Viết cho linh mục quyên tiền xây nhà thờ

Viết cho linh mục quyên tiền xây nhà thờ

Chiều cuối tuần, mọi người lần lượt bước vào nhà thờ tham dự thánh lễ và thấy hai hàng người đứng sẵn chào đón. Mỗi người được phát một bì thư với nội dung bên trong là xin giúp đỡ sửa chữa, hoặc xây mới một ngôi thánh đường hay cơ sở hạ tầng của một giáo xứ nào đó: chuyện hiệp thông “thường tuần” ở một số nhà thờ lớn trong Thành phố hiện nay!

Chiều hôm nay, như những lần khác, tôi mở phong bì xem "danh tánh" của những người “cầm thau” trước sảnh nhà thờ. Ngoài những dòng “tít” cần có ở phía trên và dưới của một văn bản, lá thư ngỏ vỏn vẹn chỉ khoảng dăm ba hàng chữ với nội dung xin giúp giáo xứ X. xây nhà thờ. Mở đầu, thư viết: “Tôi, linh mục …” Thông thường, thư xin giúp đỡ hay viết: “Con, Lm….” diễn tả sự khiêm tốn…; còn ở đây, có vẻ khác… Lòng dặn lòng: phải ở lại đến cuối lễ để xem dung mạo vị linh mục này, vì với văn phong như thế, bình thường tác giả không muốn nhờ vả ai!

Trước phần ban phép lành cuối Thánh lễ, vị linh mục ấy xuất hiện, ngài nói ít lời về mục đích hiện diện nơi đây và hoàn cảnh giáo xứ đang gặp phải. Giáo xứ X. gồm 9 họ đạo, phần lớn là giáo dân là người dân tộc Y. Họ dự định xây dựng nhà nguyện trên phần đất 1,2 sào. Khi xin giấy phép xây dựng, chính quyền địa phương nói họ đồng ý với điều kiện giáo xứ phải xây nhà thờ lớn hơn trên diện tích đất khoảng 5-6 sào. Bí lối, cha xứ phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi cầu cứu. Việc xây dựng nhà thờ đã khởi công từ năm 2005 đến nay mới chỉ hoàn tất phần đổ đất làm nền. Cha cho biết, vì địa lý giáo xứ nằm ở gần Đà Lạt nên phải đổ nền nhà thật cao. Ngoại hình của cha và cả những điều cha vừa nêu lên … cũng thật bình thường.

Nói vắn tắt đến đây, ngài hát tặng cộng đoàn bài hát “tình cha ấm áp như vầng thái dương, ngọt ngào như …” Giọng ngang phè, hát chẳng đúng nốt và tiết tấu gì ráo trọi. Dzậy mà trước khi cất giọng ca còn dõng dạc: “xin ca đoàn cho hợp âm Rê thứ”… đúng là…!

Cha hát liền một mạch hai, ba phiên khúc của bài đó. Cha hát nhanh gần giống như giới trẻ hát Akabera, mỗi lúc một gấp gáp. Miên man chú tâm theo giọng hát và lời bài hát, tôi mới “vỡ lẽ” và cảm thấy có gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng, nhói đau vùng ức và cay sè ở khóe mắt: Tình cha.

Vâng, chỉ có tình yêu của người cha, tấm lòng của mục tử, mới khiến một người oai oai phong phong là thế, dù biết rõ chất giọng "không chuyên" của mình (tuổi của ngài đã ngoài ngũ tuần), đứng trên “bao lơn” nhà thờ hát tặng những người mà mình vừa ngỏ lời xin trợ giúp xây dựng thánh đường-nơi thờ phượng của Giáo hội. Một hình ảnh quá đẹp! “Bài giảng sống” của vị linh mục ấy đi vào lòng người và có sức biến điều “bình thường” trở nên phi thường.

*  *  *

Thưa quý linh mục quyên tiền xây nhà thờ,

Nếu những suy nghĩ của con có điều gì xúc phạm đến các cha, thì con thành tâm xin lỗi!

Nhưng rõ ràng từ sau thánh lễ hôm ấy, con đã hiểu và thông cảm với quý cha hơn. Nghĩ đến những oan trái, sự hiểu lầm mà quý cha đang gánh chịu, khiến con vơi đi nỗi cay cực trong đời sống thường nhật. Con nhận ra “ách” và “gánh” của mình còn nhẹ và êm ái hơn quý cha nhiều.

Trưa hôm sau, con có dịp gặp gỡ một vị linh mục. Tình cờ, ngài cũng nói đến những khó khăn của anh em linh mục ở các giáo xứ nhỏ, nghèo, nơi những họ đạo vùng sâu vùng xa trong việc tu sửa, xây dựng phòng giáo lý hoặc thánh đường. Ngài gợi lên một giải pháp khả thi để sống sự hiệp thông trong Giáo hội như: Một giáo xứ nội thành kết nghĩa với một giáo xứ vùng sâu hay nông thôn. Những dịp lễ có thể là cơ hội để giáo dân của hai giáo xứ thăm viếng lẫn nhau nhằm biểu hiện tình huynh đệ Kitô giáo và liên đới hỗ trợ nhau về tinh thần lẫn vật chất trong công cuộc Loan báo Tin Mừng…

Thưa quý cha,

Chắc hẳn sự hững hờ, ánh mắt, cử chỉ hay những lời nói “có cánh” của chúng con đôi khi đã làm cho các cha thêm “oằn vai”. Xin quý cha dung thứ cho chúng con. Con hứa mỗi ngày sẽ cầu nguyện cho quý cha.

Con kính chào quý cha!
 

Một giáo dân Sài Gòn

Top