Bài học từ các Thánh lễ an táng
TGPSG -- Trong hơn 2 tuần vừa qua, tại nhà thờ Hòa Hưng có rất nhiều lễ an táng. Chỉ trong một tuần có 4 người được Chúa gọi về. Hầu hết là những người lớn tuổi, những người nằm đau bệnh lâu năm. Là người Kitô hữu, tôi liên đới cầu nguyện cho người đã ra đi và chia sẻ với các gia đình. Có người nói rằng: Có lẽ thời tiết nóng bức, thay đổi, làm cho những người già, người bệnh dễ ra đi. Và trong những ngày này, giáo xứ Hòa Hưng đang là “vô địch”, có nhiều người ra đi nhất. Có những buổi sáng thánh lễ an táng của 2 người.
Tất cả những chuyện ấy là chuyện bình thường trong cuộc đời. Vì có người sinh ra đời, thì cũng có người ra đi. Nhưng đó là lời nhắc nhở tôi. Chỉ có cái chết là điều chắc chắn nhất trong cuộc đời. Tôi biết rằng, tôi sẽ chết. Cái chết mãi mãi là một huyền nhiệm, người ta không biết được chính xác ngày nào mình sinh ra, hay mình sẽ chết cách nào, dẫu người ấy nằm bệnh lâu năm, dẫu họ đã cạn kiệt sinh lực.
Thánh Augustinô cho rằng: “Sự chết là thầy dạy”. Qua những cái chết mà tôi học sống để nâng niu cuộc sống của mình và của những người khác, sống sao cho xứng đáng là con cái Chúa, là môn đệ trung tín của Đức Giêsu.
Tôi không những biết tôn trọng sự sống của mình, nhưng còn làm cho người thân của mình hạnh phúc, được yêu thương nơi gia đình. Vì tôi nhìn thấy người khác là hình ảnh sống động của Thiên Chúa.
- Hai cuộc đời một cuộc gặp gỡ với Chúa là Chúa của Sự Sống.
Trong thánh lễ an táng lúc 5g sáng thứ Bảy ngày 15-6-2024. Đây được xem là thánh lễ an táng “lớn” của ông cụ 83 tuổi. Bởi ông cụ có nhiều mối liên hệ gia đình, cụ đã tham gia các sinh hoạt, các công việc của giáo xứ. Nhưng cũng trong thánh lễ này, cộng đoàn tiễn biệt một em mới 7 tuổi. Khi còn sống, em bệnh không biết gì, cũng nằm 1 chỗ, chỉ mới rửa tội theo đạo vài ngày trước, sau đó lãnh Bí tích Xức Dầu, cuộc đời em quá ngắn ngủi. Em ra đi như một thiên thần..
Thế là cả ông cụ và em cùng được kêu mời ra đi trình diện Chúa. Mọi sự đều thuộc về Chúa. Chúa là lẽ sống cho cuộc đời. Cộng đoàn giáo xứ hiệp lời cầu nguyện cho ông cụ và em, trao phó hai con người cho lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa.
Như thế, mỗi người Chúa ban cho khả năng khác nhau, để làm chứng tá cho Chúa. Trước mặt Chúa, không ai hơn ai, không còn trên dưới, cấp bậc, không so sánh hơn thua theo kiểu con người, chỉ còn lại tình yêu thương, ai cũng được Chúa yêu thương. Ông cụ và em bé đều ra đi trong sự yêu mến tiếc thương của mọi người. Hai cuộc đời khác lắm nhưng cả hai đã sống cuộc đời như là ân huệ Chúa ban.
Qua Thánh lễ cầu nguyện cho em và ông cụ, anh chị em tín hữu gặp gỡ nhau trong cùng một niềm tin. Chính lúc này, niềm tin Kitô giáo soi chiếu cho thấy rằng: tôi cần tìm kiếm Thiên Chúa trước, cậy trông nơi Ngài hơn nữa. Chúa ban cho khả năng nhiều, thì tôi góp phần của mình nhiều hơn làm cho nước Chúa. Không cuộc đời nào là vô nghĩa, vì chính Thiên Chúa đã dựng nên thật tốt đẹp. Người lớn tuổi, người trẻ, các em nhỏ, người mạnh khỏe, người đau yếu, mọi người cần được yêu thương và tôn trọng, đừng xem thường bất cứ một ai trong cuộc đời này. Cái chết là điểm chung cho tất cả phận người.
Thật vậy, khi tham dự thánh lễ an táng cho ông cụ và em bé, tôi nghe như chính Chúa Giêsu đang nói với mình: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6:33)
Tôi đang tìm kiếm gì cho cuộc đời này, tìm kiếm Nước Thiên Chúa hay tôi đang tìm mọi cách để làm cho mình được hơn người và chỉ nhằm thỏa mãn cái tôi.
Như thế, việc cần làm là phải gắn bó với Chúa, ưu tiên cho Nước Chúa và những giá trị vĩnh cửu.
Có thể hôm nay tôi đang chạy theo “guồng máy” kiếm tìm của cải vật chất. Vì phải có tiền mới sống được, thậm chí đủ sống thôi thì không được, phải làm giàu, phải có cuộc sống hưởng thụ, đi du lịch, nghỉ dưỡng, tất cả đều là “đẳng cấp”, hạng sang hơn người tôi mới chịu !
Con cái cha mẹ cho đi học đủ mọi thứ, phải lo cho con đi nước ngoài. Hằng tuần, cha mẹ cho con học cả ngày Chúa Nhật và hiện nay ngày có nhiều bậc cha mẹ Công Giáo không quan tâm đến chuyện giáo dục đức tin cho con, không tạo cho con mình một môi trường gia đình cầu nguyện qua các giờ kinh tối.
Bình thường, tôi không nghĩ đến “cùng đích” hay Nước Thiên Chúa, khi còn trẻ, còn khỏe, chỉ lao mình làm giàu, kiếm tiển và những cuộc vui bên bàn nhậu, làm việc quên nghỉ ngơi ăn uống, làm việc đến đổ bệnh, thì lại bỏ tiền đi chữa bệnh. Nhiều bạn trẻ làm việc gần 20 giờ đồng hồ một ngày, ăn ngủ nghỉ chỉ còn có 2-3 giờ, thức khuya thâu đêm, tương lai đau bệnh là cái chắc.
- Sống là làm đẹp lòng Chúa.
Trong những ngày giữa khung cảnh ảm đạm của các lễ tang. Thánh Phaolô nhắc nhở trong thư thứ II gởi giáo đoàn Côrintô như sau : “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2Cr 5,1)
Ngôi nhà ở trên trời, tôi có chưa nhỉ? Tôi có ra sức xây dựng ngôi nhà ấy bằng bác ái yêu thương, bằng sự hy sinh quên mình cho người khác, nhất là lo phần rỗi đời đời cho con cái mình?
Và còn nữa, thánh nhân chỉ dạy khi sống ở đời “Dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người” (2Cr 5,9)
Lạy Chúa, giữa cảnh ảm đạm của sự chết, mất mát, chia ly, xin cho chúng con biết nâng đỡ, động viên nhau sống đức tin. Và bằng lời nói, suy nghĩ và hành động, chúng con sống làm đẹp lòng Chúa, làm cho người khác nhận biết Chúa là Thiên Chúa của Sự Sống và Tình Yêu. Amen.
Bài: Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem
-
Giáng sinh trong thời chiến -
Bừng sáng Tình Yêu -
Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui nào? -
Mầu nhiệm Nhập Thể - Mầu nhiệm Chữa Lành -
Đức Giê-su Ki-tô - Đường hiện diện -
Những người thợ thầm lặng bên máng cỏ Hài Nhi Giêsu -
Chuẩn bị hang đá tâm hồn để đón chờ Chúa Giáng sinh -
Cầu nguyện như thánh Augustinô -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba Năm Sự Vui - Chúa Giêsu Kitô giáng sinh
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19