Chúa nhật 30 Thường niên năm C - Chúa nhật Truyền giáo (Lc 18,9-14)
Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà,
thì đã được nên công chính; còn người Pha-ri-sêu thì không.
Bài đọc 1: Hc 35, 12-14.16-18
Bài trích sách Huấn ca.
12Đức Chúa là Đấng xét xử,
Người chẳng thiên vị ai.
13Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn,
nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.
14Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi,
hay tiếng than van của người goá bụa.
16Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người
sẽ được Người chấp nhận,
lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây.
17Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm.
Lời nguyện chưa tới đích, họ chưa an lòng.
18Họ sẽ không rời đi
bao lâu Đấng Tối Cao chưa đoái nhìn,
chưa xét xử cho người chính trực và thi hành công lý.
Đáp ca: Tv 33, 2-3.16-18.19 và 23 (Đ. c.7a)
Đ.Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời.
2Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.3Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Đ.Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời.
17Chúa đối đầu với quân gian ác,
xoá nhoà tên tuổi chúng trên đời, 16nhưng để mắt nhìn người chính trực
và lắng tai nghe tiếng họ kêu.18Họ kêu xin, và Chúa đã nhận lời,
giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.
Đ.Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời.
19Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
cứu những tâm thần thất vọng ê chề.23Chúa cứu mạng các người tôi tớ,
ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ.
Đ.Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời.
Bài đọc 2: 2 Tm 4, 6-8.16-18
Tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính.
Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.
6 Anh thân mến, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. 7 Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. 8 Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.
16 Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ. 17 Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. 18 Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men.
Tin mừng: Lc 18, 9-14
9 Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.
11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.
12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’
13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’
14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Ðức Giêsu đưa ra hình ảnh hai người lên đền thờ cầu nguyện. Người Pharisêu đứng riêng một mình, tách khỏi người khác mà ông khinh chê. Thực sự ông đã chu toàn các phận sự mà luật buộc, và ông cho rằng đó là những điều bảo đảm cho ông được công chính. Ông không cần chờ điều gì nơi Thiên Chúa. Nhưng thật ra, sự công chính cũng là một ân huệ do Chúa ban. Chính vì tự kiêu, nên lời cầu nguyện của ông không được Thiên Chúa chấp nhận.
Còn người thu thuế cũng đứng đằng xa, cũng tách khỏi cộng đoàn. Vì ông thấy mình bất xứng, là kẻ tội lỗi, chẳng dám ngước mắt lên trời. Nhờ sự khiêm tốn mà ông đến được với Thiên Chúa và được ân sủng của Người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con biết phải có thái độ nào mỗi khi cầu nguyện. Xin giúp chúng con luôn xác tín rằng: tất cả những gì chúng con có, những thành công của chúng con đều do Chúa ban. Phần chúng con chỉ là con người giới hạn, đầy yếu đuối. Ðể từ đó chúng con biết khiêm tốn với anh em và biết tin tưởng phó thác vào Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Người thu thuế ra về được khỏi tội”.
2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
NÂNG LÊN VÀ HẠ XUỐNG
A. DẪN NHẬP
Trong bài Tin mừng của các Chúa nhật trước, Đức Giêsu đã dạy các Tông đồ phải cầu nguyện với lòng tin tưởng, biết ơn và kiên trì. Chúa nhật này Ngài còn tiếp tục dạy các ông phải cầu nguyện trong tinh thần khiêm nhường và thống hối, vì Thiên Chúa luôn tỏ ra thương yêu những người công chính và nghèo hèn bé mọn. Để nói lên tư tưởng ấy, Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện.
Trong khi cầu nguyện hai người có hai thái độ khác nhau và trái ngược nhau. Người biệt phái tự mãn khoe khoang những việc tốt lành của mình. Ông ta nghĩ rằng nhờ có những việc tốt ấy mà Thiên Chúa phải ban cho ông ơn cứu chuộc, lại còn tỏ ra khinh miệt người thu thuế tội lỗi nữa. Ngược lại, người thu thuế không có gì để khoe khoang. Ông biết ông là một tội nhân, ông nói ít lời, nhưng thái độ của tâm hồn ông đã làm đẹp lòng Chúa. Lời cầu nguyện khiêm nhường của ông làm cho ông nhận được ơn tha thứ.
Qua dụ ngôn này, ta nhận thấy, mặc dù người biệt phái này thích khoe khoang những công đức của mình, lại còn khinh dể người khác, nhưng cái sai trái lớn của ông là ông tự cho mình làm được mọi sự mà không cần đến ân sủng và sự tha thứ của Thiên Chúa. Còn người thu thuế nhận thấy mình thiếu thốn, chỉ biết phó thác cho lòng thương xót của Chúa, kêu xin với lòng khiêm nhường, ông đã được Chúa nhận lời ban ơn tha thứ. Đúng là:
Muôn đời Chúa cự kiêu căng,
Và người khiêm nhượng Chúa hằng ban ơn (Gc 4, 6)
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Hc 35, 15b-17.20-22a
Chúa nhận lời kêu xin của kẻ nghèo hèn. Đây là chủ đề của đoạn sách Huấn ca này. Trong một xã hội, tiền bạc và quyền lực là tất cả, “dân nghèo” không có cơ may. Nhưng bài đọc 1 hôm nay khẳng định Thiên Chúa đối xử tử tế với hết mọi người. Ngài không thiên vị người giầu có và quyền thế. Ngài lắng nghe lời cầu nguyện khiêm nhường của người công chính và bé mọn, vì Ngài là thẩm phán công minh và là người Cha nhân hậu.
+ Bài đọc 2: 2Tm 4, 6-8.16-18
Thánh Phaolô đang bị cầm tù ở Rôma. Ngài biết cuộc đời của mình sắp được kết liễu. Trong thư gửi cho Timôthêô, Ngài đã nói lên những suy nghĩ rất lạc quan:
- Ngài sung sướng, vì mình như một vận động viên sắp về tới đích, vì ngài đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho việc rao giảng Tin mừng.
- Ngài cảm tạ Chúa, vì đã ban sức mạnh cho ngài được vượt qua những gian lao thử thách phải chịu. Ngài còn nôn nóng mong chờ ngày ngài được gặp lại Đấng mà ngài đã dành trọn cuộc đời mà phục vụ.
- Cái chết của ngài sẽ là một lễ tế dâng cho Chúa và ngài đón chờ vinh quang Chúa sắp ban cho ngài.
+ Bài Tin mừng: Lc 18, 9-14
Bài Tin mừng đưa ra hai mẫu người đối lập nhau về thái độ sống:
a) Người biệt phái: ông này tự mãn khoe khoang những việc tốt của mình: không có tội gì cả, lại còn ăn chay, dâng cúng 1/10 lợi tức cho Chúa… Ông ta nghĩ rằng nhờ có những việc tốt ấy mà Thiên Chúa phải ban cho ông ta ơn cứu chuộc. Thực ra, ông ta không có lòng yêu Chúa, chỉ khoe khoang công lênh của mình và Chúa phải yêu thương cũng như ban thưởng cho ông.
b) Người thu thuế: người này cũng chẳng có gì để khoe khoang, anh chẳng có lễ vật gì dâng lên Chúa mà chỉ có tình yêu. Anh biết anh chỉ là một tội nhân, vì thế anh phó thác mình cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Anh chỉ nói ít lời: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Thái độ khiêm nhường của anh làm đẹp lòng Chúa và được nhận lời.
Sau cùng Đức Giêsu kết luận: Chúa không nhận lời cầu xin của người biệt phái mà chỉ nhận lời cầu xin của người thu thuế vì “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Ai hạ mình xuống?
I. DỤ NGÔN NGƯỜI BIỆT PHÁI VÀ NGƯỜI THU THUẾ
1. Hai mẫu người trái ngược nhau
Dụ ngôn nói về người biệt phái và thu thuế lên đền thờ cầu nguyện: thái độ của người biệt phái tự mãn về chính mình, về sự thánh thiện của chính mình; còn thái độ của người thu thuế, tuy là một tội nhân, nhưng biết tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Kết quả: một người bị từ chối, một người được chấp nhận. Dụ ngôn này nêu lên hai nhân vật đặc biệt có tính cách tương phản để nói lên hai thái độ khác biệt khi cầu nguyện.
a) Người biệt phái
Biệt phái thuộc nhóm Pharisêu, bắt nguồn từ nhóm người đạo đức (Hassidin) có từ thời Maccabê. Những người này sống tách biệt thành những cộng đoàn nhỏ để nên thánh. Họ chuyên cần suy niệm Lời Chúa và tuân giữ tỉ mỉ mọi lề luật thành văn cũng như truyền khẩu. Họ tin linh hồn bất tử, tin có sự sống lại, tin Thiên Chúa là Đấng thông suốt duy nhất. Nhưng họ lại quá bảo thủ những tập tục truyền thống của cha ông hơn cả Thánh kinh. Họ thi hành luật quá đến câu nệ vào hình thức, giữ từng nét, mà thiếu hẳn đức ái. Đức Kitô đã không tiếc lời phê phán họ (Mt 23, 13t; Lc 11, 39; Mc 12, 38t).
b) Người thu thuế
Họ là những người cộng tác với đế quốc Rôma, thu thuế của người Do thái nộp cho người Rôma. Họ thường hà khắc để thủ lợi, để làm giầu cho bản thân mình. Hạng người này bị người Do thái căm ghét, khinh bỉ, coi họ là những tội nhân ngang hàng với gái điếm, cần phải tránh xa.
2. Hai người lên đền thờ cầu nguyện
a) Đền thờ Giêrusalem
Đền thờ là nơi cầu nguyện, có tầm quan trọng đối với người Do thái. Người ta tụ tập ở Đền thờ vào những ngày sabát, ngày lễ, ngày chay để nghe Thánh kinh, hát thánh vịnh và cầu nguyện. Tuy nhiên, mỗi người cũng có thể đến đó vào những lúc khác khi họ muốn.
Có lẽ người biệt phái và người thu thuế đã lên Đền thờ cầu nguyện vào buổi sáng hay buổi chiều. Cùng với các tín hữu khác, họ đến tham dự nghi thức tha tội được cử hành mỗi ngày hai lần trong Đền thờ.
b) Người biệt phái cầu nguyện
Người biệt phái đứng riêng một mình mà cầu nguyện. Ông không muốn đứng gần những người dân thường, sợ mắc phải nhơ uế của họ. Ông đứng thẳng người giống người Do thái quen làm khi cầu nguyện.
Lời nguyện của người biệt phái trước hết là một lời tạ ơn, tiếp theo đó là danh sách những thói hư tật xấu mà ông không hề phạm và cuối cùng là bản báo cáo thành tích vẻ vang của ông: chẳng những ông đã làm các việc đạo đức như Luật buộc, như ăn chay mỗi năm vào dịp lễ Xá tội, nộp 1/10 lợi tức cho Đền thờ, mà ông còn tự nguyện làm những việc đó ở mức độ cao hơn, như ăn chay một tuần hai lần, nộp cho Đền thờ 1/10 tiền mua sắm mọi vật mình sử dụng.
Xét ra, bảng liệt kê công trạng của ông không có gì sai. Ông thật là con người đúng mức, một con người hoàn hảo, không có gì đáng chê trách, một tín đồ trung thành với Lề luật, một mẫu gương tuyệt vời. Đây là một lời cầu nguyện mà nhiều người Do thái thời ấy mơ ước. Chúng ta thấy ông không xin gì cho bản thân mình, nhưng chỉ là lời tạ ơn.
Chỉ tiếc có một điều là ông quá tự kiêu tự mãn nên bao việc lành phúc đức của ông theo “cái tôi” bèo bọt của mình mà trôi ra sông biển hết, lại còn có thái độ khinh bỉ người khác nữa: “Vì con không như bao người khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18.11). Nếu ông biết nhìn vào mình và đối chiếu với Đức Kitô thì ông không dám có thái độ ấy.
Còn một cái sai lầm nữa của ông là ở chỗ ông không nhận ra sự công chính là ân huệ Chúa ban (Pl 3, 9) chứ không phải tự ông mà có, tự ông tuân giữ hoàn hảo các lề luật được. Chính khi tự mãn thiếu khiêm tốn, và nhận sự công chính ấy là của riêng mình thì ngay lúc đó, ông đã mất ơn nghĩa với Chúa và không còn công chính nữa.
c) Người thu thuế cầu nguyện
Người thu thuế cũng đến Đền thờ cầu nguyện. Anh ý thức rằng mình làm cái nghề không tốt đẹp, ai cũng ghét, bị cho là giáo gian, đi cộng tác làm lợi cho ngoại bang. Anh tự cho mình là một tội nhân, ngang hàng với gái điếm (x. Mt 21, 31-32). Có lẽ anh đã nghe thấy lời cầu nguyện của người biệt phái (“hay như người thu thuế kia”), nên anh khỏi cần cáo tội mình, anh chỉ đặt mình trước mặt Thiên Chúa, cúi đầu xuống, đấm ngực ăn năn: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Điều anh khao khát là được Thiên Chúa tha thứ và được làm hoà với anh em, nhưng anh chỉ đứng xa xa vì thấy mình hoàn toàn bất xứng. Ngay lúc đó, anh đã trở nên công chính bên trong. Chính tâm tình ấy mà Chúa đã nhìn xuống và làm cho anh nên công chính.
d) Kết quả sau lời cầu nguyện
Sau khi đưa ra hai thái độ cầu nguyện của người biệt phái và thu thuế, Đức Giêsu đã phê cho một câu: “Người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không” (Lc 18, 14). Đức Giêsu muốn nói, lời cầu nguyện của người thu thuế với thái độ khiêm tốn và thống hối nên được ơn nghĩa với Thiên Chúa và được ơn tha thứ; còn lời cầu nguyện của người biệt phái với thái độ tự mãn thiếu lòng khiêm tốn và hoán cải, vì ông chỉ để ý đến sự công chính của riêng mình, nên không được ơn nghĩa gì trước mặt Chúa và không được tha thứ. Người biệt phái này tuy tốt về phương diện không sai lỗi luật, nhưng ông không nhận ra rằng những ân tứ ông đang có là do Chúa ban cho chứ không phải tự ông mà có. Cái sai lầm của ông ở chỗ ông không nhận ra sự công chính là một ân huệ của Chúa ban, nên ông đã tự mãn về sự công chính của ông.
Chúa đã tha thứ cho người thu thuế, còn người biệt phái thì không “vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 18, 14). Người ta thường nói: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”. Người phàm còn biết tha thứ cho kẻ hối lỗi, huống chi Thiên Thiên Chúa tốt lành vô cùng lại không sao? Nhiều lần, Đức Giêsu bày tỏ cho chúng ta biết: Thiên Chúa như Mục tử nhân lành, bỏ mọi sự đi tìm chiên lạc; như người Cha đầy lòng thương xót, vui mừng đón rước và mở tiệc ăn mừng đứa con đi hoang trở về (x. Lc 15).
II. THÁI ĐỘ PHẢI CÓ KHI CẦU NGUYỆN
1. Phải thống hối
Trong khi cầu nguyện chúng ta phải làm 4 việc thờ lạy, cám ơn, xin ơn và thống hối. Ta thường quên việc sau cùng này, nên hay đến với Chúa với tâm tình của người biệt phái. Trái lại, người thu thuế thì nhìn rõ trình trạng tội lỗi, bê bối của mình. Anh ta không quan tâm cái gì khác ngoài việc thấy rõ khoảng cách giữa tình trạng xấu xa với tình trạng lành thánh. Dù biết vậy, nhưng anh ta vẫn cố gắng kiên trì vươn lên, đồng thời chỉ còn biết van nài lòng thương xót của Chúa giúp sức mà thôi. Chính thái độ và cung cách đó của anh ta, lại được Chúa tha thứ và thương yêu. Nhận thấy mình tội lỗi, tìm cầu ơn tha tội và kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, đó chính là khởi điểm cho cuộc sống mới.
Truyện: Quỷ không sám hối
Một hôm có một tên quỷ kia chạy đến trước mặt Thiên Chúa mà thưa rằng:
- Tôi thấy Chúa đối xử không công minh chút nào!
Chúa liền hỏi nó rằng:
- Tại sao ngươi dám bảo Ta đối xử không công bằng?
Bấy giờ tên quỉ mới đáp:
- Chúa thấy đó, loài người phạm rất nhiều tội to lớn, và mỗi tội chúng đều phạm đi phạm lại nhiều lần. Thế mà lần nào Chúa cũng tha thứ cho chúng và còn ban hạnh phúc Thiên đàng đời đời cho chúng nữa. Còn chúng tôi chỉ phạm tội có một lần duy nhất. Thế mà Chúa không khi nào tha thứ mà còn phạt chúng tôi phải xuống hoả ngục muôn đời. Như vậy chẳng phải là Chúa đối xử thiên vị và bất công lắm hay sao?
Bấy giờ Chúa mới ôn tồn nói:
- Loài người có phạm tội đi với Ta thật, và vì yếu đuối mà chúng đã phạm đi phạm lại nhiều lần thật. Nhưng sau mỗi lần phạm tội, chúng đều biết hồi tâm sám hối và xin Ta tha tội cho. Còn lũ quỉ các ngươi, có bao giờ các ngươi hồi tâm sám hối và xin Ta tha tội cho chưa?
Nghe thấy sám hối và xin tha tội, tên quỉ liền thét lên rằng:
- Ma quỷ chúng tôi không đời nào chấp nhận thái độ hèn hạ là sám hối và xin ai tha tội cho cả.
Nói thế rồi quỉ liền cong đuôi chạy mất.
2. Cầu nguyện là đặt mình trước mặt Chúa
Cầu nguyện không phải là lúc chúng ta đem mình so sánh với người khác, hay kể lể công trạng, nhưng là đặt mình trước sự thánh thiện và công minh của Thiên Chúa, như lời chia sẻ của thánh Phaolô với giáo đoàn Côrintô: “Phần tôi, tôi không mảy may bận tâm về việc anh em hay phiên toà nhân loại nào xét xử, mà ngay tôi, tôi cũng không xét xử chính mình nữa. Vì cho dù trước lương tâm, tôi không thấy có gì, nhưng không phải cứ thế là tôi được giải án tuyên công. Đấng xét xử tôi, chính là Chúa” (1Cr 4, 3-4).
Chỉ khi chúng ta đặt mình trước ánh sáng của Thiên Chúa, chúng ta mới thấy rõ sự bất toàn, và thiếu thốn của mình, nhờ đó, chúng ta mới có thể mở lòng mình đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.
Cầu nguyện còn là mở lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Cầu nguyện là giây phút chúng ta nhìn lại, để nhận rõ con người yếu đuối của mình. Chúng ta cần biết những thiếu thốn của mình, để có thể mở lòng đón nhận tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Tin mừng ghi lại: “Người thu thuế đứng đàng xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng:’Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’”. Người thu thuế đã không dám ngước mắt lên, vì anh ta biết mình là kẻ có tội, vì thế anh ta cũng biết rõ mình cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Người thu thuế đã kêu cầu đến lòng thương xót của Thiên Chúa, và anh đã được Thiên Chúa xót thương.
3. Cầu nguyện không chỉ là tạ ơn
Xem thái độ cầu nguyện của người biệt phái, ta thấy ông ta rất tự hào và tự mãn. Ông ta đem cái kho công nghiệp của ông để trình bầy cho Chúa. Nhưng khốn nỗi, cái kho đó lớn quá đến độ nó ngăn cách ông với Chúa, nó không cho ông thấy được Ngài nữa mà chỉ còn thấy chính mình. Có nhiều chữ tôi trong lời cầu nguyện của ông. Tôi thế này, tôi thế nọ, tôi không như thế này, không như người khác. Rốt cuộc, ông biệt phái lại là người quay vào mình, ông ngắm nghía vẻ đẹp của ông trước Thiên Chúa. Ông khép lại trên chính mình, dù chúng ta tưởng ông đã mở ra khi nói: “Lạy Thiên Chúa, con tạ ơn Ngài”. Tạ ơn thực sự là nhìn nhận mọi sự mình làm được đều do ơn Chúa ban. Tạ ơn là quay về với Thiên Chúa, nhìn nhận Ngài là Nguồn mạch, là Trung tâm, là Sức sống của cả đời mình, của những việc tốt mình làm được.
Ông biệt phái đã không tạ ơn thực tâm, vì ông quay vào mình, coi mình là trung tâm, là tác giả mọi điều tốt đẹp ông đã làm. Như thế Thiên Chúa là một người thừa, hay cùng lắm chỉ là một người mà ông đến gặp để kể công và đòi nợ Thiên Chúa phải trả cho ông Nước Trời, vì ông đã có công. Người biệt phái không xin Chúa điều gì, bởi vì ông không thấy mình thiếu gì cả. Thiên Chúa chẳng thể cho ông điều gì, vì ông đã đầy ắp. Vì tự mãn, nên ông mất đi một khả năng quan trọng, đó là mở ra để đón nhận Thiên Chúa vào đời mình (Augustine).
4. Cầu nguyện với thái độ khiêm nhường
Tục ngữ ta có câu: “Cái thùng trỗng thì kêu to” hoặc “Biết ít thì khoe khoang, biết nhiều thì khiêm tốn”. Thêm một danh nhân có nói đại ý: người khiêm tốn là người sáng suốt vì biết mình và biết người, còn người kiêu căng thì ngược lại… Vũ trụ thế giới có biết bao điều kỳ lạ. Càng sống, càng học ta phải nhận ra mình còn “dốt”, vì hiểu biết thì hạn hẹp, so với cả thế giới thì chẳng nghĩa lý gì. Huống chi là dám kể công với Chúa, Đấng sáng tạo vũ trụ muôn vật thì quả là một sai lầm biết bao!
Cầu nguyện không phải là dâng kiến nghị đòi hỏi, nhưng là cậy trông và phó thác vào Chúa Quan phòng, đại lượng vô song, khôn ngoan vô cùng. Sau nữa, khi cầu nguyện ta không được tự cho mình là hơn kẻ khác. Ta phải luôn nhớ rằng ta thuộc về đoàn lũ đông đảo những kẻ có tội, được Con Thiên Chúa đổ máu ra trên thập giá để cứu chuộc cho. Người tự cao tự đại không thể cầu nguyện được. Cửa thiên đàng hẹp và thấp, chỉ quỳ xuống bằng đầu gối, mới vào được.
Truyện: Hãy quỳ gối xuống
Tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, có một bức tượng Chúa chịu nạn do Thorvaldsen (1770-1844), nhà điêu khắc Đan mạch nổi tiếng thực hiện. Ngày kia, một du khách đến viếng bức tượng. Ông ta nhìn mãi, rồi lắc đầu nói:
- Tôi nghe đồn bức tượng này nổi tiếng là đẹp lắm. Nhưng tôi chả thấy gì là đẹp cả.
Một người quì sau lưng ông, nói:
- Ông phải quì xuống mới thấy đẹp.
Ông du khách quỳ gối xuống. Bây giờ ông mới khám phá ra vẻ đẹp lôi cuốn của bức tượng Chúa chịu nạn.
Muốn đến gần Chúa, muốn được Chúa dủ tình thương xót, ta cũng phải quì gối xuống mà van xin.
III. KHIÊM NHƯỜNG TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY.
1. Nết xấu hàng đầu: kiêu ngạo
Trong kinh bảy mối tội đầu, ta đọc thấy ngay: Cải tội bảy mối có bảy đức, thứ nhất khiêm nhường chớ “kiêu ngạo”. Qua đó ta thấy kiêu ngạo là nết xấu làm đầu mà không ai tránh được, kẻ nhiều người ít vì nó đã thâm căn cố đế vào trong con người ta.
Liền sau khi con người phản bội, Thiên Chúa hiện đến chỉ vào mặt: Hỡi người, hãy nhớ mình xuất thân là một hạt bụi (St 11, 19).
Đã là một hạt bụi thì chớ nên tự cao tự đại. Thế nhưng, người đời mấy ai còn nhớ tới lời dặn bảo của Thiên Chúa! Tính kiêu căng rõ là một chứng bệnh gia truyền nan trị. Nó nan trị vì nó bắt nguồn từ tính TỰ ÁI.
Tự ái, ích kỷ, ngu muội, là ba chứng bệnh nguy hiểm mà nhà Phật gọi là Tham, Sân, Si.
- THAM là vì ích kỷ.
- SÂN là vì tự ái.
- SI vì ngu muội.
Trong ba chứng bệnh nói đây thì SÂN là khó diệt hơn cả. Bởi vì tự ái là một thói xấu sống dẻo dai bậc nhất, đến nỗi thánh Phanxicô Salêsiô phải nói: “Nó chỉ ngưng hoạt động 15 phút sau khi tôi chết”.
Nếu nói rằng kiêu ngạo có nguy hiểm gì đâu, làm gì bằng tội giết người? Nhưng thực sự nó nguy hiểm nhất trong các tội, vì nó làm hỏng các tính tốt và làm phát sinh ra các tính xấu khác. Người kiêu ngạo xem mình là trung tâm điểm, thay thế cho Thiên Chúa. Họ quay ra thờ ngẫu thần: đó là họ tôn thờ chính mình. Họ không coi Chúa là trung tâm điểm nữa. Tha nhân không là gì khác mà chỉ là những diễn viên trong một vở kịch, mọi người phải lo phục vụ cho riêng họ. Họ trở nên tự tôn tự đại, muốn cho mọi người để ý đến mình, họ tự tạo ra những hàng rào ngăn cách, tạo ra giai cấp, những chênh lệch trong xã hội, tạo ra xung khắc giữa người này người khác, dân này với dân khác, nước này với nước khác, kỳ thị da trắng da đen…
Họ coi thế giới như là của riêng mình. Mình có thể dùng khoa học để điều khiển được tất cả theo ý mình. Con người có thể tự tạo ra được hạnh phúc, biến thế giới này thành thiên đàng. Họ loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài để thành lập một thứ tôn giáo mới, trong đó con người được tôn thờ chứ không phải là Thiên Chúa nữa.
2. Tính tốt hàng đầu: Khiêm nhường
Ai cũng thích người khiêm nhường, ai cũng ca tụng đức khiêm nhường, nhưng ít người thực hiện được đức khiêm nhường, thậm chí lại có người đả kích tính khiêm nhường. Môn phái của triết gia Nietzsche nói thẳng thừng: “Khiêm nhường là đức tính của kẻ nô lệ”.
Sự thật thì khiêm nhường tức là hiểu biết mình, là can đảm nhìn thẳng vào sự thật. Vì thiếu can đảm nhìn thẳng vào sự thật, nên người ta ai cũng sợ mình, và sợ mình hơn hết. Kẻ mà tôi tìm cách tránh né nhất là… chính mình tôi. Cần phải là người quân tử mới dám đối thoại với mình. Cuộc đối thoại với chính mình là cuộc đối thoại hồi hộp nhất, dễ sợ nhất. Nhiều lúc bi đát, đắng cay, xỉ nhục vô cùng cho tính tự ái. Nhưng tôi cần nó để tự giác và sống làm người.
Đức Khổng Tử đã nói: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri tức tri dã”: Cái gì biết thì cho là biết, cái gì không biết thì chịu là không biết, ấy là biết vậy.
Người ta thường nói: “Cao nhân tức hữu cao nhân trị” hay “Bảy mươi còn học bảy mốt” (tục ngữ), đã cho thấy rằng dù ta có giỏi đến đâu cũng có người giỏi hơn. Ta phải tự thấy rằng mình chưa biết, trình độ mình còn kém thì ta mới có thể thâu nhận những lời dạy bảo của người khác, có như thế ta mới tiến bộ và có thể hiểu biết mình nhiều hơn được.
Nhà tư tưởng Blaise Pascal nói rất đúng: “Tôi chỉ biết một điều là tôi chẳng biết gì cả”. Nói như thế có vẻ cường điệu, nhưng nó nói lên sự hiểu biết hạn hẹp của con người đối với ngoại vật, nhất là đối với chính mình.
Tâm tính người đời bất cứ ai làm việc gì thường muốn như ngọn hải đăng, càng đặt lên cao, càng chiếu rọi ra xa, nhưng đồng thời chung quanh dưới chân hải đăng tối tăm mờ mịt. Vì thế, một vị linh mục dòng Tên nói: “Đức khiêm nhường của người công giáo không phải là ngọn hải đăng, nhưng là một ngọn đèn giấu kín giữa bản thân, nó có sức chiếu sáng khắp cùng thân thể, thấu ra bên ngoài, không nơi nào không có ánh sáng”.
Theo tâm lý chung của con người, thì người ta thích là con công hay múa hơn là một con sò im lìm dưới đáy biển. Con công có bộ lông thật đẹp để làm cảnh cho thiên hạ. Suốt ngày con công chỉ biết múa để mua vui cho thiên hạ:
Con công hay múa,
Nó múa làm sao?
Nó rụt cổ vào,
Nó xoè cánh ra…
Con công chỉ có một công dụng là múa để làm trò cho thiên hạ, ngoài ra không dùng vào được việc gì. Trái lại, con sò tuy im lìm sống dưới đáy biển, không mấy người trông thấy nó, nhất là không bao giờ trông thấy diện mạo của nó, nhưng thịt của nó là một món ăn tốt, thơm ngon, nhất là… đôi khi nó ngậm một hòn ngọc trai! Con sò mà ngậm hạt trai thì quí hoá biết bao, có đến bao nhiêu con công cũng không sánh kịp.
Đức Hồng y Mercier kể: Cuộc chiến tranh xong, lần thứ nhất gặp thống chế Foch, tôi vui mừng bắt tay và nói: “Chào vị tướng lỗi lạc, đã làm vẻ vang nhân loại!”. Nhưng thống chế giơ tay lên, phân bua và nói: “Thưa Đức Hồng Y, chúng tôi chỉ là khí cụ mù quáng trong tay Thiên Chúa”.
Càng thánh thiện càng phải khiêm nhường và phải khiêm nhường thật lòng. Benjamin Franklin đã cảnh giác chúng ta như sau: “Giả như tôi đã tập luyện được nhân đức khiêm nhường rồi, không nghi ngờ gì tôi sẽ trở nên hãnh diện vì nó”. Tôi có cảm giác rằng những người khiêm nhường thực sự phải là những người không biết đến sự khiêm nhường ở nơi mình. Ngay khi chúng ta biết rằng mình đang khiêm nhường, cũng là lúc chúng ta đánh mất nó.
Truyện: Thánh Phanxicô Salêsiô
Khi nghe thiên hạ kháo láo và gọi mình là thánh, thì thánh Phanxicô nói rằng: “Thiên hạ gọi tôi là thánh, vì họ thấy tôi làm việc thánh; nhưng chắc cha linh hướng của tôi không nghĩ như họ đâu”. Còn khi ngài nghe nói: ông De Belley phê bình và bảo ngài thiếu trí phán đoán. Khi gặp ông, ngài liền ôm lấy, và tỏ vẻ vui sướng và biết ơn.
3. Đức Khiêm nhường cần thiết
Khiêm nhường là nhân đức quan trọng nhất trong việc nên thánh. Người ta coi khiêm nhường, tự hạ, quên mình luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện. Tất cả những tài năng, nhân đức dường như không có giá trị tự nó (en soi) trước mặt Thiên Chúa. Chúng chỉ nên có giá trị khi đứng chung với sự khiêm nhường, tự hạ.
Cũng như những số 0 (zéro) dù nhiều tới đâu cũng chẳng làm cho con số do chúng tạo thành có giá trị gì. Nhưng nếu chúng được dẫn đầu bởi số 1, thì lập tức mỗi số 0 sau đó đều trở nên có giá trị: càng nhiều số 0 đi sau số 1, thì giá trị con số do chúng tạo thành càng tăng lên. Mỗi số 0 sau số 1 đều làm cho con số đã có tăng giá trị lên gấp 10 lần.
3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
XIN RỦ LÒNG THƯƠNG
Khi nghĩ về người Pharisêu, ta nghĩ đến thói giả hình.
Quả thực, có một số người Pharisêu như vậy,
nhưng không phải tất cả đều thế đâu.
Thật ra, nhóm Pharisêu là nhóm rất đạo đức.
Và họ đạo đức thực lòng, chứ không giả dối.
Họ đã chuyên cần học hỏi về Luật Chúa,
và muốn giữ cẩn thận Luật ấy trong mọi hoàn cảnh.
Ông Pharisêu trong dụ ngôn sau của Đức Giêsu
không phải là người giả hình.
Ông ấy thực sự rất đạo đức,
và được mọi người ngưỡng mộ.
Khi nghe lời cầu nguyện của ông trên Đền thờ,
nhiều người Do-thái thầm mơ ước sống được như vậy.
Trước hết, ông đã tránh được những sai phạm lớn
như trộm cắp, bất chính, ngoại tình.
Ông còn ăn chay mỗi tuần vào thứ hai và thứ năm,
dù luật chỉ buộc ăn chay mỗi năm một lần (Lv 16, 29-30).
Ông nộp thuế thập phân về tất cả mọi thu nhập,
dù luật chỉ buộc nộp về hoa lợi, chăn nuôi (Lv 27, 30-31).
Ngược lại, khi nghe lời cầu nguyện của anh thu thuế,
ta thấy anh chỉ nhận mình là tội nhân,
cần đến tình thương xóa tội của Thiên Chúa (Lc 18, 13).
Dưới mắt nhiều người, anh là kẻ thù của dân tộc,
và là kẻ có đời sống không trong sạch chút nào.
Cả hai đều gọi tên Thiên Chúa khi bắt đầu cầu nguyện.
Nhưng Thiên Chúa sẽ nhậm lời cầu nguyện của ai?
Ai là người chạm được vào trái tim của Thiên Chúa?
Những người Do-thái thời Đức Giêsu trả lời ngay:
Dĩ nhiên là ông Pharisêu đạo đức.
Nhưng câu khẳng định của Đức Giêsu để kết dụ ngôn
hẳn đã làm nhiều người chưng hửng:
Anh thu thuế tội lỗi, khi xuống núi để về nhà mình,
thì được Thiên Chúa nhìn nhận là người công chính,
anh công chính hơn cả ông Pharisêu đạo hạnh (Lc 18, 14).
Đây là một sự đảo ngược lạ lùng bởi Thiên Chúa.
Thiên Chúa có lối đánh giá khác với con người.
Ngài không chỉ để ý đến cái bên ngoài,
nhưng nhìn thấu tấm lòng bên trong.
Ngài chỉ thi ân khi gặp được một tấm lòng chờ đợi.
Anh thu thuế đã mở cửa cho Chúa, và đã van xin.
Anh khiêm tốn đứng xa, không dám ngước mắt lên,
chỉ biết đấm ngực để tỏ lòng sám hối.
Ngược lại, ông Pharisêu chẳng xin gì.
Ông thấy mình chu toàn quá tốt những điều luật dạy,
bởi đó ông thấy mình chẳng cần Chúa xót thương.
Những việc hoành tráng ông làm, ông không coi là ơn.
Chúng khiến ông trở nên tự cao, tự phụ,
và coi khinh anh thu thuế đang đứng cuối Đền thờ.
Thiên Chúa dễ gặp anh thu thuế hơn, vì lòng anh mở.
Ngài khó gặp ông Pharisêu, vì cửa lòng ông khép.
Tiếc thay, công đức của ông lại thành bức tường cao
ngăn ông gặp Chúa và tha nhân.
Còn tội của anh thu thuế lại là nhịp cầu gặp gỡ Chúa.
Ở thế kỷ 21, nhiều người vẫn sống như anh thu thuế.
Họ sống trong hoàn cảnh khách quan là có tội,
vì vấp ngã, vì nghề nghiệp, vì chuyện hôn nhân…
nhưng họ không dễ thoát ra khỏi tình trạng tội lỗi đó.
Dụ ngôn trên đây của Chúa Giêsu đem lại hy vọng
cho những người đang mất hy vọng vào đời mình.
Thiên Chúa không chê bỏ việc ăn chay hay dâng cúng,
cũng không cấm chúng ta tích đức, lập công.
Nhưng Đức Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng
ơn cứu độ không mua được bằng nỗ lực bản thân,
nhưng là quà tặng Chúa ban mà ta đưa tay lãnh nhận.
Ai trong chúng ta cũng giống anh trộm lành
nhận được tin vui vào giây phút cuối (Lc 23, 42).
LỜI NGUYỆN
Lạy Cha,
những tội chúng con phạm
vừa mang dáng dấp tội Ađam,
lại vừa mang dáng dấp tội Cain.
Tội nào cũng là khép lại trên chính mình,
khước từ Thiên Chúa và quay lưng trước anh em.
Tội nào cũng lấy mình làm trung tâm
và quy tất cả về mình.
Xin cho chúng con đừng nhìn ngắm công trạng của mình,
nhưng nhìn vào những nén bạc Cha giao
mà chúng con chưa đầu tư sinh lợi cho đủ.
Xin cho chúng con đừng tự mãn nhìn về quá khứ,
nhưng hướng đến tương lai với bao điều cần thực hiện.
Lạy Cha,
xin cho chúng con đừng lấy đức hạnh của mình
làm thước đo người khác,
đừng cứng cỏi lạnh lùng khi đánh giá anh em.
Ước gì chúng con có quả tim như Con Cha,
hiền lành và khiêm nhượng,
để chúng con có thể mở ra đến vô cùng
trước những đòi hỏi của Cha và nhu cầu của anh em. Amen.
bài liên quan mới nhất
- 27 tháng 12: Ngày thứ 3 trong tuần Bát nhật Giáng sinh - Tình Yêu hỗ trợ cho Niềm Tin (Ga 20,2-8)
-
Ngày 26 tháng 12: Ngày thứ 2 trong tuần Bát nhật Giáng sinh: Thánh Stêphanô (Mt 10,17-22) -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Ngày 24 tháng 12: Lời kinh Benedictus (Lc 1,67-79) -
Ngày 23 tháng 12: Bàn Tay Thiên Chúa phù hộ (Lc 1,57-66) -
Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C - Đến với mọi người (Lc 1,39-45) -
Ngày 21 tháng 12: Đức Mẹ đi thăm bà Isave (Lc 1,39-45) -
Ngày 20 tháng 12: Vâng theo ý Chúa (Lc 1,26-38) -
Ngày 19 tháng 12 - Đối với thiên Chúa điều gì cũng có thể (Lc 1,5-25) -
Ngày 18 tháng 12: Đấng Emmanuen (Mt 1,18-24)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
-
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)