Tri ân những người mẹ của Linh mục

Tri ân những người mẹ của Linh mục

Tri ân những người mẹ của Linh mục

TGPSG -- Tuần trước, chúng tôi tham dự Thánh lễ giỗ 3 năm bà cố Maria Anna Phạm Thị My, thân mẫu của Linh mục (Lm) Gioan B. Vũ Mạnh Hùng chánh xứ Hòa Hưng. Bà cố ra đi trong cao điểm của đại dịch Covid 19. Thánh lễ giỗ này làm cho người tham dự phải xúc động, cũng như các lễ an táng, lễ giỗ của ông bà cố, chúng ta được gợi lên hình ảnh cuộc đời hy sinh vất vả của những người cha, người mẹ của Linh mục.

  1. Chỉ khi cha mẹ nằm xuống, con cái mới cảm nghiệm được nghĩa tình của cha mẹ

 Lm Vinh sơn Phạm Trung Thành- DCCT, giảng lễ hôm ấy làm cho mọi người xúc động. Ngài ngẹn ngào khi nói về người mẹ của mình, cũng là hình ảnh của những người mẹ linh mục, tu sĩ.

“Có lẽ khi mẹ còn sống, mình không thấy hết được cái bao la, cái vĩ đại, cái tình thương muôn thuở của mẹ dành cho mình. Đến khi người cha người mẹ nằm xuống rồi, thời gian trôi đi rồi, càng ngày ta càng đo, đo được cái chiều dài, chiều sâu, chiều rộng của tình thương ấy. Những năm con khó khăn, mẹ con vật vã vì những khó khăn ấy của con. Những năm con gặp bao nhiêu những trắc trở, mẹ con cũng lăn lộn với những cái trắc trở đó trong cuộc đời của mẹ.

Cuộc sống có bao giờ bằng phẳng êm ái đâu. Càng sống lâu trong cuộc đời, người ta càng thấm thía những nỗi đau khổ cùng cực. Những giọt mồ hôi của nhọc nhằn, làm việc để lo cho gia đình, lo cho các con, những hy sinh quên mình, và có cả những giọt nước mắt.

Người mẹ có con làm linh mục thì cũng như tất cả các bà mẹ khác, con đường người con đi cũng là con đường mẹ đi, việc tu học, những sứ vụ mà Chúa giao cho con mình, đến giáo xứ này, nhiệm sở kia, đâu đâu cũng có những khó khăn, nhất là nhiều khi người ta không hiểu và cảm thông với các Linh mục tu sĩ. Vì trong cuộc đời này dễ gì người ta hiểu và đón nhận nhau, mỗi người mỗi ý, không thể vừa lòng tất cả mọi người được.

Chúng ta nhận thấy, linh mục ở một xứ đạo có hàng nghìn “vấn đề” lớn nhỏ, liệu giáo dân có đón nhận các ngài, với những giới hạn và yếu đuổi, để cộng tác làm việc, hay lại so sánh, chống đối, phê phán… còn những vấn đề  khác trong đời sống chung, riêng, cộng đoàn…

Nỗi đau của người mẹ có con làm linh mục, bà không thể nói được với ai, chỉ biết phó thác cho Chúa và ngày đêm cầu nguyện cho con mình được trung thành bền đỗ đến cùng.

Để diễn tả nỗi đau của người mẹ, Lm giảng lễ dùng hình ảnh người phụ nữ Canana trong Tin Mừng theo Thánh Mátthêu (Mt 15, 21-28), lời kêu xin của bà với Chúa Giêsu: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Bà không nói với Chúa rằng, xin dủ lòng thương đứa con gái của tôi, nhưng là xin dủ lòng thương tôi. Vì tôi đau nỗi đau của con tôi, có khi tôi đau hơn cả nỗi đau của đứa con gái tôi đang có

Chúng ta biết ơn những người mẹ ấy. Xin Chúa thương nâng đỡ an ủi các ngài luôn được sống vui tươi, trở thành động lực cho các con là những linh mục, tu sĩ dấn thân trong sứ vụ, mà yên tâm phục vụ đoàn chiên Chúa giao phó ở khắp nơi.

  1. Người mẹ là hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu.

 Như vậy, không phải lễ giỗ là dịp chúng ta ca ngợi những người mẹ của các linh mục. Sự hy sinh của các ngài, dù là rất đáng trân trọng và đáng ca ngợi, để cho mọi người có thể noi theo bắt chước. Nhưng điều quan trọng hơn nữa, chúng ta nhận ra và cảm tạ tình yêu thương của Thiên Chúa. Chúa chăm sóc  ta qua cha mẹ. Tình yêu thương của mẹ cha là phiên bản của tình yêu Thiên Chúa.

Chúng ta yêu mến ông bà cha mẹ của mình, tri ân những ông bà cố và tự nhắc nhớ mình sống cho có nghĩa tình chan hòa. Hơn thế nữa, chúng ta gìn giữ những gì tốt đẹp mà các ngài để lại. Có thể nhận thấy rõ nhất nơi các ông bà cố, đó là sự sốt sắng, lòng kính mến thờ phượng Chúa của các ngài.

Tôi còn nhớ, ở lễ tạ ơn của 1 tân Linh mục. Khi nói về hình ảnh vị linh mục ấy, người ta không thể quên được hình ảnh cậu bé ngày ấy chừng 3-4 tuổi, ngày nào mẹ cũng dẫn cậu đi lễ sáng 5g. Có khi cậu vào nhà thờ chỉ nằm lăn ra ghế ngủ. Cậu bé dần dần lớn lên không theo mẹ đi lễ nữa, cậu đi 1 mình, đi học giáo lý, rồi suốt ngày với việc này việc kia ở nhà thờ, như giúp lễ, hát ca đoàn…

Ơn gọi linh mục tu sĩ khởi đi từ một gia đình đạo đức thánh thiện, sốt sắng siêng năng việc đi lễ nhà thờ. Ngày nay, mỗi thành viên gia đình trong chúng ta cần lưu tâm đến việc này, để dạy dỗ con mình, dạy con trở nên người hữu ích cho xã hội, nhưng còn phải dạy con về đức tin, việc thờ phượng Chúa, kinh sách, dự lễ.

Khi nhìn về hình ảnh của những ông bà cố, chúng ta  cùng nhau gìn giữ những gì đang có trong đời sống đạo của gia đình mình, việc cầu nguyện, đọc kinh, đọc Lời Chúa, suy niệm và thực hành Lời Chúa. Đó là điều Đức TGM Giuse Nguyễn Năng lưu ý các gia đình Công Giáo, khi ngài đi thăm mục vụ các giáo xứ trong giáo phận.

Thế nên, có được một linh mục, tu sĩ dâng hiến cho Chúa là nhờ những ông bà cố thánh thiện. Lm Vinh sơn nói lên xác tín : “Chắc chắn, người cha người mẹ mà không đạo hạnh thì con không thể đi tu được. Người cha, người mẹ không đạo hạnh thì con cũng không thể làm linh mục được. Đó là điều chắn chắn. Đó là xác tín của chúng tôi. Chính vì đạo hạnh, niềm tin sâu sắc, sự hy sinh lớn lao của người làm cha làm mẹ, mà có những người con linh mục, tu sĩ. Anh em linh mục, anh chị em tu sĩ, có đứng vững được, phần rất lớn là tùy thuộc vào cha mẹ của mình, với những hy sinh, những lời cầu nguyện của các ngài”

Để kết thúc bài, xin mượn lời bài hát “Như nước trong nguồn”của Lm Kim Long để tri ân và cầu nguyện cho những ông bà cố, còn sống cũng như đã qua đời. Xin cho các ngài được bình an trong Thiên Chúa, là niềm vui đích thực của các ngài.

“Chính Chúa nắn con nên hình nên dạng trong lòng mẫu thân vòng tay mẹ hiền thay bàn tay Chúa, âu yếm dẫn con vào đời. Bao la, tình sâu nghĩa nặng, ôi bao la như biển khơi dâng sóng ấp ủ đời con, dẫn đưa con từng bước trong đời. Từng lời ru, cho con khôn lớn, từng nụ hôn ấp nóng con tim. Từng câu kinh, dạy con mến Chúa, từng lời nói dẫn con nên người. Ôi một cuộc đời trao hiến không từ nan, trọn niềm mơ ước, chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân.”

Bài: Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)

 

 

 

 

 

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top