Từ “thực hiện” sứ vụ đến “trở thành” một sứ vụ: chứng từ của một nữ tu ở Châu Phi

Từ “thực hiện” sứ vụ đến “trở thành” một sứ vụ: chứng từ của một nữ tu ở Châu Phi

Từ “thực hiện” sứ vụ đến “trở thành” một sứ vụ: chứng từ của một nữ tu ở Châu Phi

TỪ “THỰC HIỆN” SỨ VỤ ĐẾN “TRỞ THÀNH” MỘT SỨ VỤ: CHỨNG TỪ CỦA MỘT NỮ TU Ở CHÂU PHI

Vatican News

VaticanNews (30.07.2023) - Một nữ tu Ấn Độ thuộc Dòng Thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm - PIME mô tả hành trình ơn gọi của sơ không chỉ bằng những hành động cụ thể được phát triển theo thời gian như hoạt động trợ giúp các phụ nữ và tù nhân, mà còn bằng cách kể lại cách chị khám phá ra rằng “cuộc sống không có sứ vụ” nhưng “là một sứ vụ”.

Một nữ tu truyền giáo dòng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội

Tôi là một thành viên của Dòng các Nữ tu Thừa Sai Đức Mẹ Vô Nhiễm (MSI), còn được gọi là “Các Nữ Tu PIME”. Tôi gia nhập dòng vì tôi bị thu hút bởi chiều kích truyền giáo trong đặc sủng của PIME mà tôi cảm thấy phù hợp với mọi thời đại và mọi nơi.

Kể từ tháng Bảy năm 1982, cuộc hành trình truyền giáo của tôi đã đưa tôi từ quê hương của tôi ở Maharastra, Ấn Độ, đến Andhra Pradesh, sau đó đến các tiểu bang khác nhau ở Ấn Độ, và cuối cùng là đến nơi tôi hiện đang là một nữ tu truyền giáo ở Bắc Phi. Nhưng sự hiểu biết của tôi về việc trở thành một nhà truyền giáo cũng đã trải qua một hành trình, một sự thay đổi mô hình từ thi hành sứ vụ trở thành sứ vụ; từ tu phục đến thường phục; từ các thừa tác vụ có tổ chức lớn đến các hoạt động giúp đỡ các cá nhân hoặc nhóm nhỏ; từ các giáo xứ lớn đến nơi chỉ có một cộng đoàn tu sĩ. Những thay đổi này đã khiến tôi suy nghĩ về ý nghĩa thực sự và sự phù hợp của ơn gọi và sứ vụ của mình.

Bắc Phi, điểm truyền giáo của tôi

Các nữ tu đã hiện diện ở Bắc Phi từ năm 2009. Theo thời gian, sự hiện diện của chúng tôi đã tăng lên và hiện tại chúng tôi có bốn cộng đoàn. Vào tháng 8 năm 2014, chúng tôi đã mở một Trung tâm Đa năng trong Giáo phận của chúng tôi. Hiện nay, có bốn người trong chúng tôi hợp tác trong nhiều hoạt động khác nhau với các linh hoạt viên địa phương – may đo, thêu thùa, đan lát, nấu ăn, thể dục nhịp điệu và yoga, chủ yếu dành cho phụ nữ. Một nữ tu đang phụ trách các lớp học thêu; tại đây, ngay cả một số thiếu nữ có vấn đề khó khăn về học hành cũng tham gia. Chúng tôi cung cấp các hoạt động ngoại khóa cho trẻ em trong những ngày nghỉ. Một nữ tu khác chăm sóc một vài trẻ em mắc chứng tự kỷ.

Mục vụ nhà tù

Cùng với một tình nguyện viên, tôi bắt đầu đến thăm một nhà tù nơi có hơn 2.000 người, vào ngày 21 tháng 9 năm 2020, ngày kỷ niệm ngày qua đời của Mẹ Igilda, một trong những vị sáng lập dòng của chúng tôi. Chúng tôi thăm 16 người từ các quốc gia châu Phi khác, những người không có cơ hội liên lạc với gia đình ở xa của họ.

Vào tháng 2 năm 2021, hai tù nhân không liên lạc với gia đình trong hai năm đã được chuyển đến từ các nhà tù khác. Với số điện thoại họ cho, tôi đã liên lạc với những người thân trong gia đình của họ. “Họ còn sống không?” là phản ứng đầu tiên của họ. Nước mắt lăn dài trên mặt tôi. Trải nghiệm này khiến tôi nhận ra tầm quan trọng và cần thiết của việc trở thành người trung gian giữa các tù nhân và gia đình họ. Tôi không thể diễn tả được niềm vui trên khuôn mặt của các tù nhân khi chúng tôi đến thăm họ, khi họ nhận được tin tức về gia đình, thỉnh thoảng có thư hoặc ảnh của những người thân yêu của họ.

Tôi muốn chia sẻ một trải nghiệm đặc biệt mà tôi có được trong một chuyến thăm của chúng tôi. 16 tù nhân được tập trung trong phòng khách. Sau khi trao đổi tin tức về thế giới bên ngoài, họ chia sẻ những khó khăn của họ – không được tôn trọng, vấn đề về thức ăn, v.v. Như thường lệ, sau khi lắng nghe họ, chúng tôi cùng nhau đọc Tin Mừng và cầu nguyện và chia sẻ vài suy tư. Điều làm tôi cảm động nhất là những lời cầu nguyện tự phát của họ về sự tín thác và tin tưởng nơi Chúa, cùng những bài thánh ca tạ ơn. Gần đây, hai người trong số họ xin được xưng tội.

Mỗi chuyến viếng thăm dạy tôi biết ơn Chúa vì sự tự do mà tôi được hưởng, điều mà tôi thường cho là điều hiển nhiên. Trong cuộc phán xét cuối cùng được thuật lại trong Tin Mừng Thánh Mátthêu chương 25, Chúa Giêsu nói: “Khi Ta ở tù các con đã viếng thăm Ta” (câu 36). Tôi tin rằng mục vụ nhà tù là điều Chúa Giêsu mong muốn; Người đã đồng hóa mình với những người túng thiếu và bị gạt ra ngoài lề nhất.

Mục vụ sức khỏe

Trong Trung tâm đa hoạt động của chúng tôi, chúng tôi có một căn phòng nhỏ để tiếp đón người già và người bệnh, với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đơn giản, đặc biệt là những phụ nữ thích đến với chúng tôi. Là một y tá chuyên nghiệp, điều này đã giúp tôi phát triển mối quan hệ thân thiện với những người trong khu phố và nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các gia đình. Tôi đã có cơ hội giúp đỡ nhiều người vượt qua bệnh tật hoặc tuổi già. Một số đã về nhà của họ trên thiên đàng, nhưng mối quan hệ của chúng tôi với gia đình họ vẫn tiếp tục.

Các tương quan cá nhân

Trong tháng Ramadan, một số người trong số họ mời chúng tôi tham gia l’ftour’, là bữa ăn vào ban chiều khi kết thúc việc ăn chay, thường với các thành viên trong gia đình. Tôi không thể quên ngày đầu tiên của tháng Ramadan năm 2018 với một góa phụ chỉ sống cùng con gái. Chị xúc động nói với tôi: “Sơ ơi, thật là một kinh nghiệm tuyệt vời khi kết thúc việc ăn chay với một nữ tu Công giáo người Ấn Độ.”

Một số người vui vẻ mời chúng tôi tham gia các lễ kỷ niệm như cưới hỏi, sinh em bé, ngày kỷ niệm, v.v. Chúng tôi cũng chủ động đến thăm họ trong những lúc đau đớn vì bệnh tật, hoặc khi mất người thân.

Sứ vụ của chúng tôi là một sứ vụ đầy thách đố ở nơi mà sự độc thân của chúng tôi là điều khó hiểu đối với người dân. Do đó, những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp gỡ của ngài với các giáo sĩ và tu sĩ nam nữ ở Rabat, Maroc, là xác đáng và đầy khích lệ. Ngài nhấn mạnh như sau: “Vì Chúa Giêsu không chọn chúng ta và sai chúng ta đi để trở nên đông đảo hơn! Người gọi chúng ta thi hành một sứ vụ. Người đặt chúng ta giữa xã hội như một nắm men: men của các Mối phúc và tình yêu thương huynh đệ, nhờ đó, như là Kitô hữu, tất cả chúng ta có thể cùng nhau làm cho Vương quốc của Người được hiện diện.”

Cuộc sống là một sứ vụ

Ngày nay, ơn gọi của chúng tôi là đóng góp vào việc xây dựng các cộng đoàn huynh đệ, bất kể chúng tôi ở đâu và trong bất cứ việc gì chúng tôi làm. Ngay từ khi đặt chân đến đây, tôi đã thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của sứ vụ như là cuộc đối thoại của cuộc sống, của sự chung sống giữa các nền văn hóa, liên tôn giáo, liên thế hệ và quốc tế, sống với nhau trong hòa bình và hòa hợp. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn trong Tông huấn Gaudete et Exsultate, chúng ta không thể quên rằng “cuộc sống không có một sứ vụ, nhưng là một sứ vụ” (số 27).

 

Nguồn: vaticannews.va/vi

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top