Bài 54: Chay Tịnh - Lm Ignatio Hồ Văn Xuân | Dưới ánh sáng Lời Chúa
CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
THỨ TƯ LỄ TRO
Bài 1: CHAY TỊNH
Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
WGPSG (22.02.2023) - Hôm nay, ngày 22.02.2023, thứ Tư lễ Tro, đầu Mùa Chay Thánh, chúng ta cùng nhau tìm hiểu chủ đề “CHAY TỊNH.” Như Giáo Lý của Hội Thánh chỉ dẫn, việc giữ chay được xem là một hình thức thống hối (Giáo lý: 1434, 1438, 2043), được xem là một luật Tin mừng (Giáo lý: 1969) và như một sự chuẩn bị để rước lễ (Giáo lý 1387). Đây cũng là ba đặc điểm mà chúng ta cũng có thể nhận ra trong Phụng vụ Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro. Thật vậy, như nội dung Bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Giô-en cho biết, một hình thức sám hối sâu xa sẽ phải đi tới mức độ “xé lòng” bên trong chứ không chỉ là chuyện “xé áo” bề ngoài. Hay nếu chúng ta xem chay tịnh như một luật Tin mừng, thì bài Tin mừng theo thánh Mát-thêu sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn, tất cả những gì đi cùng chay tịnh như những việc bác ái, cầu nguyện, hãm mình… đều được quy hướng về “Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo.” Và khi liên kết chuyện chay tịnh với cao điểm cử hành Hy lễ Tạ Ơn, chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn phút giây được thứ tha tội lỗi, được đón rước và được nên công chính trong Chúa, như bài đọc hai trích Thư thứ hai của thánh Phao-lô Tông Đồ gửi các Tín hữu Cô-rin-tô mời gọi. Giờ đây, chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu chi tiết từng đặc điểm vừa nêu:
1. Chay tịnh như một hình thức sám hối
Xem chay tịnh như một hình thức sám hối, xét ở khía cạnh thứ nhất, chúng ta thấy Kinh Thánh Híp-ri thường dùng động từ sum (ăn chay, giữ chay) và danh từ sôm (việc ăn chay, việc giữ chay) hay những kiểu nói khác nữa, chẳng hạn như “hãm mình” (Lv 16,29. 31; 23,27. 32; Ds 29,7; Is 53,3. 5), “không ăn bánh” (1 Sm 28,20)… Trong bản văn Cựu Ước được dịch sang tiếng Hy-lạp, tức Bản Bảy Mươi và trong Tân Ước, động từ nes-teu-ô, danh từ nes-tei-a hay tính từ nes-tis thường được sử dụng để diễn đạt những gì liên quan đến chay tịnh. Gốc từ này cho nghĩa đơn giản là nhịn ăn. Đây cũng là hình thức căn bản nhất của việc chay tịnh. Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt thêm câu hỏi, “nhưng hình thức nhịn ăn như thế nào mới có thể gọi là tỏ lòng sám hối?”
Câu hỏi này đưa chúng ta đi vào khía cạnh thứ hai của hình thức sám hối qua chay tịnh, hay nói cách khác, người ta giữ chay như thế nào. Khác với chuyện dân Chúa khi xưa phải trường kỳ kiêng kỵ những thức ăn lấy từ loài vật không thanh sạch, việc giữ chay trong Cựu Ước nhấn mạnh đến sự kiêng khem các loại thức ăn một cách có chủ ý và kéo dài trong một quãng thời gian nhất định: ăn chay trong suốt một ngày (1 Sm 14,24; 2 Sm 3,35) hay suốt một đêm (Đn 6,18 [MT 6,19]), trong ba ngày tròn (Et 4,16), trong bảy ngày (1 Sm 31,13; 2 Sm 12,16-18) hay bốn mươi ngày (Xh 34,28; Đnl 9,9; 1 V 19,8). Ví dụ, hoàng hậu Ét-te đã ăn chay hãm mình và cầu nguyện suốt ba ngày trước khi vào diện kiến vua A-suê-rô để cứu dân tộc mình khoải hoạ diệt vong.
Hình thức giữ chay như thế này cũng được duy trì trong thời Tân Ước như trường hợp ông Gio-an Tẩy giả, các môn đệ của ông và chính Đức Giê-su (Mt 4,2). Tân Ước cũng cho biết, có những người giữ chay một cách trường kỳ, ví dụ như nữ ngôn sứ An-na trong câu chuyện dâng Hài Nhi Giê-su trong Đền Thờ (Lc 7,23).
Ngoài yếu tố thời gian, thì hình thức sám hối bằng chay tịnh có thể được khám phá thêm từ khía cạnh thứ ba, tức những biểu hiện đi kèm khi người ta giữ chay. Sách thánh Cựu Ước cho biết những chuyện như rắc tro trên đầu, khoác áo vải thô, bước đi thiểu não, than van khóc lóc, nguyện cầu khẩn thiết, làm phúc bố thí… của các cá nhân hay tập thể (x. Ds 30,14; 1 V 21,27; Tv 35,12; Tb 12,8 …). Trong Tân Ước, việc thực hành chay tịnh thường đi kèm với lời cầu nguyện (Cv 13,2-3; 14,23). Với thánh Phao-lô, ra như người còn liệt kê “việc chay tịnh” vào chuỗi những sự kham khổ của một tông đồ chính hiệu khi cho biết, đó là một trong những điều thánh nhân đã phải thường xuyên “kiên trì chịu đựng” (2 Cr 6,4-5; 11,27-28).
Kính thưa quý ông bà anh chị em! Từ việc xem lại một số hình thức sám hối qua chay tịnh vừa rồi, chúng ta tiếp tục đi vào tìm hiểu những nét đặc biệt liên quan đến nguyên nhân và thực chất của việc chay tịnh xét như là một luật Tin mừng.
2. Việc giữ chay như là một Luật Tin mừng
Để biết thêm những gì hàm chứa bên trong việc thực hành chay tịnh theo chủ điểm này, thiết tưởng chúng ta nên tìm lại những lời Kinh Thánh có thể giải đáp cho câu hỏi: tại sao phải ăn chay?
Cụm từ “Luật Tin mừng” trước hết gợi lại cho chúng ta sự kiện ông Mô-sê đã ăn chay khi đón nhận Thập Điều của ĐỨC CHÚA, hay việc ông ăn chay sau khi ông từ trên núi xuống và đập vỡ hai tấm Bia Giao Ước (x. Xh 34,28; Đnl 9,17tt.). Sách Thánh còn cho biết “ăn chay hãm mình” như một khoản Luật về Ngày Lễ Xá Tội (Lv 16,1-29). Ở đây, chúng ta thấy thấp thoáng hình bóng Tin mừng cho tất cả những ai nhờ sám hối mà được Thiên Chúa thứ tha tội vạ. Quả thật, trong tất cả các giai đoạn lịch sử của Ít-ra-en, người ta thường công bố thời kỳ chay tịnh mỗi khi dân Chúa phải đối diện với tình trạng khẩn cấp và hiểm nghèo (x. Tl 20,26; 1 Sm 7,6; 2 Sb 20,3; Er 8,21-23; Nkm 1,4; Et 4,16; Gr 36,9). Việc chay tịnh trong một số hoàn cảnh đích thực là một hành động sám hối cụ thể (1 V 21,27; Nkm 9,1tt.; 2 Sm 12,16; Tv 35,13; 2 Sm 1,12; 12,21; Is 31,13).
Trong và sau thời Lưu Đày, một số kỳ chay tịnh nhất định còn được thực hiện vì lý do là để tưởng nhớ việc Giê-ru-sa-lem bị quân Ba-by-lon tàn phá, một sự kiện đi liền với việc Dân Chúa đã thất bại trong việc tuân giữ Lề Luật của Người. Các kỳ chay tịnh này bao gồm: ngày mùng chín tháng thứ tư, tưởng nhớ ngày Giê-ru-sa-lem sụp đổ (2 V 25,3tt.); ngày thứ mười tháng thứ năm, để tưởng nhớ sự sụp đổ của đền thờ (ss. Gr 52,12tt.); ngày thứ hai tháng thứ bảy, để tưởng nhớ việc ông Gơ-đan-gia-hu bị sát hại (2 V 25,23-25); và ngày thứ mười tháng thứ mười, để tưởng nhớ đợt Giê-ru-sa-lem bị tấn công lần đầu tiên (2 V 25,1). Tuy nhiên, Ngôn sứ Da-ca-ri-a cũng tuyên bố rằng những kỳ chay này phải trở thành những dịp mừng vui, thành niềm phấn khởi, thành mối hân hoan (Dcr 8,19). Chúng ta hiểu việc giữ chay như một luật Tin mừng theo tinh thần này. Ở thời kỳ muộn hơn, sách Ma-ca-bê còn cho biết, dân chúng vẫn giữ chay trong những khi quốc gia lâm nguy… (1 Mcb 3,47; 2 Mcb 13,12).
Thời Tân Ước, Gio-an Tẩy Giả và các môn đệ sống kiêng khem, chay tịnh, hãm mình và mời gọi dân chúng tỏ lòng sám hối (Mt 3,1-12). Nơi thánh Phao-lô, chúng ta thấy có sự kiện người nhịn ăn nhịn uống suốt ba ngày sau việc xảy ra ở Đa-mát (Cv 9,9). Trước hành trình truyền giáo lần thứ nhất, thánh Phao-lô cùng với nhiều người trong Hội Thánh tại An-ti-ô-khi-a đã ăn chay đang khi làm việc thờ phượng Chúa (Cv 13,1tt.)… Thực ra, những gì vừa liệt kê cho thấy việc giữ chay như là một Luật Tin mừng có liên quan đến những “chuyện kín đáo” giữa những người thực hành chay tịnh và Thiên Chúa là đấng thấu suốt mọi sự. Chính vì lý do này mà trong chuỗi những lời khích lệ trong Bài Giảng Trên Núi có liên quan đến ba phận vụ đạo đức, Đức Giê-su nhấn mạnh đến việc tránh xa thái độ đạo đức phô trương trong khi đề cao lòng sùng mộ âm thầm và thuận hợp với thánh ý Thiên Chúa (Mt 6,1-18).
Chúng ta có thể dựa vào ý hướng này để đi vào phần tìm hiểu thứ ba về chủ đề Chay Tịnh, theo đó, việc giữ chay chỉ có thể đạt được mục đích của nó khi người giữ chay được hoà giải, được gặp gỡ chính Chúa và anh chị em mình.
3. Chay tịnh như một sự chuẩn bị để rước Chúa
Về mặt thực hành, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1387 hay điều 919 của Bộ Giáo Luật nhắc nhở chúng ta phải giữ chay theo quy định của Hội Thánh để rước Chúa cách xứng đáng. Tuy là lời nhắc nhớ về kỷ luật liên quan đến Phụng vụ Thánh lễ, nhưng chúng ta cũng có thể liên tưởng đến cả chu kỳ phụng vụ, trong đó, kết thúc Mùa Chay chính là lúc chúng ta hân hoan và long trọng mừng Chúa Phục Sinh, mừng Sự Sống vinh thắng. Như vậy, chúng ta có cả một Mùa Chay Tịnh, là quãng thời gian với những tuần chay chúng ta có dịp để hưởng ứng lời khích lệ mà thánh Phao-lô đã gửi đến tín hữu Cô-rin-tô như Bài Đọc Hai trong Phụng Vụ Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro trình bày: “Nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,20-21).
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1438 và điều 1251 trong Bộ Giáo Luật cũng chỉ rõ thời gian và những ngày thống hối trong năm phụng vụ là ngày thứ tư Lễ Tro và ngày thứ sáu tưởng niệm Chúa chịu chết. Chúng ta cũng nhận thấy việc giữ chay của toàn thể Giáo Hội trong những ngày này được đặt trong không gian và thời gian vĩ đại hơn rất nhiều, như thánh Phao-lô cho biết, đấy là “thời Thiên Chúa thi ân, là ngày Thiên Chúa cứu độ.” Do đó, tất cả chúng ta được mời gọi thực hành chay tịnh trong niềm vui của Tin mừng Cứu Độ. Việc giữ chay tất nhiên phải vượt qua những thực hành chỉ dừng lại với thái độ bổn phận hay chỉ nhắm đến hình thức đạo đức bên ngoài!
Kính thưa quý ông bà anh chị em!
Xin được kết thúc bài tìm hiểu chủ đề Chay Tịnh hôm nay với lời cầu chúc quý ông bà anh chị em một Mùa Chay thánh thiện, cùng với việc giữ chay, chúng ta cũng thể hiện sự hiệp nhất trong cách tuân giữ chung việc sám hối, trong việc cầu nguyện, thực hành việc đạo đức bác ái và từ bỏ chính mình… (Giáo Luật 1249).
Mượn lời Thánh Vịnh Đáp Ca của Phụng vụ Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện và sám hối, với ước mong được tẩy luyện và đổi mới từ bên trong:
Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.
Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,
và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con;
Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.
bài liên quan mới nhất
- Bài 100: Lễ Thánh Gia - Những cuộc hành hương theo luật Do Thái | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 99: Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 98: Niềm trông đợi Đấng Me-si-a thời Đức Giêsu | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 92: Torah và Luật Lệ Do-Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 91: Tại sao gọi Chúa Giê-su là "Con Vua Đa-vít"? | Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa