Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh

Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh

Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh

CHỨNG TỪ ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP và Nhóm Phiên Dịch Các giờ kinh Phụng vụ

Không ai trong chúng ta thoát khỏi vòng kềm toả của sự chết và cũng không có kinh nghiệm về cái chết và sự sống lại. Thực tế, người ta có thể kinh nghiệm về cái chết theo kiểu của những cái chết được gọi là “chết lâm sàng”, hoặc là những trường hợp “cận tử”, hoặc thậm chí có những người đã chết thật sự nhưng nhờ “phép lạ” mà được sống lại, như trường hợp anh La-da-rô, hoặc con trai bà goá thành Na-in mà Kinh Thánh ghi lại. Nhưng tất cả những trường hợp đó đều không thể so sánh với sự phục sinh của Đức Giê-su vì những người được phục sinh như vậy sẽ trở lại cuộc sống bình thường với thân xác cũ của họ, và thân xác đó của họ sẽ lại phải chết một lần nữa. Do đó việc Đức Giê-su phục sinh từ cõi chết là một điều khó tin, một sự kiện chấn động, một vấn đề gây tranh cãi suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, vì nó thật sự vượt quá tầm hiểu biết của con người. Tuy nhiên, niềm tin vào việc Đức Giê-su Ki-tô đã chết và đã phục sinh chính là trọng tâm của giáo lý Ki-tô giáo đến nỗi thánh Phaolô đã khẳng định một cách mạnh mẽ rằng:

Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Ki-tô trỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Đức Ki-tô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy (1 Cr 15,13-15).

Dù vậy, những tranh cãi về việc Đức Giê-su Ki-tô phục sinh vẫn tiếp diễn. Vậy, có cách nào để chứng thực về việc Đức Ki-tô phục sinh không? Thưa có, và trong buổi học hỏi Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu một số bằng chứng về sự phục sinh của Đức Giê-su.

1. Các trình thuật Tin Mừng

Cả bốn Tin Mừng đều ghi lại biến cố phục sinh của Đức Giê-su, trong khi chỉ có hai Tin Mừng (Mt và Lc) ghi lại biến cố giáng sinh của Đức Giê-su.

Bốn trình thuật Tin Mừng ghi lại sự kiện Đức Giê-su phục sinh với một số chi tiết khác nhau, nhưng chính sự khác biệt đó lại chứng minh rằng biến cố Phục Sinh của Đức Giê-su là thật, vì các tác giả Tin Mừng đã thấy hoặc nghe về biến cố đó từ nhiều nguồn, và từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Ngoài bốn tác giả Tin Mừng, thì tác giả sách Công vụ tông đồ cho thấy biến cố chết và sống lại của Đức Ki-tô là cốt lõi lời rao giảng (kerygma) của các tông đồ. Trong các thư, thánh Phao-lô cũng nhiều lần khẳng định sự Phục Sinh của Đức Giê-su một cách mạnh mẽ, chẳng hạn như lập luận sau đây trong thư 1 Cr :

Nếu tuyệt nhiên kẻ chết không trỗi dậy, thì tại sao người ta lại chịu phép rửa thế cho kẻ chết ? Và chính chúng tôi, tại sao hằng giờ chúng tôi liều mình đương đầu với hiểm hoạ ? Thưa anh em, mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết : tôi có hãnh diện về anh em trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, thì mới quả quyết như vậy. Nếu vì những lý do phàm trần mà tôi đã chiến đấu với thú dữ tại Ê-phê-xô, thì điều đó nào có ích gì cho tôi ? Nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì chúng ta cứ ăn cứ uống đi, vì ngày mai chúng ta sẽ chết (1 Cr 15,29b-32).

2. Ngôi mộ trống

Ngôi mộ trống không đưa ra những bằng chứng trực tiếp về sự phục sinh của Đức Giê-su. Tuy vậy, chính “lời vu khống của Thượng Hội Đồng Do-thái” lại là bằng chứng về sự kiện phục sinh của Đức Ki-tô. Tác giả Tin Mừng Mát-thêu thuật lại rằng :

Có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo : "Các anh hãy nói như thế này : Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự." Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy (Mt 28,11b-15a).

Thật vậy, Đức Giê-su đã được an táng trong một ngôi mộ, và ngôi mộ đó nằm trong khu vườn của ông Giô-xếp người A-ri-ma-thê. Chính ông Giô-xếp này đã đến xin và được tổng trấn Phi-la-tô cho phép ông táng xác Đức Giê-su. Hẳn là giới lãnh đạo tôn giáo Do-thái biết điều đó, và họ cũng biết ngôi mộ đó nằm ở đâu, nên đã cắt cử lính canh giữ ngôi mộ (x. Mt 27,62-65). Vậy, lý do nào khiến cho giới lãnh đạo Do-thái trong Thượng Hội Đồng phải rêu rao một cách dối trá rằng có người đã trộm xác Đức Giê-su ? Phản ứng bằng cách vu khống rằng xác Đức Giê-su bị trộm chỉ đưa đến một khẳng định rằng : họ muốn bịt miệng, bịt mắt, bịt tai tất cả những ai đang muốn biết về việc Đức Giê-su đã phục sinh.

3. Sự biến đổi lạ lùng của các môn đệ

Sự thay đổi lạ lùng của các môn đệ Đức Giê-su. Một nhóm người sợ sệt đang trốn chui trốn lủi, nhốt mình sau những cánh cửa đóng kín kể từ khi vị Thầy của họ bị bắt và bị giết chết, bỗng nhiên những người này vùng dậy một cách mạnh mẽ, can đảm mở cửa bước ra ngoài, và công khai rao giảng Đức Ki-tô đã sống lại bất chấp bị bắt bớ tù tội. Các ông trở nên khôn ngoan, hiểu biết mầu nhiệm phục sinh, giải thích Cựu Ước dưới ánh sáng phục sinh nhằm chứng minh Đức Ki-tô đã phục sinh đúng như lời Kinh Thánh. Vậy, điều gì đã khiến những người này thay đổi lạ lùng như vậy, nếu không có một “điều gì đó” thật sự tác động mạnh mẽ lên họ. “Điều gì đó” ở đây chính là họ đã được gặp gỡ, trò chuyện và cùng ăn uống với Đức Ki-tô phục sinh.

4. Sự hoán cải của ông Phao-lô

Một trong những bằng chứng gián tiếp nhưng rõ ràng về việc Đức Ki-tô đã phục sinh chính là sự biến đổi lạ lùng của một nhân vật lịch sử tên là Phao-lô. Vốn là người nhiệt thành bảo vệ những giá trị truyền thống Do-thái giáo hết mức, nên ông Phao-lô đã kết án các Ki-tô hữu là những kẻ hùa theo Giê-su Na-da-rét để phá vỡ truyền thống của Luật Mô-sê. Không chỉ kết án, ông Phao-lô còn ráo riết truy đuổi, lùng bắt và tống ngục tất cả những ai tin vào Đức Giê-su. Thế mà chính ông Phao-lô này, một ngày nọ, đã trở thành một Ki-tô hữu và là một Ki-tô hữu nhiệt thành rao giảng danh Đức Giê-su Ki-tô đến mức khó ai sánh bằng. Cuối cùng ông dùng chính mạng sống của ông để làm chứng cho những gì ông rao giảng về Đức Ki-tô phục sinh. Vậy, điều gì đã khiến ông đảo ngược quan điểm của mình như vậy? Thưa, chính là vì ông đã được gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh. Biến cố này được ông khẳng định và nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các thư tín của ông (x. 1 Cr 9,1; 15,8; Gl 1,13-17; Ep 3,2-4). Tìm hiểu về cuộc đời ông Phao-lô, người ta có thể nhận thấy cuộc đời ông có thể chia ra làm hai giai đoạn rõ ràng: [1] trước khi ông gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh, và [2] sau khi ông gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh. Đó chính là một chứng từ về việc Đức Ki-tô đã phục sinh.

5. Phúc cho những ai không thấy mà tin

Chúng ta đã xem xét một số bằng chứng ở trên và những bằng chứng ấy được xem là những bằng chứng pháp lý, tức là những bằng chứng gián tiếp, nhưng những bằng chứng này giúp chỉ ra những gì đã xảy ra với Đức Giê-su sau khi các môn đệ đã táng xác người trong ngôi mộ đá. Thực tế, có rất nhiều người cũng giống với tông đồ Tô-ma luôn khẳng định rằng họ chỉ “tin” rằng Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh khi nào họ được “thấy” và được “đụng chạm” thực thụ vào thân xác phục sinh của Người (x. Ga 20,25b), dù vậy họ cũng không thể phủ nhận rằng Đức Giê-su đã thực sự để lại cho người ta những loại bằng chứng thuyết phục khác về sự phục sinh của Người.

Ngoài ra đỉnh cao của các trình thuật Đức Ki-tô Phục Sinh chính là việc “không thấy mà tin” (x. Ga 20,29b). Đây là lời chính Đức Giê-su Phục Sinh nói với các môn đệ của Người và cũng là nói cho tất cả mọi người qua mọi thời đại. Thật vậy, chỉ có thế hệ các môn đệ đầu tiên được tận mắt xem thấy Đức Giê-su Phục Sinh, còn lại tất cả các môn đệ Đức Giê-su ở các thế hệ sau đều là “những người không thấy mà là những người tin”. Tuy nhiên, việc “không thấy mà tin” ở đây không phải là nhẹ dạ cả tin và thiếu cơ sở, mà thực tế, thưa quý ông bà và anh chị em, sự lựa chọn “không thấy mà tin” của các môn đệ qua mọi thời đại, trong đó có chúng ta, là dựa trên cái “thấy” của các môn đệ thế hệ đầu tiên của Đức Giê-su, nghĩa là chúng ta tin dựa trên lời chứng của những người đã khẳng định: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (20,25).

Vì thế, hành trình đức tin của người tín hữu trước tiên là phải “ra khỏi bóng tối của đức tin” (x. Ga 20,1-2) bằng cách đón nhận những bằng chứng gián tiếp về cưộc Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô, và nhờ đó chúng ta có thể trở thành những người có phúc như lời Chúa Giê-su đã hứa: “Phúc thay những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29).

Cầu nguyện:

Muôn lạy Chúa là Vua vĩnh cửu
Ngự toà cao bên hữu Chúa Trời,
Đã thương tạo dựng loài người
Giống hình ảnh Chúa một đời con yêu.

Nhưng quỷ dữ gây nhiều tang tóc,
Lấy gian tà đầu độc muôn dân.
Nên Ngài sinh xuống cõi trần
Làm con Trinh Nữ như phàm nhân thôi.

Cho tất cả loài người dưới thế
Kết hợp cùng Thượng Đế Tối Cao,
Nguồn ơn cứu độ tuôn trào
Rửa muôn tội lỗi, ghi sâu ân tình.

Nhằm giải thoát sinh linh khỏi chết,
Cây khổ hình Ngài quyết bước lên.
Trên đài thập tự Máu Chiên
Đổ ra làm giá chuộc đền chúng con.

Ngày sống lại oai phong chiến thắng,
Thánh Phụ Ngài ban tặng vinh quang.
Chúng con khấp khởi tin rằng
Ngài cho sống lại vẻ vang mai ngày.

Và mong ước từ đây hoan hỷ,
Mãi muôn đời mừng lễ Vượt Qua,
Tái sinh ơn nghĩa chan hoà,
Vang vang khúc khải hoàn ca reo hò. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top