Chúa nhật 10 Thường niên năm B

Chúa nhật 10 Thường niên năm B

Chúa nhật 10 Thường niên năm B

Bài Ðọc I: St 3, 9-15

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu ?” Ông đã thưa: “Tôi đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng tôi sợ hãi, vì tôi trần truồng và tôi đang ẩn núp”. Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư ?” Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với tôi, chính nàng đã cho tôi trái cây và tôi đã ăn”. Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó ?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối tôi và tôi đã ăn”. Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu, mi sẽ bò đi bằng bụng và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.

Đó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-6. 7-8

Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.

Xướng: 1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu; dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con.

Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.

2) Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu.

Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.

3) Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn con mong đợi Chúa con, hơn người lính gác mong trời rạng đông.

Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.

4) Hơn người lính gác mong hừng đông dậy. Israel đang mong đợi Chúa con: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác.

Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.

 

Bài Ðọc II: 2Cr 4,13 - 5,1

“Chún tôi tin nên chúng tôi cũng nói”.

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy có cùng một tinh thần đức tin, như đã chép rằng: “Tôi đã tin, nên tôi đã nơi”; và chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói, bởi chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi sống lại với Đức Giêsu và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em. Vì chưng mọi sự đều vì anh em, để ân sủng càng tràn đầy, bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang Thiên Chúa. Bởi thế, chúng ta không thối chí; trái lại, mặc dầu con người bên ngoài chúng ta bị tiêu huỷ đi, nhưng con người bên trong của chúng ta ngày càng được canh tân. Vì nỗi gian truân nhất thời và nhẹ nhàng của chúng ta hiện nay chuẩn bị cho chúng ta một khối lượng vô để đầy vinh quang đời đời. Chúng ta ngắm nhìn không phải những điều trông thấy được, mà là những điều không trông thấy được; vì những điều trông thấy được thì tạm thời, còn những điều không trông thấy được thì vĩnh cửu. Vì chúng ta biết rằng nếu căn nhà chúng ta cư ngụ ở trần gian này bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi định cư vĩnh cửu trên trời do Thiên Chúa thiết lập, chớ không phải do tay người phàm làm ra.

Đó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 14,23; Sm 3.9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 3, 20-35

“Satan phải diệt vong”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Người đã mất trí”. Và những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám”, và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”. Ðó là vì họ nói “Người bị thần ô uế ám”. Và mẹ cùng anh em Người đến và đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra. Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình với Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”.

Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?”

Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Ðây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.

Ðó là Lời Chúa.

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 10 Thường niên năm B

WHĐ (07.06.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật 10 Thường niên năm B theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 410-412: Tiền Tin Mừng

Số 374-379: Con người trong vườn địa đàng

Số 385-409: Sự sa ngã

Số 517, 550: Đức Kitô như Đấng trừ quỷ

Bài Ðọc I: St 3, 9-15

Bài Ðọc II: 2Cr 4,13 - 5,1

Phúc Âm: Mc 3, 20-35

Số 410-412: Tiền Tin Mừng

Số 410. Sau khi sa ngã, con người không bị Thiên Chúa bỏ rơi. Trái lại, Thiên Chúa gọi con người[1] và, một cách bí nhiệm, loan báo cho con người cuộc chiến thắng trên sự dữ và việc nâng con người sa ngã dậy[2]. Đoạn này trong sách Sáng Thế được gọi là “Tiền Tin Mừng” bởi vì đó là lời loan báo đầu tiên về Đấng Messia Cứu Chuộc, về cuộc chiến đấu giữa con rắn và Người Nữ, và về chiến thắng chung cuộc của một hậu duệ Người Nữ này.

Số 411. Truyền thống Kitô giáo nhận ra trong đoạn này lời tiên báo một vị “Ađam mới”[3], Đấng đã lấy sự “vâng lời cho đến chết… trên thập giá” (Pl 2,8) của mình, mà sửa lại một cách đầy tràn chan chứa tội bất tuân của ông Ađam[4]. Đàng khác, nơi Người Nữ được tiên báo trong Tiền Tin Mừng, nhiều Giáo phụ và tiến sĩ Hội Thánh nhận ra Đức Maria, Mẹ Đức Kitô, như là một bà “Evà mới”. Đức Maria là người đầu tiên và theo một cách thế độc nhất vô nhị, được thừa hưởng chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi: Bà được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ của tội tổ tông[5] và trong suốt cuộc đời trần thế của mình, nhờ ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa, Bà đã không hề phạm một tội nào[6].

Số 412. Nhưng tại sao Thiên Chúa không ngăn cản con người đầu tiên phạm tội? Thánh Lêô Cả trả lời: “Điều chúng ta nhận được nhờ ân sủng khôn tả của Đức Kitô cao cả hơn điều chúng ta bị mất vì sự ghen tương của ma quỷ”[7]. Và thánh Tôma Aquinô nói: “Không có gì ngăn cản bản tính loài người, sau tội lỗi, lại được nâng lên một mức cao hơn: thật vậy, Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra để từ đó Ngài rút ra một điều thiện hảo hơn. Do đó, thánh Phaolô đã nói trong Rm 5,20: ‘Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội’; và do đó, trong bài Công bố Tin Mừng Phục Sinh có câu: ‘Ôi tội hồng phúc (felix culpa), nhờ có tội, ta mới có được Đấng Cứu Chuộc cao cả dường này!’”[8].

Số 374-379: Con người trong vườn địa đàng

Số 374. Con người đầu tiên không những được tạo dựng là tốt lành, mà còn được sống trong tình thân nghĩa với Đấng Tạo Hóa của mình, trong sự hài hòa với chính mình và với vạn vật xung quanh. Tình thân nghĩa và sự hài hòa này chỉ thua kém vinh quang của công trình tạo dựng mới trong Đức Kitô.

Số 375. Hội Thánh, khi giải thích một cách chính thống ngôn ngữ biểu tượng của Thánh Kinh dưới ánh sáng của Tân Ước và Truyền Thống, dạy rằng: nguyên tổ chúng ta, ông Ađam và bà Evà, đã được tạo dựng trong tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy[9]. Ân sủng của sự thánh thiện nguyên thủy đó là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa[10].

Số 376. Mọi chiều kích của đời sống con người được củng cố bằng sự rạng ngời của ân sủng này. Bao lâu còn sống thân mật với Thiên Chúa, con người sẽ không phải chết[11], cũng không phải đau khổ[12]. Sự hài hòa nội tâm nơi mỗi nhân vị, sự hài hòa giữa người nam và người nữ[13], và cuối cùng là sự hài hòa giữa đôi vợ chồng đầu tiên với toàn thể thụ tạo, tạo nên tình trạng được gọi là “sự công chính nguyên thủy”.

Số 377. “Quyền làm chủ” trần gian mà Thiên Chúa đã ban cho con người ngay từ lúc đầu, được thực hiện trước tiên nơi chính con người, là việc làm chủ chính bản thân mình. Con người còn nguyên vẹn và có trật tự trong chính bản thân, vì còn tự do đối với ba thứ dục vọng[14] khiến con người quy phục các lạc thú của giác quan, sự ham mê của cải trần thế và đề cao chính mình, đi ngược lại những lệnh truyền của lý trí.

Số 378. Dấu chỉ của sự thân thiện của con người với Thiên Chúa là việc Thiên Chúa đặt con người trong vườn địa đàng[15]. Con người sống ở đó “để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15): lao động không phải là một hình khổ[16], nhưng là sự cộng tác của người nam và người nữ với Thiên Chúa trong việc kiện toàn công trình tạo dựng hữu hình.

Số 379. Toàn bộ sự hài hòa của tình trạng công chính nguyên thủy này, mà kế hoạch của Thiên Chúa nhắm dành cho con người, đã bị mất đi vì tội của nguyên tổ chúng ta.

Số 385-409: Sự sa ngã

Số 385. Thiên Chúa vô cùng tốt lành và mọi công trình của Ngài đều tốt đẹp. Tuy nhiên, không ai thoát được kinh nghiệm về đau khổ, về những sự dữ trong thiên nhiên – những sự dữ coi như gắn liền với những giới hạn riêng của các thụ tạo –, và nhất là vấn nạn về sự dữ luân lý. Sự dữ từ đâu đến? Thánh Augustinô nói: “Tôi đã tìm xem sự dữ từ đâu và không thấy câu giải đáp”[17], và cuộc tìm kiếm đau thương riêng của thánh nhân chỉ tìm được câu giải đáp lúc ngài hối cải trở về với Thiên Chúa hằng sống. Bởi vì “mầu nhiệm của sự gian ác” (2 Tx 2,7) chỉ được sáng tỏ dưới ánh sáng của mầu nhiệm đạo thánh[18]. Việc mạc khải tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô đã biểu lộ tình trạng lan tràn của sự dữ và đồng thời sự đầy tràn chan chứa của ân sủng[19]. Vì vậy chúng ta phải xem xét vấn nạn về nguồn gốc của sự dữ với cái nhìn đức tin hướng về Đấng duy nhất đã chiến thắng sự dữ[20].

Thực tại của tội lỗi

Số 386. Tội lỗi hiện diện trong lịch sử loài người: Thật là vô ích khi tìm cách làm ngơ hoặc gán những cái tên khác cho thực tại tăm tối đó. Muốn hiểu tội là gì, trước hết phải nhận biết mối liên hệ thâm sâu của con người với Thiên Chúa, bởi vì ngoài mối tương quan đó, chúng ta không thể khám phá ra ác tính của tội lỗi trong căn tính đích thực của nó, là chối bỏ và chống đối Thiên Chúa, cho dù tội lỗi vẫn đè nặng trên đời sống con người và trên lịch sử.

Số 387. Thực tại của tội lỗi, và cách riêng của tội tổ tông, chỉ được làm sáng tỏ dưới ánh sáng của mạc khải Thiên Chúa. Không nhận biết điều mạc khải đem lại cho chúng ta về Thiên Chúa, chúng ta không thể biết rõ tội lỗi là gì, và bị cám dỗ muốn giải thích tội lỗi như một khiếm khuyết trong quá trình tăng trưởng, như một yếu kém về tâm lý, một sai lầm, một hậu quả tất yếu của một cơ cấu xã hội thoái hoá, v.v…. Chỉ khi nào nhận biết được kế hoạch của Thiên Chúa về con người, người ta mới hiểu rằng tội lỗi là lạm dụng sự tự do, vốn được Thiên Chúa ban cho các ngôi vị được tạo dựng để họ có thể yêu mến Ngài và yêu mến nhau.

Tội tổ tông - một chân lý căn bản của đức tin

Số 388. Thực tại của tội lỗi cũng được làm sáng tỏ cùng với sự tiến triển của mạc khải. Mặc dầu dân Thiên Chúa thời Cựu Ước đã biết đến thân phận đau thương của con người dưới ánh sáng của việc sa ngã được thuật lại trong sách Sáng Thế, họ vẫn không thể nắm bắt được ý nghĩa tối hậu của việc sa ngã đó, ý nghĩa tối hậu này chỉ được biểu lộ dưới ánh sáng của cái Chết và sự Sống lại của Chúa Giêsu Kitô[21]. Cần phải nhận biết Đức Kitô là nguồn mạch của ân sủng, thì mới nhận ra ông Ađam là nguồn gốc của tội lỗi. Thần Khí bào chữa, do Đức Kitô phục sinh sai đến, đã đến tố cáo “thế gian sai lầm về tội lỗi” (Ga l6,8), khi Ngài mạc khải Đức Kitô là Đấng cứu chuộc trần gian.

Số 389. Giáo lý về tội tổ tông, có thể nói được, là “mặt trái” của Tin Mừng này: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của tất cả mọi người, mọi người đều cần ơn cứu độ, và ơn cứu độ được ban cho mọi người nhờ Đức Kitô. Hội Thánh, người có cảm thức về Đức Kitô[22], biết rằng không thể công kích mạc khải về tội tổ tông mà không xúc phạm đến mầu nhiệm Đức Kitô.

Để hiểu trình thuật về sự sa ngã

Số 390. Trình thuật về sự sa ngã (St 3) sử dụng kiểu nói hình tượng, nhưng xác quyết một sự kiện thuở đầu, đã xảy ra vào lúc khởi đầu lịch sử nhân loại[23]. Mạc khải cho chúng ta sự chắc chắn của đức tin rằng toàn bộ lịch sử nhân loại đều mang dấu tích của tội tổ tông, do nguyên tổ chúng ta đã phạm một cách tự do[24].

Số 391. Đàng sau sự lựa chọn bất tuân của nguyên tổ chúng ta, có một tiếng nói dụ dỗ, chống lại Thiên Chúa[25], đã vì ghen tương mà làm cho nguyên tổ sa vào cõi chết[26]. Thánh Kinh và Truyền thống của Hội Thánh coi hữu thể này là một thiên thần sa ngã, gọi là Satan hay ma quỷ[27]. Hội Thánh dạy rằng thoạt đầu đó là một Thiên thần tốt lành do Thiên Chúa tạo dựng. “Chắc chắn ma quỷ và các thần dữ khác được Thiên Chúa tạo dựng đều tốt lành theo bản tính, nhưng chính chúng đã làm cho mình nên ác xấu”[28].

Số 392. Thánh Kinh có nói đến tội của các thiên thần này[29]. Sự “sa ngã” đó cot tại một lựa chọn tự do của các thụ tạo thiêng liêng này, họ chối bỏ Thiên Chúa và Nước của Ngài một cách triệt để và không thể thay đổi. Chúng ta thấy được sự phản ánh của cuộc nổi loạn này trong những lời Tên Cám Dỗ nói với các nguyên tổ chúng ta: “Các người sẽ trở nên như Thiên Chúa” (St 3,5). “Ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu” (1 Ga 3,8); “nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).

Số 393. Tính cách không thể thay đổi của sự lựa chọn của các thiên thần, chứ không phải vì thiếu lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, làm cho tội của chúng không thể được tha thứ. “Quả vậy, sau khi sa ngã, chính chúng không chút thống hối, cũng như con người sau khi chết”[30].

Số 394. Thánh Kinh chứng tỏ ảnh hưởng tai hại của kẻ mà Chúa Giêsu gọi là “tên sát nhân … ngay từ đầu” (Ga 8,44), nó cũng đã ra sức làm cho Chúa Giêsu đi trệch ra khỏi sứ vụ Người đã lãnh nhận nơi Chúa Cha[31]. “Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá hủy công việc của ma quỷ” (l Ga 3,8). Trong các hậu quả của các việc làm của ma quỷ, nghiêm trọng nhất là sự quyến rũ dối trá dẫn đưa con người đến chỗ bất tuân Thiên Chúa.

Số 395. Tuy nhiên, quyền năng của Satan không phải là vô hạn. Nó chỉ là một thụ tạo, có quyền năng vì là thuần tuý thiêng liêng, nhưng vẫn luôn luôn là thụ tạo: nó không thể ngăn chặn công trình xây dựng Nước Thiên Chúa. Mac dầu Satan hoạt động trong trần gian do thù hận chống lại Thiên Chúa và Nước Ngài trong Chúa Giêsu Kitô, và mặc dầu hoạt động của nó gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho mỗi người và cho xã hội – trong lãnh vực tinh thần và một cách gián tiếp cả trong lãnh vực vật chất –, hoạt động ấy được cho phép bởi Chúa quan phòng, Đấng điều khiển lịch sử của loài người và của trần gian cách mạnh mẽ và dịu dàng. Việc Thiên Chúa cho phép ma quy hoạt động quả là một mầu nhiệm lớn lao, nhưng “chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28).

Thử thách sự tự do

Số 396. Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài và cho họ sống trong tình bằng hữu với Ngài. Là một thụ tạo tinh thần, con người chỉ có thể sống trong tình bằng hữu đó bằng cách tự do suy phục Thiên Chúa. Điều đó được diễn tả trong lệnh cấm con người không được ăn trái của cây cho biết điều thiện, điều ác, “vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,l7). “Cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,l7) là một biểu tượng diễn tả ranh giới không thể vượt qua mà con người, trong tư cách là thụ tạo, phải nhìn nhận một cách tự do và tôn trọng một cách tin tưởng. Con người lệ thuộc Đấng Tạo Hoá; nó phải quy phục các định luật của công trình tạo dựng và các quy tắc luân lý quy định việc sử dụng sự tự do.

Tội đầu tiên của con người

Số 397. Con người, bị ma quỷ cám dỗ, đã dập tắt trong trái tim mình lòng tin tưởng đối với Đấng Tạo Hoá của mình[32], và lạm dụng sự tự do của mình, đã bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa. Đó là tội đầu tiên của con người[33]. Mọi tội lỗi sau đó đều là bất tuân Thiên Chúa và thiếu tin tưởng vào lòng nhân hậu của Ngài.

Số 398. Trong tội này, con người đã chọn mình hơn Thiên Chúa và qua đó đã khinh thường Thiên Chúa: con người đã chọn chính bản thân chống lại Thiên Chúa, chống lại những đòi buộc của thân phận thụ tạo của mình, và do đó chống lại cả lợi ích riêng của mình. Con người, được tạo dựng trong tình trạng thánh thiện, được Thiên Chúa nhắm cho nó được “thần hóa” trọn vẹn trong vinh quang. Do ma quỷ cám dỗ, con người đã muốn trở nên “như Thiên Chúa”[34] mà “không cần Thiên Chúa, vượt qua Thiên Chúa, và không theo Thiên Chúa”[35].

Số 399. Thánh Kinh cho thấy những hậu quả bi đát của sự bất tuân đầu tiên đó. Ông Ađam và bà Evà đã lập tức đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy[36]. Họ đâm ra sợ hãi Thiên Chúa[37], vì họ đã tạo ra một hình ảnh sai lầm về Ngài, hình ảnh của một vị Thần ham hố các đặc quyền của mình[38].

Số 400. Sự hài hoà mà tổ tông đang hưởng nhờ sự công chính nguyên thuỷ, đã bị phá hủy; quyền điều khiển của các khả năng tinh thần của linh hồn trên thể xác đã bị đập tan[39]; sự kết hợp của người nam và người nữ trở nên căng thẳng[40]; những liên hệ giữa họ bị đánh dấu bằng ham muốn và thống trị[41]. Sự hài hòa với công trình tạo dựng bị phá vỡ: thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người[42]. Vì con người, muôn loài đã phải lệ thuộc vào cảnh hư nát[43]. Cuối cùng, hậu quả đã được báo trước cách minh nhiên đối với tội bất tuân[44], nay thành hiện thực: con người từ tro bụi sẽ trở về bụi tro[45]Sự chết đã xâm nhập vào lịch sử nhân loại[46].

Số 401. Sau tội đầu tiên này, một “cuộc xâm lăng” thật sự của tội lỗi tràn ngập trần gian: Cain giết em là Abel[47], sự sa đoạ lan rộng khắp nơi như là hậu quả của tội lỗi[48]; trong lịch sử Israel, tội lỗi cũng thường được biểu lộ một cách đặc biệt như sự bất trung đối với Thiên Chúa của Giao Ước và như sự vi phạm luật Môisen. Ngay cả sau việc Cứu Chuộc của Đức Kitô, giữa các Kitô hữu, tội lỗi còn xuất hiện bằng nhiều cách khác nhau[49]. Thánh Kinh và Truyền Thống Hội Thánh không ngừng nhắc đến sự hiện diện và tính phổ quát của tội lỗi trong lịch sử loài người:

“Những điều mạc khải cho biết, kinh nghiệm riêng của chúng ta cũng xác nhận. Khi nhìn vào trong lòng, con người thấy mình bị lôi kéo về những điều sai trái, và ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ, vốn là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hóa tốt lành. Khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguồn gốc của mình, con người cũng đã phá đổ sự quy hướng cần thiết về cùng đích tối hậu, đồng thời phá vỡ toàn bộ sự hòa hợp của mình đối với chính bản thân, đối với những người khác và đối với mọi loài thụ tạo”[50].

Hậu quả của tội Ađam trên nhân loại

Số 402. Mọi người đều bị liên lụy với tội Ađam. Thánh Phaolô khẳng định: “Vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân” (Rm 5,l9), muôn người ở đây có nghĩa là mọi người: “Vì một người duy nhat, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,l2). Đối lại tính phổ quát của tội lỗi và sự chết, thánh Tông Đồ nêu lên tính phổ quát của ơn cứu độ trong Đức Kitô: “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5,18).

Số 403. Noi theo thánh Phaolô, Hội Thánh luôn dạy rằng tình trạng cùng khốn đang đè nặng lên con người, cũng như việc họ hướng chiều về sự dữ và về sự chết là những điều không thể hiểu được, nếu không xét đến mối liên hệ của chúng với tội Ađam và với việc ông đã truyền lại cho chúng ta một tội mà mọi người chúng ta phải mang lấy từ khi sinh ra, và tội này là “cái chết của linh hồn”[51]. Dựa trên sự chắc chắn này của đức tin, Hội Thánh ban phép Rửa Tội để tha tội cho cả những trẻ em chưa từng phạm tội riêng[52].

Số 404. Tội Ađam đã trở nên tội của tất cả dòng dõi của ông như thế nào? Toàn thể nhân loại đều ở trong Ađam “như một thân thể duy nhất của một con người duy nhất”[53]. Do “tính thống nhất” này của nhân loại, mọi người đều bị liên lụy với tội Ađam, cũng như mọi người đều được thông phần vào sự công chính của Đức Kitô. Dẫu sao, việc lưu truyền tội tổ tông là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu cách đầy đủ. Nhưng nhờ mạc khải, chúng ta biết ông Ađam đã nhận được sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ không phải chỉ cho riêng ông, nhưng cho toàn thể bản tính nhân loại: Khi nghe theo Tên Cám Dỗ, ông Ađam và bà Evà đã phạm một tội cá nhân, nhưng tội đó ảnh hưởng đến bản tính nhân loại, một bản tính mà họ sẽ lưu truyền trong tình trạng đã sa ngã[54]. Đó là một tội được lưu truyền cho toàn thể nhân loại qua việc sinh sản, nghĩa là qua việc lưu truyền một bản tính nhân loại đã mất sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ. Do đó, tội tổ tông được gọi là “tội” theo nghĩa loại suy: đó là một thứ tội con người bị “nhiễm” chứ không phải đã “phạm”; một tình trạng, chứ không phải một hành vi.

Số 405. Tội tổ tông, mặc dầu truyền đến mỗi người[55], nhưng không hề mang tính cách một tội của bản thân nơi bất kỳ ai trong con cháu ông Ađam. Không còn sự thánh thiện và sự công chính nguyên thuỷ, nhưng bản tính nhân loại không hoàn toàn bị huỷ hoại: bản tính nhân loại bị thương tật trong các sức lực tự nhiên riêng của mình, u mê dốt nát, phải chịu đau khổ, bị sự chết thống trị, và hướng chiều về tội lỗi (sự hướng chiều về điều xấu được gọi là dục vọng: concupiscentia). Bí tích Rửa Tội, khi ban cho con người đời sống ân sủng của Chúa Kitô, xóa bỏ tội tổ tông và đưa con người trở về cùng Thiên Chúa, nhưng những hậu quả của tội tổ tông trên bản tính, đã bị suy yếu và hướng chiều về điều xấu, vẫn tồn tại nơi con người và kêu gọi con người vào cuộc chiến đấu thiêng liêng.

Số 406. Giáo lý của Hội Thánh về sự lưu truyền tội tổ tông đã được xác định cách đặc biệt vào thế kỷ V, chủ yếu là dưới ảnh hưởng sự quan tâm của thánh Augustinô chống lại chủ thuyết của ông Pêlagiô, và vào thế kỷ XVI, chống lại cuộc Cải Cách của những người thệ phản. Ông Pêlagiô chủ trương rằng, bằng sức mạnh tự nhiên của ý chí tự do, không cần sự trợ giúp của ân sủng, con người vẫn có thể sống tốt lành về mặt luân lý; như vậy, ông này giản lược ảnh hưởng của tội Ađam thành ảnh hưởng của một gương xấu. Trái lại, những nhà Cải Cách thệ phản đầu tiên chủ trương rằng, vì tội tổ tông, con người đã bị hư hỏng hoàn toàn và con người không còn sự tự do; họ đồng hóa tội mà mỗi người lãnh nhận do lưu truyền với sự nghiêng chiều về sự dữ (dục vọng), một sự nghiêng chiều không thể cưỡng lại được. Hội Thánh đã tuyên bố về ý nghĩa của mạc khải liên quan đến tội tổ tông, đặc biệt tại Công đồng Arausicanô II năm 529[56], và tại Công đồng Triđentinô năm 1546[57].

Một cuộc chiến cam go

Số 407. Giáo lý về tội tổ tông, gắn liền với giáo lý về ơn Cứu chuộc nhờ Đức Kitô, mang lại cho ta một cái nhìn để phân định sáng suốt về tình trạng của con người và hành động của họ ở trần gian. Vì tội tổ tông, ma quỷ đã có được một quyền thống trị nào đó trên con người, mặc dầu con người vẫn còn tự do. Tội tổ tông khiến con người “bị cầm giữ dưới quyền của kẻ nắm quyền thống trị của sự chết, tức là ma quỷ”[58]. Nếu không biết rằng bản tính nhân loại đã bị tổn thương, bị nghiêng chiều về sự dữ, người ta có thể mắc những sai lầm nghiêm trọng trong các lãnh vực giáo dục, chính trị, hoạt động xã hội[59] và luân lý.

Số 408. Các hậu quả của tội tổ tông và của tất cả các tội cá nhân của con người đã đưa trần gian, trong tổng thể của nó, vào một tình trạng tội lỗi mà thánh Gioan đã gọi bằng kiểu nói: “tội trần gian” (Ga l,29). Kiểu nói nay cũng được dùng để nêu lên ảnh hưởng tiêu cực mà các thoả thuận tập thể và các cơ cấu xã hội, là hoa trái của tội lỗi con người, áp đặt lên các nhân vị[60].

Số 409. Hoàn cảnh bi đát như vậy của trần gian, đang “nằm dưới ách thống trị của Ác thần” (1 Ga 5,19)[61] làm cho đời sống con người trở thành một cuộc chiến đấu:

“Toàn bộ lịch sử của nhân loại là lịch sử của cuộc chiến cam go chống lại quyền lực của sự dữ, khởi đầu ngay từ lúc bình minh của lịch sử và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như lời Chúa phán. Nằm giữa cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với điều thiện hảo và chỉ sau khi hết sức cố gắng và với sự trợ giúp của ơn Chúa, con người mới đạt được sự thống nhất nội tâm”[62].

Số 517, 550: Đức Kitô như Đấng trừ quỷ

Số 517. Cả cuộc đời của Đức Kitô là một mầu nhiệm Cứu chuộc. Ơn Cứu chuộc đến với chúng ta trước hết nhờ Máu Người đổ ra trên thập giá[63], nhưng mầu nhiệm này được thực hiện qua cả cuộc đời Đức Kitô: ngay trong việc Người Nhập Thể, Người đã trở nên nghèo để lấy cái nghèo của Người mà làm cho chúng ta nên giàu có[64]; trong cuộc sống ẩn dật, Người vâng phục[65] để sửa lại sự bất phục tùng của chúng ta; khi giảng dạy, lời Người nói thanh tẩy những người nghe[66]; khi chữa bệnh và trừ quỷ, “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17)[67]; khi phục sinh, Người làm cho chúng ta được nên công chính[68].

Số 550. Khi Nước Thiên Chúa trị đến là lúc nước Satan bị sụp đổ[69]: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt l2,28). Những việc trừ quỷ do Chúa Giêsu thực hiện, giải phóng người ta khỏi quyền thống trị của ma quỷ[70]. Những việc ấy báo trước sự chiến thắng cao cả của Chúa Giêsu trên “thủ lãnh thế gian này”[71]. Nhờ thập giá của Đức Kitô mà Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập vĩnh viễn: “Thiên Chúa đã cai trị từ cây gỗ”[72].

 

Suy Niệm:

Trong những năm tháng công khai rao giảng,

Ðức Giêsu đã gặt hái được thành công từ phiá dân chúng.

Nhưng Ngài cũng phải nếm nhiều khổ đau và thất bại

do những hiểu lầm, ghen tương và cố chấp.

Ðức Giêsu, người quân bình hơn cả, lại bị coi là mất trí,

khi Ngài xả thân để lo cho đám người đông đảo.

Ngài bị coi là bất bình thường,

khi Ngài và các môn đệ bận bịu, không có giờ ăn.

Chính thân quyến của Ngài đã coi Ngài như thế.

Họ chẳng hiểu gì, dù họ tưởng mình biết Ngài rất rõ.

 

Các kinh sư từ Giêrusalem xuống để điều tra về Ðức Giêsu.

Họ không thể phủ nhận chuyện Ngài có khả năng trừ quỷ,

nhưng họ lại giải thích với cái nhìn đầy ác ý:

Ðức Giêsu là người của quỷ, cậy dựa vào sức mạnh của Xatan.

Éo le thay, Ðấng mà thấn ô uế phải sấp mình dưới chân

và tuyên xưng: “Ông là Con Thiên Chúa” (Mc 3,11);

Ðấng khiến quỷ phải kêu la khi xuất ra:

“Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai rồi.

Ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24);

Ðấng trừ quỷ ấy lại bị coi là người bị quỷ ám.

Một người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun chiếm đoạt

lại đi trừ những người bị ám bởi các quỷ con ư?

Như thế đúng là Xatan lại diệt trừ Xatan,

tướng quỷ cho người ngoài làm hại đàn em của mình!

 

Ðức Giêsu nói đến thứ tội mãi mãi không được tha.

Không được tha chẳng phải vì Thiên Chúa hẹp hòi,

nhưng vì người ấy không cần đến ơn tha thứ.

Khép lại trước sự thật rành rành, hay bóp méo sự thực,

cố chấp ở lại trong sự gian dối với chính bản thân:

đó là những thái độ ta có thể mắc phải.

 

Quả thực không dễ hiểu được con người Ðức Giêsu.

Hiểu một người ta thân quen cũng là điều khó.

Chỉ một chút ghen tương đủ làm ta hiểu sai.

Chỉ một chút tự ái đủ làm ta không thấy

điều ai cũng rõ như ban ngày.

Càng trí tuệ và học thức, như các kinh sư,

ta càng dễ bẻ cong chân lý về phía mình,

càng dễ biện minh cho thái độ mình đã chọn.

Khi vơi bớt đam mê của cái tôi,

ta sẽ dễ nhận ra chân lý quá đơn sơ, gần gũi.

 

Ðám đông dân chúng ngồi chung quanh Ðức Giêsu, nghe giảng.

Một vòng tròn thân thương như những người trong nhà.

Ðức Giêsu thấy mình gắn bó sâu xa với họ.

Ngài không ngại nhận họ là mẹ, là anh chị em Ngài.

Có một thứ tình máu mủ ruột thịt thiêng liêng.

Có một mẫu số chung giữa Ngài và người nghe giảng,

đó là thi hành thánh ý Cha trong cuộc sống.

Ðức Maria là Mẹ của Ðức Giêsu hai lần,

vì Mẹ đã sinh dưỡng Ngài và suốt đời xin vâng ý Chúa.

Chúng ta tự hỏi mình có bà con gì với Ðức Giêsu không.

 

Cầu Nguyện:

Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
nhưng điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.

 

Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.

 

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top