bộ to lớn này là nhờ những nỗ lực được Hội Thừa Sai Paris thực hiện trong việc gieo những hạt giống tốt trên các vùng đất loan báo Tin Mừng ở Việt Nam ». Đó là lời phát biểu này của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Giáo phận Huế, trong cuộc hội ngộ « Un moment MEP » được Giáo hội Việt Nam tổ chức để tri ân Hội Thừa Sai Paris, ngày 18/4/2018. Và Đức Cha Tổ Phụ Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Phú Xuân, Huế, không chỉ là người gieo giống tốt, mà còn chính là « hạt giống tốt » trong lòng đất Mẹ Việt Nam, để nhờ đó Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô được lan rộng trên khắp quê hương Việt Nam.
Nhìn lại ơn gọi truyền giáo của Đức Cha Allys để nhắc nhở chúng ta tâm tình mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi những người sống đời thánh hiến : « Nhìn về quá khứ với lòng biết ơn, sống hiện tại cách say mê, và nhìn về tương lai với niềm hy vọng ». Quả thế, cuộc sống, con người và ơn gọi của Đức Cha Allys không phải là điều gì chỉ thuộc quá khứ, nhưng có tính thời sự cách sâu xa, thúc giục chúng ta đảm nhận ơn gọi của mình hôm nay cách can đảm sáng tạo, trong tâm tình dâng hiến, trở nên quà tặng cho Thiên Chúa và cho anh chị em, với tư cách là người môn đệ – truyền giáo – phục vụ. Và nhất là cuộc đời của ngài nhắc nhở cho chúng ta rằng có một mục tử như thế đã bước theo Chúa Giêsu Kitô, Mục Tử Nhân Lành, cho đến giây phút cuối cùng.
Nguồn: xuanbichvietnam.net
bài liên quan mới nhất
- Sứ vụ của Sơ Luke Boiarsk: xây dựng cộng đồng, biến đổi cuộc sống tha nhân
-
Sơ Pia và sứ vụ mang lại ánh sáng cho trẻ em khiếm thị ở Rwanda -
Nữ tu Công giáo Nigeria được trao giải thưởng Opus trị giá 1,2 triệu đô la -
Bà Nancy và ông Patrick, triệu phú Canada bỏ tất cả để trở thành thừa sai tại đền thánh Mễ Du -
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm -
Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu -
Chứng tá truyền giáo của cha Ignazio Lastrico ở Brazil: Điều quan trọng là luôn hiện diện và ở mọi nơi -
Những nữ thừa sai ở bang Meghalaya, Ấn Độ -
Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, vị giám mục phá tan băng giá -
Khi đức tin là sự lan toả nhen lại tâm hồn chán nản
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)
-
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong thánh -
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức cha Pierre Lambert De La Motte người môn đệ yêu mến “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Cỗ tràng hạt quý chôn theo Công nương Diana -
Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam -
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại