Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm B - Thiên Chúa là tình yêu (Mt 28,16-20)
“Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ
nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.” (Mt 28,19)
BÀI ĐỌC I: Đnl 4, 32-34. 39-40
“Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác”.
Trích sách Đệ Nhị Luật.
Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 32, 4-5. 6 và 9. 18-19. 20 và 22
Đáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).
Xướng:
1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Ngài làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. - Đáp.
2) Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Ngài. Vì chính Ngài phán dạy mà chúng được tạo thành, chính Ngài ra lệnh mà chúng trở nên thực hữu. - Đáp.
3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Đáp.
4) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Đấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 8, 14-17
“Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha!”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: “Abba - lạy Cha!” Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mt 28, 16-20
16 Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. 17 Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi.
18 Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy.
19 Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, 20 giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.
Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Giáo lý cho bài giảng Lễ Chúa Ba Ngôi năm B
Số 202, 232-260, 684, 732: Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi
Số 202. Chính Chúa Giêsu xác quyết rằng Thiên Chúa là “Chúa Duy Nhất”, và phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí và hết sức lực[1]. Đồng thời, Người cũng minh định rằng chính Người là “Chúa”[2]. Tuyên xưng “Đức Giêsu là Chúa” là nét đặc thù của đức tin Kitô giáo. Điều này không trái ngược với đức tin vào một Thiên Chúa Duy Nhất. Tin vào Chúa Thánh Thần là “Chúa và là Đấng ban sự sống” không hề đưa đến sự chia cắt nào nơi Thiên Chúa Duy Nhất:
“Chúng tôi tin cách vững vàng và tuyên xưng cách đơn sơ rằng chỉ có Một Thiên Chúa chân thật, vĩnh cửu, vô hạn và bất biến, vô phương thấu hiểu, toàn năng và khôn tả, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Ba Ngôi Vị, nhưng chỉ có một yếu tính, một bản thể hoặc một bản tính hoàn toàn đơn nhất”[3].
Số 232. Các Kitô hữu được rửa tội “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Trước đó họ đã ba lần trả lời “Tôi tin” để đáp lại ba câu hỏi yêu cầu họ tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. “Đức tin của mọi Kitô hữu cốt tại Chúa Ba Ngôi”[4].
Số 233. Các Kitô hữu được rửa tội “nhân danh” Cha và Con và Thánh Thần, chứ không “nhân các danh” của các Ngài[5], bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, Cha toàn năng, Con duy nhất của Ngài và Thánh Thần: Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
Số 234. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm của Thiên Chúa trong chính bản thể của Ngài. Vì vậy đây là nguồn mạch của các mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo lý căn bản nhất và chủ yếu nhất trong “phẩm trật các chân lý” đức tin[6]. “Lịch sử cứu độ chính là lịch sử của đường lối và phương thế, mà Thiên Chúa thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mạc khải cho con người, và giao hoà và kết hợp với Ngài những ai từ bỏ tội lỗi”[7].
Số 235. Trong tiết này sẽ vắn tắt trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải thế nào (I), Hội Thánh đã trình bày giáo lý đức tin về mầu nhiệm này thế nào (II), và sau cùng, Chúa Cha, nhờ sứ vụ thần linh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thực hiện “kế hoạch nhân hậu” của Ngài trong việc tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá như thế nào (III).
Số 236. Các Giáo phụ phân biệt Theologia với Oikonomia. Thuật ngữ thứ nhất chỉ mầu nhiệm sự sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thuật ngữ thứ hai chỉ mọi công trình của Thiên Chúa, qua đó Ngài tự mạc khải và truyền thông sự sống của Ngài. Nhờ Oikonomia mà Theologia được mạc khải cho chúng ta, nhưng ngược lại, Theologia soi sáng toàn thể Oikonomia. Các công trình của Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết Ngài trong bản thể của Ngài, và ngược lại, mầu nhiệm bản thể nội tại của Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu tất cả các công trình của Ngài. Trong các tương quan nhân loại, sự việc cũng diễn ra tương tự như vậy. Con người biểu lộ mình qua hành động và càng biết rõ một người nào đó, chúng ta càng hiểu rõ hành động của họ.
Số 237. Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm đức tin theo nghĩa hẹp, là một trong những mầu nhiệm được ẩn giấu nơi Thiên Chúa, “mà nếu Thiên Chúa không mạc khải thì không ai có thể biết được”[8]. Chắc chắn Thiên Chúa đã để lại những dấu vết nào đó về thực thể Ba Ngôi của Ngài trong công trình tạo dựng và trong việc Ngài mạc khải suốt dòng Cựu Ước. Nhưng đời sống nội tại của thực thể Ngài, là Ba Ngôi Chí Thanh, vẫn là một mầu nhiệm mà lý trí thuần tuý của con người không thể nào đạt đến được, và ngay cả đức tin của Israel cũng không thể biết mầu nhiệm đó, trước khi Con Thiên Chúa nhập thể và Chúa Thánh Thần được sai đến.
Chúa Cha được mạc khải nhờ Chúa Con
Số 238. Việc khẩn cầu Thiên Chúa với tước hiệu là “Cha” đã được biết đến trong nhiều tôn giáo. Thượng Đế thường được coi như “cha của các vị thần và của người phàm”. Trong dân Israel, Thiên Chúa được gọi là Cha, với tư cách là Đấng tạo dựng trần gian[9]. Hơn nữa Thiên Chúa còn là Cha vì Ngài đã lập Giao ước và ban Lề luật cho dân được gọi là “Israel con đầu lòng của Ta” (Xh 4,22). Ngài cũng được gọi là Cha của vua Israel[10]. Và đặc biệt hơn nữa, Ngài là “Cha của người nghèo”, của cô nhi, quả phụ, những kẻ được Ngài thương yêu che chở[11].
Số 239. Khi gọi Thiên Chúa là “Cha”, ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc thứ nhất và là Đấng uy quyền siêu việt trên hết mọi sự, đồng thời là Đấng nhân hậu và yêu thương chăm sóc mọi con cái của Ngài. Tình phụ tử này của Thiên Chúa cũng có thể được diễn tả qua hình ảnh tình mẫu tử[12]. Hình ảnh tình mẫu tử nói lên rõ hơn sự gần gũi của Thiên Chúa và sự thân mật giữa Thiên Chúa với thụ tạo của Ngài. Như vậy, ngôn ngữ đức tin múc nguồn nơi kinh nghiệm phàm nhân về cha mẹ, các vị này một cách nào đo, là những đại diện đầu tiên của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng kinh nghiệm đó cũng cho thấy rằng, cha mẹ phàm nhân có thể phạm sai lầm và họ có thể làm méo mó dung mạo của tình phụ tử và mẫu tử. Vì vậy phải nhớ rằng, Thiên Chúa siêu việt hẳn trên sự phân biệt phái tính của phàm nhân. Ngài không là nam mà cũng không là nữ. Ngài là Thiên Chúa. Ngài cũng siêu việt hẳn trên sự làm cha làm mẹ của người phàm[13], mặc dù Ngài là nguồn gốc và là chuẩn mực[14] của chức năng làm cha làm mẹ: không ai là cha như Thiên Chúa là Cha.
Số 240. Chúa Giêsu đã mạc khải Thiên Chúa là “Cha” theo một nghĩa chưa từng có: Ngài là Cha không những vì Ngài là Đấng Tạo Hoá, nhưng từ đời đời Ngài là Cha trong tương quan với Con duy nhất của Ngài, Đấng từ đời đời là Con trong tương quan với Cha của Người: “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27).
Số 241. Vì vậy các Tông Đồ tuyên xưng Chúa Giêsu là “Ngôi Lời”, “lúc khởi đầu … vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1), là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), và là “phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3).
Số 242. Sau các ngài, Hội Thánh tiếp nối Truyền thống Tông Đồ, trong Công đồng chung thứ nhất họp tại Nicêa năm 325, đã tuyên xưng Chúa Con “đồng bản thể với Chúa Cha”[15], nghĩa là, Người là một Thiên Chúa duy nhất cùng với Chúa Cha. Công đồng chung thứ hai họp tại Constantinôpôli năm 381, vẫn duy trì cách diễn tả trong công thức của tín biểu Nicêa và đã tuyên xưng: “Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời, Người là Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”[16].
Chúa Cha và Chúa Con được mạc khải nhờ Chúa Thánh Thần
Số 243. Trước cuộc Vượt Qua của Người, Chúa Giêsu báo tin sẽ sai đến một “Đấng Bào Chữa (Đấng Bảo Vệ) khác”, là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần, Đấng đã hoạt động trong công trình tạo dựng[17] và sau khi “đã dùng các Tiên tri mà phán dạy”[18], nay Ngài sẽ đến với và ở trong các môn đệ[19], để dạy bảo họ[20], và dẫn họ tới “sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Như vậy Chúa Thánh Thần được mạc khải như một Ngôi Vị thần linh khác, trong tương quan với Chúa Giêsu và với Chúa Cha.
Số 244. Nguồn gốc vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần được mạc khải trong ‘sứ vụ trong thời gian’ của Ngài. Chúa Thánh Thần được sai đến với các Tông Đồ và với Hội Thánh, hoặc do Chúa Cha nhân danh Chúa Con, hoặc do chính Chúa Con, sau khi Người trở về với Chúa Cha[21]. Sứ vụ của Ngôi Vị Chúa Thánh Thần sau khi Chúa Giêsu được tôn vinh[22] mạc khải một cách đầy đủ mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh.
Số 245. Đức tin tông truyền về Chúa Thánh Thần đã được Công đồng chung thứ hai họp tại Constantinôpôli năm 381 tuyên xưng: Chúng tôi tin kính “Chúa Thánh Thần, là Chúa và là Đấng ban sự sống; Ngài bởi Chúa Cha mà ra”[23]. Bằng lời tuyên xưng đó, Hội Thánh nhìn nhận Chúa Cha như “nguồn mạch và cội nguồn của tất cả thần tính”[24]. Nhưng cội nguồn vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần không phải không có liên hệ với cội nguồn của Chúa Con: “Chúng tôi tin rằng Chúa Thánh Thần, Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi, là Thiên Chúa duy nhất và đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con, cùng một bản thể, cùng một bản tính;... Ngài được gọi là Thần Khí không phải chỉ của Chúa Cha cũng không phải chỉ của Chúa Con, nhưng một trật là của Chúa Cha và của Chúa Con”[25]. Tín biểu Constantinôpôli của Hội Thánh tuyên xưng: “Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”[26].
Số 246. Tín biểu theo truyền thống La tinh tuyên xưng rằng Chúa Thánh Thần “bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con (Filioque) mà ra”. Công đồng Florentina, năm 1439, giải thích: “Chúa Thánh Thần … có bản tính và hữu thể của Ngài bởi Chúa Cha và một trật bởi Chúa Con, và từ đời đời Ngài xuất phát bởi Hai Ngôi như bởi một nguyên lý duy nhất và bởi một hơi thở duy nhất…. Và bởi vì mọi sự, vốn là của Chúa Cha, chính Chúa Cha đã ban cho Con Một khi sinh ra Con Một, trừ cương vị làm Cha, nên việc Thần Khí xuất phát bởi Chúa Con, thì từ đời đời Chúa Con có việc xuất phát đó là bởi Chúa Cha, Đấng cũng sinh ra Chúa Con từ đời đời”[27].
Số 247. Lời khẳng định “và bởi Đức Chúa Con” (Filioque) không có trong Tín biểu công bố năm 381 tại Constantinôpôli. Nhưng thánh Giáo Hoàng Lêô, dựa theo truyền thống cổ xưa của La tinh và Alexandria, đã công bố điều này như một tín điều vào năm 447[28], trước khi Rôma, tại Công đồng Chalcêđônia năm 451, biết đến và tiếp nhận Tín biểu của năm 381. Việc sử dụng công thức này trong Tín biểu được dần dần đưa vào phụng vụ La tinh (từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XI). Tuy nhiên, việc phụng vụ La tinh đưa công thức Filioque vào trong Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli, đã tạo nên sự bất đồng, mãi cho đến nay, với các Giáo Hội Chính Thống.
Số 248. Truyền thống Đông phương trước hết diễn tả rằng Chúa Cha là cội nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần. Khi tuyên xưng Chúa Thánh Thần “xuất phát từ Chúa Cha” (Ga 15,26), truyền thống đó xác quyết Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa Con (a Patre per Filium procedere)[29]. Còn truyền thống Tây phương trước hết xác quyết sự hiệp thông đồng bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con, khi nói rằng Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con (ex Patre Filioque procedere). Truyền thống này nói như vậy là “hợp pháp và hợp lý”[30], bởi vì theo trật tự vĩnh cửu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa trong sự hiệp thông đồng bản thể, Chúa Cha, với tư cách là “nguyên lý không có khởi đầu”[31], là cội nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần, nhưng còn với tư cách là Cha của Con duy nhất, thì Chúa Cha là nguyên lý duy nhất cùng với Con của Ngài, từ đó, Chúa Thánh Thần xuất phát “như từ một nguyên lý duy nhất”[32]. Sự bổ túc hợp pháp này, nếu không bị thổi phồng, thì không tác động gì đến sự đồng nhất của đức tin vào thực tại của cùng một mầu nhiệm được tuyên xưng.
Sự hình thành tín điều Chúa Ba Ngôi
Số 249. Ngay từ buổi đầu, chân lý được mạc khải về Ba Ngôi Chí Thánh đã có trong những điều căn bản của đức tin sống động của Hội Thánh, chủ yếu qua bí tích Rửa Tội. Chân lý đó được diễn tả trong quy luật đức tin về phép Rửa, được công thức hoá trong việc rao giảng, trong việc dạy giáo lý và trong kinh nguyện của Hội Thánh. Người ta đã gặp những công thức như vậy trong các tác phẩm của các Tông Đồ, như lời chào sau đây làm chứng, lời chào này đã được sử dụng lại trong Thánh lễ: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr 13,13)[33].
Số 250. Trong những thế kỷ đầu, Hội Thánh đã cố gắng trình bày minh bạch hơn đức tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa để đào sâu sự hiểu biết của chính mình về đức tin, vừa để bảo vệ đức tin khỏi những sai lạc muốn bóp méo đức tin. Đó là công trình của các Công đồng đầu tiên, được trợ lực bởi hoạt động thần học của các Giáo Phụ và được đón nhận bởi cảm thức đức tin của dân Kitô giáo.
Số 251. Để công thức hoá tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, Hội Thánh phải triển khai một thuật ngữ riêng, dựa vào những khái niệm bắt nguồn từ triết học, như: “bản thể” (substantia), “ngôi” hoặc “ngôi vị” (persona hoặc hypostasis), “tương quan” (relatio) v.v…. Làm như vậy, Hội Thánh đã không giao phó đức tin cho sự khôn ngoan phàm nhân, nhưng đã cho các từ ngữ này một ý nghĩa mới, chưa từng biết đến, những từ ngữ này từ nay sẽ được sử dụng để nói lên mầu nhiệm khôn tả, vốn “vô cùng vượt trên mọi điều chúng ta có thể hiểu được theo cách thức phàm nhân”[34].
Số 252. Hội Thánh sử dụng từ “bản thể” (substantia) (hoặc “yếu tính”, essentia hoặc “bản tính”, natura) để chỉ Hữu Thể thần linh trong sự duy nhất của Ngài, từ “ngôi” hoặc “ngôi vị” (persona hoặc hypostasis) để chỉ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong sự phân biệt thật sự với nhau giữa các Ngài, còn từ “tương quan” (relatio) để chỉ sự phân biệt của các Ngài trong vấn đề các Ngài quy chiếu về nhau.
Tín điều Ba Ngôi Chí Thánh
Số 253. Tam Vị Nhất Thể. Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi: “Ba Ngôi đồng bản thể”[35]. Các Ngôi Vị Thiên Chúa không chia nhau một thần tính duy nhất, nhưng mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn: “Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy, Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy, nghĩa là một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính”[36]. “Ba Ngôi Vị đều là thực thể đó, nghĩa là bản thể, yếu tính hoặc bản tính thần linh”[37].
Số 254. Các Ngôi Vị Thiên Chúa thật sự phân biệt với nhau. “Chúng tôi tôn thờ và tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc”[38]. “Chúa Cha”, “Chúa Con”, “Chúa Thánh Thần”, không phải đơn thuần là những danh xưng chỉ các dạng thức của “Hữu Thể” thần linh, bởi vì Ba Ngôi thật sự phân biệt với nhau: “Chúa Con không phải là Chúa Cha, và Chúa Cha không phải là Chúa Con, và Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con”[39]. Ba Ngôi phân biệt nhau qua các tương quan về nguồn gốc: “Chúa Cha là Đấng sinh thành, Chúa Con là Đấng được sinh ra, Chúa Thánh Thần là Đấng xuất phát”[40]. Thiên Chúa Nhất Thể Tam Vị.
Số 255. Các Ngôi vị Thiên Chúa có tương quan với nhau. Bởi vì sự phân biệt thật sự giữa các Ngôi Vị với nhau không phân chia thần tính duy nhất, nên sự phân biệt đó chỉ cốt tại các mối tương quan quy chiếu các Ngôi Vị với nhau. “Trong các danh xưng nói lên mối tương quan giữa các Ngôi vị, Chúa Cha có tương quan với Chúa Con, Chúa Con có tương quan với Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần có tương quan với Hai Ngôi kia. Khi xét về tương quan thì chúng ta nói là Ba Ngôi, nhưng chúng ta tin vào một bản tính hay một ban thể”[41]. Thật vậy, giữa Ba Ngôi “mọi sự … đều là một, khi không nói đến sự đối lập về tương quan”[42]. “Vì sự duy nhất đó, Chúa Cha hoàn toàn ở trong Chúa Con, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Con hoàn toàn ở trong Chúa Cha, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần hoàn toàn ở trong Chúa Cha, hoàn toàn ở trong Chúa Con”[43].
Số 256. Thánh Grêgôriô Nazianzênô, có biệt danh là “Nhà thần học”, cống hiến cho các dự tòng tại Constantinôpôli bản toát yếu đức tin về Ba Ngôi như sau:
“Trên hết mọi sự, tôi yêu cầu, bạn hãy gìn giữ kho tàng quý giá này, kho tàng đó là lý do để tôi sống và chiến đấu, là điều tôi muốn đem theo khi chết, là điều giúp tôi chấp nhận tất cả mọi gian khổ và khinh chê mọi lạc thú: tôi muốn nói đến đức tin, đến việc tuyên xưng vào Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hôm nay tôi trao lời tuyên xưng đó cho bạn. Với lời tuyên xưng đức tin đó, tôi sắp dìm bạn xuống nước thanh tẩy, rồi kéo bạn lên. Tôi trao cho bạn để làm người bạn đường, người bảo trợ suốt đời, lời tuyên xưng vào một Thần Tính và một Quyền Năng duy nhất, cùng gặp được trong Ba Ngôi, và gồm Ba Ngôi một cách phân biệt, không hơn kém về bản thể hoặc bản tính, không tăng giảm về sự cao hơn hoặc thấp hơn…. Ba Ngôi vô cùng, kết hợp với nhau vô cùng. Nếu xét riêng, mỗi Ngôi đều là Thiên Chúa. Nếu suy tưởng một trật, Ba Ngôi vẫn là một Thiên Chúa…. Tôi vừa suy tưởng đến Thiên Chúa Duy Nhất, thì lập tức hào quang của Ba Ngôi tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi vừa bắt đầu phân biệt Ba Ngôi, thì bị kéo trở lại Thiên Chúa Duy Nhất”[44].
Số 257. “Ôi nguồn sáng, Ba Ngôi diễm phúc, là Căn Nguyên Độc Nhất vũ hoàn!”[45] Thiên Chúa là hạnh phúc vĩnh cửu, là sự sống bất tử, là ánh sáng không tàn lụi. Thiên Chúa là tình yêu: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa tự ý muốn truyền thông vinh quang của sự sống hạnh phúc của Ngài. Đó là “kế hoạch yêu thương” (Ep 1,9) mà Ngài đã cưu mang từ trước khi tạo dựng trần gian trong Con yêu dấu của Ngài, và quả thật “Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô” (Ep 1,5), nghĩa là, Ngài đã tiền định cho chúng ta “nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài” (Rm 8,29) nhờ “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử” (Rm 8,15). Kế hoạch này là ân sủng “Ngài đã ban cho chúng ta từ muôn thuở” (2 Tm 1,9), xuất phát trực tiếp từ tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Kế hoạch đó được thể hiện trong công trình tạo dựng, và sau khi con người sa ngã, trong toàn bộ lịch sử cứu độ, trong các sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, được tiếp nối trong sứ vụ của Hội Thánh[46].
Số 258. Toàn bộ Nhiệm cục thần linh là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì cũng như Ba Ngôi chỉ có một bản tính, Ba Ngôi cũng chỉ có cùng một hoạt động[47]. “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là ba nguyên lý của thụ tạo nhưng là một nguyên lý duy nhất”[48]. Tuy nhiên mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa thực hiện công trình chung theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi. Cho nên, theo sau Tân Ước[49], Hội Thánh tuyên xưng: “Một Thiên Chúa là Cha, mọi sự đều bởi Ngài; Một Chúa Giêsu Kitô, mọi sự đều nhờ Người; và Một Chúa Thánh Thần, mọi sự đều trong Ngài”[50]. Các sứ vụ thần linh là việc Nhập thể của Chúa Con và việc trao ban Chúa Thánh Thần biểu lộ cách đặc biệt các đặc tính riêng của các Ngôi Vị Thiên Chúa.
Số 259. Toàn bộ Nhiệm cục thần linh là công trình vừa có tính chung, vừa có tính riêng, nên vừa cho thấy đặc tính của từng Ngôi Vị Thiên Chúa vừa cho thấy bản tính duy nhất của Ba Ngôi. Toàn bộ đời sống Kitô hữu cũng là sự hiệp thông với mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa mà không hề phân biệt Ba Ngôi. Ai tôn vinh Chúa Cha, là làm điều đó nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần; ai bước theo Chúa Kitô, là làm điều đó bởi vì Chúa Cha lôi kéo người ấy[51] và Chúa Thánh Thần thúc đẩy người ấy[52].
Số 260. Cùng đích của toàn bộ Nhiệm cục thần linh là đưa các thụ tạo đến hợp nhất trọn vẹn với Ba Ngôi Diễm Phúc[53]. Nhưng ngay từ bây giờ, chúng ta được kêu gọi trở nên nơi cư ngụ của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ay” (Ga 14,23):
“Lạy Thiên Chúa của con, lạy Ba Ngôi con tôn thờ, xin giúp con quên hẳn mình để an trú trong Chúa, bất động và thanh thản như thể linh hồn con đã ở trong cõi vĩnh hằng; xin đừng để điều gì có thể quấy phá sự bình an của con, và làm con phải ra khỏi Chua, ôi Đấng Bất Biến của con, nhưng mỗi giây phút xin đem con vào sâu hơn nữa trong mầu nhiệm thẳm sâu của Chúa! Xin ban bình an cho linh hồn con; xin biến linh hồn con thành thiên đàng của Chúa, thành nơi cư ngụ mà Chúa ưa thích, và nơi nghỉ ngơi của Chúa. Ước gì con không bao giờ bỏ mặc Chúa một mình, nhưng ước gì con ở đó với trọn vẹn bản thân, hoàn toàn tỉnh thức trong đức tin, hoàn toàn thờ lạy, và hoàn toàn phó thác cho hoạt động sáng tạo của Chúa”[54].
Số 684. Chúa Thánh Thần, bằng ân sủng của mình, là Đấng đầu tiên trong việc khơi dậy đức tin của chúng ta và trong sự sống mới, sự sống đó là nhận biết Chúa Cha và Đấng Chúa Cha đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô[55]. Tuy nhiên Chúa Thánh Thần lại là Đấng cuối cùng trong cuộc mạc khải các Ngôi Vị trong Ba Ngôi Chí Thánh. Thánh Grêgôriô Nazianzênô, “Nhà thần học”, giải thích tiến trình này qua đường lối sư phạm là “sự hạ cố” của Thiên Chúa:
“Cựu Ước đã giảng dạy một cách tỏ tường về Chúa Cha, nhưng một cách hơi lờ mờ về Chúa Con. Rồi Tân Ước cho chúng ta thấy cách rõ ràng về Chúa Con, và trình bày một cách lờ mờ nào đó về thần tính của Chúa Thánh Thần. Còn bây giờ, chính Thần Khí ngự giữa chúng ta và công bố cho chúng ta một cách tỏ tường hơn về Ngài. Quả vậy, sẽ là không khôn ngoan, nếu thần tính của Chúa Cha chưa được tuyên xưng, mà đã giảng dạy cách tỏ tường về Chúa Con; và nếu thần tính của Chúa Con chưa được đón nhận, thì việc giảng dạy về Chúa Thánh Thần, nói một cách quá đáng, là như chất thêm một gánh khá nặng cho chúng ta: … Nhờ những tiếp cận âm thầm thích hợp hơn và … những tiến dần lên, rồi những phát triển và tăng tiến ‘từ sự sáng sủa này đến sự sáng sủa khác’, ánh sáng của mầu nhiệm Ba Ngôi chiếu toả những tia sáng rạng ngời”[56].
Số 732. Trong ngày đó, mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh được mạc khải trọn vẹn. Sau ngày đó, Nước mà Đức Kitô đã loan báo, được mở ra cho những ai tin vào Người: trong sự khiêm hạ của xác phàm và trong đức tin, họ đã được tham dự vào sự hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa Thánh Thần, nhờ việc Ngài ngự đến, mà Ngài không ngừng ngự đến, dẫn đưa trần gian vào “thời đại cuối cùng”, thời đại của Hội Thánh, vào Nước đã được sở hữu làm gia sản, nhưng chưa hoàn tất:
“Chúng ta đã thấy Ánh sáng thật, chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần Thiên Chúa, chúng ta đã tìm được đức tin chân chính: chúng ta tôn thờ Ba Ngôi bất khả phân ly, vì chính Ba Ngôi đã cứu độ chúng ta”[57].
Số 249, 813, 950, 1077-1109, 2845: Chúa Ba Ngôi trong Hội Thánh và phụng vụ của Hội Thánh
Số 249. Ngay từ buổi đầu, chân lý được mạc khải về Ba Ngôi Chí Thánh đã có trong những điều căn bản của đức tin sống động của Hội Thánh, chủ yếu qua bí tích Rửa Tội. Chân lý đó được diễn tả trong quy luật đức tin về phép Rửa, được công thức hoá trong việc rao giảng, trong việc dạy giáo lý và trong kinh nguyện của Hội Thánh. Người ta đã gặp những công thức như vậy trong các tác phẩm của các Tông Đồ, như lời chào sau đây làm chứng, lời chào này đã được sử dụng lại trong Thánh lễ: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr 13,13)[58].
Số 813. Hội Thánh là duy nhất vì nguồn mạch của mình: “Khuôn mẫu mực tối cao và nguyên lý của mầu nhiệm này, là sự hợp nhất trong Ba Ngôi của Thiên Chúa duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần”[59]. Hội Thánh là duy nhất vì Đấng Sáng Lập của mình: “Quả thật, chính Chúa Con nhập thể … đã nhờ cây thập giá của mình mà giao hoà mọi người với Thiên Chúa … tái lập sự hợp nhất mọi người trong một dân tộc và một thân thể”[60]. Hội Thánh là duy nhất vì “linh hồn” của mình: “Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong các tín hữu, đầy tràn và điều khiển toàn Hội Thánh, làm cho các tín hữu hiệp thông với nhau cách kỳ diệu và kết hợp tất cả trong Đức Kitô cách rất mật thiết, cho nên Ngài là nguyên lý của sự hợp nhất của Hội Thánh”[61]. Vì vậy, theo bản chất, Hội Thánh là duy nhất:
“Ôi mầu nhiệm lạ lùng thay! Có Chúa Cha duy nhất của vũ trụ, có Ngôi Lời duy nhất của vũ trụ, và Chúa Thánh Thần duy nhất, và chính Ngài ở khắp nơi. Cũng có một người Mẹ Đồng Trinh duy nhất; mà tôi thích gọi người mẹ đó là Hội Thánh”[62].
Số 950. Sự hiệp thông các bí tích. “Quả vậy, hoa trái của tất cả các bí tích thuộc về hết mọi tín hữu; nhờ các bí tích này, giống như nhờ những mối dây thánh thiêng, họ được gắn liền và kết hợp với Đức Kitô, nhất là nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó, như qua một cái cửa, họ tiến vào Hội Thánh. Các Giáo phụ giải thích rằng, ‘các Thánh thông công’ trong Tín biểu phải được hiểu là sự hiệp thông các bí tích…. Danh xưng [hiệp thông] này phù hợp với tất cả các bí tích, vì tất cả đều kết hợp chúng ta với Thiên Chúa…; tuy nhiên danh xưng ấy thích hợp hơn cho bí tích Thánh Thể, là bí tích thực hiện sự hiệp thông này”[63].
Số 1077. “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Ngài đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Ngài đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1,3-6).
Số 1078. “Chúc lành” là hành động thần linh ban sự sống, và nguồn gốc của hành động này là Chúa Cha. Việc chúc lành của Ngài vừa là một lời nói vừa là một hồng ân (bene-dictio, eu-logia). Khi áp dụng cho con người, từ này có nghĩa “chúc tụng”, nghĩa là tôn thờ và ta ơn Đấng Tạo Hoá của mình.
Số 1079. Từ lúc khởi đầu cho đến lúc cùng tận thời gian, toàn bộ công trình của Thiên Chúa đều là chúc lành. Từ bài thơ phụng vụ về cuộc tạo dựng đầu tiên cho đến những thánh ca về thành Giêrusalem thiên quốc, các tác giả được linh hứng đều loan báo chương trình cứu độ như một lời chúc lành triền miên của Thiên Chúa.
Số 1080. Từ lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã chúc lành cho các sinh vật, đặc biệt cho người nam và người nữ. Giao ước với ông Noê và với tất cả mọi sinh vật canh tân lời chúc lành sinh sôi nảy nở này, bất chấp tội lỗi của con người đã khiến đất đai “bị chúc dữ”. Nhưng khởi từ tổ phụ Abraham, lời chúc lành của Thiên Chúa mới đi sâu vào lịch sử loài người, một lịch sử đang hướng về cõi chết, để làm cho nó tiến về cõi sống, tiến về nguồn mạch của nó: nhờ đức tin của “cha các kẻ tin”, người đã đón nhận lời chúc lành, mà lịch sử cứu độ được khởi đầu.
Số 1081. Những lời chúc lành của Thiên Chúa được bày tỏ qua các biến cố kỳ diệu và có ý nghĩa cứu độ: đó là việc sinh hạ Isaac, việc xuất hành ra khỏi Ai Cập (Vượt Qua và Xuất Hành), việc trao ban Đất Hứa, việc tuyển chọn Đavid, sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ, cuộc lưu đày có ý nghĩa thanh luyện và sự hồi hương của “ít người còn sót lại”. Lề Luật, các Tiên tri và các Thánh vịnh, dệt nên phụng vụ của dân Chúa chọn, vừa nhắc nhớ những lời chúc lành của Thiên Chúa, vừa đáp lại những lời chúc lành đó bằng những câu ca ngợi và chúc tụng tạ ơn.
Số 1082. Trong phụng vụ của Hội Thánh, lời chúc lành của Thiên Chúa được mạc khải và truyền thông cách sung mãn: Chúa Cha được nhận biết và được tôn thờ với tư cách là nguồn gốc và cùng đích của mọi chúc lành trong công trình tạo dựng và cứu độ; trong Ngôi Lời của Ngài, Đấng đã nhập thể, chịu chết và sống lại vì chúng ta, Chúa Cha đổ tràn trên chúng ta những lời chúc lành của Ngài, và nhờ Ngôi Lời, Ngài tuôn đổ vào lòng chúng ta hồng ân chứa đựng mọi hồng ân: đó là Chúa Thánh Thần.
Số 1083. Như vậy, chúng ta hiểu được chiều kích kép của phụng vụ Kitô giáo xét như lời đáp lại của đức tin và tình yêu đối với những lời “chúc lành thiêng liêng” Chúa Cha đã ban cho chúng ta. Một đàng, được kết hợp với Chúa của mình và dưới tác động của Chúa Thánh Thần[64], Hội Thánh chúc tụng Chúa Cha “vì phúc lộc khôn tả Ngài ban” (2 Cr 9,15), bằng việc tôn thờ, ca ngợi và tạ ơn. Đàng khác, cho tới khi kế hoạch của Thiên Chúa được hoàn tất, Hội Thánh không ngừng dâng lên Chúa Cha “lễ vật là những hồng ân Ngài ban”, và cầu khẩn Ngài ban Thánh Thần xuống trên lễ vật này, trên chính Hội Thánh, trên các tín hữu và trên toàn thể trần gian, để, nhờ hiệp thông vào sự chết và sự sống lại của Đức Kitô-Thượng tế, và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, những lời chúc lành này của Thiên Chúa đem lại hoa trái sự sống “để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta” (Ep 1,6).
Đức Kitô được tôn vinh
Số 1084. Đức Kitô, Đấng “ngự bên hữu Chúa Cha” và tuôn đổ Thánh Thần trên Thân Thể của Người là Hội Thánh, từ nay hoạt động qua các bí tích do chính Người thiết lập để truyền thông ân sủng của Người. Các bí tích là những dấu chỉ khả giác (các lời nói và các hành động) mà loài người chúng ta hiện nay vẫn có thể hiểu được. Các bí tích thực hiện cách hữu hiệu ân sủng mà chúng nói lên, nhờ hành động của Đức Kitô và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Số 1085. Trong phụng vụ của Hội Thánh, Đức Kitô chủ yếu biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Trong cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Người bằng lời giảng dạy và tham dự trước vào mầu nhiệm đó bằng các hành động của Người. Khi Giờ của Người đến[65], Chúa Giêsu đã sống biến cố độc nhất của lịch sử, một biến cố không qua đi: Chúa Giêsu chịu chết, chịu mai táng, sống lại từ cõi chết và ngự bên hữu Chúa Cha “một lần cho mãi mãi” (Rm 6,10; Dt 7,27; 9,12). Đó là biến cố xác thực, đã xảy ra trong lịch sử của chúng ta, nhưng là biến cố độc nhất. Tất cả những biến cố khác của lịch sử đã xảy ra một lần rồi qua đi, chìm vào dĩ vãng. Trái lại, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô không thể chỉ tồn tại trong quá khứ, bởi vì chính Người đã dùng cái chết của Người mà huỷ diệt sự chết, và bất cứ điều gì Đức Kitô là, bất cứ điều gì Người đã làm và đã chịu vì tất cả mọi người, những điều đó đều tham dự vào tính vĩnh cửu của Thiên Chúa, và như vậy đều vượt trên mọi thời gian và luôn là hiện tại. Biến cố Thập Giá và Phục Sinh vẫn đang tồn tại và lôi kéo mọi sự tới sự sống.
... từ Hội Thánh thời các Tông Đồ...
Số 1086. “Như Đức Kitô được Chúa Cha sai đi thế nào, thì chính Người cũng sai các Tông Đồ, được đầy tràn Thánh Thần, như vậy, không những để khi công bố Tin Mừng cho mọi thụ tạo, các Tông Đồ loan báo rằng Con Thiên Chúa đã nhờ sự chết và sự sống lại của Người, mà giải thoát chúng ta khỏi quyền lực Satan và sự chết, và đưa chúng ta vào Nước của Chúa Cha, nhưng còn để các Tông Đồ thực thi công trình cứu độ, mà các ông đã rao giảng, nhờ Hy Lễ và các bí tích, là trung tâm điểm của toàn thể đời sống phụng vụ”[66].
Số 1087. Như vậy, Đức Kitô Phục sinh, khi ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ, đã trao cho các ông quyền thánh hóa của Người[67]: Các ông trở nên những dấu chỉ bí tích của Đức Kitô. Nhờ quyền năng của cùng một Chúa Thánh Thần, các ông trao quyền thánh hóa ấy cho những người kế nhiệm. Việc “kế nhiệm Tông Đồ” này xây dựng nên toàn bộ đời sống phụng vụ của Hội Thánh; chính việc kế nhiệm đó mang tính bí tích và được lưu truyền qua bí tích Truyền Chức thánh.
... đang hiện diện trong phụng vụ trần thế...
Số 1088. “Để thực hiện một công cuộc lớn lao như vậy (phân phát hoặc truyền thông công trình cứu độ của Người), Đức Kitô luôn hiện diện trong Hội Thánh Người, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong Hy tế Thánh lễ cũng như trong con người thừa tác viên, “Đấng xưa đã tự hiến trên thánh giá, thì nay chính Người dâng hiến qua thừa tác vụ của các tư tế”, và nhất là Người hiện diện dưới hình bánh hình rượu Thánh Thể. Người hiện diện bằng quyền năng của Người trong các bí tích, đến nỗi khi một ai đó làm Phép Rửa, thì đó là chính Đức Kitô làm Phép Rửa. Người hiện diện trong Lời của Người, vì chính là Người đang nói, khi Kinh Thánh được đọc lên trong Hội Thánh. Cuối cùng, Người hiện diện khi Hội Thánh cầu nguyện và hát Thánh vịnh, như chính Người đã hứa: ‘Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ’ (Mt 18, 20)”[68].
Số 1089. “Trong công cuộc lớn lao như vậy, qua đó Thiên Chúa được tôn vinh cách hoàn hảo và con người được thánh hoá, Đức Kitô hằng liên kết với Hội Thánh là Hiền Thê rất yêu quý của Người, và Hội Thánh kêu cầu Người là Chúa của mình và nhờ Người mà phụng thờ Chúa Cha hằng hữu”[69].
... Phụng vụ trần thế tham dự vào phụng vụ trên trời
Số 1090. “Trong phụng vụ trần thế, chúng ta tham dự như một cách nếm trước phụng vụ trên trời, được cử hành trong thành thánh Giêrusalem, nơi chúng ta là lữ khách đang tiến về, ở đó, Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, là thừa tác viên của cung thánh, và của nhà tạm đích thực; chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa; chúng ta kính nhớ các Thánh, và hy vọng được đồng phận với các ngài; chúng ta mong đợi Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho đến khi Người, là sự sống của chúng ta, xuất hiện, và chúng ta sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang”[70].
Số 1091. Trong phụng vụ, Chúa Thánh Thần là nhà sư phạm về đức tin cho Dân Thiên Chúa, là Đấng thực hiện “những kỳ công của Thiên Chúa”, tức là các bí tích của Giao Ước Mới. Điều Chúa Thánh Thần mong muốn và thực hiện trong lòng Hội Thánh, đó là chúng ta được sống bằng sự sống của Đức Kitô phục sinh. Khi Chúa Thánh Thần gặp được nơi chúng ta lời đáp lại của đức tin mà Ngài đã khơi lên, thì đó là một sự cộng tác thật sự. Vì vậy phụng vụ là công trình chung của Chúa Thánh Thần và Hội Thánh.
Số 1092. Trong việc phân phát cách bí tích mầu nhiệm của Đức Kitô, Chúa Thánh Thần cũng hành động cùng một cách thức như trong các thời đại khác của Nhiệm cục cứu độ: Ngài chuẩn bị cho Hội Thánh gặp gỡ Chúa của mình; Ngài nhắc nhớ và làm tỏ hiện Đức Kitô cho đức tin của cộng đoàn; Ngài làm cho hiện diện và hiện tại hoá mầu nhiệm của Đức Kitô bằng quyền năng biến đổi của Ngài; sau cùng, Thánh Thần của sự hiệp thông kết hợp Hội Thánh vào đời sống và sứ vụ của Đức Kitô.
Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho việc đón nhận Đức Kitô
Số 1093. Trong Nhiệm cục bí tích, Chúa Thánh Thần hoàn tất các hình bóng của Cựu Ước. Bởi vì Hội Thánh của Đức Kitô “đã được chuẩn bị cách kỳ diệu trong lịch sử dân Israel và trong Cựu Ước”[71], nên phụng vụ của Hội Thánh giữ lại một số yếu tố của phụng tự Cựu Ước, xét như một phần không thể thiếu và không thể thay thế, coi đó là của mình:
– Chủ yếu là việc đọc Cựu Ước;
– Lời cầu nguyện của các Thánh vịnh;
– và nhất là tưởng nhớ các biến cố cứu độ và những thực tại đầy ý nghĩa đã được hoàn tất trong mầu nhiệm của Đức Kitô (Lời Hứa và Giao Ước, Xuất Hành và Vượt Qua, Vương Quốc và Đền Thờ, Lưu Đày và Hồi Hương).
Số 1094. Chính trên sự hoà hợp này giữa hai Giao Ước[72], mà giáo lý về cuộc Vượt Qua của Chúa được xây dựng[73], rồi đến giáo lý của các Tông Đồ và của các Giáo phụ. Giáo lý này khai mở những điều còn bị che giấu trong văn tự của Cựu Ước: đó là mầu nhiệm của Đức Kitô. Cách giải thích này được gọi là “tiên trưng”, vì nó cho thấy sự mới mẻ của Đức Kitô khởi từ những “hình bóng” (biểu trưng) loan báo về Người qua các sự kiện, lời nói và biểu tượng của Giao ước cũ. Nhờ việc đọc lại Cựu Ước trong Thánh Thần chân lý khởi đi từ Đức Kitô, các hình bóng được biểu lộ ra[74]. Chẳng hạn, cơn lụt hồng thủy và con tàu ông Nôê là hình bóng báo trước ơn cứu độ nhờ bí tích Rửa Tội[75]; cột mây và việc vượt qua Biển Đỏ cũng cùng ý nghĩa đó; nước từ tảng đá là hình bóng các hồng ân thiêng liêng của Đức Kitô[76]; manna trong hoang địa là hình bóng tiên báo Thánh Thể, “Bánh bởi trời, banh đích thực” (Ga 6,32).
Số 1095. Vì vậy, đặc biệt trong mùa Vọng, mùa Chay và nhất là đêm Canh thức Vượt Qua, Hội Thánh đọc lại và sống trở lại tất cả các biến cố lớn lao đó của lịch sử cứu độ trong “ngày hôm nay” của phụng vụ của mình. Nhưng điều đó cũng đòi hỏi việc dạy giáo lý phải giúp các tín hữu mở rộng tâm hồn để hiểu được ý nghĩa “thiêng liêng” ấy của Nhiệm cục cứu độ, đúng như phụng vụ của Hội Thánh bày tỏ và giúp chúng ta sống.
Số 1096. Phụng vụ Do thái và Phụng vụ Kitô giáo. Việc hiểu biết rõ hơn về đức tin và đời sống tôn giáo của dân Do Thái, như họ tuyên xưng và sống cho đến nay, có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn một số khía cạnh của phụng vụ Kitô giáo. Đối với người Do thái cũng như với Kitô hữu, Kinh Thánh là phần cốt yếu của cả hai nền phụng vụ: công bố Lời Chúa, đáp lại Lời Chúa, kinh nguyện ca ngợi và chuyển cầu cho người sống và kẻ chết, sự khẩn cầu lòng thương xót Chúa. Phụng vụ Lời Chúa, trong cơ cấu đặc trưng của nó, bắt nguồn từ phụng vụ Do thái. Các Giờ Kinh phụng vụ cũng như các bản văn và công thức phụng vụ khác, cũng song song với phụng vụ Do thái, kể cả các kinh nguyện đáng kính nhất của chúng ta, như kinh “Lạy Cha”. Các Kinh nguyện Thánh Thể cũng được cảm hứng từ những kiểu mẫu của truyền thống Do thái. Liên hệ giữa phụng vụ Do thái và phụng vụ Kitô giáo, kể cả những khác biệt trong nội dung, có thể thấy rõ cách đặc biệt trong các ngày lễ lớn của Năm phụng vụ, như lễ Vượt Qua. Các Kitô hữu và người Do thái cùng cử hành lễ Vượt Qua: đối với người Do Thái đó là lễ Vượt Qua của lịch sử hướng tới tương lai; còn đối với các Kitô hữu, lễ Vượt Qua đã được hoàn thành trong sự chết và sự sống lại của Đức Kitô, tuy vẫn luôn trông đợi sự hoàn tất chung cuộc.
Số 1097. Trong phụng vụ của Giao Ước Mới, mọi hoạt động phụng vụ, đặc biệt việc cử hành thánh lễ và các bí tích, đều là cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Cộng đoàn phụng vụ được hợp nhất “nhờ ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”, Đấng quy tụ các con cái Thiên Chúa trong Thân Thể duy nhất của Đức Kitô. Cộng đoàn này vượt trên các mối liên hệ phàm nhân, chủng tộc, văn hóa và xã hội.
Số 1098. Cộng đoàn phải chuẩn bị để gặp gỡ Chúa mình, sao cho là một dân đã hoàn toàn sẵn sàng[77]. Việc chuẩn bị các tâm hồn như vậy là công việc chung của Chúa Thánh Thần và của cộng đoàn, đặc biệt là của các thừa tác viên của cộng đoàn. Ân sủng của Chúa Thánh Thần tìm cách khơi dậy đức tin, sự hối cải tâm hồn và sự đồng thuận theo thánh ý Chúa Cha. Phải có những chuẩn bị này để có thể đón nhận những ân sủng khác được truyền thông trong chính việc cử hành, và các hoa trái của cuộc sống mới mà việc cử hành nhắm sản sinh ra sau đó.
Chúa Thánh Thần nhắc nhớ mầu nhiệm Đức Kitô
Số 1099. Chúa Thánh Thần và Hội Thánh cùng cộng tác để Đức Kitô và công trình cứu độ của Người được biểu lộ trong phụng vụ. Đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, và một cách tương tự trong các bí tích khác, phụng vụ là Sự Tưởng niệm mầu nhiệm cứu độ. Chúa Thánh Thần là ký ức sống động của Hội Thánh[78].
Số 1100. Lời Chúa. Trước hết, Chúa Thánh Thần gợi cho cộng đoàn phụng vụ nhớ lại ý nghĩa của biến cố cứu độ khi Ngài ban sức sống cho Lời Chúa đang được loan báo, để chúng ta có thể đón nhận và sống Lời Chúa:
“Trong cử hành phụng vụ, Thánh Kinh là hết sức quan trọng. Thật vậy, những bài trích từ Thánh Kinh được đọc lên, rồi được giải thích trong bài giảng, những Thánh vịnh trong Thánh Kinh được hát lên; và do sự gợi hứng và thúc đẩy của Thánh Kinh mà những lời kinh, lời nguyện và các bài phụng ca tuôn trào; và cũng từ Thánh Kinh mà các hành động cũng như các dấu chỉ có được ý nghĩa của chúng”[79].
Số 1101. Chúa Thánh Thần ban cho người đọc cũng như người nghe, tuỳ theo việc họ chuẩn bị tâm hồn, sự hiểu biết thiêng liêng về Lời Chúa. Qua các lời, các hành động và các biểu tượng, dệt thành việc cử hành, Chúa Thánh Thần đưa các tín hữu và các thừa tác viên vào trong tương quan sống động với Đức Kitô, là Lời và Hình Ảnh của Chúa Cha, để họ có thể làm sao cho ý nghĩa của các điều họ nghe, họ chiêm ngắm và họ hành động trong cuộc cử hành, được đưa vào trong đời sống của họ.
Số 1102. “Chính Lời của ơn cứu độ nuôi dưỡng đức tin trong tâm hồn các tín hữu; nhờ đức tin đó mà cộng đoàn các tín hữu khởi đầu và lớn lên”[80]. Việc loan báo Lời Chúa không dừng lại nơi một lời giảng dạy nào đó: nó đòi hỏi sự đáp lại của đức tin, xét như một ưng thuận và dấn thân, để có một Giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài. Chúa Thánh Thần còn ban ơn đức tin, củng cố và làm tăng trưởng đức tin trong cộng đoàn. Cộng đoàn phụng vụ trước hết là sự hiệp thông trong đức tin.
Số 1103. Kinh Tưởng niệm (Anamnesis). Việc cử hành phụng vụ luôn quy chiếu về những lần can thiệp cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử. “Nhiệm cục mạc khải này được thực hiện bằng các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, theo nghĩa là … các lời … công bố các việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong đó”[81]. Trong phụng vụ Lời Chúa, Chúa Thánh Thần “nhắc” cho cộng đoàn “nhớ” tất cả những gì Đức Kitô đã làm cho chúng ta. Theo bản chất của các hành động phụng vụ và theo các truyền thống nghi lễ của các Giáo hội, việc cử hành “nhắc nhớ lại” kỳ công của Thiên Chúa trong phần Tưởng niệm (Anamnesis) được triển khai dài hay ngắn. Chúa Thánh Thần, Đấng nhắc cho Hội Thánh nhớ lại như vậy, cũng thúc giục Hội Thánh tạ ơn và ca ngợi (Doxologia).
Chúa Thánh Thần hiện tại hóa mầu nhiệm Đức Kitô
Số 1104. Phụng vụ Kitô giáo không những gợi nhớ các biến cố đã giải thoát chúng ta, mà còn làm cho các biến cố đó hiện diện và tác động trong hiện tại. Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô được cử hành, chứ không phải được tái diễn; chỉ có các cuộc cử hành là được tái diễn; trong mỗi lần cử hành đều có sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho mầu nhiệm duy nhất được hiện tại hoá.
Số 1105. Kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần (Epiclesis – “khẩn cầu-trên”) là lời khẩn cầu của vị tư tế nài xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần, Đấng Thánh Hóa đến, để các lễ vật trở thành Mình và Máu Đức Kitô, và khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chính các tín hữu cũng trở thành lễ vật sống động dâng lên Thiên Chúa.
Số 1106. Cùng với kinh Tưởng Niệm (Anamnesis), kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần (Epiclesis) nằm ở trung tâm mỗi cuộc cử hành bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể:
“Bạn hỏi: làm thế nào Bánh trở nên Mình Đức Kitô và Rượu trở nên Máu Đức Kitô? Tôi xin thưa với bạn: Chúa Thánh Thần ngự đến và thực hiện những điều đó, những điều vượt trên mọi lời nói và mọi tư tưởng…. Bạn chỉ cần nghe biết đó là bởi Chúa Thánh Thần; cũng như do Mẹ Thiên Chúa và bởi Chúa Thánh Thần, Chúa đã nhận lấy xác phàm cho Người và nơi chính mình Người”[82].
Số 1107. Quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ làm cho Nước Chúa mau đến và mầu nhiệm cứu độ chóng hoàn tất. Trong việc chờ đợi và trong niềm hy vọng, Ngài thật sự làm cho chúng ta được tham dự trước vào sự hiệp thông sung mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Được Chúa Cha, Đấng nhận lời khẩn cầu của Hội Thánh, sai đến, Chúa Thánh Thần ban sự sống cho những ai đón nhận Ngài và ngay từ bây giờ, đối với những kẻ ấy, Ngài là “bảo chứng” phần gia nghiệp của họ[83].
Ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần
Số 1108. Mục đích của sứ vụ Chúa Thánh Thần trong mọi hoạt động phụng vụ là để chúng ta được hiệp thông với Đức Kitô để làm nên Thân Thể Người. Chúa Thánh Thần như nhựa sống trong cây nho của Chúa Cha, mang lại hoa trái nơi các ngành nho[84]. Trong phụng vụ, sự cộng tác mật thiết giữa Chúa Thánh Thần và Hội Thánh được thực hiện. Chính Ngài, Thần Khí của sự hiệp thông, luôn hiện diện trong Hội Thánh, và do đó, Hội Thánh là bí tích lớn của sự hiệp thông của Thiên Chúa, một bí tích quy tụ các con cái Thiên Chúa còn đang tản mác. Hoa trái của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ là, một cách không thể tách rời, sự hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh và sự hiệp thông huynh đệ[85].
Số 1109. Kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần (Epiclesis) cũng là lời nguyện xin cho cộng đoàn được hiệp thông trọn vẹn trong mầu nhiệm Đức Kitô. “Ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (2 Cr 13,13) phải luôn ở với chúng ta và đem lại hiệu quả vượt ra ngoài lúc cử hành thánh lễ. Vì vậy, Hội Thánh cầu xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến để Ngài làm cho đời sống các tín hữu trở thành của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa, nhờ sự biến đổi thiêng liêng theo hình ảnh Đức Kitô, nhờ chăm lo cho sự hợp nhất của Hội Thánh và nhờ tham dự vào sứ vụ của Hội Thánh bằng việc làm chứng và phục vụ bác ái.
Số 2845. Việc tha thứ tự bản chất mang tính thần linh này không có giới hạn cũng như mức độ[86]. Nếu đề cập đến “những xúc phạm” (là “tội” theo Lc 11,4 hoặc “nợ” theo Mt 6,12), thì thật sự mọi người chúng ta luôn luôn là những kẻ mắc nợ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). Sự hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh là nguồn mạch và quy luật chân lý của bất cứ tương quan nào[87]. Chúng ta phải sống sự hiệp thông đó trong cầu nguyện, đặc biệt là trong bí tích Thánh Thể[88]:
“Thiên Chúa không nhận tế phẩm của những kẻ gây bất hoà, và Ngài truyền họ hãy rời bỏ bàn thờ, và đi làm hoà với anh em trước đã, ngõ hầu có thể giao hoà với Thiên Chúa bằng những lời nài xin an bình. Hy lễ đẹp lòng Chúa hơn cả là sự bình an của chúng ta, sự hoà thuận, tình đoàn kết của đoàn dân trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[89].
Số 2655, 2664-2672: Chúa Ba Ngôi và cầu nguyện
Phụng vụ của Hội Thánh
Số 2655. Sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần, trong phụng vụ bí tích của Hội Thánh, là công bố, hiện tại hóa và truyền thông mầu nhiệm cứu độ, sứ vụ ấy được tiếp nối trong tâm hồn người đang cầu nguyện. Các linh phụ đôi khi so sánh tâm hồn với bàn thờ. Việc cầu nguyện làm cho phụng vụ được nội tâm hóa và trở thành riêng của bản thân, cả trong lúc cử hành lẫn sau khi cử hành. Việc cầu nguyện, dù ở “nơi kín đáo” (Mt 6,6), vẫn luôn là lời cầu nguyện của Hội Thánh và là sự hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh[90].
Kinh nguyện dâng lên Chúa Cha
Số 2664. Kinh nguyện Kitô giáo không có con đường nào khác ngoài Đức Kitô. Việc cầu nguyện của chúng ta, dù của cộng đoàn hoặc của cá nhân, dù là khẩu nguyện hay tâm nguyện, không thể dâng lên tới Chúa Cha nếu chúng ta không cầu nguyện “nhân danh Chúa Giêsu”. Quả vậy, nhân tính thánh thiện của Chúa Giêsu là con đường, qua đó Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Kinh nguyện dâng lên Chúa Giêsu
Số 2665. Kinh nguyện của Hội Thánh, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và việc cử hành phụng vụ, dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Giêsu. Mặc dù kinh nguyện đó chủ yếu dâng lên Chúa Cha, nhưng trong tất cả các truyền thống phụng vụ, vẫn hàm chứa những hình thức cầu nguyện dâng lên Đức Kitô. Một số Thánh vịnh, như hiện được thích ứng trong kinh nguyện của Hội Thánh, và Tân Ước, đặt vào môi miệng và khắc ghi trong tâm hồn chúng ta những lời khẩn nguyện dâng lên Đức Kitô: Lạy Con Thiên Chúa, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Chúa, Đấng Cứu độ, Chiên Thiên Chúa, Đức Vua, Con chí ái của Thiên Chúa, Con Đức Trinh Nữ, Vị Mục tử nhân lành, Sự Sống của chúng con, Ánh sáng của chúng con, Hy vọng của chúng con, Sự Phục sinh của chúng con, Bạn của loài người.
Số 2666. Nhưng Danh thánh hàm chứa tất cả các tước hiệu trên là Danh thánh mà Con Thiên Chúa đã tiếp nhận trong cuộc Nhập Thể: đó là Danh thánh GIÊSU. Danh Thiên Chúa là siêu phàm, môi miệng loài của chúng ta không được đọc lên[91], nhưng Ngôi Lời Thiên Chúa, khi nhận lấy bản tính nhân loại của chúng ta, đã trao Danh ấy cho chúng ta, và chúng ta có thể kêu cầu Danh ấy: “Giêsu”, nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”[92]. Danh thánh Giêsu bao hàm mọi sự: Thiên Chúa và con người cùng với toàn thể Nhiệm cục tạo dựng và cứu độ. Cầu nguyện danh “Giêsu”, là khẩn cầu Người, là kêu gọi Người. Danh của Người là Danh duy nhất hàm chứa sự hiện diện mà Danh ấy biểu thị. Chúa Giêsu là Đấng phục sinh, và bất cứ ai kêu cầu Danh Người thì đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương họ và tự nộp mình vì họ[93].
Số 2667. Lời khẩn nguyện này của đức tin, tuy đơn sơ, đã được khai triển dưới nhiều hình thức trong truyền thống kinh nguyện Đông và Tây phương. Công thức thông dụng nhất, được các đan sĩ ở núi Sinai, Syria và núi Athos truyền lại, là lời khẩn nguyện: “Lạy Đức Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, xin thương xót chúng con là những kẻ tội lỗi”. Công thức này phối hợp thánh thi ca ngợi Đức Kitô trong Thư gửi giáo đoàn Philipphê (2,6-11) với lời van xin của người thu thuế và những người xin được sáng mắt[94]. Nhờ lời khẩn nguyện này, tâm hồn được hòa nhịp với sự khốn cùng của con người và lòng thương xót của Đấng Cứu Độ họ.
Số 2668. Lời khẩn nguyện Danh thánh Chúa Giêsu là con đường đơn giản nhất của việc cầu nguyện liên lỉ. Được thường xuyên lặp đi lặp lại bởi một tâm hồn chăm chú cách khiêm tốn, lời khẩn nguyện này không bị phân tán thành những lời “lải nhải” (Mt 6,7), nhưng “nắm giữ Lời Chúa và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”[95]. Lời khẩn nguyện này có thể thực hiện “luôn luôn”, vì đây không phải là một công việc bên cạnh một công việc khác, nhưng chỉ là công việc duy nhất, đó là việc yêu mến Thiên Chúa, công việc này làm sinh động và biến đổi mọi hoạt động trong Đức Kitô Giêsu.
Số 2669. Cũng như việc khẩn nguyện Danh cực thánh của Chúa Giêsu, kinh nguyện của Hội Thánh còn tôn sùng Thánh Tâm Người. Việc tôn sùng này tôn thờ Ngôi Lời Nhập Thể và Thánh Tâm của Người, Thánh Tâm vì yêu thương loài người, đã để cho bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta. Kinh nguyện Kitô giáo cũng mộ mến đi Đàng Thánh Giá, theo chân Đấng cứu độ. Các chặng từ dinh Tổng trấn đến đồi Gôlgôtha và Mộ Thánh làm thành con đường của Chúa Giêsu, Đấng đã cứu chuộc trần gian bằng thánh giá của Người.
“Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến”
Số 2670. “Không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3). Mỗi khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện với Chúa Giêsu, thì chính Chúa Thánh Thần dùng ân sủng dự phòng của Ngài, đưa chúng ta vào con đường cầu nguyện. Ngài dạy chúng ta cầu nguyện khi nhắc chúng ta nhớ đến Đức Kitô, thì lẽ nào chúng ta lại không cầu nguyện với chính Ngài? Vì vậy, Hội Thánh mời gọi chúng ta cầu khẩn Chúa Thánh Thần mỗi ngày, nhất là khi khởi sự và kết thúc mọi hoạt động quan trọng.
“Nếu như Chúa Thánh Thần không đang được tôn thờ, thì làm sao Ngài thần hóa tôi bằng bí tích Rửa Tội được? Còn nếu Ngài đáng được tôn thờ, thì lẽ nào Ngài lại không được tôn thờ cách đặc biệt?”[96]
Số 2671. Công thức truyền thống để xin Chúa Thánh Thần là kêu cầu Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta, để Chúa Cha ban cho chúng ta Thần Khí An ủi[97]. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lời cầu xin này nhân danh Người, khi Người hứa ban hồng ân là Thần Khí sự thật[98]. Nhưng lời cầu nguyện đơn giản và trực tiếp nhất theo truyền thống là: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến”. Mọi truyền thống phụng vụ đã khai triển lời nguyện ấy trong các điệp ca và thánh thi:
“Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, xin tràn ngập tâm hồn các tín hữu của Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong họ”[99].
“Lạy Đức Vua thiên quốc, Đấng An ủi, Thần Khí sự thật, Đấng hiện diện khắp nơi và tràn ngập vạn sự, là kho tàng mọi điều thiện hảo và là nguồn mạch sự sống, xin ngự đến, xin cư ngụ trong chúng con, xin thanh tẩy chúng con sạch mọi vết nhơ và xin cứu độ linh hồn chúng con, lạy Chúa là Đấng nhân lành”[100].
Số 2672. Chúa Thánh Thần, mà dầu của Ngài thấm nhập toàn thể con người chúng ta, là Vị Thầy nội tâm của việc cầu nguyện Kitô giáo. Chính Ngài là Đấng kiến tạo truyền thống sống động của việc cầu nguyện. Quả thật, có bao nhiêu người cầu nguyện thì có bấy nhiêu đường lối cầu nguyện, nhưng cùng một Thần Khí hoạt động trong mọi người và cùng với mọi người. Trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần, kinh nguyện Kitô giáo là kinh nguyện trong Hội Thánh.
Số 2205: Gia đình như một hình ảnh của Chúa Ba Ngôi
Số 2205. Gia đình Kitô giáo là sự hiệp thông giữa các nhân vị, là dấu vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Hoạt động sinh sản và giáo dục của gia đình là phản ánh công trình tạo dựng của Chúa Cha. Gia đình được kêu gọi tham dự vào việc cầu nguyện và hy lễ của Đức Kitô. Việc cầu nguyện hằng ngày và việc đọc Lời Chúa củng cố gia đình trong đức mến. Gia đình Kitô giáo có sứ vụ loan báo Tin Mừng và truyền giáo.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Thiên Chúa là tình yêu. Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau, hiệp nhất trong một Thiên Chúa. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm của tình yêu và đã được Ðức Giêsu mạc khải. Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện trong chương trình cứu độ:
Chúa Cha ban sáng kiến - Chúa Con thực hiện - và Chúa Thánh thần chuyển thông ơn cứu độ.
Ðón nhận được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ sống với tất cả tâm tình người con thảo hiếu. Lòng tin và yêu mến ấy phải thể hiện bằng đời sống cầu nguyện, kết hiệp với Ðức Giêsu và trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ba Ngôi, chúng con tin Chúa toàn năng và đầy tình yêu thương. Khi suy ngắm mầu nhiệm, chúng con càng cảm nghiệm hơn về tình yêu Chúa dành cho loài người chúng con. Xin cho chúng con luôn trung thành tin yêu phụng thờ Chúa. Xin cho gia đình, giáo xứ chúng con cũng biết sống yêu thương hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa. Chính lúc chúng con sống yêu thương là chúng con sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Amen.
Ghi nhớ: “Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Sợi chỉ đỏ:
- Bài đọc I (Đnl 4,32-34.39-40): Thiên Chúa duy nhất và là Thiên Chúa của Giao ước.
- Đáp ca (Tv 32): ”Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con”
- Phúc Âm (Mt 28,16-20): ”Anh em hãy đi đến muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”
- Bài đọc II (Rm 8,14-17): ”Thần khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta kêu lên Abba, Cha ơi”
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm căn bản của đức tin chúng ta, căn bản vì có ảnh hưởng quan trọng trên cách sống đức tin của chúng ta. Nhưng hình như từ trước tới nay chúng ta chưa ý thức bao nhiều về tầm quan trọng ấy.
Trong Thánh lễ này, chúng ta xin cho Lời Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng ấy, và xin ơn Chúa giúp chúng ta sống đức tin của mình một cách tích cực hơn.
II. Gợi ý sám hối
- Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhưng chúng ta chưa mấy tin tưởng phó thác vào tình yêu Chúa.
- Chúa Con đã chịu chết để Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta. Nhưng chúng ta không biết tha thứ cho nhau.
- Chúa Thánh Thần muốn mọi người sống yêu thương nhau như anh em cùng một Cha trên trời. Nhưng chúng ta thường nhìn người chung quanh như những kẻ xa lạ, thậm chí là những kẻ thù.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Đnl 4,32-34.39-40)
Đây là phần kết diễn từ thứ nhất “của Môsê” nói với dân do thái trước khi họ vào Đất Hứa.
Trước tiên Môsê lưu ý dân về sự uy quyền và lòng yêu thương của Thiên Chúa mà họ đã chọn tôn thờ: “Có dân nào đã nghe tiếng Thiên Chúa phán bảo từ giữa hỏa hào như các ngươi được nghe?… Có Thiên Chúa nào tìm lấy cho mình một nước giữa các nước khác bằng những dấu lạ, điềm thiêng… như mọi sự Yavê Thiên Chúa các ngươi đã làm cho các ngươi?…”
Rồi Môsê khuyên dân hãy trung thành tuân giữ những lệnh truyền của Thiên Chúa vừa uy quyền vừa yêu thương ấy.
2. Đáp ca (Tv 32)
Tv này được soạn sau thời lưu đày, ca tụng Thiên Chúa là Đấng chủ tể của vũ trụ và lịch sử loài người, hằng yêu thương những kẻ kính sợ Ngài.
3. Phúc Âm (Mt 28,16-20)
Đoạn Phúc Âm này được chọn đọc trong thánh lễ hôm nay vì câu 19 ”Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Trong lần gặp gỡ cuối cùng với các môn đệ trước khi về trời, Đức Giêsu đã long trọng sai họ đi truyền giáo khắp nơi:
- Kẻ sai họ đi là Đức Giêsu phục sinh, Đấng đã “được trao toàn quyền trên trời dưới đất”
- Ngài còn hứa sẽ “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
- Mục tiêu truyền giáo là làm phép rửa cho muôn dân “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” và dạy người ta tuân giữ những lệnh truyền của Đức Giêsu.
4. Bài đọc II (Rm 8,14-17)
Đoạn thư này cho thấy vai trò của Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống kitô hữu:
- Kitô hữu là người được Chúa Thánh Thần hướng dẫn
- Nhờ đó họ có thể sống thân phận làm Con như Đức Giêsu
- Họ có thể gọi Thiên Chúa là Cha “Abba”
IV. Gợi ý giảng
1. “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”
Đôi khi ta không thể làm gì hơn cho một người đang đau khổ ngoài việc ở bên cạnh họ. Nhưng việc này thật quý giá, vì người đau khổ ấy cảm thấy được an ủi rất nhiều bởi tình bằng hữu của ta. Nếu biết có ai đang ở với mình để an ủi mình thì cuộc đời sẽ khác đi rất nhiều do không còn cảm thấy cô đơn nữa.
Đức Giêsu bảo các tông đồ đi rao giảng Phúc Âm cho muôn dân và Ngài hứa sẽ ở cùng họ luôn mãi. Ngài chỉ hứa có bấy nhiêu, không có sự bảo đảm nào khác. Nhưng đó chính là sự bảo đảm quan trọng nhất Ngài có thể ban cho họ. Mặc dù Ngài không bảo đảm cho họ có một cuộc sống khỏi mọi ưu phiền, thậm chí Ngài cũng không bảo đảm là họ sẽ thành công, tuy nhiên họ ý thức rằng bao lâu Ngài còn ở với họ thì họ sẽ có can đảm và sức mạnh để có thể đương đầu với bất cứ khó khăn nào trước mặt.
Ý thức có Chúa ở cùng chúng ta không thay đổi được thế giới của chúng ta nhưng có thể cho chúng ta can đảm để đối diện thế giới ấy. Chúng ta không xin Chúa thay đổi thế giới hầu làm cho thế giới dễ chịu hơn. Chúng ta chỉ xin Ngài bảo đảm rằng Ngài sẽ luôn ở với chúng ta khi chúng ta phải đương đầu với những khó khăn. Việc Ngài luôn ở với chúng ta sẽ che chở chúng ta khỏi cảm giác cô đơn và thất vọng.
Chúa luôn ờ cùng chúng ta, nhưng chúng ta không luôn ở cùng Chúa. Những bận rộn trong cuộc sống đã cắt đứt liên hệ của chúng ta với Ngài, và khi liên hệ của chúng ta với Ngài bị cắt thì chúng ta phải mất mát thiệt thòi rất nhiều.
Vì thế, chúng ta cần bồi dưỡng ý thức có Chúa luôn ở cùng chúng ta, bồi dưỡng bằng cầu nguyện. (Viết theo Flor McCarthy)
2. Tin tưởng vào Chúa
Lời cầu nguyện dưới đây ghi trên một mảnh giấy được tìm thấy trong thi thể một người lính trẻ tử trận trong thế chiến thứ I:
“Chúa ơi, trước đây con chưa bao giờ thưa chuyện với Ngài, nhưng bây giờ con xin chào Ngài. Họ đã nói với con rằng Ngài không hiện hữu, và như một thằng điên, con đã tin họ. Nhưng đêm hôm qua, con đã nhìn lên trời từ một lỗ nhỏ trong hầm trú. Con đã thấy vẻ đẹp của những vì sao và con nghĩ rằng vũ trụ bao la biết chừng nào. Khi đó con biết rằng họ đã nói dối. Con không biết Ngài sẽ bắt tay con không khi Ngài và con gặp nhau. Dù sao, con cảm nghĩ rằng Ngài sẽ hiểu cho tất cả những sa ngã của con. Thật lạ lùng sao con phải đến nơi khủng khiếp này mới có thể biết được Ngài. Trước đây còn đã làm gì? Con chẳng biết nói gì hơn, nhưng con đoan chắc rằng con rất hạnh phúc khi hôm nay được biết Ngài. Con cảm thấy giờ zero sắp đến. Sắp có một trận đánh khủng khiếp. Biết đâu ngay đêm nay con có thể đến nhà Ngài. Con đang khóc! Lạ quá con đang khóc, vì trước đây chưa bao giờ con khóc như thế. Bây giờ con phải đi. Nhưng vì con đi để gặp Ngài nên con không sợ chết nữa.”
Tiếc là người lính trẻ này biết Chúa quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Khi chúng ta tự cho phép mình tách lìa khỏi Chúa thì chúng ta phải chịu nhiều mất mát to lớn. Mà việc chúng ta tách lìa khỏi Thiên Chúa không phải là do lỗi của Ngài. Bài đọc I hôm nay cho thấy Thiên Chúa đã chủ động đến với con người để được gần gũi với con người như thế nào. Còn bài đọc II thì cho thấy mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người thân thiết đến mức nào. Chúng ta không chỉ là thành viên của dân Chúa mà còn là con cái Ngài. Nếu chúng ta liên kết với Ngài thì chúng ta trở nên những kẻ đồng thừa tự với Chúa Con trong Nước Trời. (Viết theo Flor McCarthy)
3. “Dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền”
Những số liệu về kết quả truyền giáo khiến chúng ta rất bi quan. Với tất cả mọi cố gắng và mọi phương tiện, mỗi năm có được khoảng nửa triệu người lớn gia nhập đạo Công giáo; nếu cộng thêm vào đó số trẻ em rửa tội nhờ cha mẹ là người công giáo khoảng 3 triệu rưỡi nữa, thì tổng cộng mỗi năm có thêm chừng 4 triệu người rửa tội. Trong khi đó chỉ ở nước Trung Hoa thôi mỗi năm có thêm 12 triệu dân, nghĩa là số dân Trung Hoa sinh ra trong một năm đã gấp 3 lần số người công giáo tăng thêm trên toàn thế giới. Năm 1960 số người công giáo toàn thế giới là 500 triệu, dân số Trung Hoa khoảng một tỉ rưởi, nghĩa là gấp 3 lần người công giáo trên toàn thế giới, năm 2000, số giáo dân hoàn cầu khoảng 600 triệu, còn dân Trung Hoa khoảng 2 tỉ rưỡi, nghĩa là giáo dân toàn cầu chỉ còn bằng 1/5 số dân của chỉ riêng một nước Trung Hoa. Đó là ta đem tổng số giáo dân của toàn thế giới so sánh với dân số của chỉ một nước Trung Hoa thôi, chứ nếu so với tổng số nhân loại thì còn thể thảm hơn nữa. Cứ cái đà này thì giáo dân hiện này đã là một thiểu số trong nhân loại, mà càng về sau thì cái thiểu số đó càng nhỏ đi, tỉ lệ càng nhỏ đi hơn nữa. Như thế, có thể nói việc truyền giáo là một thất bại!
Nhưng đó là chúng ta tính trên những con số người được rửa tội, những con số rất bi quan. Còn nếu chúng ta nhìn vấn đề dưới một khía cạnh khác thì lại lạc quan. Chẳng hạn như mỗi khi một nơi nào đó trên thế giới gặp thiên tai như động đất, lũ lụt v.v. thì rất nhiều nước trên thế giới không phân biệt lập trường chính trị hay ý thức hệ lập tức gởi tiền bạc, lương thực, thuốc men, quần áo và nhân viên đến cứu trợ. Tinh thần bác ái xã hội của nhân loại càng ngày càng lớn thêm. Nhân loại cũng càng ngày càng biết tôn trọng phẩm giá con người hơn, càng ngày càng tôn trọng nhân phẩm của người phụ nữ hơn, càng ngày càng tôn trọng trẻ con hơn, càng ngày tôn trọng nhân quyền hơn... Do đâu mà có những sự tiến bộ đó? Chắc hẳn là do ảnh hưởng của tinh thần Phúc Âm Kitô giáo. Nói như vậy không phải là dành công cho Kitô giáo một cách hồ đồ, mà có bằng chứng rõ ràng: trước khi Kitô giáo được truyền bá loài người đã sống như thế nào? Khi đó, đa thê là tình trạng đương nhiên: Một người đàn ông có quyền có nhiều vợ và muốn bỏ vợ lúc nào tuỳ ý. Khi đó người cha cũng có toàn quyền sinh sát trên con cái: sinh con ra nếu nó không phải là con trai, hay nếu nó tàn tật thì người cha có quyền giết chết nó đi không ai coi là tội. Khi đó chế độ nô lệ cũng là tình trạng đương nhiên: Người giàu có quyền mua những người nghèo về làm nô lệ phục dịch mình, người nô lệ ấy nếu còn mạnh khoẻ thì còn được nuôi dưỡng, còn nếu đã già yếu hay bệnh tật thì chủ có quyền giết đi hay đem bán cho người khác, người nô lệ được xem cũng như con trân con bò...Thế rồi Kitô giáo xuất hiện, giáo hội mở trường dạy học cho giới bình dân, Giáo Hội rao giảng vợ chồng nhất phu nhất phụ, GH lên án tục giết trẻ con, Giáo Hội vận động huỷ bỏ chế độ nô lệ, GH dạy những người chủ phải yêu thương các tôi tớ, GH dạy người giàu phải kính trọng những người nghèo... Vì tất cả đều là người, tất cả đều là con của Chúa và là anh em bình đẳng với nhau. Và dần dần, chế độ đa thê, chế độ nô lệ, tục lệ giết trẻ em biến mất...Dần dần người ta đề cao hơn tình huynh đệ, tình liên đới xã hội v.v... Những giá trị tinh thần của Kitô giáo ấy, ngày nay người ta coi là đương nhiên, kể cả những người không phải là Kitô giáo cũng đương nhiên sống theo những giá trị tinh thần ấy. Người hữu thần và người vô thần đều coi sống như thế là đúng, là phải, là đạo đức.
Những điều kể ra nảy giờ có ý nghĩa gì đối với ngày lời Đức Giêsu nói trong bài Phúc Âm hôm nay “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”? Những điều trình bày phía trên muốn cho thấy rằng: nếu quan niệm truyền giáo chỉ là rửa tội cho người ta gia nhập cơ cấu hữu hình của GH thì truyền giáo quả là một thất bại lớn. Nhưng nếu quan niệm truyền giáo chính là truyền bá và làm thấm nhuần những giá trị Phúc Âm vào môi trường mình sống thì truyền giáo vẫn còn là một thành công. Cả hai cách truyền giáo đều cần và bổ sung cho nhau. Nghĩa là GH ngày nay vẫn còn phải tiếp tục đón nhận những ai đến xin lãnh nhận bí tích Rửa tội và gia nhập vào cơ cấu hữu hình của GH, nhưng GH không nên tự mãn với việc Rửa tội, mà quan trọng hơn là làm cho tinh thần Phúc Âm thấm nhiễm vào thế giới. Thiết nghĩ, ngày nay phải nhấn mạnh hơn vào cách thứ 2 này, bởi vì:
- Việc dạy giáo lý, việc Rửa tội hầu như chỉ thích hợp hơn cho các linh mục tu sĩ. Vậy thì giáo dân khỏi phải truyền giáo ư? Không, giáo dân vẫn truyền giáo được bằng nếp sống tỏa chiếu tinh thần Phúc Âm cho mọi người chung quanh mình.
- Rồi có những hoàn cảnh không tiện nói về đạo, về Chúa, về Giáo Hội. Dù không tiện như thế nhưng ta vẫn có thể truyền giáo được bằng nếp sống của ta.
- Và cũng có thể có những người không chịu Phép Rửa tôi được, không đi đến nhà thờ được, nhưng họ vẫn sống theo những giá trị tinh thần tốt đẹp của Phúc Âm. Làm sao cho có được những người như thế cũng là một điều đáng mừng rồi. Thần học gia Karl Rahner đã gọi những người đó là những “Kitô hữu ẩn danh”, nghĩa là tuy họ không có danh hiệu là Kitô hữu, nhưng thực chất họ sống y như một người Kitô hữu.
Có lẽ ngay từ ngày xưa Đức Giêsu đã nghĩ tới cách truyền giáo đó và đề cao các đó khi Ngài giảng những dụ ngôn về Nước Trời: Nước Trời giống như men vùi trong thúng bột. Tuy men âm thầm không ai thấy nhưng nó dần dần làm cho cả thúng bột dậy men. Nước Trời giống như một cái hạt gieo xuống lòng đất, cho dù chủ có biết hay không, cho dù chủ đất thức hay ngủ, hạt giống ấy cứ ngày đêm đâm chồi mọc lên và cuối cùng thành một cây to lớn.
Công đồng Vaticanô để kêu gọi “Truyền giáo là bổn phận của mọi Kitô hữu”. Với hoàn cảnh, khả năng và phương tiện của một người giáo dân, chúng ta có thể đáp lời kêu gọi của công đồng để truyền giáo bằng cách sống như một hạt men như một hạt giống giữa những người khác, nghĩa là bằng cuộc sống của mình, Chúng ta cho người ta thấy được sự tốt đẹp của tinh thần Phúc Âm và người ta ham thích sống theo đó, dù ý thức hay vô ý thức cũng tốt. Cụ thể, chúng ta hãy sống như những lời kinh Hoà Bình mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn đọc:
Đem yêu thương vào nơi oán thù.
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục.
Đem an hoà vào nơi tranh chấp.
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Đem niềm tin vào nơi nghi ngờ.
Đem cậy trông vào nơi tuyệt vọng.
Đem ánh sáng vào chốn tối tăm.
Đem niềm vui vào nơi sầu thảm.
4. Thiên Chúa là Tình yêu
Thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
Thiên Chúa là Tình yêu nghĩa là Thiên Chúa chính là nguồn gốc của mọi tình yêu, Thiên Chúa là mẫu mực cho mọi Tình yêu.
Thiên Chúa là Tình yêu có nghĩa là không có nơi nào Tình yêu được trọn vẹn hoàn hảo cho bằng Tình yêu nơi Thiên Chúa. Vì thế suy gẫm về Tình yêu Thiên Chúa có thể giúp ta rút ra được những gương mẫu cho Tình yêu loài người.
Vậy hôm nay, dịp lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy suy gẫm về Tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa có những đặc điểm gì?
a/ Đặc điểm thứ nhất là Tình yêu của Thiên Chúa không cô độc.
- Thiên Chúa không phải chỉ có một Ngôi tự yêu thương mình, nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi yêu thương nhau.
- Điều đó cho thấy Yêu thương phải có đối tượng. Yêu thương thì là phải yêu thương ai khác mình, ngoài mình. Yêu thương không có đối tượng là yêu thương chính mình, đó là ích kỷ, nếu không muốn nói là bệnh hoạn. Ngày xưa có một anh chàng tên là Narcisse không yêu thương ai hết ngoài chính bản thân anh ta, anh yêu mình đến nỗi một hôm nhìn thấy bóng dáng mình phản chiếu trên mặt nước một cái giếng, anh xúc động quá nhảy tùm xuống giếng để ôm lấy hình ảnh của mình và phải chết đuối. Về sau người ta đặt tên chứng bệnh tự yêu thương mình là chứng bệnh Narcisse.
- Nhưng tại sao yêu thương cần phải có đối tượng? Thưa cần có đối tượng để mà chăm sóc, phục vụ, âu yếm, ban phát... nói tóm lại để mà cho đi. Yêu thương là cho đi. Khi ta yêu thương ai, ta thích cho người đó hoặc cái này hoặc cái nọ: khi thì cho một món quà, khi thì cho một sự chăm sóc, khi thì cho một cử chỉ âu yếm, yêu thương cao độ nhất là cho người ấy chính bản thân mình. Cho đi thì hạnh phúc hơn là lãnh nhận. Vì thế ai yêu thương thật thì thích cho đi, trái lại kẻ nào thích lãnh nhận hơn thì là dấu kẻ đó còn ích kỷ chưa yêu thương thật.
b/ Đặc điểm thứ hai của Tình yêu Thiên Chúa là vừa có sự khác biệt vừa có sự hợp nhất.
- Chỉ có một Thiên Chúa nhưng lại có Ba Ngôi. Tuy có 3 Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa.
- Có câu thơ “Mình với ta tuy 2 mà 1, ta với mình tuy 1 mà 2”.
Áp dụng vào Tình yêu Thiên Chúa thì câu này có thể đổi lại là: Mình với ta tuy 3 mà một”, hơi gượng ép một chút nhưng cũng đồng một ý nghĩa.
- Ý nghĩa đó là: Thiên Chúa có Ba Ngôi hoàn toàn riêng biệt nhau: Ngôi Cha là đấng tạo dựng vũ trụ, Ngôi Con là Đấng cứu chuộc loài người và Ngôi Thánh Thần là Đấng Thánh hóa loài người. Nhưng dù khác biệt nhau mà 3 Ngôi không đối nghịch nhau, trái lại hoàn toàn hợp nhất với nhau đến nỗi cả 3 chỉ là một Thiên Chúa.
- Điều đó có ý nghĩa là: Yêu thương thì phải chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau. Tuy nhiên những kẻ yêu thương nhau thì cho dù khác biệt nhưng không được đối nghịch xung khắc với nhau, mà phải hoà hợp với nhau.
Xin tóm lại những gì đã phân tích được từ Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi:
- Yêu thương là cho đi.
- Yêu thương là chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau.
- Yêu thương là dù có khác biệt nhưng vẫn hoà hợp với nhau.
5. Tình yêu hợp nhất
Trong cuộc đời của nghị viên Rémaud có một giai thoại lý thú sau đây: Lần đầu tiên từ Pyrénées đến Paris với tư cách là nghị viên, ông Rémaud thuê phòng trong một khách sạn và trả tiền trước một tháng: 150 quan Pháp. Chủ khách sạn hỏi:
- Ông có cần biên nhận không?
- Không, không cần thiết. Thiên Chúa nhìn thấy hết chúng ta.
- Ngài tin vào Thiên Chúa ư?
- Lẽ dĩ nhiên! Ông cũng thế chứ?
- Tôi thì không, thưa ngài.
- A! Vậy xin ông cho tôi ngay một tờ biên nhận!
*
Người ta thường nói: ”Tin đạo chứ đừng tin người có đạo”. Quả thật, khi gặp người có đạo chúng ta thấy tin tưởng hơn, yên tâm hơn. Nhưng thực tế, không hẳn là như vậy! Ở đây, chúng ta muốn nói đến niềm tin vào Thiên Chúa, tin các mầu nhiệm trong đạo. Đã tin là có liều lĩnh, mạo hiểm. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao sâu, trí khôn con người khó mà hiểu thấu.
Chúng ta thường dùng một vài hình ảnh loại suy để hiểu một phần nào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đó là hình ảnh của nước. Nước có thể hiện hữu dưới ba dạng: thể hơi, thể rắn, và thể lỏng. Hoặc ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất. Tuy nhiên tất cả những so sánh ấy không tránh khỏi thiếu sót, vụng về khi nói về Thiên Chúa. Chỉ có Đấng ở trong cung lòng Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô đã vén mở cho chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị: là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi khác nhau nhưng cùng một Thiên Chúa.
Câu Kinh Thánh nổi tiếng về Ba Ngôi chính là ”Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt.28,19). Và hình ảnh đặc trưng nhất về Ba Ngôi được mạc khải khi Đức Giêsu chịu phép rửa: Một hình chim bồ câu bay lượn trên mình Người, và một tiếng từ trời phán: ”Con là Con Ta yêu dấu” (Mc.1,11). Đó là hình ảnh sống động về chân dung của Chúa Ba Ngôi. Theo thánh Tôma Aquinô thì trong cuộc Hiển Dung, tất cả Ba Ngôi đã xuất hiện: ”Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong Con người, Chúa Thánh Thần trong ánh mây sáng chói”.
Thánh Luca nhìn lịch sử cứu độ như một viễn cảnh mang chiều kích Ba Ngôi: Thời Cựu Ước là kỷ nguyên của Chúa Cha, thời loan báo Phúc Âm là kỷ nguyên của Chúa Con, và thời hậu Phúc Âm mà Công vụ Tông đồ ghi lại là kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần. Kinh Tin Kính duy trì mẫu tuyên xưng này: Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc, và Chúa Thánh Thần ban nguồn sống.
Tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta dựa vào thế giá của Đức Giêsu, Người là sự thật (x. Ga.8,32) nên Người chẳng lừa dối ai.
Tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta sống hiệp thông, chia sẻ và yêu thương. Vì ”Ai ở trong Tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga.4,16).
Tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta làm dấu thánh giá trên thân xác, là in dấu Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời mình, là họa lại hình ảnh Ba Ngôi trong tâm hồn tha nhân.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của tình yêu, một tình yêu sáng tạo cứu độ và thánh hóa chúng ta; một tình yêu muốn hiệp thông với tất cả mọi người. Chúng ta hãy dâng lên Ba Ngôi lời cầu xin của chúng ta:
1. Hiệp thông được phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi, và Hội thánh phải qui hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi / Chúng ta hãy cầu nguyện cho Hội thánh luôn là dấu chỉ và dụng cụ của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.
2. Thế giới và vũ trụ cũng phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi / Chúng ta hãy cầu xin cho các nhà cầm quyền cũng như mọi dân tộc / biết nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn gốc và là cùng đích của mọi người mọi vật.
3. Trong xã hội còn đầy dẫy những chia rẽ, bè phái, kỳ thị, hận thù, giết hại nhau / Chúng ta hãy cầu xin cho mọi người sớm nhận biết rằng / người trong bốn bể đều là anh em con Một Chúa trên trời.
4. Hội thánh có sứ vụ đem mọi người về hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi / Chúng ta hãy cầu xin cho cộng đồng xứ đạo chúng ta luôn sống hiệp thông với Chúa và với nhau / để có thể đem mọi người chung quanh về hiệp thông trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chủ tế: Lạy Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần Ba Ngôi chí thánh luôn hiệp thông với nhau; xin cho mỗi người chúng con biết dẹp bỏ mọi chia sẻ, kỳ thị, hận thù; để chúng con luôn sống hiệp thông với nhau, như anh em trong một gia đình Thiên Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh Lễ
- Chủ tế chú ý nhấn mạnh tất cả những đoạn kết của các lời cầu nguyện có công thức Ba Ngôi.
- Trước kinh Lạy Cha: Lời kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy cố gắng đọc lên với cả tâm tình con thảo như Đức Giêsu và do Chúa Thánh Thần khơi lên trong lòng chúng ta.
VII. Giải tán
Chúng ta đã dâng Thánh lễ tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi đầy tình yêu thương. “Xin chúc anh chị em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”.
Cầu nguyện:
Lạy Ba Ngôi chí thánh, Thiên Chúa là một cộng đồng Tình yêu Hợp nhất. Xin cho Giáo hội tìm thấy bản tính của mình trong bản tính của Chúa Ba Ngôi. Xin cho chúng con hợp nhất trong tình yêu, để minh chứng cho Tình yêu Hợp nhất của Chúa. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
HIỆP NHẤT TRONG YÊU THƯƠNG
A. DẪN NHẬP
Trong suốt năm Phụng vụ, chúng ta đã lần lượt mừng các mầu nhiệm ơn cứu độ, hôm nay chúng ta đi vào mầu nhiệm cao cả nhất và cũng căn bản nhất trong đạo: đó là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Mừng lễ Ba Ngôi không có nghĩa là chỉ lặp lại một cách khô khan câu giáo lý mà ta đã học: mầu nhiệm một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi vị riêng biệt, cùng một bản tính Thiên Chúa, cùng một uy quyền như nhau, không hơn không kém là Cha và Con và Thánh Thần. Chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nhưng chúng ta có thể hiểu được mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm yêu thương và hiệp nhất. Mầu nhiệm này phải là mẫu mực cho chúng ta trong đời sống hằng ngày ở gia đình cũng như ngoài xã hội.
Nhờ phép Rửa tội và nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta được nhận làm con Chúa để có thể thưa với Chúa “Abba, Cha ơi” (bài đọc 2). Chúng ta còn được hạnh phúc lớn lao nữa là được Chúa Ba Ngôi sống trong ta để chúng ta được thông phần vào sự sống của Chúa Ba Ngôi và được thừa hưởng Nước Trời với tư cách là con Chúa. Do đó, chúng ta phải biết ơn, yêu mến và tôn thờ Chúa Ba Ngôi trong đời sống hằng ngày bằng những việc làm cụ thể.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Đnl 4, 32-34.39-40
Sách Đệ nhị luật mà Phụng vụ hôm nay trích ra đoạn văn trên, đã được trước tác trong thời lưu đày bên Babylon và là phần kết diễn từ thứ nhất của Maisen nói với dân Do thái trước khi họ vào đất hứa.
Theo đó, Maisen nhắc nhở dân Do thái hãy nhớ đến những ưu tuyển và những kỳ công mà Thiên Chúa đã dành cho cha ông họ: “Có dân nào đã nghe tiếng Thiên Chúa phán bảo từ trong đám lửa như anh em đã nghe?...Có Thiên Chúa nào đã chọn cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác bằng những dấu lạ, điềm thiêng... như Thiên Chúa của anh em, đã làm tại Ai cập trước mắt anh em không?”
Đây là những đoạn quan trọng nhất của Cựu ước diễn tả đức tin độc thần của dân tộc Do thái. Vì thế, Maisen khuyên dân hãy trung thành giữ những lệnh truyền của Thiên Chúa vừa uy quyền, vừa yêu thương và chỉ tôn thờ một mình Ngài thôi.
+ Bài đọc 2: Rm 8, 14-17
Các Kitô hữu không cần phải chạy đến những nghi lễ làm an lòng như dân ngoại đứng trước một vị Thiên Chúa đáng sợ; họ cũng không cần phải tính toán những nỗ lực của mình như người Do thái trước một Thiên Chúa quan toà. Ngày nay các Kitô hữu đã được Thánh Thần cư ngụ trong tâm hồn qua bí tích Rửa tội và làm cho họ trở nên người con đích thực của Thiên Chúa khiến họ gọi Thiên Chúa là Cha: “Abba, Cha ơi”.
Kitô hữu được trở nên người con đích thực chứ không phải con nuôi, họ được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa, được Thiên Chúa cho thừa kế và đồng thừa kế với Đức Kitô. Do đó, họ sống với Chúa trong tâm tình con thảo không còn sợ sệt lo lắng gì nữa.
+ Bài Tin mừng: Mt 28, 16-20
Sách Tin mừng thứ nhất không có bài trình thuật về cuộc Thăng thiên nhưng lại gợi lên mầu nhiệm và nội dung đó khi thuật lại Đấng Phục sinh hiện ra với nhóm Mười Một trên ngọn núi vùng Galilê. Trong lần gặp gỡ cuối cùng này, Đức Giêsu khẳng định quyền bính tối cao của Ngài: “Thầy đã được trao trọn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28, 18). Vì thế, trước khi về trời, Ngài sai các môn đệ đi khắp nơi chiêu tập mọi người làm môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần và dạy người ta tuân giữ những lệnh truyền của Ngài.
Khi làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Đức Giêsu, các Tông đồ chỉ làm cho chủ quyền của Ngài được biểu lộ trên mọi loài thọ tạo. Tuy nhiên, trong sứ mạng lớn lao ấy, Đức Giêsu vẫn giữ vai trò chính yếu. Ngài chỉ rời thế gian này để hiện diện thâm sâu hơn: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Chúa Ba Ngôi trong đời ta
I. MẠC KHẢI VỀ CHÚA BA NGÔI
Hôm nay chúng ta đi vào mầu nhiệm cao cả nhất trong đạo, là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người không thể nào có thể hiểu hay hình dung được. Trong Cựu ước, dân Do thái chỉ được mạc khải cho biết là chỉ có một Thiên Chúa Giavê độc nhất và chỉ được tôn thờ một mình Ngài: “Hôm nay, các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa chớ không có Chúa nào khác” (Đnl 4, 39).
Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này? Chính Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta. Theo bài Tin mừng hôm nay, trước khi về trời, Đức Giêsu đã tập họp các môn đệ lại ở trên núi để dặn dò một điều sau cùng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 18-20).
Đức Giêsu chỉ mạc khải cho chúng ta biết có một Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần, còn tìm hiểu về Chúa Ba Ngôi thế nào thì Ngài dành cho Chúa Thánh Thần, Đấng là hồn sống của Hội thánh sẽ soi sáng và giữ gìn kho tàng đức tin. Bởi vì thánh Luca nhìn lịch sử cứu độ như một viễn cảnh mang chiều kích Ba Ngôi: Thời Cựu ước là kỷ nguyên của Chúa Cha, thời loan báo Tin mừng là kỷ nguyên của Chúa Con, và thời hậu Tin mừng Công vụ Tông đồ ghi lại là kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần.
II. MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI
Cựu ước chưa có mạc khải về Chúa Ba Ngôi. Cựu ước chỉ nhấn mạnh về một đức tin độc thần: Chỉ duy Đức Chúa mới là Thiên Chúa độc nhất hiện hữu và ban ơn cứu độ. Mười điều răn được ban cho dân Israel thì điều răn quan trọng nhất là “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự” (x. Xh 20, 3).
Trong Thánh lễ hôm nay, Tin mừng Mátthêu ghi lại lệnh truyền của Chúa Phục sinh, mạc khải rõ ràng về mầu nhiệm này: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19).
Sách Công vụ Tông đồ của Luca ghi lại bài giảng của Tông đồ Phêrô có câu: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe” (Cv 2, 33).
Tin mừng Gioan đã nhiều lần đề cập đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14, 16).
Còn thánh Phaolô diễn tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong thư gửi cho tín hữu Côrintô ở phần chào thăm: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13, 13).
Chúng ta chỉ có thể biết được mạc khải về Chúa Ba Ngôi trong những đoạn Kinh thánh nêu trên. Theo đó, Đức Giêsu cho chúng ta biết: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, nghĩa là Ngài cùng bản tính với Chúa Cha, Ngài cũng là Thiên Chúa, và Ngài với Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Ngài cũng cho biết Chúa Thánh Thần là Đấng Ngài và Chúa Cha sai đến cũng là Thiên Chúa.
Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi vị riêng biệt, chứ không phải là Ba Thiên Chúa. Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính và cùng một quyền năng nên Ba Ngôi bằng nhau, không Ngôi nào lớn hơn. Trong các kinh cầu đều có câu: “Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả”: Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.
Về công việc của mỗi Ngôi vị, chúng ta được biết khi sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người, Thiên Chúa xuất hiện như một người Cha. Ngài dùng Lời quyền năng làm cho vạn vật từ không xuất hiện (x. St 1, 3). Ngài còn tiếp tục quan phòng để các tạo vật tồn tại và ngày một tiến hoá. Khi nguyên tổ loài người phạm tội, Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế làm Đấng Thiên Sai là Đức Giêsu để thiết lập Nước trời. Cuối cùng Ngài đã chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho loài người. Khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Cha lại sai Thánh Thần đến tiếp tục chương trình cứu độ, bằng việc ban ơn thánh hóa để giúp loài người nên con Thiên Chúa và nhận được ơn cứu độ của Đức Giêsu (Lm. Đan Vinh).
Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm và mãi mãi vẫn là mầu nhiệm. Thánh Augustinô là một bậc tài trí cũng không thể hiểu được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Cầm một vỏ hến mà tát cạn đại dương còn dễ hơn là thấu hiểu được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Cứ tin, cứ yêu đi rồi sẽ hiểu. Dĩ nhiên chỉ hiểu được một phần rất nhỏ theo kiểu loại suy thôi.
Truyện: Cứ nếm thử mà xem
Sau khi chấm dứt buổi diễn thuyết chống lại Chúa và các công trình của Ngài, diễn giả mời cử tọa lên diễn đàn, để đặt câu hỏi.
Một người bước lên. Anh này là một người nghiện rượu, vừa mới được cải hoá. Đứng trước thính giả, anh ta lấy từ trong túi ra một trái cam và chậm rãi lột vỏ. Chờ mãi, ông diễn giả bực mình bảo anh ta hãy đặt câu hỏi đi. Nhưng, anh ta cứ từ từ làm tiếp cái công việc lột vỏ cam, và không trả lời. Lột vỏ xong, anh ta từ từ ăn cam. Ăn xong, anh ta mới quay về phía diễn giả và hỏi:
- Ông thấy trái cam có ngọt không?
Diễn giả gầm lên:
- Đồ khùng! Làm sao tôi biết được là ngọt hay chua, vì tôi có nếm đâu?
Lúc ấy, anh chàng thính giả mới nói:
- Thế thì làm sao ông có niềm tin vào Chúa, nếu ông không bao giờ nếm thử Ngài (Gm. Arthur J. Tonne, Stories for Sermons, tập 13).
III. NHỮNG HÌNH ẢNH VỀ CHÚA BA NGÔI
Nhằm giúp các tín hữu hiểu biết một phần nào về Chúa Ba Ngôi, các nhà thần học đã dùng những hình ảnh để diễn tả, dĩ nhiên những hình ảnh này chỉ diễn tả được một phần nào về Chúa Ba Ngôi, còn mầu nhiệm thì vẫn còn là mầu nhiệm, không thể hiểu được.
Thánh Patrick dùng hình ảnh lá cây “Tam diệp thảo”, tuy chỉ có một lá nhưng do ba lá nhỏ dính vào nhau.
Thánh Ignace de Loyola thường dùng hình ảnh ba nốt nhạc trong một hợp âm. Tuy ba nốt nhạc khác nhau nhưng cùng làm nên một hợp âm nghe du dương.
Hoặc chúng ta có thể dùng hình ảnh nước để diễn tả: nước có thể ở thể hơi, thể lỏng và thể đặc. Tuy chỉ là nước mà có thể ở được những dạng khác nhau.
Hình tam giác đều tuy chỉ là một hình, nhưng có ba góc, ba cạnh đều nhau.
Thời gian có thể là quá khứ, hiện tại và tương lai.
Và còn rất nhiều hình ảnh khác mà chúng ta không cần kể ra hết.
IV. CHÚA BA NGÔI TRONG ĐỜI TA
1. Một dịp nhắc nhở
Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay là một dịp để chúng ta nhắc lại bí tích Rửa tội. Nhờ phép Rửa, chúng ta được tẩy sạch tội nguyên tổ và tội riêng đã phạm, được ơn thánh hóa, được nhận làm con Chúa, được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa và được thừa hưởng Nước trời nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Ngày lễ nhắc nhở chúng ta hãy trung thành với Chúa, thi hành những điều đã hứa khi chịu phép rửa tội là từ bỏ ma quỉ và những việc làm của chúng; đồng thời nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn để ta luôn sống trong tình con thảo đối với Chúa để lúc nào cũng có thể thưa với Ngài: “Abba, Cha ơi”.
Năm 500, vua Clovis và rất nhiều binh sĩ xin được rửa tội qua bàn tay của thánh Rémi tại thành Reims. Trước khi ban phép Rửa tội, thánh nhân tuyên bố với nhà vua của bộ lạc Franc: “Từ đây ông sẽ thờ Đấng mà ông đốt và đốt những cái mà ông thờ”. Và nước phép rửa tội đã chảy trên trán của Clovis và ba ngàn binh sĩ, nhờ công ơn và lời cầu nguyện của bà thành Clotilde, hoàng hậu.
2. Hạnh phúc được làm con Chúa Ba Ngôi
Nhờ phép Rửa và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần chúng ta được nhận làm con Chúa. Đã là con thì chúng ta được thừa hưởng mọi quyền lợi của kẻ làm con Chúa, nhất là chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh của Chúa. Đấy là một vinh dự lớn lao mà Thiên Chúa dành cho con người chúng ta, vì Đức Chúa Cha bởi yêu thương đã dựng nên loài người và tôn lên làm con Ngài để có quyền thừa kế Nước trời.
Các loài ta thấy trên đời, nếu chúng biết nói, chắc chúng sẽ nói lên sự phen bì với ta, vì Chúa đã biệt đãi loài người phạm tội; chúng thì không phạm tội, lại luôn theo ý Chúa mà không được Chúa thương bằng con người.
Ông vua kia nuôi một con chim hót rất hay, ông vua yêu nó lắm, mua những thức ăn nó thích nhất, sắm cái lồng vàng. Một ngày kia nghe nó hót líu lo, ông vua say mê, và vì yêu nó quá, nên nghĩ rằng: thôi, ta nhận nó làm con, để ăn gia tài của ta. Ông vua nghĩ thế, người ta cho là yêu đến phát điên. Thực ra, Chúa đã yêu ta đến thế: Thiên Chúa mà nhận con người làm con! Thật là hạnh phúc quá (Lm. Trần Văn Khả, Phúc âm Chúa nhật B, t.2, tr 124).
3. Chúa Ba Ngôi hành động trong ta
Khi đã trở thành người con Chúa chúng ta được tham dự vào đời sống của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta có Chúa ngự trong mình vì Chúa đã nói: “Ai yêu mến Thầy và tuân giữ các lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến nó, chúng ta sẽ đến ở trong nó và chúng ta sẽ lập cư trong nhà nó” (Ga 14, 23).
Thánh Phaolô cũng xác quyết: “Anh em lại không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Thiên Chúa ở trong anh em sao?” (1Cr 3, 16-17; 6, 19).
Các thánh đã sống mầu nhiệm này một cách hết sức ân cần và thân mật. Việc Chúa Ba Ngôi ở trong tâm hồn đã ghi sâu vào tâm trí các ngài và làm cho các ngài không bao giờ cảm thấy cô đơn lẻ loi. Thánh Têrêsa Hài đồng đã nói: “Lạy Chúa Ba Ngôi chí thánh, Chúa trở nên tù nhân bị giam hãm trong hồn con”.
Truyện: Ba Ngôi hành động nơi ta
Một cuộc thảo luận của nhóm thanh niên diễn ra rất sôi nổi về đề tài Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Họ đã xem lại giáo huấn căn bản: trong Thiên Chúa Ba Ngôi, có Ba Ngôi vị, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Rồi họ bàn bạc thêm về vấn nạn Ba Ngôi cùng hành động thế nào, nhưng vấn đề sâu xa, vượt quá hiểu biết của họ, và mấy người hướng về cha sở đang ngồi ở phía ngoài:
- Thưa cha, cha có thể soi sáng cho chúng con về vấn đề này?
Cha sở đáp:
- Có lẽ tôi có thể đưa ra chút ánh sáng cho vấn đề. Rồi ngài quay sang một tham dự viên và hỏi:
- Bill, bạn có biết chơi guitar không?
Bill nhìn nhận:
- Con chơi được lắm.
Và cha sở tiếp:
- Cây đàn guitar gây ra tiếng nhạc thế nào? Có ba sự việc liên đới với nhau. Nghệ thuật âm nhạc hay là tâm trí bảo ta điều phải làm, bàn tay thì gảy và dây tạo ra tiếng đàn. Tâm trí không tạo ra tiếng đàn, bàn tay không tạo ra tiếng đàn, nhưng cả hai việc cùng với dây tạo ra tiếng đàn. Cả ba việc cùng làm, dầu rằng việc riêng biệt của dây là tạo ra tiếng đàn. Thiên Chúa Ba Ngôi hành động giống như thế!
Cả nhóm đồng ý rằng: hình ảnh mà cha sở trình bày đã giúp họ hiểu hơn. (Gm. Arthur Tonne, Bài Giảng TM CN, năm A, tr 75).
4. Thái độ của ta đối với Chúa Ba Ngôi
Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là Tình yêu”. Ngài là nguồn gốc mọi tình yêu. Ngài san sẻ cho chúng ta tình yêu của Ngài để chúng ta yêu Ngài và yêu thương nhau. Điều răn mến Chúa yêu người phải được thực hiện song song, mà muốn yêu Chúa thì phải yêu người.
a) Yêu thương nhau
Khi nói đến yêu thì phải nói yêu ai chứ không chỉ nói yêu suông. Mà nếu không yêu ai thì chỉ là yêu mình, một tình yêu vị kỷ bệnh hoạn, giống như tình yêu của anh chàng Narcisse trong thần thoại Hy lạp. Ngày xưa có một anh chàng tên là Narcisse không yêu thương ai hết ngoài chính bản thân anh ta, anh yêu mình đến nỗi một hôm nhìn thấy bóng dáng mình phản chiếu trên mặt nước một cái giếng, anh xúc động quá nhảy tùm xuống giếng để ôm lấy hình ảnh của mình và phải chết đuối. Về sau người ta đặt tên cho chứng bệnh tự yêu thương mình là chứng bệnh Narcisse.
Yêu thương là phải biết hy sinh, phục vụ người khác. Yêu thương là phải biết cho đi, phải biết trao cái mình có nhất là chính bản thân mình vì cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận.
b) Tôn trọng sự hiệp nhất
Thiên Chúa Ba Ngôi là hình ảnh tuyệt vời của sự hiệp nhất. Chúa Cha yêu thương đã sinh ra Chúa Con và tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con đã làm phát sinh ra Chúa Thánh Thần. Tuy Ba Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, trong sự yêu thương và hiệp nhất. Cuộc sống của cộng đoàn cũng cần phải có sự hiệp nhất theo gương Chúa Ba Ngôi để lúc nào cũng vang lên câu Thánh vịnh :
Anh em sum họp một nhà
Bao là tốt đẹp bao là sướng vui.
c) Tôn thờ Chúa Ba Ngôi
Để tỏ lòng yêu mến tôn sùng Chúa Ba Ngôi, ta phải có thái độ trân trọng khi xưng danh Chúa Ba Ngôi như khi đọc kinh Sáng danh hay lúc làm dấu Thánh giá. Chính trong đó ta đang tuyên xưng danh Chúa Ba Ngôi rất thánh. Ngoài ra chúng ta nên nghĩ ra những cách thích hợp để nhắc ta năng nhớ đến Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống hằng ngày.
Truyện: Phòng ngủ ba cửa sổ
Thánh Barbara sống vào thế kỷ thứ 3, thời kỳ mà theo đạo tức là ngầm hiểu là bằng lòng tử đạo. Mặc dù thế, bà thánh này đã giữ vững đức tin, để nhiều giờ ăn chay cầu nguyện. Cha của bà tên là Dioscorus, là một người ngoại đạo. Trước khi đi chu du, ông phác họa một đồ án để xây căn nhà mới. Trong phòng Barbara, theo đồ án thì có hai cửa sổ, nhưng vì Barbara có lòng tôn sùng Chúa Ba Ngôi cả trong việc xây nhà, bà nghĩ vì Chúa Ba Ngôi nên tốt hơn phòng bà có ba cửa sổ.
Khi chu du trở về, cha bà thấy có sự thay đổi trong việc xây cất không đúng như đồ án của ông, ông đoán có lý do gì đây. Thánh Barbara thú nhận rằng bà đã theo đạo từ lâu. Cha bà bực tức. Ông không muốn cho vua ngoại đạo làm lôi thôi, nên ông đã đem con đi xử. Bà bị kết án chém đầu. Để tự cứu mạng mình và để chứng tỏ cho vua thấy mình trung thành với nhà vua thế nào, chính ông Dioscorus mang bản án đi. Thiên Chúa thịnh nộ, vì hành động bất nhân ấy đã cho sét đánh chết Dioscorus tức thì.
Ngày nay, trên những bức ảnh thánh Barbara, chúng ta còn thấy bà cầm cành lá thắng trận tử đạo và ba cửa sổ ở phía sau bà, có ánh sáng mặt trời chiếu qua chói lọi (W.Diamond, Đồng cỏ non, tr 96-97).
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
NHÂN DANH CHA…
Khi hiện ra với Nhóm Mười Một môn đệ trên núi,
Chúa Giêsu phục sinh đã long trọng tuyên bố:
“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28, 18).
Ngài dùng thể thụ động ở đây để ám chỉ đến Thiên Chúa Cha.
Ngài đã được Cha cho trỗi dậy từ cõi chết (Mt 28, 7),
bây giờ Ngài lại được Cha trao quyền năng trên cả vũ hoàn.
Trong suốt những năm thi hành sứ vụ được giao,
Đức Giêsu lúc nào cũng gắn bó với Thiên Chúa,
Đấng đã sai phái Ngài mà Ngài âu yếm gọi là Cha, Abba.
Cha đã nói về Ngài lúc chịu phép rửa và lúc hiển dung:
“Đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3, 17; 17, 5).
Chính Ngài cũng ý thức mình là Con (Mt 24, 36),
có tương quan với Cha một cách độc nhất vô nhị (Mt 11, 27).
Nhưng Ngài không giữ riêng cho mình tương quan ấy.
Ngài đã muốn đưa các môn đệ vào thế giới của Cha
để họ cũng có sự thân thiết với Cha như Ngài (Mt 11, 27).
Trong Bài Giảng trên Núi, nhiều lần Đức Giêsu gọi Thiên Chúa
là “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16; 6, 1.14.32).
Và Ngài đã dạy môn đệ xưng hô với Cha như thế:
“Lạy Cha chúng con, Đấng ngự trên trời” (Mt 6, 9).
Trong kinh Lạy Cha, Ngài dạy họ cầu xin Cha
ban bánh ăn hàng ngày, tha thứ mọi tội khiên,
bảo vệ họ khỏi mọi cám dỗ và sự dữ (Mt 6, 11-13).
Cha là Đấng quan phòng, lo cho chim trời và hoa huệ,
nên cũng biết con cái mình cần gì (Mt 6, 32).
Vậy không phải lo lắng, cũng chẳng cần phô trương.
vì Cha sẽ ban cho con cái mình những của tốt lành (Mt 7, 12).
Đừng lo phải nói gì khi bị điệu ra trước mặt vua quan,
vì qua Thần Khí, Cha sẽ dạy điều phải nói (Mt 10, 20).
Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác,
vì Cha quý chúng ta hơn chim sẻ nhiều (Mt 10, 31).
Đức Giêsu đặt chúng ta vào trái tim của Cha quyền năng
để ta được tận hưởng bình an ngay giữa sóng gió.
Đức Giêsu không những cho các môn đệ thấy
Thiên Chúa là Người Cha đầy tha thứ yêu thương,
Ngài còn dám mời họ bắt chước Cha như mẫu mực.
Hãy thương xót và tha thứ cho anh em
như Cha trên trời đã thương xót mình (Mt 18, 23-35),
Hãy yêu thương kẻ thù và cầu cho kẻ bách hại mình
nhờ đó “trở nên hoàn thiện
như Cha của anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng đức tin
vào một Thiên Chúa là Cha toàn năng.
Đức Giêsu là Đường, là Cửa, cho ta gặp Thiên Chúa Cha.
Ta gọi Thiên Chúa là Cha, vì Đức Giêsu đã gọi như vậy,
và ta cũng muốn sống hiếu thảo với Cha như Ngài.
Thiên Chúa là Cha, mang trong mình trái tim của người mẹ,
tràn đầy bao dung, tế nhị, thương xót, đỡ nâng.
Cha không phải là người độc đoán hay gia trưởng.
Cha quyền năng lại là Đấng tôn trọng tự do con người.
Ngài hỏi ý Đức Maria, dù Ngài có thể làm được mọi sự (Lc 1, 37).
Ngài không thể làm một hình vừa vuông vừa tròn,
Ngài không thể phạm tội bất công hay nói dối.
Cha có khả năng chịu đựng cỏ lùng mọc trong ruộng lúa,
vì Ngài yêu cả kẻ dữ, và Ngài kiên nhẫn vô biên.
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta nhớ mình có một Người Cha.
Người Cha ấy không chỉ đóng đô ở trên trời,
nhưng đang làm việc cho loài người trên trái đất (Ga 5, 17).
Ngài vẫn nghe tiếng kêu của hàng triệu người tử vong,
vẫn thấy những xác người chết chôn không còn chỗ.
Cha chẳng bao giờ vắng mặt, dù sự dữ vẫn tác quái.
Xin cho chúng ta trong cơn đại dịch kinh hoàng
vẫn tin Thiên Chúa là Cha toàn năng và giàu lòng thương xót.
CẦU NGUYỆN
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
5. Suy niệm (song ngữ)
Trinity Sunday
Reading I: Deut 4:32-34,39-40 II: Romans 8:14-17
Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi
Bài Đọc I: Đệ Nhị Luật 4:32-34,39-40 II: Rôma 8:14-17
------o0o------
Gospel
Matthew 28:16-20
16 The eleven disciples came into Galilee to the mountain to which Jesus had directed them.
17 And on seeing him they paid him homage, but some hesitated.
18 And Jesus approached and spoke to them, saying: “All power in heaven and on earth has given to me.
19 Go, make disciples of all the Gentiles, baptizing them in the name of the Father and of the Son and of the Holy Spirit,
20 teaching them to observe all that I have commanded you. And behold I am with you all days until the end of the age.”
Phúc Âm
Matthêu 28:16-20
16 Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến.
17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.
18 Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.
19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,
20 dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Interesting Details
• The appearance of the risen Jesus on the mountain in Galilee concludes Matthew's Gospel. The passage summarizes three essential topics:
1. Jesus' supreme and universal power and authority.
2. His church is open to all Jews and Gentiles alike and is ruled by His commandments.
3. The fulfillment of the title “Emmanuel”.
• (v.16) Jesus started his mission in Galilee (see 4:12-17) and from this very place he sent his people to be disciples of all nations.
• (v.17) 'Paying Jesus homage but also doubting' is the typical itinerary of the faith of disciples of all times. Before being enlightened the disciples must journey through the darkness of doubt, hesitation, and frustration.
• (v.18) When claiming “all power in heaven and on earth has been given to me,” the risen Jesus accepts what is said about the “Son of Man” in Dan 7:14, and reaffirms his kingship (Mt 27:11).
• (v.19) Under Moses' law, only Jewish males could be properly introduced to be the member of God's chosen people through circumcision. [Females were members of the community, but they were dedicated with no outward sign.] Under Jesus' teaching all mankind is invited to enter his kingdom through a new initiation rite: baptism in the name of the Father-Son-Holy Spirit, and to keep his law, the law of love.
• (v.20) The promise assumes a “time of the church” between the inauguration of God's kingdom through Jesus and its fullness at the end of the world.
Chi Tiết Hay
• Cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh trên ngọn núi miền Galilê kết thúc Phúc âm của Thánh Mathêu. Đoạn văn tóm lươc ba chủ đề then chốt:
1. Quyền lực và uy danh tối thượng và bao quát của Chúa Giêsu.
2. Giáo hội của Chúa mở rộng cho cả dân Do Thái lẫn dân ngoại và được qui định bằng giới luật yêu thương.
3. Làm trọn vẹn danh hiệu “Emmanuel” nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
• (c.16) Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ tại Galilê (Mt 4:12-17), cũng chính nơi này Ngài đặt để người của Ngài làm tông đồ của muôn dân.
• (c.17) “Cung kính bái phục nhưng lòng hoài nghi” là một hành trình đức tin điển hình của tông đồ qua mọi thời đại. Trước khi được khai sáng, các môn sinh phải hành trình trong đêm đen của nghi ngờ, do dự, và nản chí.
• (c.18) Khi tuyên bố “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”, Chúa Giêsu chấp nhận điều nói về Ngài trong sách Daniel 7:14, và xác nhận vương quyền của Ngài (Mt 27:11).
• (c.19) Dưới luật Môsê, chỉ có nam giới Do Thái, qua việc cắt bì, mới là thành viên của dân Chúa chọn. Với giới huấn của Chúa Giêsu, toàn thể nhân loại được mời gọi vào vương quốc của Ngài qua nghi thức dẫn nhập: rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Linh, và qua việc giữ luật yêu thương của Ngài.
• (c.20) Lời hứa hàm ngụ ý “thời của giáo hội” khởi đầu từ vương quốc của Chúa qua Đức Giêsu cho tới viên mãn trong ngày thế mạt.
One Main Point
In baptism, the new people of God is born again into the mysterious life provided by the trinity of the Creator, the Savior and the Sanctifier. The condition to remain in this new life is to teach and to observe Jesus' commandment, the commandment of love.
Một Điểm Chính
Qua nghi thức rửa tội dân mới của Chúa được tái sinh trong một sự sống huyền siêu của Ba Ngôi là Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Chuộc và Đấng Ban Sự Sống Tình Yêu. Điều kiện để ở ại trong sự sống mới này là dạy và giữ giới luật của Chúa Giêsu, giới luật của tình yêu.
Reflections
1. This is the way God loves: the Father loved us so much as to give us his Only Begotten Son; through love, the Son gave up his life for our sake; and the Holy Spirit brings into us the same love with which God loves us. As the risen Jesus' disciples how do you exercise this love, especially to the least of His people, in your daily life?
2. Certainly we do not have any doubt about the risen Jesus; but is there any hesitation, frustration while you are teaching and observing Jesus' commandments?
3. Gone is the race and gender superiority among the children of God. Do you, while sharing Jesus' discipleship, exclude others (individuals, family, group, community ...) from your spiritual territory? Do you recall a time when you felt so proud of yourself that someone else was made to suffer because of his or her class?
4. How strong is our inner enthusiasm to reach out to present Jesus to someone, to lead someone to baptism?
Suy Niệm
1. Đây là lối yêu của Thiên Chúa: Chúa Cha yêu thương chúng ta đến nỗi đã trao ban Người Con Yêu Duy Nhất của mình; qua tình yêu, Chúa Con đã thí mạnh cho phần rỗi chúng ta; và Chúa Thánh Linh mang đến cho chúng ta chính tình yêu mà Chúa đã yêu. Là môn sinh của Chúa Giêsu Phục Sinh, bạn thể hiện tình yêu như thế nào trong cuộc sống mỗi ngày, nhất là đối với “người anh em hèn mọn nhất”?
2. Chắc là chúng ta không hoài nghi về Chúa Giêsu Phục Sinh; nhưng trong khi dạy và giữ lề luật Chúa bạn đã có nỗi ngập ngừng, e ngại nào chăng?
3. Thời vàng son về chủng tộc và phái tính giữa những người con của Chúa không còn nữa. Vậy trong khi chia sẻ chức vụ tông đồ bạn có khai trừ ra khỏi lãnh vực tinh thần của mình những gì khác với mình (người khác, gia đình khác, nhóm khác, cộng đoàn khác ...) chăng? Thử nhớ một lần nào đó bạn đã quá kiêu hãnh nghĩ rằng “loại người đó” phải đau khổ là đáng đời?
4. Sự hăng say nội tâm của bạn mạnh cỡ nào để vươn ra giới thiệu Chúa Giêsu cho một người, dẫn một người tới bí tích Rửa Tội?
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12)
-
Ngày 04/01 - Tìm gặp Chúa (Ga 1,35-42) -
Ngày 03/01 - Hy sinh vì tha nhân (Ga 1,29-34) -
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô (Ga 1,19-28) -
Ngày 1 tháng 1: Cuối tuần Bát nhật Giáng sinh - Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa (Lc 2,16-21) -
Ngày 31 tháng 12: Ngày thứ 7 trong tuần Bát nhật Giáng sinh - Ánh sáng chiếu soi giữa bóng tối (Ga 1,1-18) -
30 tháng 12: Ngày thứ 6 trong tuần Bát nhật Giáng sinh - Mẫu người thánh thiện (Lc 2,36-40) -
Chúa nhật trong tuần Bát nhật Giáng sinh: Lễ Thánh Gia năm C (Lc 2,41-52) -
Ngày 28 tháng 12: Ngày thứ 4 trong tuần Bát nhật Giáng sinh - Kính Các thánh Anh hài (Mt 2,13-18) -
Ngày 26 tháng 12: Ngày thứ 2 trong tuần Bát nhật Giáng sinh: Thánh Stêphanô (Mt 10,17-22)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Vâng phục (Lc 1, 26-38)