Chúa nhật 23 Thường niên năm C (Lc 14,25-33)

Chúa nhật 23 Thường niên năm C (Lc 14,25-33)

Chúa nhật 23 Thường niên năm C (Lc 14,25-33)

Ai không từ bỏ hết những gì mình có,
thì không thể làm môn đệ tôi được.

Bài đọc 1: Kn 9, 13-18

Ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi?

Bài trích sách Khôn ngoan.

13Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa?
Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi?

14Chúng con vốn là loài phải chết,
tư tưởng không sâu, lý luận không vững.

15Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng,
cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống
vì lo nghĩ trăm bề.

16Những gì thuộc hạ giới,
chúng con đã khó mà hình dung nổi,
những điều vừa tầm tay,
đã phải nhọc công mới khám phá được,
thì những gì thuộc thượng giới,
có ai dò thấu nổi hay chăng?

17Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời,
chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan,
chẳng gửi thần khí thánh?

18Chính vì thế mà đường lối người phàm
được sửa lại cho thẳng,
cũng vì thế mà con người được dạy cho biết
những điều đẹp lòng Ngài,
và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ.

 

Đáp ca: Tv 89, 3-4.5-6.12-13.14 và 17 (Đ. c.1)

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

3Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!”
4Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

5Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
6nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

12Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.
13Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ?
Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

14Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.
17Xin cho chúng con được vui hưởng
lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con.
Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố,
xin củng cố việc tay chúng con làm.

Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.

 

Bài đọc 2: Plm 9b-10.12-17

Xin anh hãy đón nhận anh Ô-nê-xi-mô, không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Phi-lê-môn.

9b Anh Phi-lê-môn thân mến, tôi, Phao-lô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su, 10 tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô, 12 tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi. 13 Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. 14 Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện. 15 Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, 16 không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa. 17 Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi.

 

Tin mừng: Lc 14, 25-33

25 Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:

26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.

27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có hoàn thành nổi không?

29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi, lại không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chế diễu mà bảo: 30 ‘Anh ta đã khởi công xây, nhưng chẳng có sức làm cho xong việc.’

31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?

32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa.

33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Ðể trở nên môn đệ của Ðức Giêsu, chúng ta cũng phải cùng đi con đường với Ðức Giêsu. Ðường Ngài đi là từ bỏ, là đón nhận Thập Giá. Chúng ta có dám từ bỏ bản thân ? Có dám hy sinh cho lợi ích tha nhân như Chúa không ?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, gia đình chúng con, giáo xứ chúng con, tổ quốc chúng con cũng đang khao khát một cuộc sống ấm no, an vui, thịnh vượng. Nhưng để điều đó được hiện thực, mỗi người chúng con phải biết bỏ đi tư lợi để xây dựng cho công ích. Chỉ khi biết sống vì tha nhân chúng con mới đích thực làm môn đệ của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

a. Khung cảnh: Khi ấy “Có rất nhiều người đi đường với Chúa Giêsu”: họ đang cùng với Chúa Giêsu “tiến lên Giêrusalem”. Nhưng có lẽ họ cho rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian. Để xóa tan hiểu lầm này, Chúa Giêsu nói những lời tiếp theo.

b. Đại ý Chúa Giêsu nói: Ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (“đi theo” Ngài) thì phải yêu mến Ngài hơn (diễn tả theo kiểu đặc biệt sêmít là “ghét”) tất cả những gì mình tha thiết nhất, chẳng hạn cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình nữa.

c. Sau đó Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn: Một người xây tháp trước khi xây phải tính toán kỹ để chọn lựa quyết định có nên xây hay không. Một ông vua trước khi đi giao chiến cũng phải tính toán kỹ để chọn lựa có nên giao chiến hay không. Cũng thế, nếu biết theo Chúa Giêsu phải chấp nhận từ bỏ tất cả, thì trước khi theo phải tính toán cho kỹ.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Con đường theo Chúa

Thánh Luca mở đầu bài tường thuật này như sau:”Có rất đông người đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại bảo họ”. Trong ngôn ngữ Thánh kinh, “đi theo” có nghĩa là làm môn đệ. Chúa Giêsu là ông thầy đi trước, các môn đệ đi theo phía sau. Thông thường ông thầy chỉ cần đi trước cho các môn đệ đi theo. Nhưng trong chuyện này Chúa Giêsu đã “quay lại bảo họ”, nghĩa là Ngài có điều quan trọng muốn dặn dò kỹ các môn đệ.

Điều quan trọng mà Chúa Giêsu muốn dặn dò kỹ các môn đệ là gì ? Đọc tiếp đoạn Tin mừng chúng ta thấy Chúa dặn dò 2 điều: một điều tiêu cực là phải từ bỏ, một điều tích cực là phải vác thập giá. Chúng ta hãy suy nghĩ về từng điều:

1.1. Điều thứ nhất là từ bỏ

a/ Tại sao làm môn đệ Chúa thì phải từ bỏ ? Vì đi theo Chúa giống như đi leo núi. Nếu mang nhiều thứ cồng kềnh thì sẽ bận vướng nặng nề khiến không leo nhanh được, thậm chí còn có thể bỏ cuộc.

b/ Vậy phải từ bỏ những gì ? Chúa Giêsu kể: phải bỏ “cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình”. Qua cách nói “Cha mẹ, vợ con, anh chị em”, ý Chúa muốn nói tới gia đình; còn qua chữ “mạng sống”, ý Chúa muốn nói tới những gì thân thiết nhất của mình. Nhưng ta hãy hiểu cho đúng; Chúa không bảo người môn đệ phải bỏ những thứ vừa kể một cách tiên thiên, mà là bỏ nếu như chúng làm bận vướng cho việc đi theo Chúa. Gia đình là tốt, mạng sống là cần. Gắn bó với gia đình và tha thiết với mạng sống không có gì là xấu cả. Tuy nhiên bất cứ khi nào mình cảm thấy 2 thứ đó trở thành bận vướng, hay bất cứ khi nào Chúa soi sáng cho ta thấy như vậy, thì người môn đệ phải can đảm từ bỏ.

1.2. Điều quan trọng thứ hai mà Chúa Giêsu căn dặn chúng ta là vác Thập giá

a/ Tại sao muốn đi theo Chúa thì nhất thiết phải với thập giá ? Vì, như đã vừa nói ở phía trên, nếu đi theo Chúa giống như đi leo núi, thì thập giá giống như cây gậy của người leo núi. Nó rất cần và rất có ích. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì ta sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc.

b/ Điều thứ hai này có liên quan tới điều thứ nhất: chúng ta từ bỏ những thứ bận vướng là để mình có thể thong dong mà vác thập giá.

Chúng ta thường quên mất 2 việc rất quan trọng để thực sự xứng đáng làm môn đệ Chúa:

a) Xưa nay chúng ta quen tìm kiếm để được thêm chứ ít khi nào chủ động từ bỏ. Thỉnh thoảng có từ bỏ chỉ là vì miễn cưỡng, vì rán chịu vậy mà thôi. Thí dụ khi chúng ta bị mất tiền, mất đồ đạc, khi một người thân chết.

b) Cũng thế xưa nay chúng ta không chủ động vác thánh giá. Thập giá nào Chúa gởi thì chúng ta rán mà vác vậy thôi. Nguyên việc khám phá thứ nhất này cũng cho thấy chúng ta chưa thực sự xứng đáng làm môn đệ Chúa Giêsu. Người môn đệ thật của Chúa phải chủ động từ bỏ và chủ động vác thập giá.

2. Đòi hỏi của tình yêu

Giới Tử Thôi người nước Tần, đời Xuân Thu Chiến Quốc, là bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ.

Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn.

Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại nghiệp cả, làm vua nước Tần, Giới Tử Thôi xin về làng ở ẩn, chứ không hề kể công lênh ngày xưa.

Trùng Nhĩ dù sau này có làm vua thì cũng là người trần mắt thịt, mà Giới Từ Thôi còn dám bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chịu khổ cực để theo hầu, hơn nữa còn hy sinh chính thân mình để tỏ lòng trung thành với chủ nhân. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta có mặt trên cõi đời này, lẽ nào chúng ta lại không dám bỏ người thân, của cải, và ngay cả chính mình để bước theo Người ?

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng: “Ai đến với tôi mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26). Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu động từ “dứt bỏ” không có nghĩa là cắt đứt, là từ bỏ, mà là “ít hơn”. Vì tiếng Hy Bá không có thể văn so sánh hơn kém, nên khi cần diễn tả hơn kém người ta dùng lối văn đối ngẫu “yêu và bỏ”. Thánh Matthêu hiểu như vậy nên đã viết: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy” (Mi 10, 37).

Vậy ý của Chúa Giêsu là nếu ai muốn làm môn đệ Người thì phải đặt tình yêu Chúa lên trên mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: Tình yêu gia đình, bạn bè và ngay cả chính mình.

Như thế, người tín hữu khi đã chọn theo Chúa, làm môn đệ của Người, họ vẫn phải yêu mến người thân, gia đình, bạn bè; họ vẫn phải yêu mến chính bản thân mình; họ cũng phải quí mến của cải như là những ơn lành Chúa ban. Nhưng khi cần thì tất cả những tình cảm đó phải hy sinh cho tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa cũng phải đặt lại cho mình.

Nhưng có một cám dỗ rất nguy hiểm này, là Thiên Chúa thì linh thiêng xa vời, mà con người và của cải thì sờ sờ trước mắt, lại hấp dẫn cuốn hút lạ thường, nên người ta dễ đặt lại giá trị ưu tiên lúc nào mà chính mình cũng chẳng hay biết. Vì thế, Chúa mới cảnh giác qua hai dụ ngôn ”Xây tháp” và ”Cuộc giao chiến”. Tháp đã khởi công xây dựng, cuộc chiến đã bắt đầu, thì không thể ngồi xuống mà bàn tính. Phải dồn vốn để xây tháp, phải dồn sức mà tấn công. Nhiều người đã khởi công nhưng chẳng thành công, nhiều kẻ đã chiến đấu nhưng không chiến thắng.

Chúa muốn những kẻ theo Người phải trung thành trong tình yêu, và dám sống chết với ơn gọi của mình. Người không chấp nhận “cầm cày mà còn quay lại sau lưng”. Thật vậy, những kẻ”đứng núi này trông núi nọ” thường là những người bỏ cuộc, và những kẻ ”bắt cá hai tay” là những người thua thiệt nhiều nhất. Đúng như Pierre Charles đã nói về họ: ”Có nhiều kẻ không leo đến đỉnh núi mà lại ngồi an hưởng ở lưng chừng với những tiện nghi tầm thường nhỏ nhoi”.

Lạy Chúa, chúng con đã chọn Chúa là cùng đích cuộc đời, nhưng biết bao lần chúng con chỉ thấy chọn Chúa là thua thiệt, là hy sinh, là mất mát.

Xin đừng bao giờ để chúng con nản chí, bỏ cuộc, rút lui vì những đòi hôi gắt gao của tình yêu, nhưng xin cho những thử thách ấy trở nên những cơ hội giúp chúng con lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều hơn. Amen. (TP)

3. Lời nói thẳng thắn

Dòng Thừa Sai Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta đã rất nổi tiếng, nên có rất nhiều thiếu nữ xin gia nhập. Nhưng Mẹ Têrêsa rất thẳng thắn, Mẹ nói với họ: “Công việc người nữ tu dòng này rất cực khổ: chúng tôi phải phục vụ cho những người nghèo và những người vô gia cư. Chúng tôi phải làm việc suốt 24 giờ mỗi ngày”. Mẹ Têrêsa thẳng thắn như thế để các thiếu nữ ý thức và cân nhắc cẩn thận trước khi gia nhập dòng.

Gia nhập “dòng” của Chúa Giêsu để làm môn đệ Ngài còn cực khổ hơn nhiều. Vì thế Chúa Giêsu cũng rất thẳng thắn nói rõ cho những kẻ đi theo Ngài: Ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải sẵn sàng từ bỏ tất cả và còn phải vác thập giá mà theo.

Làm môn đệ Chúa không phải là bám theo một nhân vật quyền thế để có ô dù che chở hay để chia xẻ vinh dự, mà là để sống theo gương Ngài: hy sinh tất cả vì yêu thương mọi người.

Bởi đó người muốn làm môn đệ Chúa cần phải suy nghĩ kỹ xem mình có thể đáp ứng được những đòi hỏi khó khăn ấy không. Như người xây tháp phải suy nghĩ kỹ về khả năng tài chính của mình, như một ông vua trước khi xuất chinh phải suy nghĩ kỹ về sức mạnh quân sự của mình.

Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ về khả năng đáp ứng của mình trước hai đòi hỏi trên của Chúa Giêsu, chắc là chúng ta nản lòng không dám làm môn đệ của Ngài nữa.

Tuy nhiên gương các tông đồ là một khích lệ cho chúng ta: ban đầu các ông theo Chúa Giêsu mà không suy nghĩ gì nhiều; nhiều lúc các ông còn nghĩ rằng theo Chúa Giêsu thì sẽ được chia quyền chia thế trong nước mà Ngài sẽ thành lập. Nhưng Chúa Giêsu từ từ thanh luyện suy nghĩ của các ông. Sau ngày Chúa phục sinh, các ông mới hiểu rõ thế nào là làm môn đệ Chúa; và nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần các ông đã can đảm từ bỏ tất cả và vác thập giá của mình đi theo Chúa một cách hăng hái và vui vẻ.

Hiện giờ chúng ta chưa đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi của Chúa về một người môn đệ. Nhưng ít ra ý thức của chúng ta về những đòi hỏi đó cũng giúp chúng ta không đi theo Chúa vì những tính toán sai lệch. Nhìn gương các tông đồ và tin tưởng vào sự trợ giúp của ơn Chúa, chúng ta có thể can đảm từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.

4. Người-đi-theo và người-môn-đệ

Trong đoạn Tin Mừng này, có những cụm từ rất ý nghĩa, đó là “đi theo” và “làm môn đệ”. Thánh Luca đã xử dụng những cụm từ này rất khéo: “Khi ấy có rất đông người đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại bảo họ: Ai không dứt bỏ… thì không thể làm môn đệ tôi. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi” à Rất đông người “đi theo” Chúa Giêsu nhưng không phải tất cả đều là “môn đệ” Ngài; chỉ những ai đi theo mà từ bỏ và vác thập giá thì mới là môn đệ.

Người-đi-theo chưa hẳn là người-môn-đệ

Cũng như người-nói ”Lạy Chúa lạy Chúa” chưa hẳn là người-làm theo ý Chúa.

Cũng như người-đến-nhà-thờ chưa hẳn là người-tín-hữu.

Cũng như người-mang-danh kitô hữu chưa hẳn là người-kitô-hữu.

Điều khiến người-nói thành người-làm, người-đến-nhà-thờ thành người-tín-hữu, người-đi-theo thành người-môn-đệ, người-mang-danh-kitô-hữu thành người-kitô-hữu-đích-thực, đó là từ bỏvà vác thập giá.

Một trong những khiếm khuyết của Giáo Hội - và là khiếm khuyết lớn nhất - đó là trong Giáo Hội có rất nhiều người-đi-theo Chúa Giêsu, nhưng rất ít người-môn-đệ thực sự của Ngài.

5. Trả giá

Muốn làm việc gì cũng phải trả giá cho việc đó. Việc càng trọng thì giá càng cao. Nhiều người không làm xong việc mình muốn làm là vì không dám trả giá.

Antoinette là một cô gái rất đẹp nhưng rất nghèo. Điều mơ ước duy nhất của cô là trở thành giàu có, và cô nghĩ rằng cách dễ nhất là lấy được một người chồng giàu. Nhưng rủi thay khi cô lấy chồng thì người chồng của cô chỉ là một kẻ thường dân. Thất vọng và chán nản, cô chẳng muốn làm gì nữa, cũng chẳng muốn đi đâu hết.

Một hôm, Antoinette nhận được thiệp mời đến dự một bữa tiệc gồm toàn những người quý phái. Cô mừng lắm. Nhưng cô không có y phục và nữ trang sang trọng. Tuy nhiên cô biết cách thu xếp: cô rút hết tiền tiết kiệm ra mua được một bộ áo đẹp; cô đến với Marie một bạn học cũ mượn được một chiếc vòng nạm kim cương.

Thế là Antoinette xuất hiện trong bữa tiệc với một dáng vẻ rất xinh đẹp và sang trọng. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về cô. Cô rất sung sướng. Tuy nhiên khi tiệc tàn, trở về nhà, cô hoảng hốt khi biết chiếc vòng nạm kim cương đã rơi mất. Tìm tới tìm lui nhiều lần mà vẫn không thấy.

Chẳng còn cách nào khác, cô đành phải đi vay 40 ngàn quan với lãi xuất cao để ra tiệm kim hoàng mua một chiếc vòng y như thế trả lại cho Mary. Vì hai chiếc vòng rất giống nhau nên Marie không thắc mắc gì cả.

Từ đó trở đi, Antoinette phải làm đủ mọi việc để kiếm tiền trả nợ. Sau 10 năm, cô trả xong nợ. Nhưng khi đó trông cô rất già và không còn xinh đẹp như ngày xưa nữa.

Một hôm Antoinette và Marie tình cờ gặp nhau:

- Ồ sao trông bạn già đi và tiều tụy như thế ? Marie giật mình hỏi.

- Tất cả chỉ tại bạn đó.

- Sao lại tại tôi ?

Antoinette kể rõ đầu đuôi sự việc. Nghe xong Marie nói:

- Trời ơi tội nghiệp cho bạn quá. Chiếc vòng nạm kim cương của tôi là đồ giả. Giá chỉ có 400 quan thôi.

Thế là đột ngột Antoinette được Marie trả lại 39.600 quan. Cô đã trở thành người giàu có. Nhưng với cái giá là 10 năm làm quần quật đủ mọi thứ việc cùng với một thân xác tiều tuỵ và một bộ mặt già nua.

Phải chi Antoinette đã chịu khó làm việc ngay từ đầu thì cái giá đâu đến nỗi cao quá như vậy !

6. Chuyện minh họa

a/ Một hôm, có một người đến hỏi một giáo sư nổi tiếng về một thanh niên: “Anh ta có phải là môn đệ của Thầy không ?” Vị giáo sư đáp: “Quả thật anh ta đang theo học những bài dạy của tôi. Nhưng không bao giờ anh ta là môn đệ của tôi”.

b/ Một vị vua đến thăm một thiền viện. Nhà vua hỏi vị thiền sư: “Trong thiền viện này có tất cả bao nhiều người đang theo học”. Thiền sư đáp “10 ngàn”. Nhà vua rất ngạc nhiên. Nhưng nhà vua càng ngạc nhiên hơn nữa khi thiền sư nói tiếp: “Trong số đó, số môn đệ thật của tôi chỉ có 4 hoặc 5 người”.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

DẤN BƯỚC ĐI THEO CHÚA

A. DẪN NHẬP

Trên đường tiến về Giêrusalem, có rất đông người đi theo Đức Giêsu. Nhiều người đi theo Ngài vì tưởng rằng Ngài đến đó để lập một vương quốc hùng cường theo nghĩa trần gian, Ngài đến đó với một vẻ huy hoàng chiến thắng. Nhưng cũng có người có thiện cảm, có thiện chí đi theo để làm môn đệ Ngài. Trong bầu khí hồ hởi đó, Đức Giêsu không ngần ngại đưa ra những điều kiện khắt khe cho những ai muốn đi theo Ngài. Ngài biết trước số người đi theo thì rất đông, nhưng người trở thành môn đệ thì rất ít. Ngài đưa ra những điều kiện như vậy, để họ suy nghĩ và tự quyết định con đường để theo.

Điều kiện Đức Giêsu đưa ra cho những ai muốn đi theo làm môn đệ Ngài là từ bỏ và vác thập giá. Ngài đã nói thẳng thừng và cương quyết: “Ai theo Ta mà không dứt bỏ (ghét) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Ta được. Và ai không vác thập giá mình mà đi theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta được” (Lc 14, 26-27). Như vậy, Đức Giêsu kêu gọi những ai muốn theo Ngài hãy suy nghĩ cẩn thận để quyết định: nếu yêu chính bản thân mình, hay yêu bất kỳ ai khác, hoặc tiền tài danh lợi hơn Chúa thì không xứng đáng làm môn đệ của Ngài.

Chúng ta là những Kitô hữu. Trên nguyên tắc, Kitô hữu là người được mang tên Đức Kitô, được thuộc về Ngài, sống theo giáo huấn của Ngài và làm môn đệ Ngài, nhưng trong thực tế, mấy ai sống xứng đáng với danh hiệu là Kitô hữu chính danh, xứng đáng với danh hiệu là môn đệ trung thực của Đức Kitô, nhiều khi vô tình đã trở thành những môn đệ “dỏm”. Hôm nay chúng ta phải xác quyết lại lời hứa khi chịu phép rửa tội là từ bỏ ma quỷ và quyết tâm theo Chúa đến cùng.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Kn 9, 13-18

Sách Khôn ngoan là một sưu tập những suy nghĩ của nhiều thế hệ loài người chung quanh vấn đề khôn ngoan minh triết. Ngày xưa vua Salômôn chỉ xin Chúa ban cho sự khôn ngoan ấy, và ông đã trở nên người khôn ngoan nhất trên trần. Vậy sự khôn ngoan đích thực là gì và từ đâu tới? Thưa, sự khôn ngoan đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa.

Đoạn trích hôm nay cho biết con người có sự khôn ngoan, nhưng sự khôn ngoan ấy rất hạn chế. Ngay trong những việc thuộc trần thế nằm trong tầm tay của con người mà chưa thể hiểu nổi, phương chi là những điều thuộc thượng giới, những điều liên quan đến cuộc sống đời đời thì làm sao hiểu thấu được.

Vì thế, con người rất cần được Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan để biết đường lối của Chúa, để đi theo và nhờ đó mà được ơn cứu độ. Thiên Chúa sẽ ban ơn khôn ngoan cho chúng ta nhờ Thần Khí giúp đỡ.

+ Bài đọc 2: Plm 9b-1012-17

Trong lá thư ngắn gửi cho Philêmôn, thánh Phaolô biện hộ cho tên nô lệ Ônêximô để gợi lên lòng bác ái Kitô giáo mà tha thứ cho anh ta. Anh Ônêximô là tên nô lệ của Philêmôn, đã trốn đi sau khi đã ăn cắp một số tiền. Sau khi anh này đã theo đạo, thánh Phaolô gửi anh ta lại cho chủ và xin ông chủ hãy đón nhận anh không phải một tên nô lệ, mà là một người anh em trong Đức Kitô.

Tuy thế, thánh Phaolô không hề lạm dụng tình nghĩa của Philêmôn đối với mình để gây áp lực; trái lại chỉ nhẹ nhàng gợi ý và hy vọng Philêmôn sẽ vì lòng tốt mà làm theo sự gợi ý của mình.

+ Bài Tin mừng: Lc 14, 25-33

Trên đường tiến về Giêrusalem, có rất nhiều người đi đường với Đức Giêsu. Theo tâm lý chung của những người thời đó, Đức Giêsu sẽ thiết lập một vương quốc hùng cường, cho nên họ nghĩ rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian. Nhưng để đánh tan sự hiểu lầm này, Đức Giêsu đã đưa ra những điều kiện cho những kẻ muốn theo Ngài.

Theo ý Đức Giêsu, ai muốn theo Ngài thì phải coi Ngài hơn tất cả mọi mối dây liên hệ thân ái nhất, như cha mẹ, vợ con, anh chị em và kể cả mạng sống mình nữa. Theo Ngài tức là làm môn đệ Ngài và đã làm môn đệ Ngài thì phải thực hiện những điều kiện cực kỳ gay go.

Đồng thời, Đức Giêsu cũng khuyên nhủ mọi người phải khôn ngoan trong việc lựa chọn qua dụ ngôn người xây nhà và vị vua đi giao chiến. Việc theo Chúa là một việc trọng đại phải đắn đo suy nghĩ thật kỹ trước khi dấn thân, chứ không thể bốc đồng rồi bỏ cuộc.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Muốn làm môn đệ của Chúa

I. GIÁO HUẤN TRÊN ĐƯỜNG ĐI GIÊRUSALEM

Thánh Luca tường thuật cho chúng ta cuộc hành trình của Đức Giêsu tiến về Giêrusalem và những lời giáo huấn của Ngài. Cuộc hành trình này lại trùng với cuộc hành trình của người Do thái đi dự lễ Vượt Qua tại Giêrusalem. Vì thế, có nhiều đám đông cùng đi với Ngài. Nhưng họ không phải là những người đi qua đường mà là những người có thiện cảm với Đức Giêsu và có thiện chí muốn theo Ngài.

Trong ngôn ngữ Thánh kinh, “đi theo” có nghĩa là làm môn đệ. Đức Giêsu là ông thầy đi trước, các môn đệ đi phía sau. Thông thường ông thầy chỉ cần đi trước cho các môn đệ đi theo. Nhưng trong chuyện này, Đức Giêsu “quay lại bảo họ”, nghĩa là Ngài có điều quan trọng muốn dặn dò kỹ các môn đệ. Đức Giêsu muốn dạy những điều gì? Theo bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy có hai phần chính và một phần phụ. Phần chính là những điều kiện cho người đi theo Chúa, và phần phụ nói lên tính cách của việc đi theo Chúa qua hai dụ ngôn người xây nhà và ông vua đi giao chiến.

A. PHẦN CHÍNH CỦA GIÁO HUẤN

Phần này gồm có hai điều kiện: từ bỏ mọi sự và vác thập giá.

1. Từ bỏ mọi sự

Điều kiện theo Chúa là phải từ bỏ mọi sự. Việc đi theo Chúa giống như đi leo núi. Nếu mang nhiều thứ cồng kềnh thì sẽ bận vướng nặng nề khiến không leo nhanh được, thậm chí còn có thể bỏ cuộc. Chúa bảo ta phải bỏ tất cả mọi sự. Điều này xem ra quá gay gắt, nhưng chúng ta phải hiểu ý Ngài nghĩa là Ngài không bảo người môn đệ phải bỏ tất cả cha mẹ, vợ con, anh chị em… một cách tiên thiên, mà là bỏ nếu như chúng làm bận vướng cho việc đi theo Chúa. Tuy nhiên, bất cứ khi nào mình cảm thấy những thứ đó trở thành bận vướng, hay bất cứ khi nào Chúa soi sáng cho ta thấy như vậy, thì người môn đệ phải can đảm từ bỏ.

2. Vác thập giá mình

Ở đây Đức Giêsu muốn lưu ý rằng những ai muốn theo Ngài thì chỉ có thể theo bằng cách vác thập giá như Ngài sẽ vác. Thập giá ở đây là những hy sinh phải đón nhận. Theo Chúa là đón nhận sự hy sinh trong việc từ bỏ, trong nỗ lực, cố gắng và thiện chí. Nếu không vậy thì không thể thành môn đệ của Ngài được.

B. PHẦN PHỤ CỦA GIÁO HUẤN

Người muốn làm môn đệ phải biết khôn ngoan lựa chọn, vì từ bỏ là điều kiện để theo Chúa và theo Chúa là một việc quan trọng có liên can đến sự sống còn của cuộc đời mỗi người. Vì vậy Đức Giêsu bảo ta phải thận trọng tính toán và kiên tâm bền chí mới có thể vượt thắng được mọi trở ngại trên đường theo Chúa.

Để diễn tả điều đó, Đức Giêsu đưa ra hai dụ ngôn về một người muốn xây nhà và ông vua đi giao chiến. Muốn xây nhà thì phải dự tính xem có đủ tiền không, kẻo đang xây dở dang mà hết tiền thì không có nhà ở, và ông vua không lượng sức mình thì sẽ thua phía địch. Hai dụ ngôn này nhấn mạnh rằng nếu có ý định theo Chúa thì cần phải lượng sức mình trước, xem mình có thể từ bỏ được như Chúa đòi hỏi không. Nếu không được, thì hãy từ bỏ ý định theo Chúa, kẻo sau đó mà “giữa đường đứt gánh” thì bỏ cả cuộc đời, đời này và đời sau.

II. TRIỂN KHAI ĐIỀU KIỆN THEO CHÚA

Những người cùng đi với Đức Giêsu tới Giêrusalem là những người đi cho vui cũng có, để thoả mãn ước vọng cũng có và những người vì ái mộ cũng có. Thánh Luca nói rõ: “Có nhiều đám đông cùng đi với Đức Giêsu”. Nhưng trong đám đông này có nhiều người có thiện cảm, có thiện chí muốn đi theo Ngài. Từ ngữ “đi theo” trong Thánh kinh có nghĩa là làm môn đệ. Vậy Đức Giêsu nói cho đám đông và cách riêng cho các môn đệ của Ngài những điều kiện phải có để trở thành môn đệ của Ngài. Chúng ta tiếp tục triển khai từng điều kiện.

1. Điều kiện tiêu cực: từ bỏ

Đức Giêsu nói với đám đông: “Nếu ai đến với Ta mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14, 26). Có bản dịch là “ghét” cha mẹ. Như vậy có mâu thuẫn với giới răn thứ tư không? (Lc 18, 19t)

Theo Joseph Fitzmeyer, trong ngôn ngữ Hy lạp chữ “misein” có nghĩa là “ghét”, ngược với chữ “agapan” là “yêu”. Chữ “ghét” này mang một ý nghĩa ít yêu thương, chọn một cái khác ưu tiên hơn. Nó không diễn tả một tình cảm thù nghịch, mà chỉ nói lên một sự lựa chọn hơn kém. Phải “từ bỏ” tất cả mọi sự, trừ Thiên Chúa, tức là chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hơn bất cứ sự gì khác, gồm của cải vật chất hay những liên hệ thân yêu với cha mẹ, vợ con, anh chị em trong gia đình. Nếu còn bám víu vào bất cứ ai hoặc sự gì ưu tiên hơn Thiên Chúa, chúng ta chưa xứng đáng là môn đệ của Ngài (Nguyễn Văn Thái).

Như vậy, ghét hay từ bỏ ở đây chỉ có nghĩa là đặt ở hàng thứ yếu, không ngang hàng. Nên câu trên chỉ có ý nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa hơn cha mẹ, vợ con, anh chị em (St 29, 30.31.33; Đnl 15, 21t; Mt 10, 37).

Những lời Đức Giêsu phán thật đáng ngạc nhiên, đến độ chói tai nữa. Thế nhưng nó chỉ có ý diễn tả một điều: tình yêu Chúa phải chiếm chỗ nhất trong tim ta, và ta phải gỡ bỏ tất cả những gì cản trở tình yêu ấy.

Thánh Grêgôriô Cả giải thích câu ‘khó nghe’ này, ngài viết: “ đời này hãy yêu tất cả, kể cả kẻ thù, nhưng ta phải ghét những ai ngăn cản ta trên bước đường dẫn tới Chúa, dầu đó là người thân. Như vậy ta phải yêu người lân cận, phải có lòng bác ái đối với tất cả, với kẻ gần và người xa, nhưng không được vì yêu họ mà ta xa tình yêu Chúa”. Dứt khoát là phải giữ bậc thang giá trị trong tình yêu: Chúa trên hết.

Không những Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải từ bỏ những cái bên ngoài, mà Ngài muốn môn đệ phải từ bỏ chính bản thân mình. Từ bỏ chính mình có nghĩa là từ bỏ tham, sân, si.

Tham là tính tham lam: tham danh, tham lợi, tham tài, tham sắc, tham quyền, tham thế. Chính cái tham ấy xô đẩy chúng ta vào vòng tội lỗi, gây tranh giành đố kỵ và làm khổ lẫn nhau.

Sân là tính nóng nảy, thường thúc đẩy chúng ta làm những sự bất công. Sân cũng là giận. Giận mất khôn, khiến chúng ta không làm chủ được mình, dễ trở nên hung bạo, gây tai ương và đau khổ cho người khác.

Si là ngu muội, tối tăm, mê mẩn. Vướng phải khuyết điểm này chúng ta thiếu sự phán đoán, sự suy luận đúng đắn, ít phân biệt được điều hay lẽ phải, khư khư sống trong thành kiến sai lầm. Hơn nữa còn mê man những cái không đáng, những cái phù du giả dối, những cái có vẻ tốt đẹp bên ngoài mà bên trong xấu xa, thối nát.

Đối với chúng ta thì từ bỏ chính mình, có nghĩa là không làm theo ý muốn ý thích của mình khi điều đó không phù hợp với ý Chúa. Từ bỏ như vậy để chỉ sống cho Chúa và tha nhân.

Vấn đề thực hành sống đạo: Nếu “bản thân mình” là con người hiện thân của chủ thể và là sự sống tâm linh nơi chủ thể, thì “bỏ bản thân mình” đi theo lời Chúa Kitô khuyên dạy trong Tin mừng hôm nay phải chăng chính là việc bỏ đi những ý nghĩ về mình và là việc bỏ đi ý muốn tự do của mình, dù những ý nghĩ về mình hay của mình đó có chí lý đến đâu, và dù ý muốn của mình đó có tốt lành và hay ho đến mấy đi nữa, chẳng hạn như trường hợp Trinh Nữ Maria trong giây phút Truyền tin Lời nhập thể, hay như trường hợp của thánh Phêrô bị Thầy quở là “Đồ Satan, hãy xéo đi, vì ngươi chẳng nghĩ tưởng theo ý hướng của Thiên Chúa mà toàn là theo kiểu của loài người” (Mt 16, 23)

2. Điều kiện tích cực: vác thập giá

Các đám đông hâm mộ Đức Giêsu chắc hẳn xem việc Ngài đến Giêrusalem như là một cuộc tiến vào đầy khải hoàn vinh thắng, sau đó là xuất hiện vương quốc trần thế và vinh hiển của Đấng Messia. Họ tự xem mình là môn đệ Đức Giêsu và đáng được Ngài đưa đến vinh quang. Đức Giêsu không thể để cho ảo tưởng đó kéo dài. Ngài lưu ý những kẻ theo Ngài: họ chỉ có thể theo Ngài bằng cách vác thập giá, như chính Ngài sẽ vác sau này. Ai quyết định theo Đức Giêsu phải sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả của việc đó, cũng như mọi thứ đi ngược lại bản tính con người.

Theo Chúa thì nhất thiết phải vác thập giá. Theo Chúa là một cuộc đăng sơn, một cuộc leo lên núi Calvariô. Theo Chúa giống như leo núi, thập giá giống như cái gậy của người leo núi. Nó rất cần và có ích. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc. Thập giá ở đây là mọi hy sinh phải đón nhận và đón nhận với tinh thần tự nguyện: “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta được” (Lc 14, 27).

Tuy thế, không phải cứ tự nguyện vác thập giá thì thập giá sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu đâu. Điều đó cũng đúng, nhưng không vì thế mà làm cho cây thập giá trở nên nhẹ nhàng đến nỗi không cần cố gắng nữa. Mỗi ngày một cố gắng thì sẽ thành công.

John Newton đề nghị với chúng ta cách vác thập giá: “Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay và còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi!”

3. Phải lượng sức mình: lựa chọn

Muốn làm môn đệ Chúa, mỗi người phải suy tính cẩn thận, phải tính cái giá phải trả khi theo Ngài. Ngài minh giải điều đó bằng hai dụ ngôn người xây nhà và vị vua đi giao chiến. Cái tháp mà người định xây đó có lẽ là cái tháp của vườn nho. Các vườn nho thường có những tháp để từ trên đó có thể trông coi cả vườn kẻo kẻ trộm phá mất mùa nho. Xây tháp mà bể đổ thì thật đáng xấu hổ. Hay là ông vua điên khùng nào kéo quân ra trận mà không tính toán trước, đo lường số quân của mình với lực lượng của đối phương.

Đức Giêsu có ý nói rằng chẳng thà đừng bước vào đời sống tín hữu hơn là bước vào rồi thất bại. Ngài chỉ muốn người ta trước khi bước vào cuộc sống ấy đã phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự là điều kiện đòi hỏi trong khi phục vụ Chúa. Tục ngữ Việt Nam cũng nói lên ý tưởng ấy:

Xem giỏ bỏ thóc Hay Đừng vung tay quá trán

Sống là phải chọn lựa và sự chọn lựa nhiều lúc làm cho chúng ta phải băn khoăn lo lắng, day dứt, giống như ở đô thị Jeffa xứ Palestina, có một khu đất gọi là đất quyết định. Các sông ngòi chảy vào khu đất ấy lưỡng lự một lúc rồi mới chảy sang một trong hai hướng. Những sông ngòi theo một hướng thì chảy vào những khu vườn Sharon xinh đẹp. Còn những sông ngòi theo hướng kia thì chảy vào Biển Chết, biển này không có một sinh vật nào sống nổi. Cuộc đời chúng ta cũng thế. Chúng ta phải chọn một hướng. Không ai có thể chọn cả hai hướng, không ai có thể làm tôi hai chủ.

Sự lựa chọn đã là khó, nhưng sống theo sự lựa chọn đó càng khó hơn, đúng như người ta nói: “Đâm lao thì phải theo lao” (Tục ngữ), đã theo Chúa thì phải quyết tâm theo đến cùng vì: “Ai đã tra tay vào cầy mà còn ngoái lại đàng sau thì không xứng đáng là môn đệ Ta”. Đã theo Chúa thì sẵn sàng chấp nhập mọi bất trắc rủi ro:Muối mặn ba năm muối vẫn còn mặn,

Gừng cay chín tháng gừng hãy còn cay.

Đạo vợ chồng đừng có đổi thay,

Làm nên danh vọng, hay rủi ăn mày vẫn theo nhau. (Ca dao)

4. Đi theo hay làm môn đệ?

Trong đoạn Tin mừng này, có những cụm từ rất ý nghĩa, đó là “đi theo” và “làm môn đệ”. Thánh Luca đã sử dụng những cụm từ này rất khéo: “Lúc ấy có rất đông người “đi theo” Đức Giêsu. Ngài quay lại bảo họ: “Ai không dứt bỏ… thì không thể làm môn đệ Ta. Ai không vác thập giá mình mà đi theo Ta thì không thể làm môn đệ Ta”. Rất đông người đi theo Đức Giêsu, nhưng không phải tất cả đều là môn đệ Ngài; chỉ những ai đi theo mà từ bỏ và vác thập giá thì mới là môn đệ. Người đi theo chưa hẳn là người môn đệ.

Có người nói với một giáo sư danh tiếng ở Đại học Paris về một chàng thanh niên rằng:

- Anh ta nói với tôi rằng, anh ta là học trò của giáo sư, có phải không?

Vị giáo sư thẳng thắn trả lời:

- Anh ta có thể đã ngồi trong lớp học của tôi, nhưng anh ta không phải là học trò của tôi.

Bài học của câu chuyện trên đây muốn nói một học sinh chưa chắc là “môn sinh”. Là một học sinh thì rất dễ dàng. Nó không đòi hỏi những trách nhiệm luân lý quan trọng. Học sinh có thể thay đổi giáo sư tuỳ theo nhu cầu bằng cấp. Một ủng hộ viên cũng có thể nay ủng hộ người này mai chạy theo ủng hộ người khác tuỳ theo nhu cầu cá nhân của họ. Họ là kẻ cơ hội chủ nghĩa. Châm ngôn của họ là: “Làm cái gì có lợi cho mình”. Trái lại, một môn sinh đích thực phải có sự cam kết đoan hứa trung thành, một sự dấn thân dâng hiến hoàn toàn cho lý tưởng và thầy mình. Một môn sinh phải có một tinh thần vâng phục sâu xa và một lòng ước ao học hỏi nơi sư phụ của mình.

Một lần khác, khi nhà vua Trung quốc đến thăm những tu viện của đại thiền sư Lin Chi, nhà vua ngạc nhiên khi biết được rằng có hơn 10.000 nhà sư đang sống ở đó. Muốn biết rõ con số chính xác các nhà sư, nhà vua hỏi:

- Ngài có bao nhiêu đệ tử?

Nhà sư Lin Chi đáp:

- Bốn hoặc năm.

Lạ thật! Với hàng chục ngàn người theo học mà chỉ có 4, 5 người là môn đệ! Nếu hôm nay có người hỏi Chúa: Ngài có chính xác bao nhiêu môn đệ? Không biết Chúa sẽ trả lời làm sao. vì nhiều người chỉ có danh mà không có thực, chỉ có tiếng mà không có miếng! Phải tỏ ra mình là một Kitô hữu chính danh, chứ không phải hư danh, phải sống đúng với địa vị của mình là Kitô hữu, đúng là:

Có ăn có chọi mới gọi là trâu” (Tục ngữ)

III. LÀM MÔN ĐỆ CHÚA HÔM NAY

Những đòi hỏi của Đức Giêsu trong Tin mừng hôm nay là quá gắt gao, người ta có thể chấp nhận được không? Nếu Đức Giêsu làm nghề quảng cáo, chắc là Ngài sẽ thất bại. Vì không ai như Chúa, quảng cáo ơn gọi để mời gọi người ta theo mình, lại không đưa ra một tương lai sán lạn nào, không tìm thấy bất cứ một vinh dự nào, hoặc ngay cả một sự hấp dẫn nào dù nhỏ nhoi nhất, cũng không có. Ngược lại chỉ là từ bỏ và nhận thập giá. Nghĩa là chỉ có nghèo đến trần trụi như Chúa đã không có gì cho mình từ khi bắt đầu làm người, đến lúc bước lên thập giá.

Hơn nữa, theo Chúa, làm môn đệ Chúa để được gì mà phải thiệt thòi đến vậy? Theo mà điều kiện nặng nề như thế, thì theo để làm gì? Nhất là đối với thế giới hôm nay, con người chỉ muốn tìm cho mình một cuộc sống tự do dễ dãi, ích kỷ, coi trọng vật chất, tôn thờ quyền lợi cá nhân…, thì với một điều kiện khắc nghiệt như thế, thật là một điều không tưởng. Lời Chúa xem ra quá lạc lõng, xa lạ?

Thế nhưng không đúng! Tất cả những suy nghĩ bên trên đều ngược hẳn với thực tế mà lịch sử Giáo hội đã ghi nhận hàng ngàn năm qua, đến hôm nay và sẽ còn mãi về sau. Bởi đã 2000 năm, những lời Đức Giêsu vẫn cứ mới nguyên, vẫn là Lời Sống cho biết bao nhiêu anh chị em chọn làm lẽ sống của mình. Những anh chị em ấy đã quả cảm bước theo Đức Giêsu, từ bỏ mọi sự, nhận thập giá làm niềm vui của đời mình. Chính họ đã làm cho tinh thần và lời dạy của Đức Giêsu chẳng những không mai một, không lạc lõng, mà còn sống, sống mạnh và lan rộng cả thế giới, qua mọi thế hệ. Họ là ai? Hơn hai tỷ người theo Chúa Kitô trên khắp thế giới là một bằng chứng hùng hồn.

Vậy ý của Đức Giêsu là ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải đặt tình yêu Chúa trên mọi thứ tình yêu; hay nói cách khác, tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: tình yêu gia đình, bạn bè và ngay chính cả bản thân.

Như thế, người tín hữu khi đã chọn Chúa, làm môn đệ của Ngài, họ vẫn phải yêu mến người thân, gia đình, bạn bè; họ vẫn phải yêu chính bản thân mình; họ cũng phải quí mến của cải như là ơn lành Chúa ban. Nhưng khi cần thì tất cả những tình cảm đó phải hy sinh cho tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa cũng phải đặt lại cho mình.

Truyện: Câu chuyện Giới Tử Thôi

Trong “Đông châu liệt quốc” có ông Giới Tử Thôi, người nước Tấn, đời Xuân Thu, là một bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ. Khi ấy, vua nước Tấn là Tấn Huệ Công sợ công tử Trùng Nhĩ cướp ngôi nên sai người đi ám sát. Được mật báo, Trùng Nhĩ cùng với một số bầy tôi đi lánh nạn. Trên đường chạy trốn từ nước Địch sang nước Tề phải đi qua nước Vệ, đoàn lánh nạn bị vua nước Vệ chận lại toan bắt nên chạy càng trối chết. Chẳng may lạc đường lại hết lương thực, công tử Trùng Nhĩ không ăn được rau cỏ dại nên sinh kiệt sức sắp chết. Thấy vậy, Giới Tử Thôi liền cắt thịt ở đùi mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn mới lại sức đi đến được nước Tề an toàn. Đến lúc Trùng Nhĩ khôi phục lại được nghiệp lớn là làm vua nước Tấn, thì Giới Tử Thôi lặng lẽ về quê ở ẩn không màng lãnh công. Cả khi vua Tấn nhớ ơn người bầy tôi trung thành, muốn đền đáp công lao thì Giới Tử Thôi cõng mẹ vào rừng sống ẩn dật, nhất quyết không nhận (Võ Ngọc Thành, Nhân vật Đông Châu, 1968, tr 324).

Giáo hội thúc giục chúng ta hãy dấn bước theo Chúa trong cuộc đời dương thế. Hiến chế Lumen gentium ghi rõ: “Đang khi còn là lữ hành trên mặt đất, bước theo vết chân Người trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng thông hiệp với những đau khổ của Người, như thân thể kết hợp với đầu, hiệp thông với sự thương khó của Người để được cùng Người vinh hiển (Rm 8, 7) (Lumen gentium đoạn 7).

Sau cùng, chúng ta hãy bước theo Đức Giêsu với sự chia sẻ của Đức cố Hồng y P.X. Nguyễn văn Thuận qua kinh nghiệm 14 bước theo Đức Giêsu:

. Bước lang thang ra chuồng bò ở Be lem.

. Bước hồi hộp trốn sang Ai cập.

. Bước bồn chồn trở về Nazareth.

. Bước phấn khởi lên đền thánh với cha mẹ.

. Bước vất vả suốt 30 năm lao động.

. Bước yêu thương ba năm rao giảng Tin mừng.

. Bước thao thức kiếm tìm chiên lạc.

. Bước xót xa vào Giêrusalem đầm đìa nước mắt.

. Bước cô đơn ra trước toà không một người thân.

. Bước ê chề vác Thánh giá lên đồi tử nạn.

. Bước thất bại chết chôn mồ kẻ khác, không tiền không bạc, không manh áo, không bạn hữu.

. Bước khải hoàn sống lại, hãy vững lòng Thầy đã thắng thế gian.

. Bước khổng lồ đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng.

. Bước liều mạng lăn xả vào thử thách, chấp nhận mọi hậu quả, vì Chúa đã dạy con liều mạng.

(Trích Sứ điệp Lao Tù, VietCatholic, CD 3).

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

TỪ BỎ TẤT CẢ

Theo một bản thống kê đáng tin cậy, trong năm 2020,

mỗi ngày có 13 kitô hữu bị giết trên toàn thế giới,

mỗi ngày có 12 nhà thờ hay cơ sở Kitô giáo bị tấn công.

mỗi ngày có 12 kitô hữu bị bắt bớ hay bỏ tù.

Tất cả những cuộc bách hại đó chẳng làm các kitô hữu

nhụt chí hay chùn bước trong việc bước theo Chúa Giêsu.

Trái lại, họ biết rằng ai theo Chúa thì đều phải trả giá.

Cái giá phải trả lại là một dấu hiệu đáng tin

cho thấy họ thật là môn đệ Chúa Kitô.

Cách đây hai ngàn năm, Thầy Giêsu đã nói với đám đông

đang cùng đi với Ngài trên đường lên Giêrusalem.

Thầy nói về cái giá phải trả để trở thành môn đệ của Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay có một điệp khúc được nhắc ba lần:

“… thì không thể là môn đệ của Tôi được” (Lc 14, 26.27.33).

Thầy Giêsu không ngại nói thẳng những điều kiện cần

để một người đang đi theo Ngài trên đường

có thể trở thành môn đệ (Lc 14, 25).

Quả thật, ta có thể bị choáng khi đọc những điều kiện ấy.

Nơi điều kiện thứ nhất, Thầy Giêsu đòi phải đặt Ngài

lên trên mối dây gia đình thân thiết nhất,

như cha mẹ, vợ con, anh em, chị em (Lc 14, 26).

Đặt Ngài lên trên có khi đòi hy sinh tình nghĩa với họ,

chấp nhận mâu thuẫn, đoạn tuyệt với người thân.

Làm môn đệ của Ngài có thể khiến danh giá

của gia đình bị tổn hại, tình vợ chồng bị đổ vỡ.

Nơi điều kiện thứ hai, Thầy Giêsu đòi phải đặt Ngài

lên trên mạng sống của chính mình,

phải vác thập giá của mình và đi sau Thầy (Lc 14, 27).

Đế quốc Rôma bắt kẻ làm loạn phải vác thập giá,

và vác đến chỗ sắp bị hành hình.

Theo Chúa có thể bị coi là kẻ thù của đất nước.

Nơi điều kiện thứ ba, Thầy Giêsu đòi phải đặt Ngài

lên trên mọi của cải mình có, vật chất cũng như tinh thần.

Như thế để thành môn đệ Thầy Giêsu

người ta phải trở nên trắng tay, chẳng còn gì.

Hoàn toàn tự do trước sống-chết, giàu-nghèo,

trước nhục vinh, và mọi mối dây ràng buộc.

Ngày nay, để được chịu Phép Thánh Tẩy,

người dự tòng phải dành một thời gian để học giáo lý.

Chỉ ai có đức tin và hiểu lẽ đạo mới được rửa tội

để trở nên con Chúa và thành viên của Hội Thánh Công Giáo.

Nhưng trở thành kitô hữu trọn vẹn là một hành trình dài,

mà Phép Rửa chỉ là khởi đầu cho hành trình đó.

Một người sắp hay đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy

có cảm thấy sợ, khi đọc đoạn Tin Mừng hôm nay không?

Chúa Giêsu đòi chúng ta cân nhắc trước khi quyết định.

Như người xây tháp cần tính phí tổn

để công trình khỏi bị ngưng lại nửa chừng.

Như vị vua tính toán lực lượng trước khi giao chiến

để khỏi bị bại trận chỉ vì không đủ quân.

Ngay cả người đã theo đạo cũng cần ngồi xuống,

xét xem mình có thật sự muốn hy sinh tất cả

để trở thành người môn đệ có thực chất không.

Thầy Giêsu đã sống những gì Thầy đòi hỏi nơi môn đệ.

Thầy đã rời bỏ gia đình để lên đường đi sứ vụ.

Thầy đã chấp nhận sống nghèo, hoàn toàn phó thác.

Thầy đã vác thập giá của mình và đi đến chỗ hy sinh.

Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn cần những môn đệ

đúng theo gương mẫu của Ngài.

LỜI NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa của con,

con không hiểu làm sao có người thấy Chúa sống nghèo

mà lại có thể cố tình sống trong giàu có,

và không muốn nên giống Chúa trong mọi sự,

nhất là trong hèn mọn khiêm nhu.

Lạy Thiên Chúa,

con không dám nghi ngờ tình yêu của họ với Chúa,

nhưng con nghĩ có điều gì thiếu nơi tình yêu của họ.

Bởi lẽ con không thể tưởng tượng một tình yêu

mà không có lòng khao khát,

một khao khát mạnh mẽ muốn bắt chước,

muốn nên giống Người mình yêu,

và nhất là muốn chia sẻ

mọi nỗi khổ đau và gánh nặng của Người ấy.

Sống giàu sang, sống trong tiện nghi bên của cải,

trong khi Chúa đã sống khó nghèo, thiếu thốn,

vất vả dưới gánh nặng của lao động nhọc nhằn,

lạy Thiên Chúa, con không thể sống như thế được,

con không thể yêu như thế được…

Thánh Charles de Foucauld

 

5. Suy niệm (song ngữ)

Bài Đọc I: Khôn Ngoan 9:13-18b
II: Philemon 9b-10, 12-17

23st Sunday in Ordinary Time
Reading I: Wisdome 9:13-18b
II: Philemon 9b-10, 12-17

 

Gospel
Lk 14:25-33

25 Great crowds were traveling with him, and he turned and addressed them,

26 If any one comes to me without hating his father and mother, wife and children, brothers and sisters, and even his own life, he cannot be my disciple.

27 Whoever does not carry his own cross and come after me cannot be my disciple.

28 Which of you wishing to construct a tower does not first sit down and calculate the cost to see if there is enough for its completion?

29 Otherwise, after laying the foundation and finding himself unable to finish the work the onlookers should laugh at him

30 and say, ‘This one began to build but did not have the resources to finish.

31 Or what king marching into battle would not first sit down and decide whether with ten thousand troops he can successfully oppose another king advancing upon him with twenty thousand troops?

32 But if not, while he is still far away, he will send a delegation to ask for peace terms.

33 In the same way, everyone of you who does not renounce all his possessions cannot be my disciple.

Phúc Âm
Lc 14, 25-33

25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ:

26 Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.

27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được

28 Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?

29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo:

30 Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.

31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?

32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.

33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Interesting Details

(v.25) In the preceding parable (16-24), several guests were invited to a banquet but all found excuses for not coming. Having told this parable of rejection to the leaders in which an overinvolvement with possessions and relationships closes those invited to the call of God, Luke has Jesus turned and addressed to the great crowds and repeat the same warning for those who would wish to follow Him.

(v.26) Hate is harsh. It has been suggested that the original Aramaic meant simply love less than. It denotes an attitude - turning away from; and mode of action - detach oneself from, not emotion.

(v.27) Carry his own cross. Again, this command must be taken in context. It does not mean that all true disciples must be martyrs in the literal sense.

(v.28) The costs are indeed staggering. God undertook the plan of salvation at the cost of the beloved Sons life (Rom 8:32); and Jesus, determined to journey to Jerusalem (9:51) to lay down His life. Neither God, nor Jesus asks of disciples anything that they themselves were not prepared to do.

Chi Tiết Hay

(c.25) Trong dụ ngôn trước (cc.16-24), Đức Giêsu kể một câu chuyện trong đó những người khách được mời đến dự tiệc nhưng đã tìm cớ thoái thác. Ngụ ý nói đến những người qúa bận tâm đến của cải và danh vọng nên không mở lòng cho lời mời gọi của Thiên Chúạ Trong đoạn này, Luca cho thấy Đức Giêsu quay về phía đám đông và giảng dạy họ. Ngài nhắc lại những điều cần có để đi theo Ngài.

(c.26) Dứt bỏ trong ngôn ngữ thời đó có nghiã là thương ít hơn. Ở đây, Đức Giêsu muốn nói đến một thái độ: quy hướng về Chúa; và một hành động cụ thể: tách mình ra khỏi mọi quyến luyến. Ngài không có ý đề cập đến tình thương.

(c.27) Hiểu như trên, “vác thập giá mình không có nghiã là ai muốn làm môn đệ của Đức Giêsu đều phải chịu đóng đinh tử vì đạo theo sát nghiã, từng chữ một.

(c.28) Phải trả một giá khá nặng. Thật vậy, để cứu chuộc chúng ta, Thiên Chúa đã chẳng tha chính Con Một của Ngài (Roma 8, 32); và chính Đức Giêsu, cũng đã cương quyết đi Giêrusalem để hiến dâng thân mình (9, 51). Thiên Chúa không đòi hỏi nơi các môn đệ của Ngài những gì mà chính Ngài đã không sẵn sàng làm.

One Main Point

Jesus challenges us to take up the demands of discipleship. It demands everything we are and everything we have.

Một Điểm Chính

Đức Giêsu mời chúng ta chấp nhận những đòi hỏi cam go để trở nên môn đệ của Ngài. Phải từ bỏ chính con người của mình và mọi của cải vật chất.

Reflections

1. What are the costs of discipleship in my case? What possessions and relationships do I need to forgo? What to foster?

2. To the extent that I have been able to follow Christ, what results have I experienced? To the extent that I have shied away from following Christ, what have been the results?

3. What concrete steps do I plan for my life: staying the current course, or making specific changes? How will I be able to do it?

Suy Niệm

1. Đối với tôi, cái giá mà tôi phải trả là gì? Những của cải vật chất và liên hệ nào cần phải từ bỏ? Điều gì cần phải luyện tập?

2. Khi bước theo Đức Kitô, tôi có cảm nhận những thay đổi nào nơi tôi? Ngược lại khi từ chối theo Ngài, tôi thấy kết qủa gì đến với tôi?

3. Tôi dự định gì cho cuộc sống của mình? tiếp tục sống trong tình trạng hiện tại, hay là cần phải thay đổi? Làm cách nào để thay đổi?

Top