Viết cho người chưa biết Chúa
Bạn thân mến,
Tôi là một linh mục Dòng Tên. Ở Việt Nam nhiều người thường gọi tôi là “cha”. Rất nhiều lần tôi được trò chuyện với bạn như hai người bạn thân. Tôi cũng rất ít nói với bạn về đạo của tôi, hoặc về Thiên Chúa. Phần vì tôi còn ngại ngùng, phần vì tôi chưa có cơ hội thích hợp để chia sẻ với bạn. Đôi lần bạn cũng thắc mắc về niềm tin của tôi. Do đó, tôi muốn viết cho bạn đôi dòng để chia sẻ nhé. Tôi không cố gắng thuyết phục bạn tin vào Thiên Chúa đâu, nhưng để bạn hiểu hơn về Đấng Tạo Hóa thú vị này.
Bạn biết không, trước Tết, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Năng mời gọi chúng tôi can đảm viết cho những người chưa biết Chúa như bạn (xem https://www.youtube.com/watch?v=TgORRqtejNU, từ phút 45 trở đi). Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi nhớ đến bạn đầu tiên để chia sẻ đôi dòng. Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ cho những người bạn của mình nữa nhé.
Tôi vừa đề cập đến một vị lãnh đạo Công giáo tại Sài Gòn. Ngài có nhiệm vụ thay mặt Thiên Chúa chăm sóc một cộng đoàn, một nhóm người mà chúng tôi gọi là dân Chúa. Chúng tôi tin vào Thiên Chúa nên nhiều người gọi chúng tôi theo đạo Công giáo. Công giáo Rôma là một trong những tôn giáo lớn nhất trên thế giới, với hơn 1,3 tỷ tín hữu. Đạo này không chỉ có một hệ thống niềm tin, nhưng trên hết còn là một cách sống, một hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời dựa trên tình yêu thương và sự thật.
1. Công giáo là gì?
Công giáo là một tôn giáo thờ một Thiên Chúa duy nhất. Chúng tôi chỉ tin có một Thiên Chúa tạo thiên lập địa cho tới giờ và về sau nữa. Vị Thiên Chúa này được mặc khải (tỏ ra) qua lịch sử và đặc biệt qua Chúa Giêsu Kitô. Công giáo tin rằng Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo muôn loài. Chúng tôi xác tín rằng nguồn gốc của mọi sự sống đều đến từ Thiên Chúa. Niềm tin này được truyền lại qua sách Kinh Thánh và Truyền Thống của Giáo hội trong hơn 2000 năm qua.
Rất nhiều lần tôi nói với bạn: “Tôi là người công giáo.” Để dễ hiểu, công là phổ quát, công cộng, giáo là đạo, là đường. Như vậy đạo công giáo không chỉ dành cho chúng tôi, nhưng dành cho tất cả mọi người, không phân biệt dân tộc, quốc gia hay văn hóa. Nhiều người theo đạo này, chúng ta gọi họ là giáo hội Công giáo do Chúa Giêsu thành lập vào thế kỷ I, tiếp nối qua các vị tông đồ (học trò của Chúa Giêsu), đặc biệt là Thánh Phêrô – vị Giáo hoàng đầu tiên.
2. Công giáo tin gì về Thiên Chúa?
Xin cho phép tôi đi sâu hơn một chút nhé. Trong đạo Công giáo, Thiên Chúa không phải là một khái niệm trừu tượng. Ngài không phải là đồ vật hay ở nơi xa xăm nào đó. Ngài càng tuyệt đối không phải là sản phẩm phóng chiếu của con người. Đơn giản nhưng sâu sắc, Thiên Chúa là một Đấng có tình yêu, lý trí và có tương quan mật thiết với con người. Nhiều người gọi Thiên Chúa là “Ông Trời”. Dù cách gọi khác nhau, nhưng điểm chung là niềm tin vào một Đấng tối cao đầy quyền năng và yêu thương. Cần chú ý rằng Thiên Chúa có ba Ngôi Vị:
Thiên Chúa Cha như là Đấng sáng tạo vũ trụ, nguồn gốc của sự sống. Chúng tôi có một lời nguyện rất phổ biến về Thiên Chúa Cha: Kinh Lạy Cha.
Thiên Chúa Con chính là Chúa Giêsu Kitô, mà bạn thường nghe tôi nói. Chúa Giêsu là Ngôi thứ hai xuống thế gian làm người. Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là con người 100%. Con người thì tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu hoàn toàn không có tội, vì trong Ngài có “phẩm chất” Thiên Chúa. Như trong lịch sử và Kinh Thánh ghi lại, Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem, sống thầm lặng tại Nazarét, và rao giảng Tin Mừng trong ba năm khắp vùng đất Palestina thời đó. Sau cùng, Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên cây thập giá. Nếu bạn vào nhà thờ Công giáo, đều thấy biểu tượng này. Sau khi chết, ngày thứ ba, Chúa Giêsu sống lại để cứu độ nhân loại.
Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Thánh Thần tiếp tục sứ mạng của Thiên Chúa ở trần gian. Ngài hoạt động trong thế giới, soi sáng và hướng dẫn con người.
Như vậy, khi chúng tôi nói Thiên Chúa, nghĩa là một Đấng duy nhất. Nhưng trong Thiên Chúa luôn luôn có Ba Ngôi Vị. Hơi khó hiểu, vì đây là mầu nhiệm, là bí mật lớn lao đòi hỏi chúng tôi khám phá từ từ. Hơn nữa, chính Thiên Chúa cũng tự tỏ mình ra để chúng tôi hiểu hơn về chính Ngài. Lý do? Vì “Thiên Chúa là tình yêu”, nên thúc đẩy Ngài đến với con người. Đây là niềm tin cốt lõi của Công giáo. Nếu bạn chưa tin vào Thiên Chúa, ít nhất bạn có thể hiểu rằng Công giáo không nói về một vị thần xa lạ hay độc đoán, mà là một Thiên Chúa yêu thương con người.
3. Chúa Giêsu là ai?
Chúa Giêsu là nhân vật trung tâm của Công giáo. Ở trên tôi đã đề cập một chút. Ở đây chúng ta thấy Chúa Giêsu không chỉ là một nhân vật lịch sử, mà còn là Thiên Chúa làm người để dạy con người về tình yêu, lòng nhân từ và sự tha thứ. Ngài sinh ra tại nước Do Thái hơn 2000 năm trước, giảng dạy về tình yêu thương, bác ái, và công lý. Ngài bị đóng đinh trên thập giá, nhưng Công giáo tin rằng Ngài đã sống lại và chiến thắng sự chết. Ngài không chỉ là một nhà đạo đức, mà là Con Thiên Chúa và mở ra con đường cứu rỗi cho con người.
Nếu bạn chưa thể tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, thì ít nhất bạn có thể xem Ngài như một nhân vật có ảnh hưởng lớn đến lịch sử nhân loại. Chắc ai cũng từng nghe về Chúa Giêsu. Chính Ngài đã đã thay đổi cả nền văn minh phương Tây.
4. Giáo hội Công giáo là gì?
Khi ở trần gian, Chúa Giêsu lập nên một nhóm gọi là Nhóm Tông Đồ. Từ nhóm này mà Giáo hội Công giáo sớm trở thành một tổ chức tôn giáo ngay từ thế kỷ đầu tiên. Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Giáo hội ngày càng lớn mạnh rộng khắp năm Châu. Thế kỷ thứ XVII (năm 1615) Giáo hội Công giáo đã có mặt tại Việt Nam và tồn tại cho đến ngày nay.
Gần giống với một tổ chức, Giáo hội cũng cần có người đứng đầu. Thiên Chúa chính là thủ lãnh của chúng tôi. Về mặt trần thế, Đức Giáo hoàng (hiện nay là Đức Thánh Cha Phanxicô) là người kế vị Thánh Phêrô, lãnh đạo Giáo hội toàn cầu. Sau ngài là các giám mục, linh mục, tu sĩ, là những người phục vụ cộng đoàn tín hữu. Như vậy nếu bạn vào đạo Công giáo, nghĩa là bạn thuộc về một dân mới, dân của Thiên Chúa. Nếu bạn đi tu, bạn sẽ thành tu sĩ. Nếu là nam, bạn có thể trở thành linh mục, giám mục và giáo hoàng.
Ngay cả khi bạn chưa tin vào Thiên Chúa, bạn vẫn có thể thấy rằng Công giáo có những giá trị quan trọng đối với con người và xã hội. Chẳng hạn, tình yêu và lòng nhân hậu: Công giáo đề cao tình yêu thương và sự tha thứ, khuyến khích con người sống nhân ái với nhau. Sự thật và công lý: Giáo hội cổ vũ cho sự thật, bảo vệ phẩm giá con người, xây dựng công bằng xã hội. Và ý nghĩa cuộc sống: Công giáo giúp con người nhìn thấy ý nghĩa vượt ra khỏi vật chất, hướng đến một đời sống tròn đầy hơn.
Tóm lại, đạo Công giáo dạy người ta không chỉ ăn ngay ở lành, sống tốt lành, nhưng còn hướng người ta đến với Thiên Chúa là tình yêu. Khi có tương quan với Chúa, người ta càng sống thánh thiện và xứng đáng hưởng hạnh phúc ở đời này và đời sau.
Xin bạn đừng nghĩ tôi ép bạn tin vào Thiên Chúa. Công giáo không ép buộc ai tin vào Thiên Chúa. Tự do tôn giáo là điều quan trọng trong cuộc sống của chúng ta thời hiện đại. Nếu được phép, tôi chia sẻ với bạn thêm điều này: Đức tin là một hành trình. Bạn và tôi có thể tự tìm hiểu, tự đặt câu hỏi và suy ngẫm. Để hiểu sâu hơn về Thiên Chúa, bạn có thể đọc Kinh Thánh, đặc biệt là bốn sách Tin Mừng: Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca, Gio-an. Tôi để đường link ở đây để bạn có thể đọc nhé:
https://ktcgkpv.org/bible/audio
Ngoài ra, nếu có dịp, bạn có thể tìm hiểu thêm về lịch sử và triết lý Công giáo. Sách về phương diện này nhiều lắm. Trên mạng Internet cũng không thiếu những bài viết liên quan đến chủ đề này. Ngoài ra bạn thử quan sát cách người Công giáo sống niềm tin của họ. Nếu bạn chưa tin, nhưng ít nhất bạn hiểu Công giáo hơn, đó đã là một bước tiến quan trọng.
Để kết thúc, tôi xin lưu ý rằng tuy có nhiều điểm chung với các tôn giáo khác, nhưng Công giáo có một số nét độc đáo:
- Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, không chỉ là một vị thần duy nhất nhưng là một cộng đồng tình yêu.
- Tin vào sự nhập thể của Thiên Chúa, Chúa Giêsu không chỉ là một ngôn sứ mà là chính Thiên Chúa.
- Coi trọng lý trí và khoa học, Công giáo không phản đối khoa học, mà tin rằng khoa học và đức tin có thể bổ sung cho nhau.
- Có một truyền thống lâu đời và liên tục, tồn tại suốt hơn 2000 năm mà không bị gián đoạn.
Cảm ơn bạn đã đọc những dòng trên. Dù bạn chưa tin vào Thiên Chúa hay chỉ mới bắt đầu tìm hiểu, hy vọng bài viết này giúp bạn có một cái nhìn rõ ràng hơn về Công giáo. Không ai có thể ép buộc bạn tin, nhưng nếu bạn có những câu hỏi sâu xa về cuộc sống, ý nghĩa, và tình yêu, Công giáo có thể là một con đường để bạn khám phá.
Nếu có những câu hỏi nào, xin bạn cứ gửi cho tôi nhé. Tôi rất hạnh phúc chia sẻ với bạn. Tôi không muốn thuyết phục bạn tin vào Thiên Chúa, nhưng như ông bà ta thường nói: “Vô tri bất mộ” – không biết thì không thể yêu. Điều quan trọng trước hết là hiểu đúng về Thiên Chúa và đạo Công giáo. Còn lại, hãy để Thiên Chúa hướng dẫn hành trình của bạn.
Chờ thư của bạn.
Thân ái,
Linh mục Giuse Phạm Đình Ngọc, Dòng Tên
WHĐ (10/02/2025)
_____
Tái bút:
Khi viết xong lá thư này, tôi tò mò hỏi ChatGPT: “Bạn có mẩu chuyện nào để giúp tôi hiểu tổng quan về Thiên Chúa và về Giáo hội Công giáo không?”
ChatGPT trả lời: Mẩu đối thoại vui: “Câu chuyện về Nhà và Chủ nhà”
Bối cảnh: Quân (một người Công giáo) và Hưng (chưa tin vào Thiên Chúa) đang đi dạo trong công viên và trò chuyện về tôn giáo.
Hưng: Này Quân, cậu tin vào Thiên Chúa, vậy có thể giải thích cho tớ về Ngài một cách đơn giản không? Tớ thấy đạo Công giáo có vẻ phức tạp quá!
Quân: Ồ, thực ra đơn giản lắm! Cậu cứ tưởng tượng thế này nhé: nếu cậu nhìn thấy một căn nhà đẹp, cậu nghĩ có ai đó đã xây nó, đúng không?
Hưng: Tất nhiên! Nhà tự nhiên mọc lên thì nghe phi lý quá.
Quân: Chính xác! Mà vũ trụ này, con người chúng ta cũng giống như một ngôi nhà vậy. Nếu một căn nhà cần có người xây, thì vũ trụ cũng cần một Đấng tạo dựng. Chúng tớ gọi Ngài là Thiên Chúa.
Hưng: Ừm... nhưng nếu đã có Thiên Chúa, tại sao lại cần đến Giáo hội? Không phải ai cũng có thể tin vào Chúa theo cách riêng sao?
Quân: Câu hỏi hay đấy! Cậu có nhớ lần cậu thuê nhà ở Sài Gòn không?
Hưng: Nhớ chứ! Phải tìm chủ nhà, ký hợp đồng, rồi còn có quy tắc chung của khu chung cư nữa.
Quân: Đúng rồi! Khi cậu sống trong một ngôi nhà, có một người chủ, có các quy định để giúp cuộc sống tốt hơn. Cũng vậy, Thiên Chúa là Đấng tạo dựng, còn Giáo hội giống như “người quản gia” giúp chúng ta hiểu về Ngài và sống theo đường lối của Ngài.
Hưng: Nhưng nếu Chúa yêu thương, tại sao Ngài không nói thẳng với từng người mà lại phải thông qua Giáo hội?
Quân: Cậu có biết cách học lái xe không?
Hưng: Ừ, phải có thầy dạy, phải học lý thuyết và sau đó là thực hành!
Quân: Chính xác! Nếu ai cũng tự học mà không có hướng dẫn, thì chắc tai nạn giao thông xảy ra đầy đường. Cũng vậy, Giáo hội giúp chúng ta hiểu đúng về Thiên Chúa, hướng dẫn con đường để chúng ta sống tốt và đến gần Ngài hơn.
Hưng: Vậy còn các quy tắc, luật lệ của Giáo hội thì sao? Có phải chỉ để làm khó người ta không?
Quân: Không đâu! Cũng giống như luật giao thông vậy: đèn đỏ không phải để làm khó ai cả, mà để mọi người an toàn. Giáo hội không phải là một tổ chức áp đặt, mà là một gia đình, một cộng đồng giúp con người hướng về điều tốt lành nhất.
Hưng: Nghe có lý thật! Nhưng… làm sao biết Thiên Chúa có thật?
Quân: Cậu có thể thử một cách rất đơn giản: hãy nói chuyện với Ngài, thử cầu nguyện một lần, thử mở lòng ra. Biết đâu cậu sẽ cảm nhận được điều gì đó rất đặc biệt!
Hưng: Được rồi, tối nay tớ thử “nhắn tin” cho Chúa xem sao! Nếu nhận được phản hồi thì nhớ mời tớ đi cà phê để kể tiếp nhé!
Quân: Haha, chắc chắn rồi! Nhưng mà… tiền cà phê cậu trả nhé!
Hưng: Ơ... ai nói thế?!
bài liên quan mới nhất
![](/Images/Articles/MainImages/10022025_150039.jpg)
- Viết cho người chưa biết Chúa
-
Làm sao để Chúa nói khi ta đọc Lời Chúa? -
Thiên Chúa như là người mẹ - Một cố gắng hình dung -
Lòng thương xót của Chúa: Khoa sư phạm Thần Linh -
Hành hương thời Tân ước - Phần 4: Chúa Phục sinh hành hương với chúng ta -
Khiêm tốn và hành trình tìm kiếm sự hiểu biết -
Làm sao để Lời Chúa luôn mới mẻ? -
Những bài học dễ dàng từ các vị thánh giúp bạn tìm thấy niềm vui -
Vẻ đẹp của việc nài xin sự tha thứ: Con đường dẫn đến sự chữa lành và hy vọng -
Kinh Mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ tư - Năm Sự Vui - Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh
bài liên quan đọc nhiều
![](/Images/Articles/MainImages/05052020_082846.jpg)
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19