Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 25 Thường niên năm B
Mc 9,30-37
“Ai muốn làm người đứng đầu,
thì phải làm người rốt hết,
và làm người phục vụ mọi người.”
(Mc 9,35)
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Thánh Marco vừa thuật lại một câu chuyện mà cha chắc là phải Chúa buồn.
Chúng con biết tại sao không?
- Thưa cha, tại các môn đệ của Chúa cãi nhau.
- Rất đúng! Chúng con giỏi quá. Đúng là như vậy.
- Môn đệ của Chúa cãi nhau về vấn để gì nào?
- Thưa cha…cãi nhau xem ai là người lớn nhất.
- Giỏi nữa. Thế chúng con đã cãi nhau bao giờ chưa?
- Dạ rồi.
- Cãi nhau về vấn đề gì?
…………
Đây cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này:
Một ngày nọ, các màu sắc nổ ra một cuộc tranh cãi lớn. Màu nào cũng cho rằng mình mới là sắc màu tuyệt vời nhất, quan trọng nhất và được hết thảy mọi người yêu thích.
Màu xanh lá cây nói:
- Rõ ràng mình là màu quan trọng nhất. Mình là dấu hiệu của sự sống và hy vọng. Chính vì thế mà mình được chọn là màu của cỏ cây, của hoa lá. Không có mình, cả thế giới này chỉ là một nơi khô cằn, chết chóc. Các cậu thử nhìn khắp các vùng làng quê xem, đâu đâu cũng thấy mình trên đó.
Màu xanh dương vội ngắt lời:
- Sự tồn tại của bạn chỉ giới hạn trên đất đai mà thôi, sao bạn không thử nhìn bầu trời và mặt biển xem. Không phải nước là nguồn sống cơ bản của mọi vật à? Còn bầu trời lại cho bạn không gian, sự bình an trong tâm hồn. Rõ ràng, nếu không có tôi, thế giới này sẽ không hoàn hảo chút nào.
Nghe vậy, màu vàng mỉm cười và lên tiếng:
- Sao các bạn lại quan trọng hóa những vấn đề nhỏ nhặt như thế nhỉ? Chính mình là người mang lại tiếng cười, niềm vui và sự ấm áp cho hành tinh này, bởi mình là màu của mặt trời, mặt trăng, của các vì sao. Hãy ngắm nhìn màu vàng rực rỡ của đóa hướng dương mà xem, chẳng phải nó khiến các bạn thấy cả thế giới đang mỉm cười với mình hay sao? Không có mình sẽ không có niềm vui đâu.
Màu da cam lớn tiếng:
- Còn mình là màu tượng trưng cho sức khỏe và sự mạnh mẽ. Có lẽ các bạn ít thấy mình, nhưng mình quý lắm đấy nhé! Mình chứa đựng những vitamin quan trọng cho con người. Tuy không phải lúc nào mình cũng có mặt, nhưng khi mọi người ngắm nhìn bầu trời lúc bình minh hay hoàng hôn, không ai tránh được sự cảm phục trước vẻ kiều diễm của mình cả.
Không thể chờ đợi lâu hơn nữa, màu đỏ cất giọng phản đối:
- Mình mới là màu thống trị thế giới. Mình là màu của máu, và ai cũng biết rõ máu là thứ quan trọng nhất cho sự sinh tồn của loài người. Mình cảnh báo hiểm nguy và tượng trưng cho lòng dũng cảm. Mình sẵn sàng chiến đấu vì chính nghĩa, kêu gọi lòng nhiệt tình, tự tin chiến thắng. Không có mình, trái đất này sẽ vô vị và vắng lặng như chốn hoang mạc. Mình cũng chính là màu tượng trưng cho đam mê và tình yêu, là màu của hoa hồng, hoa trạng nguyên và của trái tim đang nồng cháy.
Đến lúc này thì màu tím mới đứng dậy, hết sức duyên dáng nhưng cũng thật sắc sảo:
- Mình là sắc màu của hoàng gia và sức mạnh. Các vì vua, các nhà lãnh đạo và các vị quyền cao chức trọng đều chọn mình cho dấu hiệu của uy quyền và thông thái. Khi đứng trước mình, mọi người đều không bao giờ dám thắc mắc. Họ chỉ biết lắng nghe và phục tùng.
Khi tiếng xôn xao còn chưa kịp lắng xuống, màu chàm đã cất giọng, rụt rè nhưng cũng khá quyết liệt:
- Còn mình, mình là màu của sự im lặng. Bạn khó mà nhận ra mình giữa đám đông, nhưng nếu không có mình, các bạn chỉ là những kẻ hời hợt, nông cạn và thiển cận. Mình tượng trưng cho tư duy, cho bề dày của lịch sử, của những điều bí ẩn… Các bạn phải cần mình mới có cân bằng, tương phản, cho những lúc lắng đọng tâm hồn và cho sự bình ổn bên trong.
Lời lẽ của màu sắc nào cũng đầy thuyết phục, nên chẳng ai chịu ai. Thế là chúng lại tiếp tục lớn tiếng đề cao bản thân và tranh cãi với nhau. Ai cũng muốn mình là sắc màu tuyệt vời nhất. Tiếng tranh cãi càng lúc càng lớn dần. Bỗng nhiên một ánh sáng lóe lên, bầu trời phủ kín đầy mây mù, sấm sét giật liên hồi. Mưa bắt đầu rơi. Các màu sắc sợ hãi nép sát vào nhau như để tìm chốn nương tựa. Giữa âm thanh hỗn độn đó, mưa bắt đầu lên tiếng:
- Các ngươi thật là một lũ ngu ngốc, tranh cãi nhau chỉ vì cái tôi ích kỷ, hẹp hòi, chỉ vì muốn mình nổi trội hơn người khác.
Đó là lý do khiến người ta hay cãi nhau. Cãi nhau vì cái tôi ích kỷ, hẹp hòi, chỉ vì muốn mình nổi trội hơn người khác.
Các môn đệ của Chúa Giêsu hôm nay cãi nhau cũng vì những lý do đó. Ai cũng muốn làm lớn. Ai cũng muốn hơn người. Đó là cái gốc sinh ra những bất hoà giữa người với người và là cớ sinh ra sự cãi nhau.
2. Bây giờ cha hỏi chúng con đứng trước việc đó Chúa Giêsu đã có thái độ như thế nào?
Câu trả lời: Chúa kiên nhẫn giáo dục các môn đệ của Ngài. Chúa không giận, không la rầy. Nhưng bằng một thái độ của một bậc Thầy, Chúa ôn tồn dạy dỗ các môn đệ.
Chúng con hãy nghe lời Chúa nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy.”
Chúa nói hay quá chúng con. Đây có thể coi là một toa thuốc chữa bệnh cãi nhau. Toa thuốc này gồm có hai thứ:
- Thứ nhất là sống khiêm nhường và phục vụ nhau
- Thứ hai là biết mở lòng đón tiếp và tôn trọng nhau.
Biết dùng hai loại thuốc này thì căn bệnh cãi nhau sẽ hết.
Cha mượn câu chuyện dụ ngôn này để chúng con thấy được ý của Chúa. Câu chuyện về con ngựa và Con Trâu.
Ngựa và trâu cùng ăn cỏ trên một cánh đồng. Bỗng ngựa liếc nhìn trâu và khinh bỉ nói:
- Này tên thợ cày kia! Cớ sao mi dám ngoạm cỏ cạnh ta? Đứng xa ra một tí đi! Có khôn thì biến đi cho khuất mắt ta!
Trâu rất bực, nhưng cũng cố nhịn mà nói lại:
- Sao anh lại giương vây giương cánh mà coi thường tôi thế?
- Hừm! Thế mi không thấy trên lưng ta có bộ yên đẹp hay sao? -ngựa đáp- Mi không thấy người ta đã dùng vàng bạc châu báu để trang điểm cho ta hay sao? Nhà vua thân chinh cưỡi ta, thường xoa bờm, vuốt ve và khen ngợi ta. Ta vừa có tài chạy mau, lại vừa có ích. Còn mi là cái thá gì? Nhà vua đâu có thèm nhìn tới.
- Điều đó rất đúng!- Trâu cất giọng ồ ồ đáp-, nhưng dẫu sao tôi vẫn có ích hơn bạn. Tôi tuy chậm chạp nhưng có sức. Giả sử tôi không cày ruộng, không vò lúa, không kéo xe chở thóc về kinh đô, không quay bánh xe ở cối xay bột, thì chẳng những anh mà ngay cả đến nhà vua phúc hậu cưỡi anh cũng nhăn răng mà chết. Tôi đã đem sức lao động của mình làm cho nhân dân khắp thế gian được no ấm.
- Cha cái tên khốn kiếp kia !- Ngựa hí lên- , đừng có già mồm nói láo, ta đá cho lòi ruột ra bây giờ !
-Trâu cũng không lép vế, lớn tiếng mắng lại ngựa. Hai con vật sắp ẩu đả thì vừa lúc ấy voi đi tới. Voi đã nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, liền nói:
- Hai tên mất trí kia, cai nhau như vậy thì được tích sự gì. Cả hai chú đều vô ích, mỗi chú làm được một việc khác nhau. Này, chú ngựa hãy nghe ta nói: Trâu không làm được việc của chú, còn chú cũng không thay được trâu. Chú hầu hạ người, còn trâu thì làm việc cho người, cả hai đều có ích. Những lời chú tự khen mình chỉ là những lời rỗng tuếch. Thôi đừng cãi nhau nữa, người nào việc nấy đi làm đi!
Nghe xong, thấy Voi nói phải, Ngựa đâm ngượng. Từ đó trở đi, ngựa không bao giờ khoe khoang và gièm pha người khác nữa. Ngựa hiểu rằng ai lao động thì cũng đều đem lại lợi ích cho mọi người.
Nếu ai cũng biết mình thật sự là ai và sống để làm gì thì chắc là thế giới này sẽ tốt đẹp biết bao! Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 29 thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 28 thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 27 thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 26 thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 24 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống