Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A
Ga 20,19-23
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”.
(Ga 20,21)
Thiếu nhi chúng con yêu quý, Hôm nay là lễ gì chúng con?
- Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
- Làm cách nào mà chúng ta nhận ra Chúa Thánh Thần?
- Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần.
- Ngày lễ ngũ tuần Chúa Thánh Thần đã hiện ra với ai?
- Với các Tông Đồ và một số người tin Chúa đang hội họp cùng với các Tông Đồ.
- Có cách nào khác giúp chúng ta nhận ra Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong Giáo Hội không?
Có chúng con. Chúng ta hãy nhìn vào bài Tin Mừng hôm nay. Cha thấy qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã nói cho chúng ta về những ơn ban mà Chúa Thánh Thần ban tặng.
Những ơn đó là những ơn nào chúng con?
1. Trước hết là ơn bình an
Bình an của Đấng Phục Sinh không phải là thứ bình an không có sóng gió. Bình an của Người là bình an trong tâm hồn. Bình an ấy không loại trừ việc phải đối đầu với kẻ thù, đối diện với khổ đau và với cả sự chết.
Cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này.
Joseph Staine, vị chủ tịch thét ra lửa của nước Nga ngày xưa rất lo sợ khi đi ngủ mỗi đêm. Ông ta có bảy phòng ngủ khác nhau, mỗi phòng được khóa cẩn thận như một cái tủ sắt vậy. Để đánh lừa kẻ âm mưu ám sát, Staine mỗi đêm ngủ một phòng với hy vọng không ai biết ông ngủ ở phòng nào. Ông có năm chiếc xe với năm tài xế khác nhau. Khi nào đi đâu, màn cửa các xe đều rũ kín để không ai biết ông ngồi trên chiếc xe nào. Ông sợ người đầu độc đến nỗi tuyển một người hầu chỉ là làm một việc là xem xét kỹ những món ông ăn mỗi ngày.
Chúng con hãy nghe một câu chuyện khác: Một chiếc thuyền đi trên biển và gặp giông bão. Sóng rất lớn làm con thuyền chao đảo. Mọi người lo lắng chạy tới chạy lui kêu cứu. Một hành khách đi ngang qua phòng, thấy một em bé, con viên thuyền trưởng vẫn còn ngủ trong khi thuyền ở tình trạng nguy hiểm. Người hành khách lay em dậy và cho biết tàu đang lâm nguy, sắp chìm, em phải lo tìm phao cấp cứu. Em bé hỏi:
- Ai đang lái tàu?
Người hành khách trả lời:
- Cha em.
Nghe xong, em tiếp tục nằm xuống và ngủ tiếp cách bình thản. Người này lấy làm lạ hỏi:
-Tại sao trong khi mọi người đang lo lắng, riêng em có thể bình an ngủ được?
Em trả lời:
- Hễ cha tôi còn lái tàu, là con tàu sẽ vượt qua cơn nguy hiểm. Tôi biết khả năng của cha tôi.
Cha hỏi chúng con: Ai -Joseph Stalin hay em bé có sự bình an?
- Thưa cha ...em bé. Tại sao thế vì em có niềm tin. Em tin vào Cha của mình.
Phần chúng ta cũng thế. Muốn có bình an ta phải tin vào Chúa.
Nếu chúng ta phó thác mình trong bàn tay của Chúa, chúng ra sẽ không sợ, không khổ, không sợ thất bại, Chúa luôn gìn giữ chúng ta.
2- Ơn cao trọng thứ hai của Chúa Thánh Thần là ơn tha tội: chính nhờ được tha tội mà con người được bình an thật.
Linh mục Bernado thuộc hội Giáo Hoàng thừa sai người Ý truyền giáo tại Hồng Kông kể lại rằng: Vào một ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, sau khi nói về cái chết trên Thập Giá và ơn tha thứ của Chúa Giêsu. Ngài giải thích về ý nghĩa của Bí tích Giải tội và kêu gọi mọi người xưng tội để cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người ngoại giáo đến gặp ngài và nói như sau:
- Thưa Cha, tôi muốn xưng tội để được ơn tha thứ.
Vị linh mục giải thích rằng: Vì chưa được rửa tội, ông không thể lãnh nhận Bí tích Giải tội, nhưng người tín hữu ngoại giáo nài nỉ:
- Thưa Cha, trong tôn giáo của chúng tôi không có sự tha tội, nhưng tôi cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài. Cha liền chúc lành cho ông ta và sau đó ông này trở thành người con của Chúa. Từ ngày đó ông ấy nói rằng ông ta luôn được sống trong sự bình an.
+ Tại Đại Hàn, nơi có nhiều người trở lại Công Giáo, Giáo Hội đã làm một cuộc thăm dò với một câu hỏi rất vắn như sau: “Tại sao bạn trở lại và chọn Giáo Hội Công Giáo?”.
Một bác sĩ nổi tiếng trong nước đã trả lời như sau: Trở lại là một mầu nhiệm và có nhiều động lực thúc đẩy. Một trong những động lực mãnh liệt nhất đó là sự kiện trong Giáo Hội Công Giáo vị linh mục nhân danh Chúa để tha thứ tội lỗi. Đối với tôi, đây là một khám phá vĩ đại nhất. Trong tôn giáo của chúng tôi không có sự tha thứ, tuy có những nghi thức thanh tẩy, hay cúng tế và cầu kinh, nhưng không có ai tha tội cả. Vì thế với một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế cho nên suốt đời tôi bị dằn vặt dưới gánh nặng tội lỗi của mình. Khi tôi biết rằng: Giáo Hội Công giáo nhân danh Chúa tha thứ tội lỗi cho tôi, tôi hiểu được niềm tin này mang lại cho tôi những gì.
3- Cuối cùng là ơn ban Thánh Thần nhằm giúp Giáo Hội ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22).
Cha hỏi chúng con. chúng ta có thể rao giảng bằng cách nào?. Chúng con còn nhỏ, chúng con làm sao mà rao giảng như những người lớn hay những người học cao hiểu rộng được. Nhưng có một cách rất dễ và lại rất hiệu quả. Đó là cuộc sống tốt lành của chúng ta. Cuộc sống tốt lành là bài giảng đẹp nhất. Chúa Giêsu ngày xưa đã làm thế.
Thánh Phanxicô thành Assisi nước ý, đã lập dòng Anh em hèn mọn và được Đức Giáo Hoàng Innocentê III châu phê vào năm 1209. Một chiều kia, thánh Phanxicô nói với một thầy trợ sĩ rằng:
- Thầy hãy theo cha đi giảng.
Hai cha con đi quanh thành phố một vòng rồi trở về. Về tới cổng nhà dòng, thầy trợ sĩ nói với thánh Phanxicô rằng:
- Thưa cha, cha dạy con phải theo cha đi giảng, mà có thấy cha giảng gì đâu, mà đã trở về rồi.
Thánh Phanxicô trả lời rằng:
- Cha đã giảng rồi đó con ạ, hôm nay cha con ta đã giảng một bài rất hay ho và rất hùng hồn và rất ích lợi cho các linh hồn là giảng bằng gương sáng, chúng ta đi đường mà không la lối, không dứt lác, không la mắng, không cãi cọ, không làm phiền lòng ai, khiêm tốn nêu gương cho người khác. Đó là chúng ta đã rao giảng bằng gương sáng.
Một trong những nhà truyền thuyết giáo xuất chúng nhất của thế kỷ 19 là Đức Hồng Y Mermillotd, Giám mục giáo phận Lausanne (Thụy sĩ). Ngài qua đời năm 1892. Có một lần, sau khi giảng về phép Mình Thánh Chúa trong nhà thờ chính tòa, giáo dân ra về. Còn ngài theo thói quen ở lại chầu Mình Thánh Chúa nửa giờ. Khi ngài vừa đứng dậy để đi ra, ngài nghe có tiếng của một bà gọi ngài. Ngài rất ngạc nhiên, vì ngài tưởng không còn ai trong nhà thờ nữa. Người phụ nữ trình bày:
“Kính thưa Đức Cha, con đã nghe Đức Cha giảng. Bài giảng rất thuyết phục. Nhưng những lời Đức Cha nói suông chưa làm con xác tín về phép Thánh Thể. Con biết Đức Cha giống như một luật gia bảo vệ cho đức tin của Giáo hội công giáo. Con còn muốn điều gì hơn thế nữa. Vậy là con nấp và con quan sát. Khi con thấy Đức Cha quỳ gối cầu nguyện hồi lâu và sốt sắng, dù Đức Cha biết trong nhà thờ không có ai, gương sáng ấy đã đánh động con. Con không muốn theo đạo Tin lành nữa. Con muốn trở lại đạo công giáo”.
Đó chúng thấy, gương sáng đem lại những kết quá tốt đẹp như thế nào. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 22 Thường niên năm B
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 21 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 20 mùa Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 19 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 18 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 17 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 16 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 15 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 14 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 13 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên năm A - Lễ Chúa Kitô Vua -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên năm A - Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành