Buồn cứ buồn! Vui cứ vui!
WGPSG -- Quả thiệt là buồn, buồn kinh khủng, buồn quá mạng! Buồn ơi ta xin chào mi, khi người yêu đã bỏ ta đi! Buồn ơi ta xin chào mi…
- Làm ơn cho xin! Gì mà lão rên rỉ dữ vậy? Tính luyện giọng để thi Sao mai điểm hẹn hay “Vietnam's got talent” chắc! Lão có biết cả cái xóm nhỏ này ai cũng cầu mong cho lão sống lâu trăm tuổi, để còn có dịp khoe với thiên hạ, là xóm mình còn một ca sĩ có… tuổi! Còn nếu lão định rên rỉ vì… thất tình, thì quên đi!
- Hàng xóm ơi là hàng xóm ơi, có biết là ta buồn lắm không!
- Biết, biết mà, nhưng lão buồn là cớ làm sao, cớ sự gì? Nói xem hàng xóm này có lách luật mà tư vấn cho lão được không?
- Thánh thần ơi! Nếu là luật của cõi đời ngổn ngang này, dù có ngoằn ngoèo, ngoắt ngoéo đến đâu, lão cũng chẳng quan tâm làm chi. Hơn nữa, luật ở xứ sở mình hình như bị lệ đè chết ngắc từ đời nào rồi!
- Lão lại lý sự rồi… nói nghe cái lý do làm lão rên rỉ, nhão nhoẹt vậy?
- Hàng xóm ơi, có người buồn thì đi lang thang, người khác mượn chén rượu tiêu sầu, lại có anh buồn thì rên rỉ, ỉ ôi nghe phát rầu! Lão đây nào có rên rỉ, lão chỉ hát cho vơi nỗi buồn, hát cho cái xóm nhỏ này quên thói thất nghiệp ngủ ngày!
- Khoan mang cái triết lý ba xu lẻ của lão ra dọa hàng xóm này, khai mau ra lão buồn chi?
- Hàng xóm nói nghe xem, tại sao lại không buồn chứ! Thiệt là động trời động đất nha…
- Bộ thế giới sắp tận thế, hay là chuyện thành phố mình sắp… không bị ngập nước vì mùa mưa?
- Thế giới vận hành và tồn tại theo cách của nó! Chúa Trời cũng có chương trình của Người để duy trì sự tồn tại của thế giới, theo cách tốt nhất và có ý nghĩa nhất. Những con sâu cái kiến như nhân loại chúng ta can chi lo lắng cho mệt thân! Còn việc ngập lụt vì mưa của Thành phố chúng ta, nghe nói đến năm 2030 sẽ… hết ngập!!! Không biết lão có còn sống đến lúc đó, lo xa chi cho mệt! Nói cho cùng nghe, bận tâm về cái mình “không có khả năng chi…trả” chẳng khác nào muốn lên thiên đàng mà lại không chịu sắm vé vào cửa! Mà thôi, đó là chuyện của các vị lãnh đạo, nói ra nói vô dễ bị lãnh đạn lắm nha! Trở lại chuyện cái nỗi buồn của lão, hôm rầy hàng xóm có nghe cái tin bên nước nào đó, họ “xay” các thai nhi bị bỏ đi như xay bột để làm thuốc bổ không?!
- Thánh thần ơi! Có chuyện đó thật sao? Động trời thiệt đó nha! Lũ nào quân nào mà ác nhân ác đức vậy!!!
- Thì đó, nỗi buồn của lão nằm ở đó đó, từ hổm đọc tin này trên net lão buồn chảy luôn. Lão tự hỏi không hiểu sao lại có kẻ dám làm chuyện vô nhân thất đức vậy! Không coi trời đất thánh thần ra gì thì cũng đành, nhưng mà xay đồng loại như xay cá thịt để trục lợi cho bản thân, thì thật là lương tâm đã chắp cánh bay xa!
- Thiệt tình, nghe lão nói hàng xóm này cũng thấy ớn lạnh dọc sống lưng! Loài cầm thú cũng không nỡ ăn thịt đồng loại, mấy cha nội này thiệt là lương tâm chó tha mất rồi, hổng biết mấy chả trả lời ra sao khi gặp Lucife ở cổng… địa ngục! Mà thôi, lão cũng không nên buồn quá làm chi, buồn không giải quyết được gì đâu. Nhân đây, hàng xóm nghe nói trên Caritas TGP có họp báo gì đó để triển khai kế hoạch Tiếp sức mùa thi gì gì đó. Thay vì ngồi nhà rên rỉ điệp khúc buồn, lão có thể đi lên trển xem có gì hay hay thì góp ý hay góp sức, cái đó gọi là: Việc lớn không… đáng ta làm thì ta… ráng làm chuyện nhỏ vậy mà!
- Ây da, đâu có đơn giản vậy hàng xóm! Làm gì đến lượt ta và chú em xớ rớ. Hơn nữa, đây cũng đâu phải chuyện nhỏ! Chuyện của TGP chứ chơi sao, có cả một “Ban Điều Hợp TSMT” đó nghe, trong đó là toàn các đấng, các bậc chứ chơi đâu. ĐHY Gioan Baotixita TGM của chúng ta cũng rất quan tâm đến chương trình TSMT này đó! Chú em biết không, năm rồi theo số liệu của “Nhịp cầu Caritas” đã có 1.157 người tham gia công tác: tiếp nhận, quản lý, đưa đón, phục vụ… tại 32 địa điểm tiếp nhận tại các giáo xứ, hội dòng, nhà dân.
- Vậy sao, hổng biết số thí sinh nào được phục vụ trong CT. TSMT này của Caritas TGP?
- Hàng xóm biết không, để phục vụ cho 8.547 thí sinh của 25 tỉnh thành trong cả nước, từ Thanh Hóa đến Cà Mau xuôi về Thành phố dự thi! Tổng chi phí ước tính trên 1,5 tỉ. Mà đâu chỉ các thí sinh là người Công giáo, 40% các em được thụ hưởng từ chương trình TSMT do Caritas TGP Sài Gòn tổ chức hằng năm, là các em thí sinh ngoài Công giáo!
- Chà, đã nghe! Nhưng nè, lão có nghe nói chương trình TSMT lấy đâu ra kinh phí tiền tỉ mà lo cho các tiến sĩ tương lai vậy?
- Thì do các đơn vị, các giáo xứ tham gia chương trình TSMT vận động đóng góp chứ đâu ra. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của các vị hảo tâm. Trong cương vị tổ chức, Caritas TGP cũng vận động, hỗ trợ trong khả năng của mình. Có điều lão nghĩ, nếu là việc chung, việc có ý nghĩa thì sợ gì không có người tham gia, đóng góp! Người VN chúng ta nói chung rất coi trọng việc văn chương, thi cử. Giúp các sĩ tử phương xa vừa nói lên lòng hiếu khách, và cũng là để đề cao việc học hành, dùi mài kinh sử để trở thành người hữu dụng cho mai sau. Nhưng trên hết, theo quan niệm và niềm tin của mọi người, đây là việc tu thân, tích đức: Dù xây chín bậc phù đồ (tháp), không bằng làm phước giúp cho một người. Còn riêng đối với con cái nhà đạo chúng ta thì thực thi bác ái không chỉ là giúp đỡ, yêu thương chăm sóc, mà còn là bổn phận và trách nhiệm mà Giáo hội đòi buộc chúng ta phải chu toàn, để xứng là môn đệ của Đức Ki-tô….
- Cha… nghe có vẻ phấn khởi dữ ta! Mà nè, không biết cái chương trình TSMT này liệu có thọ không vậy lão?
- Chương trình TSMT này được khởi xướng từ năm 2002, như vậy đến thời điểm này, CT đã 10 tuổi! Ở Thành phố HCM, theo thông tin từ báo Thanh Niên, CT TSMT năm nay thu hút 13.000 tình nguyện viên tham gia, tư vấn khoảng 250.000 lượt. Tìm giúp 40.000 chỗ trọ - 8.500 chỗ miễn phí - 250.000 cẩm nang mùa thi & 250.000 bản đồ TP.
- Cha… kinh phí chắc lớn bộn à nghe!
- Tất nhiên rồi, lão nghe nói đâu trên 4 tỉ! So với cả ngàn ngàn tỉ thất thoát rò rỉ đâu đó trong các ngóc ngách… tối tăm, thì số tiền ít ỏi bỏ ra để thực hiện cho CT TSMT chẳng đáng là chi, nhưng mang lại một lợi ích thật to lớn. Một bài học sống động về lòng nhân ái, sẻ chia, cảm thông, nâng đỡ, tiếp sức.
- Buồn nghe!
- Hàng xóm buồn gì?
- Thì đó, Caritas TGP mình kinh phí thực hiện CT TSMT năm rồi chỉ hơn 1,5 tỉ trong khi kinh phí của TP là hơn 4 tỉ, nghe phát ghen!
- Chúa Trời ơi! Lại đổ bệnh ghen tị rồi! Chú em nghe lão nói nè. Kinh phí nhiều hay ít chỉ nói lên quy mô của chương trình thực hiện, chứ không phải để đánh giá kết quả của một chương trình. Lấy ví dụ như việc phát quà tết cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt trong hai giáo xứ A và B.
GX A được một vị hảo tâm cho 50 triệu để thực hiện 100 phần quà cho các gia đình có HCĐB. Caritas GX hoan hỉ đón nhận và tổ chức một buổi trao quà thật long trọng và hoành tráng, với sự hiện diện của cha xứ và vị tài trợ!
GX B được cha xứ kêu mời cộng đoàn đóng góp để thực hiện phần quà cho các gia đình có HCĐB, số tiền thu được là 12 triệu và thực hiện được 60 phần quà, các phần quà được trao tay trong thân tình và ấm nồng tình liên đới, sẻ chia, vì tuy ít ỏi nhưng là đóng góp của cả cộng đoàn. Tiền bạc tuy là phương tiện cần để có thể thực hiện các nhu cầu về vật chất, nhưng giá trị hoặc kết quả nó mang lại, không nhất thiết tỉ lệ thuận với… kinh phí bỏ ra!
Trong cả hai trường hợp lão vừa nêu trên, các đóng góp cho công việc bác ái thật đáng quý và đáng được trân trọng, dù là của cá nhân hay của tập thể, vì tất cả đều là công sức, là tấm lòng muốn được cho đi để cảm nếm sự ngọt ngào của cái đụng chạm siêu nhiên! Tất cả các công việc phục vụ tha nhân – là cho chính Chúa – đều trong sâu thẳm với một mong ước tìm đến cái đụng chạm siêu nhiên, niềm hoan hỉ của sự trao dâng! Và như vậy, vật chất có đáng gì để mang ra cân đong, đo đếm, nặng nhẹ, hơn thua?
- Hàng xóm này thật tình xin lỗi vì đã làm cho lão bức xúc trên mức tình cảm! Nghe lão phân giải, quả có sáng ra đôi chút, nhưng vẫn còn thấy hơi chút buồn!
- Chú em buồn gì nữa? Chắc lại buồn vì không được tham gia trong chương trình TSMT năm 2012 của Caritas TGP mình phải không?
- Đó đó, thiệt là trúng ý hàng xóm này, việc có ý nghĩa vậy mà không được tham gia thì buồn… chết luôn!
- Tưởng gì, lão đây có quen sơ sơ mấy soeurs trển, có đồng cắc nào muốn đóng góp cho Caritas TGP lo chuyện đại sự thì cứ đưa đây, lão chuyển cấp kỳ, nhanh hơn… dịch vụ chuyển phát nhanh đó nghe!
bài liên quan mới nhất
- “Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
-
Mừng thọ - Lời tạ ơn và bài học cho người Kitô hữu -
Lắng -
Nhịp bước với Mẹ Maria trong cuộc hành hương hy vọng -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ nhất Năm Sự Sáng - Chúa Giêsu chịu phép rửa -
Hành hương thời Tân ước - Phần 1: Đức Giêsu hành hương lên thánh địa -
Lý do theo Kinh Thánh để chúng ta phải tránh nói hành nói xấu -
Mùa Giáng Sinh lần hạt Năm Sự Vui -
Ba bước chân hành hương thực hiện trong cuộc sống -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 01/2025: Cầu cho quyền được giáo dục
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19