Tu Hội Nữ Sống Thánh Thể: Thăm trại cùi Bến Sắn 21-4-2021

Tu Hội Nữ Sống Thánh Thể: Thăm trại cùi Bến Sắn 21-4-2021

Tu Hội Nữ Sống Thánh Thể: Thăm trại cùi Bến Sắn 21-4-2021

TGPSG-- “Khi ấy, Đức Giêsu đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch". Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi". Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh” (Lc 5,12-13).

Xuất phát từ tình yêu Đức Kitô và học đòi tấm gương nhân đức phi thường của Ngài, Tu hội Nữ Sống Thánh Thể đã tổ chức chuyến bác ái tại trại phong Bến Sắn thuộc ấp Long Bình, xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vào ngày 21-4-2021.

Tình yêu trong công tác chuẩn bị

Trước đài Thánh Giuse - vị Thánh bảo trợ của Tu hội, sáng ngày 17-4-2021, các nữ tu tại nhà Chính với nét mặt vui tươi rạng rỡ đã cùng nhau chuẩn bị quà cho chuyến bác ái. Cảm xúc hạnh phúc dâng trào trong tâm hồn tôi và các chị em khi được chung tay góp sức đem tình yêu thương của Chúa Giêsu Thánh Thể và của mọi người đến với các bệnh nhân trại phong.

Chuyến bác ái này, Tu hội chuẩn bị tất cả 105 phần quà. Mỗi phần quà gồm: 1 thùng mì tôm, 1 chai dầu ăn, 1 chai nước mắm, 6 chai xì dầu, 2 ký gạo, 1 ký đường, 1 bịch bột ngọt. Ngoài ra, Tu hội còn đem theo sữa tươi, kẹo và đồ chơi cho các em thiếu nhi là con cháu của các bệnh nhân cùng sống trong trại.

Quà tặng này có được là nhờ tấm lòng hảo tâm từ phụ huynh của các học trò tại Trường mầm non Tuổi Thơ của Tu hội cùng các mạnh thường quân ở quanh khu vực mà Tu hội hiện diện. Đợt quyên góp cho chuyến bác ái lần này đã khơi dậy tâm tình yêu thương trong lòng các chị em trong Tu hội cũng như trong lòng những người dân xung quanh. Tất cả chúng tôi đều đồng lòng đồng sức hướng về các bệnh nhân phong cùi. Dì Tổng phụ trách Anna Nguyễn Thị Hiền đã nhắn nhủ các nữ tu: “Nhân dịp này, các chị em hãy sẻ chia tình yêu thương và lòng cảm thông với các anh chị em phong”.

Tình yêu trong giờ phút khởi hành và di chuyển

Sáng sớm ngày 21-4-2021, các nữ tu Sống Thánh Thể đã có mặt tại sân nhà Chính để chuẩn bị khởi hành. Với những tiếng cười nói rộn rã, các nữ tu đã phụ giúp nhau chuyển hàng lên xe tải. Sơ Ngọc Thảo chia sẻ: “Tuy lao động vất vả nhưng tôi rất vui vì nhờ việc làm nhỏ bé này, chúng tôi có thể mang chút tình thương ấm áp cho các bệnh nhân phong cùi”.

Đúng 8 giờ, đoàn gồm 15 người (13 sơ và 2 em thiếu nhi) đã khởi hành từ Tu hội đi đến trại phong Bến Sắn với 2 xe: 1 xe chở người và 1 xe chở hàng. Trưởng đoàn là dì Tổng phụ trách của Tu hội.

Trong hành trình di chuyển, những tiếng nói cười giòn dã không ngớt. Chúng tôi rất háo hức và vui mừng vì sắp được đến gặp Chúa Giêsu Thánh Thể nơi những con người ‘bé nhỏ’ ở trại phong!

Tình yêu trong giờ phút gặp gỡ các bệnh nhân tại trại

“Xin thông báo các bệnh nhân hãy đến Hội trường nhận quà!”. Chúng tôi vừa bước xuống xe thì có tiếng loa thông báo vang khắp trại cùi.

Diện tích khu trại khoảng 8 mẫu được phủ kín bằng các loại cây xanh. Bầu không khí nơi đây rất yên tĩnh đối lập hẳn với sự ồn ào của phố thị. Có 105 hộ gia đình với 300 bệnh nhân đang sống trong trại, trong đó khoảng 2/3 bệnh nhân là người theo đạo Thiên Chúa. Họ được nhà nước cho phép xây 1 nguyện đường nho nhỏ, có các linh mục dâng Thánh lễ hàng ngày và được các sơ Nữ Tử Bác Ái phục vụ.

Các bệnh nhân ở đây được chia thành 2 khu riêng biệt: 1 khu là những bệnh nhân còn tự sinh hoạt được và 1 khu gồm các bệnh nhân đang điều trị bệnh. Khu điều trị bệnh gồm 100 người với 5 khu cố định là: lão nam, lão nữ, tâm thần, khu nội nhiễm và ngoại khoa. 

Vừa xuống xe, chị em chúng tôi phụ chuyển đồ xuống và sau đó đến bên các bệnh nhân thăm hỏi, trò chuyện. Chú Nguyễn Văn Nhiên, 62 tuổi thuộc ban đại diện của trại và cũng là 1 bệnh nhân phong cho tôi biết.“Những bệnh nhân nơi đây sống nhờ vào tấm lòng bác ái của các nhà hảo tâm chứ không lao động được, không tạo ra kinh tế để đảm bảo cho cuộc sống của chính mình và của gia đình”.

“Bây giờ, những bệnh nhân đã vào đây thì ai cũng như ai nên không còn mặc cảm gì nữa. Họ cũng ít ra ngoài và khi ra ngoài thì thường phải dấu, không dám nói ra vì sợ người ta sẽ xa lánh... Bệnh này không di truyền, nên tất cả con cháu chúng tôi khi sinh ra đều được xét nghiệm lúc 6 tháng tuổi và kết quả là không bị nhiễm bệnh cùi”... Chú Nhiên chia sẻ tiếp.

Khi các bệnh nhân đã quy tụ về Hội trường, sơ Tổng Phụ Trách đã đại diện đoàn chia sẻ sự cảm thông với các bệnh nhân và gửi quà tặng đến các gia đình của bệnh nhân. Mọi người xếp hàng lên nhận quà theo số thứ tự. Chúng tôi trao quà cho các bệnh nhân và trao cả tấm lòng yêu thương của chúng tôi cho họ. 

Sau khi đã nhận quà xong, 1 em thiếu nhi đã thay mặt cho các gia đình bệnh nhân bày tỏ lòng biết ơn và “hứa sẽ học tập chăm chỉ, vâng lời ba mẹ để đền đáp tấm lòng quảng đại của các ân nhân”.

Tiếp đó, chúng tôi dành giờ đi thăm viếng các bệnh nhân và gia đình trong trại. Bệnh nhân ở đây rất thân thiện, dễ tiếp xúc chứ không quá tự ti mặc cảm về căn bệnh của mình như trong tưởng tượng ban đầu của tôi. Đa số bệnh nhân ở nơi đây phải sống 1 cuộc đời đau khổ về phần xác, thiếu thốn mọi bề nhưng trong tâm hồn họ vẫn luôn chan chứa niềm hy vọng ....Trong số các bệnh nhân, có người may mắn có người thân bên cạnh chăm sóc, có người bị người thân bỏ thỉnh thoảng mới tới thăm và cũng có những người cô đơn không có người thân hỏi han, chăm sóc.

Người phụ nữ này là bà Tài 80 tuổi, vào trại được hơn 30 năm. Quê bà ở Bắc Ninh nhưng gia đình bà chuyển vào Bình Dương sinh sống. Bà có 3 người con gái, trong đó 2 cô lớn đã có chồng có con và đang làm công nhân, cô út cũng làm công nhân nhưng sống trong trại phong cùng với bà.

Nhìn đôi chân tàn phế của bà, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi xót xa! 1 chân bà bị đau nặng, phải cắt đi, chân kia cũng chẳng còn nguyên vẹn. Khi di chuyển bà phải dùng gậy chứ không tự đứng được. Bà kể: “Khó khăn lắm chứ sơ! Bệnh nhân chúng tôi có làm gì được đâu! Tiền điện, tiền nước và mọi chi tiêu chỉ có 760 ngàn do nhà nước cấp cho nên làm sao đủ được! Ngay cả cái tăm cũng phải mua. Nhà nước cho 1 căn nhà, ngang hơn 3 mét, rộng thì mười mấy mét, không có vườn tược gì hết. Đất cũng của nhà nước thôi. Tôi không đi chợ được, có đứa con làm công nhân ở ngoài, tan ca tối nó đi chợ mua mớ rau con cá về nấu ăn qua ngày. Ăn sang 1 tí là không đủ đâu. Bệnh đau thì lên bệnh viện điều trị, hết lại về nhà nằm. Nhà nước cho tiền thuốc. Trước đây tôi có mở quán bán mà ế quá! Tại toàn bệnh nhân làm gì có tiền có bạc đâu mà mua (bà cười). Ban ngày có mình tôi ở nhà, buồn chớ! Nhưng giờ bệnh tật thì biết làm sao!”.

Là người theo đạo Công giáo nên bà nhắn nhủ mọi người bên ngoài: “Chúng tôi ở trong này cũng luôn cầu xin Chúa cho mọi người bên ngoài được mạnh khỏe, cho bệnh dịch Covid mau chấm dứt. Chúng tôi đi lễ chỉ cầu sức khỏe cho chính mình, cho người trong nước và ngoài nước, cho các ân nhân. Trong này, chúng tôi rất may mắn khi có các sơ giúp đỡ, các sơ chính là cầu nối để các đoàn đến giúp đỡ chúng tôi”.

Ông Giuse Thật 78 tuổi ở Nhà Bè – Sài Gòn, vào trại được khoảng 10 năm là người “có vợ mà khi phát hiện ông bị bệnh, vợ ông bỏ luôn từ ngày đó không còn qua lại nữa”.

Chân ông bị bệnh phải cưa bỏ rồi đi chân giả, đôi bàn tay thì bị co rút do hậu quả của bệnh phong, dáng đi khập khiễng trông rất tội nghiệp! Ông tâm sự: “Vô đây không có gia đình nhưng có gì thì có mấy sơ rồi các đoàn tới giúp nên cuộc sống cũng đỡ. Bệnh của ông chữa vậy là xong rồi, không tái đi tái lại nữa nhưng nó bị tật. Từ hồi bị bệnh, vợ bỏ về quê dưới Đồng Tháp, người con gái ở với cô trên Sài Gòn, lâu lâu nó mới vào thăm!”.

Ông Thật theo đạo Thiên Chúa, rất siêng năng tham dự Thánh lễ, nhờ thế ông có sức mạnh nội tâm để vượt qua những tổn thương thể xác cũng như tâm hồn.

Bà Trần Thị Xuân bên trái và cô cùng nhà 

Đi vào trong làng, từ xa xa, chúng tôi thấp thoáng thấy dáng 2 người phụ nữ đang đứng xếp quà từ thiện vừa nhận được cùng nhau. Chúng tôi đã ghé vô nhà và được trò chuyện với bà Xuân.

Dáng bà nhỏ gầy, lom khom. Bà bị cưa chân nên phải đi chân giả và chống nạng. Tuy đau đớn vì bệnh tật nhưng bà rất vui tính, vẫn luôn hài hước với mọi người, nên dù đã 90 tuổi mà khuôn mặt của bà nhìn rất trẻ.

Bà Xuân kể: “Tôi mới té ghế bị dập cái xương sườn, phải mua thuốc uống và thuốc bóp. Bệnh thì lên bệnh viện nằm rồi lấy thuốc uống nhưng tôi vẫn phải mua thêm vì thuốc ở bệnh viện chỉ giảm bệnh chứ không hết bệnh. Tôi có chồng nhưng ông ấy đã mất trong trại này. Tôi không có con vì lúc lấy nhau chúng tôi đã nhiều tuổi rồi. Tôi ở đây không biết bao nhiêu năm rồi. Bây giờ, tôi với 1 cô nữa ở cùng nhà. Đa số những người ở đây vào từ năm 1976 (sau giải phóng). Hồi đấy ở đây nhà nào nhà nấy là 12 người, đông lắm nhưng giờ người ta giải tán bớt, 1 nhà chỉ còn 1, 2 hoặc 3 người. Người khỏi bệnh là được ra khỏi đây: có người nên dưỡng lão, có người thì ra mả Thánh nằm...”. Rồi bà cười toe toét.

Thấy chúng tôi cười, bà nói: “Thật chứ Dì, ở ngoài mả Thánh giờ đông lắm!". Sau đó bà tâm sự: "Ngày xưa, người ta chưa có thuốc chữa có người bị chết già, có người chết do trời lạnh,... đủ thứ bệnh. Chúng tôi ở đây có đi được đâu đâu mà không buồn, không có ai đến thăm, gia đình thì chết hết rồi. Cứ vòng vòng ở trong này. Mười mấy tuổi tôi vào Long Khánh rồi đi làm cao su. Thời gian sau phát hiện bị bệnh, tôi vô Chợ Quán uống thuốc 1 thời gian, nhưng sau giải phóng nhà nước giải tán Chợ Quán và họ chuyển tôi đến đây đến bây giờ”.

Cuộc đời của bà thật nhiều biến cố, buồn nhiều hơn vui, nhưng bà không vì thế mà buông xuôi hay thất vọng, bà vẫn hoàn toàn tin tưởng, tín thác vào tình thương của Chúa. Bà thổ lộ: “Ở đây chỉ trông cậy vào Chúa thôi. Tôi đi lễ hằng ngày lúc 4 giờ sáng, lần chuỗi Thương Xót , chuỗi Mân Côi...Mấy người ở đây nói: Đức Mẹ phù hộ cho tôi nhiều lắm. Tôi cầu nguyện Đức Mẹ cùng Thánh Giuse cho tôi được mạnh hồn khỏe xác, được hàng ngày đón Chúa vào lòng!” .

Căn phòng của bà thật trống trải, lớp sơn tường sần sùi lỗ chỗ như muốn rớt hết xuống đất! Được dịp, chúng tôi xin vào thăm phòng ngủ của bà. Mọi thứ ở đây đều đơn giản đến mức tối thiểu: mỗi người chỉ có 1 chiếc giường và 1 tủ để quần áo! Nhìn căn phòng ngủ và nhà bếp của bà, chúng tôi liên tưởng đến lời khấn khó nghèo của mình và câu nói của Thánh Anphongsô: “Các con hãy ăn ở sao cho kể cả những người nghèo nhất cũng không thể nói gì về các con”.

Chúng tôi chào tạm biệt các bệnh nhân mà lòng lưu luyến và đong đầy cảm xúc yêu thương nơi trái tim mình.

Kết

Đoàn xe lăn bánh ra về, hình ảnh những bệnh nhân phong cùi nơi đây vẫn in rõ trong tâm trí tôi. Tôi ấn tượng về khuôn mặt của họ: Tuy họ bệnh tật, chẳng còn hình dáng của 1 con người bình thường, bị xa lánh, cuộc sống rất đỗi khó khăn, thiếu thốn nhưng khuôn mặt và tâm hồn họ rất đỗi bình an. Tôi cảm nhận được chính Chúa Giêsu đang ở trong tâm hồn họ và Ngài muốn chúng tôi cũng như những nhà hảo tâm, những đoàn thiện nguyện,...luôn tràn đầy lửa mến và lòng nhiệt thành để tiếp tục chăm sóc "những đứa con phong cùi đáng thương" của Ngài.

Maria Ngọc Thảo
Ảnh: Minh Nguyệt & Bảo Châu

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top