Châu Âu được cứu vào ngày lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết

Châu Âu được cứu vào ngày lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết

Châu Âu được cứu vào ngày lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết

TGPSG / Aleteia -- Phải có một chiến thắng quan trọng nữa, sau chiến thắng Lépante và Vienne, mới hóa giải được mối đe dọa của người Thổ trên châu Âu. Đó là ngày 5.8.1716 tại Peterwardein trong lãnh thổ Serbia ngày nay - và đây chính là ngày lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết.

Ngay từ thế kỷ 13, Kitô giới đã phải trả giá khi coi thường mối đe dọa Hồi giáo. Cả sự kiện cứ điểm cuối cùng của vương quốc la tinh Giêrusalem thành Saint-Jean d'Acre thất thủ năm 1291, lẫn việc người Thổ chiếm đóng Gallipoli tại bờ biển Bosphore năm 1354, thậm chí cả biến cố Constantinople thất thủ vào tháng 5-1453 cũng không khơi dậy được ý thức của các vua chúa châu Âu. Họ bị mờ mắt vì những tranh cãi, những tham vọng, những đấu đá huynh đệ, những quyền lợi thương mại và ngọai giao. Hậu quả: họ để mặc đế chế Hồi giáo mới nổi mở rộng quyền kiểm soát lên những thuộc địa cũ của đế chế Byzantin, Địa Trung hải, vùng Balkan rồi một phần của Trung Âu, chẳng hề tính đến việc liên kết với nhau để đẩy lùi một kẻ xâm lăng đang đòi treo lá cờ xanh của đấng Tiên Tri lên thành Rôma.

Chiến tranh Áo - Thổ lần thứ 3

Chắc chắn là nhờ Đức Giáo hoàng Piô 5, trận hải chiến Lépante năm 1571 đã chặn đứng sự bành trướng đó, nhưng việc này vẫn không làm nản lòng người Thổ - từ thế hệ này sang thế hệ khác - luôn tìm cách nô lệ hóa dân Kitô giáo là những kẻ không chịu cải đạo.

Năm 1683, lợi dụng cuộc tranh chấp không hồi kết giữa Pháp và Áo và cuộc nổi dậy của người Hungari chống lại nhà Habsbourg, quân của vua Mehmet 4 đã bao vây thành Vienne và nếu không có sự can thiệp vào phút chót của vua Ba Lan Jean Sobieski và chiến thắng được coi như phép lạ của ông, thì hẳn là thành Vienne đã thất thủ rồi. Chiến thắng - đạt được vào ngày lễ Thánh Danh Đức Maria 12.9 - đã giải thoát nước Áo khỏi nguy biến, cứu "cứ điểm quan trọng của kitô giới" - theo nghĩa quân sự của từ đồn luỹ tiền tiêu - và cứu pháo đài Buda khỏi tay người Thổ. Người ta cứ nghĩ rằng vụ thất trận này sẽ là bài học cho đế chế Ottoman, nhưng nghĩ như thếvẫn chưa biết gì về những cuộc tranh giành quyền lực ác liệt trong cung cấm vua Thổ và ý chí của các thừa tướng muốn khẳng định mình như những người lãnh đạo thật sự trước những vị sultan (quốc vương hồi giáo) bị suy yếu.

Năm 1716, vị tể tướng Thổ có tên là Silandhar Ali đã mong ước chiếm lại những vị trí đã mất 30 năm trước ở Trung Âu. Từ đó mới bắt đầu cuộc chiến tranh Áo - Thổ lần thứ 3. Một lần nữa, người Thổ lợi dụng sự chia rẽ của Kitô giới và ý muốn độc lập của một bộ phận người magyar (hungari), sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thoát ách của người Áo, thậm chí liên minh với người Hồi giáo và chuyển từ nền bảo hộ này sang nền bảo hộ khác, có nguy cơ ngày càng khó chịu và nặng nề hơn...

Nhà chiến lược sáng chói nhất thời đó

Dựa vào một phần những "người bất mãn" đó, vào đầu mùa Hè năm 1716 tại Belgrade, Silandhar Ali tập hợp được một đạo quân đáng gờm gồm 100.000 người, với khí giới, trang bị đầy đủ. Mục tiêu của ông ta là vượt sông Save và chiếm vị trí trên bờ phải sông Danube.

Phía nước Áo, đã người không chấp nhận việc này. Đó chính là Eugène de Savoie, chiến lược gia tài ba nhất thời đó. Là con trai ngành thứ của nhà cai trị xứ Savoie, đã tận hiến cho Giáo hội, nhưng vì không có ơn gọi lại đồng tính, Eugène đã từ chối tương lai đó và tình nguyện phục vụ cho vua Louis 14 (nước Pháp), nhưng ông vua này không hình dung ra được một vị tướng tài nơi chàng thanh niên này nên từ chối thẳng... Đúng là một sai lầm lớn vì khi qua phục vụ nước Áo, hoàng tử Eugène đã làm cho nước Pháp nhiều phen điêu đứng.

Nhưng khi ấy chưa phải lúc đánh nhau với quân Pháp mà là quân Thổ. Eugène đã đối đầu với họ vì đã từng tham gia trận đánh giải vây thành Vienne. Ông rút ra kinh nghiệm rằng: địch thủ, dũng cảm và nguy hiểm, có thể sẽ tỏ ra tự phụ và không nhìn thấy mối nguy. Nếu tiến nhanh hơn họ, thì không những có thời gian chặn đường họ, mà còn làm họ phải bỏ một phần những vùng đất họ từng chiếm được. Cuối tháng 7, hoàng tử Eugène bắt đầu lên đường với đội quân 80.000 người; ông hy vọng tăng cường thêm 8.000 quân của doanh trại Peterwardein hay còn gọi là Petrovaradin xứ Serbia, nơi ông tin sẽ chặn được đà tiến của quân Thổ.

Bước đầu của lụi tàn

Đêm ngày 4 rạng sáng 5 tháng Tám, quân Áo vượt sông Danube và đụng độ quân Thổ đang bao vây pháo đài Peterwardein, sẵn sàng công phá tường thành. Đây là giờ khắc quyết định. Quân tiếp viện đến đã thay đổi cục diện. Bất chấp sự kháng cự quyết liệt của quân Ottoman, trong trận chiến này Silandhar Ali đã tự vẫn để tránh những phiền toái dành cho những kẻ hùng mạnh bại trận trở về Istanbul. Peterwardein trở thành một chiến thắng oanh liệt cho người Áo.

Phân nửa đoàn quân Thổ Nhĩ kỳ nằm lại trên chiến trường. Những người sống sót trốn chạy. Hoàng tử Eugène đã tận dụng cơ hội chiếm lại thành Timisoara ở Rumani.

Ngay năm sau, đế chế Ottoman buộc phải ký hiệp ước Passarowicz công nhận cho người Áo sở hữu những vùng đất mà người Thổ đánh mất và sở hữu cả Belgrade. Đối với đế chế Ottoman, sự nhục nhã này đánh dấu bước khởi đầu của ngày tàn. Bị đẩy vào thế phòng thủ, nó không ngừng lui bước, mất dần những lãnh thổ ở châu Âu. Mối đe dọa xâm lăng của người Thổ và Hồi giáo hóa đã bị hoá giải.

Phải nhìn chiến thắng này như tác phẩm của hoàng tử Eugène tài năng hay do sự can thiệp từ Trời cao? Tông tòa Rôma chọn vế thứ hai. Một chi tiết nhỏ không thoát được cặp mắt của bộ chỉ huy Áo, đó là ngày 5 tháng 8 chính là ngày lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết – ngày tưởng nhớ phép lạ tạo nên công trình xây dựng Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả. Một ngôi thánh đường khác - với danh hiệu Đức Mẹ Xuống Tuyết - đã được dựng nên để tưởng nhớ chiến thắng ở Peterwardein. Một đặc điểm xúc động và hiếm có, đó là nhà thờ này được dành cho cả Công giáo và Chính thống giáo - mỗi đạo có bàn thờ, nghi thức và lễ lạc riêng ở đây. Tất cả đều hòa hợp, có vẻ như vậy!

Nghe tin chiến thắng của hoàng tử Eugène - một người hư hỏng và là tu sĩ hoàn tục, nhưng là một người lính vĩ đại tông tòa Rôma đã ý thức rằng vụ việc ở Peterwardein đánh dấu những nỗ lực đã đạt được kể từ trận Lépante đánh đuổi quân Ottoman, nên nhân dịp này đã mở rộng ra toàn thể thế giới công giáo lễ mừng Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7.10 hằng năm. Quả là một biểu tượng đáng nhớ!

Anne Bernet (Aleteia)
Lê Hưng (TGPSG) chuyển ngữ

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top