Chúa nhật II Phục Sinh A

Chúa nhật II Phục Sinh A

2nd Sunday of Easter
Reading I: Acts 2:42-47 II: 1Peter 1:3-9

Chúa Nhật 2 Mùa Phục Sinh
Bài Đọc I: Công vụ 2:42-47 II: 1Pr 1:3-9

Gospel
John 20:19-31

19 On the evening of that first day of the week, when the doors were locked, where the disciples were, for fear of the Jews, Jesus came and stood in their midst and said to them, "Peace be with you."

20 When he had said this, he showed them his hands and his side. The disciples rejoiced when they saw the Lord.

21 (Jesus) said to them again, "Peace be with you. As the Father has sent me, so I send you."

22 And when he had said this, he breathed on them and said to them, "Receive the holy Spirit.

23 Whose sins you forgive are forgiven them, and whose sins you retain are retained."

24 Thomas, called Didymus, one of the Twelve, was not with them when Jesus came.

25 So the other disciples said to him, "We have seen the Lord." But he said to them, "Unless I see the mark of the nails in his hands and put my finger into the nailmarks and put my hand into his side, I will not believe."

26 Now a week later his disciples were again inside and Thomas was with them. Jesus came, although the doors were locked, and stood in their midst and said, "Peace be with you."

27 Then he said to Thomas, "Put your finger here and see my hands, and bring your hand and put it into my side, and do not be unbelieving, but believe."

28 Thomas answered and said to him, "My Lord and my God!"

29 Jesus said to him, "Have you come to believe because you have seen me? Blessed are those who have not seen and have believed."

30 Now Jesus did many other signs in the presence of (his) disciples that are not written in this book.

31 But these are written that you may (come to) believe that Jesus is the Messiah, the Son of God, and that through this belief you may have life in his name.

Phúc Âm
Gioan 20:19-31

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an!"

20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.

21 Người lại nói với các ông: "Chúc anh em được bình an! Như Chúa đã sai thầy, thì Thầy cũng sai anh em."

22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.

23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến.

25 Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tôma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."

26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an."

27 Rồi Người bảo ông Tôma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."

28 Ông Tôma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!

29 Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin."

30 Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.

31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Interesting Details

• This is the end of the Gospel of John. Chapter 21 following this is an appendix or epilogue. The last verse shows the purpose of the gospel: that we can believe in Jesus and have life.

• The vocation of a patriarch or prophet (Moses, Gideon, Jeremiah, Jesus' disciples) often has 5 stages. Here is the pattern:

1. INTRODUCTION: the setting is in a house with locked door;

2. CONFRONTATION (Jesus appeared),

REACTION (disciples are shocked), and

REASSURANCE ("Peace be with you");

3. COMMISSION: "I send you";

4. OBJECTION: by Thomas;

5. REASSURANCE (Jesus appears again) and SIGN ("examine my hands").

Chi Tiết Hay

• Đoạn Phúc Âm này là kết thúc Phúc Âm Thánh Gioan. Chương 21 kế tiếp là phụ trương được thêm vào sau. Câu cuối trong bài tóm lược mục đích của cả cuốn Phúc Âm là chúng ta tin nơi Đức Kitô mà được sự sống.

• Ơn gọi của một giáo trưởng hoặc một ngôn sứ (Môsê, Gideon, Jeramiah, môn đệ Đức Giêsu) thường trải qua 5 giai đoạn sau đây:

1. Dẫn Nhập: một căn nhà khóa kín cửa;

2. Đối Diện: Đức Giêsu hiện ra,Phản Ứng (các môn đệ sửng sốt) và Trấn An ("Bình an cho anh em");

3. Sứ Mạng: "Thầy sai anh em";

4. Chống Đối: như Thánh Tôma;

5. Trấn An: (Đức Giêsu hiện ra lần nữa) và Dấu Chỉ ("Hãy xem bàn tay Thầy").

One Main Point

Jesus returns in his glory, as he has promised. Some other promises are also fulfilled, such as joy (Jn 14:19; Jn 16:16-24) and peace (Jn 14:27).

Một Điểm Chính

Đức Kitô trở lại trong vinh quang như lời đã hứa. Ngài cũng kiện toàn những lời hứa khác như mang lại niềm vui (Gioan 14:19, 16:16-24) và sự bình an (Gioan 14:27).

Reflections

1. What are the stages or stepping-stones in my following Christ?

2. What (or who) has helped me to believe in Jesus and have life?

3. Can I be a living Gospel so that others can believe in Jesus and have life?

Suy Niệm

1. Khi theo Chúa tôi đã trải qua những giai đoạn và bước tiến nào?

2. Những gì hoặc ai ai đã giúp tôi tin nơi Đức Kitô và được sống?

3. Tôi có phải là một Phúc Âm sống để người khác tin vào Chúa Giêsu mà được sống?

CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH – Năm A

CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Lời Chúa: Cv 2,42-47; 1Pr 1,3-9; Ga 20,19-31

MỤC LỤC

1. Tin vào Chúa sống lại
2. Chúng tôi đã thấy Chúa
3. Hãy nhìn xem
4. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
5. Tin
6. Dấu ấn của đau khổ
7. Tôma
8. Một sự thăng cấp lạ lùng – Achille Degeest.
9. Dấu chân của Thiên Chúa – R. Veritas
10. Phục sinh

SUY NIỆM

1. Tin vào Chúa sống lại

Đoạn Tin Mừng hôm nay kể lại hai lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra cách nhau vừa đúng một tuần.

Lần thứ nhất Ngài hiện ra với nhóm các môn đệ đang run sợ trong một căn phòng đóng kín. Ngài đã cầu chúc bình an, còn các ông thì vui mừng khi gặp lại Ngài. Chúa Giêsu hiện ra không phải chỉ để đem lại cho các ông niềm vui mừng và an ủi sau những giờ phút kinh hoàng của cuộc thương khó. Nhưng hơn thế nữa, Ngài còn muốn mời gọi các ông tham dự vào sự biến đổi sâu xa nơi bản thân Ngài. Hay nói cách khác, Ngài muốn đưa các ông đi vào mối quan hệ với chính Ngài. Các ông đã biết Ngài trong cuộc sống thân xác, nhưng cuộc sống ấy đã qua bởi vì Ngài đã sống lại, đã được đổi mới trong Thánh Thần cho một cuộc sống mới, trong một cuộc sáng tạo mới.

Đúng thế, khi tạo dựng Adong nguyên tổ loài người, Thiên Chúa đã hà hơi ban sinh khí thì nay vào ngày đầu tiên của công cuộc tạo dựng mới, Đức Kitô Phục sinh cũng đã hà hơi trên các môn đệ đang như chết cóng vì hợ hãi, để ban cho các ông sinh khí mới là Thánh thần. Chính nguồn sinh khí mới này sẽ đem lại cho các ông quyền tha tội, mà trước đây chỉ dành cho một mình Chúa Giêsu. Các con hãy chịu lấy Chúa Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Như thế, chúng ta thấy: Chúa Thánh Thần và quyền tha tội được nối kết chặt chẽ với nhau, vì mục đích chính yếu của Chúa Thánh Thần là tẩy luyện, là đổi mới. Tiếp đến các ông được Chúa sai đi, hầu tham dự vào công cuộc tẩy luyện và đổi mới trần gian. Trước kia, khi Chúa Giêsu còn ở với các ông, các ông có thể sống ỷ lại và tầm thường, nhưng giờ đây thì không được nữa, bởi vì các ông đã lãnh nhận một sứ mạng lớn lao: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. VÌ thế các ông tiếp nối chính sứ mạng được sai đi của Chúa Giêsu. Các ông sẽ lên đường và làm chứng về Ngài cho đến tận cùng bờ cõi trái đất.

Lần thứ hai Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, trong đó có cả Tôma một người vốn cứng lòng. Và chúng ta thấy Tôma đã tuyên xưng đức tin của mình sau khi đã nhìn thấy những vết thương nơi tay chân và trái tim của Chúa. Từ đó, Ngài mời gọi các ông hãy có lấy một lòng tin mới. Từ nay lòng tin sẽ không còn đặt nền tảng trên giác quan, mà là trên chứng từ của những người đã thấy. Chính với lòng tin này mà người Kitô hữu được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô Phục sinh.

Ngày nay, Giáo Hội nói chung và mỗi người tín hữu nói riêng cũng sẽ tiếp nối sứ mạng được sai đi mà ngày xưa Ngài đã trao cho các môn đệ. Chúng ta được sai đi để rao tỉang sự sống lại, để xây dựng một quan hệ mới giữa con người với con người. Con người tội lỗi, thuộc thế giới cũ, bị đặt dưới quyền lực của sự chết và bị coi như thù địch. Trong khi đó, con người phục sinh với cuộc sống mới, phải đối xử với nhau như anh em phải yêu thương và đùm bọc lấy nhau. Thực hiện được sứ mạng sai đi như thế, là chúng ta đã chu toàn được điều Đức Kitô Phục sinh nhắn gởi đến mỗi người chúng ta.

2. Chúng tôi đã thấy Chúa

Suy Niệm

Sau khi được phục sinh, Đức Giêsu được tôn vinh lên làm Chúa, nhưng Ngài vẫn dễ thương như xưa.

- Nỗi bận tâm lớn nhất của Ngài là các môn đệ.

- Việc làm quan trọng nhất của Ngài là đi thăm các ông.

- Ngài đưa các ông ra khỏi nỗi sợ hãi co quắp, khỏi căn nhà đóng kín cửa âm u.

- Ngài chúc cho họ bình an ba lần (c.19.21.26), thứ bình an ngay giữa những bất an, dao động.

 Đức Giêsu phục sinh cho họ xem các vết thương. Thân xác chiến thắng của Ngài sẽ mãi mãi mang dấu tích của cuộc khổ nạn.

Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa, vì được Ngài cho tham dự vào cùng một sứ mạng: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em."

Chỉ có một người không vui, đó là ông Tôma. Ông này vốn có óc thực tiễn (Ga 11,16; 14,5). Chẳng rõ vì sao ông hụt gặp Đức Giêsu phục sinh. Chỉ biết ông đã "không ở với" các môn đệ, lúc Ngài đến. Có vẻ giữa ông và cả nhóm có cái gì xa cách. Sự xa cách này trở nên rõ rệt hơn, khi ông thẳng thắn từ chối tin vào lời chứng của các bạn: "Chúng tôi đã thấy Chúa." Nhưng ông lại rất tin vào chính mình, vào giác quan. "Nếu tôi không thấy... nếu tôi không xỏ ngón tay... nếu tôi không thọc bàn tay... tôi sẽ chẳng tin đâu." Ông có thái độ như một nhà khoa học thực nghiệm.

Đức Giêsu phục sinh đến với nhóm, nhưng không quên một ai. Ngài muốn cho Tôma được toại nguyện.
Tuần sau, khi Tôma ở với nhóm, thì Ngài hiện đến. Ngài chê ông cứng lòng trước những lời chứng của anh em, nhưng Ngài vẫn thoả mãn từng điều ông đòi hỏi. Rốt cuộc Tôma cũng được thấy và tin như anh em.

Đức tin của chúng ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy và đã tin, đã dám hy sinh mạng sống để nói rằng Ngài sống lại.

Quanh chúng ta vẫn có nhiều người giống Tôma. Họ đòi "thấy và chạm đến" những thực tại vô hình, như Thiên Chúa, linh hồn, đời sau.

Nếu "thấy và chạm" có nghĩa là "có cảm nghiệm", thì đòi hỏi trên thật là chính đáng. Đức Giêsu đã cho Tôma được thấy và chạm đến Ngài.

Chúng ta cũng phải có khả năng giúp người khác thấy và chạm đến những điều vô hình nhưng có thật.

Chúng ta cần sống như người đang thấy Thiên Chúa, cần thanh thoát như người đã đụng đến trời cao, cần bay lên khỏi cái nặng nề của thân xác như người đã cảm được cái nhẹ bổng của linh hồn.

Truyền giáo là làm cho người ta tin, làm cho người ta thấy và chạm đến Thiên Chúa. Nhưng trước hết, mỗi người chúng ta phải nói được rằng: "Tôi đã thấy Chúa" (Ga 20,18). Và tất cả cộng đoàn chúng ta phải nói được rằng: "Chúng tôi đã thấy Chúa" (Ga 20,25).

Gợi Ý Chia Sẻ

1. Bạn nghĩ gì về đức tin của bạn? Có khi nào bạn thấy đức tin đó mạnh không? Nếu bạn thực sự tin vào Chúa, vào sự phục sinh, bạn có thấy cuộc đời bạn sẽ có những thay đổi và chuyển biến lớn lao không?

2. Có ai là Tôma trong nhóm của bạn không? Có ai chưa được hưởng niềm vui phục sinh? Bạn đã làm gì để nâng đỡ họ?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa, xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác...
Chính vì Chúa đã phục sinh nên con vui sướng và can đảm vượt qua, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng và niềm vui.

Ước gì ai gặp con cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

3. Hãy nhìn xem

Suy Niệm

Thân xác chúng ta thường mang những vết sẹo, hậu quả của những lần bị trầy trụa, té ngã. Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng kỷ niệm.

Dù vui hay buồn thì cũng là chuyện đã qua. Vết sẹo làm ta kém đẹp, nhưng không làm đau như xưa.

Khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra thăm các môn đệ, Ngài giúp họ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo.

Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn. Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng: Thầy chính là Đấng đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được cái chết.

Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Chúa phục sinh có sẹo, dù điều đó chẳng đẹp gì.

Ngài không ngượng mà cho các môn đệ xem.Những cái sẹo sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc. Chúng gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau. Nhưng nếu không có chúng thì cũng chẳng có phục sinh. Chẳng cần phải xóa đi khỏi ký ức cuộc khổ nạn kinh hoàng và cái chết nhục nhã.

Chúng ta cũng lên thiên đàng với các vết sẹo của mình. Sống ở đời sao tránh khỏi những dập gẫy, thương tích. Nếu chúng ta đón nhận mọi sự với tình yêu thì mọi sự sẽ trở nên nhịp cầu cứu độ.
Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành. Có những vết thương tưởng chẳng thể nào thành sẹo. Chúng ta có dám cho người khác thấy sẹo của mình không?

Cuộc khổ nạn của Thầy đã làm các môn đệ bị thương. Các vết sẹo của Thầy sẽ chữa lành những vết thương đó. Hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh. Chính lúc đó ông khám phá thật sâu một Tình Yêu.

Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.
Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông.
Ông đâu dám mong Thầy sẽ đích thân hiện đến để thỏa mãn những đòi hỏi quá quắt của mình. Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân.

Ông ra khỏi được sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin. Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy.
Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.

Tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy. Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu Tôma, nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu khác.

Cần tập thấy Chúa để rồi tin.
Có khi phải tập nhìn lại những vết sẹo của mình, của Hội Thánh, của cả thế giới, để rồi tin rằng Chúa phục sinh vẫn đang có mặt giữa những trăn trở và vấp váp, thất bại và khổ đau. "Phúc cho những ai không thấy mà tin", và phúc cho những ai biết thấy nên tin.

Gợi Ý Chia Sẻ

• Đọc lại bài Tin Mừng trên, bạn thấy Chúa Phục Sinh đã tặng cho các môn đệ những món quà nào?

• Chắc các môn đệ khác đã thấy khó chịu trước thái độ của ông Tôma. Tập thể nào cũng có những Tôma! Thái độ của Chúa Giêsu có giúp bạn giải gỡ những xung đột trong nhóm của bạn không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, xin cho con luôn vui tươi.
Dù có phải lo âu và thống khổ, xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình; nhưng biết nghĩ đến những người quanh con, những người - cũng như con - đang cần một người bạn.

Nếu như con nên yếu đuối, thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn, thông cảm và nhân từ hơn.

Nếu bàn tay con run rẩy, thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.

Khi lâm tử, xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật như một lời kinh. Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác, như một lời xin vâng cuối cùng. Và con sẽ về nhà Chúa, để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.

4. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

GẶP GỠ ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm vọng Phục sinh tới hôm nay, Chúa nhật 2 Phục sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô phục sinh hiện ra. Từ những lần thấy Đức Kitô phục sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây:

1. Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.

Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn trong không gian. Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Ngươì xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người. Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới. Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài. Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp. Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syrira, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo. Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài. Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài. Đức Kitô phục sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Đức Kitô phục sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian. Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya. Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng. Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày. Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối. Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt. Không có thời gian nào Người không ở bên ta.

Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định. Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.. Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá. Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa. Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi. Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.

2. Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô phục sinh khơi dây niềm bình an, tin tưởng.

Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: "Bình an cho các con". Người còn thổi hơi vào các ông và nói: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".

Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo. Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình. Rồi Thần LinhChúa bay là là trên mặt nước. Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định.

Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình. Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần. Sau khi gặp Đức Kitô phục sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến. Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.

3. Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa.

Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ. Các môn đệ tuyệt vọng. Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường. Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Họ như đã chết với Thầy. Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi. Đức Kitô là linh hồn của họ. Linh hồn đã ra đi. Xác sống sao được.

Khi Đức Kitô phục sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.

4. Cảm nghiệm cuối cùng là, Đức Kitô phục sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh.

Đức Giêsu Phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ. Đức Kitô phục sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó. Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống. Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bât chấp trời đã tối đen. Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh. Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.

Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Đức Kitô phục sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng".

Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta. Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên. Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.

Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm.
Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời. Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú me. Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách. Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ. Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường. Người ở bên ngững cuộc đời bế tắc không lối thoát.

Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người. Hãy khao khát đón chờ Người. Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người. Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào. Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người. Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn. Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.

5. Tin

Trong thành Giêrusalem, ai nấy đều rõ: Ông Giêsu, người làng Nagiaret, đã chết. Thế nhưng, việc Ngài đột ngột sống lại đã gây nên nhiều thái độ khác nhau: Tin và không tin, chấp nhận và chống đối. Chúng ta cùng nhau phân tích thái độ của Tôma, vì nó rất gần gũi với chúng ta, cũng như soi sáng cho chúng ta tin vào Đức Kitô Phục sinh hơn.

Trước hết tin là phải chấp nhận có một thế giới khác vượt ngoài tầm tay và suy tưởng của chúng ta. Trong thời đại khoa học này, chúng ta dễ bị cám dỗ, chỉ tin vào những gì thấy được và hợp lý mà thôi.

Chính vì thế một bác sĩ giải phẫu đã tuyên bố:

- Tôi đã mổ nhiều người nhưng chẳng thấy linh hồn ở đâu.

Hay như một phi hành gia sau lần bay quanh mặt trăng ba vòng cũng tuyên bố:

- Tôi đã lên thật cao mà chẳng thấy Chúa nào ở trên trời cả.

Tôma cũng đòi phải thọc chính tay mình vào cạnh sườn Chúa thì ông mới tin. Thường tình con người vẫn muốn coi mình là trung tâm điểm và bắt Thiên Chúa phải thế này thế nọ thì chúng ta mới tin.

Tiếp đến, tin vào Chúa Phục sinh đòi chúng ta phải dám liều. Hai người yêu nhau dù có tâm sự tính toán kỹ với nhau, nhưng rồi cuối cùng cũng vẫn phải dám liều. Biết ngày mai sẽ ra như thế nào. Nếu chắc chắn thì còn thề thốt làm chi. Chẳng bao giờ con người có thể hiểu hết về Thiên Chúa cũng như về thế giới bên kia. Tin đây là tin Đấng đã chết mà nay sống lại, đồng thời Ngài đã hứa ban cho chúng ta đời sống vĩnh cửu sau khi chết.

Cũng như Tôma, chúng ta chỉ được nghe nói lại. Ngài là Đấng vô hình và dường như luôn vắng bóng và im tiếng, dù Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta. Tin như vậy không phải là dám liều, dán trao cả cuộc đời và con người chúng ta vào tay Đấng vô hình đó sao. Với Tôma, tin Ngài sống lại có nghĩa là phải tiếp tục từ bỏ những dự định riêng tư để bước theo Ngài.

Sau cùng, tin đòi phải chiến đấu. Đức tin không đem lại sự yên ổn. Sở dĩ như vậy vì đức tin đòi phải phá hủy con người cũ trong chúng ta. Bởi đó chúng ta phải chiến đấu với chính mình. Con người vẫn có khuynh hướng ôm chắc lấy những gì có sẵn, không muốn đánh mất thế giới họ đã tạo ra như của cải, mạng sống. Tin vào Chúa Phục sinh là hướng cả cuộc sống về đời sau Chúa hứa. Do đó, đức tin đòi chúng ta phải đặt lại giá trị tất cả những gì chúng ta đang có hay sẽ kiếm được, ngay cả đến mạng sống. Nhiều khi đức tin còn đòi chúng ta phải có thái độ dửng dưng và từ bỏ, nếu của cải, mạng sống ngăn cản Tin Mừng. Nếu không chiến đấu với những khuynh hướng đi xuống như vậy, chúng ta sẽ bị kéo ghì và ở lại mãi trong thế giới vật chất…Hơn nữa, đó cũng chính là não trạng chung của những người chung quanh. Họ sẽ trấn an để chúng ta sống như thể chẳng có Tin Mừng Phục sinh. Sống ngược với não trạng trần thế ấy đòi chúng ta phải có một ý chí phấn đấu và mạnh mẽ. Đáp lại,

Tin Mừng thường làm chúng ta có cảm giác lạc lõng và bơ vơ, không giống ai và bị thiệt thòi ở đời này.

Sống đức tin và đón nhận niềm vui của Đấng đã sống lại là điều khó khăn, chúng ta luôn bị cám dỗ đặt lại vấn đề đức tin, linh hồn, đời sau, giống như người Do Thái ngày xưa luôn muốn trở lại với kiếp nô lệ nhưng no nê, bảo đảm, và bàn tay khỏi lo lắng và đòi hỏi. Hãy vững niềm tin vì Chúa đã sống lại, Ngài ở với chúng ta luôn mãi.

6. Dấu ấn của đau khổ

Tôi không ngạc nhiên trước lời đòi hỏi của Tôma. Điều làm tôi suy nghĩ trong lúc này đó là tại sao thân xác phục sinh của Đức Kitô lại còn mang những thương tích, những dấu ấn của đau khổ?

Tôi cứ nghĩ rằng: sau khi sống lại, thân xác vinh quang của Đức Kitô hẳn không còn vết tích nào của những cực hình phải chịu. Bởi vì, sau cuộc thương khó là sự sống lại, sau đau khổ là vinh quang, sau ngày thứ sáu tuần thánh là sáng Chúa nhật phục sinh. Sự tương phản mãnh liệt đến độ chúng ta tưởng như có một bước nhảy vọt, cắt đứt và chia lìa giữa hai tình trạng kể trên, như thể sự phục sinh và vinh quang là phần thưởng cho những đau khổ Ngài đã phải chịu trong suốt cuộc thương khó, để rồi chúng ta sẽ dần dần quên đi những kỷ niệm bi đát ấy.

Trong cuộc sống chúng ta thấy người ta thường tặng thưởng huân chương cho những kẻ can đảm cứu vớt người bị chết đuối hạy gặp phải tai ương hoạn nạn. Tấm huân chương xứng đáng với những hy sinh mà kẻ ấy đã phải gánh chịu. Thế nhưng, đó cũng chỉ là một qui ước do xã hội đặt ra.

Sự phục sinh của Đức Kitô thì khác. Đó không phải chỉ là một dấu chứng của chiến thắng, của phần thưởng mà thôi, nhưng còn là một diễn tiến liên tục nơi thân xác Đức Kitô. Chính Ngài đã cắt nghĩa:

- Như hạt lúa mì rơi xuống đất, có mục nát đi thì mới trổ sinh nhiều bông hạt.

Giữa hạt giống được gieo trồng và bông lúa chín vàng dưới ắng nắng mặt trời có một sự liên tục trong phát triển. Bông lúa chỉ là kết quả của hạt giống được gieo trồng.

Nơi khác, Ngài cũng nói:

- Như người đàn bà lo âu khi giờ của mình đã đến, nhưng sau đó thì vui mừng vì đã sinh được một người cho thế gian.

Sự sinh nở chỉ là kết quả của việc thai nghén. Giữa hai sự kiện này luôn có một sự liên tục trong phát triển.

Cũng thế, Đức Kitô đã bước vào sự chết và sống lại. Chúa nhật phục sinh không phải chỉ đến sau ngày thứ sáu tuần thánh, mà còn là một sự tiếp nối, một kết quả, một hoa trái. Chính vì thế, chúng ta hiểu được tại sao Tôma có thể nhìn thấy những dấu ấn của đau khổ, của cực hình trên thân xác sống lại của Đức Kitô.

Vinh quang xuất phát từ thập giá và những dấu đanh đã không làm xấu đi, trái lại còn làm đẹp thêm cho thân xác phục sinh của Ngài. Cũng giống như trên khuôn mặt nhăn nheo của một cụ già. Những nếp nhăn ấy chính là kết quả những năm tháng dài của cuộc đời với những khổ đau và tang tóc, những hy sinh và gian khổ, những yêu thương và phục vụ. Những nếp nhăn ấy tạo nên vẻ đẹp của kinh nghiệm, của già dặn và chín chắn. Và rồi cặp mắt của cụ già sáng lên niềm hy vọng được gặp lại chính cái nhìn của Thiên Chúa.

Để kết luận, chúng ta hãy suy gẫm lời Chúa đã phán để hiểu được toàn bộ cuộc đời của Ngài, đó là Con người phải chịu đau khổ, và phải chết đi trước khi được bước vào vinh quang.

7. Tôma

Bài Tin Mừng kể lại câu chuyện Chúa Kitô Phục sinh hiện ra với các môn đệ vào ngày thứ tám sau khi Chúa sống lại. Vì thế, hôm nay là ngày thứ tám sau lễ Phục sinh, tức là ngày cuối cùng của tuần bát nhật mừng đại lễ Phục sinh, chúng ta nghe đọc lại câu chuyện này. Thực vậy, vào buổi chiều chính ngày Chúa nhật Phục sinh, Chúa Kitô đã hiện đến với các môn đệ đang tụ họp nhau trong căn phòng ăn bữa tiệc ly trước đó ba ngày, Chúa cho họ xem các thương tích ở tay và cạnh sườn Ngài để chứng thực Ngài đã sống lại. Nhưng hôm ấy không có mặt ông Tôma. Vì thế, khi nghe các bạn kể lại, ông không tin và khi nào tự tay kiểm chứng mới tin. Tám ngày sau, tức là Chúa nhật liền sau đó, Chúa Kitô hiện đến lần nữa và gọi ông Tôma ra kiểm chứng tay và cạnh sườn Ngài. Chúa đáp lại tất cả lời thách đố của Tôma. Khi ấy, ông cung kính và run sợ nói lên lời tuyên xưng lòng tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Chúa âu yếm nhìn ông và nói: “Hỡi Tôma, vì đã thấy Thầy, nên anh tin”. Rồi Chúa đưa mắt nhìn tất cả và nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Qua câu chuyện Tin Mừng kể lại, có người coi ông Tôma như là “bổn mạng” của những kẻ hoài nghi, cứng lòng, hoặc như là “ông tổ” của phái duy lý, duy thực nghiệm, chỉ tin những gì nhìn thấy được, sờ mó được. Nói thế quả là quá đáng và bất công. Nhưng dầu sao trong thái độ của ông Tôma, chúng ta cũng thấy phản ảnh thái độ hoài nghi và kém lòng tin của nhân loại, của mỗi người chúng ta. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta dễ tin lời người ta nói, dễ tin quảng cáo, tuyên truyền, nhưng trong phạm vi tôn giáo, chúng ta lại dễ hoài nghi, yêu sách lý lẽ minh bạch và đòi bằng chứng rõ ràng. Cho nên đừng vội trách ông Tôma, vả lại, thái độ toàn diện của ông rất đáng cho chúng ta khâm phục. Quả thực, lúc ban đầu, ông Tôma tỏ ra một thái độ cứng lòng, khó tin những điều các bà đạo đức, các bạn tông đồ kể lại, ông cho là ảo tưởng, không đáng tin. Chúa nhân từ và nhẫn nại, Ngài vui lòng chờ đợi qua tám ngày rồi mới hiện ra để thỏa mãn những yêu sách quyết liệt của ông. Nhưng trước bằng chứng quá hiển nhiên ấy, ông phục xuống và kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Theo cha Larăng, một học giả Kinh thánh nổi tiếng: đây là lần thứ nhất Chúa Giêsu được gọi bằng danh hiệu “Thiên Chúa” rõ rệt. Cho nên đây là một tác động đức tin hoàn toàn và quyết liệt sau một thời gian hoài nghi và từ khước. Tác động đức tin này có giá trị, vì thực sự ông Tôma đã vượt qua hình dáng bên ngoài để tới thực tại tiềm ẩn. Mắt ông chỉ nhìn thấy con người Chúa Giêsu, tay ông chỉ sờ tới những vết thương vật chất hữu hình, nhưng ông tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa của ông.

Lúc ấy Chúa phán một câu mà muôn đời sẽ suy niệm và trở nên nguồn an ủi phấn khởi cho mọi thế hệ về sau: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”. Nói điều ấy Chúa có ý nhằm đến chúng ta và muôn thế hệ sau nữa, là những người không được đặc ân chiêm ngưỡng dung nhan nhân loại của Chúa, không được đặc ân nghe tiếng Ngài, đụng chạm tới thân xác thánh thiện của Ngài. Chúng ta tin theo bằng chứng của các tông đồ và lời giảng dạy của Giáo Hội. Đức tin ở đây không phải là tin theo một học thuyết, một chân lý viễn vông, nhưng là tin vào một nhân vật lịch sử, sống động: Chúa Kitô chết và Phục sinh. Quả thực, sự hy sinh lớn lao của Chúa Kitô trên núi Sọ được Thiên Chúa đáp ứng, đó là Chúa Kitô đã sống lại. Nếu Chúa không sống lại thì tất cả cuộc khổ nạn của Ngài chỉ là một đường hầm mù mịt, chẳng dẫn đến đâu hết. Thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa nhật Phục sinh là hai mặt của chung một thực tại. Giả sử thiếu một trong hai biến cố: Chúa chết, Chúa sống lại, thì sự việc thành vô nghĩa. Tất cả những điều trên đây làm cho chúng ta phấn khởi và tăng thêm niềm xác tín vào mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô. Tuy nhiên, thái độ cứng lòng tin của ông Tôma cũng là điều có lợi cho chúng ta. Việc ông không tin lúc đầu là một bảo đảm làm cho niềm tin của chúng ta thêm vững chắc, vì niềm tin Chúa sống lại của chúng ta không chỉ dựa trên những lời nói suông, nhưng được xây dựng trên đức tin của một người thực tế, bình dân, đã nhìn thấy tận mắt và sờ tới tận tay vào thân xác sống lại của Chúa. Do đó, cùng với thánh Gơrêgôriô, chúng ta có thể kết luận: “Ngón tay đa nghi của ông Tôma đã trở nên ông thầy của toàn thể thế giới; bàn tay đa nghi của ông Tôma đã dạy cho mọi người một sự thật rất chắc chắn, đó là thân xác Chúa Giêsu Kitô đã Phục sinh”.

8. Một sự thăng cấp lạ lùng – Achille Degeest. (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Cảnh tượng thuật lại ở đây diễn tả ơn Chúa Thánh Thần mà Chúa Kitô ban cho các môn đệ khi Ngài chưa lên cùng Cha Ngài. Ơn Chúa Thánh Thần mà Chúa Kitô ban cho các môn đệ khi Ngài chưa lên cùng Cha Ngài. Ơn Chúa Thánh Thần có mục đích làm cho hàng giáo phẩm nên môi giới trong việc tha thứ tội lỗi và ban phát Chúa Thánh Thần. Đoạn Tin Mừng này là một trong những đoạn đánh dấu sự chuyển tiếp giữa thời kỳ Chúa Kitô trong những ngày còn trong thể xác và thời kỳ Giáo Hội tức là thời kỳ Chúa Kitô theo Thần Linh. Đoạn này loan báo những liên hệ mới nối kết con người với Thiên Chúa. Giáo Hội ngày nay đang sống trong một sự hiện diện của Chúa Kitô khác với sự hiện diện của những ngày kế tiếp Chúa sống lại, nhưng là một sự hiện diện thể hiện lời hứa không để các môn đệ mồ côi. Đâu là những liên hệ hiện nay của người Kitô hữu với Chúa Kitô, với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần.

1) Với Chúa Kitô. Chúa Kitô trong giai đoạn lịch sử của Ngài trong sự chết sống lại và vinh hiển, là đối tượng của đức tin. Chúng ta tin Chúa Giêsu Kitô là Đấng thực hiện sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta và nơi chúng ta. Thiên Chúa là Đấng cao xa đã nhờ Chúa Kitô, trở thành một sự hiện diện gần gũi với con người. Niềm xác tín mạnh mẽ rằng Chúa Kitô sống lại và hằng sống vẫn hiện diện với chúng ta ngày hôm nay, là một ơn huệ kỳ diệu của Phục Sinh. Việc Chúa sống lại không làm cho Ngài hiện diện cách thể lý như khi còn ở Galilêa, nhưng nó tạo điều kiện cho một sự kết hợp mới, về thiêng liêng thâm sâu hơn với Ngài nhờ đức tin và các bí tích. Hơn nữa, Chúa Kitô hoạt động trong chúng ta và qua chúng ta.

2) Với Chúa Cha. Xuyên qua hành động tin kính Chúa Kitô, chúng ta đến được với Chúa Cha. Nhìn ngắm Chúa Kitô trong một cái nhìn đức tin, tức là nhìn thấy Chúa Cha. Ngược lại, Chúa Cha khi nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Con, sẽ có một cái nhìn trìu mến mà Ngài hằng có đối với Chúa Giêsu. Lời nguyện cầu của chúng ta với tư cách là môn đệ Chúa Giêsu bắt gặp sự lắng nghe mà Chúa Cha luôn có đối với Chúa Con; lời cầu nguyện này luôn được chấp nhận. Hơn nữa toàn thể môn đệ họp thành Giáo Hội hôm nay, làm được những công việc mà Chúa Giêsu đã làm trong quãng đời ngắn ngủi của Ngài ở trần gian. Việc Phúc Âm hoá thế giới là một thí dụ. Trên tất cả mọi sự, nhờ ơn cứu độ, chúng ta được nên con của Thiên Chúa trong Chúa Con. Trở nên con cái Thiên Chúa: ôi, một sự thăng cấp kỳ diệu!

3) Với Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta những cơ cấu nội tâm làm phát sinh những hành động đức tin. Chính Ngài tạo ra trong chúng ta một tương quan mới liên kết chúng ta với Thiên Chúa. Ngài sáng soi, khuyên nhủ và củng cố chúng ta. Cần nhấn mạnh điều mà thánh Gioan nói về Thần Linh mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ. Các môn đệ ngày nay tức là Hàng giáo phẩm. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một sự phản kháng chống đối Hàng giáo phẩm nhân danh cái mà người ta có thể tóm tắt bằng từ ngữ dễ chịu là “tiếng nói tiên tri”. Những tác phẩm mới đây đã chứng tỏ rằng có một thứ tiên tri sai lầm, tách lìa khỏi Hàng giáo phẩm hay đối nghịch bằng một sự đối nghịch tự căn bản đối với giáo quyền, vùng vẫy trong những xung đột mâu thuẫn và chắc chắn không thể xuất phát từ Chúa Thánh Thần được. Thế thì do thần linh nào đây? Hãy coi, một tiên tri như thánh Phanxicô thành Assisi ngày xưa và nhiều vị Tông đồ lớn ngày nay, họ luôn tỏ ra rất lưu tâm đến việc hiệp thông với Phêrô và các môn đệ. Có lẽ thái độ của họ bắt nguồn từ cái họ không coi tình cảm cá nhân mình là cái gì tuyệt đối. Thật quá dễ mà chụp mũ từ ngữ Thần linh vào những “tiếng kêu la” của một thứ nhạy cảm độc địa hoặc những lời sấm của một thứ kiêu ngạo vô thức. Nhưng ai có được bảo đảm sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần nếu không phải là Phêrô và các Tông đồ.

9. Dấu chân của Thiên Chúa – R. Veritas (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Nhiều năm trước đây có một nhà bác học vượt qua sa mạc với mấy người Ả Rập thông thạo dẫn đường. Nhà bác học để ý thấy cứ chiều đến, khi hoàng hôn sắp lặn sau bãi cát mênh mông vô tận, thì những người Ả Rập cùng đi đường đều dừng lại trải chiếu trên cát, mặt hướng về mặt trời chắp tay cầu nguyện. Nhà bác học hỏi:- Các ông làm gì vậy?

Họ thản nhiên trả lời không chút do dự: Chúng tôi sấp mình thờ lạy và cầu nguyện cùng Allah là Thiên Chúa của chúng tôi.

Nhà bác học hỏi lại một cách mỉa mai:

- Vậy chứ các ông đã thấy Chúa bao giờ chưa? Có sờ tay đụng tới Ngài chưa? Hoặc đã nghe thấy tiếng của Ngài khi nào chưa?

Hướng dẫn viên Ả Rập mỉm cười đáp lại:

- Chưa, thực ra chúng tôi chưa hề mắt thấy tai nghe tiếng Chúa bao giờ cả?

Nhà bác học sửng sốt lên giọng:

- Các ông thực là những người điên, các ông mù quáng sấp mình thờ lạy một Chúa mà các ông chưa hề xem thấy hoặc tai chưa hề nghe tiếng Ngài.

Hướng dẫn viên Ả Rập giữ im lặng không đáp lại lời nào hết.

Sáng hôm sau, mặt trời chưa ló dạng, nhà bác họ đã thức dậy, bước ra khỏi lều và nói với hướng dẫn viên:

- Ông hãy nhìn xem, chắc chắn là tối hôm qua có con lạc đà nào đã đi qua đây rồi.

Một tia sáng đầy hy vọng và vui mừng loé lên trong ánh mắt hướng dẫn viên. Ông cất tiếng hỏi nhà bác học những câu hỏi liên tiếp:

- Vậy thì chắc là ông đã thấy lạc đà đi ngang qua đây tối hôm qua chứ? Hoặc là tay ông đã sờ tới lông nó đang lúc ông ngủ chăng?

Nhà bác học thật thà đáp lại:

- Không, tối hôm qua tôi ngủ ngon, đâu có thấy lạc đà và cũng không sờ tới lông nó.

Hướng dẫn viên nói:

- Vậy thì ông cũng chẳng khác gì người điên. Ông quả quyết là lạc đà đã đi ngang qua đây tối hôm qua, trong khi ông lại nói là mắt ông không thấy, tai ông cũng không nghe tiếng chân lạc đà.

Nhà bác học cương quyết cãi lại:

- Nhưng đây là bằng chứng rõ ràng: Ông không trông thấy dấu chân lạc đà còn y nguyên trên mặt cát hay sao?

Cùng lúc đó, mặt trời từ từ ló rạng kéo dài những tia sáng rực rỡ trên mặt cát bao la. Hướng dẫn viên Ả Rập giang tay trịnh trọng tuyên bố:

- Này ông bạn của tôi ơi! Ông hãy nhìn xem mặt trời và những tia sáng rực rỡ huy hoàng kia, đó chính là dấu chân huy hoàng của Thiên Chúa, Chúa mà chúng tôi tôn thờ.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu Phục Sinh đã nói với ông Tôma: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Thời đại chúng ta đang sống là thời đại khoa học. Đời sống được xây dựng trên khoa học, được hướng dẫn bởi khoa học, được đánh giá bằng khoa học. Cái gì cũng phải có khoa học. Mà khoa học thì phải chính xác, rõ ràng, có thể phân tích, mổ xẻ và kiểm nghiệm được. Tinh thần khoa học thực nghiệm được áp dụng vào mọi lãnh vực, kể cả tôn giáo. Người ta nhân danh khoa học mà phê phán tôn giáo. Cái gì có tính khoa học, kiểm nghiệm được mới đáng tin, ngoài ra là vấn đề tình cảm, cuồng tín, mê tín. Thái độ phê phán và não trạng thực nghiệm của con người thời nay không khác bao nhiêu so với tâm tính thực nghiệm và cứng rắn của Tông đồ Tôma thời xưa trong câu truyện Tin Mừng hôm nay.

Nghe các bạn kể lại: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa Phục Sinh”, ông Tôma vẫn không tin. Ông muốn dựa vào kinh nghiệm giác quan, chứ không phải dựa trên các chứng từ. Chúa Giêsu đã sẵn sàng đáp ứng và thoả mạn nguyện vọng của ông. Ngài đã hiện ra và bảo ông: “Tôma, hãy đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy… Hãy đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”. Đồng thời Chúa Giêsu cũng mời gọi ông: “Đứng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin…”. Không những tin vì đã thấy mà còn phải tiến đến chỗ tin cho dù không được thấy. Dựa vào Lời Chúa, ông Tôma đã tin mà không cần kiểm chứng nữa. Lúc ấy, Chúa Giêsu mới mạc khải chân lý này: “Ai không thấy mà tin mới là người có phúc”.

Thưa anh chị em,
“Ai không thấy mà tin mới là người có phúc”. Lời này như được ngỏ với chúng ta, những người tín hữu Kitô hôm nay mà lòng tin dựa trên chứng từ của các Tông đồ, chứ không dựa vào kinh nghiệm giác quan: sống cách xa biến cố Chúa Phục Sinh gần 2000 năm, chúng ta hãy khiêm tốn lãnh nhận đức tin. Tin nơi Thánh Kinh, tin nơi Giáo Hội, những bảo chứng đáng tin nhất, không còn cách nào khác. Với ơn đức tin, chúng ta có thể gặp Chúa và tiếp cận với Ngài. Đó là một hạnh phúc thật sự. Theo ý hướng đó, lời tuyên xưng của ông Tôma cũng phải là lời tuyên xưng đức tin của Hội Thánh, của mỗi người ca vào Đức Kitô ”Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”.

Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh thực sự đem lại cho người Kitô hữu một niềm hân hoan khôn tả, như Thánh Phêrô đã xác quyết: “Dù bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng anh em tin, nên anh em sẽ được vui mừng khôn tả, vì đã nắm chắc thành quả của đức tin anh em, là ơn cứu độ” (1Pr 1,9). Niềm hân hoan đó không chỉ lắng sâu trong tâm hồn, mà còn tràn ra bên ngoài trong cuộc đời các Kitô hữu. Điển hình là niềm vui trong cuộc sống của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi: “Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn sống với nhau trong tình huynh đệ, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu, đều một lòng đoàn kết và để mọi sự làm của chung… Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn thể dân chúng mến thương. Và số người cứu độ gia nhập cộng đoàn ngày càng thêm đông” (Cv 2,42-47).

Anh chị em thân mến, nếu Giáo Hội hôm nay có được cuộc sống như các tín hữu tiên khởi thì Giáo Hội lo sợ gì trước những tra vấn của khoa học. Chẳng những thế, Giáo Hội còn có khả năng cống hiến cho thời đại khoa học một lời chứng sống động, hùng hồn về hoạt động của Đấng Phục Sinh trong lịch sử, ngang qua cuộc sống dấn thân của các Kitô hữu để đem lại tình yêu và sự sống cho anh em đồng loại.

Con đường của lòng tin chúng ta hôm nay là con đường của lòng mến. Càng yêu mến nhiều, càng tin vững chắc. Và những người có lòng mến Chúa thường không cần phải tin, mà họ thấy. Thánh Tôma tiến sĩ cầu nguyện: “Chúa ơi, con không xin được xem thương tích Chúa như ông Tôma, nhưng con tuyên xưng Chúa là Chúa của con. Hãy làm cho con luôn tin vào Chúa, cậy trông Chúa và yêu mến Chúa hơn nữa”. Và có lẽ đó cũng là lời cầu xin của mỗi người tín hữu chúng ta, trong cuộc hành trình đức tin trên trần thế này cho đến ngày được xuất hiện trong vinh quang với Đấng Phục Sinh.

10. Phục sinh

Chứng lý về sự Phục sinh của Chúa Kitô, không chỉ dựa vào sự kiện ngôi mộ trống, mà còn phải kể đến những lần Đấng Phục sinh hiện ra với nhiều người, cũng như phải quan tâm đến những lời chứng của những người đã tận mắt nhìn thấy Chúa Kitô sống lại. Trang Tin Mừng hôm nay sẽ cung cấp cho chúng ta những chứng lý quan trọng và sống động ấy.

Chúa Kitô Phục sinh hiện đến vào lúc thánh Tôma vắng mặt, cho nên ông đã không tin rằng Chúa Giêsu sống lại. Vì thế, ông đòi hỏi một sự kiểm chứng. Thử hỏi 10 vị tông đồ kia, nếu không tận mắt nhìn thấy và đích thân gặp gỡ Đấng Phục sinh, các ông có thể dễ dàng chấp nhận lời của anh em khác không? Chúng ta rất hồ nghi. Bởi lẽ, chuyện kẻ sống lại là chuyện rất khó chấp nhận. Và chính các ông đã không ít lần tỏ ra nghi ngờ, nao núng, kể cả sau khi đã gặp Đấng Phục sinh.

Chúng ta không nên trách Tôma, ngược lại phải biết ơn ngài. Bởi vì chính “sự cứng lòng” của ngài lại làm kiên vững cho niềm tin yếu đuối của chúng ta, khi Đấng Phục sinh đáp trả đòi hỏi sự kiểm chứng bằng giác quan của thánh Tôma: “Tôma hãy đặt ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy; đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”. Điều này không chỉ để thỏa mãn đòi hỏi riêng của thánh Tôma, mà còn đáp trả cho yêu cầu của tất cả chúng ta, những kẻ “không thấy” mà được gọi là “tin”, nhất là trong thời đại khoa học thực nghiệm hôm nay.

Đồng thời, “sự cứng lòng” của thánh Tôma cũng làm cho lời chứng của cộng đoàn thêm mạnh mẽ. Ngày nay, chúng ta đều là những người không thấy mà tin dựa vào lời chứng của các tông đồ – những kẻ dám sống, dám chết cho niềm tin của mình.

Thánh Tôma là môn đệ cuối cùng tin Chúa sống lại, nhưng lại là người đầu tiên tuyên xưng đức tin. Sau khi được kiểm chứng về việc Phục sinh, ngài đã tin – một niềm tin đầy đủ nhất khi ông tuyên xưng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”. Khi ông tuyên xưng như thế, thì lời chứng của các tông đồ thật sự trở thành “đắt giá”, thật sự trở thành nền tảng vững chắc cho việc tuyên xưng đức tin của bao thế hệ Kitô hữu.

Hơn thế nữa, Đấng Phục sinh hiện ra không chỉ để chứng minh Người đã sống lại, nhưng còn để ban cho các ông sự sống mới “Người thổi hơi vào các ông…”

Con người vốn chỉ là bùn đất và chỉ có thể trở nên sống động qua việc “thổi hơi” của Thiên Chúa. Thì ở đây, chúng ta cũng nói được rằng chính Đấng Phục sinh đã thực hiện một cuộc sáng tạo mới, Ngài thổi hơi để biến đổi các tông đồ từ những con người yếu đuối, nhút nhát trở thành những con người mới với sức sống mới, trở thành những khí cụ sắc bén trong Thánh Thần để rao giảng Tin Mừng Phục sinh.

Đồng thời với việc ban sự sống mới là mệnh lệnh sai đi: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Tiếng “như” ở đây không phải là so sánh, mà là nền tảng và cội nguồn: nguồn cội của mệnh lệnh là chính Chúa Cha và nền tảng của mệnh lệnh là sứ vụ cứu thế mà Đấng Phục sinh hoàn thành. Các tông đồ được sai đi để làm chứng về Đấng Phục sinh và để nối dài hành động của Người trong thế giới. Hành động này giải thoát thế giới khỏi sự thống trị của tội lỗi, mà sức mạnh lớn nhất của nó là sự chết đã bị vượt qua.

Mỗi chúng ta, nhờ bí tích Thêm sức cũng được mời gọi trở nên những tông đồ hăng say làm chứng cho Chúa ngay trong môi trường sống của mình.

Trong thời đại hôm nay, chúng ta làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh không chỉ bằng lời rao giảng mà còn phải bằng chính cuộc sống của chúng ta. Cụ thể trong xã hội hôm nay, có rất nhiều người nhất là những người trẻ, họ luôn sống trong lo âu, sợ hãi, khủng hoảng hoặc không cần biết đến ý nghĩa cuộc sống, họ lao vào những tệ nạn xã hội mà không thoát ra được. Trước tình trạng đó, lẽ nào chúng ta ngồi yên? Là những con người của thiên niên kỷ mới này, chúng ta phải là những người đi bước trước đem sự bình an và đức tin sâu sắc giúp họ thoát khỏi thất vọng để tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống.

Mỗi chúng ta cần phải mở rộng lòng dám đi sâu vào thế giới để tìm hiểu và đem Chúa Phục sinh vào mọi lãnh vực, không bo bo trong vỏ ốc nhưng phải mở rộng ra khắp thế giới.
Có một câu chuyện kể lại rằng, một nhà thông thái kia muốn sáng lập một tôn giáo mới. Ròng rã nhiều năm, ông đem tất cả sự khôn ngoan của mình ra thuyết phục thiên hạ mà chẳng thấy ai theo. Ông bèn than thở với một người bạn thì nhận được một lời khuyên: “Nếu anh muốn người ta theo anh thì dễ thôi, anh hãy làm thế này: Thứ năm anh ăn bữa tiệc cuối cùng, thì thứ sáu anh để người ta đóng đinh anh trên khổ giá rồi chôn cất, Chúa nhật anh sống lại! Chắc chắn người ta sẽ theo anh rất đông?”.

Quả là lời khuyên độc đáo, và lại càng lý thú hơn, khi tác giả của lời khuyên này chính là Napôlêon!

Điều mà Napôlêon muốn nhấn mạnh ở đây, đều có sức lôi cuốn người ta chính là sự sống lại.

Thực vậy, biến cố Chúa Kitô Phục sinh chính là nền tảng và trung tâm của đời sống đức tin Kitô giáo chúng ta.

Đấng Phục sinh đã chọn “ngày thứ nhất trong tuần” làm ngày gặp gỡ các tông đồ. Như thế, “Ngày thứ nhất trong tuần” đã trở thành ngày của cộng đoàn, ngày của gặp gỡ, ngày hát mừng niềm vui Phục sinh, và nhất là ngày của cuộc “sáng tạo mới”. Xin cho mỗi ngày Chúa nhật cũng trở thành một ngày giúp chúng ta sống thánh thiện, hiệp thông, yêu thương… Để mỗi chúng ta trở thành một bằng chứng cho sự hiện diện sống động của Đấng Phục sinh.

Top