Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12)
Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Người.
Bài đọc 1: Is 60,1-6
Vinh quang của Đức Chúa chiếu toả trên ngươi.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
1Đứng lên, bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi,
vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của Đức Chúa
như bình minh chiếu toả trên ngươi.
2Kìa bóng tối bao trùm mặt đất,
và mây mù phủ lấp chư dân ;
còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
3Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
4Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi:
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.
5Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng dạ ngươi hớn hở tưng bừng,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.
6Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha:
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa.
Đáp ca: Tv 71,1-2.7-8.10-11.12-13 (Đ. x. c.11)
Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
1Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,2để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
7Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị
tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.8Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
10Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.11Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.
Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
12Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,13chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.
Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
Bài đọc 2: Ep 3,2-3a.5-6
Nay mầu nhiệm được mặc khải là các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
2 Thưa anh em, hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. 3a Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô. 5 Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. 6 Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.
Tin mừng: Mt 2,1-12
1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”
3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao.
4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.
5 Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 6 Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”
7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.
8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.”
9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.
10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.
11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.
12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
Giáo lý cho bài giảng Lễ Hiển Linh
WHĐ (04.01.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 280, 529, 748, 1165, 2466, 2715: Đức Kitô là ánh sáng muôn dân
Số 60, 442, 674, 755, 767, 774-776, 781, 831: Giáo Hội, bí tích hợp nhất nhân loại
528. Hiển Linh là sự tỏ mình ra của Chúa Giêsu, như Đấng Messia của Israel, là Con Thiên Chúa, và là Đấng Cứu Độ trần gian. Cùng với việc Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Jorđanô và với tiệc cưới Cana[1], lễ này mừng kính việc “các đạo sĩ” từ phương Đông đến thờ lạy Chúa Giêsu[2]. Nơi các “đạo sĩ” này, là đại diện cho các tôn giáo lương dân lân cận, Tin Mừng nhận ra những hoa quả đầu mùa của các dân tộc sẽ đón nhận Tin Mừng cứu độ nhờ mầu nhiệm Nhập Thể. Việc các đạo sĩ đến Giêrusalem để bái lạy Vua dân Do Thái[3] cho thấy các vị ấy đến Israel, dưới ánh sáng tiên báo Đấng Messia của ngôi sao Đavid[4], để tìm kiếm Đấng sẽ là vua của các dân tộc[5]. Việc họ đến có nghĩa là các dân ngoại chỉ có thể gặp được Chúa Giêsu và thờ lạy Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ trần gian, bằng cách hướng về dân Do Thái[6] và nhờ dân ấy mà lãnh nhận lời hứa về Đấng Messia như đã được ghi chép trong Cựu Ước[7]. Cuộc Hiển Linh cho thấy đông đảo dân ngoại được gia nhập vào gia đình của các Tổ Phụ[8], và được hưởng “phẩm giá của Israel”[9].
724. Nơi Đức Maria, Chúa Thánh Thần làm tỏ hiện Con của Chúa Cha đã trở thành Con của Đức Trinh Nữ. Mẹ là bụi gai bừng cháy của cuộc Thần hiện tối hậu: chính Mẹ, được đầy tràn Chúa Thánh Thần, tỏ cho thấy Ngôi Lời trong xác phàm khiêm hạ của Người, và làm cho những kẻ nghèo hèn[10] và những của đầu mùa của các dân tộc[11] nhận biết Người.
Số 280, 529, 748, 1165, 2466, 2715: Đức Kitô là ánh sáng muôn dân
280. Công trình tạo dựng là nền tảng liên quan đến “mọi sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa”, “khởi đầu của lịch sử cứu độ”[12] mà Đức Kitô là tột đỉnh. Ngược lại, mầu nhiệm Đức Kitô là ánh sáng quyết định soi tỏ mầu nhiệm tạo dựng; mầu nhiệm Đức Kitô mạc khải cùng đích của việc “lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất” (St 1,1): ngay từ đầu, Thiên Chúa đã nhắm tới vinh quang của công trình tạo dựng mới trong Đức Kitô[13].
529. Việc dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ[14] cho thấy Người có tư cách là “con đầu lòng” thuộc về Thiên Chúa như sở hữu riêng của Ngài[15]. Cùng với ông Simêon và bà Anna, toàn thể dân Israel đến gặp gỡ Đấng Cứu Độ mà họ trông chờ (truyền thống Byzantin gọi biến cố này như vậy). Chúa Giêsu được nhìn nhận là Đấng Messia được mong đợi đã quá lâu, là “ánh sáng muôn dân”, là “vinh quang của Israel”, nhưng cũng là “dấu hiệu cho người đời chống báng”. Lưỡi gươm của đau khổ được tiên báo cho Đức Maria, loan báo một việc dâng hiến khác, hoàn hảo và duy nhất, là việc dâng hiến trên thập giá, việc dâng hiến này sẽ mang lại ơn cứu độ mà Thiên Chúa “đã dành sẵn cho muôn dân”.
748. “Ánh sáng muôn dân chính là Đức Kitô, nên Thánh Công đồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước chiếu giãi trên mọi người ánh sáng của Đức Kitô, phản chiếu trên dung nhan Hội Thánh, bằng việc rao truyền Tin Mừng cho mọi thu tạo”[16]. Những lời trên đây mở đầu “Hiến chế tín lý về Hội Thánh” của Công đồng Vaticanô II. Như vậy, Công đồng cho thấy đề mục đức tin về Hội Thánh hoàn toàn tùy thuộc vào những đề mục quy chiếu về Chúa Giêsu Kitô. Hội Thánh không có ánh sáng nào khác ngoài ánh sáng của Đức Kitô; Hội Thánh có thể so sánh, theo hình ảnh các Giáo phụ thích dùng, với mặt trăng, mọi ánh sáng của nó đều là phản chiếu ánh sáng mặt trời.
1165. Khi Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Đức Kitô, có một từ luôn được nhắc đến trong kinh nguyện của Hội Thánh: đó là từ “Hôm nay”, là âm vang Lời Kinh Chúa dạy[17], và âm vang tiếng gọi của Chúa Thánh Thần[18]. Ngày “hôm nay” này của Thiên Chúa hằng sống mà con người được mời gọi bước vào, chính là “Giờ” của cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, Giờ đó xuyên suốt và hướng dẫn toàn bộ lịch sử:
“Sự sống được mở ra cho vạn vật và tất cả được đầy tràn ánh sáng vĩnh cửu, và Đấng là Vầng Đông của các vầng đông xâm chiếm vũ trụ: Đấng được sinh ra trước Sao Mai, bất tử và cao cả, là Đức Kitô chiếu soi vạn vật hơn cả mặt trời. Vì vậy, ngày bừng sáng, lâu dài, vĩnh cửu và không thể tàn lụi đã xuất hiện cho chúng ta là những kẻ tin vào Người: đó là cuộc Vượt Qua thần bí”[19].
2466. Chân lý của Thiên Chúa được tỏ hiện cách trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô. Chính Người, Đấng tràn đầy ân sủng và chân lý[20], là “ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Chính Người là chân lý[21]. Mọi kẻ tin vào Người, thì không còn ở trong bóng tối[22]. Môn đệ của Chúa Giêsu ở trong lời Người, để nhận biết chân lý có sức giải thoát[23] và thánh hóa[24]. Bước theo Chúa Giêsu là sống bởi Thánh Thần chân lý[25], Đấng Chúa Cha sai đến nhân danh Người[26], và là Đấng sẽ dẫn đưa đến “sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải tuyệt đối yêu mến chân lý: “Trong lời nói của anh em, hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’” (Mt 5,37).
2715. Cầu nguyện chiêm niệm là cái nhìn đầy lòng tin, chiêm ngắm Chúa Giêsu. Người dân quê làng Ars xưa đã cầu nguyện trước Nhà Tạm rồi nói với cha sở thánh của ông : “Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi”[27]. Sự chăm chú nhìn Chúa như vậy là sự từ bỏ “cái tôi”. Cái nhìn của Chúa thanh luyện tâm hồn chúng ta. Ánh sáng trong cái nhìn của Chúa Giêsu chiếu sáng con mắt tâm hồn chúng ta; ánh sáng ấy dạy chúng ta biết nhìn mọi sự dưới ánh sáng chân lý và lòng thương xót của Người đối với tất cả mọi người. Việc cầu nguyện chiêm niệm cũng hướng cái nhìn vào các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Kitô. Như thế, việc cầu nguyện này dạy “sự hiểu biết nội tâm về Chúa” để yêu mến và bước theo Người nhiều hơn nữa[28].
Số 60, 442, 674, 755, 767, 774-776, 781, 831: Giáo Hội, bí tích hợp nhất nhân loại
60. Dân tộc phát sinh từ ông Abraham sẽ được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ, tức là dân được Ngài tuyển chọn[29], họ được gọi để chuẩn bị cho việc quy tụ trong tương lai mọi con cái Thiên Chúa trong sự duy nhất của Hội Thánh[30]; dân tộc này sẽ là gốc rễ mà các dân ngoại khi tin vào Thiên Chúa sẽ được tháp ghép vào[31].
442. Trường hợp thánh Phêrô thì khác, khi ông tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”[32], bởi vì Chúa Giêsu đã long trọng trả lời ông: “Không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17). Tương tự như vậy, khi đề cập đến cuộc hối cải của mình trên đường đi Đamas, thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Ngài. Ngài đã đoái thương mạc khải Con của Ngài cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Ngài cho các dân ngoại” (Gl 1,15-16). “Lập tức, ông bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa” (Cv 9,20). Ngay từ đầu[33], điều này đã là trung tâm của đức tin tông truyền[34], đức tin mà thánh Phêrô, với tư cách là nền tảng Hội Thánh, đã tuyên xưng trước hết[35].
674. Việc Ngự đến của Đấng Messia vinh hiển vào bất cứ lúc nào trong lịch sử tùy thuộc[36] vào việc Người được nhận biết bởi “toàn thể Israel”[37] mà một phần dân ấy còn cứng lòng[38] “không tin” (Rm 11,20) vào Chúa Giêsu. Thánh Phêrô nói với người Do Thái ở Giêrusalem sau lễ Ngũ Tuần: “Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Ngài xóa bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy, thời kỳ an lạc mà Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Ngài sai Đấng Kitô Ngài đã danh cho anh em, là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu còn phải được giữ lại trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Ngài mà loan báo tự ngàn xưa” (Cv 3,19-21). Thánh Phaolô cũng nhắc lại điều đó: “Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hòa giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?” (Rm 11,15). Việc gia nhập của đông đủ người Do Thái[39] vào ơn cứu độ của Đấng Messia, sau việc gia nhập đông đủ của các dân ngoại[40], sẽ làm cho dân Chúa đạt “tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13), trong đó, “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28).
755. “Hội Thánh là thửa ruộng, hay cánh đồng của Thiên Chúa[41]. Trong cánh đồng đó, mọc lên cây ôliu cổ thụ mà gốc rễ thánh là các Tổ phụ, và nơi cây này, sự giao hoà giữa những người Do thái và các dân ngoại đã được và sẽ được thực hiện[42]. Hội Thánh được Nhà Làm Vườn thiên quốc trồng như một cây nho được tuyển chọn[43]. Đức Kitô là cây nho thật, ban sức sống và sự sinh sôi nảy nở các ngành, tức là chúng ta, những kẻ được ở trong Người nhờ Hội Thánh, và không có Người, chúng ta không thể làm gì được[44]”[45].
767. “Vậy sau khi công trình mà Chúa Cha trao cho Chúa Con thực hiện nơi trần thế đã được hoàn tất, thì Chúa Thánh Thần được sai đến vào ngày lễ Ngũ Tuần, để Ngài thánh hoá Hội Thánh một cách liên lỉ”[46]. Lúc đó “Hội Thánh được tỏ hiện một cách công khai trước mặt dân chúng, và Tin Mừng bắt đầu được truyền bá cho muôn dân qua việc rao giảng”[47]. Bởi vì là “cuộc triệu tập” mọi người đến với ơn cứu độ, nên tự bản chất của mình, Hội Thánh có tính chất thừa sai, được Đức Kitô sai đến với mọi dân tộc để làm cho họ thành môn đệ[48].
774. Từ mysterion trong tiếng Hy Lạp được dịch sang tiếng La tinh bằng hai từ là mysterium (mầu nhiệm) và sacramentum (bí tích). Trong cách giải thích về sau này, từ sacramentum (bí tích) diễn tả dấu chỉ hữu hình của thực tại ẩn giấu của ơn cứu độ, thực tại ẩn giấu đó được diễn tả bằng từ mysterium (mầu nhiệm). Theo nghĩa này, chính Đức Kitô là mầu nhiệm của ơn cứu độ: “Mầu nhiệm của Thiên Chúa không là gì khác ngoài Đức Kitô”[49]. Công trình cứu độ do nhân tính thánh thiện và có sức thánh hóa của Đức Kitô thực hiện là bí tích của ơn cứu độ. Bí tích này được biểu lộ và hoạt động trong các bí tích của Hội Thánh (mà các Giáo Hội Đông phương cũng gọi là các “mầu nhiệm thánh”). Bảy bí tích là những dấu chỉ và những dụng cụ Chúa Thánh Thần dùng để tuôn đổ ân sủng của Đức Kitô là Đầu, trên Hội Thánh là Thân Thể của Người. Như vậy, Hội Thánh chứa đựng và truyền thông ân sủng vô hình mà mình là dấu chỉ. Trong ý nghĩa loại suy này, chính Hội Thánh được gọi là một “bí tích”.
775. “Trong Đức Kitô, Hội Thánh là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất của toàn thể nhân loại”[50]: là bí tích của sự kết hợp mật thiết con người với Thiên Chúa: đó là mục đích đầu tiên của Hội Thánh. Bởi vì sự hiệp thông giữa con người bắt rễ trong sự kết hợp với Thiên Chúa, nên Hội Thánh cũng là bí tích của sự hợp nhất của nhân loại. Trong Hội Thánh, sự hợp nhất đó đã bắt đầu, bởi vì Hội Thánh quy tụ những người “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9); đồng thời, Hội Thánh là “dấu chỉ và dụng cụ” để thực hiện trọn vẹn sự hợp nhất này mà cho đến nay vẫn còn phải đạt tới.
776. Với tính cách là bí tích, Hội Thánh là dụng cụ của Đức Kitô. “Hội Thánh cũng được Đức Kitô sử dụng như dụng cụ để cứu chuộc mọi người”[51], “Hội Thánh là bí tích phổ quát của ơn cứu độ”[52] qua đó Đức Kitô “biểu lộ và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với con người”[53]. Hội Thánh là “kế hoạch hữu hình của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại”[54], trong kế hoạch này, Thiên Chúa muốn cho “nhân loại phổ quát họp thành Dân duy nhất của Thiên Chúa, quy tụ thành Thân thể duy nhất của Đức Kitô, xây dựng nên một Đền thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần”[55].
781. “Quả thật, trong mọi thời và trong mọi dân, bất cứ ai kính sợ Thiên Chúa và thực hành sự công chính đều được Ngài đón nhận. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu độ người ta riêng rẽ từng người một, không liên kết với nhau, nhưng Ngài muốn thiết lập họ thành một Dân, là dân nhận biết Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài một cách thánh thiện. Vì vậy, Ngài đã chọn dân Israel làm dân của Ngài, thiết lập với họ một Giao ước, giáo huấn họ dần dần, bằng cách biểu lộ chính mình Ngài và ý muốn của Ngài trong lịch sử của họ và thánh hiến họ cho Ngài. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chỉ là chuẩn bị và hình bóng của Giao Ước mới và hoàn hảo, sẽ được ký kết trong Đức Kitô…. Đó là Giao Ước mới Đức Kitô đã thiết lập trong máu Người, Người kêu gọi những người Do thái và dân ngoại làm thành một Dân, liên kết nhau hướng về sự hợp nhất không theo xác thịt nhưng trong Thần Khí [56].
831. Hội Thánh là công giáo bởi vì Hội Thánh được Đức Kitô sai đến với toàn thể nhân loại[57]:
“Mọi người được kêu gọi vào dân mới của Thiên Chúa. Vì thế dân này, vẫn là một dân duy nhất, phải được mở rộng khắp trần gian và qua mọi thế hệ, để kế hoạch của thánh ý Thiên Chúa được hoàn thành: từ nguyên thủy Ngài đã tạo dựng một bản tính nhân loại duy nhất, và đã quyết định quy tụ nên một các con cái đã tản mát của Ngài…. Đặc tính phổ quát này, làm vinh dự cho dân Thiên Chúa, là một hồng ân của chính Chúa, nhờ đó Hội Thánh Công Giáo, một cách hữu hiệu và liên lỉ, hướng tới việc quy tụ toàn thể nhân loại cùng mọi điều thiện hảo của họ, dưới quyền Đức Kitô là Đầu, trong sự hợp nhất của Thần Khí của Người”[58].
Bài giảng Đức Thánh Cha – Lễ Chúa Hiển Linh
Đức Phanxicô:
06.01.2023 – Bài giảng: Chúng ta có thể tìm và gặp Chúa ở đâu?
06.01.2023 – Huấn dụ: Ba món quà các Đạo sĩ nhận được
06.01.2022 – Bài giảng: Cuộc hành trình hướng về Chúa Giêsu
06.01.2022 – Huấn dụ: Khiêm nhường thờ lạy Chúa như các Đạo sĩ
06.01.2021 – Bài giảng: Học cách chiêm ngưỡng và thờ phượng Chúa
06.01.2021 – Huấn dụ: Hãy để ánh sáng Chúa Kitô chiếu sáng trong tình yêu
06.01.2020 – Bài giảng: Thờ lạy là một đòi hỏi của đức tin
06.01.2020 – Huấn dụ: Trở về xứ mình nhưng bằng một lối khác
06.01.2019 – Bài giảng: Hiển linh - sự tỏ mình ra của Chúa
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Các vị đạo sĩ chân thành tìm kiếm vị cứu tinh và đã gặp được Ngài. Muốn gặp được Chúa trong cuộc sống, mỗi người chúng ta cần theo gương các đạo sĩ: thành tâm, kiên trì, quả cảm, bỏ ý riêng và tư lợi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, vua Hêrôđê và những người thuộc lòng Kinh Thánh trong đền vua đã không nhận biết Chúa là Đấng cứu tinh. Trong khi đó, thật vinh dự và an ủi cho các đạo sĩ: họ chân thành đi tìm Chúa và họ đã gặp được Chúa. Con chiêm ngắm các nhà đạo sĩ trên đường đến với Chúa: họ đã hy sinh tất cả. Họ chẳng quản vất vả. Họ không thỏa mãn với địa vị đang có. Họ không kiêu căng tự mãn với cuộc sống. Họ không sống ích kỷ. Họ chân thành tìm Chúa để thờ lạy Chúa. Họ không hề có một ác ý nào trong việc tìm Chúa. Con trông thấy các đạo sĩ đang rong đuổi cách trung thành theo ánh sao trời để tìm Chúa. Con nhận ra các đạo sĩ đang vâng lời tuyệt đối. Họ đi con đường ngôi sao dẫn họ. Có lúc lý trí cũng soi dẫn họ: họ nghĩ Chúa phải sinh ra trong hoàng cung. Nhưng làm theo lý trí, họ đã không tìm ra Chúa. Họ phải nhờ Thánh Kinh để nhận ra Chúa.
Lạy Chúa, cuộc đời con cũng là cuộc hành trình tìm Chúa. Ánh sáng Chúa vẫn dẫn con mỗi ngày mỗi đêm. Đó chính là những lời dạy dỗ của Chúa trong Kinh Thánh. Chúa đang dẫn con từng bước qua lời dạy dỗ của Giáo Hội như ánh sao đặc biệt. Các đạo sĩ đã nhận ra Chúa vì họ đã nỗ lực tìm Chúa. Con cũng thế, con quyết tâm nỗ lực ngày đêm tìm Chúa. Con cũng muốn như các đạo sĩ quên mình và bất chấp mọi khó khăn đến với Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Con quyết tâm cố gắng mỗi ngày nhận ra Chúa nơi anh em con, nhất là nơi những người nghèo đói bệnh tật. Đây không phải là chuyện dễ, Chúa ơi. Xin Chúa Hài Đồng giúp con. Con sợ lòng kiêu căng và sự tự mãn làm con mù quáng và không gặp được Chúa như vua Hêrôđê và các nhà thông thạo Kinh Thánh, nhưng con chân thành chạy đến với Chúa. Xin Chúa giúp con. Amen.
Ghi nhớ: “Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua”.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Đoạn này được viết theo văn thể Midrash, tức là vận dụng nhiều chi tiết (kể cả những chi tiết hoang đường) để giúp người đọc (nhất là độc giả bình dân) hiểu được ý nghĩa sâu sắc của một đoạn hay một câu Sách Thánh.
Thánh Matthêu (Mt) đã dùng hình ảnh ngôi sao lạ mọc lên phía trời Tây (phía Tây của miền Lưỡng Hà, vùng ngoại giáo), và cuộc hành trình tìm kiếm của các đạo sĩ phương Đông, để trình bày Chúa Giêsu chính là ngôi sao cứu tinh của nhân loại, theo lời tiên báo của Balaam trong sách Dân Số: “Một ngôi sao mọc lên từ nhà Giacóp, một vương trượng nổi dậy từ nhà Israel” (Ds 24, 17)
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Mặc dù thánh Mt viết Tin Mừng cho độc giả do thái, nhưng ngay từ đầu tác phẩm, ngài đã trình bày Chúa Giêsu là Đấng Cứu tinh cho muôn dân, Ngài đã tỏ mình ra cho lương dân.
2. Các đạo sĩ đại diện cho những người thành tâm thiện chí: họ đang theo một tín ngưỡng khác, họ mê tín (đạo sĩ), nhưng họ vẫn luôn kiếm tìm (nhìn ngắm sao trời), khi thấy dấu lạ, họ đã kiên trì đi theo, họ dọ hỏi, cuối cùng họ đã gặp được Chúa Giêsu và họ dâng cho Ngài những thứ quý giá nhất.
3. Một chủ đề khác cũng được Mt ngầm trình bày trong đoạn này là: ngay từ khi Chúa Giêsu mới sinh ra, Ngài đã bị dân mình từ chối: “Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao”. Chữ “xôn xao” có ngữ căn là chữ “seismos”, một chữ được Thánh Kinh dùng cho những thế lực chống đối Chúa Giêsu.
4. Hành trình tìm kiếm Chúa của lương dân gặp nhiều khó khăn, ngăn trở và kể cả hiểm nguy (đường xa, đất lạ, bị Hêrôđê gạt gẫm, sinh mạng bị đe dọa). Nhưng họ được trợ lực và hướng dẫn bởi một ngôi sao. Thánh Phaolô, vị tông đồ truyền giáo, đã hiểu ngôi sao ấy là cuộc sống tốt đẹp của Kitô hữu “Giữa thế hệ đó, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Philipphê 2, 15)
5. Huyền thoại về cây nến nhỏ: Một buổi tối, một người cầm cây nến nhỏ leo lên một chiếc cầu thang.
- Chúng ta đi đâu thế? Cây nến nhỏ hỏi.
- Ta lên sân thượng để soi đường cho thuyền bè vào bến.
- Nhưng tôi quá nhỏ bé, thuyền bè nào mà thấy được ánh sáng của tôi?
- Chỉ cần ngươi cố gắng chiếu sáng. Mọi việc khác để ta liệu - Con người trả lời.
Khi họ đã leo lên sân thượng thì thấy ở đó có sẵn một chiếc đèn lồng lớn. Người ấy cầm ngọn nến châm vào ngọn đèn. Một luồng sáng lớn bùng lên, tỏa rộng chung quanh, ánh sáng lan đến tận biển khơi.
Chúng ta là những cây nến nhỏ trong tay Chúa. Sứ mạng của ta chỉ là chiếu sáng. Còn kết quả thế nào là hoàn toàn tùy Ngài. (Purnell Bailey).
6. “Trông thấy ngôi sao, các nhà chiêm tinh mừng rỡ vô cùng” (Mt 2, 10)
Chuyện kể rằng: đêm trước lễ Noel, một cô bé nghèo muốn dành hết số tiền ít ỏi của mình để mua cho chị một chuỗi ngọc lam quý giá. Số tiến quá ít, không đủ, nhưng tình yêu của cô bé thật tuyệt vời! Nó như một ánh sao làm bừng lên niềm tin yêu cuộc sống cho anh bán hàng đang tuyệt vọng khổ đau.
Noel năm nay, tôi ước trên máng cỏ: đời mình vẫn luôn có một ngôi sao lung linh, lấp lánh.
Cầu nguyện: Chúa Hài Đồng ơi, xin lớn lên trong lòng con, để cả cộc đời con ngời lên ánh sao của Chúa. (Epphata)
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
LỄ HIỂN LINH: THIÊN CHÚA TỎ MÌNH RA CHO NHÂN LOẠI
A. DẪN NHẬP
Lễ hôm nay là lễ “Hiển linh” mà ngày xưa gọi là Lễ Ba Vua. “Hiển linh” là biểu lộ thần tính. Điều mà Giáo hội kính nhớ và vui mừng cử hành là việc Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến và tỏ mình ra cho nhân loại.
Trong bài đọc 1, tiên tri Isaia tiên báo là ánh sáng của Thiên Chúa sẽ xuất hiện trên Israel và các dân tộc sẽ hướng về ánh sáng ấy mà cất bước. Lời sấm ấy đã được ứng nghiệm, vì Con Thiên Chúa đã giáng thế, sinh ra tại Bêlem, các đạo sĩ đã đại diện cho các dân ngoại mà tìm đến và thờ lạy Ngài.
Bài Tin mừng kể lại cho chúng ta sự kiện các đạo sĩ Đông phương tới Bêlem để tìm kiếm và thờ lạy Chúa Cứu thế. Thánh Mátthêu nêu ra cho chúng ta những thái độ khác nhau của từng hạng người trước việc Chúa Cứu thế tỏ mình ra: kẻ chấp nhận, người từ chối. Việc Chúa Cứu Thế tỏ mình ra cho các đạo sĩ nói lên lòng thương yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với dân ngoại.
Chúng ta cũng là dân ngoại đã được Thiên Chúa tỏ mình ra, nhưng vẫn còn phải tiếp tục tìm gặp Ngài qua Thánh kinh, qua Giáo hội và qua các biến cố trong đời sống thường ngày. Để đáp lại tình thương ấy, chúng ta phải cố gắng trở thành những vì sao chiếu sáng trên vòm trời (bài đọc 2) để soi dẫn cho những ai chưa biết Chúa tìm đến gặp Ngài, qua cuộc sống tràn đầy tình thương và phục vụ của chúng ta trong thế giới hôm nay.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Is 60, 1-6
Mặc dầu phải sống cơ cực trong cảnh lưu đầy, bị kẻ thù áp bức, tương lai đen tối mù mịt, niềm hy vọng được giải thoát đã mờ nhạt dần, tiên tri Isaia lại có một giấc mộng rất lạc quan, theo đó, dân Chúa sẽ được trở về quê hương trong tiếng ca vui, mọi người nô nức góp sức trùng tu lại đền thờ Giêrusalem. Lúc đó đền thờ lại được rạng rỡ, sẽ trở thành ánh sáng thu hút muôn dân vì được ánh hào quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trên đó, và mọi người sẽ quy tụ về thành ánh sáng ấy cùng với vàng bạc, đá quý, đồng thời loan truyền lời ca tụng Thiên Chúa.
Trong thực tế, dân Chúa đã được giải thoát, trở về quê hương, xây dựng lại đền thờ, nhưng giấc mơ của tiên tri Isaia chỉ được thực hiện trọn vẹn trong Đức Giêsu, là ánh sáng của trần gian. Giấc mơ của tiên tri Isaia còn hướng về thời cánh chung, khi mọi sự được hoàn tất. Và như thế, tác giả sách Khải huyền có lý khi mượn lại những lời tiên tri hôm nay để nói về Giêrusalem trên trời (x. Kh 21, 9-27).
+ Bài đọc 2: Ep 3, 2-3a.5-6
Dân Do thái luôn hãnh diện là dân riêng của Thiên Chúa, dân riêng của Lời hứa. Họ tin rằng ơn cứu thoát chỉ được dành riêng cho họ, còn dân ngoại thì bị đẩy ra ngoài. Nhưng thánh Phaolô, cũng là người Do thái, không nghĩ như vậy! Theo ngài, Thiên Chúa đã mạc khải cho ngài biết: Ý định của Thiên Chúa là muốn cứu độ mọi người, không dành riêng cho ai. Ngày nay Thiên Chúa đã dùng Thần khí mà mạc khải cho các thánh Tông đồ và các tiên tri mầu nhiệm Đức Kitô, đó là: trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Tin mừng, các dân ngoại cùng được thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ lời Thiên Chúa hứa.
+ Bài Tin mừng: Mt 2, 1-12
Các đạo sĩ Đông phương, là những nhà chiêm tinh, thấy một ngôi sao lạ xuất hiện và với sự soi sáng của ơn trên, các vị biết có Đấng Cứu thế đã ra đời, và các vị đã lên đường triều bái Chúa Hài Nhi.
Có người cho rằng đây không phải là ngôi sao lạ mà chỉ là ngôi sao chổi tình cờ xuất hiện và có sự trùng hợp thôi. Nhưng nếu không lạ thì làm sao, trước khi Giáng sinh, tiên tri Mikea đã viết trong Cựu ước: “Hỡi Belem Eprata, ngươi nhỏ nhất trong Giuđa, song từ nơi ngươi sẽ sinh ra Đấng cai trị trong Israel” (Mk 5, 1) Các thầy tư tế được vua Hêrôđê triệu tập đến sau khi các đạo sĩ tới, cũng xác nhận như thế (Mt 2, 4-6) mà các đạo sĩ đã thấy NGÔI SAO của Chúa bên phương Đông, nên đến thờ lạy (Mt 2, 2).
Nếu tiên tri Mikea không được Thiên Chúa mạc khải làm sao ông ấy biết và nói trước đúng thời gian và địa điểm? Nếu đó chỉ là “ngôi sao chổi” tự nhiên, thì tại sao nó lại hướng dẫn được các đạo sĩ từ phương Đông xa xăm đến tận nước Do thái. Tại sao khi nó hướng dẫn các đạo sĩ đến Giêrusalem thì nó lại “biến” mất? Tại sao nó lại tái xuất hiện và “đi trước mặt cho đến ngay chỗ con trẻ sinh ra mới dừng lại”? Nếu là sự trùng hợp thì tại sao sự trùng hợp ấy lại được các đạo sĩ phương Đông biết trước mà đi tìm Chúa Cứu thế? Vì vậy, phải gọi là “Ánh sao Belem”.
Vì thế, qua ánh sao lạ, Chúa Hài Nhi đã tỏ mình ra cho đại diện lương dân, đang khi các nhà trí thức Do thái ở Giêrusalem tuy thông thạo Thánh kinh nhưng đã không nhận ra Chúa.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Lễ của ánh sáng và quà tặng
I. HIỂN LINH VÀ NGÔI SAO LẠ
1. Ý nghĩa ngôi sao lạ
Theo quan niệm của người Đông phương, sự xuất hiện của một vì sao trên trời có quan hệ đến một nhân vật dưới trần, nhất là các vị đế vương, người ta vẫn gọi đó là ngôi sao chiếu mạng. Các nhà chiêm tinh Đông phương đều tin như vậy, vì thế nảy sinh hẳn một môn chiêm tinh học với các khoa tử vi.
Hôm nay Giáo hội kể lại biến cố ba nhà thông thái đến triều bái Chúa Hài Nhi. Magi có nghĩa là những nhà khoa học kinh nghiệm (Nature Scientist), họ là những chiêm tinh gia và những nhà thiên văn. Họ đến từ phương Đông, dĩ nhiên họ không phải là người Do thái. Và chỉ hỏi có hai câu: Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.
Có nhiều người cho rằng có lẽ các khoa học gia này đã nhìn thấy sao chổi và đi theo. Nhưng năm 1603, nhà toán kiêm thiên văn Johannes Képler giải thích theo tài liệu cho thấy vào năm Chúa Giáng sinh có một hiện tượng bất bình thường xảy ra giữa các vì sao. Ông nói về hai ngôi sao Jupiter và Saturn rằng: bình thường chúng vẫn quay cách đều nhau, năm đó chúng quay sáp lại gần nhau đến độ ánh sáng của ngôi sao này cộng hưởng với ánh sáng của ngôi sao kia, tạo ra một luồng sáng khác thường và kéo dài đến cả mấy tháng.
Phải chăng đó chính là ngôi sao lạ dẫn đường cho các đạo sĩ tìm ra Chúa Hài Nhi? Nhưng điểm muốn nhấn mạnh ở đây, là tại sao các nhà thông thái biết chắc chắn là vua Do thái đã sinh ra (chúng ta biết rằng các nhà khoa học không bao giờ hấp tấp kết luận một cách hồ đồ). Phải chăng các ngài đã được Thiên Chúa mạc khải? Đúng thế! Ngôi sao trên bầu trời Belem đã dẫn các đạo sĩ Đông phương trải qua một cuộc lữ hành xa lạ, đầy khó khăn nguy hiểm đã đem các ông đến nơi Con Trẻ mà các ông muốn tìm kiếm. Chính ngôi sao đã bảo tồn cho họ niềm hy vọng, ước nguyện, đức tin mà Thiên Chúa đã mạc khải cho. Cũng chính ngôi sao đã cho họ thấy Con Trẻ cũng là Vua của họ để họ chuẩn bị lễ vật triều kính Ngài.
2. Ý nghĩa ngày lễ
Như vậy, lễ Hiển linh là một ngày lễ cách mạng. Đức Kitô được mạc khải như là Đấng Cứu độ, không phải là của một nhóm người được chọn, nhưng của tất cả mọi dân tộc. Đức Giêsu đã bẻ gẫy rào cản lớn tồn tại giữa dân Do thái và dân ngoại. Trên thực tế, sứ điệp của Đức Giêsu, người Anh Cả của toàn thể vũ trụ, đã vượt qua tất cả những rào cản của bộ tộc, họ hàng.
Lễ Hiển linh là một ngày lễ đẹp, bởi vì ngày lễ này đưa mọi người lại với nhau. “Bấy giờ, tất cả mọi người đều được chia sẻ cũng một quyền thừa kế, họ trở nên một phần của cùng một thân thể”.
II. HIỂN LINH VÀ ÁNH SÁNG
1. Đức Giêsu và ánh sáng
Trong bài khởi đầu sách Tin mừng thứ tư, thánh Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu là ánh sáng: “Ở nơi Người vẫn có sự sống và sự sống là sự sáng của nhân loại, sự sáng chiếu soi trong u tối và u tối đã không tiếp nhận sự sáng” (Ga 1, 4). Và sau này chính Đức Giêsu cũng xác định điều đó. Cho nên, cần phải có sự hiện diện của Chúa ở trần gian để trần gian biết đường đi và khỏi bị vấp ngã.
Trong ấn bản trên mạng của tuần báo Newsweek vào ngày 5 tháng 12 năm 2004, sau một cuộc thăm dò các độc giả về niềm tin vào Chúa Giêsu. Khi được hỏi là liệu thế giới ngày nay sẽ trở nên tốt lành hay xấu xa hơn nếu như không hề có Chúa Giêsu, thì:
- 61% trả lời rằng: thế giới hôm nay sẽ xấu xa và tan tác hơn nếu như không có Chúa Giêsu.
- 47% nói rằng: sẽ có nhiều cuộc chiến tương tàn hơn, nếu như Chúa Giêsu không tồn tại nơi thế giới này (16 % thì nói ngược lại, và 26% thì cho rằng thế giới cũng giống như vậy nếu có hay không có Chúa Giêsu).
- 63% nói rằng sẽ có ít lòng nhân ái hơn, và 58% thì cho rằng sẽ có ít lòng khoan dung hơn nếu như không có Chúa Giêsu. 59% thì cho biết hạnh phúc cá nhân sẽ bị mất đi và 38% tin rằng sẽ có nhiều sự chia rẽ về tôn giáo, nếu như thế giới này không có Chúa Giêsu (Báo Công giáo và Dân tộc, số 1487-1488, tr 53).
2. Chúng ta và ánh sáng thế gian
Những người theo Chúa thì được Chúa soi sáng, cho nên cũng phải là ánh sáng mặc dù chỉ là ánh sáng phản chiếu: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 14) Và nếu đã là ánh sáng thì phải toả ra như Chúa dạy: “Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 15-16).
Ánh sáng của ngọn đèn chúng ta chỉ leo lét, yếu ớt, nhưng cũng làm nên một đốm sáng trong đêm tối và nếu như đốm sáng chiếu soi thì có thể làm cho bầu trời tối tăm trở nên sáng rực. Cuộc sống gương mẫu của chúng ta chỉ rất nhỏ, rất mờ nhạt trong cộng đoàn, nhưng nó cũng làm cho cộng đoàn trở nên chứng tá lớn cho xã hội chưa nhận biết Chúa.
Truyện: Ánh sáng ở vận động trường
Một bữa nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước 100.000 người tại sân vận động Los Angeles bên Hoa kỳ. Đang diễn thuyết bỗng ông dừng lại và nói: “Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”.
Đèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc. Ông John Keller nói tiếp: “Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: “Đã thấy”. Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên: “Đã thấy”.
Sau khi đèn được bật sáng lên, ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tối tăm của nhân loại y như vậy”.
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: “Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên”. Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.
Ông Keller kết luận: “Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta” (Lẽ sống, tr 143).
Các đạo sĩ phương Đông đã nhờ ngôi sao lạ của “Vua dân Do thái sinh ra” tức Hài Nhi Giêsu, mà đến được Be lem và gặp được Hài Nhi Giêsu cùng Mẹ Người là Bà Maria. Cũng thế, 90 triệu người Việt Nam nói riêng và hàng trăm triệu người châu Á nói chung sẽ chỉ nhận ra Đức Giêsu là Cứu Chúa nếu mỗi người Công giáo Việt nam là một SAO dẫn đường chỉ lối cho họ.
Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã hơn một lần nhắc nhở chúng ta là con người thời nay trông chờ (và tin tưởng) các chứng nhân hơn là các thầy dạy, vì có nhiều thầy dạy lại dạy một đàng mà sống một nẻo, thậm chí sống ngược lại những điều họ giảng dạy, chẳng khác gì các Biệt phái và Pharisêu thời Chúa Giêsu. Trong cụ thể, chỉ khi người Kitô hữu sống tinh thần Bát phúc, sống yêu thương, trách nhiệm, công bình, thanh liêm, hy sinh, phục vụ tha nhân và ích chung thì mới thành SAO trên bầu trời và trong cộng đồng con người được.
3. Mỗi người là một ánh sao.
Thánh Gioan tông đồ nói: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối nhưng bóng tối không chấp nhận ánh sáng” (Ga 1, 4-5). Nếu thế gian không chấp nhận Chúa Giêsu là ánh sáng thì thế gian vẫn ở trong bóng tối. Chúng ta phải làm sao cho thế gian nhận được Chúa Giêsu thì chúng ta phải soi sáng cho họ. Vì thế, trong thư gửi cho tín hữu Philipphê, thánh Phaolô tông đồ đã khuyên: “Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2, 15).
Tại sao chúng ta, các Kitô hữu là những ngôi sao? Thánh Phaolô tông đồ giải thích: “Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta” (1Ga 4, 12). Nói cách khác, Thiên Chúa của chúng ta là một vị “Thiên Chúa ẩn mình”, nhưng Ngài muốn tỏ mình ra cho người ta thấy qua cách sống yêu thương của chúng ta. Nói cách khác hơn, khi chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8). Cho nên cách sống yêu thương của chúng ta làm cho người khác nhìn thấy và nhận biết được Thiên Chúa tình yêu. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã so sánh thế gian như vòm trời đêm tăm tối, và khuyến khích các Kitô hữu hãy sống yêu thương để có thể thành những vì sao chiếu sáng trên vòm trời ấy.
Trong đời sống xã hội hôm nay có rất nhiều ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật, đủ mọi lãnh vực, ví dụ ngôi sao nhạc rock, ngôi sao điện ảnh, ngôi sao bóng đá, thôi thì loạn cào cào với các vì sao! Có những người chưa xứng đáng là “sao” mà cũng tự nhận mình là sao, thậm chí có những người vênh váo tự phong mình là “siêu sao”!
Trong phạm vi tôn giáo, ta thấy có những Kitô hữu âm thầm sống bác ái yêu thương, chiếu toả nhân đức cho những người chung quanh, nhưng chỉ dám nhận mình là tôi tớ vô dụng, chỉ làm theo nhiệm vụ của mình. Thời nay, thánh Têrêsa Calcutta với tấm lòng yêu thương bao la cũng là vì sao chiếu sáng trên vòm trời của thế kỷ 21.
Là Kitô hữu, chúng ta phải là những vì sao lấp lánh trên vòm trời. Chúng ta có thể trở thành SAO MAI được chăng? Sao mai chính là Kim tinh ở cách xa mặt trời 108 triệu cây số. Kim tinh tương đối gần mặt trời (nó xoay quanh mặt trời trong vòng 224, 7 ngày) vì thế nó sáng hơn. Ta thấy nó mọc trước khi mặt trời mọc và lặn sau khi mặt trời lặn. Người xưa đã có thời lầm, cho đó là hai ngôi sao khác biệt: sao mai và sao hôm.
Ánh sáng của SAO MAI (Kim tinh) thật là rực rỡ, làm cho người ta liên tưởng đến những gì đẹp đẽ mỹ miều nhất: “Đẹp như ánh sao mai”. Đó là câu chúng ta vẫn thường nói. Và đặc biệt, Kim tinh, Ngôi sao mai đã được dùng để chỉ Đức trinh nữ Maria: Stella matutina (Đức Bà như Ngôi Sao mai sáng vậy). Nhiều bài ca kính Đức Mẹ đã hoan hô Ngài bằng danh từ ấy: Bà là ai như hào quang Thiên Chúa, như mùa xuân không úa, như vì SAO MAI rạng, như chính cửa thiên đàng (Hoàng Diệp).
Sang thế kỷ 21 này, Thiên Chúa vẫn còn muốn Hiển linh, nghĩa là muốn tỏ mình ra cho nhân loại thế kỷ này. Chúa vẫn cần những ngôi sao lạ chiếu sáng trên vòm trời thế hệ này. Những ngôi sao ấy là chính chúng ta.
III. HIỂN LINH VÀ QUÀ TẶNG.
Những nỗ lực của các đạo sĩ không bị từ chối. Thánh Matthêu cho biết sau khi rời khỏi Giêrusalem thì bấy giờ “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”. Và sau khi đã gặp thấy Hài Nhi và thân mẫu là Maria, “họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2, 11).
Các Giáo phụ thường giải thích các lễ vật dâng Chúa Hài nhi theo nghĩa tượng trưng: Vàng chỉ Hài nhi là Vua; nhũ hương chỉ thần tính, và mộc dược chỉ nhân tính. Có người lại giải thích ý nghĩa ba lễ vật đó như sau: Vàng ám chỉ đức tin, thể hiện qua thái độ phục bái suy tôn, nhũ hương ám chỉ đức cậy, thể hiện qua tâm tình cầu nguyện sốt sắng; mộc dược ám chỉ đức mến, thể hiện qua những hy sinh khiêm nhường phục vụ tha nhân.
Truyện: Món quà của Artaban
Henry van Dyke có thuật lại câu chuyện, nhan đề The Other Wise Man (còn một nhà đạo sĩ khác nữa), kể về nhân vật thứ tư là người đáng lẽ đã cùng ba nhà đạo sĩ kia đi tìm vị vua vừa sinh ra. Nhân vật này tên là Artaban. Trong lúc chuẩn bị lên đường, Artaban mang theo một túi đựng đá quí để dâng tặng Ấu Vương. Thế nhưng trên đường đến gặp ba vị thông thái kia để cùng đi, Artaban lại dừng chân để giúp một người nghèo khổ và thế là ông ta bỏ mất cơ hội theo kịp các vị kia. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục kiên trì dừng lại giúp đỡ những ai gặp khốn khó. Cuối cùng ông cho đi tất cả số đá quí của mình. Kết cuộc Artaban đã trở nên già nua và nghèo khổ. Và ông chẳng bao giờ thực hiện được giấc mơ gặp được vị vua các vua để đặt túi đá quí của ông dưới chân Ngài.
Câu chuyện The Other Wise Man có thể kết thúc ở đây, nhưng nếu chỉ có thế thì đây quả là một câu chuyện đáng buồn, vì nó kể chuyện một người chưa thực hiện được giấc mộng lớn của đời mình. Nhưng may thay, câu chuyện đã không kết thúc ở đây. Một ngày kia Artaban đang ở trong thành Giêrusalem, cả thành phố đầy xôn xao, náo nhiệt vì nhà cầm quyền sắp sửa hành hình một tội nhân. Khi Artaban nhìn thấy tội nhân, trái tim ông đập lên thình thịch. Linh tính cho ông biết đây chính là Vua các vì vua mà ông đã suốt đời tìm kiếm. Nhìn cảnh tượng trước mắt, Artaban cảm thấy trái tim như tan vỡ ra, nhất là vì ông chẳng có thể làm được gì để giúp đỡ vị vua ấy. Thế nhưng thật kỳ diệu thay khi Artaban nghe tiếng vị vua ấy nói cùng ông: “Này Artaban, đừng buồn khổ nữa. Suốt đời ông đã từng giúp đỡ ta. Khi ta đói ông đã cho ta ăn, ta khát, ông đã cho ta uống, ta trần trụi ông đã mặc áo cho, ta là khách lạ, ông đã đón ta vào nhà” (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm C, tr 50-51).
Như thế, lễ Hiển linh nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều có một món quà để dâng tặng cho vị Vua trên các Vua. Và câu chuyện “Còn một nhà đạo sĩ khác nữa” nhắc chúng ta nhớ rằng món quà của chúng ta còn quí giá hơn những món quà của các đạo sĩ, bởi vì món quà của chúng ta dâng không phải chỉ là tặng phẩm trao dâng một lần như vàng, nhũ hương và mộc dược, mà chính là món quà liên lỉ của tình yêu và tinh thần phục vụ tha nhân. Nhiều người sẽ cho rằng chúng ta điên rồ khi tặng dâng những món quà này, nhưng chẳng qua là vì họ không biết được màn cuối của câu chuyện khi mà Chúa Giêsu sẽ nói với chúng ta như Ngài đã từng nói với Artaban: “Hãy đến đây, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy vào hưởng vương quốc dành sẵn cho các con từ thuở khai thiên lập địa, vì xưa ta đói các ngươi đã cho ăn… (x. Mt 25, 34-35).
Lễ Hiển linh thách thức tâm hồn chúng ta cởi mở tâm hồn của mình ra. Khi biết cởi mở tâm hồn, là bắt đầu biết sống. Đức Giêsu không cần đến những quà tặng của chúng ta, nhưng người khác có thể cần đến. Người mong muốn chúng ta chia sẻ chính bản thân chúng ta cho người khác. Và nếu nhờ được biết Đức Giêsu, mà chúng ta có khả năng mở kho tàng của tâm hồn mình ra, và chia sẻ cho người khác, thì chính chúng ta cũng sẽ cảm thấy mình được trở nên phong phú hơn.
IV. HIỂN LINH VÀ TÌM KIẾM.
Đối với các nhà bác học Đông phương, sự xuất hiện của một ngôi sao như thế là thực hiện một mong ước từ lâu, vì khi nghiên cứu tinh tú, họ nhận thức rằng ngôi sao là đại biểu cho “ý muốn vĩnh cửu”. Quan niệm của họ cũng tương hợp với lời tiên tri của Kinh thánh: “Một vì sao hiện ra từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds 24, 17). Vì vậy, khi họ thấy ngôi sao xuất hiện, liền biết thời giờ đã đến, nên chẳng ngần ngại lặn lội đường xa rủ nhau đi tìm cho thấy “vì sao xuất hiện từ Giacóp” hầu tìm ra con đường sáng cho mình, cho thế giới u minh.
Ba nhà bác học đã đến từ quốc gia xa xôi, để thần phục Hài Nhi Giêsu trong khi các đại giáo trưởng, các luật sĩ Do thái (Mt 2, 4) họ có không phải chỉ một ngôi sao đêm lấp lánh trên nền trời, mà họ có cả một thư viện, đầy sách vở. Họ có Thánh kinh mà họ mang trên ngực, chít trên đầu. Họ am hiểu các tiên tri về Chúa Cứu thế. Họ biết nhưng họ không thấy, hay không muốn thấy. Chúa sinh ra cách đó có 8 cây số, các thiên thần ca hát trên không trung, các mục đồng lao nhao rủ nhau đi thờ lạy. Nói chung, cả dân tộc Do thái và nhân loại không nhìn thấy ngôi sao và cũng không để tâm nghiên cứu tìm hiểu.
Ngày nay cũng như cách nay hơn 2000 năm, mọi người phải cố gắng tìm ra Chúa. Phải cố gắng tìm gặp Chúa qua các biến cố của đời sống hôm nay. Hơn nữa, suốt đời sống đạo của chúng ta là một cuộc tìm kiếm Chúa không ngừng. Do đó, những ai tự mãn cho rằng mình đã gặp được Chúa qua cái nhãn hiệu công giáo bên ngoài, qua việc lãnh nhận các phép bí tích như một cái máy không hồn, qua việc học hỏi giáo lý sơ sài, để rồi không chịu khó nhờ vào các biến cố thực tế của đời sống để gặp Chúa, yêu Chúa qua anh em thì mãi mãi họ chẳng những không tìm thấy Ngài mà còn mất Ngài nữa.
Chúng ta vừa là người tìm kiếm vừa là ánh sao soi cho người khác đi tìm kiếm Chúa. Cuộc đời của chúng ta bên kẻ khác chỉ có nghĩa khi nào sự hiện diện của chúng ta là một lời mời gọi, dẫn đưa người khác cùng với chúng ta đi tìm Chúa. Chúng ta chỉ sống trọn vẹn ý nghĩa đời con Chúa khi cuộc sống của chúng ta là một ánh sao dẫn lối cho anh chị em chúng ta đến với Chúa.
Sách Tin mừng nói: “Ba nhà đạo sĩ sau khi thờ lạy Chúa, dâng lễ vật, họ nhận được mộng báo đừng trở lại với Hêrođê, họ đi qua đường khác, trở về xứ sở mình” (Mt 2, 12). Ba nhà đạo sĩ sau khi thờ lạy Chúa, đã được soi sáng, đã không trở về với Hêrôđê, tượng trưng cho dục vọng, tham ô, tội lỗi, mà đã qua đường khác, nghĩa là đã thay đổi nếp sống và trở về làm tông đồ. Làm chứng tá, rao giảng Tin mừng khắp nơi, không phải ở Đông phương mà ở cả Tây phương. Tục truyền rằng Ba vua đã qua giảng đạo tận Tây Đức và hiện nay có mộ ba vị ấy ở thành Cologne, trên bờ sông Rhin ở Tây Đức.
Đó cũng là bài học cho chúng ta. Chúng ta cũng là dân ngoại, nhưng được Chúa hiển linh, được ngôi sao của Chúa hướng dẫn thì nay chúng ta cũng phải trở nên ngôi sao hướng dẫn kẻ khác đến với Chúa, bằng lời nói, bằng việc làm, và cả cuộc sống chúng ta.
Trong công đồng Vatican II, có một vị Hồng y da đen Phi châu đã nói với các nghị phụ khi bàn đến lòng đạo đức sa sút ở các nước Tây phương rằng, một ngày nào đó, Chúa sẽ dùng chúng tôi để rao giảng Tin mừng lại cho các nước Tây phương. Đó không phải là sự kiêu hãnh, mà là một bổn phận sau khi đã được ơn hiển linh, như lời thánh Phaolô trong bài đọc 2: “Nhờ Tin mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một bản thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô” (Ep 3, 6).
Người ta nói: có người sinh ra dưới một ngôi sao xấu, có người sinh ra dưới một ngôi sao tốt. Không có ai là ngôi sao xấu. Tất cả đều là ngôi sao tốt. Trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa, mỗi người đều có một chỗ đứng, một vai trò nào đó. Vì thế, không ai được tự ti mặc cảm, chán nản thất vọng. Cũng không ai được tự tôn tự phụ, huênh hoang… Chúng ta hãy sống thực sự là một con người, hơn nữa, thực sự là một người con Chúa.
Trong ngày lễ Hiển linh, chúng ta cảm đội ơn Chúa đã tỏ mình ra cho dân ngoại, vì chúng ta một thời cũng là dân ngoại. Cái thái độ và mục đích của các đạo sĩ trong cuộc hành trình tìm kiếm Chúa khiến ta cần tìm hiểu và học hỏi. Họ chân thành tìm Chúa để thờ lạy Người chứ không giả hình như vua Hêrôđê. Hêrôđê khi nghe Đấng Cứu thế mới sinh thì bối rối sợ hãi vì sợ mất ngai vàng. Còn các nhà thông thái thì dửng dưng, vì họ cậy họ có sẵn kho tàng Kinh thánh. Họ cho rằng nếu Chúa Cứu thế xuất hiện thì tự nhiên họ phải biết chứ không cần đi tìm kiếm. Cái thái độ tự mãn đó làm họ mù quáng không nhận ra ngôi sao lạ để đi tìm Chúa.
Ba Vua đã được hân hạnh đến triều bái Chúa Hài Nhi, dâng lễ vật cho Ngài. Chúng ta cũng lưu ý rằng lúc Ba Vua đang thờ lạy và dâng lễ vật thì có Mẹ Maria ở đó. Chắc Mẹ Maria đã nhận lấy những lễ vật ấy và nói vài lời cảm ơn các ông thay cho Chúa Giêsu. Chúng ta hãy dâng lên Mẹ những tâm tình của chúng ta trong ngày lễ hôm nay: “Lạy Mẹ, cuộc đời của con cũng là cuộc hành trình đi tìm Chúa. Ánh sáng Chúa vẫn luôn dẫn lối chỉ đường cho con. Đó chính là những lời của Chúa trong Thánh kinh. Chúa đang dẫn con từng bước qua lời dạy của Giáo hội như một ánh sao đặc biệt. Các đạo sĩ đã nhận ra Chúa, vì họ đã nỗ lực tìm kiếm. Con cũng muốn noi gương các vị đạo sĩ, luôn quên mình bất chấp mọi khó khăn đến với Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Con quyết tâm mỗi ngày nhận ra Chúa nơi anh em con, nhất là nơi những người nghèo khó bệnh tật. Đây không phải là chuyện dễ làm! Xin Mẹ thương giúp con. Con sợ lòng kiêu căng và sự tự mãn làm con ra mù tối đến nỗi không gặp được Chúa như Hêrôđê và các luật sĩ xưa. Nhưng con chân thành chạy đến với Mẹ. Xin Mẹ thương giúp đỡ con” (Đan Vinh).
Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
CHÚNG TÔI ĐÃ THẤY NGÔI SAO
SUY NIỆM
Lễ Hiển Linh là lễ Thiên Chúa giới thiệu
Con Một của Ngài cho dân ngoại và cho cả nhân loại.
Như thánh Mác-xi-mô, viện phụ, nhận xét:
“Người tỏ mình ra theo tầm mức lãnh hội của kẻ đón nhận…
Người thích ứng với khả năng tiếp nhận của họ.”
Khi muốn giới thiệu Con của Ngài cho các mục đồng,
những người ít học, đơn sơ, hèn mọn,
Thiên Chúa đã cho một vị thiên sứ đến gặp họ,
để báo tin Đấng Kitô mới được sinh ra,
như trẻ thơ nằm trong máng cỏ (Lc 2,1-20).
Nhưng Thiên Chúa không chỉ tỏ mình cho mục đồng,
Ngài còn muốn tỏ mình cho dân ngoại,
cho những người giàu có, khôn ngoan, học thức, có địa vị.
Cả những người này cũng có chỗ trong trái tim Thiên Chúa.
Lễ Hiển Linh hôm nay, Thiên Chúa giới thiệu Con của Ngài
cho những nhà chiêm tinh thuộc vùng Ba-tư hay Babylon.
Dựa theo lễ vật của họ, hẳn họ phải là người giàu có.
Dựa theo khả năng nhìn bầu trời,
họ phải là những người có kiến thức thiên văn.
Họ có thể là những tư tế hay cố vấn cho nhà vua.
Hơn nữa, họ không phải là người Do-thái.
Thiên Chúa muốn dân ngoại cũng nhận biết Con của Ngài.
Nhưng Thiên Chúa tỏ mình bằng những cách khác nhau.
Vì họ chuyên nghiên cứu các vì sao,
nên Thiên Chúa muốn dùng bầu trời mà trò chuyện với họ.
Ngài đã cho xuất hiện một ngôi sao,
không hẳn là sáng rực rỡ, nhưng là ngôi sao rất lạ,
khiến họ bị thu hút mãnh liệt và lôi kéo họ lên đường.
Nhìn ngôi sao lạ xuất hiện, họ tin có một vị Vua mới sinh.
đó là vị Vua Mêsia người Do-thái đang mong đợi,
cũng là vị Vua cho cả thế giới.
Vì thế họ háo hức lên đường đi đến nước Israen,
chỉ mong được gặp và bái yết vị Tân Vương.
Chắc họ đã đi cả ngàn cây số, ngược sông Êu-phrát,
rồi vòng xuống để đến Giêrusalem.
Sau đó theo sự chỉ dẫn của Hêrôđê, họ lại đi Bêlem,
quá vui khi được bái lạy và dâng lễ vật cho Con Trẻ.
Thiên Chúa đã nói với họ qua một ngôi sao,
thì nay lại nói trong một giấc mơ.
Ngài nhắc họ đừng gặp Hêrôđê, nhưng đi đường khác mà về.
Thánh Mátthêu đã kể cho người Do-thái thời của ngài
một câu chuyện đẹp và ý nghĩa.
Họ hiểu ngay lời sấm của ông Bilơam đã được ứng nghiệm.
Nhà chiêm tinh ngoại giáo này đã thấy:
“một vì sao xuất hiện từ Giacóp” (Ds 24,17).
Bây giờ vì sao ấy đã xuất hiện rồi.
Vì sao chính là Đức Giêsu, Đấng Mêsia, Vua hoàn vũ.
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên chúng ta làm hang đá.
Ngài nhắc chúng ta đặt tượng “Ba Vua” nơi hang đá.
Ở đó cần treo một ngôi sao chỉ đường.
Ta không được quên vai trò của ngôi sao nơi máng cỏ,
bởi lẽ con người hôm nay vẫn cần ánh sao để gặp Chúa.
Đó không hẳn là ánh sao lạ xuất hiện trên bầu trời,
nhưng là “sao mai mọc lên trong tâm hồn anh em” (2 Pr 1,19).
Đức Giêsu đã tự nhận mình là Sao Mai sáng ngời (Kh 22,16).
Chính Ngài sẽ ban cho chúng ta Sao Mai ấy (Kh 2,28).
Mừng lễ Hiển Linh không thể không nghĩ đến các vì sao,
và ý thức mình chính là một vì sao cần tỏa sáng (Pl 2,15).
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa là Ánh sáng thân thương,
Giữa những bủa vây của u sầu ảm đạm,
Xin Chúa dẫn con đi.
Đêm thì tối, đường còn xa,
Xin Chúa dẫn con đi,
Xin giữ bước chân con.
Con đâu dám xin thấy tương lai xa xôi,
Chỉ thấy một bước trước mặt cũng đủ rồi.
Chưa bao giờ con như bây giờ,
Cũng chưa bao giờ con xin Chúa dẫn dắt.
Con đã quen tự chọn và thấy con đường của mình.
Nhưng giờ đây, xin Chúa dẫn con đi.
Thánh John Henry Newman
Suy niệm (song ngữ)
Epiphany
Reading I: Isaiah 60:1-6 II: Ephesians 3:2-3, 5-6
Lễ Hiển Linh
Bài Đọc I: Isaia 60:1-6 II: Ephêsô 3:2-3, 5-6
Gospel
Matthew 2:1-12
1 Now when Jesus was born in Bethlehem of Judea in the days of Herod the king, behold, wise men from the East came to Jerusalem, saying,
2 "Where is he who has been born king of the Jews? For we have seen his star in the East, and have come to worship him."
3 When Herod the king heard this, he was troubled, and all Jerusalem with him;
4 and assembling all the chief priests and scribes of the people, he inquired of them where the Christ was to be born.
5 They told him, "In Bethlehem of Judea; for so it is written by the prophet:
6 ‘And you, O Bethlehem, in the land of Judah, are by no means least among the rulers of Judah; for from you shall come a ruler who will govern my people Israel.’"
7 Then Herod summoned the wise men secretly and ascertained from them what time the star appeared;
8 and he sent them to Bethlehem, saying, "Go and search diligently for the child, and when you have found him bring me word, that I too may come and worship him."
9 When they had heard the king they went their way; and lo, the star which they had seen in the East went before them, till it came to rest over the place where the child was.
10 When they saw the star, they rejoiced exceedingly with great joy;
11 and going into the house they saw the child with Mary his mother, and they fell down and worshiped him. Then, opening their treasures, they offered him gifts, gold and frankincense and myrrh.
12 And being warned in a dream not to return to Herod, they departed to their own country by another way.
Phúc Âm
Mátthêu 2:1-12
1 Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giu đê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem,
2 và hỏi: "Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người."
3 Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao.
4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu.
5 Họ trả lời: "Tại Bêlem, miền Giu đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng:
6 Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giu đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân ta sẽ ra đời".
7 Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.
8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: "Xin qúy ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người."
9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.
10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.
11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.
12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
Interesting Details
• Bethlehem is a small town six miles south of Jerusalem.
• Israel was ruled by the Romans and King Herod was the Roman appointed ruler of Palestine. He maintained law and order with cruelty. The Jews were waiting for a Savior to come.
• The ancients believed that each person was represented by a star at birth.
• The Magi belonged to a priestly caste in Persia where their principal task was to be intellectual and religious advisers to the Persian kings. They were trained in philosophy, medicine, and above all in astronomy.
• The meanings of the gifts:
1. Gold: In the ancient time, gold was considered as a precious metal reserved only for the royalty. Gold is offered to infant Jesus as the king.
2. Frankincense: Incense has always been a favorite part of religious ritual not only for its air-sweetening power but also because the rising plumes of smoke seems to be visible prayers bridging heaven and earth. The gift of frankincense adverts to Christ’s priestly role.
3. Myrrh: Myrrh is used to heal and embalm death body. The gift of myrrh implies the human nature of the infant Jesus and also announces his future death.
Chi Tiết Hay
• Bê-lem, nơi Chúa sinh ra là một thôn làng nhỏ cách Giê-ru-sa-lem 6 dặm về phía nam.
• Ít-ra-en thời ấy bị đế quốc Rô-ma đô hộ. Hê-rô-đê được Rô-ma bổ nhiệm cai trị xứ Pa-lét-tin. Ông nổi tiếng là người tàn bạo.
• Dân chúng thời đó tin rằng mỗi người có một ngôi sao chiếu mệnh.
• Ba nhà đạo sĩ đến từ vùng Tiểu Á. Họ là những người thông thái. Sở trường của họ là nghiên cứu về khoa chiêm tinh và được xem là cố vấn của nhà vua về đời và đạo. Họ theo ánh sao đi tìm sự xuất hiện của một Đấng Cứu Thế.
• Ý nghĩa của lễ vật:
1. Vàng - Thời xưa, vàng có tính cách quý báu và cao sang, chỉ dành cho vua chúa. Vàng có ý nói hài đồng Giê-su là Vua.
2. Nhũ Hương - Trầm hương chỉ dùng trong việc tế lễ. Hơn thế nửa, trầm hương ở đây nói lên sự ca ngợi và thờ lạy. Trầm hương có ý nói Chúa hài đồng là Thiên Chúa.
3. Mộc Dược - Mộc dược dùng để chữa lành người bệnh và tẩm liệm thi thể người chết thời đó. Mộc dược nói lên nhân tính của hài nhi và cái chết sau này của Chúa Giê-su.
One Main Point
The visitation of the Persian Magi is regarded as the revelation of God to the world. God invites all, both Jews and Gentiles, to share equally the salvation brought by Christ.
Một Điểm Chính
Sự viếng thăm của ba nhà chiêm tinh được coi là cách Thiên Chúa dùng để tỏ mình ra cho nhân loại. Chúa mời gọi mọi người, cả Do thái lẫn người ngoại giáo, cùng đến nhận lãnh ơn cứu độ.
Reflections
1. What do I think about the Magi? What do they impress me most?
2. If the infant Christ is born today, what presents do I offer Him?
3. The infant Christ was born in the manger and revealed himself to the three Magi and to the uneducated shepherds. How do I "reveal" myself to others? How do I treat others?
4. After the encounter with God, the three Magi returned home via another route. Believe in God, which "path" do I take in my daily life?
5. God called for the Magi via a simple symbol, a star. This star was the main reason that attracted their attention. In my daily life, how do I recognize God’s wills?
6. The three Magi recognized God through the image of an infant born in the manger. How does my daily life reflect the image of God?
Suy Niệm
1. Tôi nghĩ gì về ba nhà chiêm tinh gia? Điều gì ở họ làm tôi xúc động nhất?
2. Tôi có lễ vật gì tặng Chúa Hài Đồng nếu Ngài sinh ra ngày hôm nay?
3. Chúa sinh ra nơi máng cỏ và tỏ mình ra với ba nhà chiêm tinh thông thái và nhiều mục đồng dốt nát. Là một Ki-tô hữu, tôi đã "tỏ mình" ra như thế nào với mọi người chung quanh tôi? Tôi có khinh bỉ những ai không bằng tôi (địa vị, học thức, tài chánh, kiến thức...)?
4. Sau khi gặp Chúa rồi, ba nhà chiêm tinh trở về bằng lối khác. "Gặp Chúa" qua đức tin, tôi đã chọn con đường nào trong cuộc sống hằng ngày?
5. Chúa đã kêu gọi ba nhà chiêm tinh bằng một dấu hiệu quen thuộc với họ trong ngành của họ, một ngôi sao. Trong đời sống và việc làm thường nhật, để hiểu Thánh Ý Chúa, tôi đã nhận ra dấu hiệu nào?
6. Ba nhà chiêm tinh nhận thấy Chúa qua hình ảnh một hài nhi nằm trong máng cỏ. Lối sống của tôi đã thể hiện hình ảnh nào để cho mọi người thấy được Chúa ở trong tôi?
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23 tháng 12: Bàn Tay Thiên Chúa phù hộ (Lc 1,57-66)
-
Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C - Đến với mọi người (Lc 1,39-45) -
Ngày 21 tháng 12: Đức Mẹ đi thăm bà Isave (Lc 1,39-45) -
Ngày 20 tháng 12: Vâng theo ý Chúa (Lc 1,26-38) -
Ngày 19 tháng 12 - Đối với thiên Chúa điều gì cũng có thể (Lc 1,5-25) -
Ngày 18 tháng 12: Đấng Emmanuen (Mt 1,18-24) -
Ngày 17 tháng 12: Gia phả Chúa Giêsu (Mt 1,1-17) -
Thứ Hai tuần 3 mùa Vọng - Chất vấn về quyền (Mt 21,23-27) -
Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C - Tôi phải làm gì? (Lc 3,10-18) -
Thứ Bảy tuần 2 mùa Vọng - Khước từ (Mt 17,10-13)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Vâng phục (Lc 1, 26-38)