Bài học từ những lời Chúa Giêsu nói trên Thánh Giá

Bài học từ những lời Chúa Giêsu nói trên Thánh Giá

Bài học từ những lời Chúa Giêsu nói trên Thánh Giá

TGPSG -- Trong Tuần Thánh, cao điểm của cả năm Phụng Vụ. Chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô chết trên thập giá. Chính nhờ cái chết của Ngài mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Ngài đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha trong sự khiêm tốn tự hạ. Và chính những lời Ngài nói trên Thập giá là bằng chứng cho tình yêu đi đến cùng. Những lời Chúa Giêsu còn là bài học cho mỗi người Kitô hữu, nhất là chúng ta đang sống trong Năm Thánh 2025, “Những người hành hương của niềm hy vọng”

1. Bài học tha thứ

Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Đức Giêsu đã nói lời tha thứ cho những kẻ làm hại Ngài. Bài học cho chúng ta hôm nay là tha thứ. Xem ra, tha thứ cho người khác là điều rất khó. Chúng ta vẫn thường hỏi chính mình: Làm sao tôi có thể tha thứ cho người khác được.  Người làm tổn thương, làm chúng ta đau khổ về thể xác và tinh thần. Chúng ta có kinh nghiệm: người mà mình hết mực yêu thương quay lại làm hại, “chơi xấu” thì ta đau khổ nhất. Thực tế, có những người giận ghét nhau cho đến chết vẫn không tha thứ cho nhau được, những anh chị em ruột thịt, vợ chồng, con cái.

Thế nhưng, khi mang trong mình những nỗi oán hận chúng ta cũng không được bình an. Chúng ta như mang theo bên mình cục đá nặng. Vì thế, nơi thập giá của Chúa Giêsu có bài học của tha thứ. Ngài đã tha thứ cho những kẻ làm hại Ngài, điều mà chính Chúa Giêsu đã dạy trong lời Kinh Lạy Cha: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có lỗi chúng con”. Đây quả là lời của niềm hy vọng, lời chúng ta dành cho nhau trong gia đình, cha mẹ nói với con cái, khi chúng phạm lỗi, những tật xấu, lười biếng, ham chơi, chúng chạy theo những cuộc vui trên mạng xã hội. Cha mẹ dạy con bằng những lời yêu thương, bao dung và tha thứ, để gia đình luôn là mái ấm của yêu thương. Vì tha thứ là tạo cơ hội cho người khác đổi đời, là khơi dậy niềm vui cho những tâm hồn đang sầu khổ chán chường.

Mong sao chúng ta nhớ bài học tha thứ, vì Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước, và tha thứ cho anh em thì tâm hồn chúng ta được bình an nhẹ nhàng.

2. Bài học “Nước Thiên Đàng”

Chúa Giêsu đã nói với anh trộm bên phải: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Với lời hứa của Chúa Giêsu, anh trộm vui mừng biết bao. Hơn nữa, Tin Mừng của thánh Luca nhấn mạnh đến cái “Hôm nay”. Hôm nay là ngay trong hiện tại, là điều chắc chắn, chứ không phải là những hứa hẹn xa xôi. Lời Chúa nói với anh trộm lành là lời hy vọng, tin yêu cho những người tội lỗi. Như anh, chúng ta cũng phải đấm ngực, nhìn lại cuộc sống, thấy mình tội lỗi bất xứng, đã xúc phạm đến Chúa và anh em. Chúng ta tin chắc, ‘Đức Giêsu đã chết cho tôi, để tôi được bước vào nước thiên đàng.’

Nếu chúng ta nhìn nhận mình tội lỗi và kêu xin lòng thương xót của Chúa, thì hạnh phúc thiên đàng là điều trong tầm tay. Nhưng chúng ta thường tự mãn, kiêu căng và thích khoe thành tích đạo đức của mình. Anh trộm lành chỉ nói những lời đơn sơ chân thành đã được Chúa nhận lời. Như vậy, những lời của anh gợi cho chúng ta đến Bí tích Hoà Giải, chúng ta thật lòng ăn năn và quyết tâm chừa bỏ tội để trở về với Chúa. Xin Chúa cho chúng ta biết tìm kiếm hạnh phúc thiên đàng. Nhưng hơn hết, chúng ta thấy mình bất xứng tội lỗi, luôn cần đến Chúa và thưa với Ngài :“Lạy Chúa, xin thương xót con, con tội lỗi yếu hèn”.

3. Bài học của tình mẫu tử

 “Thưa Bà: Đây là con Bà - và đây là Mẹ con.” (Ga 19, 26 -27). Chúa Giêsu nói với Mẹ Maria, Mẹ của Ngài và  với Thánh Gioan Tông đồ những lời trên. Chúng ta được đưa đến tương quan với Mẹ Maria. Từ nay, Mẹ Maria không chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu, nhưng còn là Mẹ của các Kitô hữu và là Mẹ của Giáo Hội.

Trong đời sống, người mẹ có một vai trò rất quan trọng. Có Mẹ là có tất cả, còn người con mất mẹ thì thiếu đi tình thương và sự chăm sóc. Như vậy, Mẹ Maria là Mẹ thiêng liêng của chúng ta. Mẹ hiểu được những nỗi đau, những sự khốn cùng và tội lỗi của chúng ta. Nhờ tình mẫu tử mà chúng ta được lớn lên trong sự gắn bó với Mẹ Maria. Hơn nữa, chúng ta học với Mẹ sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã luôn cảm nghiệm được sự che chở gìn giữ của Mẹ Maria trong suốt hành trình cuộc sống. Từ khi lên 9 tuổi ngài đã mất đi mẹ ruột của mình, kể từ đó và cho đến khi làm Linh mục, Giám mục và sau cùng là chủ chăn của Giáo Hội hoàn vũ, ngài đã chọn khẩu hiệu “Totus Tuus”, phó dâng tất cả cuộc đời cho Mẹ Maria.

 Ước gì chúng ta biết chạy đến với Mẹ Maria, vâng nghe theo những gì Mẹ dạy, vì Mẹ luôn sống đẹp lòng Chúa và chỉ nhờ Mẹ chúng ta mới có thể đến với Chúa Giêsu.

4. Bài học “bị bỏ rơi”

Chúa Giêsu kêu lên với Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ Con?” (Mt 27, 46)

“Bị bỏ rơi” là tình trạng của rất nhiều người trong xã hội hôm nay, xã hội vội vã tốc độ. Những người già, những người đau bệnh, những người cô đơn, những người không có những điều kiện sinh hoạt tối thiểu, ăn uống, ngủ nghỉ, đang kêu lên cùng Chúa như thế.

Chúa Giêsu trên Thập Giá đang chia sẻ mọi đau khổ của con người. Với bản tính con người, Chúa Giêsu kêu lên cùng Chúa Cha. Chúng ta được nương tựa bởi những lời này của Chúa Giêsu, để nếu ai đang gặp đau khổ thì tìm thấy niềm hy vọng. Và hơn nữa, chính chúng ta phải ra tay giúp đỡ, chia sẻ cho những người đau khổ túng thiếu. Có thể ngay trong gia đình chúng ta có những người đang đau bệnh, người vợ, người chồng không được quan tâm và lắng nghe. Tiếng nói quyết định trong gia đình phụ thuộc vào người chồng làm ra nhiều tiền, ngay trong gia đình cũng có người thân bị coi thường và bỏ quên. Cha mẹ không lắng nghe con, chỉ muốn áp đặt con cái trong giáo dục học hành và sự nghiệp tương lai của chúng.

Lời của Chúa Giêsu nhắc chúng ta biết quan tâm đến người khác. Trên thánh giá của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi đặt lại trật tự, hãy để cho tình yêu được tôn vinh chứ không phải là kim tiền, không phải chúng ta chọn lối sống “phông bạt” muốn thể hiện và hình thức bề ngoài, nhưng luôn sống chân thành với nhau.

5. Bài học khao khát gặp gỡ và kết nối

 Tiếng Chúa Giêsu kêu lên “Ta Khát” (Ga 19, 28), khi Ngài rơi vào tình trạng khát thể lý, sau khi đã trải qua con đường vác thập giá đến kiệt sức, bị đánh đòn, bị chế diễu và nhạo cười. Thế nhưng cơn khát thể lý không mạnh bằng những cơn khát lớn hơn. Khát khao yêu thương. Ngài mang ơn cứu độ đến cho loài người, để con người nối kết lại với Chúa và với nhau. Đức Giêsu sửa chữa những đổ vỡ của Ađam do tội nguyên tổ gây ra. Chính sự vâng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa, Đức Giêsu đưa chúng ta đến cuộc sống mới. Tình yêu đã chiến thắng hận thù và chia rẽ. Hôm nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta khát khao yêu thương, mong muốn được gặp gỡ và nối kết, để gia đình và cộng đoàn chúng ta tìm thấy bình an. 

Trong một gia đình, nhiều người mong muốn có bữa ăn cơm chung với nhau, vợ chồng, con cái nói chuyện với nhau, tắt ti-vi, mạng xã hội, để có những giây phút bên nhau trọn vẹn. Xin Chúa cho mỗi người và mỗi gia đình luôn khao khát mang đến những điều tốt đẹp cho nhau.

6. Bài học của chu toàn bổn phận

Mọi sự đã hoàn tất (Ga 19, 30), Đức Giêsu kêu lên như thế để nói với chúng ta. Ngài đã thực hiện chương trình kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Giờ cứu độ đã đến. Từ nơi thập giá, Chúa Giêsu chịu chết, tiếng ca chiến thắng của tình yêu được cất cao lên. Chúa Giêsu đề cao tình yêu đi đến cùng. Yêu thì không có đau khổ. Chúng ta học được bài học dấn thân cho sứ vụ làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời này. Ai trong chúng ta cũng có bổn mạng phải chu toàn, bổn phận làm chồng, làm cha, làm vợ, làm mẹ. Chúng ta đừng ngại khó khăn, vất vả, đừng sợ thiệt thòi và mất mát hy sinh, nhưng hãy thực hiện vì tình yêu.

Năm Thánh 2025, mời gọi chúng ta chiêm ngắm sự chết của Đức Giê-su là niềm hy vọng cho con người ngày nay.  Chúng ta có thể nên thánh trong bổn phận của mình. Với Đức Giêsu chết trên Thập giá, Ngài đang mời gọi chúng ta bước đi trong niềm vui mừng và hân hoan, bởi chúng ta luôn tin tưởng cậy trông nơi Chúa.

7. Bài học của sự tín thác phó dâng

Lạy Cha, Con phó linh hồn trong tay Cha” (Lc 23, 46). Với lời sau cùng này, Đức Giêsu tắt thở. Thế nhưng, cái chết của Ngài không phải là khép lại, không phải là kết thúc, thất bại, thua cuộc, nhưng là mở ra cuộc sống mới. Người Kitô hữu chúng ta vẫn tuyên xưng trong mỗi thánh lễ: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến”.

Tuyên xưng như vậy là chúng ta đang sống niềm hy vọng Kitô giáo. Đứng trước cái chết, nhiều khi chúng ta cảm thấy bất lực, chẳng thấy có gì để tin tưởng hy vọng. Thế nhưng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, nên cuộc đời chúng ta không bị đẩy vào ngõ cụt. Nhưng trong thử thách gian nan chúng ta luôn tín thác, dâng cho Chúa cả cuộc đời mình, tùy thuộc vào Chúa, cho dù chúng ta đang cô đơn, đau bệnh.

Xin Chúa nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng ta, để nhờ đó chúng ta xác tín rằng: Có Chúa luôn kề bên. Ước gì nghe lời nói sau cùng này của Chúa, chúng ta dừng lại trong thinh lăng, thiết tha cầu nguyện với Chúa giữa cuộc đời đầy sóng gió thử thách, vì ngay lúc chúng ta tưởng như “chết đến nơi” rồi, thì vẫn còn đó niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.

Bài: Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)

 


 [A1]

Top