Cầu nguyện và mùa Chay 2012

Cầu nguyện và mùa Chay 2012

WGPSG -- Vậy là tháng 02 năm 2012 đã đi qua với biết bao sự kiện, biến cố về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y tế và tôn giáo. Tất cả những sự kiện và biến cố ấy đã trở thành quá khứ và đi vào dĩ vãng của dòng chảy thời gian. Hiện tại, chúng ta đang bước vào tháng 03, đang sống ở tuần lễ II mùa Chay 2012. Khởi đi từ sứ điệp mùa Chay 2012 của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI và của các Đức Giám mục ở Giáo hội Công Giáo Việt Nam, có lẽ mỗi giáo xứ ở giáo phận Sài Gòn hay những giáo xứ ở những vùng nông thôn xa xôi đã và đang có nhiều hoạt động để sống tâm tình mùa Chay như: tĩnh tâm, xưng tội, tổ chức những bữa cơm bác ái từ thiện, những buổi khám và phát thuốc miễn phí cho người nghèo v.v… Những hoạt động như thế cho thấy điểm nhấn cốt lõi của mùa Chay 2012, đó là sám hối, cầu nguyện và dấn thân phục vụ bác ái đối với tha nhân. Vậy thì, cầu nguyện có liên hệ gì đến đời sống người Kitô hữu chúng ta trong mùa Chay Thánh 2012 này? Tại sao chúng ta phải cầu nguyện và phải cầu nguyện như thế nào?

Trước tiên, nếu dựa vào ngôn ngữ hàn lâm thì sẽ có nhiều định nghĩa, nhiều phương pháp, hình thức và công thức cầu nguyện khác nhau. Tuy nhiên, nếu nói theo ngôn ngữ bình dân thì cầu nguyện là nói chuyện với Chúa như con cái thưa chuyện với cha mẹ về những nhu cầu, hoàn cảnh và sự thật của bản thân: những tất bật lo toan vì cơm áo gạo tiền, những niềm vui nỗi buồn, thành công thất bại trong cuộc sống, những đau khổ và áp lực trong công việc và trong đời sống hôn nhân gia đình…

Vì thế, đã có những bà con bổn đạo ở các tỉnh miền Tây xa xôi, thuê xe lên giáo xứ Chí Hòa, đến Đức Mẹ Tà Pao, Fatima, để cầu nguyện với Chúa Giêsu giàu lòng thương xót và với Mẹ Maria. Được biết có một người cha nghèo ở một giáo xứ vùng sâu vùng xa, đến giáo xứ Chí Hòa cầu nguyện cho ca phẫu thuật của đứa con trai được thành công tốt đẹp. Giữa biết bao bộn bề lo toan của cuộc sống Sài Gòn đô thị, vậy mà vào mỗi buổi tối thứ Ba hằng tuần, đã có rất đông bà con giáo dân đến Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, để tham dự buổi cầu nguyện Taize, để đi tìm một khoảng riêng tư tĩnh lặng cho tâm hồn, và để nói với Chúa những nỗi niềm thầm kín, những ước muốn dự định của bản thân họ… Vâng, cầu nguyện đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống tâm linh của người Kitô hữu chúng ta. Đặc biệt trong mùa Chay Thánh 2012, để thật sự có lòng sám hối, có những nghĩa cử bác ái đối với tha nhân, đòi hỏi chúng ta phải cầu nguyện không ngừng với Chúa, phải có ơn Chúa chúng ta mới sống mùa Chay đúng nghĩa.

Thật vậy, chính Chúa Giêsu là mẫu gương hoàn hảo cho chúng ta về đời sống cầu nguyện. Trong sứ vụ hoạt động rao giảng Nước Trời, Chúa luôn tìm cho mình những khoảng thinh lặng để cầu nguyện với Chúa Cha: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” (Mc 1,35). Lần nọ khi đến Bêtênia, tại nhà của Lazarô, Chúa Giêsu đã khen Maria là người chịu khó lắng nghe Lời Chúa, còn Mácta thì lăng xăng, tất bật bởi quá nhiều chuyện bên ngoài (Lc 10,38-42). Và tại vườn Giếtsêmani, Chúa Giêsu đã cảm nghiệm thấm thía những giờ phút chiến đấu quyết liệt với ma quỷ, xác thịt và thế gian, và Chúa đã truyền lại kinh nghiệm này cho các môn đệ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ, vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26,41). Điều này cho thấy, cầu nguyện cần thiết đối với đời sống đạo của chúng ta như cá cần đến nước, như việc ăn uống nuôi dưỡng thể xác chúng ta. Hơn thế nữa, cầu nguyện cần thiết đối với đời sống tâm linh chúng ta , bởi vì ma quỷ luôn tìm cách cám dỗ, lôi kéo, và tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Cầu nguyện sẽ biến ma quỷ thành kẻ thất bại. Nhưng ma quỷ là cha đẻ của mọi sự “khôn lanh”, nếu nó “thua keo này thì sẽ bày keo khác” để cám dỗ, đánh gục chúng ta. Vì thế, chúng ta cần phải cầu nguyện không ngừng như lời của thánh Phêrô nhắn nhủ chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1Pr 5,8).

Tiếp đến, nếu nhìn vào đời sống của người linh mục, chúng ta cảm nhận được nơi các ngài một đời sống cầu nguyện qua từngThánh lễ hay qua những giờ kinh phụng vụ trong ngày: Kinh sách, kinh sáng, kinh trưa, kinh chiều và kinh tối. Lời cầu nguyện của người linh mục không chỉ dành cho bản thân, gia đình mà còn cho tất cả những nhu cầu của bà con giáo dân nơi xứ đạo mà người linh mục ấy đang coi sóc. Chúa Giêsu đã cầu nguyện không ngừng thì người linh mục cũng phải không ngừng cầu nguyện. Cầu nguyện là mở lòng ra với Thiên Chúa, là sống mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và với tha nhân. Có một vị linh mục lớn tuổi, được Chúa ban cho ơn đặc biệt: ngài cầu nguyện điều gì thì luôn được Chúa nhậm lời. “Tiếng lành đồn xa”, vì vậy có những bà con giáo dân đang trong hoàn cảnh nợ nần, nghèo khổ, bệnh tật, tai nạn, đã tới nhờ ngài cầu nguyện. Kết quả là, những bà con ấy đã được ơn Chúa giúp, và vượt qua khó khăn, thử thách. Hay ở Dòng Kín Cát Minh Sài Gòn, một ngôi nhà thầm lặng êm ắng nằm giữa biết bao sự náo động, bon chen của lối sống thành thị. Nơi đây, có những nữ tu chọn cho mình một ơn gọi đặc biệt: chiêm niệm và cầu nguyện trong bốn bức tường của Nhà Kín. Những nữ tu ấy cưu mang trong trái tim và tâm hồn những nhu cầu cầu nguyện của tha nhân: cầu nguyện cho các chủng sinh linh mục, cầu nguyện cho những người lầm lỡ, đau khổ và cô đơn, bị bỏ rơi bên lề xã hội.

Cuối cùng, chúng ta phải cầu nguyện như thế nào trong mùa Chay Thánh 2012 này? Thật ra, có rất nhiều phương pháp để cầu nguyện. Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu cách thức, hình thức để cầu nguyện. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta cần tập trung quy cái nhìn về thái độ kiên nhẫn và khiêm tốn trong cầu nguyện. Chúng ta kiên nhẫn cầu nguyện bởi vì bất cứ một việc gì trong đời sống nhân sinh cũng đòi hỏi phải có thời gian. Nhìn vào mẫu gương của thánh nữ Mônica chúng ta sẽ cảm nhận được điều này: bà đã kiên nhẫn cầu nguyện trong nước mắt, trong tin yêu và hy vọng suốt 18 năm trời, để xin ơn hoán cải cho người con trai của mình là thánh Augustinô. Chúng ta khiêm tốn cầu nguyện bởi vì thân phận của chúng ta rốt cuộc cũng chỉ là tro bụi mà thôi, hoàn toàn không có gì để tự hào khoe khoang trước nhan Thánh Chúa. Điều này, Chúa Giêsu đã nói với chúng ta hai thái độ cầu nguyện khác nhau giữa người Pharisêu và người thu thuế trong Tin Mừng (Lc 18,9-13): người Pharisêu tự hào là đạo đức thánh thiện, ăn chay hai lần mỗi tuần, còn người thu thuế thì đứng xa xa, đấm ngực thú tội: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 9,13). Vậy thì, đã mấy lần trong đời chúng ta khiêm tốn cầu nguyện như người thu thuế này? Đã mấy lần trong đời, chúng ta tự hào mình tốt lành, thánh thiện và xem thường, chỉ trích và lên án những người anh em của chúng ta?

Top