Chúa nhật 13 Thường niên năm C (Lc 9,51-62)

Chúa nhật 13 Thường niên năm C (Lc 9,51-62)

Chúa nhật 13 Thường niên năm C (Lc 9,51-62)

Đức Giê-su nhất quyết đi Giê-ru-sa-lem.
Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.

Bài đọc 1: 1 V 19, 16b.19-21

Ông Ê-li-sa đứng dậy, đi theo ông Ê-li-a.

Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất.

16b Ngày ấy, Đức Chúa phán với ngôn sứ Ê-li-a: “Ngươi sẽ xức dầu tấn phong Ê-li-sa con Sa-phát, làm ngôn sứ thay cho ngươi.”

19 Ông Ê-li-a ra đi và gặp ông Ê-li-sa là con ông Sa-phát đang cày ruộng; trước mặt ông Ê-li-sa có mười hai cặp bò; chính ông thì đi theo cặp thứ mười hai. Ông Ê-li-a đi ngang qua, ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa. 20 Ông này liền để bò lại, chạy theo ông Ê-li-a và nói: “Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông.” Ông Ê-li-a trả lời: “Cứ về đi! Thầy có làm gì anh đâu ?” 21 Ông Ê-li-sa bỏ ông Ê-li-a mà về, bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Ê-li-a và phục vụ ông.

 

Đáp ca: Tv 15, 1-2a và 5.7-8.9-10.11 (Đ. x. c.5a)

Đ.Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng.

1Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
2aCon thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa con thờ, 5Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.

Đ.Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng.

7Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
8Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

Đ.Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng.

9Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
10Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.

Đ.Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng.

11Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!

Đ.Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng.

 

Bài đọc 2: Gl 5, 1.13-18

Anh em đã được gọi để hưởng tự do.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.

1 Thưa anh em, chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.

13 Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. 14 Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 15 Nhưng nếu anh em cắn xé nhau thì hãy coi chừng: anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy!

16 Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. 17 Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. 18 Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.

 

Tin mừng: Lc 9, 51-62

51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.

52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến.

53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.

54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không ?”

55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. 56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.”

58 Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

59 Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.”

60 Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”

61 Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.”

62 Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy mẫu gương tuyệt vời của Chúa Giêsu được lồng vào hai bài học:

1. Luôn luôn lúc nào Ðức Giêsu cũng lo cho sứ mệnh cứu độ loài người. Cuộc hành trình lên Giêrusalem được thực hiện ngay sau lời tiên báo khổ nạn.

2. “... Con Người đến không phải để xử phạt, nhưng để cứu chữa người ta”. Thật vậy, bài học này đã làm cho các tông đồ và mỗi chúng ta phải đặt lại cái nhìn của mình.

Chúng ta phải xử với đồng loại làm sao để xứng đáng một người con của Ðấng mang danh là tình yêu. Ðấng đã không bẻ gãy cây lau bị dập và không dập tắt tim đèn còn khói.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước cái chết rùng rợn, khủng khiếp đang chờ đợi, Chúa vẫn ung dung, tự tin và bình thản. Tấm lòng nhân hậu của Chúa vẫn không bị mất đi vì sự cau có, nóng giận của các môn đệ và thái độ bất kính của dân miền Samari.

Xin Chúa ban cho chúng con biết học gương của Ngài. Luôn có cái nhìn bình thản và một tấm lòng nhân ái. Ðể trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời, chúng con biết xử sự một cách khôn khéo và khoan dung như Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem. Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy”.

 

2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

DẤN THÂN THEO ĐỨC KITÔ

A. DẪN NHẬP

Mọi người đều có ơn gọi đi theo Chúa. Ngày xưa, Thiên Chúa trực tiếp kêu gọi một số người như Maisen, Êlia, các tổ phụ, các tiên tri, các Tông đồ, nhưng thường Ngài gọi qua trung gian như trường hợp Êlisê trong bài đọc 1 hôm nay. Êlia đã truyền nghiệp tiên tri cho Êlisê, bằng việc quăng áo choàng của mình cho ông và ông này đã từ bỏ mọi sự mà theo Êlia. Ngày nay Chúa vẫn còn tiếp tục kêu gọi chúng ta theo Chúa bằng ơn thánh, bằng những biến cố bên ngoài hoặc bằng những người khác hướng dẫn, và sự đáp trả tuỳ thuộc ở sự tự do của mỗi người.

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc ba người thanh niên được kêu gọi đi theo Đức Giêsu để làm môn đệ. Tuy là ba trường hợp khác nhau, nhưng điều kiện Đức Giêsu đưa ra đều giống nhau là phải từ bỏ mọi sự, dứt khoát, quên đi quá khứ, và còn phải chấp nhận một cuộc sống bấp bênh về vật chất. Trước những điều kiện khắt khe này, không biết ba người đó có quảng đại chấp nhận để theo Chúa không, vì Tin mừng không nói rõ.

Chúng ta đã được chịu phép rửa tội, đương nhiên chúng ta trở thành “Kitô hữu”, là “Alter Christus” (Chúa Kitô khác), và một khi đã là Kitô hữu thì đương nhiên chúng ta đi theo Chúa, trở thành môn đệ của Ngài. Do đó, bổn phận của Kitô hữu là phải sống đời chứng nhân, phải trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô để có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: 1V 19, 16b.19-21

Thiên Chúa kêu gọi người ta không theo bất cứ tiêu chuẩn nhân loại nào cả. Ngài hoàn toàn tự do kêu gọi. Phần con người, khi đã nhận ra được Thiên Chúa gọi thì phải mau mắn đáp trả.

Thiên Chúa phán bảo Êlia hãy chọn Êlisê làm tiên tri thay cho mình. Êlia đã đi tìm và gặp Êlisê đang cày ruộng. Thay vì đặt tay trên Êlisê, tiên tri Êlia quăng áo khoác của mình cho đệ tử, để truyền thừa cho Êlisê ân sủng kế nghiệp làm tiên tri. Sau khi từ giã cha mẹ, Êlisê lấy chiếc cầy làm củi đốt lên quay cặp bò làm thịt cho dân chúng ăn, rồi đi theo tiên tri Êlia với sự tự nguyện và đại độ hy sinh tất cả để nghe theo tiếng gọi của Chúa.

+ Bài đọc 2: Gl 5, 13-18

Thánh Phaolô cho tín hữu Galata biết rằng nhờ phép rửa tội họ đã thoát khỏi sự ràng buộc của luật đạo cũ, để trở nên con người tự do. Cuộc sống con người tự do là sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, chứ không theo sự xúi dục của xác thịt.

Chúng ta là những con người tự do, chỉ tuân thủ một lề luật duy nhất là: yêu mến Chúa và yêu thương anh em như chính mình. Điều này là cốt lõi của đạo mới.

+ Bài Tin mừng: Lc 9, 51-62

Bài Tin mừng chia làm hai phần:

a) Chuyện dân làng Samaria không đón tiếp Đức Giêsu

Muốn cho gần, Đức Giêsu muốn đến Giêrusalem, phải đi qua vùng Samaria. Vì sự nghi kỵ và thù hằn giữa người Do thái và Samaria, dân làng không đón tiếp mà còn gây phiền nhiễu. Trước sự kiện này, hai ông Giacôbê và Gioan nổi nóng muốn lửa trên trời đốt cháy dân làng này, nhưng Đức Giêsu khuyên các ông hãy nhường nhịn và khoan dung.

b) Chuyện ba người muốn làm môn đệ Đức Giêsu

Điều quan trọng trong những câu chuyện này không phải là những nhân vật, mà là giáo huấn của Đức Giêsu và những điều kiện để làm môn đệ Ngài. Ngài đưa ra những yêu cầu khẩn thiết là phải từ bỏ nếp sống an toàn, phải coi việc Nước Chúa quan trọng hơn hết và phải quyết tâm tiến tới, đừng ngoái cổ về dĩ vãng.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Dứt khoát đi theo Chúa

Trong bài Tin mừng hôm nay chúng ta thấy ghi lại hai sự kiện tuy khác nhau nhưng cùng một ý nghĩa, nói lên tinh thần môn đệ của Đức Giêsu phải có.

Đối với việc dân làng Samaria không đón tiếp Chúa, còn gây khó khăn cho cuộc hành trình của Ngài, Đức Giêsu dạy các môn đệ phải có tình thần nhường nhịn và khoan dung bởi vì: “Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Còn đối với những người đi theo Chúa, Ngài muốn nêu lên những đức tính mà những người theo Ngài phải có, cũng như những đòi hỏi của sứ vụ tông đồ.

I. CÂU CHUYỆN DÂN LÀNG SAMARIA VỚI ĐỨC GIÊSU

1. Giữa người Do thái và Samaria có một sự xung khắc về quốc gia và tôn giáo. Người Samaria bị những người Do thái giáo coi như những kẻ ly giáo, từ khi họ đã xây dựng một ngôi đền thờ trên đỉnh núi Garizim để cạnh tranh với đền thờ Giêrusalem. Phải tránh tiếp xúc với những kẻ “lầm lạc” ấy (Ga 4, 9-20). Bị những người Do thái khinh bỉ, họ trả đũa lại bằng cách gây ra mọi phiền nhiễu cho các đoàn hành hương mượn con đường ngắn nhất để đi từ Galilêa về Giêrusalem.

Vì hoài nghi tâm địa người trong thôn xã, Đức Giêsu sai một số môn đệ không phải là Tông đồ (Lc 6, 13; 10, 1) vào thương lượng trước với người trong làng. Người Samaria sẵn có ác cảm từ lâu đời đối với người Do thái, nhất là trong các dịp đại lễ, tinh thần ác cảm đó còn gợi lại mạnh mẽ thêm, vì người Do thái thường chỉ trích người Samaria về việc thờ Chúa ở trên núi Garizim, hai nơi vẫn còn tranh chấp về việc thờ tự Thiên Chúa. Vì thế, khi nghe phái đoàn đi Giêrusalem, người trong làng từ chối không chấp nhận.

Trước thái độ từ chối của dân làng Samaria, hai ông Giacôbê và Gioan, với biệt hiệu là “Con trai Thiên Lôi”: muốn xin lửa từ trời xuống thiêu đốt những kẻ nghịch này. Hai ông có thái độ như thế vì nhớ lại trường hợp tiên tri Êlia đã làm xưa (2V 1, 10) và nghĩ rằng dân làng Samaria làm như thế là đã làm nhục cho Chúa. Đây là thái độ còn nhiều tinh thần Cựu ước, tinh thần báo thù.

2. Ở đây Đức Giêsu muốn cho các môn đệ một hình ảnh đích thực về Thiên Chúa, Ngài vốn là Đấng toàn năng nhưng không can thiệp như một ông vua chuyên chế bắt các bề tôi và kẻ thù phải quỳ mọp dưới chân, nhưng Ngài chờ đợi họ hoán cải như người cha, người mẹ đối với con cái: “Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa”.

Các môn đệ được hiểu rằng việc báo thù là việc của tà thần chứ không phải là việc của Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa báo oán, mà là Thiên Chúa tình thương. Đức Giêsu muốn dạy cho các ông con đường đi theo Chúa không luôn thẳng tắp, không gặp trắc trở. Vậy những ai muốn theo Chúa phải nhẫn nại hiền lành để đối xử lại, để chinh phục lại các linh hồn. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Một thìa mật lôi kéo nhiều ruồi hơn một thùng giấm”.

II. CÂU CHUYỆN BA NGƯỜI MUỐN LÀM MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU

Bị người Samaria từ chối thẳng thừng, Đức Giêsu không để ý đến việc đó, Ngài bảo các môn đệ đi sang làng khác để đi tới Giêrusalem. Trên đường tiến về Giêrusalem, Luca ghi lại có ba trường hợp về ơn gọi theo Chúa. Ba trường hợp khác nhau nhưng tất cả đều nói lên những đòi hỏi dứt khoát đối với những người muốn làm môn đệ Chúa.

1. Trường hợp thứ nhất

Một người tự nguyện đến xin theo Đức Giêsu, Ngài bảo anh ta: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi tựa đầu”.

Người thứ nhất, theo Tin mừng Mátthêu, là một luật sĩ, tự thân hành đến theo Ngài. Thấy người ta tấp nập đi theo Chúa, anh cũng hớn hở đi theo, phải chăng anh ta thấy “người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” (tục ngữ). Anh ta sẵn sàng đi theo Ngài khắp nơi, phải chăng vì anh ta thấy nơi Ngài có thể thỏa mãn được những tham vọng của anh như giàu có, địa vị, quyền thế... Nhưng Đức Giêsu đã trả lời rằng Ngài nghèo lắm, không có nhà cửa, chỉ sống nay đây mai đó, không có gì bảo đảm cho cuộc sống, đến nỗi còn thua con chồn có hang, chim trời có tổ. Ngài nghèo đến nỗi không có nơi tựa đầu, tức là không có một cái nhà để ở.

Ngài cho biết là Ngài nghèo như thế đó, anh ta có thể theo được không? Ngài muốn đòi hỏi phải từ bỏ mọi an toàn, nhất là vật chất. Tin mừng không cho biết anh ta có chấp nhận điều kiện Ngài đưa ra không, tức là anh ta có đi theo Ngài không?

2. Trường hợp thứ hai

Đức Giêsu kêu gọi một kẻ theo Ngài. Anh ta xin khất trở về chôn cất cha già mới chết đã. Ngài bảo: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, phần anh hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 59-60).

Anh chàng này không tự ý đến xin theo Đức Giêsu, nhưng chính Ngài kêu gọi anh ta. Anh ta sẽ đi theo Ngài nhưng chỉ xin về chôn cất cha già mới chết đã rồi sẽ đi theo. Nhưng Đức Giêsu không chấp nhận. Phải chăng Ngài không chấp nhận vì kế hoãn binh của anh ta? Nói rằng “về chôn cất cha già” không nhất thiết là cha già vừa mới chết, vì tại Palestine, việc chôn cất một người chết phải được thực hiện ngay trong ngày, nên khó mà nghĩ rằng Đức Giêsu đã không đồng ý cho anh ta lưu lại vài giờ trong trường hợp ấy. Nhưng ở đây anh ta có ý thoái thác, muốn đợi cho cha mình chết rồi mới có thể theo Đức Giêsu. Đó là cách trì hoãn mà Ngài từ chối.

Thực ra, Đức Giêsu không bãi bỏ giới răn thứ tư, nhưng Ngài dạy rằng có những lúc phải đặt việc phụng sự Chúa trước và trên hết (Lc 14, 26). Trong trường hợp phải lựa chọn, thì những đòi hỏi của Nước trời phải chiếm phần ưu tiên trên tất cả. Như vậy, trong trường hợp thứ hai này, Đức Giêsu muốn đòi hỏi phải coi tất cả là phụ thuộc trước bổn phận cấp bách rao giảng Tin mừng.

Chúng ta có những gương: Thánh Néron, tử đạo tại Sơn Tây Việt Nam, trên đường xuống hải cảng Marseille để đi truyền giáo, đã cố tình tránh cha mẹ bà con ra tiễn tại sân ga. Nữ thánh Chantal nước mắt tràn trụa bước qua các con nằm chận cửa, không cho mẹ đi lập dòng Thăm Viếng.

3. Trường hợp thứ ba

Trong trường hợp này, cũng có một anh chàng đến xin theo Đức Giêsu, giống như trường hợp người thứ nhất. Điều kiện tiên quyết mà anh ta đặt ra gần giống điều kiện của Êlisê (bài đọc 1), tức là xin về từ giã gia đình trước đã. Đức Giêsu trả lời: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa (Lc 9, 60-61).

Tin mừng diễn tả thái độ dứt khoát từ bỏ của ông Phêrô và Anrê: “Lập tức, hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Ngài” (Mt 4, 20), của Giacôbê và Gioan: “Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha mẹ mà theo Ngài” (Mt 4, 22).

Đối với anh chàng này xem ra anh ta còn lưỡng lự, nhập nhằng nửa muốn theo, nửa còn quyến luyến thế gian. Nên Đức Giêsu nói rõ: “Ai đã trao tay vào cày mà còn ngoái lại sau lưng thì không xứng đáng Nước Thiên Chúa”. Kinh nghiệm cho hay để rạch một đường cầy cho đúng thì không được quay mặt lui. Ở đây muốn nói: theo Đức Giêsu thì phải dứt khoát với quá khứ, không những phải cắt đứt những ràng buộc cũ với gia đình, mà còn phải từ bỏ nỗi lo lắng giữ lại tất cả gia sản, những giá trị và kinh nghiệm luân lý mà quá khứ đã cho ta đạt được. Để trở nên thích hợp với Nước trời, phải từ bỏ tất cả quá khứ (1Pr 5, 8-9).

Thế mà vẫn có một số người luôn để lại con tim ở một nơi nào, cho một ai đó trong quá khứ như bài hát: “Để quên con tim” của Đức Huy: “Ngày rời Paris anh đã để quên con tim” hay đi tìm hạnh phúc ở sự nuối tiếc những ngày tháng huy hoàng đã qua.

Và trong cuộc sống mới phải có một con tim không chia sẻ, phải bước đi mắt nhìn thẳng về phía đàng trước (1Pr 3, 43) nghĩa là nhìn vào Đấng đi trước là Đức Giêsu (Dt 12, 1-2). Trường hợp thứ ba này, Đức Giêsu muốn đòi hỏi phải quay lưng lại quá khứ và nhìn về phía đàng trước. Thánh Phaolô đã thực hiện Lời Chúa: “Quên phía sau mà lao mình tới trước, tôi nhắm đích chạy đến giải thưởng của ơn kêu gọi Chúa ban” (Pl 3, 13-14).

Truyện: Ta đã ném vào chỗ đó

Một linh sư Ấn Độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông. Có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử, rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quý như của lễ ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, người đàn ông giàu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc. Nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm lại được. Chiều đến, người đàn ông đến xin vị linh sư chỉ rõ nơi ông đã ném viên ngọc quý. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném xuống sông và nói: “Ta đã ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn xuống mà tìm”.

III. CÂU CHUYỆN ĐỜI KITÔ HỮU

1. Câu chuyện lựa chọn trong đời

Đời là một chuỗi những lựa chọn, lựa chọn cho mình và cho người khác. Lựa chọn cho mình là quan trọng nhất vì mình phải nhận lấy cái hậu quả của sự lựa chọn ấy. Vì thế, người ta thấy thao thức băn khoăn đứng trước một sự lựa chọn quan trọng. Lựa chọn đòi sự dấn thân.

Ngày nay người ta nói nhiều đến dấn thân. Dấn thân, nhập cuộc là thân phận của con người. Sống là lựa chọn. Mà lựa chọn là liều lĩnh, vì không bao giờ ta nắm được một cách rành rọt như 2 với 2 là 4 tất cả những lý do chọn lựa, và những điều tương lai có thể dành cho sự lựa chọn của ta. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không dám liều mình. Khi đã dùng trí khôn suy nghĩ, cân nhắc theo như ta có thể rồi, ta có quyền bước lên.

Có những định hướng lựa chọn cho cả cuộc đời. Sự liều lĩnh lại còn lớn hơn. Chọn một nghề nghiệp nhiều khi cũng quan trọng vô cùng, nhưng thường người ta có thể thay người mà không ảnh hưởng sâu xa đến đời sống. Còn chọn một người bạn trăm năm, hay chọn con đường tu trì gần như là chọn chính đời sống của mình. Đó là những chọn lựa căn bản, sẽ chi phối những chọn lựa riêng rẽ khác về sau (Lm. Nguyễn Hồng Giáo, báo Nhà Chúa, 1971).

Ai mà không lo lắng trước khi kết hôn, vì đây là khúc quặt của đời sống, nó chi phối cả cuộc đời của mình, may rủi ai mà biết? Một cô gái trước khi lấy chồng đã nói lên nỗi băn khoăn lo lắng của mình trước một tương lai còn mở rộng ra trước mắt:

Theo anh em cũng muốn theo

Em sợ anh nghèo, anh bán em đi.

Người muốn chọn bậc tu trì cũng không khỏi băn khoăn thao thức trước quyết định của mình. Sống độc thân hay lập gia đình? Nếu sống độc thân thì sống ở ngoài đời hay trong bậc tu trì? Nỗi băn khoăn đó đã được Thanh Tâm diễn tả trong Lời nguyện biện phân của mình:

... Con yêu biết bao khung cảnh yên tịnh và bầu khí thánh thiện của các tu viện, nhiều lúc con xúc động mãnh liệt khi tham dự các lễ khấn trong Dòng, khi thấy các soeurs, các thầy sống vui tươi với đời tận hiến. Con bắt đầu hiểu đúng hơn về từ LỰA CHỌN. Không phải là chọn lựa giữa cái xấu và cái tốt, nhưng là lựa chọn giữa hai điều cùng tốt như nhau đối với mình, chọn một, bỏ một và có khi bỏ với một sự tiếc nuối. Con nghĩ về mối tình của mình và cuộc sống dấn thân đang mời gọi. Bên nào cũng đẹp, song thật tình mà nói con vẫn muốn có cả hai. Giao động, băn khoăn, thao thức...

Có lẽ Chúa đã chuẩn bị cho con tất cả những gì cần thiết để đến một lúc, con biết bình tĩnh và nhẹ nhàng chia tay với người yêu. Không phải là con đã lựa chọn nhưng đã có những trắc trở nào đó can thiệp và con hiểu rằng không thể làm khác được. Song con hiểu rằng, Chúa đã chuẩn bị từng bước cho con để con có thể đứng vững trước sự mất mát của mình. Chúa biết rõ sự yếu đuối của con và Chúa đã tiếp sức cho con (Thanh Tâm, Chúng tôi những người trẻ... 1993, tr 70).

Lựa chọn là một hành vi nhân linh. Con vật cũng có lựa chọn nhưng chỉ là lựa chọn theo bản năng, còn con người hơn con vật ở chỗ biết lựa chọn theo lý trí và ý chí của mình. Có người không dám lựa chọn nên không có hướng đi cho cuộc sống, họ sống vất vưởng ở ngã ba đường.

Truyện: Bắt cá hai tay

Ông viện trưởng Đại học Paris ở thế kỷ 14 đã làm một thí nghiệm như sau: Ông để cho con lừa nhịn đói, nhịn khát trong mấy ngày. Sau đó, ông đưa nó đến sân ăn, đặt nó giữa một thùng nước và một bó cỏ non. Lừa ta tuy đói lắm, nhưng hết nhìn đống cỏ này lại ngó thùng nước kia, nó lưỡng lự giữa nước và cỏ, để rồi cuối cùng kiệt lả mà chết (Con lừa của Buridan).

2. Câu chuyện làm Kitô hữu

Mọi người sinh ra ở đời đều có khả năng khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa qua những khả năng tự nhiên của mình. Nhìn vào trời đất vạn vật, lý trí nhắc nhở ta phải nhìn nhận có một vị dựng nên tất cả những cái đó. Và nếu đứng về phương diện tôn giáo thì phải gọi đấy là Đức Chúa Trời.

Khi Ngôi Hai xuống thế làm người mặc lấy thân xác loài người, trở nên con người như mọi người, là Đức Giêsu Kitô thì Thiên Chúa cũng ban cho con người có khả năng nhận biết Đức Giêsu là Thiên Chúa qua ánh sáng mạc khải. Qua ơn soi sáng của Chúa, con người có thể khám phá ra Đức Giêsu.

Truyện: Khám phá ra Đức Giêsu

Có người cho rằng việc khám phá ra thuốc mê đã giúp con người giảm bớt đau đớn nhiều hơn bất cứ khám phá nào trong y khoa.

Một hôm có người hỏi James Simpson:

- Ông cho điều gì là khám phá lớn nhất của ông? Và mong được câu trả lời rằng: Thuốc mê – vì ông là người đã khám phá ra môn thần dược này.

Nhưng Simpson trả lời rằng:

- Khám phá lớn nhất của tôi là Chúa Giêsu, Chúa Cứu chuộc của tôi.

Chúng ta không thể nhìn thấy Đức Giêsu một cách hữu hình, thì có thể hình dung ra con người của Ngài với một vài nét mờ nhạt. Dĩ nhiên sự hình dung đều đa dạng, hình dung nào cũng chỉ có thể nói lên được một khía cạnh con người của Ngài.

Qua thời gian có nhiều cách hình dung:

- Người Do thái coi Đức Giêsu như một người giảng đạo, một người làm phù phép.

- Vào những năm đầu của thập niên 70, cao trào Hippi đang lên, người ta coi Ngài như tiêu biểu và người mẫu cho giới Hippi.

- Đối với Fidel Castro và Nguyễn Văn Linh thì Đức Giêsu là một nhà đại cách mạng. Vì Ngài đã đề xuất nhiều quan điểm cấp tiến, táo bạo để cải thiện xã hội, cải thiện con người với người.

- Trước đây vài chục năm. một cuốn phim “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa” với dụng ý bôi nhọ Chúa, đã coi Chúa như gã si tình nàng Mađalêna.

Ta thấy Chúa Giêsu đã được hình dung, tô vẽ thật phiến diện. Sai? Đúng? Bị bóp méo? Tất cả những hình dung ấy đều cho ta thấy rằng: Đức Giêsu luôn luôn là nhân vật bắt buộc người ta đặt vấn đề.

Ta phải khẳng định: “Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và muôn thuở vẫn là một” (Dt 13, 8).

Hình dung nào cũng phiến diện, chỉ có lời tuyên xưng của Phêrô là đủ: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16) (Gm. Nguyễn Bình Tĩnh, Như một kỷ niệm, tr 15).

Qua bài Tin mừng hôm nay, chúng ta biết rằng mọi người có ơn gọi đi theo Đức Giêsu, làm môn đệ của Ngài. Chúa có thể kêu gọi trực tiếp hay gián tiếp qua những hoàn cảnh bên ngoài. Tuy nhiên, những người đã được chịu phép thánh tẩy thì đã trở thành môn đệ của Đức Giêsu, vì họ được mang tước hiệu là “Kitô hữu”, người Kitô hữu là một “Kitô khác”, là “Alter Christus”, được mang danh Ngài, được thuộc về Ngài, được kết hợp với Ngài, để có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.

Về tước hiệu cao quý này, thánh Grêgôriô, Giám mục Nitxê đã phát biểu: “Chúa nhân lành đã thông ban cho chúng ta một danh hiệu cao quý nhất, linh thiêng nhất, trọng đại nhất, vượt trên mọi danh hiệu, đến độ chúng ta được vinh dự mang chính danh của Đức Kitô khi được gọi là “Kitô hữu”. Vì thế, mọi danh xưng dùng để giải thích tên gọi trên nhất thiết phải được tỏ rõ nơi con người chúng ta. Chúng ta đừng để mình bị xem là “Kitô hữu” giả, nhưng phải dùng đời sống mình mà minh chứng cho tên gọi ấy” (Các bài đọc Kinh sách, tập 3, tr 351).

Được làm môn đệ của Đức Kitô là một vinh dự. Nhiều người đã nhận lấy vinh dự đó trong ngày chịu phép rửa tội. Họ đã thề hứa trung thành với Chúa, nhưng mối quan hệ của những người thời nay đã làm cho lòng tin của họ bị lung lay, chao đảo, họ có mặc cảm về sự lựa chọn của mình, họ không giữ vững lập trường nên dần dần họ sống theo dư luận, xa dần với đời sống Kitô hữu.

Truyện vui: Sống theo dư luận

Hai cha con một bác nhà quê dắt con lừa đi ra tỉnh. Mới đi được một quãng thì gặp một người hỏi:

- Chà, sao ông không để cho con ông cưỡi con lừa?

- Ồ, tôi chưa nghĩ tới điều đó.

Nói xong ông bồng con cho ngồi lên lưng lừa. Đi được một lát lại gặp một người khác nói:

- Sao mày ngồi trên lưng lừa mà để cho ông già đi bộ? Mày xuống ngay đi cho cha mày cỡi.

- Phải đấy.

Đứa con vội nhảy xuống đất đỡ cha lên lưng lừa. Đi thêm một đỗi nữa họ gặp một mụ bán cá, mụ kêu lên:

- Ông không mắc cỡ à, sao lại để thằng bé phải đi bộ dưới trời nắng như thế?

Ông già tuột xuống khỏi lưng lừa và hai người tiếp tục đi bộ như trước. Khi sắp vào thành phố, có mấy người nhìn chăm chăm và nói:

- Sao hai cha con không biết cưỡi lên lưng lừa mà đi cho khoẻ?

Hai cha con nghe nói chí lý liền leo lên. Nhưng con lừa mới đi được mấy bước đã quỵ xuống vì không chịu nổi sức nặng. Hai cha con lại vội vã xuống đi bộ và dắt lừa đi như trước.

3. Câu chuyện sống đời Kitô hữu

Chúng ta phải cảm tạ ơn Chúa, vì đã ban cho chúng ta được trở thành “Công dân Nước Trời” qua bí tích rửa tội. Đây là một hồng ân nhưng không Chúa ban, chứ không phải do công nghiệp của chúng ta. Người ta cho biết: muốn được làm công dân Hoa Kỳ thì phải qua một kỳ thi nhập tịch khó khăn. Muốn được làm “Công dân danh dự” Hoa Kỳ lại càng khó. Cho đến nay chỉ có 4 người được trao tặng vinh dự nói trên. Đó là thủ tướng Anh Winston Churchill, nhà ngoại giao Thụy Điển Raoul Wallenberg và vợ ông là William Hannah Penn, và Mẹ Têrêsa Calcutta mới được trao tặng vinh dự vào ngày 1 tháng 10 năm 1996.

a) Kitô hữu sống đời chứng nhân

Mỗi Kitô hữu được gọi trở nên chứng nhân của Tin mừng bằng cách tiếp cận trực tiếp giữa người với người. Hẳn nhiên, bổn phận này cũng có thể thực hiện dưới nhiều hình thức, kỹ thuật khác nhau, nhằm canh tân cuộc sống xã hội, cổ vũ công bằng và hoà bình thế giới. Nếu ta cho rằng không phải Kitô hữu nào cũng có thể đóng nổi một vai trò hữu hiệu trên bình diện xã hội, trong sinh hoạt tập thể, thì ta cũng có một lối tiếp cận trực tiếp và thân mật, mà mỗi người ở cấp độ nào cũng có thể thực hiện được. Chúng ta hãy là que diêm đang cháy và tiếp cận với những cây diêm khác.

Truyện: Gương lành lôi kéo

Một nhà truyền giáo tại Ấn Độ, ông Gordon M. Suer đã xin một tín đồ Ấn Độ giáo sống bên cạnh, đến nuôi dạy ông tiếng bản xứ, nhưng tín đồ Ấn Độ giáo này từ chối như sau:

- Thưa ngài, tôi không đến dạy tiếng bản xứ cho ngài, vì tôi không muốn trở nên người Kitô hữu.

Nhà truyền giáo trả lời:

- Tôi muốn học tiếng bản xứ để có thể giao thiệp với những người chung quanh, để hiểu biết họ hơn chứ không nhằm bắt họ trở lại đạo Chúa.

Nhưng người tín đồ Ấn Độ giáo đáp lại:

- Thưa ngài, tôi biết vậy nhưng đối với tôi, tôi nhận thấy rằng: không ai có thể sống bên cạnh ngài lâu, mà không bị ngài cảm hoá tin theo Chúa. Tôi không thể dạy ngài, vì tôi không thể sống bên cạnh ngài mà không trở thành người Kitô.

b) Kitô hữu phải đi qua cửa hẹp

Muốn đi theo Đức Kitô thì phải đi theo con đường Ngài đã đi, đó là con đường khổ giá, là đi qua cửa hẹp để vào Nước trời. Ai theo Chúa là phải hy sinh, mất mát vì phải từ bỏ. Từ bỏ tận căn những ràng buộc của tội lỗi, từ bỏ gương mù gương xấu, bê tha, rượu chè say sưa, dâm ô, cờ bạc...

Theo Chúa còn đòi hỏi phải từ bỏ chính mình: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”. Từ bỏ mình, vác thập giá mình là thẳng thắn tuyên bố tiêu diệt “cái tôi” của chúng ta. Thế nhưng không phải tiêu diệt “cái tôi” tốt lành, “cái tôi” chân thật. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy hiến cái tôi giả tạo, mà chúng ta tạo nên bằng những nhu cầu vô ích và những phù phiếm trẻ con: “Đó là cái tôi, thánh Gioan Thánh giá nói, của những thèm muốn thúc giục chúng ta trở nên bất hạnh đối với chúng ta, khô khan đối với tha nhân, nặng nhọc và biếng nhác đối với công việc của Chúa” (André Sève, Sương mai, tr 209).

Nói tóm lại, lý tưởng của đời sống người Kitô hữu là thành thật chấp nhận mọi đau khổ, mọi thiếu thốn vì Thầy, bằng lòng hy sinh tất cả cho Ngài, không giữ lại một luyến tiếc nào đối với tình cảm sự đời, ý chí người môn đệ Chúa phải gắn bó với Ngài đến mức độ không tiếc xót, không thèm nhìn tới cái mình đã từ bỏ.

 

3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

ĐANG ĐI TRÊN ĐƯỜNG

Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem.

Con đường dẫn Ngài đến cái chết, phục sinh và lên trời.

Dù cái chết sắp đến thật đáng sợ,

nhưng Ngài vẫn cương quyết tiến lên (Lc 9, 51).

Trên con đường này, sẽ xảy ra bao chuyện bất ngờ.

Từ đó Thầy Giêsu đưa ra bao lời giáo huấn.

Bài học đầu tiên dành cho hai ông Giacôbê và Gioan.

Hai ông này muốn khiến lửa từ trời xuống

đốt cháy ngôi làng Samari đã từ chối tiếp thầy trò.

Giacôbê và Gioan là những người khá đặc biệt.

Họ mang biệt danh là “con cái của thiên lôi” (Mc 3, 17),

có lẽ vì tính khí có phần nóng nảy (Mc 9, 38; 10, 35-41).

Hẳn họ quên rằng Thầy đã dạy về yêu kẻ thù (Lc 6, 27-36),

nên Thầy quay lại và quở trách hai ông (Lc 9, 55).

Thầy chấp nhận bị từ chối, không tranh cãi,

nhưng lặng lẽ đi tìm làng khác để qua đêm.

Người Do-thái và người Samari từ lâu có sự thù hận.

Hai bên coi nhau là lạc giáo, chỉ mình mới chính thống.

Thầy Giêsu can ngăn các môn đệ lạm dụng sức mạnh

để trừng phạt, hay để khẳng định vị thế của mình.

Khi bị từ chối, chỉ nên phủi bụi chân lại,

và phó cho Chúa là Đấng xét xử vào ngày Quang Lâm.

Trên đường đi, tình cờ Thầy Giêsu gặp ba thanh niên.

Người thứ nhất là một người hăng hái nồng nhiệt.

Anh nói cho Thầy biết ý định của anh là theo Thầy.

Thầy đi đâu, anh xin đi theo đó để làm môn đệ.

Thầy Giêsu không vội tỏ ra phấn khởi,

nhưng lại cho anh biết về tình trạng vô gia cư của mình.

Chấp nhận theo Thầy là chấp nhận bất ổn, bấp bênh.

Không có tổ như chim, không có hang như cáo.

Theo Thầy là chấp nhận đi trên đường, không có trụ sở,

ngủ nhờ nhà người khác, thiếu mọi tiện nghi.

Anh có dám theo một vị Thầy như thế không?

Thầy Giêsu lại gặp một anh khác trên đường đi.

Thầy kêu gọi anh này đi theo mình.

Anh đồng ý nhưng xin về chôn bố trước đã, rồi mới theo.

Không rõ bố anh đã chết hay đang sống trong tuổi già.

Chỉ biết rằng Thầy Giêsu không chấp nhận chuyện đó.

Đã hẳn thảo kính cha mẹ là điều răn quan trọng,

và chôn cất cha mẹ lại càng cấp bách hơn,

nhưng Thầy Giêsu lại coi việc loan báo Nước Thiên Chúa

là khẩn trương, là ưu tiên trên mọi ưu tiên khác.

Việc chôn cất kẻ chết sẽ có người lo liệu.

Còn anh, đừng trì hoãn, hãy mau mau theo Thầy.

Người thanh niên thứ ba cũng xin theo Thầy Giêsu,

Như anh thứ hai, anh này muốn từ biệt gia đình trước đã.

Anh muốn gặp mọi người lần cuối, rồi mới theo.

Một lần nữa, Thầy Giêsu không thích kiểu nói trước đã.

Thầy không thích có cái gì ở trước hay ở trên lời mời gọi,

không muốn có sự trì hoãn chỉ vì quyến luyến gia đình.

Thầy đòi anh hoàn toàn tập trung vào mục tiêu trước mắt.

Chỉ khi người cầm cày nhìn thẳng về phía trước

thì mới mong đường cày của mình được thẳng.

Không rõ trong ba anh, có ai dám theo Thầy Giêsu không.

Giacôbê và Gioan phải học sự hiền hòa của Thầy,

còn ba anh có tiềm năng làm môn đệ thì phải từ bỏ.

Từ bỏ chỗ dựa lớn là gia đình, để trở thành vô gia cư.

Từ bỏ cuộc sống ổn định để nay đây mai đó.

Từ bỏ những tương quan tự nhiên, ấm áp của gia đình.

Ai theo Thầy cũng phải nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn,

vì ai cởi bỏ hết những ràng buộc mới đi xa với Thầy được.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã trìu mến nhìn người thanh niên giàu có

và mời anh theo Chúa để được sự sống đời đời.

Chúa mời anh đi bán tài sản mình, cho người nghèo,

rồi đến và theo Chúa.

Nhưng anh đã buồn rầu bỏ đi, vì quá gắn bó với của cải.

Anh bị giằng co, vì muốn được kho tàng trên trời,

nhưng lại không muốn mất kho tàng dưới đất.

Hẳn Chúa cũng buồn và tiếc cho anh,

và mong anh có ngày quay trở lại.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã ngước nhìn ông Gia-kêu khi ông còn ở trên cây.

Chúa đã gọi tên ông và xin đến nhà của ông.

Chúa chẳng đòi ông phải bỏ nghề thu thuế,

nhưng trong cách cư xử trân trọng của Chúa,

ông nhận ra một lời mời.

Gia-kêu đã vui sướng đáp lại lời mời đó.

Ông hứa đền gấp bốn cho người ông đã làm thiệt hại,

và chia cho người nghèo nửa phần gia sản.

Bỗng nhiên Gia-kêu được tự do

khỏi những của cải từng làm ông mê say.

Ông ngất ngây vì giờ đây nhà ông được hưởng ơn cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu,

buông bỏ tất cả để sống cho những điều trên cao,

vừa vượt sức con người, vừa có thể làm được.

Chỉ cần Chúa chạm đến chúng con một giây,

và vén mở cho chúng con thấy kho tàng trong trái tim Chúa,

chúng con sẽ hết bị ràng buộc bởi những thứ mau qua,

để sống cho những giá trị vĩnh cửu.

 

4. Suy niệm (song ngữ)

Chúa nhật 13 Thường niên
Bài Đọc I: 1 Các Vua 19:16, 19-21
II: Galát 5:1, 13-18

13th Sunday in Ordinary Time
Reading I: 1 Kgs 19:16b, 19-21
II: Galatians 5;1, 13-18

 

Gospel
Luke 9:51-62

51 When the days drew near for him to be received up, he set his face to go to Jerusalem.

52 And he sent messengers ahead of him, who went and entered a village of the Samaritans, to make ready for him;

53 but the people would not receive him, because his face was set towardJerusalem.

54 And when his disciples James and John saw it, they said, “Lord, do you want us to bid fire come down from heaven and consume them?”

55 But he turned and rebuked them.

56 And they went on to another village.

57 As they were going along the road, a man said to him, “I will follow you wherever you go.”

58 And Jesus said to him, “Foxes have holes, and birds of the air have nests; but the Son of man has nowhere to lay his head.”

59 To another he said, “Follow me.” But he said, “Lord, let me first go and bury my father.”

60 But he said to him, “Leave the dead to bury their own dead; but as for you, go and proclaim the kingdom of God.”

61 Another said, “I will follow you, Lord; but let me first say farewell to those at my home.”

62 Jesus said to him, “No one who puts his hand to the plow and looks back is fit for the kingdom of God.”

Phúc Âm
Luca 9, 51-62

51 Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem,

52 và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người.

53 Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem.

54 Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?”

55 Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến, không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”.

56 Và các Ngài đi tới một làng khác.

57 Đang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng: “Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy”.

58 Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu”.

59 Người bảo một kẻ khác rằng: “Hãy theo Ta”. Người ấy thưa: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã”.

60 Nhưng Người đáp: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”.

61 Một người khác thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã”.

62 Nhưng Chúa Giêsu đáp: “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”.

Interesting Details

  • This passage begins the journey that leads Jesus to Jerusalem. Luke’s journey narrative (9:51-19:27) presents a captivating portrait of Jesus, the faithful and the resolute Son (9:35), who in word and deed teaches the way that leads to life with God.
  • (v.51) At the transfiguration, Jesus conversed with Moses and Elijah about his exodus, a reference to the death, resurrection and ascension that he was to fulfill in Jerusalem (9:31). With great solemnity, Jesus now sets out on his journey to Jerusalem, the city that symbolizes the continuity between the old and the new in God’s plan; and from there the words will be preached to all the nations (24:47).
  • (vv.52-53) Samaria was the territory between Judea and Galilee. The journey from Galilee to Jerusalem in Judea must pass throughSamaria. For ethnic and historic reasons, Samaritans were not friendly to the Jews (Jn 4:9), especially when the Jews were passing through their territory on the way to the holy city, Jerusalem. The Samaritans to this day believe that God should be worship on MountGerizim and Jerusalem represents a heresy.
  • (v.54) “Fire from heaven” alludes to 2Kings 1:10-12 where the prophet Elijah twice called down fire from to destroy his enemies. (v.55) Jesus lives out in deed his teaching about non-retaliation against enemies.
  • (vv.59-60) “Let the dead bury their dead” is commonly interpreted as those who do not respond to the Gospel will be spiritually dead; they will have time to bury the physically dead. Jesus’ demand even overrides the most important filial obligation to the Jews, which is to bury one’s father. At that time the eldest son would stay with his parents, manage their properties, and bury them. This may take almost 30 years. Jesus challenged the people to follow him now, not years later.
  • (v.61) Elijah gave permission to his disciple Elisha to bid good-bye to his family (1Kgs 19:19-21), but the call of the reign of God is more urgent.
  • (v.62) The farming practice at that time was very primitive. A farmer guided a plow by one hand while his other hand drove the unruly oxen. If he looked back, the new furrow became crooked.

Chi Tiết Hay

  • Đoạn Phúc Âm này khởi đầu cuộc hành trình của Chúa Giêsu về Giêrusalem. Trong cuộc hành trình này (9, 51-19, 27), Thánh Luca diễn tả một hình ảnh rất lôi cuốn về Chúa Giêsu, người con trung thành và nhất quyết, qua lời nói và qua hành động dạy chúng ta con đường dẫn đến cuộc sống với Thiên Chúa.
  • (c.51) Trong đoạn Phúc Âm Chúa Giêsu biến hình (9, 31), Ngài đã trò chuyện với Môsê và Elia về cuộc xuất hành, tức là về sự chết, sự sống lại và lên trời, mà Người sẽ hoàn tất ở Giêrusalem. Trong trang nghiêm, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc hành trình đi Giêrusalem, thành phố biểu tượng cho sự liên tục giữa cũ và mới trong chương trình của Thiên Chúa, và cũng từ đó lời Chúa sẽ được rao giảng cho mọi dân nước (24, 27).
  • (cc.52-53) Samaria là vùng đất ở giữa Giuđêa và Galilê. Cuộc hành trình từ Galilê tới Giêrusalem thuộc Giuđêa buộc phải đi ngang Samaria. Vì lý do sắc tộc và lịch sử, người Samaria không thân thiện với người Do Thái (như trong Gioan 4, 9, Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaria bên bờ giếng), nhất là đối với những người Do Thái phải băng qua xứ của ngườiSamaria trên đường đi đất thánh Giêrusalem. Cho tới bây giờ, người Samaria vẫn tin là phải thờ phượng Chúa ở núi Gerizim, còn Giêrusalem tượng trưng cho tà giáo.
  • (c.54) “Lửa từ trời xuống” như trong 2V 1, 10-12, tiên tri Êlia đã hai lần gọi lửa từ trời xuống tiêu diệt kẻ thù. (c.55) Nhưng Chúa Giêsu đã hành động như lời Người dạy là không trả thù kẻ thù địch mình.
  • (cc.59-60) “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” thường được hiểu là những kẻ không đáp trả Lời Chúa sẽ bị chết về mặt thiêng liêng, họ còn thời giờ để đi chôn người chết về thể lý. Đòi hỏi của Chúa Giêsu còn hơn cả nghĩa vụ hiếu thảo quan trọng nhất của người Do Thái là chôn cất tươm tất cho người cha của mình. Vào thời đó, người con trai cả phải ở với cha mẹ, lo ruộng vườn và lo chôn cất cho cha mẹ. Làm như vậy cũng mất ngót 30 năm. Chúa Giêsu thách thức dân chúng đi theo Ngài ngay bây giờ chứ không phải đợi hết bao nhiêu năm sau.
  • (c.61) Trong 1V 19, 19-21, Êlia cho phép môn đệ của mình là Êlisa thời giờ để giã biệt những người trong gia đình, nhưng lời gọi về nước Thiên Chúa còn khẩn thiết hơn.
  • (c.62) Phương pháp canh nông thời đó còn rất thô thiển, người nhà nông dùng một tay để giữ cày, còn tay kia để điều khiển trâu. Nếu anh ta quay lại thì luống cày sẽ không được thẳng.

One Main Point

To be a follower of Jesus, the priority is always the kingdom of God. It supercedes a comfortable life and family relationships without hesitation or regret.

Một Điểm Chính

Là người theo Chúa Giêsu, điều ưu tiên nhất luôn là Nước Trời. Nó phải vượt trên đời sống thoải mái và mọi liên hệ gia đình không chút do dự hoặc hối tiếc.

Reflections

  1. What is my reaction when I feel unwelcome in a group, a society or a new land? How do I tolerate diversity? Feel the anger of James and John, but listen to the words and the deed from Jesus.
  2. Imagine the journey of Jesus from Galilee to Jerusalem as the journey of my life. Do I have a destination? What is it? What is my priority in life? How do I follow the way?

Suy Niệm

  1. Phản ứng của tôi thế nào khi tôi bị chối từ trong một nhóm, trong một xã hội hay một vùng đất mới? Tôi làm gì để ung dung trong một xã hội đa chủng? Cảm nghiệm sự khó chịu của Giacôbê và Gioan, nhưng hãy lắng nghe lời nói và hành động của Chúa Giêsu lúc ấy.
  2. Hãy tưởng tượng cuộc hành trình của Chúa Giêsu từ Galilêa tới Giêrusalem là cuộc hành trình của cuộc đời. Tôi có cùng đích không? Nếu có, cùng đích đó là gì? Ưu tiên trong cuộc sống hiện tại của tôi là gì? Tôi phải đi theo con đường này thế nào?

Top