Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 7 Phục sinh năm B - Chúa Thăng Thiên

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 7 Phục sinh năm B - Chúa Thăng Thiên

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 7 Phục sinh năm B - Chúa Thăng Thiên

Mc 16, 15-20
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15)

Thiếu nhi chúng con yêu quý.

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ gì nào chúng con?

  • Dạ thưa lễ Thăng Thiên. Hay còn gọi là lễ... Chúa Giêsu lên trời.
  • Việc lên trời hay thăng thiên của Chúa phải được hiểu như thế nào?

1. Chắc chắn chúng ta không được hiểu theo nghĩa hoàn toàn vật chất

Chúng con nghe cha kể cho chúng con câu chuyện này.

Khi viết về sự Thăng Thiên của Chúa Giêsu, sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã có những lời giải thích rất hay:

Cuộc Thăng Thiên của Đức Kitô đánh dấu việc nhân tính của Chúa Giêsu vĩnh viễn tiến vào quyền năng thiên giới của Thiên Chúa, từ đó Người sẽ lại đến, nhưng trong khoảng thời gian đó, việc Thăng Thiên đã che giấu Người khỏi mắt người ta. (GLHTCG 665).

Chúa Giêsu Kitô, là Đầu của Hội Thánh, đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, là chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh viễn ở với Người. (GLHTCG 666).

Chúa Giêsu Kitô, đã tiến vào cung thánh trên trời một lần cho mãi mãi, không ngừng chuyển cầu cho chúng ta với tư cách là Đấng trung gian, Đấng luôn luôn tuôn ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta. (GLHTCG 667).

Việc ngự đến vinh hiển của Đức Kitô, niềm hy vọng của Israel.

Sau cuộc Thăng Thiên, việc Ngự đến trong vinh quang của Đức Kitô luôn gần kề, mặc dù chúng ta “không biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1, 7). Biến cố cánh chung này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mặc dù chính biến cố đó cũng như cuộc thử thách cuối cùng phải xảy ra trước biến cố đó, còn được “trì hoãn”. (GLHTCG 673).

2. Vậy thì chúng ta phải hiểu việc Chúa lên trời hay thăng thiên như thế nào?

Chúa Giêsu nói: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20, 17).

Như vậy, chỉ có Đấng “từ Chúa Cha mà đến” mới có thể “trở về cùng Chúa Cha”: đó là Đức Kitô.”Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3, 13). Nhân loại, với sức tự nhiên của mình, không thể vào được “Nhà Cha”, không thể đạt tới sự sống và sự vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người tiến vào: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước”. (GLHTCG 661).

Như vậy việc thăng thiên chỉ là sự chia tay vắng mặt với con người các môn đệ có thể nhìn bằng mắt, bắt bằng tay chứ không phải là một sự hoàn toàn vắng mặt bởi vì ngay trước khi về trời Chúa Giêsu đã khẳng định một cách hết sức rõ rệt với các Tông Đồ: “Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Chúa ở như thế nào?

Chắc không phải là như trước đây. Trước Chúa đã ở giữa các môn đệ của Ngài. Suốt ba năm trời như thế. Chúa có mặt, gần gũi, xương thịt, đến nỗi Tông Đồ Gioan đã phải nói lên: “Chúng tôi đã sờ thấy Ngôi Lời hằng sống”. Phêrô cũng phải xác nhận trước cộng đoàn những người Do Thái: “Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người”. Sự có mặt như thế quả là rất cụ thể. Lịch sử cũng đã xác nhận. Đây không còn phải là một vấn đề phải tranh cãi.

Nhưng với sự việc lên trời hôm nay, chúng ta thấy rõ, sự có mặt cụ thể như thế không còn hay nói đúng hơn: không cần nữa.

Rõ ràng với việc được tôn vinh trong biến cố lên trời hôm nay Chúa đã đổi cách thức có mặt của Ngài: Đổi từ hữu hình sang vô hình. Đổi từ cuộc sống xác thịt sang cuộc sống thần linh, đổi để Người có thể có mặt rộng lớn hơn, phổ quát hơn. Cha Teilhard de Chardin gọi sự có mặt này là sự có mặt tàn lan, tràn lan khắp địa cầu.

Chắc chắn lúc đầu các môn đệ chưa có thể chấp nhận được điều đó. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã phải để một thời gian tương đối dài: 40 ngày sau Phục Sinh để tập cho các môn đệ làm quen với sự có mặt đó bằng những lần hiện ra với các ông, cá nhân cũng như với tập thể để rồi sau đó các ngài dám sống cuộc sống chứng nhân một cách triệt để hơn, mạnh dạn hơn, bất chấp những thách đố, bắt bớ và kể cả sự chết vì có Chúa luôn ở với các ngài.

Vâng! Nhờ có Chúa ở cùng mà cuộc sống của các Tông Đồ sau đó đã hoàn toàn đổi mới.

Cộng thêm với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các ngài đã trở thành những chứng nhân không biết mệt mỏi trên con đường rao giảng và làm chứng. Kết quả các ngài để lại đã làm cho Voltaire một trong những nhà văn hào lớn của nhân loại đã phải ghen tức mà nói lên: “Ông Giêsu với 13 môn đệ của mình đã thay đổi cả bộ mặt của thế giới”.

3. Bây giờ đến lượt chúng ta

Chúng con biết, đền thờ Thánh Phêrô ở Roma là một trong 8 kỳ quan lớn của Thế giới. Trong tháng năm vừa qua như tin tức cho biết đã có 3.000.000 người hành hương về nơi đây trong dịp năm thánh. Trong ngôi đền thờ này có một nhà nguyện nhỏ: Đó là nhà nguyện Sixtine rất nổi tiếng vì nơi đây được dùng làm nơi bầu Giáo Hoàng. Trên trần ngôi nhà nguyện này có một bức họa rất nổi tiếng của nhà danh họa Michelangelo.

Vào thế kỷ XV, khi đền thờ Thánh Phêrô được xây dựng, thì người ta đã chú trọng một cách đặc biệt đến ngôi nhà nguyện này. Một hôm kia Đức Thánh cha Sixtô thứ IV vào tham quan công trình, thấy Michel Ange đang nằm ngửa lên để tô vẽ bức ảnh, Đức Thánh cha có hỏi ông:

  • Này Michel Ange, chừng nào ông mới hoàn thành công việc đây?

Từ trên giàn gỗ, nhà danh họa đáp lại:

  • Chừng nào còn có thể!

Vị Giáo Hoàng dường như mất hết kiên nhẫn:

  • Thế ông có biết là ông đã bắt đầu mấy năm rồi chưa? Thế mà tôi vẫn chưa thấy gì hết...

Một cách điềm tĩnh, Michelangelo trả lời:

  • Thưa Đức Thánh cha, con không làm việc cho đời tạm này, mà cho đời sau...”

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời, nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu, chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

để xây dựng trái đất này, và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa, xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời không làm chúng con quên trời cao; và những vẻ đẹp của trần gian không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top