Caritas Việt Nam: Tái chế những gì bị vất bỏ

Caritas Việt Nam: Tái chế những gì bị vất bỏ

Caritas Việt Nam: Tái chế những gì bị vất bỏ

Đã đến lúc chúng ta không thể làm ngơ trước tình trạng thảm hoạ thiên nhiên. Trước tình trạng của hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên, đất đai khô cằn, nguồn nước cạn kiệt, nước biển dâng cao, lượng mưa ít đi mỗi ngày… thì con người và môi trường sẽ phải gánh chịu thảm hoạ. Hiểu rõ tình trạng biến đổi khí hậu, trái đất là ngôi nhà chung mà Thiên Chúa đã tạo dựng đang bị con người huỷ hoại, bị tổn thương, Giáo Hội lên tiếng kêu gọi mọi người hãy chung tay bảo vệ cho ngôi nhà chung của chúng ta. “Người chị này đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Vì cứ đinh ninh rằng, chúng ta chính là chủ nhân và sở hữu chủ, nên được quyền tận dụng.” (Laudato Si số 2.) Không chỉ Giáo hội, mà ngay các nguyên thủ quốc gia của các nước trên thế giới cũng ý thức và đã ký vào Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. 

Mặc dù trái đất đã bị tổn thương, và mỗi ngày chúng ta phải chịu hậu quả của thiên tai, nhưng vẫn còn hy vọng cho chúng ta nếu mỗi người ý thức, cùng nhau bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta bằng những cách nhỏ nhất và trong tầm tay của mình. Ban truyền thông Caritas Việt Nam lần lượt chia sẻ tám Video Clip bảo vệ môi trường mà Ban truyền Thông đã dịch ra Vietsub. 

Video thứ nhất: “Tái chế những gì bị vất bỏ.” 

Trong một xã hội tiêu thụ, dường như người ta đề cao giá trị vật chất hơn tinh thần. Mọi thứ phải tiện nghi, nhanh và hiệu quả. Để có được những tiện nghi, người ta phải làm việc nhiều hơn để chiếm hữu. Chính vì thế họ phải tiết kiệm thời gian dành cho người khác. 
Ngày nay người ta có khuynh hướng ít dành thời gian cho nhau. Trung bình mỗi ngày một gia đình người Mỹ chỉ dành cho nhau 37 phút.  Với sự phát triển kinh tế và công nghệ, người ta ít còn thời gian để trò chuyện, gặp gỡ nhau chia sẻ đơn thuần. Cũng do công nghệ phát triển, thay vì phải đến gặp gỡ trực tiếp người ta có thể cầm máy điện thoại nói chuyện với nhau. Dần dà, việc gặp mặt nhau là chuyện mất thời gian, và không cần thiết. 

Nhưng ngược lại người ta lại có thể dành hàng giờ trên các mạng xã hội và tương tác qua mạng xã hội. Có thể thấy rõ điều này nơi công cộng hay trên những chuyến xe bus, khi người ta ngồi ngay bên nhau nhưng lại chẳng nói gì với nhau; mỗi người đều đang tập trung vào chiếc điện thoại của mình. Thậm chí, khi họ hẹn gặp nhau nhưng lại ít nói với nhau. Bạn có thể thấy hình ảnh một nhóm người đang quay quần bên nhau trong các quán café, nhưng mỗi người lại chăm chú vào chiếc điện thoại của mình.  

Xã hội tiêu thụ cũng thúc đẩy người ta thích mua sắm đồ dùng trên mức cần thiết. Có rất nhiều món đồ chỉ sử dụng qua một vài lần, thậm chí chưa dùng đến một lần trong khi rất nhiều người đang phải đói khát. Điều này không chỉ làm cho xã hội mất cân bằng mà còn làm cho môi trường bị ảnh hưởng trầm trọng. Mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Tôi cảm thấy tức giận khi nhìn thấy người ta vứt bỏ những thứ có thể sử dụng được. Điều này thật lãng phí”.  Còn ĐTC Phanxicô nhắn gởi mỗi người hãy thiết lập sự cộng tác, tái chế những đồ phế thải của xã hội tiêu thụ…là chúng ta đang bắt chước Chúa Giêsu vì chúng ta đang cố gắng chữa lành. 

Nguồn: Caritas Việt Nam

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top