Yêu như Thầy đã yêu: Trưởng thành và quân bình cảm tính trong đời sống độc thân linh mục

Yêu như Thầy đã yêu: Trưởng thành và quân bình cảm tính trong đời sống độc thân linh mục

Yêu như Thầy đã yêu: Trưởng thành và quân bình cảm tính trong đời sống độc thân linh mục

WGPQN (26.07.2024) - Khi được chọn lựa cách tự do và bảo vệ bởi thói quen tốt lành (các nhân đức), đời sống độc thân linh mục sẽ là sự trao hiến chính mình trong và với Đức Kitô cho Giáo Hội Ngài và sẽ biểu lộ công việc phục vụ mà linh mục thực thi cho Giáo Hội trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Như vậy bậc sống độc thân chính là yếu tố cá biệt và đặc trưng của nhân cách linh mục.

YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU
Trưởng Thành và Quân Bình Cảm Tính

Trong Đời Sống Độc Thân Linh Mục

(Khóa Thường huấn linh mục trẻ, 23-24/7/2024)

“Con người ở một mình không tốt” (Sáng Thế Ký 2:18). Chân lý này của Kinh Thánh Cựu Ước vẫn đúng cho con người ở mọi thời đại, không loại trừ những người tự chọn đời sống độc thân trong ơn gọi thánh hiến hay linh mục. Những ai bị ràng buộc bởi lời khấn khiết tịnh của ơn gọi tu sĩ cũng đồng thời phải liên kết với việc được huấn luyện để gắn bó với đời sống cộng đoàn dòng. Tất cả mọi thách đố và đòi hỏi cũng như những nâng đỡ trợ lực trong cuộc sống chung của các tu sĩ nam nữ để lời khấn khiết tịnh được củng cố và hoàn thiện, không thuộc chiều kích của bài viết này. Những quan sát và suy tư sau đây liên quan đến đời sống độc thân của các linh mục không tu sĩ,[1] lấy điểm xuất phát và đặt nền tảng trên Tông Thư Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục 1990 của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mang tựa đề Pastores Dabo Vobis – “Ta s ban cho các ngươi nhng mc t như lòng Ta mong ước” (Gr 3,15).

Các linh mục không là thành viên của các hội dòng, được đào tạo để phục vụ và lãnh đạo Dân Chúa, trong vai trò của người mục tử sng vvà sng vì đoàn chiên giữa trần thế, theo gương mẫu Đức Kitô - “người mục tử nhân lành” (Ga 10:11). Đó chính là lý do và lý tưởng của đời sống độc thân của các linh mục triều.[2] Cũng như Người Mục Tử Nhân Lành, các mục tử được kêu gọi để sống với đàn chiên, luôn đồng hành, không bỏ đàn chiên lúc gặp nguy hiểm như những người làm thuê (x. Ga 10:12), và khi cần phải dám “hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10:11.15).

Thực ra, chỉ một mình Đức Kitô - Người Mục Tử Nhân Lành - đã mang hết tội lỗi của nhân loại vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, và nhờ những vết thương của Người mà nhân loại đã được chữa lành để quy tụ “những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn”(1Pet 2:25). Tuy nhiên, linh mục “người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa” (Do Thái 5:1), cũng được kêu gọi để tiếp nối vai trò và sứ mạng mục tử này của Đức Kitô. Bằng sự từ khước những quyền lợi tự nhiên và chính đáng của mình, linh mục tự nguyện hy sinh chết đi mỗi ngày, để cũng như Đức Kitô, là hạt lúa gieo vào lòng đất, không trơ trọi một mình, nhưng trở nên hạt mầm của ơn cứu độ sinh hoa kết trái (x. Ga 12:24), cho một nhân loại mới tiếp tục triển nở và đạt đến chiều kích viên mãn trong công trình tái tạo của Thiên Chúa (x. 2 Cr 5:17; Gl 6:15). 

Thực vậy, “không có máu không có hiến tế mang ơn cứu độ” (Thư Do Thái 9:22). Khi hy sinh đời sống gia đình riêng tư cho Giáo Hội là Nhiệm Thể và Hiền Thê của Đức Kitô, đời độc thân linh mục có thể được xem là một hiến tế liên lỉ, và người linh mục có thể xác quyết và hãnh diện lập lại điều Thánh Phaolô tuyên bố: “Tôi hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu nơi cuộc khổ hình của Đức Kitô” (Cl 1:24). Tuy nhiên, để đời độc thân tự nguyện không phải là “sống một mình” với những hệ quả không tích cực cho sự trưởng thành nhân bản cũng như quân bình trong cảm tính,[3] đòi buộc người linh mục phải được kết nối và nuôi dưỡng bởi tình yêu của Đấng đã “gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15:15). Nói cách khác, raison d’être của đời sống độc thân của các linh mục là để làm chứng và rao giảng về tình bạn chung thuỷ và tuyệt đối của Đức Kitô, mà chính họ trước hết phải cảm nghiệm và sống mỗi ngày.

Anh Em Là Bạn Hữu Của Thầy...(Ga 15:14)

Một trong hai người “bạn hữu” đầu tiên được Gioan Tẩy Giả giới thiệu và gặp gỡ Đức Kitô trên bờ sông Giodan và sau đó, trong phúc âm thứ tư, được định danh là “một người được Đức Giê-su thương mến” (Ga 13:23) hay “người môn đệ Đức Giê-su thương mến” (Ga 19:26; 21:7; 21:20), hơn nửa thế kỷ sau[4] vẫn ghi nhớ rõ giờ khắc của lần đầu gặp gỡ Người Thầy và cũng là Người Bạn Chí Thánh:

Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông (Gioan Tẩy Giả) lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa." Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế? " Họ đáp: "Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? " Người bảo họ: "Đến mà xem ." Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấyLúc đó vào khoảng giờ thứ mười (Ga 1:36-39).

Có thể nói được Phúc Âm Thánh Gioan được bắt đầu và lấy móc điểm của “ngày hôm ấy… giờ thứ mười” để thuật lại câu chuyện tình bạn của một người “đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Thánh Gioan đã cảm nghiệm tình bạn này ở mức độ sâu thẳm và tròn đầy khi đứng dưới chân Thập Tự chứng kiến tận mắt giây phút trái tim của Đấng “yêu thương đến cùng” (Ga 13:1) bị đâm thâu và “máu cùng nước chảy ra” (Ga 19:34). Ý thức được khoảnh khắc lịch sử và vai trò chứng nhân của mình, tác giả của phúc âm thứ tư đã nhấn mạnh rằng “người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19:35).

Như vậy Phúc Âm Thánh Gioan có thể được đọc như một câu chuyện dài chuyển tải sứ điệp của tình yêu – Agape,[5]được diễn tả và phát triển trong các mối quan hệ; nói cách khác phúc âm thứ tư được xem như một luận án bàn về chủ đề tình yêu Agape. Thực vậy, thuật ngữ Agape xuất hiện trong Phúc Âm Thánh Gioan 39 lần,[6] và được sử dụng để khai triển cho các chiều kích khác nhau của tình yêu trong một tiến trình tiệm tiến hướng đến tột đỉnh khi Agape được đồng hoá với Philia– quan hệ bằng hữu, mối thân tình với Đức Kitô - và trở thành điều kiện tiên quyết cho những ai được trao ban trách nhiệm mục tử.[7]

Agape xuất hiện lần đầu tiên trong Phúc Âm Thánh Gioan khi Đức Kitô mạc khải cho Nicodemo biết “Thiên Chúa yêu[8] thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Câu này đã được xem là proto-evangelium - tiêu biểu và tóm tắt toàn bộ Phúc Âm cũng như mạc khải của Kinh Thánh.[9] Thực vậy, Agape trước hết được dùng để diễn tả tình yêu và hành động trao ban bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính Agape - tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha là căn nguyên và nền tảng cho toàn bộ chương trình tái tạo được hoàn tất nơi Đức Kitô, khi “Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người” (Ga 3:35).

Trên nền tảng của Agape thần linh này, trước hết, mầu nhiệm thẳm sâu của Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải. Agape nguyên thuỷ là tình yêu nối kết Cha với Con - “Cha và Thầy là một” (Ga 10:30). Sự hiệp nhất này tuyệt đối và mầu nhiệm đến mức độ, “nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người… Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha " (Ga 14:7.10). Thánh Gioan đã dùng nguyên 5 chương dài (13-17) trong toàn bộ phúc âm ngài để đào sâu và quảng diễn các chiều kích thần linh của Agape mang tên Ba Ngôi Thiên Chúa - Cha, Con và Thánh Thần - dẫn đến định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu”[10] như kết luận cho toàn bộ giáo huấn của ngài và cũng là tột đỉnh của mạc khải Kitô giáo về bản tính của Thiên Chúa.

Thiên Chúa, Đấng đã trao ban Torah - Lề Luật Moisen - trên núi Sinai, trong Đức Kitô - “Con yêu dấu của Cha” (Mc 1:11; 9:7), đã mạc khải giới răn mới, đó chính là Agape - khi những người bước theo Đấng đã “yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1) tuân theo huấn lệnh của Ngài là “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34). Agape như vậy đã tóm tắt và đưa toàn bộ công trình mạc khải đi đến đích điểm, “bởi vì ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến… Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" ( Ga 14:21.23).

Thực vậy, nơi Người Con, mầu nhiệm tình yêu thẳm sâu của Thiên Chúa Ba Ngôi, không còn là một quan hệ đóng kín, nhưng nhờ Thánh Thần, “Đấng Bảo Trợ… Thần Khí sự thật” (Ga 14:16) được chia sẻ cho những ai sống trong Đức Kitô bởi vì “Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 14: 19-20). Thánh Thần, Đấng từ đời đời là sự sống nội tại trong Ba Ngôi Thiên Chúa và sự nối kết nhiệm mầu giữa Cha và Con, đã được Đức Kitô Phục Sinh trao ban (x. Ga 20:22) cho những người Ngài gọi là “bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:15). Nói cách khác, Agape nguyên thuỷ hiện hữu trong sâu thẳm của Ba Ngôi giờ đây mở ra và tuôn trào trên tất cả những ai đã được tái tạo và đổi mới trong mầu nhiệm Vượt Qua để trong Đức Kitô, họ được tiếp xúc với Thiên Chúa Cha, Đấng “chưa bao giờ có ai thấy cả” (Ga 1:18)[11].

Chương 17 của Phúc Âm Gioan còn được gọi là Lời Nguyện Hiến Thánh, thường được hiểu như diễn văn từ biệt, những lời cuối cùng của Đức Kitô trước khi Ngài đi vào Cuộc Khổ Nạn. Tuy nhiên, với tâm tư lắng đọng và tập chú, người tín hữu Kitô sẽ nhận ra giá trị sâu thẳm của những lời phát ra từ trái tim của “Người Con Một vốn là Thiên Chúa nơi cung lòng Chúa Cha”(Ga 1:18). Thực vậy, đây chính là cuộc đối thoại thâm sâu và thầm kín giữa Con và Cha, được công khai hoá cho những người được chọn gọi để có mặt với Thầy Chí Thánh nơi “lầu trên” (Công vụ 1:13) khi Bữa Tiệc Ly được cử hành. Mọi Kitô hữu đều có thể nghe những lời này của Thầy Chí Thánh để củng cố căn tính thần linh được trao ban qua Bí Tích Rửa Tội. Tuy nhiên, các linh mục, trong vai trò Alter Christus khi cử hành các bí tích, đặc biệc mỗi lúc Bữa Tiệc Ly cũng như mầu nhiệp Thập Giá được hiện tại hoá trong cử hành Thánh Thể, có thể tìm thấy nơi lời tâm sự riêng tư này của Đức Kitô chiều kích sâu thẳm của quan hệ thân thiết với Đấng gọi họ là bạn hữu khi hiến thánh và đồng hoá họ với chính Ngài trong Persona Christi, qua Bí Tích Truyền Chức.

Trong cuộc đối thoại với Cha, Đức Kitô đã nói với Cha về những người mà Ngài đã gọi là bạn hữu. Họ chính là “những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con…” (Ga 17:6). Tình bằng hữu với Con bắt đầu bằng việc được Cha chọn gọi để thuộc về Cha. Và rồi qua mối quan hệ thân thiết với Con, những người bạn hữu này được tháp nhập vào sự duy nhất nhiệm mầu[12] của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17:23). Đức Kitô đã kết thúc những lời tâm tình cha con của Ngài bằng lời cầu xin cho “tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa " (Ga 17:25). Nơi đây Đức Kitô đã lên tiếng cầu xin cho các bạn hữu của mình tình phụ tử mà chỉ một mình Ngài “vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17:5). Nói cách khác trước khi đi vào cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ của mình, Đức Kitô đã chính thức xin cho các bạn hữu của mình địa vị cao cả nhất mà một tạo vật có thể đạt được, đó là trở thành con cái trong nhà của Thiên Chúa, trở nên nghĩa tử trong “người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (Ga 10:36).

Ơn gọi và địa vị làm con cao cả này đã được Đức Kitô công bố và xác nhận với Maria Madalena bên cạnh cửa mộ buổi sáng Phục Sinh: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em" (Ga 21:17). Lời nhắn gởi hay lệnh truyền này của Đấng Phục Sinh hàm chứa một mạc khải quan trọng trong Phúc Âm Thánh Gioan. Trước Phục Sinh, khi đề cập đến Chúa Cha, Đức Kitô gọi là “Cha” hay “Cha của Thầy”.[13] Chỉ sau khi Phục Sinh, Đức Kitô mới tuyên bố Cha của Ngài cũng là “Cha của anh em”.[14] Thật vậy, Agape thần linh nội tại giữa Cha và Con, qua mầu nhiệm Phục Sinh giờ đây được Thánh Thần tuôn đỗ trên những ai được hiến thánh trong tình bằng hữu với Đấng Tử Nạn và Phục Sinh để họ được tháp nhập vào Gia Đình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Biến cố Phục Sinh đã biến lời cầu hiệp thông của Đức Kitô thành hiện thực, khi “tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17:21).

Tuy nhiên, có thể nói được, phúc âm thứ tư là một tác phẩm viết chưa xong, bởi vì theo tác giả, nếu “viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21: 25). Trước khi đặt dấu chấm hết cho câu chuyện không có hồi kết của mình, tác giả phúc âm thứ tư đã tường thuật một sự kiện tương đối khó hiểu đối với cách quan sát và suy nghĩ bình thường. Sau tất cả những sai sót, vấp ngã của các môn đệ trong cuộc Thương Khó Tử Nạn, đặc biệt ba lần chối thầy của Phêrô, Đức Kitô Phục Sinh trong lần gặp gỡ cuối cùng trên bờ hồ Tiberia trước khi chia tay, đã tra vấn và đòi buộc Phêrô phải ba lần tuyên xưng, không phải đức tin, nhưng là lòng mến, tình bằng hữu:

Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy ." Đức Giê-su nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy ." Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy ." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy ." Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? " Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không? " Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy ." Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy (Ga 21:15-17).

Trong trình thuật quan trọng này, tác giả phúc âm thứ tư dùng hai từ ngữ khác nhau để diễn tả lòng yêu mến Đức Kitô đòi buộc và chờ đợi nơi Phêrô. Trong câu hỏi đầu tiên, Chúa Giêsu dùng động từ Agapao diễn tả mối thiện cảm nối kết trong các quan hệ thân thiết có tính cách riêng tư cá nhân để hỏi “anh có mến Thầy”[15]. Phêrô đã không dùng cùng một từ ngữ để trả lời Thầy, nhưng đã dùng Phileo[16], động từ của Philos - bạn hữu tri kỷ, để xác nhận “con yêu mến Thầy”[17]. Và cũng cùng một cách như vậy trong câu hỏi và câu trả lời lần thứ hai. Cả hai lần Phêrô đã dùng động từ Phileo để xác định tình thân thiết của ông với Thầy Chí Thánh như là tình yêu giữa hai người bạn. Đến lần thứ ba thì đến phiên Đức Kitô cũng dùng động từ Phileo để hỏi “anh có yêu mến Thầy không”[18] và Phêrô đã lặp lại lần thứ ba cùng một từ ngữ Phileo ông đã dùng hai lần trước, “Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Đọc, suy gẫm và phân tích kỹ bản văn thuật lại cuộc gặp gỡ cuối cùng của Thầy Chí Thánh với các môn đệ trước khi Ngài chấm dứt cách thức hiện hữu trần thế, tất cả những ai dấn thân bước theo Đức Kitô ở mọi thời đại sẽ khám phá ra rằng Đấng Phục Sinh trong hai lần muốn hỏi Phêrô có thật sự ở trong quan hệ thầy trò đối với Ngài. Thật vậy, trước khi đi vào Cuộc Tử Nạn, sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Kitô đã xác nhận địa vị siêu việt “là Thầy, là Chúa” (Gio 13:13) của Ngài đối với họ. Nhưng rồi liền sau đó cũng trong bữa ăn cuối cùng này, Ngài cũng mạc khải về cái chết mang ơn cứu độ của Ngài là cái chết của một người bạn cho bạn hữu mình. Với mạc khải này, “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu…” (Ga 15:14-15). Như vậy trong khoảnh khắc lịch sử này, Đức Kitô đã chính thức công nhận và nâng Phêrô cùng các môn đệ khác lên hàng Philoi - bạn hữu[19].

Chúng ta có thể nghĩ rằng cho dầu không hiểu hết điều Đức Kitô muốn mạc khải trong tình bằng hữu thần thánh với Ngài, nhưng chắc chắn Phêrô cũng đã theo dõi và cảm nghiệm cuộc khổ nạn của Thầy mình qua lăng kính của một người bạn trước cái chết của một người bạn. Chính vì vậy, nỗi đau và niềm hối hận lớn nhất của Phêrô là sự yếu nhược sợ hãi đã làm ông phản bội Philia - tình bạn quá chân thành và tuyệt đối này. Sự hối hận được diễn tả qua ba câu trả lời là ông muốn yêu Thầy bằng trái tim của người bạn và muốn đền bù lại chính tình bạn ông đã xúc phạm bằng mọi giá. Đức Kitô Phục Sinh đã hứa cho Phêrô điều ông muốn khi tiên báo rằng “lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Gio 21:18). Phúc Âm Gioan không tường thuật chi tiết việc Phêrô “phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21:19), nhưng theo truyền thống, Phêrô đã đáp lại lời mời gọi “hãy theo Thầy” (Ga 21:19) của Đấng Phục Sinh để chia sẻ trọn vẹn Philia - tình bạn chí thiết trong cái chết giống như Người Bạn Chí Thánh. 

Như vậy Phúc Âm Thánh Gioan kết thúc với việc Phêrô đại diện cho các môn đệ, cũng như cho tất cả những ai trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội dấn thân phục vụ Giáo Hội Đức Kitô, tuyên xưng tình yêu - mối quan hệ bằng hữu chân thành gắn bó với Đức Kitô như điều kiện để trở nên mục tử. Có nhiều đường hướng tu đức các linh mục có thể tự chọn để sống ơn gọi và chu toàn sứ mạng mục tử của mình, nhưng tất cả mọi phương pháp tu đức đều phải giúp người linh mục biết yêu như Thầy đã yêu, trở nên người có trái tim giống Đức Kitô, Người Bạn Chí Ái của nhân loại, luôn biết mở rộng để cảm thông mọi khó khăn yếu đuối của anh chị em đồng loại của mình. Nói cách khác linh mục chính là người có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy… Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê (Thư Do Thái 5:2-3.7-10).

Yêu Bằng Trái Tim Của Thầy Chí Thánh

Toàn bộ Kinh Thánh, cả Tân lẫn Cựu Ước, đều có thể được đọc như một “câu chuyện tình muôn thuở” giữa Thiên Chúa và nhân loại. Ngay nơi Cựu Ước, trong quan hệ với Israel, Thiên Chúa đã không ngần ngại dùng ngôn ngữ tình yêu của con người để mời gọi và chuẩn bị Dân Được Chọn cho chương trình yêu thương của Ngài sẽ hoàn tất nơi Thập Giá của Đức Kitô. Có thể nói được Cựu Ước đã là những chương sách chuyển tải những “lời tỏ tình” của Thiên Chúa cho một nhân loại luôn sẵn sàng phản bội Ngài (x. Đệ Nhị Luật 7:7-8; Isaia 5:1-7; Jeremia 2:2-3; Ezekiel 16; Hosea 2:16; 11:1-8; etc…). Dầu sao người đọc phải chờ đến buổi chiều Thứ Năm Tiệc Ly để nghe những lời tràn ngập tình yêu từ môi miệng của Vị Thiên Chúa Làm Người. Nói cách khác Phúc Âm Gioan là một lời tuyên bố rằng Thiên Chúa có một trái tim và tác giả là người đã được dựa đầu để nghe nhịp đập của trái tim đó (x. Ga 13:23; 21:20) và rồi sau đó trở thành nhân chứng khi Trái Tim Thần Linh mở ra cho tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa tuôn tràn trên nhân loại (x. Ga 19:34-35).

Tuy nhiên, có lẽ cũng đáng ngạc nhiên khi lần đầu tiên trong phúc âm thứ tư, động từ Agapao được dùng để diễn tả sự gặp gỡ của Tình Yêu Nhập Thể với con người, tác giả nói đến việc “Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô”.[20] Cho dầu trong ngôn ngữ Việt, động từ Agapao được dịch nhiều cách khác nhau nhưng nguyên ngữ diễn đạt hoạt động của trái tim khi trao ban và lãnh nhận sự tốt lành giữa con người với nhau. Trong Phúc Âm Gioan, ngoài tông đồ đoàn là những người mà Đức Kitô trong Bữa Tiệc Ly chính thức gọi là bạn hữu, Đức Kitô còn có ba người bạn thân sống ở “Betania cách Giêrusalem không đầy ba cây số” (Ga 11:18).

Trong ba Phúc Âm Nhất Lãm chỉ có Luca là nhắc đến tên Marta và Maria như hai chị em, nhưng không thấy nói đến Lazarô; còn Betania chỉ được Luca gọi là “một làng kia” (Luca 10:38). Chị em Marta và Maria được đề cập trong phúc âm thứ ba để trở nên gương mẫu cho các Kitô hữu khi tiếp xúc và lãnh nhận Lời Chúa (x. Luca 10:38-42). Nơi phúc âm thứ tư thì ngược lại, tình bạn của Đức Kitô với gia đình Betania có thể được xem là một chủ đề đáng chú ý và đã chiếm một vị trí khá quan trọng trong tuần tự của phúc âm, rất gần với trung tâm của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, chương 11 của Phúc Âm Gioan thuật lại việc Đức Kitô gọi người bạn thân Lazaro bước ra khỏi mồ sau khi 4 ngày được chôn cất. Đây là phép lạ mà Gioan gọi là “dấu lạ” (Ga 12:18)[21] thứ sáu trong bảy phép lạ được ghi lại trong phúc âm thứ tư, và là phép lạ lớn nhất sau dấu lạ cuối cùng là chính sự Phục Sinh của Đức Kitô.[22] Trước khi thuật lại Bữa Tiệc Ly trong chương 13, Gioan đã tường thuật bữa tiệc ở nhà Bêtania trong phần đầu của chương 12 như sự kiện dẫn nhập cho Cuộc Khải Hoàn vào Thành Thánh Giêrusalem của Đức Kitô trong tư cách Messia để hoàn tất Mầu Nhiệm Vượt Qua đem lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại (x. Ga 12:12-19).

Tình bạn của Chúa Giêsu với gia đình Bêtania có thể đã là một đề tài lôi kéo trí tưởng tượng tầm thường của con người, tạo nên những cách hiểu sai lệch. Bằng chứng là ngay từ đầu lịch Giáo Hội, khoảng thế kỷ thứ hai, bè Ngộ Giáo (Gnosticism) đã cho lưu hành “Phúc Âm của Maria Magdalena”. Cho đến thời đại hôm nay vẫn có những sách vở phim ảnh lấy cảm hứng vô căn cứ từ các tài liệu không có giá trị lịch sử. Mục đích có thể là kinh doanh, nhưng cũng có thể là muốn tầm thường hoá Phúc Âm, hạ thấp giá trị của Kitô Giáo. Tuy nhiên, tất cả những điều này không nên ngăn cản hay tạo mặc cảm để những ai được chọn gọi trở nên bạn hữu của Đức Kitô ở mọi thời đại bỏ qua cơ hội để học cách thức cho và nhận trong tình bạn của Thầy Chí Thánh với Marta, Maria và Lazarô. Nói cách khác các linh mục nên dừng lại nơi nhà Bêtania để trái tim của mình được huấn luyện và uốn nắn theo khuôn mẫu của trái tim của Đức Kitô, Người Thật và Chúa Thật, trong mọi quan hệ bằng hữu.

Khi báo tin bệnh tình của Lazaro cho Đức Kitô, hai chị em Marta và Maria nhắn tin “người Thầy thương mến đang bị đau nặng” (Ga 11:3). Trong Phúc Âm Gioan, ngoại trừ “người môn đệ Đức Giê-su thương mến”, chỉ một mình Lazaro là được gắn cho “biệt danh” này. Tình bạn gắn bó với Lazaro đã khiến “Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến” (Ga 11:33) khi đặt chân đến Betania không thấy bóng dáng bạn thân và rồi trước mộ bạn thân “Đức Giê-su liền khóc” (Ga 11:35). Đức Kitô đã không giấu mối quan hệ tri kỷ với Lazarô cũng như không ức chế các xúc động của trái tim nhân loại khiến những người có mặt đều nói "Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy! "(Ga 11:36). Dĩ nhiên trong tất cả những gì Đức Kitô đã làm trong cuộc sống trần thế của Ngài, đặc biệt các phép lạ lớn nhỏ, đều có một giá trị siêu việt và chiều kích linh thiêng trong chương trình cứu độ, nhưng chúng ta cũng được phép hiểu và cảm nghiệm nước mắt của Chúa Giêsu tại Betania là khóc cho bạn và phép lạ cho Lazarô sống lại như là kết quả của lời cầu xin một ân huệ đặc biệt cho bạn thân khiến Người Con trước khi thực hiện phép lạ trọng đại này phải công khai thốt lên lời “Cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con” (Ga 11:41).

Trong trình thuật về phép lạ phục sinh Lazarô, Phúc Âm Gioan cũng cho các Kitô hữu ở mọi thời đại một cái nhìn tương đối sâu vào tình thân của Đức Kitô với hai chị em Marta và Maria. Đối với những ai bước theo Thầy Chí Thánh trong bậc sống độc thân linh mục thì đây chính là bài học và mẫu gương quí hoá muôn thưở trong quan hệ với người khác phái, cả bạn hữu lẫn tín hữu.[23] Khi Đức Kitô đặt chân đến Bêtania sau đám tang của Lazarô thì cả hai chị em, Marta (x. Ga 11:21) và Maria (x. Ga 11:32) đều chào đón Ngài cùng bằng một câu, “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. Câu chào hàm chứa chút tiếc nuối và trách móc nhẹ nhàng này của hai chị em nhà Bêtania cho chúng ta thấy một tình bạn rất thân thiết đặc biệt, nhưng đồng thời cũng tiết lộ rằng nhà Betania cũng thường là “quán trọ” cho Chúa Giêsu dừng chân mỗi khi Ngài từ Nazareth Galilea “trẩy hội lên đền thánh” (TV 122), đặc biệt trong những năm đi rao giảng, mà theo phúc âm thứ tư thì Chúa Giêsu đã có mặt tại Giêrusalem trong ba dịp lễ Vượt Qua của Do Thái Giáo (x. Ga 2:23; 6:4; 11:55). Tuy nhiên, những lời này cũng mang chiều kích đức tin khi Marta và Maria đã hàm ý xác định rằng sự chết không thể đến cho Lazaro, nếu có sự hiện diện của Đấng là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14:6). Thật vậy, tình thân của chị em nhà Betania dành cho Đức Kitô không dừng lại ở mức độ quen biết hay kiến thức nhân loại bình thường nhưng đã được nâng lên một trình độ cao hơn khi chị em nhà Betania đã nhận ra rằng “bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy” (Ga 11:22). Trong phúc âm thứ tư, chính Marta tại nhà Bêtania là người đầu tiên[24] đã tuyên xưng căn tính Đấng Cứu Thế (Messias – Kristos) tròn đầy của Chúa Giêsu, “Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11:26)[25]. Cũng chính tại nhà Betania, mầu nhiệm Phục Sinh, biến cố trung tâm và nền tảng cho lời rao giảng Kitô giáo[26] được tiên báo và mạc khải trong lời tuyên bố của Đức Kitô với Marta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11:25)[27].

Tuy nhiên, mối quan hệ thân thiết và sự trân trọng gia đình Betania dành cho Chúa Giêsu được thể hiện và mô tả tương đối chi tiết trong bữa tiệc được chuẩn bị để thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm... (Ga 12:2-3).

Để hiểu được giá trị bữa tiệc tại Betania chúng ta phải cần đến đầu óc tính toán kinh tế của Giuđa Israriot. Cho dầu không một Kitô hữu nào là có cảm tình với người môn đệ phản bội này, nhưng chúng ta phải cám ơn ông ta vì nhờ phản ứng của ông với lọ dầu thơm đắt tiền dùng cho Chúa Giêsu trong bữa tiệc mà chúng ta mới biết những người bạn ở Betania đã trân quí Thầy Chí Thánh ra sao và bữa tiệc này thịnh soạn sang trọng đến mức độ nào: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Gio 12:5). Chữ quan tiền mà Giuđa dùng ở đây là dēnarion[28] i.e. tiền lương thường nhật của một người đi làm. Nhờ đầu óc thích tính tiền và sự rành thời giá của “kinh tế gia” mà chúng ta biết được gia đình Betania rất khá giả và các bạn của Chúa Giêsu đã có khả năng và sẵn sàng dùng số tiền bằng lương một năm đi làm của một người công nhân[29] chỉ cho lọ dầu xức chân vị khách quí của gia đình!

Tác giả phúc âm thứ tư đã cho lời bàn về động cơ của sự tính toán kinh tế cũng như phản ứng của Giuđa (x. Ga 12:6) và Chúa Giêsu đề cập đến chiều kích siêu nhiên của hành vi yêu thương này để biện minh cho “sự xa xỉ” của chị em nhà Betania (x. Ga 12:7-8). Dầu sao, trình thuật về bữa tiệc ở gia đình Betania cho chúng ta nhìn sâu vào trái tim của Đức Kitô để học cách thức cho và nhận trong tình yêu chân thực. Ngài đã yêu đồng loại và bạn hữu bằng trái tim của Người Thật và Chúa Thật. Gặp gỡ Đức Kitô và chiêm ngưỡng tình bạn của Ngài với gia đình Betania sẽ giúp các linh mục hiểu điều Đức Thánh Gíao Hoàng Gioan Phaolô II trong Pastores Dabo Vobis nhắc nhở các linh mục hôm nay cũng như các ứng sinh tương lai rằng tình yêu có một vị trí trung tâm trong đời sống con người… con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ mãi mãi không hiểu được chính mình, cuộc đời con người sẽ mất hết ý nghĩa nếu con người không đón nhận mạc khải về tình yêu, nếu con người không gặp được tình yêu, nếu con người không thử nghiệm tình yêu, nếu con người không biến tình yêu thành của mình, nếu con người không thông phần một cách mật thiết vào tình yêu (PDV 44).

Thực vậy, các quan niệm bảo thủ sai lệch hay chủ trương phóng khoáng về tình yêu có thể là nguyên nhân đưa đến khủng hoảng trong đời sống độc thân linh mục hiện tại và tạo nên việc thiếu ơn gọi linh mục cho tương lai, đặc biệt nơi các xã hội văn minh giàu có.[30] Tuy nhiên, không ai có thể bước theo Đức Kitô và tiếp nối tình yêu mục tử của Ngài nếu không “học cùng Thầy” (Mt 11:29) cách thức yêu thương để nhìn ra vẻ đẹp nơi tấm lòng của “một bà goá nghèo đến bỏ vào hai đồng tiền kẽm” (Mc 12:42), nhưng cũng không từ chối sự quảng đại hiếu khách của gia đình giàu có làng Betania. Nhân cách mục tử của Đức Kitô là tấm lòng của Đấng đã “không có chỗ gối đầu qua đêm” (Mt 8:20), nhưng luôn biết “chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9:36) và sẵn lòng làm phép lạ biến của ăn lương thực ra dư thừa (x.Ga 6:12-13) “cho họ ăn” (Mt 14:16). Nơi trái tim của Đức Kitô, người linh mục phải khám phá ra rằng tình yêu đích thực, lòng bác ái Kitô giáo vượt qua mọi chiều kích suy nghĩ khắc kỷ hay các ý thức hệ giàu nghèo của con người. Yêu theo cách thế của Đức Kitô, người linh mục trước hết phải biết sống và yêu thương bằng trái tim của một con người. Có những đường lối giáo dục hay tu đức lệch lạc làm cho người linh mục không còn là “người thật”, hoặc khô khan như sỏi đá hay đã biến thành thần thánh để người khác phải xa tránh tôn thờ. Theo Pastores Dabo Vobis tình yêu mục tử là một tình yêu bao gồm toàn thể ngôi vị con người, trong những chiều kích và những câu đố thể lý, tâm lý và thiêng liêng của con người, một tình yêu được diễn đạt trong “ý nghĩa hôn ước” của thân thể con người, nghĩa là, nhờ thân thể, con người tự trao hiến mình cho người khác và đón nhận người khác. Một nền giáo dục phải tính hiểu một cách đúng đắn sẽ hướng đến chính nổ lực hiểu biết và thể hiện tình yêu nhân linh ấy trong “chân lý” của nó (PDV 44).

Nơi đây Tông Huấn dùng từ ngữ “ý nghĩa hôn ước” (nuptial meaning) để nói đến bản chất và cách thế yêu thương mà các linh mục phải nỗ lực để đạt được. Cách diễn tả này của Đức Thánh Giáo Hoàng có vẻ lạ cho bậc sống độc thân của linh mục nhưng muốn nhấn mạnh đến chiều kích rất quan trọng trong nhân cách và phẩm chất của người mục tử. Thi hành chức linh mục thừa tác chính là một sự tham dự cá biệt vào tình phụ tử của Thiên Chúa và vào sự sản sinh của Giáo Hội, như là một chứng từ cho Vương Quốc cánh chung được ban cho thế giới. Các chiều kích hy sinh khổ hạnh trong đời sống tu đức của người mục tử Kitô không nên chỉ tập chú vào ý nghĩa “diệt dục” theo quan niệm của các tôn giáo khác. Đời độc thân linh mục là hướng đến sự sáng tạo mục vụ trong một mức độ cao nhất theo khuôn mẫu của Đấng đã “đến để cho con chiên được sống và sống dồi dào hơn” (Ga 10:10).

Các linh mục trong ngôn ngữ Việt cũng như hầu hết các ngôn ngữ khác đều được gọi là “cha” không kể tuổi tác. Tước hiệu hay tên gọi này không mang ý nghĩa kính trọng cho bằng nói lên vai trò và bổn phận của các linh mục trong Giáo Hội là gia đình mới nơi đó “anh em chị em…mẹ” (Mc 3:35) của Đức Kitô và của nguời linh mục đang sống và thực hành đức tin.[31] Khả năng làm cha và nam tính của người linh mục không nên bị coi thường hay chối bỏ nhưng phải được phát triển để phản ảnh sự hiện hữu của Đức Kitô như là Đầu trong cộng đoàn Dân Chúa. Các nhân đức giúp cho các người cha chu toàn các bổn phận đời sống gia đình cũng cần cho các linh mục trong việc phục vụ và yêu thương Cộng Đoàn Dân Chúa. Các người cha tốt có thể lo lắng chăm sóc gia đình mà không cần thái độ gia trưởng (patriarchism).[32] Cũng vậy các linh mục chấp nhận quyền lãnh đạo cũng như sẵn sàng chịu trách nhiệm nặng nề cho đời sống cộng đoàn Giáo Hội mà không cần tự đề cao hay cô lập hoá chính mình trong thái độ “duy giáo sĩ” (clerialism). Các Nghị Phụ của Công Đồng Vatican II trong Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống các Linh Mục đã quảng diễn và đề cao vai trò làm cha của các linh mục:

Nhờ đức trinh khiết hay là bậc độc thân vì Nước Trời các Linh Mục được thánh hiến cho Chúa Kitô với một lý do mới mẻ và tuyệt hảo được kết hợp cách dễ dàng hơn với Người bằng một trái tim không chia xẻ, tận hiến cách tự do hơn trong Người và nhờ Người để phục vụ Thiên Chúa và loài người, sẵn sàng hơn trong việc phục vụ Nước Chúa và việc tái sinh siêu nhiên; như thế các ngài càng thích đáng lãnh nhận một cách bao quát hơn chức vụ làm cha trong Chúa Kitô. Chính nhờ đó, các ngài tuyên bố trước mặt mọi người rằng mình muốn tận hiến trọn vẹn cho công việc đã được trao phó, nghĩa là muốn đính ước các tín hữu với một người bạn độc nhất và hiến dâng họ cho Chúa Kitô như một trinh nữ thanh sạch; như thế các ngài nhắc lại cuộc hôn nhân mầu nhiệm đã được Thiên Chúa thiết lập và sẽ được tỏ lộ đầy đủ ở đời sau. Cuộc hôn nhân trong đó Giáo Hội chỉ có một vị Hôn Phu duy nhất là Chúa Kitô. Ngoài ra, các ngài còn trở nên dấu chỉ sống động về thế giới mai sau, mà ngày nay đã hiện diện qua đức tin và đức ái, trong đó con cái sự sống lại không còn dựng vợ gả chồng nữa (Presbytorum Ordinis, 16 - Nhấn mạnh của người viết).

Thực vậy, cuộc sống và ơn gọi linh mục chính là trở nên đồng hình dạng với Đức Kitô, tham gia và thông phần vào sức sống của Đấng làĐầucủa Thân Thể là Giáo Hội (x. 2 Cr 11:1-5)Người linh mục phải học cách trao hiến trọn vẹn chính mình một cách tích cực và tươi vui, như Đức Kitô Phu Quân đã trao hiến chính Ngài cho Hiền Thê là Giáo Hội (x. Ep 5:22-33).[33] Tuy nhiên, chính vì sự tương đồng trong căn tính của linh mục và các người cha gia đình mà sự suy đồi về tính dục cũng như khủng hoảng trong đời sống hôn nhân cũng đã ảnh hưởng và thách thức ơn gọi độc thân linh mục. Tông Huấn đã đề cập đến tình huống của xã hội và văn hoá trong đó đời sống tính dục con người bị tầm thường hoá, đồng hoá với lạc thú ích kỷ của thể xác. Điều này có thể xảy ra ngay chính trong những gia đình là nơi phát xuất ơn gọi linh mục làm cho những ai đang chọn sống độc thân hôm nay có thể cảm thấy hụt hẫng và tạo nên những bất quân bình nghiêm trọng cho những người trẻ đang hướng đến ơn gọi linh mục trong tương lai (x. PDV 44).[34]

Trưởng Thành Cảm Tính Trong Chọn Lựa 

Pastores Dabo Vobis là kết quả của Thượng Hội Đồng năm 1990, i.e. các Nghị Phụ đã nhóm họp vào cuối thế kỷ XX, trong những năm sau cùng của thiên niên kỷ trước để cùng suy tư và mở ngỏ vấn đề cho những viễn tượng mà các linh mục của thiên niên kỷ thứ ba sống và làm việc. Tuy nhiên, Pastores Dabo Vobis cũng mang nét giáo huấn đặc thù của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nói cách khác, Tông Huấn không phải chỉ một đúc kết của các tài liệu nghiên cứu và thảo luận của Thượng Hội Đồng, nhưng đây cũng chính là một văn bản chứa đựng kinh nghiệm mục vụ được diễn tả bằng ngôn ngữ từ trái tim của người Mục Tử Hoàn Vũ qua sự gặp gỡ tiếp xúc với các mục tử trên khắp thế giới trong những chuyến công du năm châu của ngài. Như vậy Pastores Dabo Vobis chính là sự chia sẻ những ưu tư, nhận thức và cảm nghiệm sâu xa thấm đượm nhịp đâp của những con tim về một thừa tác vụ chung của Giáo Hội, diễn tả tình yêu cao vời của Thiên Chúa cho nhân loại. [35]

Khi lấy đầu đề cho Tông Huấn là “Ta sẽ ban cho các ngươi các mục tử…” Đức Thánh Giáo Hoàng cùng các Nghị Phụ trước hết muốn nói đến diện mạo cốt yếu, không thay đổi của người linh mục ở mọi thời đại, bởi vì Đức Giêsu chỉ có một khuôn mặt, một bản ngã được tỏ bày nơi chính đời sống của những người được chọn gọi để thực hiện chức linh mục thừa tác mà các Tông Đồ là những người đầu tiên được nhận lãnh. Nói cách khác qua các linh mục, chức vụ Thượng Tế của Đức Kitô (x. Do Thái 6:20) được nối tiếp và trải dài không ngừng trong mọi giai đoạn lịch sử. Thiếu vắng bóng dáng linh mục, Giáo Hội sẽ không thể nào hoàn thành được sứ mệnh được sai đi loan báo Tin Mừng (x. Mt 28:19) và cử hành Hiến Tế của Đức Kitô để cứu độ nhân loại.

Tuy nhiên người linh mục của thiên niên kỷ thứ ba tiếp tục sống chức linh mục độc nhất và trường tồn của Chúa Kitô trong bối cảnh của những đòi hỏi và vấn nạn mới mà các Nghị Phụ đã cố gắng quan sát và phân tích, hy vọng tìm ra hướng đi tương đối mới hơn và thích nghi hơn cho hoàn cảnh Giáo Hội và văn hoá hiện nay. Trước những khó khăn của xã hội và nền văn hoá hiện đại, căn tính của linh mục, cần phải được củng cố để việc dấn thân phục vụ vẫn luôn mang tính năng động và sáng tạo. Thực vậy, Thiên Chúa lúc nào cũng kêu gọi các linh mục của Ngài giữa những môi trường nhân sinh và hoàn cảnh nhất định, các linh mục không thể không mang dấu vết của những môi trường ấy và chính trong những môi trường ấy mà họ được sai đến để phục vụ. Trong một xã hội được điều khiển bởi các khuynh hướng hưởng thụ và chiếm hữu ích kỷ, các lối sống duy cá nhân, duy vật và duy khoái lạc gần như đang chiếm địa vị thống trị. Hậu quả là các giá trị nhân vị và liên vị không còn được đề cao nhưng nhường chỗ cho một lối sống phóng túng trong đó quan niệm về tính dục con người bị thoái hoá. Tính dục thay vì nhằm phục vụ cho hiệp thông và trao hiến liên vị đưa đến sự tăng trưởng hoà điệu và tươi đẹp về nhân cách, mở ngỏ cho con người hướng đến tha nhân trong sự trao hiến chính mình, lại dẫn đến một sự thoái nhượng nghiêm trọng về mặt tâm lý và đạo đức, mang theo những hậu quả nặng nề cho đời sống hôn nhân cũng như đời sống độc thân linh mục. Theo Pastores Dabo Vobis, trong bối cảnh này, điều khó hơn nhưng cũng bức bách hơn, đó là bảo đảm có được một nền giáo dục về tính dục thật sự và trọn vẹn thiết thân cho từng cá nhân, một nền giáo dục dẫn đến sự quý chuộng cũng như lòng yêu mến đối với đức khiết tịnh, là nhân đức phát huy sự trưởng thành chính hiệu của ngôi vị nhân linh, làm cho con người có khả năng tôn trọng và thăng tiến “ý nghĩa hôn ước” của thân xác (PDV 44).

Tông Huấn một lần nữa đề cập đến “ý nghĩa hôn ước” đối với đời sống độc thân và đức khiết tịnh Kitô giáo. Các sa đoạ trong đời sống hôn nhân cũng như sự thoái hoá trong đời sống độc thân đều có chung một cội nguồn. Đó chính là kinh nghiệm lệch lạc về tự do: tự do thay vì được đảm nhận để tuân theo chân lý khách quan và phổ quát thì lại được xem như là sự đồng tình mù quáng với những mãnh lực của bản năng và với ý muốn thống trị của cá nhân. Khi tự do cá nhân trở nên tiêu chuẩn cho mọi chọn lựa, thái độ gắn bó nội tâm đối với những nguyên tắc luân lý sẽ bị suy yếu và dần dần biến mất. Trong bối cảnh này, sự trưởng thành nhân bản và cách riêng sự trưởng thành về mặt cảm tính của người linh mục đòi hỏi một nền đào tạo trong suốt và cương nghị nhắm đến tự do, để cho tự do mặc lấy những sắc thái của một sự tuân phục vừa xác tín vừa chân tình đối với “sự thật” của con người mình, đối với “ý nghĩa” của cuộc sống mình, nghĩa là tuân phục đến độ trao hiến chính mình một cách chân thành, lấy đó làm đường lộ và làm cốt lõi cơ bản cho sự thể hiện bản thân chính hiệu. Hiểu như thế, tự do đòi hỏi con người phải thực sự làm chủ chính mình, dứt khoát chiến đấu và thắng vượt mọi hình thái vị kỷ và cá nhân chủ nghĩa vốn đe dọa đời sống mỗi người, mau mắn cởi mở đối với tha nhân, quảng đại trong sự tận tụy và trong việc phục vụ đối với tha nhân. Tất cả những điều ấy đều quan trọng để có thể đáp trả ơn gọi, đặc biệt ơn gọi linh mục, để có thể trung thành với ơn gọi và với những cam kết gắn liền với ơn gọi, nhất là trong những giai đoạn khó khăn. (PDV 44).

Thực vậy, bậc độc thân linh mục phải là kết quả của một chọn lựa tự do, trưởng thành và nhân bản, chứ không thể chỉ được xem như một điều kiện có tính cách pháp lý cho việc thụ phong. Chấp nhận sống độc thân, linh mục chọn lựa một tình yêu cao cả hơn, một tình yêu không chia sớt dành cho Đức Kitô và Giáo Hội Ngài, với một tư thế trọn vẹn và vui tươi, luôn sẵn sàng cho thừa tác vụ mục tử. Bậc độc thân như vậy là một ân sủng đặc biệt, đòi hỏi một sự đáp trả có ý thức và tự do từ phía người lãnh nhận, với một sức mạnh phi thường và sự trợ lực không ngừng của Chúa Thánh Thần. Pastores Dabo Vobis đã củng cố cho giáo huấn quan trọng này:

Giáo dục cho con người có được tình yêu hữu trách và làm cho con người trưởng thành về cảm tính là những gì tuyệt đối cần thiết cho người nào được mời gọi, như linh mục, sống bậc độc thân, nghĩa là được mời gọi, với ân sủng của Chúa Thánh Thần và nhờ sự đáp trả tự do bằng ý muốn của riêng mình, hiến dâng toàn thể tình yêu và lòng ân cần của mình cho Đức Giêsu Kitô và cho Giáo Hội. Nhằm mục đích dấn bước sống độc thân, sự trưởng thành về mặt cảm tính phải có thể hội nhập vào trong những mối quan hệ nhân sinh, như tình bạn lành mạnh và tình huynh đệ sâu xa, một tình yêu nồng nhiệt, sắc bén và tự thân đối với Đức Giêsu Kitô. Như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã viết “tình yêu của Đức Kitô, được nối dài bằng hy lễ tiến dâng chính mình mang chiều kích hoàn vũ, phải chiếm giữ tầm quan trọng bậc nhất trong việc phát động sự trưởng thành về mặt cảm tính. Chính nhờ đó mà ứng sinh được mời gọi sống độc thân sẽ tìm được nơi sự trưởng thành về mặt cảm tính một chỗ dựa vững chắc để sống đức khiết tịnh một cách trung tín và vui vẻ” (PDV 44).

Để sống đúng theo những đòi hỏi luân lý, mục vụ và thiêng liêng của bậc độc thân linh mục, Tông Huấn nói đến việc giáo dục về lương tâm luân lý như là một công việc mật thiết gắn liền với việc đào tạo về tự do hữu trách. Nói cách khác sự trưởng thành nhân bản của linh mục phải đặc biệt bao hàm việc đào tạo lương tâm. Thật vậy, để có thể trung thành thỏa đáp những ràng buộc của mình đối với Thiên Chúa, đối với Giáo Hội và có thể hướng dẫn lương tâm các tín hữu một cách khôn ngoan, linh mục cần phải tạo thói quen lắng nghe tiếng Chúa ngỏ với mình trong lòng và cần phải gắn bó vào thánh ý Ngài với tình yêu và lòng kiên quyết. (x. DVP 44). Muốn được như vậy, đời sống linh mục phải gắn liền với việc tập luyện các nhân đức, bởi vì các nhân đức đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc chọn lựa và trung thành trong đời sống độc thân linh mục. Ngoài các nhân đức đối thần như là nền tảng cho đời sống thiêng liêng của linh mục, các nhân đức nhân bản (hay còn gọi là nhân đức trụ, cardinal virtues) - khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ - phải được tập luyện và sống để trở nên giềng mối giúp linh mục đứng vững trong các chọn lựa lớn nhỏ mỗi ngày. Nếu một trong bốn nhân đức cột trụ này bị xem thường hay bỏ qua, sự thất bại trong mục vụ cũng như gãy đổ trong cuộc sống độc thân của linh mục rất dễ xảy ra.

Tóm lại, khi được chọn lựa cách tự do và bảo vệ bởi thói quen tốt lành (các nhân đức), đời sống độc thân linh mục sẽ là sự trao hiến chính mình trong và với Đức Kitô cho Giáo Hội Ngài và sẽ biểu lộ công việc phục vụ mà linh mục thực thi cho Giáo Hội trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Như vậy bậc sống độc thân chính là yếu tố cá biệt và đặc trưng của nhân cách linh mục. Từ bỏ cha mẹ mình, linh mục nối gót Đức Giêsu Mục Tử Nhân Lành trong một sự hiệp thông tông truyền, để phục vụ dân Chúa. Bậc sống độc thân bởi đó cần phải được đón nhận với một quyết định tự do và ngập tràn yêu thương, cần phải được canh tân liên lỉ, như là một hồng ân vô giá của Thiên Chúa, như là một trợ lực cho đức ái mục vụ. Dĩ nhiên luôn có sự thiếu thốn hụt hẫng trong cuộc sống của những người “đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mt 19:27). Tuy nhiên, sự cô đơn của đời độc thân linh mục mang một chiều kích hết sức phong phú như Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI diễn tả trong thông điệp Sacerdotalis Celibatus

Vì đời sống độc thân, linh mục là một con người cô đơn: điều đó đúng, nhưng sự cô đơn của ngài không phải là sự trống rỗng vô nghĩa bởi vì nó tràn đầy Thiên Chúa và sự phong phú viên mãn của vương quốc của Ngài. Hơn nữa, người linh mục đã chuẩn bị tinh thần cho sự cô độc này - vốn phải là sự bác ái dồi dào bên trong và bên ngoài - nếu ngài đã chọn nó với sự hiểu biết đầy đủ, chứ không phải vì bất kỳ mong muốn kiêu hãnh nào muốn khác biệt với những người còn lại, hoặc rút lui khỏi cuộc sống, trách nhiệm chung, hoặc xa lánh anh chị em mình, hoặc tỏ ra khinh thường thế giới. Mặc dù bị tách biệt khỏi thế gian, linh mục không bị tách rời khỏi Dân Chúa, bởi vì ngài đã được chỉ định để hành động thay mặt con người vì ngài được thánh hiến hoàn toàn cho tình bác ái và cho công việc mà Chúa đã chọn ngài.[36]

Theo cách hiểu và diễn tả này, sự cô đơn của đời sống độc thân linh mục không mang ý nghĩa “sống một mình” trong cô độc và vô vị. Ngay trong chính những lúc cô đơn thinh lặng cũng là lúc để nhân cách mục tử được phục hồi triển nở để rồi người linh mục có thể trở về lại với các nhiệm vụ mục tử với nhiệt huyết và tinh thần mới. Có thể nói được đời linh mục luôn là một sự căng thẳng sáng tạo giữa cuộc sống bận rộn với những con người họ được sai đến để phục vụ và với Đấng muốn gặp gỡ họ trong thanh vắng của tâm hồn. Thực vậy trong thinh lặng của tâm hồn và cuộc sống, người linh mục canh tân tình thân mật với Chúa Giêsu Kitô trong nguyện ngắm và học hỏi. Trong những năm rao giảng công khai, Đức Giêsu đã thường tìm cách rút lui để cầu nguyện trong cô tịch và cũng kêu gọi các môn đệ làm như vậy (x.Mc 1:35; 6:46; Lc 5:16; 6:12; 9:28 etc.). Điều này phải là bài học cho các linh mục ở mọi thời đại hiểu rằng khả năng chịu đựng sự cô đơn hữu ích là điều kiện thiết yếu cho việc duy trì đời sống nội tâm. Trong sự thinh lặng nội tâm nguời linh mục cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Kitô và rồi trong Chúa Kitô, trong ánh sáng của Thần Khí, họ tiếp xúc với Chúa Cha. Tông Huấn cổ võ cho cách sống trong đó điều cần thiết là phải tạo thinh lặng và phải tìm được những nơi chốn và những thời gian … cho việc đào tạo trường kỳ về mặt trí thức, thiêng liêng và mục vụ… có thể quả quyết rằng hễ ai không biết sống nỗi cô đơn của mình cho tốt đẹp thì cũng không có khả năng để sống mối hiệp thông đích thực và huynh đệ (PDV 74).

Để kết thúc cho dòng suy tư về sự trưởng thành và quân bình cảm tính trong đời độc thân linh mục, chúng ta có thể nói rằng đời linh mục là đời hạnh phúc trong tình bạn với Đấng luôn chung thuỷ “vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2:13), hiện diện và đồng hành với họ suốt năm tháng họ chấp nhận sống độc thân “vì Nước Trời” (Mt 19:12). Nhưng Người Bạn Chí Thánh này “hiền lành và khiêm nhượng” (Mt 11:29) đến mức độ không bao giờ dành lấy chìa khoá cuộc đời của họ. Đến với họ Ngài chỉ “đứng trước cửa và gõ” (Kh 3:20). Những nỗi buồn chán thất vọng cô đơn đến mức độ không chịu đựng nỗi có thể xảy ra trong đời linh mục, chỉ vì họ từ chối không mở cửa hay đã đánh mất chìa khoá! Chỉ cần tìm lại chìa khoá của tình bạn chân thực và đứng lên mở cửa cho Người “đứng sau tường nhà, nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song” (Diễm Ca 2:9) thì Bạn Tri Kỷ “sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy” (Kh 3:20). Và như vậy đời linh mục sẽ là những bữa ăn Agape thịnh soạn triền miên với “thịt béo rượu ngon” (Is 25:6) hướng đến Buổi Tiệc Cánh Chung nơi đó họ sẽ cùng “uống rượu mới” (Mc 14:25) với Người Bạn Chí Thân mà họ yêu mến hiến thân và suốt đời phục vụ. 

Drammen, Lễ Phêrô Phaolô 2024

Nguồn: gpquinhon.org
 

[1] “Non-religious priests” – các linh mục không phải tu sĩ là những người được truyền chức không lệ thuộc vào ba lời khấn dòng, trong khi các tu sĩ thuộc các hội dòng thường phải khấn giữ ba lời khuyên của Phúc Âm trong linh đạo của hội dòng trước khi được lãnh chức linh mục.

[2] “Secular (diocesan) priests” là các giáo sĩ theo Giáo Luật trực thuộc quyền tài phán của giám mục địa phương và nhập tịch (incardinated) vào giáo phận. 

[3] Pastores Dabo Vobis diễn tả điều này: “Sự tiết dục hoàn toàn vì Nước Trời ấy đã luôn luôn là đối tượng, về phía Giáo Hội, của một niềm vinh dự đặc biệt, như là dấu chỉ và trợ lực cho đức ái và như là nguồn mạch riêng biệt làm trổ sinh hoa trái thiêng liêng trong thế giới. Trong bậc sống đồng trinh và độc thân, đức khiết tịnh duy trì ý nghĩa cơ bản của nó, nghĩa là ý nghĩa của một đời sống tính dục con người được thể hiện như là một phương cách biểu lộ chính hiệu và như là một lối nẻo phục vụ quí giá cho tình yêu hiệp thông và trao hiến liên vị. Ý nghĩa ấy tiềm ẩn và tồn tại một cách tròn đầy trong bậc sống đồng trinh là bậc sống, mặc dầu khước từ đời sống hôn nhân, thể hiện “ý nghĩa phu thê” của thân xác, nhờ vào sự hiệp thông và sự trao hiến liên vị với Đức Giêsu Kitô và với Giáo Hội của Ngài; sự hiệp thông ấy và sự trao hiến ấy là hình ảnh tiên báo và là cảm nếm trước hương vị của sự hiệp thông trao hiến hoàn hảo và vĩnh viễn trên trời” (PDV 29).

[4] Cho dầu không có một đồng thuận tuyệt đối nào về tác giả cũng như thời gian biên soạn của phúc âm thứ tư, nhưng đa số các học giả Kinh Thánh đều đồng ý là Phúc Âm Thánh Gioan được viết cuối cùng trong 4 phúc âm vào khoảng 90 AD.

[5] Xuất hiện dưới 2 hình thức: danh tự - ἀγάπη và động từ - ἀγαπάω. 

[6] Sánh với 11 lần trong Mattheo, 4 lần trong Marco và 12 lần trong Luca.

[7] Trong Deus Caritas Est, ĐGH Benedicto XVI có đề cập đến vấn nạn của từ ngữ tình yêu (cf. s. 2) và phân tích sự khác biệt giữa “eros”, “agape” và “philia” được dùng trong văn chương Hy Lạp và trong các sách Tân Ước, đặc biệt của Thánh Gioan (cf. s.3 và 4).

[8] Yêu - ἠγάπησεν quá khứ (aorist) của động từ ἀγαπάω.

[9] Proto-evangelium Gioan 3:16 cũng được thánh Phaolô diễn tả một cách tương tự trong Rom 8:32: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?”.

[10] Ὁ θεὸς ἀγάπη ἐστίν (1Jo 4:16).

[11] Tương quan giữa chức linh mục và Mầu Nhiệm Ba Ngôi được Tông Huấn diễn tả: “Chính trong lòng Giáo Hội xét như là mầu nhiệm hiệp thông giữa Thiên Chúa Ba Ngôi trong nỗi day dứt thi hành sứ vụ mà mọi căn tính Kitô hữu được mạc khải và đồng thời căn tính loại biệt của linh mục và của thừa tác vụ linh mục cũng được mạc khải. Quả vậy, linh mục, nhờ vào sự thánh hiến đã lãnh nhận qua bí tích Truyền Chức thánh, được sai đi bởi Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, và một cách đặc biệt được nên đồng hình dạng với Ngài, Đấng là Đầu và Mục Tử của dân Ngài, để sống và hoạt động, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhằm phục vụ Giáo Hội và cứu độ thế giới... Nhờ đó, người ta hiểu được tính chất thiết yếu “tương giao” của căn tính linh mục : do bởi chức linh mục phát sinh từ nơi thẳm sâu mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa, nghĩa là từ tình yêu của Chúa Cha, từ ân sủng của Chúa Giêsu Kitô và từ ơn hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, người linh mục qua bí tích được hội nhập vào sự hiệp thông với Giám mục và với các linh mục khác, để phục vụ Dân Thiên Chúa là Giáo Hội và để dẫn dắt mọi người đến với Chúa Kitô…” (PDV 12).

[12] Ở đây muốn nói đến ý niệm κοινωνία (koinonia) – communio - hiệp thông - của Tân Ước, lần đầu tiên xuất hiện trong 1Cor 10:16 và được thánh Phaolô dùng để quảng diễn các quan điểm là căn bản cho Giáo Hội học (2Cor 9:13; 13:13; Gal 2:9; Philippe 1:5; 2:1; 3:10), nhưng thánh Gioan cũng đã dùng thuật ngữ này trong thư thứ nhất của ngài để diễn tả rất sâu mầu nhiệm hiệp thông Kitô giáo: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người” (1Gioan 1:3 - Nhấn mạnh của người viết). 

[13] ὁ πατὴρ hay ὁ πατήρ μου.

[14] πατέρα ὑμῶν (πατηρ ὑμεις) – “Cha của anh em” xuất hiện trên dưới 20 lần trong Phúc Âm Mathêu và được dùng nhiều lần trong các Phúc Âm Nhất Lãm khác. 

[15] ἀγαπᾷς με (Gio 21:15.16)

[16] φιλέω, động từ của φιλος xuất hiện 21 lần trong Tân Ước trong đó 9 lần trong Phúc Âm Thánh Gioan.

[17] φιλῶ σε (Gio 21:15.16.17)

[18] φιλεῖς με (Gio 21:17)

[19] Chỉ có hai người được Kinh Thánh Cựu Ước gán cho danh dự “bạn với Chúa” là Abraham (Isaia 41:8) và Moisen (Xuất Hành 33:11).

[20] ἠγάπα δὲ ὁ Ἰησοῦς τὴν Μάρθαν καὶ τὴν ἀδελφὴν αὐτῆς καὶ τὸν Λάζαρον (Gio 11:5) - Nhấn mạnh của người viết.

[21] σημεῖον – Xemeion cũng có thể dịch là dấu chỉ, xuất hiện 17 lần trong phúc âm thứ tư. 

[22] Không như các Phúc Âm Nhất Lãm tường thuật lại rất nhiều phép lạ Chúa Giêsu đã làm (22 trong Mattheo, 20 trong Marco và 21 trong Luca), Phúc Âm Gioan chỉ chọn 7 phép lạ và gọi là Xemeion - dấu lạ hay dấu chỉ, để chuyển tải các chủ đề chính mà tác giả muốn trình bày: Đức Giêsu đã biến nước thành rượu nơi tiệc cưới Cana và “dấu lạ đầu tiên này…bày tỏ vinh quang của Người…” (Gio 2:11); dấu lạ thứ hai là chữa con của một người sĩ quan Roma cũng ở Cana (Gio 4:46-54); dấu lạ thứ ba chữa người bại liệt ở hồ nước Betsaida (Gio 5:1-18); dấu lạ thứ tư hoá bánh nuôi 5 ngàn người (Gio 6:1-15), dấu lạ thứ năm chữa người mù từ lúc mới sinh (Gio 9), dấu lạ thứ sáu cho Lazaro sống lại (Gio 11) và dấu lạ thứ bảy cuối cùng là chính biến cố Phục Sinh (Gio 20).

[23] Trong xã hội Do Thái với truyền thống tôn giáo và văn hoá rất gần với quan niệm “nam nữ thọ thọ bất tương thân” của Trung Hoa, Phúc Âm cho chúng ta thấy Đức Kitô đã bắt đầu những thay đổi để cho quan hệ của con người không hoàn toàn lệ thuộc vào phái tính hay phân biệt thái quá giữa nam nữ. Thánh Luca đã kể lại việc Đức Kitô đã để cho “một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành… đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người… lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Luca 7:37-38). Thánh sử cũng cho biết ai là những người theo Chúa trên hành trình rao giảng Tin Mừng: “Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ” (Luca 8:1-3). Đây có thể nói được Đức Kitô đã bắt đầu một cuộc “cách mạng” tạo nên sự chống đối và dị nghị trong xã hội Do Thái (x. Luca 7:39). Nhưng sự đổi mới này đã trở thành hiện thực trong đời sống cộng đoàn (x. CVTĐ 4:42-47) của những người “được gọi là Kitô hữu” (CVTĐ 11:26). Chính Phaolô, người không biết Đức Kitô trần thế, chỉ gặp Đấng Phục Sinh trên đường Damas, đã chính thức khai triển và tuyên bố điểm độc sáng này của Kitô Giáo: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (Galata 3:27-28).

[24] Sau Phục Sinh, mãi đến khi Đức Kitô hiện ra lần thứ hai với các môn đệ, Thomas mới đại diện các tông đồ tuyên xưng thiên tính của Đức Kitô: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Gio 20:28).

[25] Trong Phúc Âm Nhất Lãm vinh dự này chỉ dành cho Phêrô (x. Matheo 16:16; Marco 8:29 và Luca 9:20). Ngược lại trong Phúc Âm Gioan, không có lời tuyên xưng trọng thể này của Phêrô. Chỉ sau phép lạ hoá bánh Phêrô đã đại diện các môn đệ xác định lòng trung thành với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Gio 6:68-69).

[26] “Nếu Đức Ki-tô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cor 15:14). 

[27] Trong Phúc Âm Nhất Lãm, sau lời tuyên tín để Giáo Hội được xây trên tảng đá Phêrô (x. Math 16:18-19), Chúa Giêsu đã dành nhiều thời giờ để giáo huấn các tông đồ về mầu nhiệm Vượt Qua là chính trung tâm của ơn cứu độ. Để chuẩn bị cho các tông đồ là những người sẽ chịu trách nhiệm làm chứng và rao giảng Tin Mừng Phục Sinh, Chúa Giêsu đã ba lần báo trước và giải thích các ông về biến cố Tử Nạn Phục Sinh của Ngài (x. Matheo 16:21-23; 17:22-23; 20:17-19; Marco 8:31-32; 9:30-32; 10:32-34; Luca 9:22; 9:44-45; 18:31-34).

[28] δηνάριον - Latinh và nhiều ngôn ngữ Tây Phương gần như vẫn giữ nguyên gốc từ này: denarius (tiếng Anh), denaro (Ý), denar (Nauy, Đức)… Trong dụ ngôn thợ làm vườn nho (x. Mattheo 20:1-16) mỗi người được mướn vào làm vườn nho, sớm hay trễ đều được trả một denar; và các tông đồ đã tính phải dùng 200 denar mới mua đủ bánh cho 5000 ngàn người ăn (x.Marco 6:31; Gioan 6:7).

[29] Tức khoảng trên dưới 100 triệu tiền Việt hiện tại, nếu tính theo bỗng lễ mỗi tháng của các cha tại Việt Nam hiện nay là khoảng 9 triệu, được xem là mức lương thấp nhất so với các nghề nghiệp khác.

[30] Tông Huấn quan sát và phân tích tình trạng này: “… Trong tình huống lịch sử với những gì là bấp bênh của nó, công việc phân định dựa theo Tin Mừng không chỉ thâu nhận một dữ kiện đơn thuần để rồi phải đem ra ứng dụng một cách chính xác và để rồi có thể dửng dưng hoặc thụ động trước dữ kiện ấy, nhưng đúng hơn thâu nhận một “bổn phận”, một thách đố đối với tự do có trách nhiệm, hoặc của cá nhân mà thôi hoặc của cộng đoàn. Đó là một thách đố gắn liền với “lời mời gọi” mà Thiên Chúa làm vang vọng trong chính tình huống lịch sử : vì vậy, trong tình huống, Thiên Chúa mời gọi trước hết Giáo Hội cùng với người tín hữu làm sao cho “Tin Mừng về ơn gọi và về chức linh mục” diễn dạt được tính trường tồn của chân lý trong những hoàn cảnh đổi thay của cuộc sống” (PDV 10).

[31] Cho dầu khác biệt nhưng có một sự gắn bó mật thiết giữa chức tư tế thừa tác và tư tế cộng đồng, như Tông Huấn diễn tả: “Sau hết, bởi vì dung mạo của mình cũng như sự dẫn thân của mình không phải là để thay thế nhưng đúng hơn để nâng cao chức tư tế lãnh nhận từ Bí Tích Rửa tội của toàn thể Dân Thiên Chúa và để hướng dẫn chức tư tế ấy đến chỗ thể hiện trọn vẹn trong Giáo Hội, các linh mục sống trong một tương quan tích cực và xây dựng đối với người giáo dân. Các linh mục phục vụ cho đức tin, cho niềm trông cậy và cho đức ái của họ. Các linh mục công nhận những điều ấy và, với tư cách là anh em và là bạn hữu, các linh mục bảo tồn phẩm giá cho những người làm con Thiên Chúa và giúp họ thực thi trọn vẹn vai trò loại biệt của họ trong khuôn khổ sứ vụ của Giáo Hội. Chức tư tế thừa tác được phong ban nhờ bí tích Truyền Chức Thánh và chức tư tế cộng đồng hay “vương giả” của các tín hữu, mặc dầu khác biệt với nhau chẳng những về cấp trật nhưng còn về yếu tính, vẫn liên quan với nhau và lệ thuộc lẫn nhau; cả hai — dưới những hình thức khác nhau — đều bắt nguồn từ chức tư tế duy nhất của Đức Kitô. Thực ra, chức tư tế thừa tác tự nó không là dấu chỉ cho một cấp độ thánh thiện cao hơn so với chức tư tế cộng đồng của các tín hữu; nhưng, do bởi chức tư tế thừa tác, các linh mục đã lãnh nhận từ Chúa Kitô, bởi Chúa Thánh Thần, một ân huệ loại biệt, hầu có thể giúp Dân Thiên Chúa thực thi một cách trung thành và trọn vẹn chức tư tế cộng đồng được ban cho họ” (PDV 17).

[32] Pastores Dabo Vobis đề cập đến liên quan giữa đời sống độc thân linh mục và đời sống hôn nhân: “Nếu được sống một cách chính hiệu, bậc độc thân linh mục sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho việc chu toàn thừa tác vụ linh mục giữa đoàn dân Thiên Chúa. Ngoài ra, bằng cách làm chứng về giá trị Tin Mừng của sự trinh khiết, linh mục nhờ đó mà có thể giúp các đôi bạn Kitô hữu biết sống trọn vẹn “bí tích cao cả” là tình yêu của Đức Kitô Phu Quân đối với Hiền Thê Giáo Hội và, nhờ sự trung thành của mình trong bậc độc thân, linh mục sẽ trở nên nguồn khích lệ cho sự trung thành trong đời sống vợ chồng” (PDV 50).

[33] Đây chính là đức ái mục vụ theo cách diễn tả của Tông Huấn: “Nguyên lý nội tại, nhân đức thôi thúc và hướng dẫn đời sống thiêng liêng của linh mục, xét như đã nên đồng hình dạng với Đức Kitô Đầu và Mục Tử, chính là đức ái mục vụ, thông phần vào đức ái mục vụ của Đức Kitô Giêsu: đó là ơn nhưng không của Chúa Thánh Thần và, đồng thời về phía linh mục, là sự dấn thân và lời mời gọi để đáp trả tự do và có trách nhiệm…Cốt lõi của đức ái mục vụ là trao hiến chính mình, trao hiến hoàn toàn cho Giáo Hội, theo hình ảnh sự trao hiến của Đức Kitô và thông phần với Ngài. “Đức ái mục vụ là nhân đức nhờ đó chúng ta noi gương Chúa Kitô trong sự trao hiến của Ngài và trong việc phục vụ của Ngài. Không phải chỉ những việc chúng ta làm, nhưng là việc chúng ta trao hiến chính mình mới biểu lộ tình yêu của Đức Kitô dành cho đoàn chiên của Ngài. Đức ái mục vụ ấn định cho chúng ta cách thế suy nghĩ và hành động, phương thức quan hệ với người đời. Điều ấy rất là đòi hỏi đối với chúng ta…” (PDV 23).

[34] Trong Sắc Lệnh về Ðào Tạo Linh Mục, Công Đồng Vatican hướng dẫn việc đào tạo các linh mục tương lai: “Các chủng sinh phải hiểu biết đúng mức về những bổn phận và phẩm giá của hôn nhân công giáo, biểu tượng tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Eph 5,22-33). Ðàng khác, họ cũng phải thâu hiểu nét ưu việt của đức trinh khiết dâng hiến cho Chúa Kitô, để vì thế tận hiến trọn hồn xác cho Chúa bằng một quyết định đã được cân nhắc chín chắn và đại lượng. Phải cho họ biết những hiểm nguy đang đe dọa đức khiết tịnh của họ, nhất là trong xã hội hiện thời; với những trợ lực thích ứng của Thiên Chúa và loài người, họ phải biết dung nạp sự từ khước đời sống hôn nhân, sao cho cuộc đời và công việc của họ không những không bị thiệt thòi gì do bậc độc thân gây ra, nhưng hơn thế nữa, họ làm chủ được hồn xác, phát triển được sự trưởng thành trọn vẹn hơn, và đạt được hạnh phúc Phúc Âm cách toàn hảo hơn” (Optatam Totius, 10).

[35] Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã kết luận Tông Huấn bằng những lời tâm tình trực tiếp với các linh mục: “Anh em linh mục rất thân mến, sở dĩ anh em xả thân như vậy là bởi vì chính Chúa, với sức mạnh của Thần Khí Ngài, đã mời gọi anh em làm cho kho tàng vô giá là tình yêu của Vị Mục Tử Nhân Lành được hiện diện trong những chiếc bình sành là cuộc đời khiêm tốn của anh em…Hiệp thông với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, nhân danh tất cả các giám mục trên thế giới và toàn thể cộng đoàn Giáo Hội, Tôi muốn bày tỏ trọn niềm tri ân mà chắc hẳn là chính đáng đối với lòng trung thành của anh em và công việc phục vụ của anh em… Tôi cầu chúc tất cả anh em được ơn canh tân mỗi ngày ân huệ của Thiên Chúa mà anh em đã lãnh nhận do việc đặt tay, ơn hưởng nhờ nguồn khích lệ nơi tình bạn sâu xa là tình bạn nối liền anh em với Đức Giêsu và hiệp nhất anh em lại với nhau, ơn cảm nếm niềm vui vè sự tăng trưởng của đoàn chiên Thiên Chúa hướng về một tình yêu ngày càng lớn rộng hơn đối với Ngài và đối với mọi người, ơn bảo tồn niềm xác tín thanh thản rằng Đấng đã khởi sự nơi anh em công trình tốt đẹp chắc hẳn sẽ đưa công trình ấy đến chỗ hoàn thành cho tới ngày của Đức Kitô Giêsu (x. Ph 1,6); hiệp nhất với mọi người và với từng người trong anh em…” (PDV 82).

[36] Sacerdotalis Celibatus, số 58 - Người viết dịch theo bản văn của Toà Thánh.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top