Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích: Hãy vui mừng trở lại với Thánh lễ
WHĐ (15.9.2020) – Ngày 11 tháng 09 vừa qua, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích công bố thư của Đức Hồng y Bộ trưởng gửi các Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo về việc cử hành phụng vụ trong và sau thời gian đại dịch COVID-19 với chủ đề HÃY VUI MỪNG TRỞ LẠI VỚI THÁNH LỄ.
Ủy ban Phụng tự xin giới thiệu bản Việt ngữ của thư này.
Prot. N. 432/20
Hãy vui mừng trở lại với Thánh lễ
Thư gửi các Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo
về việc cử hành phụng vụ trong và sau thời gian đại dịch COVID-19
Đại dịch Covid-19 đã gây nên những biến động không chỉ trong lĩnh vực xã hội, gia đình, kinh tế, giáo dục và lao động, nhưng cả trong đời sống cộng đoàn Kitô hữu, kể cả phụng vụ. Để ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm, cần phải áp dụng nghiêm nhặt việc giãn cách xã hội, một biện pháp ảnh hưởng đến nét sinh hoạt cơ bản của đời sống Kitô hữu: “Nơi đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, Thầy sẽ hiện diện ở đó với họ” (Mt 18, 20); “Các tín hữu luôn chuyên cần lắng nghe giáo lý của các Tông đồ, sống tình hiệp thông, dự lễ bẻ bánh và kiên trì cầu nguyện. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hòa hợp với nhau và để mọi sự làm của chung” (Cv 2, 42.44).
Chiều kích cộng đoàn này mang nhiều ý nghĩa thần học: Thiên Chúa là mối tương quan giữa Ba Ngôi Cực Thánh. Thiên Chúa tạo dựng nhân loại với mối tương quan bổ túc cho nhau giữa người nam và người nữ vì “con người ở một mình không tốt” (St 2, 18). Thiên Chúa thiết lập mối tương quan với người nam và người nữ, đồng thời cũng mời gọi họ liên kết với Người. Thánh Augustinô trực cảm được điều đó khi ngài nói trái tim chúng ta còn mãi thao thức cho đến lúc gặp được Thiên Chúa và nghỉ yên trong Người (xem Tự thuật, 1, 1). Ngay khi khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã gọi một nhóm môn đệ đến với Người, để cùng Người chia sẻ cuộc sống và loan báo Nước Trời; Hội Thánh đã hình thành từ cộng đoàn bé nhỏ đó. Thánh Kinh diễn tả cuộc sống đời đời với hình ảnh một thành phố: Giêrusalem trên trời (xem Kh 21). Thành phố là một cộng đồng cư dân cùng chia sẻ những giá trị nhân sinh, những thực tại nhân bản và tâm linh nền tảng, cùng chung không gian và thời gian, với các tổ chức sinh hoạt và cùng xây dựng các thiện ích chung. Trong khi các dân ngoại xây dựng đến thờ chỉ để dâng kính thần thánh, con người không được phép đến gần, thì các Kitô hữu, ngay khi được tự do phụng thờ Thiên Chúa, đã xây dựng những nơi vừa là nhà của Thiên Chúa vừa là nhà của Hội Thánh, nơi các tín hữu cảm nhận được mình chính là cộng đoàn thuộc về Thiên Chúa, là đoàn dân được quy tụ để phụng thờ Thiên Chúa và được thiết lập là cộng đồng dân thánh. Vì thế, Thiên Chúa phán: “Ta là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân Ta” (Xh 6, 7; Đnl 14, 2). Chúa luôn trung thành với Giao ước Người đã lập (Đnl 7, 9), và Israel trở thành Nhà của Thiên Chúa, là nơi thánh để Thiên Chúa hiện diện trên địa cầu (xem Xh 29, 45; Lv 26, 11-12). Như thế, nhà Chúa phải được hiểu là luôn có sự hiện diện của gia đình những người con cái Thiên Chúa. Ngày nay cũng thế, trong lời nguyện cung hiến thánh đường, Đức Giám mục cầu xin điều thuộc về chính bản chất của thánh đường:
“Xin cho nhà nầy luôn mãi là chốn linh thiêng, […]
Lạy Cha, xin cho nơi đây tuôn trào dòng suối ơn thánh
để tẩy sạch tội lỗi loài người,
và để đoàn con của Cha, nhờ chết đi cho tội,
được tái sinh vào sự sống thần linh.
Xin cho các tín hữu biết quy tụ nơi bàn thờ này
để cử hành lễ tưởng niệm hy tế Vượt Qua,
và để được dưỡng nuôi
nơi bàn tiệc Lời và Thánh Thể Đức Kitô.
Xin cho nơi thánh đường này,
lời chúc tụng ngợi khen của loài người
được vang lên trong tiếng ca của các thiên thần,
và lời cầu nguyện cho thế gian được cứu độ
được bay lên trước tôn nhan Cha.
Xin cũng cho nơi đây,
kẻ nghèo gặp được lòng thương xót,
người bị áp bức tìm thấy tự do,
và mọi người đón nhận phẩm giá của con cái Thiên Chúa,
cho đến ngày hân hoan tiến vào Giêrusalem trên trời”.
Cộng đoàn Kitô hữu không bao giờ tự cô lập hoặc muốn Hội Thánh trở thành một thành phố kín cổng cao tường. Nhận thức giá trị của tinh thần cộng đoàn và hướng đến thiện ích chung, các Kitô hữu luôn muốn hội nhập với xã hội, nhưng vẫn thận trọng không để bị tha hoá - ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian và không trở thành thế gian (xem Thư gửi Diognetus 5-6). Chính hoàn cảnh khó khăn của cơn đại dịch đã tạo nên ý thức trách nhiệm sâu xa hơn. Khi lắng nghe và cộng tác với chính quyền dân sự và các chuyên gia, các Giám mục đã chấp nhận đưa ra những quyết định khó khăn và đau xót, kể cả phải ngưng trong thời gian dài việc cử hành Thánh lễ có giáo dân tham dự. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích chân thành cám ơn các Giám mục đã quan tâm và nỗ lực để có thể ứng phó cách hữu hiệu nhất trước tình huống bất ngờ và vô cùng phức tạp này.
Tuy nhiên, khi có điều kiện, cần phải nhanh chóng trở lại với nếp sống bình thường của đời Kitô hữu, vì thánh đường vẫn là ngôi nhà chung và các cử hành phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ, luôn là “tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Hội Thánh, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho Hội Thánh” (Sacrosanctum Concilium, số 10).
Với niềm xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi nhân loại do chính Người tạo dựng, và cả những thử thách khó khăn nhất cũng có thể mang lại ơn phúc, chúng ta đã chấp nhận tạm xa bàn thờ trong thời gian như thể phải kiêng nhịn, không có Thánh lễ, một dịp tốt để giúp chúng ta tái khám phá tầm quan trọng thiết yếu, nét đẹp và giá trị cao quý vô cùng của Thánh lễ. Ngay khi có thể, chúng ta phải cử hành lại Thánh lễ với trái tim tinh tuyền, với những cảm nhận mới, trong niềm khát khao được gặp Chúa, được kết hiệp với Chúa, được đón nhận và đem Chúa đến cho anh chị em chúng ta qua nếp sống tràn đầy tin cậy mến.
Thời gian thiếu vắng Thánh lễ cũng cho chúng ta hiểu được tâm tư của anh chị em chúng ta, những vị tử đạo tại Abitina (đầu thế kỷ thứ IV), dù biết chắc chắn phải mang án chết, đã bình thản khẳng định trước các quan toà: “Sine Dominico non possumus”. Động từ non possumus (chúng tôi không thể) và danh từ Dominicum (điều thuộc về Chúa) không thể phiên dịch chỉ bằng một từ đơn giản nào được. Hôm nay, chúng ta chỉ có thể diễn đạt những sắc thái tinh tế và ý nghĩa phong phú của câu nói này qua những suy tư thật ngắn gọn như sau:
– Chúng tôi không thể sống, không thể là Kitô hữu, không thể đạt đến mức độ viên mãn của nhân cách và khát vọng sâu xa hướng đến thiện hảo và hạnh phúc, nếu không có Lời Chúa, được định hình trong các cử hành phụng vụ và trở thành lời sống động, do chính Chúa nói với những ai biết mở rộng trái tim để lắng nghe Người;
– Chúng tôi không thể sống như những Kitô hữu, nếu không thông dự vào Hy tế Thánh Giá của Chúa Giêsu, Đấng đã hiến thân chịu chết để cứu độ nhân loại đang chết vì tội lỗi; Đấng Cứu Thế đã đón nhận và đưa nhân loại về với Chúa Cha; trong vòng tay của Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá, toàn thể nhân loại đau khổ tìm được ánh sáng và sức mạnh đỡ nâng.
– Chúng tôi không thể sống nếu không có bàn tiệc Thánh Thể, bữa ăn Chúa dọn ra và mời chúng tôi là những người con, những người anh chị em đến để đón nhận chính Đức Kitô Phục sinh, với cả Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của Người trong tấm Bánh bởi trời, là sức mạnh nâng đỡ chúng tôi trong mọi niềm vui nỗi buồn của cuộc lữ hành trần thế;
– Chúng tôi không thể sống nếu không có cộng đoàn Kitô hữu, gia đình của Chúa; chúng tôi cần gặp gỡ những người anh chị em cùng chia sẻ hồng ân làm con Thiên Chúa, làm em của Đức Kitô, cùng được mời gọi nên thánh và đón nhận ơn cứu độ, dù rất khác biệt nhau về tuổi tác, về hoàn cảnh cá nhân, về các đặc sủng và ơn gọi riêng của mỗi người;
– Chúng tôi không thể sống nếu không có Nhà Chúa, cũng là nhà của chúng tôi, nếu không có nơi thánh để chúng tôi được sinh ra trong đức tin, nơi chúng tôi nhận ra sự hiện diện của Chúa quan phòng và vòng tay xót thương nâng dậy những ai đang quỵ ngã, nơi chúng tôi hiến thánh ơn gọi hôn nhân hoặc tu trì, nơi chúng tôi cầu nguyện và tạ ơn, vui mừng và than khóc, nơi chúng tôi phó dâng cho Chúa Cha những người thân yêu của chúng tôi đã hoàn tất cuộc lữ hành trần thế;
– Chúng tôi không thể sống nếu không có Chúa nhật, ngày của Chúa, ngày mang lại ánh sáng và ý nghĩa cho những chuỗi ngày lao động cũng như cho các bổn phận trong gia đình và xã hội.
Mặc dù các phương tiện truyền thông đang hỗ trợ rất nhiều cho các bệnh nhân và những người không thể đến nhà thờ, cũng như đã phục vụ hữu hiệu cho việc truyền thanh truyền hình các Thánh lễ trong thời gian không thể cử hành với sự tham dự của cộng đoàn, nhưng tham dự từ xa không thể so sánh hay thay thế cho việc tham dự thật sự. Trái lại, nếu chỉ tham dự qua phương tiện truyền thông, chúng ta có nguy cơ sao lãng việc gặp gỡ riêng tư và thân tình với Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, Đấng đã hiến thân vì chúng ta không phải trong một không gian ảo, nhưng là trong thế giới thực, như chính Người đã nói: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, sẽ ở lại trong tôi và tôi ở trong người ấy” (Ga 6, 56). Sự tiếp xúc cách thể lý với Chúa mang tính cách sống còn, cần thiết và không thể thay thế. Với những biện pháp cụ thể để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đã được xác nhận và áp dụng, cần để mọi người trở về vị trí của mình trong cộng đoàn anh chị em tín hữu, hãy tái khám phá giá trị cao quý không thể thay thế của các cử hành phụng vụ, hãy mời gọi và khích lệ những anh chị em đang nản lòng, sợ hãi, đã vắng mặt hoặc nguội lạnh quá lâu.
Bộ Phụng Tự muốn nhắc nhở một số nguyên tắc và gợi ý một vài phương thức để thực hiện việc trở lại với Thánh lễ cách nhanh chóng và an toàn.
Không nên để mối quan tâm về các quy định y tế và an toàn làm cho các cử chỉ và nghi thức phụng vụ trở nên khô cằn vô hiệu, hoặc vô ý tạo nên tâm trạng lo lắng và cảm giác không an toàn nơi các tín hữu.
Các Giám mục cần khôn ngoan nhưng phải dứt khoát giải thích cho các nhà chức trách dân sự hiểu rằng việc các tín hữu tham dự Thánh lễ không chỉ đơn thuần là một cuộc “tụ họp”, và không được xem việc này là một sinh hoạt thứ yếu hoặc tương tự như các hình thức giải trí.
Các quy định về phụng vụ không thuộc thẩm quyền các nhà chức trách dân sự, nhưng hoàn toàn thuộc thẩm quyền Hội Thánh (Sacrosanctum Concilium, số 22).
Nên giúp các tín hữu dễ dàng tham dự các cử hành phụng vụ, nhưng không được tuỳ tiện trong nghi thức, phải tuân hành trọn vẹn những quy định về nghi thức trong các sách phụng vụ. Trong phụng vụ, qua cảm nghiệm về sự linh thiêng, thánh thiện và vẻ đẹp có sức biến đổi tâm hồn, các tín hữu được nếm trước hương vị êm dịu của hạnh phúc đời đời. Vì thế, phải lưu tâm đến tính cách trang trọng của nơi cử hành, các vật dụng thánh, cách thức cử hành, theo như lời dạy của Công đồng Vatican II: “Các nghi thức phải tỏa sáng tính cách đơn sơ cao quý” (Sacrosanctum Concilium, số 34).
Các tín hữu có quyền lãnh nhận Mình Thánh Chúa và tôn thờ Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể theo những cách thức đã được ấn định, không hạn chế, kể cả khi các quy định phụng vụ vượt quá giới hạn các quy định y tế của chính quyền hoặc của các giám mục.
Khi cử hành bí tích Thánh Thể, các tín hữu thờ lạy Chúa Giêsu Phục sinh đang hiện diện; chúng tôi nhận thấy nhiều người đã dễ dàng đánh mất cảm thức tôn thờ Chúa, không còn chầu Mình Thánh Chúa, xin các mục tử, khi dạy giáo lý, nên nhấn mạnh thêm về sự cần thiết của việc tôn thờ Thánh Thể.
Nguyên tắc vững vàng nhất để ngăn ngừa sai lạc, đó là vâng phục, vâng theo những quy định của Hội Thánh, vâng nghe các giám mục. Trong những thời điểm khó khăn (như chiến tranh, dịch bệnh), phải vâng theo những quy định tạm thời của các Giám mục và Hội đồng Giám mục. Sự vâng phục sẽ bảo toàn kho tàng đã được uỷ thác cho Hội Thánh. Các quy định của Giám mục và Hội đồng Giám mục sẽ hết hiệu lực khi hoàn cảnh trở lại bình thường.
Hội Thánh vẫn tiếp tục ân cần chăm lo cho con người toàn diện. Hội Thánh là chứng nhân của niềm hy vọng, mời gọi chúng ta tín thác vào Thiên Chúa, luôn nhắc mọi người nhớ rằng cuộc đời trần thế là quan trọng, nhưng sự sống vĩnh cửu lại quan trọng hơn: cứu cánh và ơn gọi của chúng ta là được thông phần vào chính sự sống của Thiên Chúa cho đến muôn đời. Đó là đức tin của Hội Thánh, được biết bao vị tử đạo và thánh nhân làm chứng qua các thời đại, như một lời loan báo giúp chúng ta thoát khỏi những chủ trương giản lược hoá, san bằng tất cả, và các ý thức hệ mang tính lý thuyết, không thực tế. Hội Thánh muốn lời rao giảng và sự đồng hành tâm linh hướng về ơn cứu độ đời đời luôn được liên kết với mối quan tâm cần thiết đối với sự an lành của cộng đồng. Vì thế, chúng ta hãy luôn tín thác trọn vẹn vào lòng Chúa xót thương, không ngừng kêu lên Đức Trinh Nữ Maria là Đấng cứu kẻ liệt kẻ khốn và phù hộ các giáo hữu, xin Mẹ chuyển cầu cho những ai đang gặp thử thách đớn đau trong cơn đại địch cũng như trong bao nỗi âu lo phiền muộn khác, hãy luôn nhớ cầu nguyện cho những người đã qua đời, và chúng ta hãy là chứng nhân cho Đấng Phục Sinh, đồng thời cũng là sứ giả của niềm trông cậy vững vàng, vượt trên những giới hạn của trần gian này.
Vatican, ngày 15 tháng 8 năm 2020, lễ Đức Maria hồn xác lên trời.
Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong buổi triều yết ngày 3 tháng 9 năm 2020 dành cho Hồng y Bộ trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích ký tên dưới đây, đã phê chuẩn và cho phép công bố Thư này.
Hồng y Robert Sarah
Bộ trưởng
(đã ký)
File PDF bản tiếng Ý
File PDF bản tiếng Anh
File PDF bản tiếng Pháp
bài liên quan mới nhất
- Ngày 12 tháng 01: Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
-
Ngày 06 tháng 01: Lễ Trọng Chúa Hiển Linh -
Ngày 01 tháng 01: Lễ Trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa -
Ngày 29 tháng 12: Lễ Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse -
Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh -
Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024