Các nữ tu Công giáo với sáng kiến phục vụ công ích
Mục đích của sự kiện là tạo cơ hội để hiểu sâu hơn và thực hành sự hiệp hành, đồng thời trao đổi những ý tưởng nhằm thúc đẩy tầm nhìn chung về việc học hỏi lẫn nhau, để tạo ra ảnh hưởng và tăng trưởng chiến lược, cũng như tiếp tục cộng tác cho công ích.
Sơ Jane Wakahiu, Phó Chủ tịch điều hành chương trình và người đứng đầu sáng kiến các nữ tu Công giáo tại Quỹ Hilton nói: “Đến với nhau là cơ hội tạo không gian cho những kết nối mới và những kết nối đã có được phát triển sâu sắc hơn, vì chúng tôi mong muốn tăng cường chất lượng và tính bền vững của những nỗ lực chung của chúng tôi”.
Trong hội nghị, các nữ tu đã thảo luận các chủ đề bao gồm việc nâng cao tiếng nói của những người sống trong điều kiện khó khăn, áp dụng các phương pháp tiếp cận thông tin dựa trên bằng chứng để thúc đẩy các cộng đoàn tôn giáo phát triển và biến đổi các thực hành văn hóa sâu xa để phục vụ công ích. Một sợi chỉ vàng hợp nhất các chủ đề là tính hiệp hành.
Các nữ tu là nhân vật chính của truyền thông trong Giáo hội
Trong phiên thảo luận về tính hiệp hành, các đại diện của Vatican đã tham gia vào cuộc trò chuyện về sứ vụ và trách nhiệm mục vụ của các Bộ của Toà Thánh, cũng như quá trình tham gia với các Giáo hội địa phương.
Sơ Mumbi Kigutha, Chủ tịch Tổ chức Những Người bạn Liên đới, điều hành cuộc trò chuyện, nhấn mạnh đến những khích lệ của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc lắng nghe, cộng tác và hiệp thông.
Đức Thánh Cha đã nhiều lần nhắc nhở các tín hữu về việc lắng nghe. Như vào tháng 2 vừa qua, khi viết tựa đề cho cuốn sách của nữ thần học gia, người đã tham gia cuộc họp trước đó của Hội đồng Hồng y cố vấn, ngài đã nói rằng Giáo hội là sự hiệp thông giữa những người đã cùng lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, vì thế chúng ta phải lắng nghe nhau. Bằng cách này, chúng ta có cái nhìn thực tế từ một góc nhìn khác và do đó buộc chúng ta xem xét lại các dự án và ưu tiên của mình. Đôi khi, chúng ta ngỡ ngàng. Đôi khi những gì chúng ta nghe quá mới mẻ, quá khác với cách suy nghĩ và cách nhìn của chúng ta, đến mức chúng ta thấy vô lý, cảm thấy lo sợ. Nhưng sự bỡ ngỡ này là lành mạnh, làm cho chúng ta trưởng thành. Theo Đức Thánh Cha, cần có sự kiên nhẫn, tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe và cởi mở để thực sự học hỏi lẫn nhau và tiến về phía trước như một dân Chúa, phong phú với những khác biệt nhưng cùng nhau bước đi.
Tiến sĩ Paolo Rufini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông, nêu bật tầm quan trọng của việc cùng nhau làm việc để mang lại tầm nhìn rõ ràng cho các hoạt động của các nữ tu Công giáo trên thế giới. Ông nói: “Các nữ tu làm việc trong lĩnh vực truyền thông cần phải là những nhân vật chính trong Giáo hội, bằng cách đưa ra quan điểm Kitô giáo. Các nữ tu cần phải kể những câu chuyện với góc độ cứu độ, tạo ra một cách truyền thông mới tập trung vào công ích của xã hội”.
Tổng trưởng Bộ Truyền thông nhấn mạnh sự cần thiết của một truyền thông từ cơ sở đến Vatican, và từ Bộ phục vụ các Giáo hội địa phương. Theo tiến sĩ đó là sự cộng tác và kết nối cho công ích trong tinh thần hiệp hành.
Ông Rufini đã giới thiệu Dự án Lễ Hiện Xuống của Bộ Truyền thông, được hỗ trợ bởi Quỹ Hilton, như một ví dụ về tính hiệp hành trong việc xây dựng sự hiệp lực và cộng tác với các nữ tu truyền thông. Dự án Lễ Hiện Xuống tìm cách xây dựng một mạng lưới toàn cầu gồm tiếng nói của các nữ tu trên Truyền thông Vatican.
Dự án này mang lại cho cơ hội cho các nữ tu tham gia các khoá đào tạo trực tuyến và hội thảo trên web, và thực tập tại Vatican News/Vatican Radio, để trau dồi kỹ năng truyền thông của các nữ tu. Từ đây, có thể đưa đến những cơ hội hợp tác mới.
Cho tới nay, đã có 13 nữ tu đến từ 12 quốc gia đang thực tập tại Vatican News/Vatican Radio, và hàng tuần, bắt đầu từ tháng 4, một nhóm các nữ tu tham dự cuộc họp Zoom với mục đích tiếp cận đào tạo mang tính tương tác ở cấp độ cao.
Cần lắng nghe và cộng tác
Thảo luận về tính hiệp hành, sơ Carmen Ros Nortes, Phó tổng thư ký Bộ các Dòng tu đã nhấn mạnh cam kết của đời sống thánh hiến. Sơ nói: “Bộ các Dòng tu có thể được xem như một phòng thực nghiệm, nơi các mối quan hệ được đan kết giữa các đặc sủng và thừa tác vụ khác nhau, đồng thời có thể thể hiện vẻ đẹp của Giáo hội”.
Sơ Nathalie Becquart, Phó Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, nhấn mạnh sự cần thiết phải lắng nghe và làm việc cùng nhau, đánh giá cao các nữ tu và sự đóng góp của họ đối với công ích. Sơ nói: “Vì đã tham gia ngay từ đầu, nên các nữ tu có một vai trò rất quan trọng trong tiến trình hiệp hành. Các nữ tu cần giúp đỡ dân Chúa đón nhận cách thức hiệp hành, vốn là phong cách của Chúa Giêsu”.
Về điều này, trong giai đoạn chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục cho tháng 10/2023, chính sơ Nathalie Becquart khi đề cập đến sự đóng góp của các hội dòng được sáng lập vào thế kỷ XIX đã giải thích rằng: “Trong suốt lịch sử, hoạt động của Thánh Thần đã mang tính sáng tạo và Giáo hội có rất nhiều kinh nghiệm đa dạng, về các cộng đoàn, một số cộng đoàn đã hiện diện từ nhiều thế kỷ trước. Sau Công đồng Vatican II, nhờ hơi thở của Thánh Thần, Đấng làm nảy sinh các đặc sủng, các cộng đoàn mới cũng đã xuất hiện. Đối với Thượng Hội đồng, tất cả dân Chúa, trong sự đa dạng đều được mời gọi tham gia. Việc tham vấn diễn ra cách đặc biệt qua các giáo phận, các hội đồng giám mục, các thực thể đời sống thánh hiến, các phong trào giáo dân và các cộng đoàn mới được công nhận”.
Các Giáo hội địa phương phải tham gia vào các vấn đề di cư
Chủ đề di cư đã được giới thiệu tại hội nghị bởi sơ Alessandra Smerilli, Tổng Thư ký Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện. Sơ giải thích rằng vai trò của Bộ là giúp các Giáo hội địa phương loại bỏ những trở ngại, nơi cung cấp mảnh đất màu mỡ cho di cư.
Tổng Thư ký Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện nói: “Buộc phải di cư là một thách đố mà chúng tôi đang làm việc với các Giám mục và các Giáo hội địa phương. Chúng tôi đang kêu gọi các Giám mục làm việc với các chính phủ để giải quyết vấn đề này”.
Sơ Smerilli cũng nhấn mạnh mặc dù hành trình của họ như thế nào, những người di cư vẫn thuộc về một Giáo hội duy nhất và cần được hỗ trợ ở bất cứ nơi nào họ hiện diện, Giáo hội địa phương cần phải đồng hành với họ và có sự chăm sóc mục vụ thích hợp.
Nhắc lại chủ đề của Ngày Thế giới Người Di cư và Người Tị nạn “Thiên Chúa đồng hành với Dân Người”, sơ Smerilli nhấn mạnh rằng mỗi người được mời gọi nhận ra dung nhan Chúa nơi mỗi người buộc phải di cư.
Thực tế, trong Sứ điệp cho Ngày này được công bố vào ngày 03/6 vừa qua, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến chiều kích “hiệp hành” của Giáo hội theo nghĩa Thiên Chúa đồng hành với Dân Người. Vì thế, cuộc gặp gỡ với người di cư, cũng như với mọi anh chị em đang cần giúp đỡ cũng là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô.
Đức Thánh Cha viết: “Trình thuật Kinh Thánh về Cuộc Xuất Hành, mô tả dân Israel trên đường đến miền đất hứa, tự nhiên hiện lên trong tâm trí chúng ta: một cuộc hành trình dài từ nô lệ đến tự do báo trước cuộc hành trình của Giáo hội hướng tới cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa. Tương tự như vậy, chúng ta có thể nhìn thấy nơi những người di cư của thời đại chúng ta, cũng như nơi những người thuộc mọi thời đại, một hình ảnh sống động của dân Chúa trên đường về quê hương vĩnh cửu. Hành trình hy vọng của họ nhắc nhở chúng ta rằng ‘quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta’ (Pl 3, 20)”.
Đức Thánh Cha nhận xét, những hình ảnh về cuộc xuất hành trong Kinh Thánh và những người di cư có nhiều điểm tương đồng. Giống như dân Israel thời Môsê, những người di cư thường chạy trốn khỏi sự áp bức, lạm dụng, bất an, phân biệt đối xử và thiếu cơ hội phát triển. Như người Do Thái trong sa mạc, những người di cư gặp nhiều trở ngại trên đường đi: họ bị thử thách bởi đói khát, kiệt sức và bệnh tật; bị cám dỗ bởi sự tuyệt vọng.
Tuy nhiên, thực tại nền tảng của cuộc Xuất Hành, của mọi cuộc xuất hành, là Thiên Chúa đi trước và đồng hành với dân Người ở mọi nơi mọi lúc. Thực vậy, nhiều người di cư cảm nghiệm Thiên Chúa như người bạn đồng hành, hướng dẫn và là chiếc neo cứu họ. Họ phó thác bản thân cho Người trước khi lên đường và tìm kiếm Người trong những lúc cần thiết. Nơi Người, họ tìm thấy niềm an ủi trong những giây phút chán nản.
Thiên Chúa không chỉ đồng hành với dân Người, nhưng còn ở giữa họ, theo nghĩa là Người đồng hóa mình với những người nam nữ trên hành trình xuyên suốt lịch sử của họ, đặc biệt với những người bé mọn nhất, những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Vì lý do này, cuộc gặp gỡ với người di cư, cũng như với mọi anh chị em đang cần giúp đỡ, cũng là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Chính Người đã nói như vậy trong Tin Mừng.
Nguồn: vaticannews.va/vi
bài liên quan mới nhất
- Cuộc sống và đức tin của ông Tom Monaghan, nhà sáng lập Domino’s Pizza
-
Bí quyết kinh doanh của Luz Maribel Jimenez: Có Chúa là có tất cả -
Ba Tỷ Người Trên Toàn Cầu Bị Ảnh Hưởng Bởi Tình Trạng Suy Thoái Đất -
Sứ vụ của Sơ Luke Boiarsk: xây dựng cộng đồng, biến đổi cuộc sống tha nhân -
Sơ Pia và sứ vụ mang lại ánh sáng cho trẻ em khiếm thị ở Rwanda -
Nữ tu Công giáo Nigeria được trao giải thưởng Opus trị giá 1,2 triệu đô la -
Bà Nancy và ông Patrick, triệu phú Canada bỏ tất cả để trở thành thừa sai tại đền thánh Mễ Du -
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm -
Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu -
Chứng tá truyền giáo của cha Ignazio Lastrico ở Brazil: Điều quan trọng là luôn hiện diện và ở mọi nơi
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)
-
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong thánh -
Đức cha Pierre Lambert De La Motte người môn đệ yêu mến “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” -
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Cỗ tràng hạt quý chôn theo Công nương Diana -
Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ -
400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại