Bài giảng lễ Thiếu nhi: Chúa Nhật 3 Thường Niên - Năm A (Lm. ĐTQ)

Bài giảng lễ Thiếu nhi: Chúa Nhật 3 Thường Niên - Năm A (Lm. ĐTQ)

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN

Mt  4,12-23

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Suốt mấy tuần qua chúng ta đã được Giáo Hội giúp cho chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu: Gặp gỡ Chúa Giêsu trong máng cỏ Belem, gặp gỡ Chúa Giêsu bên bờ sông Giodan khi Chúa đến xin Gioan Tẩy Giả làm Phép Rửa cho Ngài.

Qua các lần gặp gỡ này, chúng ta đã được biết Chúa Giêsu là ai, Ngài được Thiên Chúa Cha sai xuống trần gian này để làm gì.

Hôm nay Tin Mừng thuật lại cho chúng ta về việc Chúa bắt đầu thì hành sứ vụ Thiên Chúa Cha trao phó.

A. Khi bắt đầu sứ vụ Chúa Cha trao phó chúng ta thấy Chúa Giêsu đã có hai đã có hai chọn lựa rất quan trọng. Đây là những chọn lựa có tính toán cẩn thận vì nó quyết định cho sự thành bại trong công việc của Chúa. Nếu chúng con hỏi cha tại sao Chúa Giêsu phải làm thế thì cha có thể trả lời cho chúng con ngay: Tại vì Chúa phải thi hành sứ vụ Thiên Chúa Cha trao phó cho con người và giữa loài người cho nên Chúa cũng phải nghĩ đến những phương pháp của con người.  Vậy thì Chúa đã làm gì? Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy, khi bắt đầu công việc rao giảng Tin Mừng

1. Trước hết Chúa Giêsu đã chọn cho mình một địa điểm. Địa điểm đó là miền Galilê.

Chúng ta biết nước Do thái thời Chúa Giêsu có ba miền rõ rệt.

Miền Bắc có tên là Galilê, miền Trung có tên là Samaria, miền Nam có tên là Giuđêa. Mỗi miền có những đặc tính riêng của nó giống như ở Việt Nam chúng ta vậy.

Nếu chúng con hỏi tại sao Chúa không chọn miền Giuđêa là miền quan trọng hơn vì có thủ đô Giêrusalem mà lại chọn Galilêa là miền đất mà người Do thái gọi là miền đất của dân ngoại?

Nếu đọc kỹ Tin Mừng chúng con thấy Chúa thật khôn ngoan.

Chúa chọn miền Galilê bởi vì đây là miền mà dân chúng ta có những đức tính rất đặc biệt. Họ sẵn sàng mở cửa đón nhận những ý niệm mới. Sử gia người Do Thái Giosephus nói về người Galilê như thế này: “Bao giờ họ cũng thích đổi mới, bản tính họ thích thay đổi và thích bạo động. Họ luôn luôn sẵn sàng theo một thủ lãnh và phát khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi tiếng là người nóng tính và thích cãi vã. Tuy nhiên họ cũng là những người hào hùng nhất”. Đặc tính bẩm sinh của người Galilê khiến cho việc truyền giảng nơi họ rất thuận lợi. Thái độ cởi mở đón nhận những tư tưởng mới cũng là một yếu tố rất quan trọng đối với Chúa.

Hơn nữa Galilê còn là một địa danh có những con đường lớn. Mọi con đường lớn của thế giới đều đi ngang qua Galilê. Người ta thường nói: “Giuđê không có đường đi đâu hết, còn Galilê đi khắp nơi”. Giuđê có thể dựng nên một hàng rào để chặn đứng những ảnh hưởng và tư tưởng ngoại bang, còn Galilê không bao giờ làm được như vậy. Galilê là miền dành cho những điều mới mẻ xâm nhập. Như vậy Chúa chọn Galilê là rất hợp lý. Với Galilê, Chúa thấy người ta sẽ dễ dàng đón nhận những lời rao giảng mới mẻ của Chúa hơn, đồng thời cũng với Galilê những lời rao giảng của Chúa sẽ được loan truyền đi khắp nơi nhanh hơn. Chính vì thế mà Chúa đã chọn Galilê. Cha có thể nói đó là một sự chọn lựa tuyệt vời.

2. Tiếp đến Chúa chọn những môn đệ.

Đây cũng là một chọn lựa quan trọng.

Chúng con thấy việc rao giảng Tin Mừng của Chúa là việc làm cho con người và vì con người. Chính vì thế mà Chúa không làm việc một mình. Chính vì là công việc cho con người và vì con người nên Chúa đã phải nghĩ đến cả một tương lai xa khi Chúa không còn ở trên trần gian này nữa. Chính vì thế mà Chúa phải chuẩn bị mọi sự để khi Chúa làm xong công việc của mình thì phải có người tiếp tục công việc của Chúa cho tới ngày tận thế.

Trong số những đến nghe Ngài rao giảng, Chúa Giêsu đã chú ý tới hai cặp anh em. Họ đều là những ngư phủ đang hành nghề trên biển Galilê. Họ không phải là những học giả uyên bác, hoặc những người có ảnh hưởng lớn. Họ không giàu sang, không có địa vị trong xã hội. Họ không phải là những người nghèo mạt mà chỉ là những công nhân bình thường. Chúa Giêsu đã chọn lựa những người bình thường này. Và với những người như thế Ngài đã dùng họ để làm bất cứ công tác nào.

Nhiều học giả cho rằng sở dĩ Chúa chọn những ngư phủ lành nghề như vậy là vì họ có một số đức tính thật cần thiết để có thể trở thành những tay đánh lưới người cho Chúa như Chúa nói. Những người được Chúa chọn phải có những đức tính như một người chài lưới. Họ phải là những biết kiên nhẫn, Bền chí, can đảm biết nắm bắt thời cơ, biết dùng mồi thích hợp, quảng đại vv

Vâng Chúa Giêsu đã chọn lựa Galilê là miền đất được chuẩn bị kỹ lưỡng để tiếp nhận hạt giống Tin Mừng và cũng đã chọn người con người có phẩm chất đạo đức tốt để bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Nói theo kiểu Đông phương chúng ta: quả là đã đủ mọi yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa...

B. Phần chúng ta, chúng ta cũng hãy làm môn đệ cho Chúa. Chẳng thiếu gì việc, cũng chẳng thiếu gì cách chúng ta có thể tiếp tục công việc của Chúa ngay trong xã hội  hôm nay. Cha xin đan cử một thí dụ:

Một ngày kia khi đến Melbourne bên Australia, Mẹ Têrêxa Calcutta đã đến thăm một người nghèo không ai biết đến. Người này sống trong một căn phòng rất tôi tệ, đồ đạc dơ bẩn ngổn ngang. Phòng không có cửa sổ mà cũng chẳng có lấy một bóng đèn.

Mẹ Têrêxa bắt tay vào việc thu dọn đồ đạc.

Ông gắt lên: 

- Cứ để yên mọi thứ cho tôi.

Nhưng mẹ cứ tiếp tục. Sau khi mọi thứ đã ngăn nắp, mẹ tìm thấy một chiếc đèn trong góc phòng. Đèn bám đầy bụi bặm, chứng tỏ lâu lắm rồi không ai đụng đến. Mẹ lau chùi sạch sẽ rồi hỏi:

- Sao lâu nay ông không thắp đèn lên, 

- Thắp làm chi. Có ai đến thăm tôi đâu. Tôi đâu cần thấy mặt ai.

- Thế ông có hứa sẽ thắp đèn lên khi một nữ tu của tôi đến thăm ông không?

- Vâng. Nếu tôi nghe có tiếng ai đến thì tôi sẽ thắp đèn lên.

Từ đó mỗi ngày hai nữ tu của mẹ Têrêxa đều đến thăm ông và giúp đỡ ông. Một hôm ông nói với một trong hai nữ tu ấy.

- Bây giờ tự tôi, tôi đã biết thu dọn phòng tôi rồi. Nhưng xin làm ơn về nói với nữ tu đầu tiên rằng: ngọn đèn mà bà đã thắp lên nay vẫn sáng. (Trích "Sợi chỉ đỏ”).

Ngọn đèn Mẹ Têrêxa thắp lên cho ông cụ nầy nay vẫn sáng.

Vâng chúng ta hãy làm sáng lên trên thế giới hôm nay ánh sáng của tình thương, của tình người, của chân lý để ánh sáng ấy làm cho cuộc sống của con người trên thế giới hôm nay có được một ý nghĩa cao đẹp và hạnh phúc hơn. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top