Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 25 Thường niên năm A
Mt 20, 1-16a
“Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn.
Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao ?”(Mt 20,14)
Thiếu nhi chúng con yêu quí.
Chúng ta vừa nghe một bài dụ ngôn rất hay của Chúa Giêsu.
Chúng con thấy ông chủ vườn nho trong bài Tin Mừng hôm nay thế nào ?
- Thưa ông là một người tốt.
- Ông tốt ở chỗ nào chúng con ?
Đây cha cắt nghĩa cho chúng con. Ông tốt vì ông giúp nhiều người thất nghiệp có công ăn việc làm. Ông tốt vì ông đã đối xử với họ rất công bằng và bác ái.
- Thế nào là công bằng chúng con ?
Thưa ông công bằng vì ông đã trả công cho những người đã thoả thuận với ông đúng theo những gì họ đã giao ước thoả thuận với ông. Ông không để họ thua thiệt theo lẽ công bằng những gì ông đã thoả thuận với họ. Họ thoả thuận với ông bao nhiêu ông đã trả đúng như thế. Công mỗi người mỗi ngày một đồng. Với sồ tiền này theo thời giá và hoàn cảnh công nhân lúc đó: họ có thể đủ để nuôi sống họ và gia đình một ngày. Ông chủ tốt vì ông đã tạo việc làm cho họ và họ đã có tiền để nuôi sinh sống.
Thế ông còn tốt ở chỗ nào nữa chúng con ?
- Ông còn tốt ở chỗ ông đã đi xa hơn sự công bằng. Ông đã tự cho mình có trách nhiệm phải tìm giúp những người thất nghiệp “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết ?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”(Mt 20,7-8). Ông cảm thấy thương những người không được ai thuê mướn.
Tới đây cha mới thấy ông chủ này không phải là người thường tình như những người khác trong xã hội.
Tại sao cha nói thế ?
Trong cuộc sống hằng ngày chúng con thấy người ta đối xử công bằng với nhau đã là điều tốt đẹp lắm rồi. Nhưng ở đây cha thấy, từ việc ông đã sống hết sức công bằng với mọi người, ông đã vượt qua cuộc sống cọng bằng thường tình để vươn lên cao, sống một đời sống mới, một đời sống cao hơn những cuộc sống thường tình của nhiều người. Chúng ta gọi cuộc sống ấy là cuộc sống bác ái yêu thương. Đây là cuộc sống mà chính Chúa Giêsu đã luôn sống và Chúa cũng muốn cho mọi người sống như thế.
Nếu chúng con hỏi cha: Tại sao cha nói như thế ? Thì đây chúng con hãy nhìn vào cách ông trả lương cho những người thợ đã vào làm vườn nho cho ông chúng con sẽ biết.
Tin Mừng kể: “Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất”. Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao ? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?”(Mt 20,8-16)
Hay quá chúng con! Ông chủ này thật là một người rất khôn ngoan. Ông đã làm cho những người có đầu óc ích kỷ hay ghen tương phải “câm miệng” vì ông đã đối xử thật công bằng hợp tình hợp lý với họ. Còn việc ông tốt bụng, ông cư xứ quảng đại đối với những người làm sau chót đó là quyền của ông. Ông đã sống công bằng với những người muốn công bằng khi thoả thuận một quan tiền trước khi vào làm vườn nho. Và ông đã sống bác ái yêu thương với những người làm việc sau cùng. Ông đã hoàn toàn có lý.
Tới đây thì cha thấy bài học Chúa muốn dạy mọi người đã rõ. Chúa muốn mọi người bắt chước Chúa sống yêu thương với tất cả mọi người như Chúa đã yêu thương chúng ta.
Thói thường từ bao nhiêu ngàn năm nay, con người vẫn thường để cho những đố kỵ, ghen ghét lẫn nhau chi phối cuộc sống của mình. “Họ lẩm bẩm kêu trách chủ rằng: bọn sau chỉ làm một giờ mà ông trả bằng chúng tôi sao ?”. Ông buộc lòng phải sửa trị thói ghen tị đó bằng cách vạch ra cho họ thấy lòng bác ái cao cả của ông: “Chẳng lẽ tôi không có quyền cho của cải của tôi sao ? Hay vì bạn thấy lòng tốt của tôi, mà bạn ghen tức ư!”
Ông chủ không trả tiền thêm cho bọn thợ làm cả ngày, không phải vì ông keo kiệt, bóc lột. Nếu ông keo kiệt bóc lột, ông chẳng hậu đãi các thợ làm ít giờ. Nhưng ông phải giữ đúng công bằng vì không cho phép lòng tham của họ vơ vét thêm, làm dịp cho họ ăn chơi hoang phí.
Vâng! chỉ có cuộc sống bác ái yêu thương mới là cuộc sống đẹp lòng Chúa. Hay nói cụ thể hơn, chỉ khi nào chúng ta biết sống yêu thương chúng ta mới xứng đáng là con cái của Chúa. Thánh Gioan đã nói rất hay:” Thiên Chúa là tình yêu”
Chúng con hãy nghe câu chuyện này. Câu chuyện do chính mẹ thánh Têrêsa Calcutta kể:
Đêm hôm đó, có người tới nhà chúng tôi, báo cho tôi biết một gia đình Hindu tám đứa con đã nhiều ngày không được ăn gì. Họ không có gì ăn.
Tôi lấy cơm đủ cho họ một bữa ăn, đem tới nhà họ. Tôi thấy những khuôn mặt đói khát, thấy mắt của những đứa con đã sưng húp. Tình cảnh quá đáng thương!
Người mẹ nhận cơm trên tay tôi, chia lấy nửa phần cơm rồi bước ra. Lát sau chị trở về tôi hỏi:
- Chị đi đâu, làm gì vậy ?
Nàng trả lời:
- Họ cũng đang đói ?
“Họ” là ai ? Họ là một gia đình trong xóm, theo đạo Hồi cũng có số con tương đương, đang đói ăn và cũng không có gì ăn.
Người phụ nữ đó đã ý thức về tình cảnh của mình, nhưng bà can đảm và có lòng, nên đã chia phần cơm ít ỏi này với người khác. Tôi nghĩ nàng đã cảm thấy hạnh phúc: vì được chia sẻ với xóm giềng một chút gì tôi đã đem đến cho nàng, bất kể cả hoàn cảnh của mình.
Vì không muốn cướp mất niềm hạnh phúc của nàng, đêm đó tôi không đem thêm chút cơm nào cho nàng. Tôi chỉ mang thêm vào hôm sau.
Ít năm trước, Calcutta trải qua nạn khan hiếm đường trầm trọng. Có ngày, một cậu bé khoảng bốn tuổi tới thăm tôi cùng với cha mẹ. Gia đình này đem cho tôi một hộp đường nhỏ. Khi trao tay tôi hộp đường, cậu bé nói: “Đã ba bữa, con không được nếm một chút đường nào. Mẹ cầm lấy đi. Đây là phần của những người con của mẹ”.
Cậu bé đã biết yêu thương. Cậu đã bày tỏ tình yêu bằng một hy sinh của bản thân. Tôi nhắc lại, cậu không quá ba, bốn tuổi và gần như chưa gọi được tên tôi. Tôi đã không biết cậu bé trước đó và chưa một lần gặp cậu, cũng chẳng gặp cha mẹ cậu. Cậu bé đã thực hiện quyết định đó, sau khi khám phá ra hoàn cảnh của tôi nhờ những người lớn.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 6 Phục sinh năm B