Ban Loan báo Tin Mừng TGPSG: Đời Sống Thánh hiến với sứ vụ Loan báo Tin Mừng
TGPSG -- “Đời sống Thánh hiến với sứ vụ Loan báo Tin Mừng” là chủ đề của Hội nghị Loan báo Tin Mừng (LBTM) dành cho khoảng 220 người sống đời Thánh hiến trong TGP Sài Gòn tham dự Hội nghị, do Ban LBTM Tổng giáo phận Sài Gòn tổ chức lúc 8g ngày 27-9-2024 tại Trung Tâm Mục vụ TGP Sài Gòn.
Sau phút thánh hóa, linh mục (Lm) Phêrô Hoàng Vương Huynh - thư ký ban LBTM đã giới thiệu thành phần tham dự Hội nghị, gồm có: Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Nguyễn Năng; Linh mục (Lm) Giuse Trần Hòa Hưng - Đại diện Đức TGM Giuse đặc trách Tu Sĩ tại TGPSG; Lm Giuse Nguyễn Quốc Thắng - Trưởng Ban LBTM/TGPSG; Lm Vinh Sơn Vũ Đức Toàn - phó Ban LBTM/TGPSG; các linh mục trưởng Ban LBTM các giáo hạt TGPSG; các vị hữu trách các Dòng tu, Tu Đoàn, Tu Hội, và Ơn Gọi Trợ Tá Tông Đồ (mỗi đơn vị 2 người tham dự).
Phần I – Chia sẻ của Đức TGM Giuse
Đức TGM Giuse bày tỏ niềm vui được gặp gỡ các tham dự viên, trước khi chia sẻ đề tài “Loan báo Tin Mừng nơi TGPSG”, nhằm tiếp thêm lửa giúp linh mục, tu sĩ hứng khởi quyết tâm đi ra LBTM. Đức TGM Giuse nhấn mạnh “Loan báo Tin Mừng luôn luôn cấp bách, luôn mang tính thời sự.”
Theo đường hướng của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Hiệp Hành, Giáo hội đưa ra lộ trình 3 năm cụ thể hóa:
Năm 2023: Củng cố sự hiệp thông.
Năm 2024: Cùng nhau tham gia đời sống Giáo hội,
Năm 2025: Cùng nhau LBTM.
Một cột mốc quan trọng của Giáo hội VN, năm 2033 kỷ niệm 500 năm Việt Nam (VN) đón nhận Tin Mừng (1533 - 2033). Chúng ta phải suy tư rằng tại sao chúng ta dậm chân tại chỗ, suốt 140 năm qua tỷ lệ người Công giáo VN vẫn 7%? Vì vậy, Đức cha Chủ tịch Hội Đồng Giám mục VN sẽ soạn thảo cụ thể lộ trình thực hiện cho toàn Giáo hội VN, để tiến đến mừng ngày kỷ niệm này.
Sứ điệp Truyền giáo của Đức Thánh Cha năm 2024 kêu gọi, dựa vào Lời Chúa; “Các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” (Mt 22,9). Phải lên tiếng mời, mời nhiều lần cho đến khi phòng tiệc đầy người; trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã nói nhiều đến việc đi ra LBTM.
Bài chia sẻ của Đức TGM Giuse nhằm mục đích thêm lửa, thúc giục linh mục, tu sĩ phải quyết tâm làm gì đó đóng góp tích cực cho công cuộc LBTM.
Đức TGM Giuse đã giải thích các từ ngữ: sứ vụ, truyền giáo, Phúc Âm hóa. Và ngài phân tích về 3 lãnh vực:
- Mục vụ: cũng là Phúc âm hóa, mục vụ cho những người đang sống đức tin.
- Tái truyền giáo: cho những người xa rời Hội Thánh, giúp họ khám phá lại niềm tin của họ.
- Truyền giáo: minh nhiên nói về danh Chúa cho những người chưa biết Chúa.
Đức TGM Giuse nhấn mạnh để tránh ngộ nhận:
- Bác ái mới chỉ là dọn đường, mở đường cho truyền giáo chứ chưa phải là truyền giáo.
- Truyền giáo không chỉ là đi ra vùng xa xôi, mà còn phải truyền giáo nơi khu xóm, trong xứ đạo. Xác định rằng truyền giáo là ưu tiên số một, là bổn phận hàng đầu của Hội Thánh, không phải là việc làm thêm. Bí tích Thánh Thể là trung tâm, là nguồn mạch, đích điểm cao trọng của đời sống Giáo hội, nhưng việc đầu tiên phải làm là LBTM. Đức TGM Giuse đã dẫn chứng bằng một số đoạn Tin Mừng và vài số trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Số 15, 25, 27).
Qua những phân tích trên, Đức TGM Giuse đặt câu hỏi: Chúng ta xác định ưu tiên hàng đầu của chúng ta là gì? Các anh chị em của nhà Dòng tham dự hôm nay có tạo được biến chuyển trong các nhà Dòng trong công việc LBTM không? Ngài nhấn mạnh: Truyền giáo là quan trọng, các nhà Dòng phải sai những người ưu tú đi LBTM. Ưu tư nhiều về điều này nên những năm qua Đức TGM Giuse đã sai một số linh mục đến các vùng nóng cần truyền giáo.
Nhìn lại lịch sử Giáo hội VN, các Nhà Thừa Sai truyền giáo xưa kia đi vào Việt Nam để truyền giáo là các vị rất xuất sắc, gieo mầm đức tin kết quả trổ sinh trong Giáo hội, và đã lưu lại một số tác phẩm nổi tiếng, công trình nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng của VN. Vì vậy phải đưa truyền giáo lên mục tiêu hàng đầu, phải đầu tư vào.
Muốn truyền giáo phải “đi ra”. Đây không chỉ là sự hiện diện mà thôi, phải đi khắp thế gian. Ngài lấy gương đi truyền giáo của Lm Piô Ngô Phúc Hậu, của các nữ tu nơi vùng buôn làng. Ngài nhấn mạnh: “Không đi thì không có người biết Chúa.” Chúng ta đi truyền giáo khi đời sống Kitô hữu cảm nhận Chúa Giêsu Phục sinh đem lại niềm vui, hạnh phúc sâu xa, và chúng ta kể lại niềm vui đó cho mọi người Tin Mừng đó.
Muốn truyền giáo phải có đời sống nội tâm sâu xa, có lửa Thánh Thần. Đức TGM Giuse đã dẫn chứng về lịch sử Giáo hội vào thế kỷ 5 - 7, về các đan sĩ sống đời chiêm niệm và truyền giáo, kết quả đã có 7 nước theo Kitô giáo. Các Đan sĩ về thể lý rời Đan viện đi truyền giáo, nhưng nội tâm họ vẫn đang trong Đan viện, đang sống bầu khí chiêm niệm cầu nguyện, lòng đầy Chúa, cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa. Chính nhờ thế, các vị này đã truyền giáo thành công. Đức TGM Giuse lấy gương sống nội tâm, cầu nguyện của một số vị Thánh, của Đức Giáo Hoàng… Nhờ đó có sự phong phú nội tâm, những lời nói của các ngài có tầm ảnh hưởng thế giới.
Trong sách Tông đồ Công vụ, cũng cho thấy khi các tông đồ đầy Chúa Thánh Thần các ngài đã mạnh dạn rao giảng về Chúa Phục Sinh.
Đối tượng truyền giáo. Lời Chúa nói (Mt 22, 9): “Các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới. Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại.” ĐGH Phanxicô nhắc nhở rằng họ có quyền được biết Tin Mừng, được dự bàn tiệc Nước Trời, hạnh phúc đời đời. Chúng ta nhìn lại thấy đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để LBTM. Chúng ta hãy bắt đầu đi, hãy mạnh dạn mở lời, bắt đầu từ cuộc sống thực tế và hãy nói về Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng chúng ta biết nói gì, nói thế nào. Một khi họ biết Chúa rồi thì chính họ trở thành người truyền giáo.
Kết thúc bài chia sẻ, Đức TGM Giuse nhìn nhận: Giáo hội Công giáo đã làm những điều tốt, nhưng chúng ta thiếu lửa, xin Chúa Thánh Thần đốt ngọn lửa trong tâm hồn để chúng ta được đầy lửa, đầy hứng khởi LBTM.
Ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin thánh hóa chúng con, xin giúp chúng con trung thành thực thi lời Chúa và xin mở rộng tâm hồn mọi người để họ tin nhận Thiên Chúa là Cha nhân từ.
Sau bài chia sẻ của Đức TGM Giuse, mọi người chia tổ thảo luận (10 người/tổ) về 3 câu hỏi:
1/ Dòng tu của quý vị đã và đang làm gì cho sứ vụ LBTM tại TGP Sài Gòn?
2/ Theo quý vị TGPSG phải làm gì để LBTM?
3/ Hãy nêu những thuận lợi, khó khăn của việc LBTM tại TGPSG?
Phần II – Các bài chia sẻ
Lúc 10g30, Lm Phêrô Đinh Ngọc Lâm - Chánh xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp DCCT Sài Gòn, chia sẻ về 3 phần:
- Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) tham dự vào sứ vụ LBTM tại TGPSG.
Sứ vụ LBTM tổng quát (dựa quyển “Cộng tác viên của Chúa Thánh Thần”)
Sứ vụ thường bị lẫn lộn với các việc tông đồ, với các việc phải làm vì Nước Thiên Chúa tại những nơi đặc biệt; ta quên rằng sứ vụ trước hết là thuộc tính của Thiên Chúa Ba Ngôi, chứ không phải là hoạt động của Hội Thánh. Sứ vụ (Missio Dei) – Sứ vụ của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của sứ vụ, Hội Thánh là đồng minh, cộng sự của Thần Khí.
1.1 Sứ vụ (Missio Dei): Sứ vụ của Thiên Chúa Cha - Đấng tạo dựng; sứ vụ Chúa Giêsu - Sứ giả của Chúa Cha; và sứ vụ của Chúa Thánh Thần luôn hướng về và gắn liền với sứ vụ của Chúa Giêsu.
1.2 Sứ vụ của Hội Thánh gắn với sứ vụ của Thiên Chúa, chứ không tự mình có. Khởi đi từ sứ vụ của Chúa Cha, Chúa Giêsu và sứ vụ của Thần khí mà Hội Thánh tổ chức lại mình và các hoạt động của mình. Theo cách hiểu này, ta nói Sứ vụ có một Hội Thánh.
1.2.1 Ai tham gia sứ vụ LBTM? Tất cả mọi Kitô hữu tham gia sứ vụ LBTM.
Chúa Thánh Thần là Chủ, chúng ta là cộng sự viên của Ngài, để loan báo về Chúa Giêsu và làm chứng cho Ngài và cho Tin Mừng của Ngài.
Cộng tác với Ngài qua 3 cách: LBTM, Đối diện tam diện (Hội nhập văn hóa, đại kết liên tôn, đối thoại với người nghèo), và Sống sứ mạng của Hội Thánh (cử hành phụng vụ, việc đạo đức, giáo huấn, việc tông đồ, bác ái…). Mục đích để chỉ tay về Nước Thiên Chúa.
- Tu sĩ tham dự vào sứ vụ LBTM
Sứ vụ của Thiên Chúa tạo nên mọi hình thức của đời tu. Không phải đời tu có một sứ vụ, nhưng Sứ vụ của Thiên Chúa và sứ vụ của Hội Thánh có và duy trì đời tu. Đời tu xuất hiện như cách diễn tả có tính đặc sủng của sứ vụ.
Đời tu trước hết là đời sống của Hội Thánh. Do đó Hội Thánh tham gia vào sứ vụ của Thiên Chúa. Điều này giúp ta hiểu Thần Khí đổ xuống trên ta các ân huệ và đặc sủng cần thiết để tiến hành sứ vụ của Thiên Chúa. Nhưng đâu Thần Khí mong chờ nơi đời Thánh hiến nói chung và cho mọi hình thức của đời sống ấy lúc này.
- Tu sĩ DCCT tham dự vào sứ vụ LBTM tại TGPSG.
Lm Phêrô đã nói về lịch sử hình thành, phát triển của DCCT, và sứ vụ LBTM tại TGPSG.
Trong đó, điểm lưu ý là năm 12-3-1963 thành lập GX Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, với nhiều hoạt động Mục vụ và LBTM, phong phú và đa dạng. Sau đó, năm 1971, TGPSG giao cho DCCT tiếp nhận giáo điểm Cần Giờ, có xứ Cần Thạnh và An Thới Đông. Sau 1975, nơi đây trở nên khó khăn về nhiều mặt, giáo dân ít ỏi, hoạt động truyền giáo bị hạn chế, nhưng các linh mục vẫn cố gắng duy trì một số hoạt động mục vụ và LBTM.
Hoạt động nơi GX Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp rất phong phú, đào tạo nhiều nhóm giáo dân, giới trẻ, trở thành những cộng tác viên của GX trong nhiều hoạt động về mục vụ và LBTM; nhiều lớp giáo lý như: thiếu nhi, dự tòng, giáo lý hôn nhân và đã rửa tội cho nhiều tân tòng.
Định hướng về GX của DCCT xây dựng nơi GX một Trung tâm Thừa Sai, nơi đó mọi người cùng tham gia năng động chiều kích Thừa sai.
Tóm kết: Tất cả chúng ta đều là những Thừa sai của Chúa Giêsu Cứu Thế, chúng ta được mời gọi trên những nẻo đường khác nhau, những hội dòng là những bông hoa rực sáng, muôn màu muôn vẻ trong TGPSG. Lm Phêrô cũng đã nêu lên chân dung, những đặc tính của những người thừa sai của DCCT: mạnh mẽ trong Đức Tin, phấn khởi trong Đức Cậy, sốt sắng của lòng Mến, bừng cháy lòng nhiệt thành trong khiêm hạ và bền chí trong cầu nguyện; đi theo Chúa Kitô lòng tràn ngập niềm vui, luôn sẵn sàng đảm nhận những công việc khó khăn; tham gia vào mầu nhiệm Đức Kitô và công bố ra bằng đời sống và lời nói giản dị theo tinh thần Phúc Âm, hầu đem ơn cứu độ chứa chan cho con người.
Giới thiệu khóa đào tạo Mục vụ truyền giáo
Lm Phêrô Đỗ Cao Cương (SVD), Tiến sĩ Thần học Truyền giáo, Giáo sư Học viện Công Giáo (HVCG) giới thiệu về khóa đào tạo Mục vụ truyền giáo, dành cho Lm, tu sĩ và giáo dân; điều kiện đã học ít nhất 2 năm Thần học Giáo dân. Mục đích khóa học, để đáp ứng nhu cầu truyền giáo và năng động hóa tinh thần truyền giáo của Giáo hội địa phương.
Lm Phêrô Đỗ Cao Cương đã thông qua Chương trình Mục vụ Truyền giáo khóa 4, sẽ được khai giảng tại HVCG, vào lúc 7g30, từ ngày14-10-2024 và kết thúc khóa học vào ngày 29-11-2024.
Sau khóa học, học viên có thể đảm nhận những công việc của Ban Truyền giáo trong các giáo phận, hội dòng, và có thể trở thành những cộng tác viên truyền giáo / Tin mừng hóa trong các giáo xứ và các hội đoàn.
Đức TGM Giuse khuyến khích nhiều người tham dự khóa học để có kiến thức trong việc LBTM; bởi vì “Loan báo Tin Mừng luôn luôn cấp bách”.
Tổng kết ý kiến đóng góp
Lm Vinh Sơn Vũ Đức Toàn, tổng kết những ý kiến đóng góp của các tham dự trong buổi thảo luận.
Chương trình LBTM TGPSG
Lm Giuse Nguyễn Quốc Thắng - Trưởng Ban LBTM, trình bày sơ lược Chương trình LBTM TGPSG, gồm các phần:
- Mục tiêu 10 năm của TGPSG (2023-2033),
- Mọi thành phần cùng tham gia LBTM,
- Thực hành việc LBTM,
- Một vài gợi ý cho đời sống Thánh hiến sứ vụ LBTM.
Lm Giuse đã chiếu Video clip về hoạt động LBTM của 4 nhóm LBTM trong TGPSG. Hiện đang có tổng số 60 hội viên và quý thầy Dòng Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại cùng cộng tác.
Lm Giuse Trưởng Ban tóm kết: TGPSG đang tập trung vào sứ mạng LBTM, Đức TGM Giuse kêu gọi mọi thành phần dân Chúa đồng lòng tham gia tích cực, dấn thân trong công cuộc LBTM của TGPSG đạt được thành quả như lòng Chúa mong ước.
Lm Giuse đã cảm ơn Đức TGM Giuse, quý linh mục, tu sĩ và tất cả mọi người đã giúp cho buổi hội nghị hôm nay được tốt đẹp. xin Chúa Thánh Thần đốt ngọn lửa trong tâm hồn để chúng ta được đầy lửa, đầy hứng khởi LBTM nơi TGPSG.
Được biết, mỗi tham dự viên được tặng 1 tập bìa gồm có: Tài liệu Hội nghị, Cẩm nang LBTM (SJ), quyển “Bùng cháy lửa truyền giáo”, 01 bản Kinh Truyền giáo, 01 bản “Các bước Thực hành Truyền giáo”.
Hội nghị kết thúc lúc 12g, mọi người cùng chụp hình lưu niệm với Đức TGM Giuse.
Bài: Tiến Hương Ảnh: Đắc Quyền (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Thánh lễ Truyền chức Phó tế ngày 16-01-2025
-
Giáo hạt Thủ Thiêm với Thánh lễ Tạ ơn và Tất niên 2024 -
Giáo hạt Phú Thọ thường huấn Hội đồng Mục vụ -
Thiếu Nhi Thánh Thể hạt Bình An khai giảng khóa huấn luyện huynh trưởng cấp 1- 2025 -
Giáo hạt Gia Định hành hương Năm Thánh -
Thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2025 -
Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Lễ Đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn 24-12-2024 -
Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm -
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023