Bài giảng Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ (29/06)
THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ
HAI CON NGƯỜI MỘT CON ÐƯỜNG
A. Nhìn vào đời sống tự nhiên, ta thấy hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô có nhiều dị biệt.
+ Thánh Phêrô có thân thể to lớn vạm vỡ trong khi Thánh Phaolô là một nguời bé nhỏ, gân guốc. Thánh Phêrô là một ngư phủ quen làm việc trên biển.
+ Thánh Phaolô là một nhà trí thức quen làm việc với sách vở. Thánh Phêrô thuộc tầng lớp bình dân. Thánh Phaolô thuộc tầng lớp biệt phái. Thánh Phêrô là một trong những Tông đồ đầu tiên trong khi Thánh Phaolô là Tông đồ cuối cùng được Chúa kêu gọi.
B. Nhưng hành trình tâm linh của các ngài có nhiều điểm tương đồng.
Ðiểm tương đồng thứ nhất là Chúa đã huấn luyện các ngài bằng cách để cho các ngài trải qua một kinh nghiệm hư vô.
Thánh Phêrô là con người tự tin. Trong nhóm 12, ngài là người mạnh dạn phát biểu truớc mỗi câu hỏi mà Ðức Giêsu đặt ra. Ngài tin tưởng vào khả năng, vào đức tin, vào sự trung tín của mình. Ngài mạnh dạn nói với Ðức Giêsu: "Dù mọi người có bỏ Thầy, con quyết liều mạng vì Thầy"(mt 26,33). Ðể huấn luyện ngài, Chúa đã để ngài trải qua nhiều thất bại: suốt đêm đánh cá mà không được gì; đang đi trên mặt nuớc thì bị chìm xuống; nhưng thất bai ê chề đau đớn nhất là ngài đã hèn nhát chối Thầy trước mặt một người thị nữ tầm thuờng. Qua thất bại đó, ngài mới biết rõ con người thực của mình là yếu hèn, khả năng của mình là bé nhỏ, sự trung tín của mình là mong manh, và đức tin của mình là bọt bèo. Thất bại đã khiến ngài thấy mình chẳng là gì, chẳng có gì ngoài một vực thẳm hư vô. Thất bại đã giúp ngài biết hạ mình khiêm nhường thẳm sâu cho đúng với sự thực của mình.
Thánh Phaolô cũng trải qua một kinh nghiệm tương tự. Ngài rất tự hào, tự tin vào dòng dõi, khả năng, và đạo đức của mình. Ngài đã nói: "Nếu ai khác có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn: tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, họ Bengiamin, là người Hípri, con của người Hípri; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi" (Phil 3,4b). Nhưng trên đường đi Ðamas, khi Phaolô bị ngã từ trên lưng ngựa xuống đất thì niềm tự tin tự hào kia cũng biến mất. Bị ngựa hất xuống đất Phaolô chợt nhận ra rằng niềm tự hào của mình chỉ là què quặt. Bị ánh sáng từ trời chiếu loá mắt, Phaolô chợt nhận ra rằng ánh sáng trí thức nơi mình chỉ là bóng tối. Bị ngựa hất xuống đất, Phaolô mới hiểu rằng sức riêng của mình cùng với những phương tiện trần gian chẳng đưa mình đi tới nơi. Bị mù mắt Phaolô mới hiểu rằng không có ánh sáng của Chúa, chẳng có ai nhìn ra chân lý. Và ngài đã nhận ra: chỉ còn một con đuờng duy nhất là phải hạ mình xuống thật sâu thì mới có thể nhận ra sự yếu hèn và hư vô của mình.
Ðiểm tương đồng thứ hai là cả hai ngài đều có cảm nghiệm sâu xa về tình yêu Thiên Chúa.
Phêrô được sống bên Ðức Giêsu trong 3 năm trời. Trong 3 năm đó, ngài đã được Chúa yêu thương, chăm sóc, dậy dỗ. Nhưng cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Ðức Giêsu chỉ đến với ngài khi ngài phạm tội. Sau khi ngài chối Chúa 3 lần, gà liền gáy, và từ trong dinh Caipha, Ðức Giêsu đưa mắt nhìn Phêrô (Lc 22,61). Suốt đời Phêrô sẽ không quên được ánh mắt ấy. Ánh mắt đau đớn của một tình yêu bị phản bội. Ánh mắt trách móc sự vô tình. Nhưng ánh mắt cũng mở ra một trời bao dung tha thứ. Ánh mắt ấy cho Phêrô nhận thức được tội lỗi vô cùng nặng nề của mình, nhưng đồng thời cũng bộc lộ cho ngài tình yêu vô cùng lớn lao của Ðức Giêsu. Cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa đã giúp ngài tin tưởng ăn năn trở về. Cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa đã đưa ngài tiến một bước rất dài trên hành trình tâm linh. Từ nay ngài mới thực sự gắn bó với Ðức Giêsu, sẵn sàng làm mọi sự, kể cả chịu chết vì Danh Thầy chí thánh.
Còn Thánh Phaolô, tuy ngài không nói ra, nhưng ta biết chắc ngài đã được tiếp xúc thân mật với Ðức Kitô phục sinh, được Ðức Kitô trực tiếp dạy dỗ, và được đưa lên tầng trời thứ 3. Chắc chắn ngài đã cảm nghiệm được tình yêu vô biên của Thiên Chúa nên ngài luôn kết hợp mật thiết với Ðức Kitô đến độ ngài không còn sống nữa mà "chính Ðức Kitô sống trong ngài". Sự kết hợp ấy mật thiết và sâu xa đến độ "dù sự sống hay sự chết, dù hiện tại, tương lai, dù thiên thần, thiên phủ, dù hiểm nguy, khốn khó, dù trần truồng đói khát, dù khổ cực cay đắng," không có gì có thể tách ngài ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Ðức Kitô.(Rm 8,38)
Ðiểm tương đồng thứ ba là các ngài cùng bị nung đốt bởi một ngọn lửa: lửa nhiệt tâm truyền giáo.
Ðời các ngài là một hành trình truyền giáo không mệt mỏi. Các ngài ra đi, ra đi không ngừng để đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới. Các ngài dùng mọi dịp, mọi hoàn cảnh để loan báo Ðức Kitô. Bị đe doạ, bị đánh đòn, bị bắt bớ, bị hiểm nguy, các ngài vẫn kiên trì, hiên ngang, vui tươi rao giảng Lời Chúa. Ta hãy nghe Thánh Phaolô kể: "Năm lần bị đánh đòn, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục, ba lần bị tra tấn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tầu...". Các ngài chịu đủ mọi thứ nguy hiểm: "Nguy hiểm vì sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cuớp, nguy hiểm vì người đồng chủng, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm nơi thành thị, nguy hiểm chốn hoang vu, nguy hiểm trên biển cả, bởi thao thức thuờng ngày, bởi đói khát, bởi nhịn ăn, bởi lạnh giá, bởi mình trần" (2Cr 11,23-27). Ngọn lửa ấy thiêu đốt các ngài mãnh liệt đến độ Thánh Phaolô phải thốt lên: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng"(1Cr 9,16). Lửa nhiệt tâm truyền giáo đã đưa các ngài tới điểm tương đồng cuối cùng là dâng hiến chính mạng sống làm chứng cho Ðức Kitô.
Hành trình tâm linh của các ngài cũng là hành trình mà mọi nguời phải theo nếu muốn tiến bước trên đường thánh đức. Khởi điểm của hành trình là nhận thức mình tội lỗi yếu hèn, cần ăn năn trở về, cần được ơn cứu độ. Nhận thức sự hư vô của mình để bám chặt vào Thiên Chúa, phó thác cho Thiên Chúa tất cả cuộc đời mình. Nhận thức ấy đưa ta đến khiêm nhường sâu xa. Một toà nhà càng muốn xây cao, nền móng càng phải chìm sâu. Một sự khiêm nhường càng sâu xa càng giúp ta tiến xa trên con đuờng tìm Chúa và gặp Chúa. Một khi đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trong đời mình, ta sẽ bị tình yêu Chúa thiêu đốt. Ngọn lửa yêu mến ấy sẽ thúc bách ta hăng say làm việc tông đồ.
Tạ ơn hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô đã mở cho ta con đường tìm đến tình yêu Chúa và đến với anh em. Xin hai Thánh Tông đồ giúp chúng con biết tiến bước theo các ngài trên con đường theo Chúa. Amen
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37)
-
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32) -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên năm II - Tín thác (Lc 18,1-8)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy